16/07 – CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN năm A

“Kìa, có người gieo giống đi gieo lúa”.

Lời Chúa: Mt 13, 1-23

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.

Người nói: “Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi. Ai có tai thì hãy nghe”.

Các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp lại: “Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: “Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành”. Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe.

“Vậy, các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường. Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó, đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết nghẹt mà không sinh hoa kết quả được. Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi”.

Suy niệm: Thiên Chúa là người gieo giống khác thường, gieo Lời của Ngài trên mọi mảnh đất tâm hồn con người, bất kể đó là tâm hồn sỏi đá, gai góc hay là đất tốt. Điều kỳ diệu là Ngài chúng ta được tự do chọn là mảnh đất khô cằn hay là thuở ruộng phì nhiêu tươi tốt, và càng kỳ diệu hơn, Ngài cho ta có cơ hội hoán cải để trở nên đất tốt để đón nhận Lời Ngài và sinh hoa kết quả.

Mời Bạn: Chúa thường ví hạnh phúc cứu độ như bữa tiệc cưới linh đình mà “cỗ bàn đã sẵn” (x. Mt 22,4), chỉ đợi các khách mời đến nhập tiệc. Nhưng Thiên Chúa lại tôn trọng con người tới mức để cho chúng ta tự do đón nhận hay khước từ Tình Yêu của Người. Người ta có thể bị cám dỗ chạy theo những đam mê dục vọng, tìm kiếm hạnh phúc nơi những thứ tạm thời hơn là tìm kiếm hạnh phúc đích thực nơi chính Thiên Chúa. Bạn nhớ rằng: “Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa” (Sách GLHTCG, số 31). Vì thế, con người càng là người đích thực khi càng trở nên hoàn thiện giống Thiên Chúa. Bạn được mời gọi làm cho mảnh đất tâm hồn mình trở nên màu mỡ và sinh nhiều hoa trái. Lý tưởng hoàn thiện đó là cả một hành trình hoán cải từng ngày, nhờ sức sống của ơn thánh từ Lời Chúa và các Bí tích. Vì “chỉ nơi Thiên Chúa con người mới gặp được chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm” (số 27).

Sống Lời Chúa: Chăm sóc cho thửa đất tâm hồn bạn trở nên màu mỡ bằng việc siêng năng suy niệm Lời Chúa và lãnh nhận các bí tích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết nhận ra Chúa luôn yêu thương chúng con hết mực, để biết sống xứng đáng với Tình yêu ấy. Amen.

  1. Xin quý phụ huynh các em vừa được Thêm sức tiếp tục đăng ký để theo học các lớp giáo lý sau thêm sức. Các em thiếu nhi sau thêm sức tiếp tục vai trò chứng nhân của mình.
  2. Bắt đầu từ tuần này xin anh chị em đi xe gắn máy để xe vào khu vực nhà xe mới kể cả ngày thường trong tuần. Xin tắt máy dẫn bộ khi ra vào trong khu vực để xe. Xin vui lòng theo sự hướng dẫn của anh chị em có trách nhiệm.
  3. Hôm nay xin anh chị em giúp cho việc xây dựng nhà thờ Sông Xoài Giáo phận Mỹ Tho. Cha Sở Phêrô Ký Ngọc Tuấn chia sẻ tình hình giáo xứ hiện nay mong được sự chia sẻ của anh chị em.

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

15/07 – Thứ Bảy tuần 14 thường niên. – Thánh Bônaventura, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác”.

Lời Chúa: Mt 10, 24-33

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Môn đệ không hơn thầy, và tôi tớ không hơn chủ mình. Môn đệ được bằng thầy, tôi tớ được bằng chủ mình thì đã là khá rồi. Nếu họ đã gọi chủ nhà là Bêelgiêbul thì huống hồ là người nhà của Ngài. Vậy các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Điều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.

“Các con đừng sợ kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn. Các con hãy sợ Đấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.

“Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời”.

