Bài Tin Mừng hôm nay được coi như đoạn kết cho một câu chuyện tương đối dài trong TM của Gioan. Câu chuyện bắt đầu bằng một phép lạ rất đặc biệt được cả bốn Tin Mừng ghi lại. Đó là phép lạ bánh hóa nhiều. Sau phép lạ Chúa giảng một bài giảng rất đặc biệt với đề tài cũng rất đặc biệt. Đó là bài giảng về bánh hằng sống. Bài giảng này đã gây ra một sự phân hoá chưa từng thấy trong thái độ của những người nghe Chúa lúc đó. Ngoài thái độ của những kẻ đã có sẵn một ác ý và luôn thù nghịch với Chúa, chúng ta còn có thể thấy ba thái độ rất khác nhau về vấn đề này.

A. 1. Trước hết là thái độ của đa số quần chúng.

– Được Chúa cho ăn bánh no nê, họ cảm thấy vui. Hơn nữa họ còn muốn tôn Chúa lên làm vua để cai trị họ, với hy vọng họ sẽ có được một tương lai sáng sủa và oai hùng hơn.

– Chính vì quá mong mỏi một tương lai có tính cách trần thế như vậy cho nên khi thấy Chúa không đáp ứng được những mong ước của mình, dân chúng đã bắt đầu lạnh nhạt với Chúa. Khi Chúa nói với họ về một thứ bánh mà Chúa gọi là bánh hằng sống thì họ tỏ ra lãnh đạm lạ thường. Thái độ đó dần dần đã làm cho họ trở thành những người sẵn sàng đối đầu với Chúa sau này.

2- Thái độ thứ hai là thái độ của một số các môn đệ.

– Lý ra thì họ phải là những người hiểu Chúa, tha thiết với Chúa nhiều hơn. Cho dù những lời Chúa giảng có khó chấp nhận thì họ cũng phải luôn gắn bó với Chúa. Thế nhưng thật không may cho Chúa, Chúa mới chỉ đề cập đến một vấn đề hơi khó hiểu một chút thế mà họ đã bỏ Chúa, bỏ một cách không một chút nuối tiếc. Charles Erdman bảo họ bỏ Chúa vì họ thất vọng. Họ thất vọng vì Chúa không trở thành một nhà lãnh đạo chính trị như lòng họ vẫn thầm mong.

– Trước sự ra đi của họ, xem ra Chúa hơi đau xót một chút nhưng Chúa vẫn giữ nguyên thái độ và không chịu lùi bước.

3- Thái độ cuối cùng là thái độ của nhóm 12.

– Sau khi một số các môn đệ bỏ đi, Chúa hướng mắt của Người về nhóm 12.

– Phêrô đại diện cho tất cả nhóm nói lên một lời mà cho dù không phải là Chúa chúng ta cũng dư biết là Chúa rất vui lòng.

– Thái độ của Phêrô làm Chúa cảm động. Phêrô đã dứt khoát chọn Chúa… Một chọn lựa không có gì làm cho ông thay đổi.

B- Vấn đề của ta: Tại sao cùng đứng trước một Chúa Giêsu mà lại có nhiều thái độ khác nhau như thế? Tại vì những lời Chúa nói và vấn đề Chúa đặt ra khó tin quá.

+ Dân chúng không hiểu được vì họ không muốn hiểu.

+ Một số môn đệ không những đã không muốn hiểu mà còn cho đó là những lời quá chói tai nghe không được nên họ bỏ đi.

+ Chỉ còn lại một nhóm nhỏ tuy không hiểu nhưng vẫn tin và vẫn chấp nhận. Họ chấp nhận bởi vì họ cảm thấy không thể bỏ Chúa. Lòng tin của họ rất chân thành. Niềm tin của nhóm 12 chẳng khác gì niềm tin của Giosuê thuở xưa trong thời Cựu ước. Tại Sikem nơi mà trước đây Abraham đã dựng bàn thờ đầu tiên để dâng đất Canaan này cho Thiên Chúa (Kn 12,6), nơi mà Giacob và con cái của ông đã để lại rất nhiều kỷ niệm (Kn 33;35), nơi mà trước đây ông đã chọn để tuyên bố luật pháp. Chính tại nơi đây một lần nữa Giosuê biểu lộ lòng trung thành của ông và gia đình ông. Ông nói với những người Do thái như thế này: Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ ĐỨC CHÚA, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần khác mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người E-mô-ri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA.”

Vâng đó là một chọn lựa thật đẹp, đẹp trong thái độ của ông và gia đình ông, và còn đẹp cả ở trong ý nghĩa nữa: “Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA.”

Giosuê quả xứng đáng là một nhà lãnh đạo. Lòng tin và lòng trung thành của ông đã trào qua và thấm vào lòng của toàn dân. Dân chúng cũng cảm thấy họ không thể chọn con đường nào khác. Họ đã đáp lại: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ ĐỨC CHÚA để phụng thờ các thần khác! Vì chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua. ĐỨC CHÚA đã đuổi cho khuất mắt chúng tôi mọi dân tộc cũng như người E-mô-ri ở trong xứ. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.”

Đó là những gì đã xẩy ra từ ngàn xưa, cách chúng ta cả gần 3000 năm.

Thế còn bây giờ thì sao?

Vào năm 1924 ở nước Anh, có một người tên là Eric Liddell. Eric Liddell là vận động viên xuất sắc trong môn chạy 100 mét. Mọi người đều hy vọng anh sẽ đem về cho quê hương chiếc huy chương vàng tại đại hội Olympic được tổ chức tại Paris nước Pháp năm đó. Nhưng rồi họ ngỡ ngàng bực tức khi nghe tin anh từ chối không tham dự đại hội đó. Lý do là vì đại hội đó tổ chức nhằm ngày Chúa nhật. Anh không thể bỏ lễ Chúa nhật để đi tìm một huy chương vàng. Mọi người đều gây sức ép trên anh. Cả hoàng tử xứ Walles cũng cố gắng thuyết phục anh đi dự đại hội đó. Thế nhưng anh nhất định không chịu đổi ý, báo chí Anh quốc cho anh là tên phản bội.

Vài năm sau, anh còn làm cho mọi người sửng sốt hơn nữa, khi anh đến Trung Hoa làm trong vai trò của một nhà truyền giáo.

Thế rồi thế chiến thứ hai xảy ra. Khi Nhật nhả̉y vào cuộc chiến, anh bị bắt và bị giam trong một trại tập trung. Tại đây anh vẫn tiếp tục việc mục vụ bên cạnh các tù nhân. Vài năm sau, anh đã anh dũng chết tại trại tập trung nầy. Năm 1980, có người đã dựng lên cuốn phim về cuộc đời hy sinh vì Chúa của anh. Cuốn phim tựa đề là “Chuyến xe chở lửa”.  Cuốn phim đã phá kỷ lục về lợi nhuận mà còn đoạt giải thưởng Hàn Lâm năm 1982.

Cuộc đời của Eric Liddell đã làm sáng tỏ thái độ dứt khoát mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ của Ngài trong bài Tin Mừng hôm nay.

Một khi đã quyết định theo Chúa Giêsu, Eric cứ nhắm thẳng phía trước mà tiến bước, không bao giờ ngó lại phía sau dù phải đối diện với áp lực khủng khiếp của dân chúng, dù bị gọi là tên phản bội.

Bí quyết nào giúp anh can đảm, trung thành bền đỗ đến thế?

Anh luôn thức dậy sớm mỗi ngày, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện. Đó là bí quyết của anh. Và chắc chắn đó cũng là bí quyết cho chúng ta, nếu chúng ta muốn làm môn đệ Chúa bền vững. Và “ai bền đỗ dến cùng sẽ được cứu thoát” (Theo “Sunday  homilies”).

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Đọc lại Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay, cha thấy có hai câu chuyện làm cha cảm động. Một câu chuyện trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Gio-suê của Cựu Ước. Một từ bài Tin Mừng với lời tuyên xưng trung thành theo Chúa của các tông đồ.

1. Trước tiên là câu chuyện trong sách Giôsuê. Câu chuyện hết sức cảm động. Đây chúng con nghe.

Được sinh ra từ Ai Cập, Giô-suê cảm thấy sự nhục nhã của thân phận tôi đòi, nô lệ. Được Chúa đưa ra khỏi Ai Cập cùng với toàn dân, ông luôn  luôn ở gần Môise và thi hành các chỉ thị của Ngài. Suốt cuộc đời, dù gặp gian nan thử thách, Giô-suê vẫn một mực trung thành với Chúa. Không bao giờ ông tỏ ra nao núng trước những cơn thử thách. Ông luôn tin tưởng. Khi Môise qua đời ông được Chúa chọn kế vị Moise. Ông dẫn dân vào miền đất hứa.

Chiếm được đất hứa xong, ông chia đất cho các chi họ.

Nhưng thói thường là sau khi đã được hưởng hòa bình thì người ta dễ dàng mắc phải những tật xấu. Thấy dân chúng đã dần dần quên Chúa, xa Chúa mà hướng về những thần bằng đất bằng đá. Ông nhóm họp các chi phái với các trưởng lão ở Sichem, nơi Apram lãnh lời hứa thứ nhất của Chúa sau khi đến xứ Canan.

Trước mặt các trưởng lão và các chi họ, ông bắt họ phải lặp lại giao ước mà từ bỏ mọi hình tượng.

Ông nói với toàn dân bằng những lời lẽ rõ rệt như thế này: “Ðức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en, phán thế này: “Thuở xưa, khi còn ở bên kia Sông Cả, cha ông các ngươi, đã phụng thờ các thần khác. Hôm nay nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Ðức Chúa, thì anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người E-mô-ri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Ðức Chúa.”

Dân đáp lại: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Ðức Chúa để phụng thờ các thần khác! Vì chính Ðức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Ðức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.”(Giô-suê 24,1-2a.15-18b)

Gio-suê và gia đình ông và cả dân It-ra-en đã chọn Chúa và hứa sẽ chỉ phụng thờ Người mà thôi. Thật là một thái độ rất đẹp và chắc chắn sẽ làm Chúa vui lòng.

Chúng con hãy noi gương Giô-suê và gia đình ông mà chọn và phụng sự Chúa.

Cha kể cho chúng con câu chuyện này:

Vua Thánh LOUIS nước Pháp sau khi lên ngôi đã không ký tên vào các văn tự, sắc chỉ hay tài liệu là “Louis IX Hoàng Đế” như thói quen của các vị vua tiền nhiệm, nhưng đã ký tên mình là “Louis thành Poissy”. Được hỏi lý do tại sao lại ký như vậy, nhà vua trả lời: “Poissy là nơi tôi được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Tôi thường nhớ đến Nhà thờ nơi tôi được rửa tội ở thành này hơn là Nhà thờ chánh toà thành Reims, nơi tôi được lãnh nhận triều thiên để trở thành Hoàng Đế. Theo tôi, được trở nên con cái Thiên Chúa cao trọng hơn là được làm vua một đến quốc, bởi lẽ vì khi tôi nhắm mắt xuôi tay, tôi sẽ mất chức vua; nhưng được làm con cái Thiên Chúa là sổ thông hành đưa tôi vào cuộc sống vĩnh cửu”.

Chọn được Chúa là được tất cả.

2. Câu chuyện thứ hai.

Tin Mừng cho chúng ta biết khi Chúa Giêsu bắt đầu đi giảng đạo, ngoài những người được Chúa gọi tông đồ tức nhóm 12, còn có nhiều người theo Chúa nữa. Trong số những người này có một nhóm được gọi là môn đệ. Họ theo Chúa nhưng không phải vì Chúa mà vì họ. Họ mong muốn Chúa đem lại cho họ những lợi lộc trần thế. Chính vì thế mà khi thấy Chúa không phải là người đem lại cho họ những lợi lộc trần thế như họ muốn thì họ sẵn sàng bỏ Chúa.

Hôm nay sau khi Chúa giảng bài giảng về bánh hằng sống, nhất là khi Chúa quả quyết: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.(Ga 6,53-57)

Nghe Chúa nói thế họ buồn. Họ bảo lời đó nói chói tai quá, nghe không được và họ bỏ Chúa.

Chúa buồn nhưng Chúa không lùi bước. Quanh Chúa còn lại nhóm 12. Chúa quay lại hỏi họ.

– Cả chúng con, chúng con có muốn bỏ đi không ?

Phêrô đại diện cho các anh em mình thưa với Chúa:

– Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống.

 Câu trả lời của Phêrô đã làm Chúa cảm động.

Ông Phêrô và cả nhóm 12 đã chọn Chúa.

Các ông đã bỏ tất cả để đi theo Chúa.

Ông không thể bỏ Chúa để đi theo bất cứ ai, bất cứ cái gì.

Lý do ông đưa ra, vì Chúa có lời ban sự sống đời đời.

H. Homen Dixon kể lại, ngày xưa có một ông vua, ông có hai người con. Ông muốn thử xem con nào là đứa con khôn để ông trao lại quyền cai trị của ông sau khi ông qua đời. Ông lấy một viên kim cương thật quí gói trong một tờ giấy thật xoàng, rất khó coi – còn viên kim cương giả bằng thủy tinh thì ông bỏ vào một cái hộp rực rỡ. Sau đó ông gọi 2 người con lại. Ông cho người con cả chọn trước, cậu con cả nhìn hai gói, thấy gói xấu nên bỏ qua và anh ta đã chỉ tay vào cái hộp đẹp.

Sau đó đến phiên người con út. Nó nhìn vào hai món đồ. Sau một phút suy nghĩ nó nhìn cha nó và nó nói với cha “Thưa cha, xin cha lựa giùm con”.

Và vua đã tìm ra được người kế vị mình. Ngay sau đó nhà vua đã cho mở gói quà được bọc trong tờ giấy thật xoàng ra. Ai nấy đều ngỡ ngàng. Ngay sau đó nhà vua liền sai thợ làm một cái mũ triều thiên thật đẹp và viên kim cương thiệt được đính lên đó. Xong, nhà vua cho đặt cái triều thiên đó trong cái hộp bằng vàng đẹp hơn cái hộp trước ngàn lần. Cuối cùng vua triệu tập thần dân lại và tuyên bố “Mai sau con út ta sẽ được nối ngôi làm vua và sẽ dùng cái mũ kim cương quí giá này làm vương miện” ..

Chúng con yêu quí,

Chúng con hãy bắt chước ông Phêrô mà chọn Chúa. Chọn Chúa không phải vì Chúa giầu sang phú quí. Không phải để được Chúa ban cho chức cao quyền cả nhưng chọn Chúa vì yêu mến Chúa và nhất là để được Chúa ban Lời hằng sống đời đời để giúp chúng ta đạt được hạnh phúc vô cùng quí giá với Chúa mai sau. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng con vừa được nghe một đoạn Tin Mừng do thánh Gioan ghi lại.

Chẳng cần phải nói dài chúng con cũng thấy đây là đoạn Tin Mừng được trích từ bài giảng về Bánh Hằng Sống của Chúa Giêsu.

Nói thế có nghĩa là bài Tin Mừng hôm nay nối tiếp tư tưởng các bài Tin Mừng của ba Chúa nhật trước đây. Trong những bài Tin Mừng trước, chúng ta thấy Chúa đã tuyên bố những lời làm cho người nghe khó hiểu. Hôm nay những lời tuyên bố của Chúa lại càng làm cho người ta khó hiểu hơn.

Chúng ta hãy nghe lại một lần nữa những lời tuyên bố của Chúa: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”(Ga 6,51).

1. Chúng ta phải hiểu lời Chúa làm sao?

Lời Chúa rõ ràng quá. Chúng ta không thể hiểu cách nào khác.

Khi người Do thái phản ứng: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6,52), người ta cứ tưởng Chúa sẽ dịu giọng lại, nhưng ai dè Chúa còn mạnh miệng quả quyết: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. (Ga 6,53-55)

Bằng nhiều phép lạ xuyên qua suốt dòng lịch sử của Giáo Hội chúng ta thấy những lời quả quyết của Chúa Giêsu là điều không thể hiểu cách nào khác.

Vào năm 700, lịch sử vẫn còn ghi lại. Tại Lanciano, Ý. Trong thánh lễ do một linh mục dòng Basiliô cử hành tại nhà thờ thánh Legozianô, vì một chút nghi ngờ đối với sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, cho nên, ngay sau khi đọc lời truyền phép, phép lạ đã xảy ra ngay trong tay vị linh mục: Bánh trở nên thịt sống và Rượu trở nên máu tươi rồi đông đặc lại thành năm cục to nhỏ.

Cho đến nay, sau 13 thế kỷ, người ta vẫn còn nhìn thấy rõ miếng bánh đã biến thành thịt có màu hơi nâu. Nếu nhìn dưới ánh sáng, ta sẽ thấy có màu hồng hồng, được đặt trong một mặt nhật bằng thủy tinh. Còn năm cục máu đổi thành màu vàng nghệ, được đặt trong một chén thánh cũng bằng thủy tinh, trưng bày trong nhà thờ thánh Legozianô – Lanciano, để khách hành hương tự do kính viếng.

Trong suốt dòng thời gian, giáo quyền đã cho làm nhiều cuộc thử nghiệm để kiểm chứng sự lạ này. Những cuộc giám nghiệm được tiến hành vào những năm 1574, 1637, 1770, 1886. Hai lần giám nghiệm mới đây nhất được tiến hành vào năm 1971 và 1981.

Rõ ràng là Chúa muốn hiến Mình và Máu Thánh Chúa làm lương thực nuôi linh hồn chúng ta.

Chỉ có một điều là làm sao chúng ta có thể “ăn thịt và uống máu” Chúa được?

Ở đây cha thấy Chúa thật khôn ngoan vô cùng. Chúa hiểu thật rõ, chẳng ai có thể làm như thế. Việc ăn thịt người từ xưa đến nay luôn là một điều mọi người ghê sợ và nhiều quốc gia cấm kỵ.

Vậy thì Chúa làm thế nào để giải quyết?

Thưa Chúa dùng con đường Bí Tích.

Sách Giáo lý chung viết rất hay: “Bạn hỏi: làm thế nào Bánh (1375) trở nên Mình Đức Kitô và Rượu trở nên Máu Đức Kitô? Tôi xin thưa với bạn: Chúa Thánh Thần ngự đến và thực hiện những điều đó, những điều vượt trên mọi lời nói và mọi tư tưởng”(1106).

Bí tích là sáng kiến độc đáo tuyệt vời của Chúa. Bằng Bí tích Thánh thể Chúa đã biến bánh thành Mình Thánh Chúa, rượu thành Màu Thánh Chúa để những ai tin Chúa có thể lãnh nhận một cách dễ dàng. Thiên Chúa có quyền làm như thế.

Khi thánh nữ Ghertrude suy niệm về bí tích Thánh Thể và tự hỏi làm sao Chúa có thể tự hạ mình xuống thấp như thế để hiện diện trên bàn thờ dưới hình bánh, thì chính Chúa Giêsu (2816) đã trả lời bà bằng câu chuyện sau:

Một hoàng tử nhỏ ở trong một lâu đài rộng lớn với đủ loại đồ chơi, ngày kia nhìn qua cửa sổ và thấy các đứa bé nghèo chơi trên đường. Thấy hoàng tử nhìn qua cửa sổ như thế, người giám hộ liền hỏi:

– Hôm nay hoàng tử muốn ở chơi trong lâu đài hay muốn ra ngoài chơi với các đứa bé trên đường phố?

– Tôi muốn ra ngoài chơi với chúng.

Được phép, hoàng tử khoác vào người bộ đồ cũ nhất và cả ngày chơi với các trẻ nghèo. Đây là một trong những ngày hạnh phúc nhất của cậu bé chốn cung đình.

Rồi Chúa nói với thánh Ghertrude:

– Ta giống như vị hoàng tử nhỏ kia. Ta muốn ở với con người, (788) đàn ông cũng như đàn bà. Bất cứ ai không đến với Mình Thánh hoặc ngăn cản kẻ khác đến rước lễ, kẻ ấy lấy mất đi của Ta một niềm vui lớn.

2.“Ta là bánh và là bánh trường sinh” (Ga 6,35,48).

Bánh trường sinh là bánh ban sự sống, không phải là sự sống của thân xác ở đời này – mà là sự sống muôn đời. Sự sống ấy bắt đầu ở đời này và tiếp tục mãi mãi về sau bất kể việc thân xác có bị kết thúc ở đời này bằng cái chết hay không. Đức Giêsu là bánh ban sự sống muôn đời vì Ngài là bánh hằng sống (Ga 6,51) – bánh có sự sống. Sự sống ở nơi Đức Giêsu là sự sống đã đạt tới mức độ hoàn hảo khi Ngài được phục sinh. Ngài được Cha ban cho sự sống dư tràn để rồi Ngài trở thành “Thần khí ban sự sống” cho chúng ta. (1Cr15,45).

Marthe Robin sinh năm 1902 tại Drôme (Pháp) trong một gia đình tiểu nông. Ngay từ nhỏ, sức khỏe của cô rất kém, nhưng bù lại tính tình lại luôn lạc quan vui vẻ. Năm 16 tuổi cô bị tê liệt, có lẽ vì bị viêm màng não. Luôn sống trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Sau hai năm chữa chạy, bệnh tình của cô đỡ hơn đôi chút. Năm 20 tuổi, cô cảm thấy như Chúa thúc đẩy muốn cô phải hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa qua việc chịu đau khổ. Năm 1925 tức năm cô được 23 tuổi, sức khỏe cô suy giảm trầm trọng, cô bị tê liệt hoàn toàn. Từ đó cô không thể rời khỏi giường. Cô luôn bị bệnh mất ngủ, không ăn uống gì được, chỉ rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày. Tháng 9.1923, trong một thị kiến, cô được chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Kitô và được in năm dấu thánh trên mình. Kể từ đó cứ vào ngày thứ sáu hàng tuần, cô bước vào cuộc thương khó của Chúa Kitô. Cô chỉ còn sống nhờ tình yêu và cho tình yêu Chúa Kitô thôi. Năm 1940, cô bị mù hoàn toàn. Năm 1980, cột sống cô bị vẹo đi, khiến cô bị đau đớn vô cùng. Cô qua đời ngày thứ sáu đầu tháng 6 năm 1981 thọ 79 tuổi. 56 năm không ăn không uống gì, chỉ sống nhờ việc rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày.

Chúng ta hãy hết lòng yêu mến Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

Thánh Don Bosco có lòng yêu mến phép Thánh Thể nồng nàn. Hằng ngày ngài dành thời giờ để viếng Chúa, cả khi lúc về già, sức yếu lực tàn ngài vẫn giữ thói quen ấy. Những lúc chân ngài bị đau, ngài phải cố gắng lắm mới qùy được. Khi ngài sốt sắng cầu nguyện thì mặt ngài sáng lên như một thiên thần. Mỗi lần đi qua nhà thờ, ngài đều giở mũ ra chào. Ngài khuyên các linh mục nên đọc kinh thần tụng trước Thánh Thể. Đối với các thanh thiếu niên, Ngài luôn cổ vũ các em yêu mến Mình Màu Thánh Chúa. Ngài nói:

– Nếu chúng con muốn Chúa ban cho chúng con nhiều ân sủng, hãy năng đến viếng Ngài. Nếu chúng con ít đi viếng Chúa, ma quỉ sẽ tấn công chúng con. Nếu chúng con muốn ma quỉ xa lánh chúng con, chúng con hãy siêng viếng Chúa. Nếu chúng con muốn chiến thắng ma quỉ, chúng con hãy ẩn núp dưới chân Chúa Giêsu. Nếu chúng con không viếng Chúa, chúng con sẽ thua ma quỉ. Chúng con thân mến, siêng năng viếng Thánh Thể là một phương thế hữu hiệu để chiến thắng ma quỉ. Hãy cố gắng siêng năng viếng Chúa Thánh Thể thì ma quỉ sẽ không thể chiến thắng chúng con được. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí

Cha hỏi chúng con: Ai sinh ra chúng con nào?

– Dạ thưa, cha mẹ.

– Đúng! Cha mẹ sinh ta chúng con. Cha mẹ sinh ra chúng con để chúng con làm gì?

– Thưa để làm người.

– Cũng rất đúng!

– Cha hỏi thêm, khi chúng con được lãnh Bí Tích Rửa tội chúng con trở thành ai?

– Thưa cha, chúng con trở thành Con Thiên Chúa.

– Rất hay! Sau khi được chịu phép Rửa tội, chúng ta thành Con Thiên Chúa, tuyệt với quá. Mình là người mà lại được trở thành Con Thiên Chúa.

Như vậy là mỗi người chúng ta có hai tư cách: Một làm con người, một làm con Thiên Chúa!

1. Bánh của con người.

Khi làm người chúng ta mỗi người đều có một thân xác. Thân xác của chúng ta muốn sống thì phải ăn.

Trong bài nói truyện tại sở y tế thành phố HCM ngày 28.8.1980, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa cho biết: “Giống như cái cây cần hút chất nuôi dưỡng từ lòng đất để phát triển, con người cũng cần thông qua ăn uống, có đầy đủ chất dinh dưỡng mới có thể sống, phát triển và hoạt động bình thường.

Nhu cầu dinh dưỡng gồm 3 loại:

– Một là nhu cầu để tạo cơ thể.

– Hai là nhu cầu để tạo nhiệt lượng cần thiết cho hoạt động.

– Ba là nhu cầu bảo vệ cơ thể.

Không ăn uống con người không thể tồn tại.

Ăn uống không đủ thì con người không thể sống khỏe mạnh.

Con người không thể sống mà không có cơm bánh.

Đây là câu chuyện có thực. Câu chuyện về một nhà thám hiểm. Sau hai ngày lang thang trong sa mạc, nhà thám hiểm nọ đã cạn hết lương thực, cũng như cạn sức hết sức lực cùng niềm hy vọng. Ông ta cố gắng lê gót đi thêm một ngày nữa, nhưng chung quanh chỉ thấy cát và cát. Cuối cùng, ông cũng đã đến được một ốc đảo. Sau khi xoa dịu được cơn khát, ông lại bị cơn đói hành hạ. Chính lúc đó, ông chợt thấy một bị da đóng kín nằm lăn lóc nơi ông đang quằn quại vì đói. Ông hy vọng tìm được trong cái bị da mà ai đó đã vất lại, một chút gì để ăn, để rồi có thể đi cho hết cuộc hành trình qua xuyên sa mạc. Ông cố mở bị da ra và mắt ông hoa lên. Thay vì lương thực là điều bây giờ ông đang cần thiết nhất, thì ông lại chỉ thấy trong bị toàn là kim cương. Trong nỗi thất vọng ê chề của cơn hấp hối, ông đã cay đắng thốt lên: “Giữa chốn sa mạc tôi đang chết đói thế này thì kim cương mà để làm gì?”

Ít lâu sau, một đoàn thám hiểm khác băng sa mạc ngang qua chỗ ấy, họ thấy một bộ xương đang ôm chặt cái bị da, trong đó có cả một kho tàng nhưng nó đã trở nên vô ích đối với người chết đói trong sa mạc.

Câu chuyện Elia vừa nghe cho chúng ta thấy việc ăn uống cần thiết như thế nào.

Chuyện kể rằng sau khi đã chiến thắng 450 ngôn sứ Ba-an và tiêu diệt họ, ngài bị vua A-khap dùng tay bà I-de-ven lùng bắt. Thấy mạng sống mình lâm nguy, ngài đã bỏ trốn. Khi tới Bơ-e Se-va thuộc Giu-đa, ngài để đứa tiểu đồng lại đấy, còn ngài thì đi một ngày đàng trong sa mạc. Ngài đến ngồi dưới gốc một cây kim tước. Ngài xin cho được chết và nói: “Lạy Ðức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con.” Rồi ngài nằm dưới cây kim tước đó và thiếp đi. Nhưng này có một thiên sứ đụng vào người ngài và nói: “Dậy mà ăn!” Ngài đưa mắt nhìn thì thấy ở phía đầu ngài có một chiếc bánh nướng trên những hòn đá nung và một hũ nước. Ngài ăn bánh, uống nước, rồi lại nằm xuống. Thiên sứ của Ðức Chúa trở lại lần nữa, đụng vào người ngài và nói: “Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa.” Ngài dậy, ăn bánh và uống nước. Rồi nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ngài đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khô-rếp, là núi của Thiên Chúa. (1Vua 19,4-8)

Như vậy chúng con thấy tiên tri Isaia nhờ được ăn bánh Thiên Chúa ban mà đi hết được đoạn dường dài để đến nơi Chúa chỉ định.

2. Bánh của những người là con Thiên Chúa.

Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã nói cho chúng ta về một loại bánh mới mà Chúa gọi là bánh trường sinh: Bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời (Ga 6,50-51).

Thứ bánh mà Chúa nói đây là bánh cho linh hồn.

Nếu thân xác con người cần một thứ bánh vật chất để sống cuộc sống làm người trên trần gian này thì linh hồn con người cũng thế! Linh hồn cũng cần một thứ bánh mà Chúa gọi là bánh trường sinh để có thể sống cuộc đời làm Con Thiên Chúa ở đời và nhất là đời sau được hưởng cuộc sống đời đời với Chúa.

Như vậy chúng con thấy: Đối với Chúa, cả hai cuộc sống đều quan trọng. Nếu chỉ lo cho cuộc sống đời này mà đánh mất cuộc sống đời sau thì thật là thảm bại, chính Chúa đã cảnh cáo mọi người về điều đó. “Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16,26)

Cuộc sống đời này sớm muộn gì cũng phải kết thúc bằng cái chết. Chẳng ai sống mãi trên cõi đời này. Khi sự chết đến thì tất cả đều phải nhường bước.

Vua Charles Quint (1519 – 1558) thân hành đến thăm vị quan trung thành nhất đang yếu nặng khó qua khỏi. Để tỏ ra biết ơn người đã suốt đời tận tụy với mình, Vua nói:

– Khanh có thể xin trẫm ơn nào cũng được. Trẫm muốn thưởng lòng trung thành của khanh và làm nhẹ phần nào cơn đau của khanh.

Nghĩ ngợi một lát kẻ liệt đưa mắt nhìn vua và nói:

– Tâu Hoàng thượng, hạ thần chỉ ao ước được sống thêm mấy ngày thôi, chẳng muốn xin gì khác nữa.

Vua Charles nói:

– Việc đó quá sức ta, vua chúa trên đời đều chịu, không tài nào kéo dài hơn sự sống thêm một giây.

Nghe vua trả lời như vậy, kẻ liệt quay vào vách, thở dài, và vừa rướm nước mắt vừa nói: “Tôi thực là ngu dại, tôi đã cống hiến cả một đời để phụng sự nhà vua, thế mà vua không thể cho tôi sống thêm một ngày. Giả như tôi khôn ngoan hơn đem cái đời dài ấy mà phụng sự Thiên Chúa thì chẳng những Chúa có thể cho sống thêm mà lại cho cả sự sống đời đời nữa.”

Bởi vậy mỗi người phải biết chăm lo cho cuộc sống đời đời mai sau. Làm sao để cho cuộc sống đời này chấm dứt, chúng ta được trở về trời với Chúa.

Để kết thúc cha muốn gửi đến chúng con câu chuyện này.

Một ngày nọ, triết gia Diogenes (412BC-323BC) của Hy Lạp đến giữa chợ thành Athène của nước Hy Lạp dựng lên một chiếc lều. Ngay trước lều ông gắn một cấm bảng có ghi đậm hàng chữ này: “Ở đây có bán sự khôn ngoan”.

Một bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều, đọc được lời rao báo đó, mới cười thầm trong bụng… Muốn biết đằng sau căn lều ấy có những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái mà người bán gọi là sự khôn ngoan.

Người đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời căn dặn của chủ… Anh đưa cho Diogenes 3 hào và nói rằng chủ của anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, triết gia Diogenes nói với người đầy tớ một cách trang trọng như sau: “Anh hãy về đọc lại cho chủ anh nghe câu này: “Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”.

Nhận được lời khôn ngoan đó, vị khoa cử thành Athène vô cùng thích thú nên ông đã cho viết và treo lên trước cửa nhà như khuôn vàng thước ngọc để chính ông suy niệm mỗi ngày và tất cả những ai đi qua trước nhà ông cũng đều có thể đọc thấy…“Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”.

Mỗi người chúng ta cũng vậy. Hãy luôn nghĩ tới đời sau của mình, sống cho thật xứng đáng để mai sau khi Chúa đến gọi, chúng ta sẳn sàng để về Thiên đàng với Chúa. Amen.