16. Cha PHAOLÔ NGUYỄN VĂN VÀNG

Tiểu sử

Cha sinh năm 1887 tại Cầu Kho và chịu chức linh mục năm 1914. Cha Phaolô về nhậm chức Chánh Sở Tân Định kiêm Giám đốc Nhà In ngày 23-4-1946. Lúc đó đã có sẵn hai Cha phụ tá là Phêrô Nguyễn văn Long và Gioankim Nguyễn văn Nghị.

Ngày 12-5-1965, sau 19 năm giữ nhiệm vụ Cha Sở Tân Định, Cha Phaolô Vàng, lúc đó đã 78 tuổi, đã đệ đơn từ chức lên Đức Tổng Giám Mục. Để tỏ lòng yêu mến vị Cha Sở già, giáo dân Tân Định đã tổ chức một bữa tiệc từ giã có Đức Khâm sứ Tòa Thánh, Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Bình, nhiều linh mục và trên 200 giáo dân đến tham dự. Sau đó Ngài rút lui vào trong Nhà In để hưu dưỡng tại chỗ. Ngài để lại cho Cha Sở mới số tiền quỹ là 1.069.402 đ 97.

Ngày 19-9-1974, họ Tân Định mừng lễ Ngọc của Cha Phaolô Vàng, cựu Cha Sở của họ đạo. Ngài chịu chức linh mục được 60 năm và đã hưu dưỡng tại chỗ trong Nhà In Tân Định được 9 năm.

Thứ bảy 12-3-1977, Cha Phaolô Vàng mừng lễ Cửu tuần 90 tuổi Ngài dâng lễ tạ ơn lúc 5 giờ chiều. Đây là thánh lễ cuối cùng Ngài dâng trong Nhà Thờ trước mắt đông đủ giáo dân. Năm 1979, cha Phaolô Nguyễn Văn Vàng qua đời và được chôn cất tại Đất thánh các linh mục ở Chí Hòa.

Sinh hoạt

Trong thời Cha Phaolô Vàng, trường Thánh Luy vẫn do các Sư Huynh Lasan trông coi, Hiệu trưởng là sư huynh Urbain Lựu (1946-1947). Trường Sainte Enfance (Thiên Phước) vẫn do các Sơ Dòng Thánh Phaolô hướng dẫn và Bà Nhứt là So Marie Rose.

Trong Họ lúc bấy giờ có những Hội đoàn sau:

  • Hội Con Đức Mẹ,
  • Dòng ba Phanxicô,
  • Hội Bác ái Vinh Sơn và Thiếu nhi Thánh thể.

Phú Nhuận lúc này chỉ là một Họ nhánh của Tân Định.

Liền sau khi nhậm chức, Cha Vàng mở Tuần Đại Phúc từ ngày 2/6 đến ngày 16-6-1946. Ngài mời các Cha Dòng Chúa Cứu Thế đến giảng Giáo dân tham gia rất sốt sắng và phấn khởi.

Ngày 22-8-1947, Họ Phú Nhuận tách ra khỏi Họ Tân Định và giao cho Cha Andrê Nguyễn văn Đại.

Năm 1951, Ngài mở hai kỳ Đại phúc từ 18-2 đến 21-3 và từ 18-11 đến 2-12 do các Cha Dòng Chúa Cứu thế giảng phòng. Thói quen này được thực hiện hàng năm, giáo dân sốt sắng tham gia và rất thích nghe các Cha Dòng Chúa Cứu Thế giảng dạy.

Ngày 29-6-1958, một cuộc rước kiệu Đức Mẹ rất trọng thể đã diễn ra, đi từ Nhà Thờ Tân Định đến Thánh đường Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, lúc bấy giờ còn trực thuộc Họ Tân Định.

Năm 1959, ngày 14-6, Hội Các Bà Mẹ Công giáo được thành lập. Qua tháng 7-1959, Cha Vàng giao Hội Dòng Ba Phanxicô cho các Cha Dòng Phanxicô lúc này đã đến lập trụ sở Dòng ở số 3 đường Phạm Đăng Hưng thuộc địa sở Tân Định. Từ đó Dòng Ba sinh hoạt độc lập với Họ Đạo.

Ngày 24-9-1961, Hiệp hội Thánh Mẫu được thành lập với Đoàn Phụ huynh gồm 25 người và Nữ Đoàn Bác ái với 120 đoàn viên.