Suy niệm: Sợ là một phản ứng tâm lý bình thường nơi con người. Ai cũng có cái để sợ. Ngay cả Chúa Giê-su, trong vườn Cây Dầu, Ngài cũng đã sợ đến độ đổ mồ hôi máu. Thế nhưng dù sợ, Ngài không chùn bước, không thối lui, Ngài vẫn hiên ngang bước vào cuộc khổ nạn và chấp nhận cái chết để thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha. Vì hơn ai hết, Ngài hiểu rõ về Cha: là Đấng thấu suốt mọi chân tơ kẽ tóc; và là Đấng an bài mọi sự, dù đó chỉ là mạng sống con chim sẻ. Ngài đến trần gian là chỉ để làm chứng về Cha. Và những kẻ theo Ngài, cũng mang cùng một sứ mạng: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).

Mời Bạn: Vì danh Chúa Ki-tô, người môn đệ sẽ bị thế gian thù ghét; nhưng Ngài trấn an những kẻ theo Ngài là “đừng sợ”, vì Ngài đã thắng thế gian (Ga 16,33). Thắng, không có nghĩa là đè bẹp thế gian, mà là không chấp nhận làm theo những đòi hỏi của nó, cho dù bị đe dọa, bị khủng bố, hay bị giết chết; mà trái lại, còn biến đổi và thánh hoá nó. Chúa cho biết quy luật để vào Nước Trời là: “Ai cố giữ mạng sống mình thì sẽ mất” (Mc 10,39). Bạn xét xem bạn đang sợ điều gì, và có phải vì sợ mà bạn thoả hiệp với thế gian mà lỡ mất hạnh phúc Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên kiểm điểm cuộc sống để sớm nhận ra mình đang thoả hiệp với thế gian như thế nào và để chấn chỉnh lại đời sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, là một con người, Chúa cũng sợ hãi, nhưng Chúa không thỏa hiệp để giữ lấy mạng sống. Xin ban thêm niềm tin, để con dám liều thân để chọn sống theo ý Chúa. Amen.

14/07 – Thứ Sáu tuần 14 thường niên.

“Không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con”.

Lời Chúa: Mt 10, 16-23

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Này, Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói rừng. Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì? Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.

“Anh sẽ đem nộp giết em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại với cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ. Khi người ta bắt bớ các con trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật các con: Các con sẽ không đi khắp hết các thành Israel cho đến khi Con Người đến”.

Suy niệm: Khi xảy ra thiên tai, người dân được kêu gọi tận dụng những phương tiện tại chỗ để ứng phó hầu hạn chế thiệt hại, trong khi chờ đợi các nguồn cứu trợ từ xa. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su báo trước thân phận của các môn đệ sẽ phải đương đầu với nhiều gian nan nguy hiểm: sống giữa thế gian họ như “chiên giữa bầy sói”, họ sẽ bị bắt, bị nộp, bị đánh đập, ghét bỏ, giết chết… Chúa Giê-su dạy trong cơn bách hại, không được lo lắng, sợ sệt nhưng luôn tin tưởng vào nguồn trợ lực siêu nhiên là Chúa Thánh Thần hiện diện trong tâm hồn: “Anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, thật vậy, không phải chính anh em nói mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” Trong cơn nguy khốn, tưởng chừng vắng bóng Thiên Chúa, nhưng chính Chúa Thánh Thần hiện diện kề bên để giúp ta ứng phó.

Mời Bạn: Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Đấng Bảo trợ là Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ như lời Chúa Giê-su đã hứa. Ngài đến gìn giữ, hướng dẫn, thánh hoá và canh tân Hội Thánh. Ngài cũng hoạt động nơi mỗi người chúng ta như chân phước Elena Guerra nói: Mỗi tín hữu có thể nói: Chúa Ki-tô hứa ban Thánh Thần của Người cho tôi, thật vậy cho tôi cách riêng. Vì vậy, bao lâu tôi mong ước Chúa Thánh Thần, tôi sẽ nhận được Người. Người sẽ đến với tôi. Người sẽ ban Người cho tôi. Người sẽ ở lại với tôi.”

Sống Lời Chúa: Dừng lại giây lát trước khi làm bất cứ việc gì để cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, Xin biến đổi và thánh hoá con trong tình yêu và sức mạnh diệu kỳ của Chúa để con sống cho vinh quang Thiên Chúa. Amen.

13/07 – Thứ Năm tuần 14 thường niên.

“Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.

