Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 30 Thường Niên, Năm A
Chúng ta đã nghe bài Tin Mừng hôm nay rất nhiều lần và những gì Chúa nói chúng ta đã thuộc lòng ngay từ khi còn nhỏ.
1. Khi người ta hỏi Chúa xem giới răn nào là lớn nhất, thì câu trả lời của Chúa là hai giới răn và cả hai giới răn này đều đã có sẵn trong Cựu Ước. Chúa đã trưng dẫn cả hai và đặc biệt hơn là Chúa đã làm cho chúng có tầm quan trọng như nhau. Chính vì thế mà chúng ta không được tách riêng ra, như trong thực hành chúng ta thường làm như thế.
Một số người nghĩ rằng, nếu chúng ta có đủ đức tin thì cuộc sống chúng ta sẽ êm trôi suôn sẻ. Nghĩ như vậy thôi chứ thực tế không phải như vậy. Đức tin không che chắn cho chúng ta khỏi những va chạm đau thương của cuộc đời.
Vào thời các tu sĩ còn sống ở trong sa mạc, có một tu sĩ tên là Moses nổi tiếng là thánh thiện. Lễ Phục Sinh sắp đến nên các thầy họp nhau lại, bàn xem nên làm gì để chuẩn bị mừng lễ cho sốt sáng và đem lại nhiều ích lợi. Họ cùng quyết định sẽ ăn chay trọn vẹn Tuần Thánh. Để thực hiện quyết tâm này, mỗi thầy phải trở về nơi mình ở, và ở đó họ phải ăn chay và cầu nguyện.
Công việc lúc ban đầu diễn tiến rất tốt đẹp, nhưng, đến giữa tuần thì có hai thầy khách lang thang đến thăm thầy Moses. Nhận thấy rằng họ đang đói, thầy Moses nấu một chút rau cho họ ăn. Để cho họ đỡ ngại ngùng và cảm thấy thoải mái, thì chính thầy cũng ăn một ít.
Trong khi đó, thì các thầy khác thấy khói bốc lên từ chỗ ở của thầy Moses. Việc đó có nghĩa là thầy Moses đã đốt lửa để nấu ăn. Nói một cách khác, thầy đã vi phạm luật ăn chay và điều này đã làm cho họ bị dội. Chỉ trong nháy mắt cái nhìn của nhiều người đối với thầy Moises đã thay đổi hoàn toàn. Họ coi thầy như đã rơi từ đỉnh cao của sự thánh thiện xuống vực thẳm.
Nhận ra sự sự đánh giá trong mắt những người anh em, thầy Moises hỏi: “Tôi đã phạm tội gì khiến các thầy lại nhìn tôi như thế ?”
Họ trả lời: “Thầy đã vi phạm luật giữ chay.”
Thầy Moises bình tĩnh trả lời “Vâng! Đúng là tôi đã làm thế. Tôi đã vi phạm giới luật của con người trong việc chia sẻ của ăn với những người anh em của chúng ta. Nhưng tôi đã giữ giới răn của Thiên Chúa là chúng ta phải yêu thương nhau.”
Khi nghe nói như vậy, các thầy trở nên yên lặng và khôn ngoan rút lui một cách khiêm tốn.
Vâng! Có những người tuyên bố là mình yêu mến Thiên Chúa nhưng trong thực tế lại không quan tâm tới bổn phận yêu thương người khác. Những người như thế họ mới chỉ sống có một nửa của Tin Mừng.
Ngược lại, lại có những người đi đến thái cực đoan khác. Họ đã tỏ ra rất nhiệt tình để xây dựng một thế giới tốt đẹp nhưng chưa bao giờ họ nghĩ đến Thiên Chúa hoặc cầu nguyện với Người. Họ cũng chỉ là những người sống nửa phần của Tin Mừng.
Đức Kitô dạy chúng ta phải sống trọn vẹn cả Tin Mừng, nghĩa là vừa phải yêu mến Thiên Chúa và đồng thời cũng phải yêu người thân cận như chính mình. Người đã không nói rằng hai chuyện đó chỉ là một, nhưng muốn bảo rằng chúng ta không thể làm việc này mà bỏ việc kia, nghĩa là chỉ yêu mến Thiên Chúa mà lại không thương yêu anh em.
2. Đức Giêsu còn nói: “Anh em hãy yêu thương người thân cận như chính mình.”
Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận mình và bắt đầu yêu thương chính mình, chúng ta mới có thể bắt đầu yêu thương người khác như Thiên Chúa truyền dạy.
Đối với những người mà trong lòng còn chất đầy sự căm ghét và hận thù hận, thì dứt khoát là họ sẽ không có khả năng yêu thương người khác. Họ thường đổ lỗi và khiển trách người khác những điều mà họ không thích nơi chính mình. Rõ ràng người khác là đối tuợng để họ bộc lộ chính con người của họ.
Một cụ già đang ngồi trên băng ghế ở bìa làng thì có một người tới hỏi:
– Những người dân trong làng này như thế nào ?
