Chủ sự: Lm. Chánh xứ Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

Kính mời quý vị cùng hiệp thông và đừng quên nhấn vào nút “Đăng ký” để theo dõi những video mới nhất từ Giáo xứ Tân Định.

Kênh Youtube của giáo xứ Tân Định:

GXTĐ – Tông huấn Amoris Laetitia Niềm vui của Tình yêu (trích) Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

207. Tôi khuyến khích các cộng đồng Kitô hữu nhìn nhận lợi ích lớn lao chính họ nhận được từ việc giúp đỡ các cặp đính hôn lớn lên trong lòng yêu thương. Như các giám mục Ý từng nhận xét, những cặp này là “tài nguyên giá trị vì khi thành thực cam kết lớn lên trong lòng yêu thương và sự tự hiến, họ đã có thể góp phần vào việc canh tân cấu trúc của toàn bộ cơ thể Giáo Hội. Hình thức tình bằng hữu đặc biệt của họ có thể chứng minh được là dễ lây và có khả năng phát huy sự lớn mạnh của tình bằng hữu và tình huynh đệ trong cộng đồng Kitô hữu mà họ vốn là một thành phần” (239). Hiện có một số cách hợp pháp để tổ chức các chương trình chuẩn bị hôn nhân, và mỗi Giáo Hội địa phương phải biện phân cách tốt nhất để cung cấp việc huấn luyện thích đáng mà không làm giới trẻ ra xa lạ với bí tích. Họ không cần được dạy toàn bộ Sách Giáo Lý hay được nhồi nhét quá nhiều tín liệu. Cả ở đây, “không phải sự hiểu biết lớn lao, mà đúng hơn là khả năng cảm nhận và trân qúy những điều ở bên trong có khả năng làm cho linh hồn hài lòng và thỏa mãn” (240). Phẩm lúc nào cũng quan trọng hơn lượng và, song song với việc công bố sơ truyền một cách mới mẻ, nên dành ưu tiên cho việc trình bày một cách lôi cuốn và hữu ích các tín liệu có thể giúp các cặp đính hôn biết sống trọn phần còn lại của đời họ với nhau một cách can đảm và quảng đại” (241). Việc chuẩn bị hôn nhân nên trở thành một thứ “khai tâm” vào bí tích hôn phối, cung cấp cho các cặp đính hôn sự giúp đỡ họ cần để lãnh nhận bí tích cách xứng đáng và khởi đầu cuộc sống vững chắc của họ như một gia đình.

5 phút Lời Chúa Mỗi Ngày: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho”. (Mt 20,4)

Suy niệm: Thiên Chúa không xử sự theo kiểu loài người. Dù bạn bắt đầu làm vào giờ thứ mấy đi nữa, bạn cũng nhận được một quan tiền “phân của bạn là hạnh phúc Nước Trời. Vấn đề ở đây là bạn có đáp trả lời mời gọi “đi vào vườn nho” không. Vườn nho của Chúa hôm nay là Hội Thánh hoàn vũ, Hồi Thánh địa phương, địa phận hay giáo xứ, Hội Thánh tại gia là gia đình của bạn. Có thể bạn đã nhận lời đi làm vườn nho ngay từ đầu ngày, nhưng sau đó lòng bạn lại ra khỏi vườn nho vì lòng ghen tương với những người đến sau hay với người khác, có thể bạn đã vào vườn nho nhưng không tròn bổn phận của người làm vườn nho vì những so đo, tính toán hơn thiệt. Thiên Chúa mời gọi mọi người đi làm vườn nho của Ngài. Không ai là người phải đứng ngoài khoanh tay chờ đợi. Chỉ có Ngài kiên nhẫn đợi chờ chúng ta đáp trả. Bạn đáp trả lời mời gọi ấy thế nào?

Mời Bạn: Giáo xứ của bạn đang sống động vì có nhiều người góp tay vun đắp, cộng tác, hay đang “xuống cấp” tang thương vì có nhiều người dửng dưng đứng ngoài cuộc? Bạn thuộc nhóm người nào?

Chia sẻ thao thức của bạn khi nhìn về Hội Thánh và nói quyết tâm của bạn cùng nhau xây dựng Hội Thánh.

Sống Lời Chúa: Nhập cuộc vườn nho giáo xứ với tâm hồn quảng đại dấn thân.

