Bài Tin Mừng hôm nay gồm ba dụ ngôn. Một dụ ngôn dài và hai dụ ngôn ngắn. Dụ ngôn dài được chính Chúa cắt nghĩa. Chúa cắt nghĩa cho các môn đệ nhưng cũng là cắt nghĩa cho chúng ta. Chúng ta cố gắng tìm hiểu cả ba dụ ngôn xem Chúa muốn nhắn nhủ gì với chúng ta.

1. Chúng ta bắt đầu với dụ ngôn hạt cải: “Nước trời giống như một hạt cải”

Qua dụ ngôn này Chúa muốn nói với chúng ta về sự trưởng thành và phát triển của Giáo Hội.

* Như một hạt cải thật nhỏ bé được gieo vào lòng đất nhưng khi nó lớn lên nó có thể trở thành một cây thật lớn. Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo hồi còn làm Đức Ông ở Roma có gửi cho tôi một ít hạt cải ở Đất thánh. Nó thật nhỏ bé. Tôi có cảm tưởng như nó chỉ bằng một phần tư viên bi ở đầu mỗi cây viết Bic chúng ta sử dụng hằng ngày. Thế nhưng khi được gieo vào lòng đất, nó từ từ nảy mầm, phát triển và lớn lên….đến độ chim trời có thể tụ tập nương náu dưới bóng của nó.

* Giáo Hội hay Nước Trời tại thế của Chúa một phần nào cũng giống như thế.

– Nước trời có một nguồn gốc rất khiêm tốn bắt đầu từ chính Chúa Giêsu mà Chúa Giêsu về cuộc đời của Ngài dưới con mắt trần thế thì quả thật chẳng có gì đáng giá và hấp dẫn: Sinh ra nghèo khó, sống cũng khó nghèo, đi giảng đạo thì gặp rất nhiều thất bại, rồi cuối cùng chết như một tên tử tội.

– Sau Chúa Giêsu thì một nhóm mô đệ cũng thật nhỏ bé: Chỉ có 12-13 người nếu kể cả Phaolô. Họ là những người như thế nào thì anh chị em cũng đã quá biết.

* Vậy mà Giáo Hội cứ tự lớn lên xuyên qua thời gian, trải qua không biết bao nhiêu gian nan khốn khó. Nếu cứ tự nhiên mà xét thì quả thật không hiểu nổi. Tới hôm nay thì Giáo Hội đã trở thành một cây thật lớn, đang làm nơi nương tựa cho hơn một tỷ người trong đó có chúng ta. Chúng ta hãy cám ơn Chúa.

2. Nước trời được Chúa ví như men trộn vào bột.

* Như một chút men xem ra không có gì đáng chú ý được trộn vào bột…Chúa Giêsu nói đến 3 đấu bột….khoảng chừng 60-70 kilos vậy mà chỉ cần một lượng men thật nhỏ, chúng cũng có thể biến đổi cả một khối lượng bột lớn như thế và làm cho tất cả được dậy men.

* Tin Mừng Nước trời của Chúa cũng có một sức biến đổi phi thường như thế.

Những thế kỷ đầu tiên, khi hạt giống Tin Mừng được gieo vào giữa trung tâm quyền lực của Đế quốc La Mã, Hoàng Đế Néron đã thấy được cái “nguy cơ quyền lực của đế quốc có thể bị ảnh hưởng, Ông đã phát động một phong trào trong toàn cõi đế quốc nhằm tiêu diệt hết nhưng người mà ông gọi là “Kitô”…nhưng rồi ông đã thất bại cho dù là sau đó bao nhiêu bạo chúa ở La Mã đã tiếp nối con đường của ông. Sau khi nhìn lại thời gian Giáo Hội bị tàn sát suốt 300 năm, vậy mà Giáo Hội vẫn tồn tại và phát triển, sử gia Tertulliano đã viết lên một nhận xét thật đẹp như thế này: “Hạt máu của những vị tử đạo là hạt giống làm nảy sinh ra những người Kitô hữu khác”

Đó là hai hình ảnh tôi nghĩ là rất đẹp về Giáo Hội hay Nước Trời của Chúa tại trần thế. Thế nhưng bên cạnh hai hình ảnh đẹp đó Chúa lại cho chúng ta thấy một hình ảnh khác chưa đẹp hay không đẹp tí nào.

3. Nước trời giống như một thửa ruộng vừa có lúa tốt nhưng cũng lại có cả cỏ lùng.

Về ý nghĩa dụ ngôn này thì chính Chúa đã cắt nghĩa. Ở đây tôi chỉ xin có một vài nhận xét thêm.

Thực tại Nước trời trong giai đoạn trần thế là một thực tại pha trộn. Rõ ràng trần thế nơi chúng ta, những con người đang sống là chỗ chung cho cả con cái của sự sáng và sự tối tăm. Vấn đề tôi muốn đặt ra ở đây là ai là người được coi là tốt và ai là người bị coi là xấu. Trong bài dụ ngôn Chúa có nói tới tình trạng không khác nhau gì mấy giữa lúa và cỏ lùng và xem chừng như Ngài muốn giành độc quyền về sự phân loại cho Ngài khi Ngài đề cập đến vấn đề ấy chỉ xảy ra vào Ngày phán xét. Lúc đó thì mọi sự sẽ rõ ràng. Rồi cũng trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa nói tới sự kiên nhẫn của Ông chủ mà Ông Chủ ở đây rõ ràng là chính Chúa. Chúa có ý bỏ ngỏ vấn đề để buộc chúng ta phải suy nghĩ.

Thật khó mà đánh giá được ai là người thực sự tốt trước mặt Chúa và ai là người bị coi là xấu trước mặt Ngài.

Buổi tối nọ, một người đàn bà ngồi chờ chuyến bay tại phi trường. Bà biết phải chờ đợi lâu giờ nên đến hiệu sách mua một cuốn sách và một gói bánh, rồi ngồi đọc sách. Tuy cắm cúi đọc sách nhưng bà cũng nhận ra có người đàn ông ngồi bên cạnh. Và điều làm cho bà cảm thấy khó chịu là thỉnh thoảng ông đó lại lấy bánh trong gói bánh của bà ăn.

Cuối cùng gói bánh chỉ còn 1 cái. Bà để ý xem coi người đàn ông mất dạy đó làm sao. Ông ta lấy cái bánh cuối cùng đó bẻ làm đôi, mỉm cười trao cho bà một nửa, còn phần kia thì cho vào miệng. Bà nghĩ người đàn ông này thật là vô liêm sỉ, đã ăn hết gói bánh của bà mà không biết nói một lời cám ơn.

Bỗng có tiếng còi loan báo chuyến bay của bà đã đến giờ. Bà vội vàng thu xếp hành lý vào cổng lên máy bay. Sau khi ngồi vào ghế, bà kiểm tra lại hành lý thì thấy cuốn sách và gói bánh vẫn còn nguyên trong túi xách. Như vậy cuốn sách bà đọc và gói bánh bà ăn trong lúc chờ chuyến bay là của người đàn ông lạ mặt mà bà cho là vô liêm sỉ đó. Không còn giờ để xin lỗi người đàn ông đó, bà tự nhủ :

– Kẻ ăn cắp bánh và người vô liêm sỉ đó chính là ta!