Lời Chúa: Mt 10, 7-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng:

“Các con hãy đi rao giảng rằng “Nước Trời đã gần đến”. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc, vì thợ thì đáng được nuôi ăn.

“Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: “Bình an cho nhà này”. Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy. Nhưng nếu ai không tiếp rước các con và không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi nhà hay thành ấy và giũ bụi chân các con lại. Thật, Thầy bảo các con: Trong ngày phán xét, đất Sôđôma và Gômôra sẽ được xét xử khoan dung hơn thành ấy”.

Suy niệm: Khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su dạy các ông cũng phải noi theo gương mình: cho đi vô điều kiện vì tình yêu tha nhân. Từ giờ phút này, các ông phải sắp xếp lại lối suy nghĩ, hành động của mình, phải từ bỏ cách nói, cách làm quen thuộc để có thể quên mình cho đại cuộc. Sắp xếp lại là cách diễn dịch công cuộc “Tân Phúc Âm Hóa” mà hiện nay Giáo Hội đang đề cập đến rất nhiều. Sắp xếp bao hàm sự phân loại: cái gì nên giữ, cái gì nên bỏ dựa trên những giá trị của Tin Mừng. Các ông phải rao giảng, chữa lành bệnh tật, khử trừ ma quỷ cách vô cầu, hay cho không như chính mình đã được cho không. Đó chính là tình yêu, là khởi điểm cho một tình yêu sâu xa và tận căn nơi các sứ giả Tin Mừng.

Mời Bạn: Là linh mục, tu sĩ, tông đồ giáo dân… bạn đã cho không thế nào? Cho không là không nhắm đến một ‘hòn chì ném lại’ nào, dù là tình cảm, tiền bạc, đồ vật hay một mối tương quan nào từ người được thụ hưởng. Ai cũng có một cái gì đó tốt đẹp để cho không, bạn cũng vậy thôi!

Sống Lời Chúa: Động lực thúc đẩy các môn đệ ra đi theo lệnh truyền của Chúa Giêsu không gì hơn là lòng thương xót của Ngài. “Ngài chạnh lòng thương” họ như chiên bơ vơ không người chăm sóc. Động cơ thúc đẩy chúng ta đem tình cho không biếu không người anh chị em cũng không ngoài quĩ đạo ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu đáng mến, Chúa ban cho chúng con ơn huệ tuyệt vời là được nhận biết và yêu mến Chúa. Xin giúp chúng con biết “cho đi mà không cần tính toán,” bởi vì chúng con luôn ý thức mình không có gì mà đã chẳng lãnh nhận từ Chúa. Amen.

12/07 – Thứ Tư tuần 14 thường niên.

“Các con hãy đến cùng chiên lạc nhà Israel”.

Lời Chúa: Mt 10, 1-7

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ Người lại, và ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền.

Đây là tên của mười hai Tông đồ: Trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em của ông, Giacôbê con ông Giêbêđê và Gioan em của ông, Philipphê và Bartôlômêô, Tôma và Matthêu người thu thế, Giacôbê con ông Alphê và Tađêô, Simon nhiệt tâm và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.

Chúa Giêsu đã sai mười hai vị này đi và truyền rằng: “Các con đừng đi về phía các dân ngoại và đừng vào thành của người Samaria. Tốt hơn, các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà Israel. Các con hãy đi rao giảng rằng: ‘Nước Trời đã gần đến'”.

Suy niệm: Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di một hôm gọi một thầy cùng với mình đi giảng đạo. Hai người rảo qua các đường phố rồi trở về nhà. Thầy đó hỏi thánh nhân vì sao ngài nói đi giảng đạo mà không giảng dạy gì. Thánh Phan-xi-cô trả lời: ngay trong lúc đi đường ngài đã giảng đạo rồi. Chúa Giê-su dạy các môn đệ đến với “các chiên lạc nhà Ít-ra-en” thế mà chưa đến “nhiệm sở,” các ông đã phải rao giảng ngay khi đi dọc đường. Và Chúa còn truyền lệnh cho dù người nghe có đón nhận Lời hay không thì cũng phải nói với họ: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,11). Các ông phải sẵn sàng bỏ lại mọi thứ hành trang cồng kềnh, giã từ những mối quan hệ vô bổ để có thể tập trung tất cả cho việc loan báo Tin Mừng.

