Bài giảng thiếu nhi: Chúa Nhật 2 Thường Niên, Năm A
Chúng con thân mến,
Trong suốt mấy tuần lễ qua, chúng con đã được nghe nói nhiều về Chúa Giêsu. Nào là việc Chúa Giáng sinh làm người, các đạo sĩ đến thờ lạy Chúa, nào là việc Chúa sống ở Nazareth. Hôm nay khi xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc đời loan báo Tin Mừng thì Chúa Giêsu được thánh Gioan Tẩy Giả long trọng giới thiệu Chúa cho mọi người bằng những lời hết sức cao đẹp và trang trọng sau đây “Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Ðấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Israel, tôi đến làm phép rửa trong nước”. Và ông Gioan còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Ðấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai thì người đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Ðấng Thiên Chúa tuyển chọn”.(Ga 1,29-33)
Thế chúng ta tự hỏi: Chúa Giêsu, được giới thiệu một cách trân trọng như thế để làm gì ? thì câu trả lời chúng con đã được nghe trong bài sách thánh thứ I trích từ sách Ngôn sứ Isaia: “Này Ta đặt Ngươi làm ánh sáng các dân tộc để ơn cứu độ của Ta tràn lan khắp địa cầu”.
Như vậy chúng con thấy, Chúa Giêsu đã không tự mình xuống thế … mà là được Thiên Chúa Cha sai Ngài xuống thế.
Vậy thì cha hỏi: Người được sai đi, cử đi là người làm theo ý muốn của ai ?
Chắc không phải của mình mà là của Người sai mình đi.
Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy rõ Chúa làm theo ý của Chúa Cha là Đấng sai Ngài mà ý của Đấng sai đã Ngài thì thật rõ ràng đó là đem Ơn Cứu độ xuống cho trần gian như lời Ngôn sứ cha đã nói trên.
Cha lấy một ví dụ, Dandolo là một chàng trai tuấn tú của thành Venise. Vì yếu thế thành Venise phải chịu lệ thuộc hoàng đế Bysance. Dandolo được cử tới Byzance để ký một hiệp ước. Hoàng đế Byzance trao cho chàng một bài luận mới đã được dọn sẵn để chàng ký. Dandolo đọc kỹ và người ta thấy nét mặt chàng có vẻ giận dữ và tái lại. Chàng nghĩ ký như thế này sẽ là nhục cho quê hương và mất hết danh dự của mình, cho nên chàng trẻ liền nói với Byzance
– Tôi không ký.
Hoàng đế bất mãn… nhưng sau cũng ôn tồn đưa ra những báu vật để dụ dỗ. Thấy báu vật, Dandolo bỉu môi khinh bỉ .
Hoàng đế tức giận liền đe dọa.
Dandolo chỉ cười.
Tức quá Hoàng đế la lên:
– Tên khốn nạn, nếu ngươi không làm theo ý ta, ta sẽ cho trói ngươi.
Dandolo làm thinh
Người ta đem sắt nung đỏ ép sát vào mi mắt chàng
Chàng làm thinh.
Thịt cháy khét
Chàng làm thinh
Sau khi bị hành quyết, Dandolo dõng dạc tuyên bố:
– Quê hương đã được giải cứu.
Tại sao Dandolo can đảm như thế. Tại vì chàng biết quê hương sai ông đi để làm vinh dự cho quê hương chứ không nhục mạ quê hương và quả thực ông đã thỏa mãn được mong mỏi của quê hương
Còn Chúa Giêsu thì như thế nào chúng con ?
Còn hơn thế nữa. Kinh Thánh đã nói về Ngài: “Này là Con Ta, Ta hài lòng vì con”.
Thiên Chúa Cha sai Chúa Giêsu xuống trần gian để đem ơn cứu độ cho trần gian. Ngặt một nỗi là Thiên Chúa Cha lại không muốn cho con của Người làm công việc đó trong dễ dãi… mà là trong đau khổ. Chúng con nhớ lại cảnh nơi vườn cây dầu: Khi phải đứng trước một thử thách quá lớn lao. Phải chết đau khổ để chuộc tội mang ơn cứu độ cho loài người – Sức yếu đuối của con người làm cho Chúa Giêsu cảm thấy sợ. Nhưng ý của Thiên Chúa Cha bao giờ cũng phải được tôn trọng.
– “Lạy Cha, nếu có thể được thì xin cất cho con chén này nhưng xin đừng theo ý con mà là ý của Cha”
ý của Chúa Cha không muốn mà muốn cho sẵn sàng đón nhận … trong cả một cái chết đau thương … còn hơn cái chết của Dandolo nhiều.
2. Nhưng Chúa Giêsu chết như vậy để làm gì chúng con ?
Đây chúng con nghe lời thánh Gioan tẩy giả (Ga 1,29- 34): Để xóa tội trần gian
Trong một Nhà thờ ở Tây Ban Nha, người ta tôn kính một cây Thánh Giá cổ xưa mà cánh tay phải của Chúa tách rời khỏi đinh. Cây Thánh Giá này có lịch sử như sau:
Ngày nọ, một tù nhân “gạo cội” đến xưng thú tội mình dưới chân Thánh Giá này với tất cả dấu hiệu của một sự thống hối chân thật, Cha giải tội do dự ban phép Giải Tội cho ông ta vì các tội của ông nhiều và nặng. Tội nhân cầu xin sự tha thứ.
– Tôi ban phép Giải Tội cho ông. -vị Linh mục nói-. Tuy nhiên ông không được tái phạm nữa nhé!
Tội nhân xin hứa và giữ lời hứa trong một thời gian. Nhưng rồi ông yếu đuối và sa ngã lại. Lòng thống hối thúc đẩy ông đến tòa Giải Tội. Vị Linh mục bảo ông:
– Lần này thì tôi không ban phép Giải Tội cho ông đâu!
– Con thống hối -Tội nhân đáp lời vị Linh mục- con rất chân thành xin đoan hứa với Cha, nhưng con yếu đuối. Xin hãy tha thứ, xin tha thứ cho con!
Cha Giải Tội tha thứ và nói thêm:
– Đây là lần cuối cùng đó nhé!
Một thời gian khá lâu sau đó, một phần do thói quen, một phần vì yếu đuối, ông ta lại rơi vào vòng tội lỗi.
– Bây giời thì dứt khoát -vị Linh mục bảo ông- Ông luôn rơi lại trong cùng một lỗi. Sự thống hối của ông không chân thành.
– Thưa Cha, con rất chân thành thống hối. Con sa ngã vì con yếu đuối. Con thẳng thắn, chân thực, nhưng con yếu đuối.
Vào chính lúc đó người ta nghe như có tiếng ai khóc. Tiếng động phát xuất từ cây Thánh Giá: Một cánh tay rời khỏi đinh, giơ lên và vạch trên đầu tội nhân dấu hiệu sự tha thứ, đồng thời có một tiếng nói: “Ngươi, ngươi không đổ máu ngươi cho nó!”
Con Thiên Chúa xuống trần gian. Con Thiên Chúa đã chết đề đền tội thay cho con người. Đấng tạo hóa chết để đền tội cho tạo vật. Việc này có cao cả và kỳ diệu không chúng con. Cha tưởng đây là một sự hy sinh quá cao cả loài người chẳng ai dám nghĩ tới thế mà Thiên Chúa vì yêu thương con người đã làm như thế.
Chúng ta phải cám ơn Chúa. Chúng ta xin Chúa cho chúng ta được sống trung tín với tình yêu của Ngài.