Pascal nói: “Thường thì chúng ta hãy phân chia con người ra thành hai dạng: Những người thánh thiện và những kẻ tội lỗi. Tôi không dám nói sự phân biệt như thế là sự phân biệt không có cơ sở, nhưng tôi cho rằng sự phân biệt như thế là sự phân biệt rất tương đối và đôi khi có thể là một ảo tưởng. Chính nơi bản thân mỗi người chúng ta, chúng ta thừa kinh nghiệm để thấy rằng sự thánh thiện và tội lỗi đang cùng có mặt ngay trong mỗi người chúng ta”

Chỉ có lòng nhân từ của Thiên Chúa mới có thể giúp chúng ta lớn lên trong ân nghĩa với Ngài và Ngài đang chờ đợi chúng ta như Ông chủ ruộng lúa đợi mùa gặt của mình.

Sau nhiều năm phải sống trong trại tập trung, văn hào Alexandre Solzhemtsyn đã nghiệm ra được những ý tưởng sau.

“Tôi đã học được một bài học lớn nhờ những năm bị giam trong tù.

Tôi đã hiểu một người trở thành xấu như thế nào và một người trở nên tốt như thế nào.

Tôi đã dần dần nhận ra rằng đường biên giới phân giai cấp hay các đảng phái chính trị, không nằm ở đâu khác mà nằm ngay trong lòng mỗi người.

Ngay trong những trái tim ngập tràn sự ác vẫn còn sót lại một đầu cầu nhỏ nối với sự thiện.

Và ngay trong trái tim tốt nhất của các trái tim vẫn còn tồn tại gốc rễ sự ác.”

Lạy Chúa khi đến mùa gặt, rơm rạ bị để qua một bên, trấu bị gió thổi đi, cỏ dại bị quăng vào lửa, và lúa tốt được cất vào kho.

Khi đến ngày chết của con, mùa gặt của đời con cũng diễn ra trước mặt Chúa.

Và trong cuộc sống này xin cho chúng con đừng quá thiển cận, chỉ thấy gần chứ không thấy xa, chỉ thấy bề ngoài mà không thấy bề trong và do đó mà chúng con mất kiên nhẫn.

Lạy Chúa xin cho chúng con biết sống bao dung như Chúa vì Chúa vừa thấy được cả hiện tại lẫn tương lai, thấy được cả bề ngoài và thấy được cả bề trong.

Và khi cuộc đời của chúng con khép lại, xin bàn tay khôn ngoan của Chúa hãy sàng sẩy và chọn ra những gì đáng giữ lại; nhưng đối với những gì không đáng giữ lại, xin hãy thổi đi bằng hơi thở nhân từ của Chúa.

Dụ ngôn cỏ lùng là một trong những dụ ngôn hiếm hoi được chính Chúa giải thích rõ ràng. Sự giải thích của Chúa giúp ta có những hiểu biết hữu ích cho đời sống đạo.

A. Dụ ngôn nhắc nhớ ta về sự hiện diện của ma quỉ.

Xin kể một câu chuyện trong sự tích của thánh Gioan Maria Vianney.

Một hôm, nhân dịp mở tuần đại phúc tại một xứ trong hạt, người ta đã mời cha Vianney cùng nhiều Linh mục khác đến giúp. Sau buổi cơm tối, cha Vianney nhẹ nhàng nói với anh em:

– Thưa các cha, con hay bị ma quỷ quấy phá, nhất là gần tới những hôm con cứu được nhiều linh hồn tội lỗi nặng. Vì thế, để đề phòng, con xin trình các cha trước, nếu đêm nay ma quỷ có làm gì thì xin các cha cứ biết vậy và an tâm, nó phá một lúc rồi sẽ hết!

Cha Vianney vừa dứt lời, các cha khác đã cười rộ lên:

– Lại chuyện ma quỷ! Sao mà cứ nghe cha nói toàn là những chuyện giật gân tào lao không à! Có thật không? Hay cha bị ám ảnh thế?

– Đây là dịp tốt, cha khác bảo, mình cứ nghe hoài câu chuyện ma quỷ phá rối cha Vianney mà chẳng bao giờ chứng kiến được, may ra tối nay mình sẽ được một lần xem tận mắt! Cha Vianney cứ yên trí ngủ đi. Tụi này không sợ ma quỷ gì đâu, trái lại còn mong xem thấy tận mắt là khác!

Cả nhà tắt đèn đi ngủ. Nửa đêm, giữa lúc mọi người đang say sưa giấc điệp thì nhà xứ rung động dữ dội, ghế bàn chạy đi chạy lại, đồ đạc thì lăn lóc rơi xuống vung vãi trên sàn nhà, cột nhà thì kêu răng rắc như muốn gãy đôi… Các cha hớt hơ hớt hải mang áo ngủ lùng thùng chạy ra sân, mình toát cả mồ hôi hột, miệng không ngớt kêu lên:

– Dễ sợ quá! Chưa bao giờ thấy chuyện khủng khiếp như thế này! Cái gì thế? Động đất lớn à?

– Thế còn ông Vianney đâu mất?

– Chắc ông ở trên phòng! Đợi yên ta lên tìm xem. Các cha kéo nhau lên gác, gõ cửa:

“Cốc, cốc”. Có tiếng guốc khua trên sàn nhà, cha Vianney mở cửa, các cha ái ngại hỏi:

– Cha đang ngủ à?

– Vâng, con đang ngủ!

– Thế cha không nghe gì cả sao? Chúng tôi kinh khiếp quá!

– Có, con có nghe. Thì…. hồi tối, ở nhà cơm, con có trình các cha rồi! Ma quỷ nó hay quấy phá con như thế lắm! Xin các cha cứ an tâm, có đêm nó làm con nhiều lần như thế, nhưng không sao cả! Vì nó thua to, nó cay thì nó quấy phá vậy thôi!

Nói xong, ngài chào các cha và đi ngủ. Các cha cũng trở về lại phòng, nhưng suốt đêm không sao nhắm mắt được.

Sáng hôm sau, vào giờ điểm tâm, các cha lại nhắc đến câu chuyện khiếp sợ hồi hộp và nói:

– Cha Vianney, bây giờ chúng tôi tin thực đúng là “băng hoả ngục” nó quấy phá cha. Bấy lâu nay chúng tôi chế nhạo cha nhưng đêm vừa rồi chúng tôi phải một phen kinh hồn bạt vía và cảm thấy xấu hổ với cha quá! Xin cha thông cảm và tha thứ lỗi lầm cho anh em chúng tôi. Nhưng nay chúng tôi yêu cầu cha một điều: suốt tuần đại phúc này, chiều nào cha cũng phải về xứ Ars để ngủ rồi sáng mai lại chịu khó đến đây. Chứ nếu cha ngủ đây thì chúng tôi phải di tản hết. Khiếp quá chịu không thấu”.

– Con xin vâng lời các cha. Khởi sự chiều nay, con sẽ về nhà ngủ.

