Tag Archive for: Mt

10/03 – Thứ Hai tuần 1 Mùa Chay.

“Những gì các ngươi làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”.

Lời Chúa: Mt 25, 31-46

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”.

Khi ấy người lành đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?”

Vua đáp lại: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”.

“Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!”

Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?”

Khi ấy Người đáp lại: “Quả thật, Ta bảo cho các ngươi biết, những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”.

Suy niệm: Trước lời tuyên công luận tội của Chúa, người lành cũng như kẻ tội lỗi, đều phải thắc mắc: có bao giờ chúng tôi thấy Chúa thế này hay thế khác để làm phúc? Nếu gặp thấy Chúa, chúng tôi sẽ phụ giúp Chúa ngay, không trì hoãn. Như thế, mọi phản ứng tốt hay xấu đều tùy thuộc vào con mắt đức tin có nhận ra Chúa hay không. Người thấy Chúa hiện thân hôm nay nơi người bên cạnh và đối xử tốt, sẽ được Chúa gọi vào nhận phần phúc: Vì Ta là người chồng thất nghiệp, ngươi đã cảm thông mà không đay nghiến Ta; Ta là người vợ yếu đuối, ngươi đã phụ giúp và nâng đỡ Ta; Ta là người con bệnh tật, ngươi đã chăm sóc mà không bỏ rơi; Ta là thai nhi không được bênh vực, thế mà ngươi vẫn yêu thương cưu mang và cho sinh làm người.

Mời Bạn: Nếu nhiều người không nhận ra Chúa nơi người khốn khổ lở lói nằm kề đống rác, thì mẹ Tê-rê-xa đã nhận ra đó là Đức Giê-su của hôm nay, nên đón nhận về nhà chăm sóc. Bạn và mọi Ki-tô hữu cũng được mời gọi nhận ra Chúa như thế đó.

Chia sẻ: Vì sao ai cũng nói mình muốn phục vụ Chúa nhưng khi phục vụ Ngài hiện thân nơi những con người sống chung quanh ta thì lại khó như thế?

Sống Lời Chúa: Bạn làm một việc cụ thể giúp đỡ người trong gia đình như đang phục vụ Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết rằng, mỗi khi người anh em đang cần những bàn tay trợ giúp, là lúc Chúa cần con.

07/03 – Thứ Sáu đầu tháng, sau lễ Tro.

“Khi tân lang ra đi, bấy giờ họ mới ăn chay”.

Lời Chúa: Mt 9, 14-15

Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Gêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?”

Chúa Giêsu nói với họ: “Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay”.

Suy niệm: Đối với người Do Thái, ăn chay là giảm bớt thức ăn, hoặc hơn thế, là nhịn ăn vào một số ngày qui định, có thể gọi đây là ‘chay miệng’. Môn đệ Gio-an Tẩy giả và những người Pha-ri-sêu quan tâm đến việc giữ ‘chay miệng’, và dựa vào đó để chất vấn tại sao các môn đệ Đức Giê-su không giữ chay giống như họ. Đáp lại, Chúa ví Ngài là chàng rể trong tiệc cưới và mọi người vì chàng mà vui mừng, không ai lại ăn chay lúc đó. Ngài nhắc nhở ‘chay miệng’ cần phải có ‘chay lòng’ nữa, nghĩa là thái độ khiêm tốn phó thác nơi Chúa và khao khát kết hợp với Đấng Ki-tô trong công trình cứu độ của Ngài. Nếu không có việc ‘chay lòng’ này, thì ‘chay miệng’ sẽ chẳng có ý nghĩa, chẳng có giá trị gì.

Mời Bạn: Việc ăn chay đối với người môn đệ Đức Ki-tô là đồng cảm với Ngài trong “ngày chàng rể bị đem đi”. Chính vì thế, việc ‘chay lòng’ là việc cần làm trong mọi thời điểm của cuộc sống Ki-tô hữu, cách riêng trong mùa Chay để ăn năn sám hối, nối lại tình thân với Chúa và tham gia vào cuộc khổ nạn và phục sinh với Ngài. “Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức…”, và làm việc bác ái giúp kẻ khốn cùng… đó là những việc tích cực mà ngôn sứ I-sai-a kêu gọi thực hiện cùng với việc ăn chay (Is 58,6-7).