Mời Bạn: Tất cả cho việc loan báo Tin Mừng nghĩa là từ việc bạn mua sắm, ăn mặc, hay làm công việc nghiệp vụ chuyên môn của bạn cho đến việc bắt tay chào hỏi một người quen, thậm chí việc bạn nhai một miếng cơm, uống một ngụm nước, v.v… tất cả đều có thể biến thành một hành động loan báo Tin Mừng nếu như những việc đó chuyển tải sứ điệp “Nước Thiên Chúa đã đến gần.” Nếu chỉ khi nào bạn lên tiếng rao giảng mới là loan báo Tin Mừng thì cả đời bạn, bạn có loan báo được bao nhiêu?

Chia sẻ: Kiểm điểm xem những sinh hoạt trong nhóm của bạn đã nói lên được sứ điệp nào của Tin Mừng chưa.

Sống Lời Chúa: Chú ý làm tốt một công việc thường ngày với ý chỉ cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết thao thức trước cảnh “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít,” xin hãy sai con đi làm thợ gặt trong cánh đồng của Chúa.

TGPSG — “Xin Chúa cho mỗi người chúng ta khám phá ra mọi sự đều là hồng ân của Chúa.”

Đó là nhắn nhủ của Đức Tổng Giám Mục (TGM) Tổng Giáo phận Sài Gòn (TGPSG) Giuse Nguyễn Năng trong thánh lễ mừng kính thánh Anê Lê Thị Thành, bổn mạng Hội các Bà Mẹ Công Giáo (CBMCG)  TGPSG diễn ra vào lúc 17g30 chiều ngày 11/07/2023 tại nhà thờ Tân Định.

Đồng tế với Ngài có linh mục (Lm) Phanxicô Xaviê Đậu Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Linh hướng hội CBMCG, Lm Phaolô Nguyễn Quốc Hưng, Chánh xứ Tân Định và Lm đồng hành.

Sau phần công bố Lời Chúa của Lm Tổng linh hướng, Đức TGM chia sẻ.

Thường thì khi mừng thánh bổn mạng, chúng ta đều có ước muốn noi gương bắt chước vị thánh đó. Nay lễ mừng thánh Anê Lê Thị Thành tử đạo, chúng ta có muốn bắt chước tử đạo giống bà không?  Thật ra chết vì đạo không phải dễ, đó là một hồng ân. Tử đạo là một tiến trình, tiến trình của cuộc sống và tiến trình của cái chết.

Trước hết, thánh Anê là một người vợ, một người mẹ đạo đức. Bà rất chăm lo việc giáo dục cho con, dạy con học chữ, học giáo lý, xưng tội rước lễ, đôn đốc con cái gia nhập các hội đoàn. Một trong những cám dỗ của thời đại ngày nay là cha mẹ thường muốn cho con mình giỏi, thần đồng, nói tiếng Anh thật giỏi mà quên việc giáo dục đức tin, đạo đức cho con cái.

Thánh Anê cũng là mẫu gương về lòng bác ái, thương xót người khác, nhất là bảo vệ các linh mục. Và cuối cùng, bà là mẫu gương trung thành với đức tin, với Chúa: “Thưa các quan, dù quan có đe dọa như thế nào, tôi nhất định không bỏ Chúa. Chúa ban sức mạnh cho tôi, Đức Mẹ nâng đỡ tôi, tôi không sợ gì ai”. Khi cảm thấy đến giờ lìa cõi đời, bà thốt lên: “Giêsu Maria Giuse, con phó linh hồn và thân xác con trong tay Chúa” và bà đã trút linh hồn vào đêm 12/07/1841.

Hôm nay, các BMCG chúng ta kính nhớ bà thánh Anê, vị nữ thánh duy nhất trong số 118 vị thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta học được nơi thánh nữ điều gì?

  • Đời sống đức tin, có chiều sâu. Chính đức tin đó đã ảnh hưởng đến con cái và hình thành những người con tốt lành, đạo đức.
  • Biết đón nhận thánh giá và những đau khổ của mình, biến chúng thành cơ hội để làm chứng cho Chúa, làm sáng danh Chúa.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta khám phá ra mọi sự đều là hồng ân của Chúa. Hãy luôn có những phản ứng tích cực, lạc quan đối với mọi sự, mọi người. Được như thế, chính chúng ta trở thành những vị thánh tử đạo, như bà thánh Anê. Xin Chúa Thánh Thần ban sức mạnh, ban tình yêu cho mỗi người chúng ta.