Cầu nguyện: Xin Chúa đổ đầy tâm hồn con lửa yêu mến Chúa để con luôn mau mắn đáp trả lời mời gọi của Chúa và đuổi xa con mọi mầm mống của ghét ghen, ganh tỵ. Xin cho con biết làm cho vườn nho Chúa ngày có thêm nhiều hoa trái nhân đức chín mọng, có thêm nhiều người thợ lành nghề, xứng đáng với phần thưởng Nước Trời Chúa ban.

THÔNG TIN GIÁO XỨ:

Các linh mục phụ trách: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng – Lm. G.B Đỗ Quốc Vinh – Lm. G.B Nguyễn Trọng Tín.

Thánh lễ:

  • Ngày thường: 5g00; 6g15; 17g30; 19g00
  • Chúa nhật: 5g00; 6g15; 7g30; 9g00; 16g00; 17g30; 19g00

Giải tội: Sau lễ sáng & trước lễ chiều ngày thường; Chúa nhật: 17g00 – 19g00

Chầu Thánh Thể: Mỗi ngày tại nhà chầu; 15g ngày Chúa nhật tại nhà thờ.

Rửa tội trẻ em: 10g15 Chúa Nhật mỗi cuối tháng

Văn phòng giáo xứ:

  • T3-T7: 7g30 – 11g30; 14g30 – 18g30
  • Chúa nhật: 6g30 – 10g30; 16g30 – 20g30
  • Thứ hai nghỉ cả ngày

LỊCH TUẦN 20/09 – 26/09/2020

  • Chúa nhật, 20/09: CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN
  • Thứ hai, 21/09: THÁNH MATTHÊU, TÔNG ĐỒ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính.
  • Thứ ba, 22/09:
  • Thứ tư, 23/09: Thánh Piô Pietrelcina, linh mục, Lễ nhớ.
  • Thứ năm, 24/09:
  • Thứ sáu, 25/09:
  • Thứ bảy, 26/09: Thánh Cosma và thánh Đamianô, tử đạo.

THÔNG BÁO: TUẦN 20/09 – 26/09/2020

  1. Sáng Chúa nhật tuần này 20/09/2020 vào lúc 7 giờ 30 sáng có Thánh Lễ khai giảng Năm học Giáo Lý 2020-2021 cho các em thiếu nhi. Xin Quý vị phụ huynh cùng cộng tác với giáo xứ trong việc chăm lo giáo dục đức tin cho các em.
  2. Thứ hai tuần này 21/09/2020, bắt đầu khởi công tu sửa cấp thiết phần mái ngói Nhà Thờ Tân Định bị hư hỏng nặng. Xin anh chị em cùng cầu nguyện cho công việc tu sửa được bình an. Trong thời gian tu sửa, vẫn cử hành Thánh Lễ bình thường như mọi khi.
  3. Xin gởi đến anh chị em tâm tình của Đức Cha phụ tá Louis Nguyễn Anh Tuấn trong Thánh lễ Đức Mẹ sầu bi ngày 15/09/2020 : “Trong tâm tình biết ơn, hôm nay chúng ta về đây để dâng thánh lễ cầu nguyện nhân ngày giỗ 137 năm của cha sở thứ 5 của giáo xứ Tân Định – Lm Donatianus Eveillard Sơn – người có công lớn trong việc xây dựng nhà thờ Tân Định này. Chúng ta cũng cầu xin Chúa cho công cuộc tu sửa cấp thiết nhà thờ Tân Định được bình an, tốt đẹp, có nhiều người cùng chung tay góp sức, tiếp tục công việc của cha ông để lại, cho việc trùng tu được kết thúc sớm theo lòng Chúa mong ước. Mỗi lần trở về ngôi Nhà Thờ này, dù làm Giám mục rồi nhưng tôi vẫn cảm thấy bồi hồi như lúc tuổi thơ, được mẹ dắt đến đây dự lễ, được sống và lớn lên, được nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu và ơn gọi đời dâng hiến”.
  4. Theo truyền thống xưa nay, tất cả các giáo phận tại Việt Nam dành ngày thứ sáu Tuần Thánh để lạc quyền cho quỹ dự phòng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhằm giúp đỡ kịp thời các nơi bị thiên tai lũ lụt trên quê hương Việt Nam của chúng ta, đồng thời cũng giúp cho Thánh Địa. Tuy nhiên, chúng ta chưa thực hiện được công việc bác ái cao quý này do đại dịch Covid-19. Theo ý của Đức Tổng Giuse, toàn thể Tổng Giáo phận sẽ đồng loạt lạc quyền vào Chúa nhật 20/9/2020. Xin anh chị em quảng đại chia sẻ nhằm thể hiện tình hiệp thông với mọi anh chị em chúng ta đang gặp đau khổ.