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn ý thức làm những việc lành tích cực để thực hiện việc ‘chay lòng’ trong mùa Chay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa cho chúng con cơ hội trở về với Chúa qua việc giữ ‘chay miệng’ cũng như giữ ‘chay lòng’. Xin cho chúng con biết dừng lại sau những ngày bận tâm bận trí với cuộc sống để nhìn ra mùa Chay quả là mùa hồng phúc.

05/03 – THỨ TƯ LỄ TRO. – Giữ chay và kiêng thịt.

“Cha ngươi, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.

Lời Chúa: Mt 6, 1-6. 16-18

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời.

Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

“Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

“Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”.

Suy niệm: Chúa Giê-su đưa ra nguyên tắc căn bản về đời sống thiêng liêng: Mọi việc dù là đạo đức nhất đi nữa cũng chỉ có giá trị khi người ta làm vì Thiên Chúa: 1/ Bố thí không phải để quảng cáo chính mình. Một nghĩa cử chia sẻ chỉ trọn vẹn ý nghĩa khi được làm với một tình yêu cho không. 2/ Cầu nguyện, càng không phải việc làm cốt để cho người khác nhìn thấy, dù là cầu nguyện chung với người khác, nhưng là chuyện gặp gỡ riêng tư với Thiên Chúa là Cha, Đấng thấu suốt mọi tâm can con người. 3/ Cũng thế, ăn chay đích thực là thống hối, lột trần mình trước mặt Chúa, thấy mình là hư không trước mặt Người.

Mời Bạn: Mở đầu mùa Chay, tìm lại ý nghĩa đích thực của việc sống đạo: Cầu nguyện mà không gặp Chúa, ăn chay mà không sửa mình, bố thí mà không có lòng bác ái thì chỉ là thỏa mãn với mặt nạ thánh thiện mà thôi. Bạn đã có dự kiến gì để sống thật thân thiết với Chúa 40 ngày mùa chay này chưa?

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn dành ít là 5 phút cầu nguyện riêng một mình bạn với Chúa, và làm một việc bác ái với một người mà bạn không ưa thích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tận dụng thời gian thuận tiện là mùa chay này để đổi mới đời sống đạo của chúng con bằng cách luôn sống dưới ánh mắt âu yếm của Chúa. Amen.

22/02 – Thứ Bảy tuần 6 thường niên. – LẬP TÔNG TOÀ THÁNH PHÊRÔ. Lễ kính.

“Con là Ðá, Cha sẽ trao cho con chìa khoá nước trời”.

Lời Chúa: Mt 16, 13-19

Khi ấy, Chúa Giêsu đến miền Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?”

Các ông thưa: “Kẻ thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một trong các tiên tri!”

Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”

Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được”.

Suy niệm: Nhân vật Ben Hur trong bộ phim cùng tên đã thốt lên: “Tại sao Con Thiên Chúa không muốn làm vua Do Thái hở mẹ? Những điều kỳ diệu Ngài làm khiến con kinh ngạc. Chỉ cần một hơi thở của Ngài đủ hủy diệt sức mạnh Rô-ma. Thế mà Ngài lại từ chối sự trợ giúp của các binh đoàn, khiến bao gian lao trở thành vô ích? Chúng ta lại phải rên siết dưới sự bảo hộ của Rô-ma và để vũ khí mà ta khổ công rèn đúc phải rỉ sét ư?” Anh cũng như nhiều đồng hương đã thất vọng về Đức Giê-su, vì chờ đợi Ngài như Đấng Cứu Thế vinh quang bằng cách trừng phạt quân đội Rô-ma, mang lại phồn vinh cho trần thế qua sức mạnh chinh phục. Ngài quả thật là Con Thiên Chúa hằng sống, là Đức Ki-tô Cứu Thế như Phê-rô tuyên xưng. Thế nhưng, Ngài còn là Người Con hiếu thảo với Cha, cả đời Ngài chỉ canh cánh một điều là làm đẹp ý Cha trong mọi sự. Thế mà ý Cha là sai Con mình đến, không phải để luận phạt, nhưng để cứu thế gian và để thế gian nhờ đó được sống dồi dào.