Ma quỉ hiện hữu. Chúng luôn có mặt để gieo rắc sự xấu. Chúa đã chuẩn bị những thửa ruộng tốt. Những thửa ruộng đó là thế giới, là Giáo hội, là tâm hồn mỗi người. Chúa đã gieo những hạt giống tốt. Hạt giống đó là Lời Chúa, là ơn Chúa, là những thiện chí, những ý hướng cao đẹp trong tâm hồn con người.

Nhưng ma quỉ lén gieo vào những hạt cỏ xấu.

Ngay trong bản thân mỗi người, không thiếu những sáng kiến, những hoạt động ban đầu xem ra tốt đẹp, nhưng dần dà bị vẩn đục vì những biến tướng nặng mùi trần tục như khoe khoang, tìm hư danh, tìm lợi lộc.

Đó là những hạt cỏ xấu ma quỉ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt.

B. Tuy nhiên, dụ ngôn cũng cho thấy sự kiên nhẫn và lòng bao dung của Chúa.

Có một thầy ẩn tu hết sức đạo đức thánh thiện tên là Sébastien. Một ngày nọ, sau giờ cầu nguyện, thầy đánh bạo ngỏ ý với Đức Giêsu xin được thế chỗ của Người trên thập giá trong ngôi nguyện đường. Đức Giêsu đồng ý nhưng với một điều kiện: Đó là phải giữ im lặng tuyệt đối. Thầy Sébastien cam đoan chấp hành, miễn là được toại ý. Thế là sau đó, mọi sự đã diễn ra đúng như thế mà mọi người đến viếng nguyện đường đều không biết gì.

Một hôm, có một ông nhà giàu đến nguyện đường đọc kinh, khi ra về thì bỏ quên mất túi tiền ở lại. Sau đó, một người nghèo cũng đến cầu nguyện, quì vào đúng chỗ của ông ta và trông thấy túi tiền. Anh ta mừng rỡ tạ ơn Chúa rồi cầm về. Kế tiếp, lại có một anh thanh niên đến xin Chúa cho đi đường được bình an, anh vừa đứng lên rời nguyện đường thì ông nhà giàu vội vã quay trở lại, không thấy túi tiền đâu, bèn nghi cho anh chàng đã lấy cắp nên tri hô cảnh sát.

Thấy vậy, thầy Sébastien từ trên thập giá buột miệng la to:

– Này ông kia, dừng lại, không phải như thế đâu.

Sau đó, thầy Sébastien kể lại đầu đuôi mọi sự, ông nhà giàu tin ngay vì nghĩ đó chính là Đức Giêsu, liền chạy đi tìm người nghèo để đòi lại túi tiền, còn anh thanh niên thì sụp lạy tạ ơn rồi lên đường

Khi nguyện đường trở lại cảnh thanh vắng, Đức Giêsu mới hiện ra và bảo thầy Sébastien:

– Con hãy xuống ngay khỏi thập giá của Ta, con không xứng đáng thay thế chỗ của Ta, chỉ vì con đã không bằng lòng im lặng như đã hứa với ta !

Thầy Sébastien mếu máo phân trần:

– Nhưng lạy Chúa, làm sao con có thể im lặng trước một sự bất công như vậy?

Câu chuyện làm tôi liên tưởng đến Lời của Chúa: “Hãy cứ để đấy, cho cỏ lùng mọc lên chung với cây lúa cho tới mùa gặt… “.(Mt 13, 24-30):

Chúa kiên nhẫn đợi chờ vì hy vọng những người tội lỗi ăn năn sám hối.

C. Cuối cùng, dụ ngôn cho ta hiểu cây lúa không thể biến thành cây cỏ lùng, nhưng những con người tội lỗi có thể trở thành một đấng thánh. Augustinô là một thí dụ. Người trộm lành còn là một thí dụ đẹp hơn.

Đây là một câu chuyện xảy ra tại một thiền viện.

Một buổi sáng nọ, khi vừa thức dậy, một số thiền sinh phát hiện mình bị mất cắp một vài vật dụng cá nhân. Họ bảo nhau cùng để ý rình rập, và họ đã bắt được quả tang một chú thiền sinh mới đến đang lấy cắp đồ dùng của họ. Họ liền ập vào bắt giữ, giải lên cho thầy viện trưởng. Thầy im lặng, và cho chú thiền sinh nọ trở về phòng.

Ít lâu sau đó, chú thiền sinh tại bị phát giác đang ăn trộm lần thứ hai, và lại bị dẫn đến viện trưởng. Lần này cũng như lần trước, thầy vẫn im lặng, không nói năng gì, chỉ đưa tay ra hiệu cho phép chú trở về phòng. Mọi người đều thấy tấm tức bực bội về thái độ xử lý quá rộng lượng của thầy mình…

Đến lần thứ ba, chú thiền sinh có tật ăn cắp kia lại tái phạm. Tất cả các môn sinh đều tập trung lại, đòi thầy phải có thái độ trừng phạt xứng đáng. Họ đưa ra yêu sách:

– Thưa thầy, hoặc là tất cả chúng con, thầy phải lựa chọn, nếu không chúng con sẽ rời bỏ nơi này ngay lập tức!

Im lặng một lát, thầy viện trương điềm đạm trả lời:

– Tất cả các con đều đã sống tốt lành với nhau, còn chú này thì chưa được như thế vậy. Thầy muốn chú ấy sẽ ở lại với thầy để thiền định tập tành cho được tốt hơn. Các con thì không cần phải làm như thế nữa, các con có thể chia tay với thầy được rồi đấy!

Mọi người đều chưng hửng, cúi đầu, lần lượt từng người không dám nói gì nữa, lặng lẽ ai về phòng nấy.

Riêng chú thiền sinh tội lỗi kia vẫn quì đấy, đôi dòng lệ lăn dài trên gò má.

Chúng ta dư sức để hiểu được rằng cuộc sống của em thiền sinh này sau đó sẽ ra sao.

Anh chị em yêu quí,

Chúng ta vừa nghe một bài dụ ngôn rất quen thuộc của Chúa Giêsu trong Tin Mừng. Đây là một trong những bài dụ ngôn hay nhất của Chúa. Chính Chúa đã đích thân giải nghĩa dụ ngôn này. Trong ít phút vắn vỏi này, Tôi chỉ xin đưa ra một vài nhận xét để rồi mỗi người chúng ta có thể tự tìm ra cho mình những ý nghĩa có ích cho chính mỗi người chúng ta.

A. Dụ ngôn kể.

* Có một người ra đi.

Ra đi để làm một công việc. Ra đi để gieo hạt giống. Công việc xem ra rất tầm thường, nhưng kết quả của nó rất quan trọng vì nó đem lại lương thực nuôi sống con người. Không có lương thực con người không thể sống.

* Gieo ở đâu anh chị em?

+ Trong dụ ngôn Chúa bảo gieo ở một mảnh đất không được tốt lắm….

Tại sao thế? Thưa vì mảnh đất ấy có chỗ khô cằn như vệ đường. Lại có chỗ có nhiều gai góc. Có chỗ đầy sỏi đá. Rất may là có chỗ đất tốt.