Ngày 22-6-1963, Họ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tách ra khỏi Tân Định. Ranh giới gồm có phần đất giữa những đường Phan Đình Phùng(Nguyễn Đình Chiểu), Đoàn Thị Điểm (Trương định), Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), Trương Minh Giảng (Trần Quốc Thảo) và Rạch Thị Nghè.

Giáo dân

Cha Phaolô Vàng cũng chú tâm đến đời sống đạo đức của các thiếu nhi. Ngòi tổ chức những buổi tĩnh tâm và dành riêng lệ ba, ngày Chúa nhật, cho các em học sinh và thiếu nhi. Ngoài các ngày Chúa nhật các em còn được dự lễ ngày thứ sáu đầu tháng và ngày 25 cuối tháng.

Năm 1917, một tin vui di đến với Họ Tân Định. Học sinh của 2 trường thánh Lu-y (Đức Minh) và trường Sainte Enfunce (Thiên Phước) đã thi đậu bằng Tiểu Học Pháp với tỷ lệ cao: Trường thánh Lu-y chiếm tỷ lệ 188/197 và trường Sainte Enfance: 35/43, nên được chính phủ ban khen.

Năm 1948, Trường Thánh Lu-y kỷ niệm 25 năm thành lập. Số Học sinh nam lên tới 700 em. Số các em thêm sức và rước lễ trọng thể là 300 em.

Ngày 20-3-1950, Cha Sở Vàng đã tổ chức mừng lễ vàng của Sơ Elisée 10 năm phục vụ tại Tân Định. Ngày 9-5-1950, Sư huynh Pierre Quý qua đời. Sau khi liệm xong, quan tài của sư huynh được đưa vào đặt trong Nhà Thờ để phụ huynh và học sinh thay nhau canh xác và cầu lễ. Hai sự kiện này cho thấy Cha Sở Vàng nêu cao lòng biết ơn của giáo dân đối với những người có công xây dựng Họ đạo.

Năm 1952, trường Louis de Gonzague được đổi tên là Trường Đức Minh với ý muốn cho học sinh noi theo gương nhân ĐỨC của thánh Philíphê Phan Văn MINH.

Ngày 3-4-1952, Cha Andrễ Nguyễn Văn Nam, một người con của Họ Tân Định (nhà ở SỐ 81/24 Nguyễn Hữu Cầu Q.1) về dâng lễ vinh quy. Sau này, năm 1975, Ngài được phong Giám Mục phụ tá Mỹ Tho.

Ngày 30-11-1955, Họ Đạo hân hoan chào mừng người con đầu tiên của Họ, Cha Phaolô Nguyễn văn Bình được thụ phong Giám mục. Đức Cha Bình sinh ngày 1/9/1910 tại Tân Định con ông Nguyễn Văn Trượng (nhà ở số 78/4A Võ Thị Sáu Q.1). Ngài chịu chức linh mục ngày 27/3/1937.

Ngày 22.1.1956, Đức khám sứ Josephe Caprio (1956 –1959 ) đến dâng lễ tại Họ Đạo Tân Định. Ngày 24-6-1956, Đức Cha Lemaire Bề trên Hội truyền giáo Ba Lê đến thăm viếng Họ Đạo Tân Định, nơi mà nhiều vị linh mục thừa sai đã có công xây dựng buổi ban đầu.

Ngày 6/1/1958, Trường Sainte Enfance Tân Định được đổi tên là trường Thiên Phước, học sinh toàn trường đều mặc đồng phục hồng, đồng bào địa phương thường gọi là “Vườn Hồng Tân Định”

Năm 1960, Họ đạo vui mừng đón Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Bình về nhậm chức Tổng Giám Mục địa phận Sài Gòn (20-11-1960).

Năm 1964, có kiệu rước Đức Mẹ từ Nhà Thờ Dòng Phanxicô về Thánh đường Tân Định và Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc do Đức khâm sức khai mạc và Đức Tổng Giám Mục bế mạc.

Cơ sở vật chất

Trường thánh Lu-y cũng được xây cất lại thêm 2 lớp . Kinh phí là 50.000 đ. Số tiền này do Tòa Giám Mục cho Họ Tân Định mượn. Ngoài ra Cha còn kêu gọi giáo dân đóng góp sửa chữa ngôi nhà Chúa. Số tiền dâng cúng lên đến 54.500 đ. Theo lời Cha Vàng thuật lại thì giáo dân Tân Định rất rộng rãi, họ sẵn sàng dâng cúng nếu Cha Sở biết sử dụng tiền đó một cách đúng đắn.

Năm 1947, Cha cho đến 17 cây sao và cây dầu trong sân Nhà Thờ để sân được rộng rãi và sạch sẽ hơn. Dụng cụ phục vụ trong Nhà Thờ do Cha mua sắm đều chắc chắn. Áo lễ, chén thánh được mua tận bên Tây.

Năm 1949, Cha cho sửa lại sườn nhà thờ, thay đổi kèo và đòn tay bằng sắt. Ngài đã nhờ hãng thầu “Société Hokayem et Bourget” phụ trách việc kiến thiết. Kinh phí lên đến 440.043đ45. Cha còn cho sơn phết lại trần Nhà Thờ để mừng đón năm thánh 1950.

Năm 1957, sân Nhà Thờ được trải đá và tráng nhựa. Công trình này được giao cho hãng thầu Dossa khởi công ngày 13-2-1957 và hoàn thành ngày 2-9-57 với kinh phí là 179.000 đ.

Cuối năm 1958, Cha Vàng cho xây tường xung quanh Đất thánh Tân Định để ngăn chặn nạn xâm lấn đất đai do những người di cư đến lập nghiệp vùng Chí Hòa. Tổng số chỉ là 182.789450.

Năm 1960, Cha Vàng xây nhà bếp cho các cha, Hội Quán (dành cho những buổi hội họp, tiếp tân, văn nghệ). Ngài còn cất mấy lớp giáo lý bên cạnh Hội quán (từ 1966 đến 1975) dùng làm nhà in Caritas. Việc xây cất hoàn thành ngày 24.8.1960, kinh phí hết 511.000 đ.

Các Cha Phụ tá:

Dưới thời Cha Vàng, có sự thay đổi về các Cha Phụ tá như sau:

  • Ngày 20-10-1949 : Cha Phêrô Long đổi đi Phước Lý và Cha Clément Nguyễn Kim Thạch đến thay.
  • Đầu tháng 12-1950, Cha Phêrô Nguyễn Thành Thông đổi đi Bà Rịa và Cha Phêrô Trần văn Thông đến thay. Trong những năm 1950 1951 còn có Cha Lu-y Phạm văn Nẫm, giáo sư chủng viện đến giúp Họ Đạo.
  • Ngày 20-4-1952, Cha Martinô Lê Phước Khánh về làm phụ tá.
  • Ngày 29-1-1953, Cha Phêrô Đặng Thành Tiền đổi đi và Cha Ernest Nguyễn văn Nhường về làm phụ tá.
  • Ngày 10-3-1953, Cha Clêmentê Nguyễn Kim Thạch đổi đi và ngày 5-7-1953 Cha Vincentê Trần Minh Khang về.
  • Ngày 29-4-1954, Cha Pierre Trần văn Thông và Cha Nguyễn văn Nhường đổi đi.
  • Cuối tháng 9.1954, Cha Tôma Lê văn Hiếu và Cha J.B Đinh Đức Hậu về.
  • Năm 1955, Cha Phêrô Lê văn Phát về (từ 1957 – 1959 Ngài đổi đi làm tuyên úy, sau đó trở về Tân Định làm Cha Phụ tá và đến năm 1963 Ngài đổi đi Trảng Bàng).
  • Từ 1956 – 1959, có các Cha Đa Minh Đinh Xuân Hải và Cha J.M Nguyễn văn Vĩnh về làm phụ tá.
  • Từ 1957 – 1963, có Cha Giuse Nguyễn Đức Thịnh.
  • Từ tháng 11-1959 – 1961, có Cha Matthêu Lê Minh Châu.
  • Từ tháng 7-1961 – 1966, có Cha Giuse Nguyễn Hiến Thành.
  • Từ 1963 – 1965, có Cha Phanxicô Xaviê Trần Ngọc Dương.
  • Tháng 6-1963, dịp là Thánh Tâm, Cha Giuse Đoàn Huy Hùng về làm phụ tá (đến tháng 12-1968 Ngài đi du học Canada).

Trích “Kỷ niệm 140 năm thành lập Giáo Xứ và 125 năm xây dựng Thánh Đường”