Mời Bạn: Bạn không tin Thiên Chúa cách chung chung như những tín đồ tốt lành của các tôn giáo khác. Bạn tin và đến với Thiên Chúa qua người Anh Cả là Đức Giê-su, Đấng là Thiên-Chúa-thần-linh, nhưng đồng thời cũng là con-người-xương-thịt như bạn. Nhờ sống trong tương quan thân thiết với người Anh Cả là Thiên Chúa và là con người, bạn gặp được Thiên Chúa và dám mở miệng gọi Thiên Chúa: “Abba!” “Cha ơi”.

Sống Lời Chúa: Xem lại cách tôi sống với Đức Giê-su như thế nào: gắn bó thân thiết như nên “một” với Ngài hay hờ hững qua loa? Và tìm mọi cách để Ngài thực sự sống trong tôi mỗi ngày.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

31/01 – Thứ Sáu tuần 3 thường niên. – MỒNG BA TẾT ẤT TỴ. THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM.

“Tôi tớ tốt lành và trung tín”

Lời Chúa: Mt 25, 14-30

Bấy giờ, Đức Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Người kia sắp đi xa, gọi tôi tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông đưa cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi.

Lập tức, người đã lãnh năm nén lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm nén khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai nén gây lời được hai nén khác. Còn người đã lãnh một nén thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.

Sau một thời gian lâu dài, ông chủ của các đầy tớ ấy đến và yêu cầu họ thanh toán sổ sách. Người đã lãnh năm nén tiến lại gần, đưa năm nén khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm nén, tôi đã gây lời được năm nén khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! anh đúng là tôi tớ tốt lành và trung tín! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”

Người đã lãnh hai nén cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai nén, tôi đã gây lời được hai nén khác đây”. Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! anh đúng là tôi tớ tốt lành và trung tín! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”

Rồi người đã lãnh một nén cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Của ông vẫn còn nguyên đây này!” Ông chủ đáp: “Anh thật là tôi tớ xấu xa và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi cho các chủ ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy nén bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười nén. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

Suy niệm: Sau những ngày ‘ăn’ Tết vui tươi, thư giãn, ta lại trở về với nhịp sống bình thường, nghĩa là trở lại với công ăn việc làm quen thuộc. Người Ki-tô hữu lao động không chỉ vì “tay làm hàm nhai,” nhưng còn muốn góp phần làm cho thế giới, công trình sáng tạo của Thiên Chúa, được tốt đẹp hơn. Họ làm việc vất vả không chỉ để nuôi sống, trợ giúp gia đình, nhưng còn muốn bày tỏ tình yêu thương với những người thân trong gia đình qua công việc lao nhọc ấy. Họ xác tín rằng Chúa không đánh giá họ theo công việc nào, tay chân hay trí óc, văn phòng hay ngoài đồng, bằng cấp chuyên môn hay lao động phổ thông, nhưng chỉ xét họ làm với tinh thần nào, cung cách ra sao. Họ lao động với lương tâm nghề nghiệp, đức tin thể hiện bằng việc làm cụ thể hằng ngày.

Mời Bạn: Thánh hóa công ăn việc làm không chỉ là xin cho năm mới làm ăn được thuận lợi, nhưng chủ yếu là siêu nhiên hóa công việc làm ăn ấy. Nghĩa là qua lao động, bạn hướng về Chúa, làm đẹp lòng Ngài khi đặt trái tim vào công việc nghề nghiệp mỗi ngày: Tình yêu dành cho Ngài và cho tha nhân. Đồng thời cũng ghi nhớ rằng chẳng sớm thì muộn, bạn sẽ phải ra trước tòa Chúa, để tường trình cho Ngài về nén bạc nghề nghiệp Ngài tin tưởng phó thác cho bạn.

Sống Lời Chúa: Tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi một nghề nghiệp để sống, xin Chúa cho tôi biết thánh hóa nghề nghiệp, để qua các sản phẩm mình làm ra, tôi góp phần làm vinh danh Chúa hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho con một công việc để nuôi sống bản thân và gia đình, góp một phần nhỏ làm cho xã hội được tốt đẹp hơn. Amen.

30/01 – Thứ Năm tuần 3 thường niên. – MỒNG HAI TẾT ẤT TỴ. KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ.

“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ”.

Lời Chúa: Mt 15, 1-6

Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? “

Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: “Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”.

Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.