Tôi thấy Chúa ở đất nước Do thái có được một chỗ để gieo như thế cũng là quí lắm rồi vì nước Do thái quê hương của Chúa là nước phần lớn là sa mạc.

B. Bây giờ ta xem kết quả như thế nào? – Kết quả rất khác nhau anh chị em. Tại sao thế ?

Hạt rơi vào mảnh đất khô cằn như vệ đường thì làm sao mà mọc lên được. Không mọc lên thì làm sao có kết quả. Nó sẽ thành mồi ngon cho chim trời mất.

Hạt rơi và chỗ đầy sỏi đá cũng vậy. Dù hạt giống có nảy mầm nhưng làm sao mà lớn lên được. Kết quả là cũng héo khô mà thôi.

Hạt rơi vào chỗ có bụi gai cũng như thế.

Chỉ có những hạt rơi vào đất tốt mới có thể đem lại kết quả. Chúa bảo có hạt được ba mươi, hạt được sáu mươi và hạt được một trăm.

Tới đây thì anh chị em có thể thấy: Hạt giống có sinh hoa kết quả được hay không, không phải do người gieo, vì cùng một người.

Cũng không phải do thời tiết khí hậu. Vì thửa ruộng mà hạt giống được gieo vào tương đối nhỏ…khó có thể có sự khác biệt về khí hậu và thời tiết.

Vậy thì tại đâu anh chị em? Dụ ngôn không cho chúng ta những chỉ dẫn rõ ràng nhưng lại cho chúng ta những chi tiết thật thú vị …qua đó chúng ta có thể thấy được lý do tại sao. Chúng ta có thể nói trắng ra là tại nơi mà hạt giống rơi xuống. Tùy ở chỗ hạt giống rơi xuống có đủ điều kiện cho hạt giống nảy mầm, phát triển và đâm bông để hạt giống có đem lại kết quả tốt hay không.

  + Nơi đất khô, vệ đường….hạt giống không thể nảy mầm….tệ hơn còn bị chim trời đến ăn mất.

  + Nơi chỗ có sỏi đá. Có điều kiện để nảy mầm, nhưng không có điều kiện để phát triển…cho nên không thể đem lại kết quả.

  + Nơi đất có bụi gai…có điều kiện để bén rễ, nảy mầm nhưng vì bị chèn ép cho nên không thể phát triển đúng mức và vì thế hạt giống cũng không thể đem lại kết quả được.

  + Nơi đất tốt...hạt giống đủ điều kiện để nảy mầm, phát triển tốt và đã đem lại những kết quả rốt. Ở đây có một chi tiết khá thú vị….đó là kết quả không đồng đều…hạt được 30, hạt được 60 và hạt được 100. Chúa Giêsu bỏ ngỏ không giải thích tại sao lại có sự sai biệt về kết quả trong khi các hạt giống đã có cùng một điều kiện như nhau như thế này. Như vậy chúng ta thấy vẫn còn một yếu tố khác từ bên ngoài. Chẳng cần phải giải thích dài dòng chúng ta cũng có thể thấy được là đó chính là Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói “Apolo trồng, Phaolô tưới, Thiên Chúa cho mọc lên” Quan niệm thông thường của chúng ta cũng thường nói “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Đúng như thế anh chị em. Dù con người có tài tình tới đâu đi nữa mà nếu Thiên Chúa không ban ơn thì mọi sự sẽ thành vô ích. Bởi vậy lúc nào chúng ta cũng phải nhớ đến Chúa để biết ơn Người.

C- Áp dụng.

Chúa đã đến và gieo giữa lòng thế giới Lời Hằng Sống của Ngài. Nhưng có phải là Lời của Chúa lúc nào cũng đem lại kết quả tốt đẹp như lòng Chúa mong ước hay không? Chắc là không. Có kết quả hay không hoặc kết quả nhiều hay ít là tùy ở thái độ và sự đón nhận của con người.

Ngay trong đời sống hằng ngày anh chị em cũng đã thấy điều đó.

Trong Tin Mừng anh chị em thấy có những con người mà lời của Chúa không thể có một chút ảnh hưởng gì tới họ. Đó là những người lòng chai dạ đá, đầu óc đã có sẵn những thành kiến, những ý nghĩa xấu đối với Chúa. Họ đã trở thành chai lỳ…..và hạt giống Lời Chúa không những đã không gây được một ảnh hưởng tốt nào mà ngược lại còn làm cho họ chai lì thêm.Trong Tin Mừng ta thấy một số những người Biệt phái và luật sĩ thuộc vào hạng người này.

Cũng có những người nghe Lời của Chúa mà chẳng hiểu….Anh chị em nhớ lại lúc Chúa giảng bài giảng về bánh hằng sống….Một số môn đệ đã phản ứng rồi sau đó họ đã bỏ Chúa.

Một số khác có đón nhận nhưng như Chúa nói những lo lắng trần gian làm cho Lời Chúa không thấm nhập được vào lòng họ……Anh chị em hãy nhớ câu chuyện của chàng thanh niên giàu có….Anh ta đã bỏ cuộc trên con đường theo Chúa mặc dầu anh rất mến Chúa.

Một số người khác thì có những kết quả thật đẹp. Chúng ta có thể kể ra ở đây trường hợp của đa số các môn đệ của Chúa, trường hợp của Maria Madalena, trường hợp của Giakêu, trường hợp của Nicôđêmô…. và sau này …Augustinô, Phanxicô Xaviê, Têrêsa Hài đồng Giêsu….vv.

Tôi kể cho anh chị em câu chuyện này:

Ngày nọ, một tu sĩ dòng Thánh Phanxicô đến thăm một gia đình. Thấy bà chủ nhà đang khóc, ngài hỏi:

– Có chuyện gì mà buồn phiền vậy?

Bà ta trả lời:

– Thưa, thầy chồng con thường hành hạ con, đôi khi còn đánh đập nữa.

Vị tu sĩ nói:

– Tôi biết bà là một người tốt, vì thế tôi xin tặng cho bà một liều thuốc kỳ diệu.

Người đàn bà thắc mắc hỏi lại:

– Thưa thầy, thuốc gì vậy?

Tu sĩ trả lời:

– Đây bà cầm lấy chai nhỏ này. Mỗi khi chồng ba nổi cơn lôi đình, bà cứ ngậm một hớp nước kỳ diệu chứa trong chiếc chai này cơn giông tố sẽ tan biến một cách huyền nhiệm.

Bà chủ nhà ấy đã thi hành như lời vị thầy tu đáng kính truyền dậy. Do đó, mỗi khi ông chồng nổi cơn la lối om sòm, bà liền kín đáo ngậm vào miệng một hớp nước trong chiếc chai, và đương nhiên bà không thể mở miệng để trả lời. Thấy vợ hiền lành và lặng thinh, ông chồng bình tĩnh trở lại và cơn giận cũng tan theo mây khói ngay lập tức.

Ít lâu sau, vị tu sĩ trở thăm và hỏi:

– Liều thuốc của tôi có hiệu nghiệm chút nào không?