Bài giảng kết thúc, thánh lễ được tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể.

Cuối lễ, bà Elisabeth Đặng Thị Hiếu, Hội Trưởng CBMCG đã cám ơn Đức TGM, các linh mục đồng tế, các BMCG hiện diện, nhất là các BMCG từ Rạch Giá giáo phận Long Xuyên cũng có mặt, ca đoàn hạt Bình An, các BMCG giáo xứ Tân Định trang hoàng chưng hoa cung thánh và cộng đoàn dân Chúa hiện diện.

Đáp từ, Đức TGM nhắc lại là hiện nay, người ta thường nói đến 2 loại quyền lực: mềm và cứng. Quyền lực cứng là thường được các ông sử dụng, vung tay đập phá, đánh đấm… có lúc có kết quả, có lúc không. Nhưng có 1 quyền lực khác: quyền lực mềm, giống như nước, có lúc chảy nhẹ nhàng làm tươi mát cả cánh đồng, có lúc bộc phát, làm sụp đổ những tòa nhà kiên cố. Đây là quyền lực mà Chúa ban cho các bà, các người nữ. Chỉ cần một nụ cười là làm tan chảy mọi giận dữ, một cử chỉ dịu dàng làm tan biến mọi mệt nhọc. Chúc quý bà luôn dịu dàng và khiêm nhường trong lòng để tạo ảnh hưởng tốt trong gia đình, ảnh hưởng tốt cho mọi người khác. Đó mới chính là hoa quả của việc mừng kính thánh bổn mạng Anê Lê Thị Thành hôm nay.

Sau lễ, Đức TGM, các Lm đồng tế và toàn thể các BMCG cùng chụp bức hình kỷ niệm.

Bà Maria Trương Ngọc Thịnh, một trong 13 bà mẹ ở Rạch Giá lên tham dự chia sẻ: “Hôm nay chúng em được hân hạnh lên đây dự lễ bổn mạng chung với các chị ở Sài Gòn này. Thật là xúc động và hạnh phúc: xúc động vì thấy các chị có 1 vị cha chung thương yêu dâng lễ cho các chị, dưới chúng em thì chưa được thành lập hội; hạnh phúc vì được cùng dâng lễ với các chị, cùng được nghe những lời giảng dạy rất bổ ích,giúp chúng em hiểu rõ và yêu mến thánh nữ Anê và sẵn sàng theo chân bà.”

Bài: Hữu Lễ (TGPSG)
Ảnh: Trần Văn

Xem thêm hình ảnh:

 
Failed to get data. Error:
Request had insufficient authentication scopes.

11/07 – Thứ Ba tuần 14 thường niên. – Thánh Bênêđictô, viện phụ. Lễ nhớ.

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.

Lời Chúa: Mt 9, 32-38

Khi ấy, người ta đem đến Chúa Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi đã trừ quỷ, thì người câm nói được, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: “Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israel”. Nhưng các người biệt phái nói rằng: “Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ”.

Và Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn.

Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.

Suy niệm: E rằng có nhiều thiếu sót nơi người mẹ trong câu nói “con khóc mẹ mới cho bú”. Người mẹ trong thời gian nuôi con thơ cần phải chăm sóc con không chỉ như một vú nuôi, nghĩa là với mức cần thiết, mà còn hơn mức cần thiết, vì là người mẹ. Nhìn con, bà liền nhạy bén nhận biết nhu cầu của con theo linh tính của người mẹ,  không chờ đợi con kêu gào. Phải chăng lúc con kêu khóc cũng là lúc người mẹ thấy mình thiếu sót bổn phận? Đức Giê-su khi nhìn đám đông, Ngài bén nhạy nhận ra nhu cầu của đoàn dân: nhu cầu lương thực, nhu cầu chữa bệnh, nhu cầu tái hội nhập cộng đồng, v.v. Hơn thế nữa, Ngài thấy cả nhu cầu mà chính họ không thấy, đó là nhu cầu được chăn dắt, được hướng dẫn, một nhu cầu cần thiết hơn mọi nhu cầu khác.

