Bài giảng thiếu nhi: Chúa Nhật 3 Mùa Vọng, Năm B
Thiếu nhi chúng con yêu quí.
Lại một lần nữa chúng ta nói chuyện với nhau về Ông Gioan Tẩy Giả.
Cha đố chúng con biết trong bài Tin Mừng hôm nay Gioan Tẩy Giả đã làm gì ?
– Thưa ông đã làm chứng cho Chúa.
– Chúng con trả lời rất đúng.
1. Lời chứng của Gioan Tẩy Giả.
Trong bài Tin Mừng hôm nay cụm từ làm chứng được dùng đến bốn lần.
Gioan được sai đến để làm chứng (x. c.6-7).
Cả câu chuyện xảy ra ở Bêtania, bên kia sông Giođan, là một lời chứng hùng hồn của ông (c.19).
Gioan không làm chứng cho mình hay về mình, bởi lẽ ông không phải là Ánh Sáng.
Ðiều kiện tiên quyết của người làm chứng là sống đúng như chứng từ của mình.
Martin Luther King viết: “Chúng ta không chỉ làm chứng bằng lời nói, mà còn làm chứng bằng cuộc sống của mình”. Có những tâm hồn dần dần cải hóa nhờ việc làm của ta, nhưng chính ta lại không ngờ tới. J. Basquin nói: “Sống chứng nhân không phải là đuổi theo các tâm hồn, mà là sống làm sao để các tâm hồn chạy theo ta”.
Gioan Tẩy giả là người làm chứng như thế. Ðoạn Tin Mừng hôm nay viết: “Ông đến để làm chứng về ánh sáng”. Trung thực với chứng từ này, một mặt ông cố gắng chỉ cho người ta thấy Ánh Sáng là ai, mặt khác khi có người tưởng ông là Ánh sáng ấy thì ông thẳng thắn phủ nhận. Rồi khi Ánh sáng xuất hiện, ông âm thầm rút lui: “Ngài phải sáng lên, còn tôi phải mờ đi”.
Sứ mạng của Gioan Tẩy Giả là làm chứng cho Sự Sáng đích thực chính là Ðức Kitô. Ðức Kitô đến để chiếu ánh sáng cho trần gian. Toàn bộ Tin mừng Gioan chỉ là để trả lời cho câu hỏi này: “Giêsu Nagiarét, Người là ai ?” Gioan không dùng danh từ Phúc âm mà chỉ dùng từ ngữ “chứng nhân”. Ðộng từ “làm chứng” được Gioan nhắc đến 33 lần. Tin Mừng Gioan được khai mở bằng lời chứng của Gioan Tiền Hô và kết thúc với minh chứng của Gioan Tông đồ: “Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra. Chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thực” (Ga. 21, 24).
Qua lối sống khổ hạnh khác người, qua lời rao giảng sám hối, và qua lời chứng: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi” (Ga. 1, 23) đã minh chứng Gioan là vị Tiền Hô của Ðấng Cứu Thế, là chứng nhân của Thiên Chúa. Gioan chỉ đứng ra làm chứng và báo trước ngày Chúa xuất hiện, rồi rút lui vào bóng tối.
Có thể nói, Gioan là người tôi tớ, còn Ðức Giêsu mới là ông chủ, Gioan là đèn soi, còn Ðức Giêsu mới là ánh sáng, Gioan là tiếng kêu, và Ðức Giêsu mới là lời hằng sống.
Đây chúng con hãy nghe một lời chúng nữa về Chúa. Lời chứng này không phải là lời chứng có từ thuở xưa mà là lời chứng của những người sống với chúng ta ngày hôm nay. Cha muốn nói đến cuộc sống của Thánh Gioan Vianney như một con người sống giữa thế giới hôm nay như là một con người đang sống để qua ngài mọi người thấy được Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người.
Đây là lời chứng của một người bổn đạo: Mấy mươi năm liền, ngài luôn giam mình trong toà giải tội, mỗi ngày 18 tiếng đồng hồ, để đem các tội nhân về trong vòng tay Chúa. Không những thế, ngài còn luôn canh cánh bên lòng mối bận tâm về cảnh nghèo túng cơ cực của nhân dân. Chính ngài đã lập nên các viện cô nhi, lớp học mẫu giáo và sẵn sàng cho kẻ nghèo tất cả những gì ngài có hay kiếm được.
Trong lúc toà án giáo phận Belley đang tiến hành việc điều tra về hạnh tích của vị Linh mục, đề lập hồ sơ xin phong thánh, thì có một cụ già quê mùa nghèo khó đến làm chứng như sau:
“Hôm ấy, trời đã sẩm tối, tôi thấy cha Vianney đi giúp tuần đại phúc ở một xứ xa về; giữa đường vắng chỉ có tôi với ngài; vừa gặp tôi, ngài liền lên tiếng chúc một cách vui vẻ:
– Chào ông, mấy lâu nay có được khoẻ không ?
Công việc làm ăn ra sao ?
Chào cha, dạ cám ơn Chúa, con cũng thường luôn; nhưng cũng giấu gì cha, con túng thiếu quá, mất liên tiếp ba vụ mùa liền!
– Tội nghiệp! Tôi thương ông và các cháu lắm:
– Chúng nó rất ngoan.
Vừa nói ngài vừa xỏ tay vào túi áo, lục soát khắp cùng mà cũng chẳng lòi ra được một xu. Nhìn trước nhìn sau, ngài ghé vào tai tôi bảo nhỏ:
– Ông chịu khó đợi cha một chút nghe!
Tôi vâng lời đứng đợi. Ngài rón rén đi ra sau một lùm cây… Mấy phút sau ngài trở lại, trao tận tay tôi một vật và nói:
– Cha không còn gì cả. Ông vui lòng lấy cái quần của cha đây đem bán mà mua bánh mì cho các cháu. Ông thông cảm, bữa sau có gì cha sẽ giúp cho thêm. Thôi chào ông nhé!
Tôi chưa kịp cám ơn vì quá xúc động nghẹn ngào thì bóng dáng ngài đã biến mất sau hàng cây ở trước mặt…”
Cũng trong dịp điều tra để phong thánh cho vị Linh mục thánh thiện, một bác nhà quê khác đã làm chứng rằng: ‘Tôi quê mùa chất phác, chẳng biết nói chi, chỉ xin thưa thế này: Tôi nghĩ Thiên Chúa hẳn tốt lành vô cùng vì cha sở chúng tôi là một người phàm giữa thế gian mà đã tốt lành quá sức tưởng tượng…”
2. Lời chứng của mỗi người chúng ta.
Như Gioan, người tín hữu cũng phải là chứng nhân cho Ðức Kitô trong cuộc sống. Về điểm này, Teihard de Chardin đã ví von rất sống động: “Ánh sáng xuyên qua những áng mây, người ta đoán là có mặt trời trên đó. Nhìn vào đời sống chúng ta mọi người cũng đoán được có Ðức Kitô”.
Một ngày Chủ nhật nọ, có một người đàn ông đã từng sống một đời sống vô cùng lạnh nhạt, khô khan về việc đạo. Tình cờ ông đi ngang qua nhà thờ giáo xứ Churning, ông gặp một cô bé đang vào nhà thờ với các em nhỏ khác. Ông dừng lại quan sát thái độ tử tế khác lạ của cô và ông đã theo cô vào nhà thờ lúc nào không hay. Trong nhà nguyện chật chội và nghèo nàn đó, ông thấy cô ngoan ngoãn quì xuống đất, chắp tay ngước mắt nhìn Chúa Giêsu trong Nhà Tạm với tất cả lòng tin yêu cung kính như khi ta đến trước mặt người có chức tước đáng quí trọng. Tới lúc vị linh mục dâng thánh lễ, ông cũng quì gối để dễ bề quan sát thái độ của cô. Ông cảm động khi thấy gương mặt của cô tươi đẹp như người xuất thần với đức tin mạnh mẽ vào sự hiện diện của Chúa trong phép Thánh Thể. Cảm động, ông trở về nhà và từ đó ông ăn năn trở lại sống đời giáo hữu thật sốt sắng.
Cô bé đó chính là Laura Diconia, có lẽ cô không nhận ra hiệu lực của lòng sốt sắng nơi mình, nhưng chính hành vi và lẽ sống của cô đã là một chứng tá cho đức tin và tình yêu Chúa. Thái độ bên ngoài của cô tuy rất tầm thường và đơn sơ nhưng chính sự trịnh trong của tâm hồn và tình yêu sâu đậm của con tim đã mặc cho những cử chỉ bên ngoài đó một vẻ sâu xa khác thường khiến cho người ta cảm thấy ngay sự hiện diện của Chúa.
Ước gì khi nhìn vào đời sống chúng ta, mọi người cũng có thể nói như đã nói về Thánh Gioan Vianney “Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một con người”.