Bà chủ trả lời:

– Thưa thầy, ngậm lâu trong miệng ngụm thuốc của thầy cũng có lúc làm con hơi mệt, nhưng hiệu quả thì thần diệu quá sức. Thầy ạ !

Vị tu sĩ chậm rãi bảo:

– Chắc chắn rồi, nhưng chẳng phải nước lạ chi đâu, chỉ là nước lã bình thường thôi đấy, nước của sự nhẫn nại và chịu đựng, nước của sự hiền hòa bao dung. Tôi có sẵn một chai nước như thế nữa cho chồng bà nữa đây.

Tôi đố anh chị em tâm hồn của người đàn bà trong câu chuyện này thuộc về loại đất nào trong dụ ngôn chúng ta vừa nghe?

– Vệ đường?

– Đất có sỏi đá?

– Đất nhiều gai góc?

– Đất tốt?

………………

Anh chị em hãy xin Chúa biết tâm hồn chúng ta thành mảnh đất tốt để cho Lời Chúa được sinh hoa kết quả và làm cho cuộc đời của mỗi người chúng ta xứng đáng với lòng yêu thương của Chúa hơn. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa được nghe một bài dụ ngôn rất quen thuộc và rất hay của Chúa Giêsu. Trong bài dụ ngôn này Chúa cho mọi người thấy người ta có thể có nhiều thái độ khác nhau đối với Lời Chúa

Cụ thể có thể kể đến bốn thái độ :

– Không hiểu nên không đón nhận.

– Đón nhận dễ dàng nhưng lại mau bỏ cuộc.

– Đón nhận nhưng rồi hạt giống bị lo âu trần thế bóp chết.

– Đón nhận và đem thực hành, nhờ đó sinh hoa kết quả, gấp mười gấp trăm.

Thử duyệt qua từng thái độ một.

1. Không Hiểu Nên Không Đón Nhận

Đây chúng con hãy nghe Chúa cắt nghĩa:. “Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ được gieo bên vệ đường”. (Mt 13,19-20)

Một linh mục trẻ được bổ nhiệm tới một giáo xứ để giúp cha xứ già yếu. Đến ngày Chúa nhật, nhiều giáo dân tới nhà thờ dự lễ và cũng để xem cha mới giảng hay thế nào?

Quả thật, hôm đó cha phó giảng rất hay và lời giảng của ngài gây ấn tượng tốt đẹp trong tâm hồn các tín hữu. Tin đó được truyền đi khắp nơi, và Chúa nhật sau đó, nhà thờ xứ chật ních người tới dự lễ. Nhưng họ không khỏi ngạc nhiên khi nghe cha phó lập lại cũng một bài giảng như Chúa nhật trước. Những người đã nghe lần trước thầm nghĩ: “Có lẽ cha phó muốn lập lại cho những người mới chưa được nghe”. Nhưng rồi Chúa nhật thứ ba, thứ tư, và thứ năm, cha phó xứ một bài giảng cũ hâm nóng lại. Giáo dân trong giáo xứ bắt đầu lẩm bẩm chê trách cha phó. Cuối cùng, họ đề nghị phái một nhóm đại diện trong hội các bà mẹ đến trình với cha. Họ bắt đầu với những lời nói lịch sự:

– Thưa cha, bài giảng của cha hôm Chúa nhật vừa rồi rất hay, chúng con ai cũng thích lắm.

Cha phó vui vẻ đáp:

– Thành thật cám ơn các bà vì những lời khích lệ ấy.

Các bà ngập ngừng nói tiếp:

– Nhưng thưa cha, xin cha cho phép chúng con được hỏi cha còn bài giảng nào khác hơn nữa không? Bởi vì suốt năm Chúa nhật vừa qua, cha đều lập đi lập lại cũng một bài giảng y hệt bài giảng đầu tiên khi cha vừa tới giáo xứ này.

Cha phó thản nhiên trả lời:

– Dĩ nhiên tôi biết điều đó và chắc chắn là tôi cũng có nhiều bài giảng khác nữa.

Các bà mạnh dạn nói thêm:

– Vậy thưa cha, vì ích lợi của cả giáo xứ, khi nào chúng con có thể được nghe cha bắt đầu bài giảng khác.

Cha phó nhanh nhẹn đáp lời:

– Dĩ nhiên tôi cũng rất mong ước được bắt đầu bài giảng cho tất cả giáo xứ càng sớm càng tốt. Tôi cũng hứa với quí ông quí bà là tôi sẽ bắt đầu sang bài giảng thứ hai ngay sau khi tôi thấy có ai trong quí ông bà đã đem thực hành bài giảng thứ nhất.

2. Đón Nhận Dễ Dàng Nhưng Mau Bỏ Cuộc

Đây là Lời của Chúa giải thích :”Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay.(Mt 13,20-21)

Chúng ta thấy không ít người tín hữu đã rơi vào trường hợp này. Đức tin chưa kịp bám rễ đã chết non. Có lên đường và khởi hành nhưng đã chóng quặt sang ngã khác, chẳng đi được bao xa.

Một ngày kia có một bác nông phu đến nghe cha giảng Cha Jean Peffers một nhà giảng thuyết lừng danh giảng. Hôm ấy cha Jean trình bày về đề tài sử dụng của cải. Bài giảng của cha được chia ra làm 4 phần:

– Phần I kêu gọi hãy gắng sức lao động để được của cải. Điều này đã làm cho bác nông phu rất hài lòng. Bác huých cùi chỏ vào người ngồi bên cạnh rồi nói nhỏ: “Hay quá! Thật là tuyệt vời”.

– Phần thứ II của bài giảng cha kêu gọi mọi người phải biết dành dụm của cải. Bác nông phu chăm chú nhìn cha Jean và như bác đang nuốt từng lời nói của cha vào lòng. Bác sung sướng ngồi thẳng người lên rồi như không thể kiềm chế được, bác buột miệng: “Tuyệt cú! Chính mình cũng chủ trương như vậy mà!”

– Phần III của bài giảng cha khuyên đừng xài phí. Bác nông phu nghe đến phần này gật gù tỏ vẻ hài lòng. Bác nói nhỏ: “Cám ơn Chúa vì con vẫn nghĩ và hành động đúng như vậy.”

– Phần cuối cùng của bài giảng cha bàn về tình liên đới được thể hiện qua việc rộng rãi chia sẻ của cải cách quảng đại cho những người cùng khốn.

Nghe đến đây, bác nông phu nhăn mặt khó chịu, bác thở dài rồi đứng lên bỏ ra về !!!

Mỗi người chúng ta có lẽ cũng ít nhiều giống bác nông phu trong câu chuyện chúng ta vừa nghe. Đúng là có nhiều lúc chúng ta cảm thấy Lời của Chúa thật tuyệt vời nhưng rồi mọi sự chỉ dừng lại ở đó. Thật đáng tiếc.

Quả chúng đang xây nhà trên cát!

3. Hạt Giống Bám Rễ Nhưng Bị Gai Vô Hiệu Hóa

  Chúa giải thích tiếp “Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì.(Mt 13,22-23)

Cỏ dại, gai góc là những lo lắng, đam mê trần thế thường chế ngự con người.

Đây là tình trạng sống đạo nửa vời. Lời Chúa còn nằm bên lề cuộc sống, chưa thành động lực thúc đẩy từ bên trong.

Đây có lẽ là tình trạng chung của rất nhiều tín hữu. Nhiều tín hữu sống đo không rõ rệt, dứt khoát. Sống trong tình trạng chân trong, chân ngoài, (chân ngoài dài hơn chân trong). Có thể chỉ muốn là một tín hữu “bình thường’, “coi được”, “trung bình”, chứ không sẵn sàng trả một giá cao, tương xứng với ơn gọi làm một Kitô hữu xác tín. Muốn đạt tới Nước Trời nhưng với một giá rẻ mạt.

Một đêm kia, khi vị mục sư chuẩn bị đóng cửa nhà thờ, ông gặp một đứa bé đang ngủ ở hàng ghế sau cùng. Ông đánh thức cậu ta dậy và xin lỗi vì ông phải đóng cửa nhà thờ. Cậu bé liền cắt nghĩa: đêm nay cậu không có chỗ nào để trú ngụ và mong được lưu lại trong nhà thờ. Vị mục sư trả lời là ông hy vọng cậu bé hiểu giùm ông, vì ngủ trong nhà thờ thật không hay. Thế là ông mời cậu tạm vào phòng tiếp tân chờ ông gọi điện thoại cho hai trung tâm cư trú trong thành phố, hãy gắng kiếm một chỗ cho cậu bé qua đêm. Rủi thay đêm đó không có trung tâm nào còn chỗ trống cả. Vị mục sư liền xin lỗi cậu. Cậu ta biết mình phải ra đi và đã lầm lũi bước vào bóng đêm.

Về nhà, ông ngồi vào chiếc ghế bành êm ấm cầm Thánh kinh lên đọc đoạn dành riêng cho ngày hôm ấy. Đó là bài dụ ngôn “Người Samaria nhân hậu”. Bỗng dưng vị mục sư nhận thấy cậu bé giống hệt như người đàn ông bị thương tích trong dụ ngôn trên, cậu đang cần sự giúp đỡ. Ông cũng nhận ra mình giống vị Thượng tế kia bước qua một bên mà chẳng giúp gì cho cậu bé.

Rõ ràng đây là một mảnh đất còn gai góc, Lời Chúa chưa sinh hoa kết trái được.

Đức Phaolô VI gọi lối giữ đạo đó là một thứ “Kitô giáo không Thập giá”

4. Đón Nhận Lời Chúa Rồi Đem Thực Hành

Chúng con hãy nghe Chúa giải thích: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” (Mt 13,23)

Đây là một thái độ Kitô giáo đích thực, điều mà Chúa Giêsu đòi mỗi tín hữu phải thực hiện. Không chỉ nghe mà thôi, nhưng là thực hành. Lời Chúa không còn là một thứ trang trí bên ngoài, nhưng trở thành động lực thôi thúc bên trong, trở thành đòi hỏi cụ thể phải quyết định hoặc chấp nhận hoặc khước từ, không thế lẩn tránh.

Chúa Giêsu luôn lấy việc thực hành ý Chúa Cha làm lương thực nuôi sống mình. Cũng vậy người Kitô hữu chỉ là Kitô hữu khi nào ý Chúa trở thành đòi hỏi khẩn thiết nhất, ưu tiên cao nhất trong ưu tư, dự định của đời mình.

Chuyện xảy ra ở một thôn người dân tộc. Có gia đình kia nghèo nhưng đạo đức. Hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn nên mùa màng gặt về cũng đủ ăn. Xong bà con chung quanh thường hay thiếu. Họ chạy đến chị K’Bông vay mượn, hẹn đến mùa sau sẽ trả. Có nhiều người mượn đã mấy mùa mà vẫn chưa đem lại trả. Gia đình tỏ vẻ không bằng lòng. Một hôm bà mẹ của chị gọi chị lại nói:

-Sao mày ngu vậy ? bạ ai cũng cho mượn hết, người ta không trả cho mày thì lấy gì mà ăn?

Chị mỉm cười trả lời :

– Mẹ mày, không sao đâu! Mình nghe lời Chúa dạy: cho mượn là việc mình phải làm, còn trả lại là việc của người ta!. . .

Thánh Augustinô, từ một chàng trai trụy lạc tội lỗi được cải hóa và đã trở nên một vị Đại Thánh Tiến Sĩ của Giáo Hội, chinh phục biết bao linh hồn trở về với Chúa, qua những tác phẩm giáo huấn và lời giảng dạy khôn ngoan của ngài… Còn biết bao trường hợp tương tự, ơn Chúa đã thực hiện cách lạ lùng nơi đời sống của các Thánh.

Anh chị em thân mến,

Qua bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa muốn đề cập đến hai đức tính cần thiết mà người mỗi người theo Chúa phải học để có thể thành công trong cuộc đời của mình nhất là trong cuộc đời truyền giáo. Hai tính ấy là hiền lành và khiêm nhường.

1/.Hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành.

Đây là mối phúc thứ hai của Chúa Giêsu trong hiến chương Nước Trời:

“Phúc cho những kẻ hiền lành.

Vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp” (Mt 5,4).

Nhiều người cứ tưởng hiền lành là yếm thế, là nhu nhược, là yếu đuối, để mặc kệ cho người ta phá hoại, mặc cho bất công hoành hành, mặc kệ cho tội ác phóng túng…!

Không! Không phải như thế mà hiền lành ở đây là một hành vi cao cả, không phải là những việc làm khuyến khích thêm tội ác mà là để cảm phục những người có tội để họ biết đường quay trở về.

Hiền lành chính là sức mạnh, sức mạnh của giọt nước làm thủng đá, của khí trời làm gãy sắt…

Thánh Phanxicô Salesiô quả quyết: “Kẻ hiền lành sẽ làm chủ các tâm hồn và mọi ý chí sẽ ở trong lòng họ”.

Vâng! Chỉ có những tâm hồn mạnh mẽ thật, biết xả kỷ, biết tự chủ, biết tự thắng mình mới có thể sống hiền lành được.

Một bữa kia, Socrates có người bạn đến rủ ông đi công việc sớm một chút. Bà vợ ông thấy vậy la lối gầm thét om sòm. Socrates vẫn thản nhiên. Nhưng khi ông vừa bước ra khỏi cửa thì bà vợ đứng trên lầu đổ một thau nước bẩn xuống đầu ông. Các bạn ông thấy vậy tỏ dấu bất bình, phản đối… Nhưng Socrates chỉ cười và nói:

– Thế có gì lạ đâu! Hễ trời gầm thì thế nào mà chẳng có mưa!

Rồi ông thản nhiên trở vào nhà thay quần áo.