Suy niệm: Mọi dân tộc đều coi việc “thờ cha kính mẹ” là bổn phận thiêng liêng cao quý nhất. Người Việt Nam còn coi đó là đạo: đạo hiếu. Nhưng đó không phải là “đạo” do con người đặt ra mà chính Thiên Chúa đã “đặt” trong lương tâm nhân loại. Điều răn thứ bốn, Chúa dạy: “Hãy thờ cha kính mẹ.” Trong Cựu Ước, thảo hiếu là một trong những giáo huấn quan trọng nhất: “Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ, lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai” (Cn 6,20); kẻ nào đánh đập, nguyền rủa cha mẹ thì phải chết (Xh 21,15.17); còn ai thảo kính cha mẹ thì được sống lâu và hạnh phúc (Xh 20,12; Đnl 5,16). Chúa Giê-su lên án người Do Thái đã đặt ra những luật lệ để phế bỏ bổn phận thảo hiếu do Chúa ban truyền khi họ viện cớ đã dâng của cải vào việc thờ phượng để không phải phụng dưỡng cha mẹ nữa. Làm như thế là họ đã “dựa vào truyền thống của con người mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa” (Mt 15,2).

Mời Bạn: Gia đình trong văn hoá Việt Nam là nơi bảo vệ những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Trào lưu xã hội ngày nay đang làm cho cơ cấu gia đình bị lung lay và nhiều giá trị đạo đức đó bị phế bỏ. Mời bạn nỗ lực bảo vệ sự thánh thiêng của gia đình qua việc giữ tròn đạo hiếu như lời Chúa dạy.

Chia sẻ: Cái gì đang làm cho việc hiếu thảo gặp khó khăn: sự cảm thông giữa những thế hệ? việc tôn kính, vâng lời? ảnh hưởng xã hội?

Sống Lời Chúa: Làm một việc bày tỏ lòng thảo kính đối với cha mẹ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nêu gương hiếu thảo khi sống vâng phục Đức Mẹ và thánh Giu-se, xin giúp con biết sống vâng phục như Chúa.

 

29/01 – Thứ Tư tuần 3 thường niên. – MỒNG MỘT TẾT ẤT TỴ. CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI.

“Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai”.

Lời Chúa: Mt 6,25-34

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con. Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?

Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư?

Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đóa hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin? Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc?”

Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó.

Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.

Suy niệm: Trong những ngày đầu năm mới, chúng ta vẫn có thói quen chúc nhau những điều thật tốt đẹp. Thế nhưng chúng ta cũng mường tượng rằng những lời chúc đó nếu không phải là những ngôn từ rập theo khuôn sáo thì cùng lắm cũng chỉ là những ước mơ mà thôi. Phần Chúa, Ngài cũng dùng Lời Ngài mà chúc chúng ta, cách đặc biệt trong phụng vụ ngày đầu năm mới. Lời chúc của Ngài nhắm thẳng vào những nhu cầu thường nhật nhưng cấp thiết, là những mối bận tâm lo lắng hàng đầu của chúng ta: “ăn gì, uống gì, lấy gì mà mặc”. Thế nhưng, tất cả những thứ đó “Chúa thừa biết”. Ngài sẵn lòng “ban thêm” cho chúng ta những điều đó, sau khi Ngài ban cho chúng ta điều quan trọng hơn, quí giá hơn nhiều; đó là chính trọng tâm lời chúc của Ngài: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người”. Lời chúc cũng là lời hứa. Mà đã hứa thì Chúa sẽ thực hiện.

Mời Bạn: Bạn có dám tin, dám nhận vào lời hứa-chúc của Chúa không? Mà dám tin cũng có nghĩa là dám liều thân dốc sức “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” trước, và sẵn sàng phó thác những sự khác “ăn gì, uống gì hay lấy gì mà mặc” để cho Chúa tuỳ nghi định liệu.

Sống Lời Chúa: Trong ngày đầu năm mới, bạn và gia đình bạn đọc kinh gia đình và dâng lên Chúa lời cầu xin và quyết tâm của toàn thể gia đình.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Trông Cậy hoặc hát “Con vẫn trông cậy Chúa”.

06/01 – Thứ Hai sau lễ Hiển Linh.

“Nước trời đã đến gần”.

LỜI CHÚA: Mt 4, 12-17. 23-25

Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ Nadarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nephtali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: “Hỡi đất Giabulon và đất Nephtali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”.

Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”.

Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

Tiếng tăm Người đồn ra khắp xứ Syria. Người ta đã đem đến cho Người đủ thứ bệnh nhân, những người mắc phải tật nguyền đau đớn, quỷ ám, kinh phong, bất toại. Người đã chữa họ lành. Dân chúng đông đảo theo Người, họ đến từ xứ Galilêa, miền Thập Tỉnh, Giêsrusalem, Giuđêa và vùng bên kia sông Giođan.

Suy niệm: Trong Thánh Kinh, từ “sám hối” không chỉ đơn thuần là cảm giác hối hận về tội lỗi mà còn hàm ý một sự thay đổi sâu xa trong tâm hồn và cách suy nghĩ. Đó là việc từ bỏ tội lỗi để quay về với Thiên Chúa. Đó là sự biến đổi toàn diện và khẩn cấp đòi hỏi mọi người canh tân đời sống để thực thi thánh ý Chúa. Như thế, sám hối không chỉ là hành động diễn ra một lần, mà là một hành trình liên tục và không ngừng cho đến khi “trở nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). “Sám hối”, đó chính là đòi hỏi tiên quyết của Đức Ki-tô ngay từ lúc khởi đầu công cuộc rao giảng và xuyên suốt sứ vụ công khai của Ngài.

Mời Bạn hãy dừng lại và suy ngẫm về cuộc sống của mình: Đâu là những điều cần thay đổi để trở về với Chúa? Bạn nhớ rằng sám hối là hành vi không thể thiếu để đáp lại tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Đó là nhận biết tội lỗi của mình để khiêm tốn quay về hoà giải với Chúa và sống thân tình với Ngài. Mỗi ngày, chúng ta được mời gọi để làm mới lại con người của mình, bước ra khỏi những cám dỗ, ích kỷ và những thói hư tật xấu, để hướng tới ánh sáng và sự thật của Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Mỗi cuối ngày, bạn dành ít phút để kiểm điểm lại bản thân: xem mình đã làm gì chưa đẹp lòng Chúa và bạn quyết tâm sửa đổi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban ơn soi sáng và sức mạnh để chúng con nhận ra và can đảm dứt bỏ tất cả những gì làm chúng con lìa xa Chúa, để đáp lại tình yêu và lòng thương xót Chúa đã dành cho chúng con. Amen.

05/01 – CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN LINH.

“Chúng tôi từ phương Ðông đến thờ lạy Ðức Vua”.

Lời Chúa: Mt 2, 1-12

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giêrusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”.

Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường.

Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng.

Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược.

Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

Suy niệm: Thật lạ lùng, ngôi sao xuất hiện trên bầu trời, mọi người đều xem thấy nhưng chẳng mấy ai ngoài mấy vị chiêm tinh này nhận ra đó chính là “ngôi sao của Người”. Và cũng lạ lùng không kém khi họ nhận ra “Đức Vua” không phải nơi cung điện của bạo vương Hê-rô-đê mà là trong căn nhà đơn sơ nơi Hài Nhi Giê-su trú ngụ. Chính lòng khao khát mãnh liệt tìm kiếm chân lý đã thúc đẩy họ lên đường dù phải khổ công vượt ngàn dặm đường, hay phải đối mặt với hiểm nguy tính mạng khi đến gặp Hê-rô-đê. Ánh sao lạ dẫn đường có khi tỏ khi mờ, nhưng Đức Ki-tô mới là Ánh Sáng thật, soi chiếu tận tâm hồn, dẫn đưa họ đến gặp gỡ Ngài.

Mời Bạn: Điềm lạ ánh sao cho thấy rằng vũ trụ thiên nhiên là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Những ai nỗ lực tìm kiếm Ngài với thành tâm thiện chí đều có thể gặp được Ngài. Bạn cũng thế. Điều quan trọng là bạn có đủ khát khao, đủ can đảm lên đường, nỗ lực tìm kiếm Chúa trong đời sống của mình.

Sống Lời Chúa: Suy gẫm về một biến cố trong đời bạn để khám phá thánh ý Chúa tỏ hiện cho nơi biến cố đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Hiển Linh, con cảm tạ Chúa vì Chúa vẫn luôn tỏ mình cho con qua nhiều cách thế khác nhau. Xin ban cho con lòng khao khát tìm kiếm Chúa không ngừng, để khi kết thúc hành trình đời này, chính con cũng được diện kiến và bái lạy Chúa như những nhà chiêm tinh xưa. Amen.