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

WGPSG — “Đối với những ai yêu và biết đáp lại Tình yêu, nhất là biết đáp lại trong hy sinh, trong sự hiến tế chính mạng sống mình thì người đó sẽ cảm nhận được nguồn bình an đích thực”.

Đó là lời chia sẻ của ĐGM Louis Nguyễn Anh Tuấn khi ngài chủ sự thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Sầu Bi vào lúc 17g30 chiều thứ Ba 15/9/2020 tại nhà thờ Tân Định, cũng là lễ giỗ 137 năm cha sở thứ 5 của giáo xứ Tân Định – Lm Éveillard Sơn và cầu bình an cho việc trùng tu nhà thờ.

Đồng tế với ĐGM Louis có Lm chánh xứ Tân Định – Phaolô Nguyễn Quốc Hưng, Lm Giám đốc Đại Chủng Viện Giuse – Bùi Công Trác, Lm trưởng ban Đối Thoại Liên Tôn – Phanxicô Bảo Lộc (người con của giáo xứ Tân Định cùng với ĐGM Louis) và 5 Lm phó xứ qua các thời kỳ.

Sau bài hát nhập lễ của liên ca đoàn Giuse & Hiển Linh, Lm chánh xứ Phaolô đã có lời cám ơn ĐGM Louis, Lm Giám đốc Đại Chủng Viện Giuse, Lm Phanxicô Bảo Lộc, các Lm đồng tế, các tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân Chúa đã đến tham dự thánh lễ chiều nay để cầu nguyện theo 3 ý lễ trên.

Tiếp sau lời chúc bình an, ĐGM Louis có đôi lời bộc bạch: “Trong tâm tình biết ơn, hôm nay chúng ta về đây để dâng thánh lễ cầu nguyện nhân ngày giỗ 137 năm của cha sở thứ 5 của giáo xứ Tân Định – Lm Donatianus Eveillard Sơn – người có công lớn trong việc xây dựng nhà thờ Tân Định này. Chúng ta cũng cầu xin Chúa cho công cuộc tu sửa cấp thiết nhà thờ Tân Định được bình an, tốt đẹp, có nhiều người cùng chung tay góp sức, tiếp tục công việc của cha ông để lại, cho việc trùng tu được kết thúc sớm theo lòng Chúa mong ước. Mỗi lần trở về ngôi Nhà Thờ này, dù làm Giám mục rồi nhưng tôi vẫn cảm thấy bồi hồi như lúc tuổi thơ, được mẹ dắt đến đây dự lễ, được sống và lớn lên, được nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu và ơn gọi đời dâng hiến”.

Trong tâm tình đó, ĐGM Louis mời gọi mọi người lắng đọng, sám hối để bước vào thánh lễ.

Trong bài giảng, ĐGM Louis đã chia sẻ: Lễ Đức Mẹ Sầu Bi được Giáo hội cử hành trong tâm tình hiệp thông với cuộc khổ nạn của Con Mẹ – Đức Giêsu. Chính vì vậy, Giáo hội đã đặt lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngay sau ngày lễ Suy tôn Thánh giá Chúa Giêsu.

Hôm nay chúng ta được dịp chiêm ngắm lại 7 sự thương khó của Đức Mẹ như 7 dao sắc đâm thâu qua trái tim Đức Mẹ:

  1. Khi ông Simêon ẵm Đức Chúa Giêsu và nói cùng Đức Mẹ rằng: “Trẻ nhỏ này sẽ là cớ cho nhiều người vấp ngã cũng như đứng dậy và là mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!”
  2. Khi vua Hêrôđê đi tìm Đức Chúa Giêsu để giết, thì Đức Mẹ phải bồng Con sang Ai Cập chạy trốn, mà Mẹ thương Con còn non nớt mới sinh, nên lo buồn đau đớn.
  3. Khi Đức Mẹ đem Con đi lễ đền thờ thành Giêrusalem, lúc về bị lạc mất Con, Đức Mẹ đau xót đi tìm con.
  4. Khi Đức Mẹ theo Con trên đường khổ nạn, thấy Con vác Thánh giá lên núi Canvê, nhiều lần ngã xuống đất, quân dữ đạp dậy giục đi cho chóng, thì hai con mắt Đức Mẹ nên như hai suối nước chảy xuống.
  5. Khi Đức Mẹ thấy Con treo trên cây Thánh giá, thốt ra bảy lời cuối cùng như lời trối trăn cho Mẹ, đoạn gục đầu xuống từ giã Mẹ mà sinh thì, thì lòng Đức Mẹ đau đớn thảm thiết.
  6. Khi các môn đệ tháo đinh, đem xác Đức Chúa Giêsu xuống giao phó vào tay Đức Mẹ. Mẹ ôm lấy xác Con vào lòng, đau đớn tột cùng là thể nào.
  7. Khi môn đệ lấy hòn đá lớn mà che ngoài cửa hang thì lòng Đức Mẹ đau đớn như đã chết mà chôn một mồ cùng con vậy.

Sự đau khổ của Đức Mẹ không ai có thể hiểu thấu. Nhưng sâu thẳm trong nỗi đau khổ ấy, chính là sự bình an. Bởi vì đối với những ai yêu và biết đáp lại Tình yêu; nhất là đáp lại trong hy sinh, trong sự hiến tế chính mạng sống mình thì người đó sẽ cảm nhận được nguồn bình an đích thực. Đó là niềm vui tuyệt đối của các vị thánh mà chúng ta vẫn thường nghe kinh nghiệm thiêng liêng ngay trong lúc đau khổ. Từ đó, chúng ta mới hiểu được tại sao các ngài có thể ca hát khi đi ra pháp trường để chịu phúc tử vì đạo.

Đau khổ của người đã yêu, đã được yêu khác với sự đau khổ của những người phải cam chịu, bức bối vì không biết yêu. Đau khổ của những môn đệ đi theo Chúa khác với đau khổ của những người không tin vào Chúa ở chỗ yêu hay không yêu. Đau khổ đã được yêu có sức giải phóng, có sức cứu độ. Vì vậy, đau khổ của chúng ta cũng góp phần vào sự đau khổ của Đức Kitô và của Mẹ Maria”.

Sau đó, ĐGM Louis trở lại ý cầu nguyện thứ 2: “Ngôi nhà thờ này khi bắt đầu xây dựng cách đây 144 năm cũng phủ bóng thập giá. Khi cha Eveillard Sơn khởi công xây dựng cũng là lúc xảy ra chiến tranh thời Pháp thuộc. Mọi người đều kỳ thị người Công giáo và không ai muốn giúp đỡ, vì họ cho rằng theo cố Tây là phản quốc. Nhờ đó, chúng ta mới hiểu được sự đau khổ của các đấng khi đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu để xây dựng ngôi nhà thờ này.

Hôm nay, chúng ta cũng tha thiết cầu nguyện để công trình trùng tu ngôi thánh đường này được mọi sự bình an. Chúng ta dâng lên Chúa và phó thác mọi sự cho Ngài: những đau khổ, những hy sinh và những lời cầu nguyện khẩn thiết. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các cấp chính quyền để họ quan tâm, giúp đỡ chúng ta trong việc trùng tu ngôi nhà thờ này cũng như những công trình phụ của Giáo xứ trong thời gian tới”.

Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể.

Cuối lễ, đại diện Hội đồng Mục vụ đã có lời cám ơn ĐGM Louis, Lm Giám Đốc Chủng Viện Sài Gòn, Lm Trưởng ban Đối thoại Liên tôn, các Lm đồng tế, các tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân Chúa.

Đáp từ, ĐGM Louis đã mời gọi: “Có những công trình chúng ta nhìn thấy được như ngôi thà thờ Tân Định này, nhưng cũng có những công trình vô hình, đó là Giáo hội. Giáo hội lúc này, cũng giống như Mẹ Maria đang đau khổ vì Con. Vì thế, chúng ta hãy sẵn sàng mang lấy những khó khăn, thách đố và luôn cầu nguyện cho Giáo hội. Riêng với công trình trùng tu thánh đường này, chúng ta hãy phó thác cho Chúa, Chúa đã khởi sự thì Ngài cũng sẽ giúp chúng ta hoàn tất. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa và cũng xin anh chị em tha thiết cầu nguyện cho công trình này sớm hoàn thành tốt đẹp”.

Sau đó, ĐGM Louis cùng các linh mục đã đến dâng hương trước phần mộ của Lm Donatianus Éveillard Sơn đặt trước bàn thờ Đức Mẹ.

Trước mộ phần, Lm chánh xứ Tân Định đã dâng lời nguyện: “Hôm nay, nhân ngày giỗ 137 năm của cha, chúng con quây quần quanh đây để kính nhớ công ơn của cha trong việc xây dựng ngôi thánh đường Tân Định này. Chúng con xin thắp những nén hương này để dâng lên cha cùng với các vị tiền nhân đã dày công phục vụ Họ Đạo. Xin cha thương và cầu nguyện cùng Chúa chúc lành cho tất cả chúng con, cho công trình trùng tu của chúng con. Chúng con xin hát vang lời Kinh Hòa bình để tri ân vì lòng mến yêu và phụng sự Chúa, cha đã đến đây, chọn Tân Định như quê hương thứ 2 và trao gởi thân xác nơi lòng đất mẹ này, vì cha biết chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Xin Thần Linh thánh ái ban cho chúng con và những ai lòng đầy thiện chí: Ơn An Bình”.

Bài: Hữu Lễ & Ảnh: Trần Văn
Nguồn: TGP Sài Gòn

Nhân Lễ giỗ lần thứ 137
Cha Donatianus Éveillard (Cha Sơn)
15/09/1883 – 15/09/2020.

Hiệp Dâng Thánh Lễ đồng tế :

  • Lễ Đức Mẹ sầu bi
  • Lễ giỗ lần thứ 137 Cha Donatianus Eveillard (Cha Sơn) – cha Sở có công rất lớn trong việc xây dựng Nhà Thờ Tân Định (1875 -1876)
  • Cầu nguyện cho việc tu sửa cấp thiết Nhà thờ hư hỏng nặng (thay ngói chống dột) được bình an.

Vào Lúc 17 giờ 30 thứ ba, 15/09/2020
Tại Nhà Thờ Tân Định, 289 Hai Bà Trưng, Phường 8, Quận 3.
Do Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn chủ sự.

Sự hiện diện của cộng đoàn giáo dân Tân Định là niềm khích lệ và động viên rất lớn cho việc tu sửa.

Tân Định, ngày 09 tháng 09 năm 2020
Linh mục Chánh Xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

Cha Donatianus Eveillard (Cha Sơn)
(1835-1883)

  • Sinh ngày: 4/6/1835 thuộc địa phận Nantes (Pháp)
  • Gia nhập Hội thừa sai và sang Việt Nam truyền giáo ngày 13/02/1862 (lúc 27 tuổi). Quản lý Tòa Giám Mục Sài Gòn và Giáo sư Đại chủng viện.
  • Cha Sở Tân Định: từ tháng 3/1874 – đến tháng 6/1881 (7 năm)
    • Xây dựng nhà thờ ( trong 2 năm 1875-1876)
    • Nhà in Imprimerie de la Mission cùng trường thầy giảng
    • Trường cho trẻ mồ côi trường Sainte Enfance Tân Định, mở cửa vào năm 1877.
  • Qua đời 15/9/1883 với 49 tuổi đời và 22 năm phục vụ tông đồ ( 9 năm ở Tân Định). Cha Éveillard (Sơn) ra đi để lại một sự thương tiếc lớn lao nơi lòng các tín hữu Tân Định. Cha Éveillard (Sơn) được an táng ngày 17/9/1883 phía trước bàn thờ Đức Mẹ, trong Nhà Thờ Tân Định, do chính ngài xây cất.

Khảo sát đánh giá tình trạng hiện tại
của mái ngói Nhà Thờ Tân Định

  • Hiện trạng mái ngói phần Mái Thấp đã xuống cấp nhiều, bị võng và thấm dột làm hư hỏng kết cấu gỗ của mái và các chi tiết kiến trúc bên dưới.
  • Các Li tô và Cầu phong gỗ ở nhiều khu vực đã bị mục nát do bị ẩm ướt và mối mọt lâu ngày. Thực tế một số vị trí Li tô không còn hiện hữu để đỡ ngói. Có nguy cơ sụp ngói.
  • Một số thanh xà gồ và vì kèo gỗ cũng bị mối, mục và hư hỏng nặng.

* Những hình ảnh thực tế điển hình cho thấy sự xuống cấp:

 

GXTĐ – Tông huấn Amoris Laetitia Niềm vui của Tình yêu (trích) Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

205. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, bằng nhiều cách, đã quả quyết rằng ta cần giúp giới trẻ khám phá ra phẩm giá và cái đẹp của hôn nhân (237). Họ nên được giúp đỡ để nhận thức rõ sự quyến rũ của một kết hợp hoàn toàn, một sự kết hợp nhằm nâng cao và hoàn thiện hóa chiều kích xã hội của nhân sinh, đem lại cho tính dục ý nghĩa sâu xa nhất của nó, gây ích cho con cái bằng cách cung hiến cho chúng bối cảnh tốt nhất để chúng lớn lên và phát triển.

206. “Sự phức tạp của xã hội ngày nay và các thách đố mà gia đình đang đối phó đòi phải có một cố gắng lớn lao về phía toàn bộ cộng đồng Kitô hữu trong việc chuẩn bị những người sắp sửa kết hôn. Sự quan trọng của các nhân đức phải được bao gồm trong đó. Trong số các nhân đức, đức trong sạch đã được chứng minh là vô giá để tình yêu giữa những con người có thể lớn lên một cách chân chính. Về phương diện này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhất trí về việc phải để toàn bộ cộng đồng tham dự một cách sâu rộng hơn, bằng cách nhấn mạnh đến chứng tá của chính các gia đình và đặt cơ sở cho việc chuẩn bị hôn nhân ngay trong diễn trình Khai tâm Kitô Giáo qua việc làm nổi bật mối liên kết giữa hôn phối, phép rửa và các bí tích khác. Các Nghị Phụ cũng nói tới việc phải có những chương trình chuẩn bị hôn nhân đặc biệt nhằm đem lại cho các cặp này kinh nghiệm chân chính được tham dự vào đời sống Giáo Hội và được dẫn nhập trọn vẹn vào các khía cạnh khác nhau của đời sống gia đình” (238).

5 phút Lời Chúa Mỗi Ngày: Bấy giờ tôn chủ đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,32-33)

Suy niệm: Nhiều người mặc nhiên coi câu nói „gieo nhân nào gặt quả nấy‟ như một quy luật hoàn toàn máy móc. Vì thế khi thấy ai đó gặp phải điều không may, họ quy kết ngay rằng hẳn “anh ta hay cha mẹ anh ta” đã làm điều chi bất nhân thất đức nên mới bị trừng phạt „quả báo nhãn tiền‟ như thế (x. Ga 9,1-2). Chúa Giê-su không nói luật nhân quả là sai nhưng Ngài cho biết căn nguyên của luật ấy là chính Thiên Chúa và mỗi người đều đã nhận được cái “nhân” tối thượng là ơn tha thứ nhờ lòng thương xót của Ngài: “Tôn chủ” đã tha nợ cho người đầy tớ món nợ vô cùng lớn chỉ vì “anh đã van xin Ngài.” Vì thế từ cái “nhân” tốt lành đó mỗi người sẽ phải sinh “quả ngọt” bằng cách “thương xót người khác như chính Chúa đã thương xót mình”. Ngược lại, người ta sẽ nhận phải cái kết là “trái đắng” nếu họ cư xử nghiệt ngã vô cảm với anh em mình.

Bạn thân mến! Những việc lành phúc đức của bạn, việc bạn bao dung tha thứ cho người khác đúng là những nhân tốt lành để bạn gặt được quả phúc mai sau, nhưng, bạn nhớ rằng đó cũng là việc bạn phải làm để đáp lại việc trước đó Chúa đã xoá cho bạn món nợ vô cùng lớn là tội lỗi mà bạn đã xúc phạm đến Chúa và anh em. Bạn hãy nhớ luật nhân quả của Chúa là: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).

Sống Lời Chúa: Mỗi tối xét mình, thấy mình còn hờn giận ai, bạn hãy tìm cách tốt nhất để làm hoà với họ.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

THÔNG TIN GIÁO XỨ:

Các linh mục phụ trách: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng – Lm. G.B Đỗ Quốc Vinh – Lm. G.B Nguyễn Trọng Tín.

Thánh lễ:

  • Ngày thường: 5g00; 6g15; 17g30; 19g00
  • Chúa nhật: 5g00; 6g15; 7g30; 9g00; 16g00; 17g30; 19g00

Giải tội: Sau lễ sáng & trước lễ chiều ngày thường; Chúa nhật: 17g00 – 19g00

Chầu Thánh Thể: Mỗi ngày tại nhà chầu; 15g ngày Chúa nhật tại nhà thờ.

Rửa tội trẻ em: 10g15 Chúa Nhật mỗi cuối tháng

Văn phòng giáo xứ:

  • T3-T7: 7g30 – 11g30; 14g30 – 18g30
  • Chúa nhật: 6g30 – 10g30; 16g30 – 20g30
  • Thứ hai nghỉ cả ngày

LỊCH TUẦN 13/09 – 19/09/2020

  • Chúa nhật, 13/09: CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN
  • Thứ hai, 14/09: SUY TÔN THÁNH GIÁ. Lễ kính.
  • Thứ ba, 15/09: Đức Mẹ Sầu bi. Lễ nhớ.
  • Thứ tư, 16/09: Thánh Cornêliô, giáo hoàng, tử đạo và thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ
  • Thứ năm, 17/09: Thánh Robertô Bellarminô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh.
  • Thứ sáu, 18/09:
  • Thứ bảy, 19/09: Thánh Januariô, giám mục, tử đạo.

THÔNG BÁO: TUẦN 13/09 – 19/09/2020

  1. Lớp Kinh Thánh học trở lại vào thứ năm 17/09/2020. Lớp giáo lý dự tòng và hôn nhân học bình thường lúc 19 giờ 00 thứ hai, tư, sáu. 7 giờ 30 Chúa nhật 20/09/2020: Thánh lễ Khai giảng Năm Học Giáo lý cho thiếu nhi.
  2. Tuần này xin anh chị em giúp cho quỹ học bổng của giáo xứ. xin cám ơn anh chị em.
  3. Nhà thờ Tân Định được cấp Giấy phép số: 4435/SVHTT-QLDSVH ngày 03 tháng 08 năm 2020 do Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cấp để tu sửa cấp thiết mái Nhà thờ Tân Định đã bị hư hỏng nặng. Trong thời gian tu sửa, các Thánh Lễ trong nhà thờ vẫn bình thường. Xin anh chị em cầu nguyện cho công việc tu sửa cấp thiết Nhà thờ 144 tuổi được bình an.
    • Tên nhà thầu thi công: Công ty TNHH MTV Tư vấn QH KT ĐTXD NGOC (Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề bảo quản, tu sửa, phục hồi di tích số 4641/GCN-SVHTT ngày 13 tháng 11 năm 2019 do Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cấp).
    • Ngày khởi công: 21/09/2020.
    • Dự kiến hoàn thành: 12 tháng kể từ ngày khởi công.
  4. Mời cộng đoàn tham dự Thánh lễ đồng tế vào lúc 17 giờ 30 thứ ba ngày 15/09/2020 do Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn chủ sự:
    • Lễ Đức Mẹ sầu bi.
    • Lễ giỗ lần thứ 137 Cha Donatianus Eveillard (Cha Sơn) – cha Sở thứ năm của họ đạo Tân Định – ngài có công rất lớn trong việc xây dựng Nhà Thờ Tân Định (1875-1876) – Cầu nguyện cho việc tu sửa cấp thiết Nhà thờ hư hỏng nặng phần ngói được bình an.
  5. Cha Donatianus Eveillard (Cha Sơn) (1835-1883) – Sinh ngày: 4/6/1835 thuộc địa phận Nantes (Pháp) – Gia nhập Hội thừa sai và sang Việt Nam truyền giáo ngày 13/02/1862 (lúc 27 tuổi). Quản lý Tòa Giám Mục Sài Gòn và Giáo sư Đại chủng viện. – Cha Sở Tân Định: từ tháng 3/1874 – đến tháng 6/1881 (7 năm): Xây dựng nhà thờ ( trong 2 năm 1875-1876) và nhà in Imprimerie de la Mission cùng trường thầy giảng, trường cho trẻ mồ côi trường Sainte Enfance Tân Định, mở cửa vào năm 1877 . – Qua đời 15/9/1883 với 49 tuổi đời và 22 năm phục vụ tông đồ ( 9 năm ở Tân Định). Cha Éveillard (Sơn) ra đi để lại một sự thương tiếc lớn lao nơi lòng các tín hữu Tân Định. Cha Éveillard (Sơn) được an táng ngày 17/9/1883 phía trước bàn thờ Đức Mẹ, trong Nhà Thờ Tân Định, do chính ngài xây cất.