Chúng ta hãy nhìn vào gương Chúa Giêsu, là bậc thầy về sự hiền lành, là cha chí ái của chúng ta, để học lấy cái sức mạnh của sự hiền lành, cái sức mạnh của con người biết lấy ơn trả oán, biết xả kỷ mưu cầu ích chung, biết bình tĩnh trước mọi xúc phạm, ngược đãi…cái sức mạnh mà Chúa đã kéo về với Chúa đến hơn 1/3 nhân loại.

Bắt chước sống hiền lành như Chúa, chúng ta sẽ được Chúa chúc phúc, trước hết là cái phúc được sống an vui trong lòng, được gieo an vui cho mọi người chung quanh, và cái phúc chiếm được lòng mọi người.

Thánh Phanxicô Salésiô một lần kia bị sỉ nhục một cách thậm tệ nhưng ngài vẫn chịu đựng. Người anh của Ngài thấy vậy tỏ ý không bằng lòng với thái độ mà ông coi như là “nhu nhược” như thế. Thánh nhân cắt nghĩa:

– Anh ạ. Ai cũng có máu Ađam cả. Em cũng bực tức và cũng giận lắm, nhưng em cố gắng theo gương hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu. Cứ mỗi dịp như vừa rồi, em lại tập thêm được một chút ít bằng cách tự bảo “Này hỡi Phanxicô, hãy đậy kỹ vung, đừng nói, đừng mở gì ráo. Cuối cùng em thấy rằng: lấy một giọt mật thì bắt được cả một bầy ruồi, chứ lấy cả một thùng giấm cũng chẳng bắt được một con”

Và đây là những lời còn táo bạo hơn: “Nếu kẻ thù móc mắt bên phải của tôi, tôi vẫn có thể dùng con mắt trái để mỉm cười với họ. Nếu họ móc cả mắt trái của tôi, tôi vẫn còn mãi trái tim để yêu mến họ”

  2/”Hãy học cùng Tôi vì Tôi khiêm nhường”.

Thánh Phaolô đã từng ca ngợi sự khiêm nhường của Chúa Kitô như thế này: “Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ.” (Pl 2,6-7). Nhà văn Lewis Wallace trong tác phẩm BEN HUR nổi tiếng cũng đã phải sững sờ trước sự khiêm nhường sâu thẳm của Đức Kitô. Ông đã đặt vào môi miệng của Ben Hur những lời sau đây lúc anh phải chứng kiến cảnh Đức Kitô bị Giuđa phản nộp và bị các tên lính bắt trói điệu Chúa đi. Anh hăm hở tiến đến gần Chúa Giêsu và hỏi:

– Lạy Thầy, hãy nghe tôi, có phải Thầy tự ý muốn đi theo bọn lính và các giáo sĩ hay không?

Đức Giêsu lặng thinh.

– Lạy Thầy, tôi có một binh đoàn quân Galilê trong thành phố này. Hãy ra lệnh đi, họ sẽ phục tùng Thầy. Thầy có thuận không?

Đức Giêsu vẫn một mực cúi nhìn đăm đăm xuống đất.

– Lạy Thầy, một lời thôi, một lời của Thầy thôi, tất cả sẽ theo Thầy…

Đức Giêsu vẫn im lặng, đến nỗi Ben Hur ngã vật xuống bờ sông Cédron và thốt lên:

– Người Nazareth, hỡi người Nazareth, thế thì thông điệp của Người mang ý nghĩa gì?

Thông điệp mang một ý nghĩa gì ư? Đó là “Hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Đó là thông điệp mà Đức Giêsu gửi cho mọi người chúng ta. Ngài đã làm gương trước, chúng ta chỉ việc học đòi bắt chước Ngài thôi.

Khiêm nhường là một đức tính được Thiên Chúa yêu mến. Khác hẳn với tính tự cao, tự đại thường đưa đến những thất bại trong cuộc sống.

Khi đưa quân qua đánh Nga, hoàng đế Napoléon của nước Pháp đã mơ tưởng đến việc có thể thu phục được cả Ấn độ, và với lòng kiêu căng vô biên, nhà vua đã cho đúc một thứ huy chương có dòng chữ này: “Thiên Đàng là của Chúa, trái đất là của ta”. Thế nhưng thật là mỉa mai chính vì trận đem quân đánh Nga này mà nhà vua đã mất ngôi báu. Và sau trận thất bại của nhà vua, một viên đại tướng Nga cũng cho đúc một huy chương khác, trên mặt có một hình bàn tay đưa qua đám mây và cầm roi đánh vào lưng Napoléon cùng với lời này: “Cái lưng là của mi, cái roi là của Ta”. Và như thế, vị hoàng đế kiêu ngạo, sau này trong nơi vắng vẻ khi bị tù đày ở đảo Sainte Helène có thể suy nghĩ về những lời này của Chúa: “Kẻ nào đưa mình lên sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Mt 23,12).

Mẹ Têrêsa viết: “Nếu sống khiêm nhường, không gì có thể làm ta thay đổi, dù lời khen, lời chê. Ai chỉ trích không làm chúng ta nản lòng, ai khen tụng, chúng ta không tự mãn “. – “Khiêm nhường là nẻo đi đúng đắn. Chính con đường khiêm nhường sẽ làm ta nên giống Đức Giêsu hơn.”

Một buổi chiều nọ, thánh Macariô một con người luôn được sống thân tình với Chúa, trở về căn buồng chật hẹp của mình, tay ôm nặng những ngành lá vạn tuế. Satan hiện đến trước mặt Ngài và nói.

– Hết mọi việc ông làm tôi cũng làm cả: ông ăn chay, tôi đây có ăn gì đâu, ông thức khuya, tôi chẳng hề ngủ. Ông đã từ bỏ của cải, tôi thì vẫn sống nghèo. Chỉ có cái này tôi không có, và chính vì thế ông vẫn làm cho tôi khó chịu.

– Cái chi thế, thánh nhân hỏi.

– Sự khiêm nhường

Nói đoạn, quỉ biến mất.

Lạy trái tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí.

Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng ngắn do thánh Matthêu ghi lại.

Cha đố chúng con trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa muốn dạy mọi người điều gì?

– Thưa Chúa dạy phải học với Chúa về sự hiền lành và khiêm nhường.

– Thế chúng con có hiểu hiền lành và khiêm nhường không?

Đây cha cắt nghĩa cho chúng con.

Hiền lành và khiêm nhường là hai đức tính rất cần thiết cho cuộc sống của một con người. Có hiền lành và khiêm nhường thì chúng ta mới dễ được yêu thương. Có rất nhiều tấm gương trong Kinh Thánh cho chúng ta thấy điều đó.

Tấm gương rõ nét nhất là tấm gương của Đức Mẹ Maria. Vì Đức mẹ hiền lành và khiêm nhường mà Đức Mẹ đã được Chúa chọn để là mẹ Chúa Giêsu. Người thứ hai cũng có thể nhắc tới đó là gương của thánh Giuse. Chúng con hãy nhớ lại một chút coi. Sau khi được Chúa chọn để làm bạn với Đức Mẹ thì thánh Giuse đã sống như thế nào. Có thể nói là hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa. Chúa bảo gì Giuse lấp tức thi hành, không một thắc mắc, không một chút phân vân nghi ngại. Đang đêm Chúa bảo dậy thì Giuse dậy. Chúa bảo đi thì Giuse đi. Như một dụng cụ ngoan ngoãn để Chúa sai bảo. Thật là quá hiền lành và khiêm nhường.