Cụ già hỏi lại:
– Thế những người trong ngôi làng trước đây của ông ra sao ?
Người đó trả lời:
– Họ rất tốt, quảng đại, và và giả như cụ có đến đó mà gặp khó khăn thì họ sẽ làm cho cụ tất cả những gì cụ cần.
Cụ già nói:
– Vậy tôi nghĩ rằng ông cũng sẽ thấy có nhiều người như thế trong làng này.
Ít lâu sau đó, lại có một người khác cũng tới gặp cụ già và hỏi cùng một câu hỏi như trước:
– Những người dân trong làng này như thế nào ?
Và cụ già cũng hỏi lại một câu y như cụ đã hỏi người thứ nhất:
– Thế những người trong ngôi làng trước đây của ông ra sao ?
Người đó trả lời:
– Đó là một nơi kinh khủng. Thật sự là tôi rất mừng vì đã rời khỏi nơi đó. Người dân nơi đó keo kiệt, không tốt và nếu cụ đến đó mà gặp khó khăn thì chắc là cụ sẽ không gặp được ai nhấc một ngón tay để giúp cụ đâu.
Cụ già nhìn người khách là và hóm hỉnh trả lời:
– Tôi e rằng ông cũng sẽ gặp rất nhiều người như thế trong làng này.
Điểm chính yếu mà tác giả trong câu chuyện muốn chia sẻ với chúng ta là: “ Nếu chúng ta nhìn người khác không như họ là mà như chúng ta là thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều thảm họa cho cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta nhìn người khác bằng cái nhìn xấu thì đó là dấu hiệu cho thấy rằng chính chúng ta đang có rất nhiều bất ổn. Một người không có sự bình an nơi chính mình thì sẽ rất dễ dàng gây sự với những người chung quanh mình”.
Người ta kể một giai thoại về Mẹ Têrêsa Calcutta. Một lần kia trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Mẹ Têrêsa phải đối diện với một phỏng vấn viên không mấy thiện cảm đối với Giáo Hội Công giáo. Ông ta đặt cho mẹ Têrêsa câu hỏi:
– Bà yêu thương và phục vụ người nghèo, tốt lắm, thế còn bao nhiêu của cải của toà thánh Vatican và Giáo hội thì sao ?
Mẹ Têrêsa là một người thành thực đến độ thẳng thắn mà không phật lòng người đối diện. Mẹ nhìn thẳng vào mắt người phóng viên và nói với ông:
– Ông quả là người không được hạnh phúc, có một cái gì đó đang gặm nhấm tâm hồn ông, ông không có sự bình an trong tâm hồn.
Lời nói đơn xơ và thành thực của Mẹ Têrêsa như mũi tên phóng vào tim người đối diện khiến ông để lộ rõ sự bối rối trên khuôn mặt của ông. Không để mất cơ hội, Mẹ Têrêsa như người mẹ hiền ân cần lo lắng đã ôn tồn nói với ông:
– Tôi nghĩ rằng ông nên có đức tin.
Đến đây người phóng viên như cá cắn câu, ông thành thật hỏi:
– Tôi phải làm gì để có đức tin ?
Mẹ Têrêsa đáp:
– Ông hãy cầu nguyện và tôi cũng sẽ cầu nguyện cho ông. Ông hãy cố gắng mỉm cười với những người xung quanh ông, một nụ cười có thể đánh động người khác, một nụ cười có thể cho chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta.
Quả nếu chúng ta không yêu thương chính mình, chúng ta cũng không thể yêu thương người khác. Vậy trước hết, chúng ta phải yêu thương chính mình và phải yêu cho đúng đúng cách, bằng không thì chúng ta sẽ chẳng có đủ khả năng để yêu thương người khác như Chúa mong muốn.
Có người bảo rằng yêu mình là sai, thậm chí còn là một điều tội lỗi. Dĩ nhiên, có một hình thức tự ái không đúng. Chúng ta gọi nó là sự ích kỷ hoặc cố chấp. Nhưng có một hình thức yêu mình có ích lợi và nếu không có nó chúng ta không thể thật sự yêu thương người khác.
Chúng ta không thể bay mà không có cánh. Chúng ta không thể lớn lên mà không có gốc rễ. Chúng ta không thể sưởi ấm cho người khác nếu lò sưởi của chúng ta lạnh lẽo và trống rỗng. Chúng ta chỉ có thể yêu với mức độ tình yêu chúng ta có nơi chúng ta.
Thật là dễ dàng khi yêu một người nào đó mà họ dễ thương. Nhưng không dễ yêu một người nào đó khi họ có khuyết điểm một cách rõ ràng và hiển nhiên. Đó là một trắc nghiệm về tình yêu thật sự. Nơi nào không có tình yêu, hãy gieo rắc tình yêu và bạn sẽ được hưởng tình yêu. Nơi nào không có tình yêu, hãy đặt tình yêu, và bạn sẽ khám phá ra tình yêu.
Vâng đó là điều Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay. Amen.