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

[Tải về bản in – PDF]

Chủ sự: Lm. Chánh xứ Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

Kính mời quý vị cùng hiệp thông và đừng quên nhấn vào nút “Đăng ký” để theo dõi những video mới nhất từ Giáo xứ Tân Định.

Kênh Youtube của giáo xứ Tân Định:

Chủ sự: Lm. Chánh xứ Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

Kính mời quý vị cùng hiệp thông và đừng quên nhấn vào nút “Đăng ký” để theo dõi những video mới nhất từ Giáo xứ Tân Định.

Kênh Youtube của giáo xứ Tân Định:

Theo Văn thư hướng dẫn của Toà Giám Mục Tổng Giáo phận TpHCM vừa ban hành: Tất cả các sinh hoạt mục vụ cộng đoàn giáo xứ được sinh hoạt bình thường trở lại kể từ chiều Thứ Hai 07/09/2020.

Vậy Cha Sở xin thông báo về các sinh hoạt Mục vụ của giáo xứ như sau :

  1. Thứ Ba 08/09/2020 kính mừng Sinh nhật Đức Mẹ. Sau Thánh Lễ 17g30 có Rước kiệu mừng Sinh nhật Đức Mẹ, mời tất cả cộng đoàn tham dự sốt sắng.
  2. Ngày 08/09/2020 là Kỷ niệm 11 năm Giám mục của Đức Tổng Giám Mục GIUSE NGUYỄN NĂNG, xin cộng đoàn thêm lời cầu nguyện cho Ngài.
  3. Lớp Giáo Lý Dự tòng khai giảng vào Thứ Tư 09/09/2020 lúc 19g00.
  4. Lớp Giáo Lý Hôn nhân khai giảng vào Thứ Sáu 11/09/2020 lúc 19g00.
  5. Trường Giáo Lý Tân Định tập trung trở lại vào lúc 7g10 Chúa Nhật 13/09/2020, xin quý Phụ huynh đưa con em đến tập trung đi Lễ và học Giáo lý đầy đủ.

Tất cả mọi sinh hoạt mục vụ cộng đoàn giáo xứ được cử hành theo tinh thần phòng dịch (tức là đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn).

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
( (84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com
Số: 231.4_200907_01

THÔNG BÁO

V/v sinh hoạt mục vụ bình thường trở lại

Kính thưa quý Cha và các Cộng đoàn,

Sau hơn 40 ngày tái bùng phát, tình hình lây lan của dịch Covid-19 đã tạm lắng xuống trên phạm vi cả nước. Tại thành phố chúng ta, việc phòng chống dịch được thực hiện tốt nên không có thêm ca nhiễm mới nào trong cộng đồng.

Chia sẻ niềm vui chung của cộng đồng xã hội, toàn thể gia đình Tổng giáo phận chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa tâm tình tạ ơn vì những trải nghiệm thiêng liêng và thông điệp nhận được qua cơn đại dịnh này.

Tòa Tổng giám mục đề nghị quý cha và các cộng đoàn tổ chức lại mọi sinh hoạt mục vụ và cử hành phụng vụ như bình thường, kể từ chiều thứ Hai ngày 7/9/2020. Tuy nhiên, tất cả chúng ta vẫn phải luôn “tỉnh thức và sẵn sàng” đối phó với virus Corona (nCoV) qua việc tuân giữ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa mà ngành y tế khuyến cáo.

Xin quý ông bà anh chị em tiếp tục dâng hy sinh và những việc lành thánh hằng ngày để cầu nguyện cho toàn thể thế giới, đặc biệt cho những quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.

Tòa Tổng Giám mục, ngày 7 tháng 9 năm 2020

TL. Đức Tổng Giám Mục

(đã ký)

Lm. Phêrô Kiều Công Tùng
Chưởng Ấn