Thêm vào đó cha thấy trong cuộc sống của Chúa, Chúa có rất nhiều đức tính rất đặc biệt, thí dụ như sự thánh thiện, sự can đảm, lòng trong sạch, sự nhiệt thành đối với những gì Chúa Cha muốn, đức vâng lời, tinh thần trọng luật, cuộc sống siêu thoát….rồi Chúa còn có những khả năng ứng xử rất tài tình trước những tình huống vô cùng khó khăn và đã dễ dàng vượt qua những cạm bẫy rất phức tạp và vô cùng nguy hiểm mà những người không ưa Chúa nhiều lần đặt ra để thử thách Chúa. Đặc biệt là Chúa còn làm được những điều rất là lạ lùng như là làm được những phép lạ mà không ai trên đời có thể làm được. Đó là những điều rất hấp dẫn mà mỗi người có thể học được một phần nào ở nơi Chúa, thế nhưng khi đề cập đến những đức tính mà một người môn đệ của Chúa phải học thì Chúa đã không nhắc một tí nào đến những đức tính trên mà chỉ nói đến hai đức tính xem ra chẳng có gì hấp dẫn lắm…Đó là sự hiền lành và khiêm nhường.

  2/.Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành.

Sự hiền lành là một điều rất cần thiết để cho mọi người có thể dễ dàng sống với nhau như những người anh em con của cùng một Cha trên trời nhất là làm cho con người dễ đón nhận ý Chúa. Chính Chúa đã làm gương cho chúng ta.

a. Kinh thánh nói cho chúng ta rất nhiều về sự hiền lành của Chúa.

+ Ngôn sứ Isaia đã tiên báo về Chúa như thế này: “Ngài hiền lành như con chiên bị đem đi giết. Cây sậy đã gục ngã Ngài không nỡ bẻ gẫy. Tim đèn còn khói Ngài cũng không nỡ lòng nào dập tắt nó đi” Thật khó mà tìm được những lời nào hay hơn thế để nói về sự hiền lành của Chúa.

+ Chúng ta hãy nhớ lại cách cư xử dịu dàng tới mức độ tuyệt vời của Chúa trong câu chuyện người đàn bà ngoại tình.

+ Chúng ta hãy dừng lại trước cảnh thật đẹp của một người chăn chiên khi tìm lại được con chiên lạc trong cả đàn chiên 100 con của mình.

+ Và đặc biệt chúng ta hãy cố mà hình dung ra khuôn mặt rạng ngời của người Cha trong dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” khi người Cha ôm nó vào lòng khi nó đi hoang trở về: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay cậu, xỏ dép vào chân của cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt…Chúng ta phải mở tiệc ăn mừng vì con Ta đã chết nay mà nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”(Lc 15,22-24). Không một lời trách móc, không một cử chỉ buồn phiền

b/ Hiền lành ở đây không phải là nhu nhược nhưng là một hành vi cao cả anh hùng, không phải là những việc làm khuyến khích thêm tội ác mà là để cảm phục những người có tội để họ có thể tìm đường quay trở về.

Một đệ tử nhà hiền triết nổi tiếng kia đến thăm sư phụ đang lâm trọng bệnh gần chết. Anh ta đến gần giường và thưa với thầy:

– Thầy còn có điều gì để dạy cho con nữa không?

Nhà hiền triết âu yếm nhìn học trò mình rồi há miệng bảo môn đệ nhìn kỹ và ông hỏi:

– Con có thấy ta còn lưỡi không?

– Thưa thầy, còn.

– Thế răng của ta còn không?

– Thưa thầy, không còn cái răng nào!

Nhà hiền triết nói tiếp:

– Con có biết tại sao lưỡi còn mà răng lại rụng hết không? Bởi vì lưỡi thì mềm dẻo, còn răng thì cứng nhắc. Răng rụng trước lưỡi vì răng cứng cỏi. Bây giờ con đã học được tất cả những điều con phải biết rồi. Ta không còn điều gì để chỉ dạy cho con nữa.

+ Thánh Augustinô đã thú nhận như sau “Thánh Ambrosio đã khuất phục được tôi và tôi mến Ngài. Tôi mến Ngài không phải chỉ vì Ngài thông thái mà là vì Ngài hiền lành nhân hậu”

2/”Hãy học cùng ta vì Ta khiêm nhường”.

* Chúng con có biết các nhà tu đức học gọi khiêm nhường là gì không? Thưa là nhân đức nền tảng của đời sống đạo đức. Có người còn gọi khiêm nhường là nhân đức Mẹ của các nhân đức. Nhờ khiêm nhường, người môn đệ có thể dễ dàng nhận ra được tiếng nói của Chúa và gặp được Ngài trong cuộc đời của mình. Nhờ khiêm nhường mà chúng ta là cho cuộc đời của mình thêm đẹp.

Đầu tháng bảy năm 1870, một phái đoàn người Pháp đến chầu Đức giáo hoàng Piô IX tại Roma. Sau khi trưởng phái đoàn đã đọc bài chào mừng, Đức giáo hoàng đã nói chuyện thân mật với từng người và ai nấy đều xin ơn nọ ơn kia. Nhưng khi nhìn thấy một thanh niên có vẻ khô khan lạnh nhạt, Đức giáo hoàng đã hiền từ hỏi:

– Còn con, con không xin ơn gì sao?

Chàng thanh niên lạnh lùng đáp:

– Thưa không.

Đức giáo hoàng hỏi thêm:

– Cha con còn sống không?

Chàng thanh niên lửng khửng đáp:

– Thưa còn.

Đức giáo hoàng lại hỏi:

– Còn mẹ con thì sao?

Chàng thanh niên chậm chạp lí nhì đáp lại

– Mẹ con chết lâu rồi.

Bấy giờ Đức giáo hoàng cầm tay anh thanh niên mà nói với giọng cảm động rằng:

– Con không xin ơn gì với cha; còn cha, cha xin con một điều, là con hãy cùng cha quì gối xuống đất, đọc một kinh lạy cha, một kinh kính mừng, một kinh sáng danh, cầu nguyện cho mẹ con được lên thiên đàng, và khi được hưởng mặt Chúa. Mẹ con sẽ xin cùng Chúa cho con được sốt sắng giữ đạo để sau này con cũng được lên thiên đàng với mẹ con. Nói xong Đức giáo hoàng quỳ xuống đất, hai tay chắp trước ngực, mắt nhìn lên trời, đọc kinh rất sốt sắng, làm cho chàng thanh niên phát cảm động phải khóc nức nở.

Đức Giáo Hoàng quì xuống trước mặt mọi người . Ngài có làm gì lạ lùng không. Không. Ngài chỉ cùng đọc với mọi người những lời kinh đơn sơ nhất.

Chúng ta hãy nhìn vào đó mà bắt chước để cuộc sống của mỗi người chúng ta xứng đáng với Chúa hơn. Amen.