Mời Bạn: Bạn là ai vậy? Có thể là người phụ trách một cộng đoàn, một nhóm, một số người hay chỉ là một thành viên nhỏ bé, vô danh. Dù vậy, có bao giờ bạn ý thức mình có trách nhiệm phải quan tâm để ý tới nhu cầu của từng người trong gia đình, trong cộng đoàn của bạn không? Nhất là nhu cầu được hướng dẫn theo chân lý? Hãy nhớ rằng Chúa đang dùng con mắt và trái tim của bạn để nhìn thấy từng người sống quanh bạn.

Chia sẻ: Tại sao ta không thấy nhu cầu của người trong nhà, trong nhóm, dù ta thường xuyên giáp mặt họ hằng ngày?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy tìm hiểu nhu cầu người bên cạnh và giúp họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con mắt con trở nên mù lòa vì trái tim con cằn cỗi, không thấy được nhu cầu của anh chị em con. Xin tạo cho con trái tim nhạy cảm để biết xót thương người bên cạnh.

TGPSG  – “Chúng con rất vui và hạnh phúc vì được tràn đầy Chúa Thánh Thần”

Đó là lời chia sẻ của em Matta Nguyễn Quỳnh Phương Anh, một trong 62 em được lãnh nhận Bí tích Thêm Sức trong thánh lễ lúc 17g30 ngày 8/7/2023 tại giáo xứ Tân Định, do Đức Giám Mục (ĐGM) phụ tá Giuse Bùi Công Trác chủ tế.

Đồng tế với ngài có linh mục (Lm) chánh xứ giáo xứ Tân Định Phaolô Nguyễn Quốc Hưng, các Lm phó và các tân Lm vừa lãnh nhận thánh chức trong ngày 16/06/2023 vừa qua cùng dâng lễ tạ ơn.

Sau lời chào mừng ĐGM phụ tá Giuse, Lm Chánh xứ Phaolô mời gọi cộng đoàn có cùng tâm tình tạ ơn với các tân linh mục trong thánh lễ hôm nay và thánh lễ bắt đầu.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, ĐGM Giuse đố 3 câu:

  1. Bổn mạng của ngôi nhà thờ này là gì?
  2. Tên của linh mục chánh xứ Tân Định hiện nay là gì?
  3. Trong 7 bí tích có 3 Bí tích nào người Kitô hữu chỉ lãnh nhận 1 lần trong đời?

Sau khi có câu trả lời đúng, ĐGM Giuse đã giải thích thêm:

  1. Ở phía trên cửa nhà thờ, có dòng chữ: “Sacratissimo Cordi Jesu” là Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, Bổn mạng của nhà thờ. Từ cạnh sườn bị đâm thủng đến Trái tim Chúa, các Bí tích được tuôn trào và đó là nguồn ơn ích thiêng liêng nuôi sống cuộc đời, nuôi dưỡng ơn cứu độ của mỗi người chúng ta.
  2. Ngài muốn nhắc đến tên Cha Sở vì Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng đã nhờ ngài đến cám ơn cha sở. Bổn phận giáo dục đức tin, củng cố đức tin cho đoàn chiên là của các Giám Mục (GM), nhưng GM không thể làm hết được, ngài phải cần đến các linh mục, các cha sở cộng tác làm thế ngài. Vì thế GM truyền chức linh mục cho một số người tuyển chọn để nhờ các ngài đến các giáo xứ cai quản, hướng dẫn, củng cố đức tin cho đoàn chiên Chúa. Cộng tác với cha sở có cha phó, Hội đồng mục vụ, tu sĩ nam nữ, các giáo dân nhiệt tình. Hoa trái hôm nay của giáo xứ chính là 62 con em họ đạo được lãnh nhận Bí tích Thêm Sức.
  3. ​​​​Ba Bí tích chịu được 1 lần là Rửa Tội, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh. Đó là lý do ngày hôm nay, có một số tân linh mục đã đến để cùng dâng lễ tạ ơn với các con. 3 Bí tích trên ghi một dấu ấn thiêng liêng không bao giờ phai mờ trong tâm hồn mỗi người. 3 Bí tích này đều được xức dầu thánh hiến, nghĩa là người được xức dầu sẽ thuộc về Thiên Chúa và sẽ dâng hiến cả cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Đức Kitô được xức dầu bởi Chúa Thánh Thần và lát nữa đây, chúng con cũng sẽ được xức dầu, được tràn đầy Thánh Thần.

Thế thì khi được tràn đầy Chúa Thánh Thần, chúng ta có bổn phận trở nên Nhân chứng Tin Mừng. Sau đó, ĐGM triển khai ý nghĩa “Nhân chứng Tin Mừng” của từng vị trí: linh mục, cha sở, cha mẹ, phụ huynh, con em, học sinh… Cuối cùng,
ngài kể lại 1 câu chuyện trong đó vị bác sĩ nguội lạnh lâu năm đã trở lại cùng Chúa nhờ cử chỉ quỳ cầu nguyện của 1 bệnh nhân thiếu nhi trước khi được giải phẩu. Câu chuyện trên đã khép lại phần giảng lễ và ĐGM chuyển qua nghi thức ban
Bí tích Thêm Sức, được tiến hành qua 3 phần:

  1. Tuyên xưng Đức tin của 62 em thiếu nhi
  2. ĐGM đặt tay xin ơn Chúa Thánh Thần xuống trên các em.
  3. ĐGM xức dầu thánh trên trán các em.

Nghi thức kết thúc, thánh lễ được tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể.

Cuối lễ, ông chủ tịch HĐGX Gioan Phêrô Nguyễn Hoài Lộc lên cám ơn ĐGM Giuse bằng 1 bài thơ ngắn gọn, súc tích và tặng hoa cho ngài. Ông cũng cám ơn Lm chánh sở, các Lm đồng tế, các phụ huynh, các giáo lý viên, ca đoàn Thiếu Nhi và cộng đoàn hiện diện.

Đáp từ, ĐGM Giuse trước hết nhắc lại lời nhắn gửi của Đức TGM Giuse đến các giáo xứ: năm nay là năm cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa. Ngài đề nghị các giáo xứ nên mở các lớp Kinh Thánh, các gia đình nên thêm phần suy niệm Lời Chúa trong giờ kinh tối.

Ngài cũng không quên đọc 2 bài thơ tặng cha sở và các thiếu nhi vừa nhận Bí tích Thêm Sức.

Tặng cha sở:

Nhà thờ Tân Định toàn màu hồng,
Hôm nay rực rỡ và đầy bông.
Cha Sở cha Phó cười thích chí,
Mừng tân linh mục nay thật đông.
Các em Thêm sức mặc áo trắng
Lễ Chúa Thánh Thần trọn tấm lòng
Ngày lễ thật vui ngày hồng phúc
Chúc mừng ngày lễ, nhà thờ hồng.

Tặng các em thiếu nhi:

Thiếu nhi hôm nay đẹp quá ta,
Áo trắng tinh khôi đầu đội hoa,
Tay cầm nến sáng cười rạng rỡ,
Bên cạnh gia đình với mẹ cha.
Chúc con “Nhân chứng” đời nên thánh
Con giỏi, trò ngoan, tiếng hát ca.
Vú bỏ đỡ đầu nên gương sáng,
Ngày lễ hôm nay vui cả nhà.

Lễ xong, ĐGM Giuse ghi hình kỷ niệm với các Lm đồng tế, các em thiếu nhi, HĐMV, Huynh trưởng.

Tân linh mục Vinh Sơn Mai Minh Tuấn chia sẻ: “Thánh lễ ban Bí tích Thêm Sức hôm nay thật sốt sắng. Việc kết hợp với thánh lễ tạ ơn của các tân linh mục, sẽ làm các em thiếu nhi nhìn thấy và phát khởi lòng mong muốn làm linh mục, như vậy hy vọng ơn gọi thánh hiến của giáo xứ sẽ khởi sắc và ngày càng được thúc đẩy thêm lên.” Buổi lễ đã kết thúc trong niềm vui và hy vọng như thế.

Bài: Hữu Lễ (TGPSG)
Ảnh: Trần Văn, Mạnh Lâm

Xem thêm hình ảnh: Tại đây.

Video Thánh lễ: