08/01 – CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN LINH

“Chúng tôi từ phương Đông đến thờ lạy Đức Vua”.

Lời Chúa: Mt 2, 1-12

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giêrusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”.

Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”.

Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược.

Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

Suy niệm: Câu chuyện Hiển linh cuốn hút ta không chỉ bởi ngôi sao lạ, mà còn bởi những tình tiết hấp dẫn, lạ lùng của câu chuyện. Động cơ nào thúc đẩy các nhà chiêm tinh hăm hở lên đường tìm gặp Hài Nhi? Không người dẫn lối, cũng chẳng có công cụ dẫn đường. Vậy mà họ lại đến tận nơi Hài Nhi trú ngụ. Thật lạ lùng! Dường như cách trở địa lý, hiểm nguy của hành trình không ngăn nổi lòng người. Điều lạ lùng nữa là nghe thông tin từ các nhà chiêm tinh, dân thành Giê-ru-sa-lem thay vì hăm hở lên đường tìm Chúa thì lại “bối rối, xôn xao”. Cơ hội gặp Chúa ‘ngàn năm một thuở’ như thế mà lại ‘trớt quớt’ để vuột mất! Điều gì tạo nên sự khác biệt nơi hai nhóm người này? Đơn giản câu trả lời là chỉ những ai có lòng thành, dám liều lĩnh, chấp nhận phiêu lưu, nỗ lực đến cùng, mới đáng để Người cho gặp.
Mời Bạn: Ánh sao Hiển linh nhắc bạn việc Thiên Chúa đi tìm con người, soi lối cho họ nhận biết Ngài, chứ không theo nghĩa ngược lại. Chúa đi tìm ta hơn hai ngàn năm trước, và hôm nay tiếp tục tìm kiếm. Mời bạn đáp lại tấm chân tình đó, hãy không ngừng tìm kiếm Chúa trong mọi biến cố cuộc đời. Lòng chân thành sẽ giúp bạn khám phá ‘ngôi sao’ dẫn bạn tới với Người.
Sống Lời Chúa: Khởi đầu một ngày mới, bạn dâng lên Chúa Hài Nhi một lời nguyện tắt nói lên cảm tạ Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Hài Nhi, xin cho con luôn nỗ lực tìm kiếm Chúa khi Ngài còn cho gặp. Và khi đã gặp thấy, xin cho con biết gieo rắc tình thương Chúa cho những người anh em chung quanh bằng lòng chân thành. Amen.

07/01 – Thứ Bảy đầu tháng, trước lễ Hiển Linh.

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”

LỜI CHÚA: Ga 2, 1-12

Khi ấy có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới.

Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Chúa Giêsu nói với mẹ: “Hỡi bà, tôi với bà có can chi đâu, giờ tôi chưa đến”. Mẹ Người nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, phải làm theo”.

Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc”, và họ đã đem đi.

Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: Ai cũng đều đem rượu ngon ra trước, khi khách đã ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon cho tới giờ này”.

Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.

Suy niệm: Đức Ma-ri-a thật tinh tế. Mẹ quan sát và nhận ra người nhà chú rể lúng túng vì hết rượu. Mẹ cũng thật tế nhị khi nói nhỏ với Đức Giê-su: “Họ hết rượu rồi”. Chắc chắn Mẹ phải biết con Mẹ là ai, làm được chuyện gì nên mới nói với Người Con ấy. Mẹ cầu xin mà không áp đặt, nhưng sẵn sàng vâng phục ý Chúa, ngay cả khi phải nghe câu trả lời có vẻ vô cảm lạnh lùng. Mẹ mách nước cho gia nhân hãy ở trong tư thế sẵn sàng: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo”. Và phép lạ đã xảy ra, không phải tất cả vì lời cầu xin của Mẹ nhưng trên hết đó là Đức Giê-su làm phép lạ để người ta tin. Tin Người là Con Thiên Chúa, là Đấng phải đến. Các môn đệ là những người đầu tiên tin vào Ngài.

Mời Bạn: Ta chưa nói lên lời cầu xin, Chúa đã biết ta cần gì rồi. Nhưng phép lạ xảy ra là do ý định của Thiên Chúa. Người muốn điều xảy ra tốt cho ta và nhất là để Thiên Chúa được tôn vinh. Kế tiếp, hãy tinh tế và sẵn sàng đón nhận ý Chúa như Mẹ. Có những việc làm mà chính lúc ấy ta không thể hiểu (đổ nước đầy chum trong khi cần rượu), nhưng một lòng trông cậy Chúa thì Chúa sẽ cho xảy ra. Có bao giờ ta bất bình khi gặp phải những điều ta không thể hiểu ngay lúc ấy? Ta có kiên trì cầu nguyện và chờ đợi ý Chúa khi gặp phải nghịch cảnh không?

Sống Lời Chúa: Noi gương Mẹ và cùng với Mẹ “suy đi nghĩ lại” những dấu chỉ Chúa gửi đến để khám phá thánh ý Chúa và mau mắn thi hành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã làm cho nước lã trở thành rượu ngon. Xin cho chúng con luôn trông cậy vào Chúa vì biết rằng Chúa luôn muốn điều tốt nhất cho chúng con. Amen.

06/01 – Thứ Sáu đầu tháng, trước lễ Hiển Linh.

“Con là con yêu quý của Cha, con đẹp lòng Cha mọi đàng”.

LỜI CHÚA: Mc 1, 6b-11

Khi ấy Gioan rao giảng rằng: “Có Ðấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.

Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nazarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan.

Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời: Con là con yêu quí của Cha, con đẹp lòng Cha mọi đàng.

Suy niệm: Trong kinh Tin Kính, Hội Thánh tuyên xưng Con Thiên Chúa “đã từ trời xuống thế” để cứu độ loài người chúng ta. Đúng vậy, nhưng không phải trong cao cả uy nghi của một vị Thiên Chúa mà là trong tư thế một con người bé mọn nghèo hèn. Thiên hạ vẫn biết Ngài là con của bác thợ mộc và bà Ma-ri-a. Tin Mừng theo thánh Lu-ca liệt kê bản gia phả của Đức Giê-su lên tới tận “A-đam, là con Thiên Chúa”. Như vậy, Đức Giê-su là người trong dòng tộc họ hàng với cả nhân loại. Ngài là Thiên Chúa thật đã trở nên người thật, là “Em-ma-nu-en nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1,23; Is 7,14).

Mời Bạn: Thiên Chúa làm người để phục hồi cho chúng ta chức vị là con cái Thiên Chúa. Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được hồng ân đó, được trở thành là “mẹ và là anh em” của Đức Giê-su, là “người nhà của Thiên Chúa” (x. Mt 12,49; Ep 2,19). Chúng ta được mời gọi và nhắc nhớ sống xứng đáng với danh hiệu này và có bổn phận làm rạng rỡ gia phong của những người con trong gia đình của Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Chúa Giê-su nói những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa mới xứng đáng là anh chị em của Ngài. Mỗi ngày bạn suy niệm Lời Chúa và có một quyết tâm thực hành cụ thể để xứng đáng là con cái Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã thương yêu chúng con và đã đến để chia sẻ với chúng con kiếp sống trần gian, xin Chúa cho chúng con mai sau cũng được chia sẻ niềm vui vinh quang của Chúa trong Nước Trời. Amen.

05/01 – Thứ Năm đầu tháng, trước lễ Hiển Linh.

“Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”

LỜI CHÚA: Ga 1,43-51

Khi ấy, Chúa Giêsu định đi Galilêa. Người gặp Philipphê và nói với ông: “Hãy theo Ta”.

Philipphê là người thành Bétsaiđa, quê quán của Anrê và Phêrô. Philipphê gặp Nathanaen và nói với ông: “Ðấng đã được Moisen ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nazarét”.

Nathanaen đáp: “Bởi Nazarét nào có cái chi hay?”. Philipphê nói: “Hãy đến mà xem”.

Chúa Giêsu thấy Nathanaen đi tới mình, thì nói về ông: “Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanaen đáp: “Sao Ngài biết tôi?”

Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanaen thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng: ta đã thấy ngươi dưới gốc cây vả, nên ngươi tin, ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”.

Và Người nói với ông: “Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các Thiên Thần Chúa lên xuống trên Con Người”.

Suy niệm: “Cứ đến mà xem”, thực ra, đây là lời của Chúa Giê-su nói với các môn đệ đầu tiên, trong đó có Phi-líp-phê, để mời gọi các ông đến gặp gỡ Ngài. Lời này được Phi-líp-phê lặp lại như chiếc cầu đưa đường cho bạn đến với Chúa. Việc am tường sách Luật Mô-sê không thay thế cho những bước đi cần thiết trên hành trình gặp Chúa. Lên đường, trước hết là trút bỏ định kiến “Từ Na-da-rét làm sao có cái gì hay?” Na-tha-na-en thật có lý khi nghĩ rằng mảnh đất hèn kém đó không tương xứng với vinh quang cao cả của Đấng Mê-si-a. Nói vậy nhưng ông “cứ đến mà xem” và ông đã gặp thấy Đấng muôn dân trông đợi. Thật ngỡ ngàng khi ông nhận ra Ngài đã thấy ông từ lâu, lúc ông còn dưới cây vả. Không chỉ vậy, đến với Chúa, ông sẽ còn “thấy những điều lớn lao hơn thế nữa”.

Mời Bạn: Dường như chúng ta đang dừng lại trên hành trình đức tin? Bệnh tật, thất bại làm chúng ta mệt mỏi, chùn bước. Kiến thức giáo lý làm cho ta tự mãn? Những bóng mát bên đường làm ta ngại cất bước đi? Hành trình đức tin luôn đòi hỏi những bước đi mới. Mỗi bước đi tới làm cho ta gần Chúa hơn và khám phá những điều lớn lao hơn.

Sống Lời Chúa: Mỗi khi suy niệm, bạn luôn có một quyết tâm thực hành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng say mê tìm kiếm Chúa. Mỗi bước đi tới, xin cho chúng con gặp được niềm vui.

 

04/01 – Thứ Tư trước lễ Hiển Linh.

“Chúng tôi đã gặp Ðấng Cứu Thế”.

LỜI CHÚA: Ga 1,35-42

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: Ðây là Chiên Thiên Chúa.

Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Chúa Giêsu, Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?”

Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là thưa Thầy, Thầy ở đâu?”

Người đáp: “Hãy đến mà xem”.

Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

Anrê, em ông Simon Phêrô, một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá”.

Suy niệm: Người ta thường viện dẫn Lời Chúa “không tiên tri nào được vinh dự ở nơi quê hương mình” để tránh né việc làm chứng nhân cho những người thân cận, nơi quê hương bản quán của mình. Nhưng đối với thánh An-rê thì ngược lại, người đầu tiên ngài gặp chính là Si-mon, người em ruột của mình: Ông nói với em về Đức Ki-tô và dẫn em đến gặp Ngài. Thực ra, khi sai các môn đệ đi rao giảng Đức Giê-su đã chẳng nói các ngài trước tiên hãy đến với “các chiên lạc nhà Ít-ra-en” trước khi hướng tới dân ngoại đó sao? Rao giảng Tin Mừng trước tiên cho người thân cận phải là việc tông đồ số một cho dù đó là công việc vẻ vang thì ít mà khó khăn nhọc nhằn lại nhiều.

Mời Bạn: Phải chăng bạn đã từng đau khổ khi mình thì dấn thân hoạt động tông đồ mà người thân của mình lại không đón nhận Đức Ki-tô và sống ngược với Tin Mừng của Ngài? Hoặc chí ít phải chăng bạn đã từng cảm thấy nói về Ngài cho bất cứ ai vẫn dễ hơn nói cho người thân cận? Với những người này, bạn phải nói không chỉ bằng lời mà bằng tất cả cuộc sống chứng tá của mình.

Chia sẻ: Bạn đã giải quyết thế nào khi việc tông đồ và bổn phận gia đình của bạn gặp trở ngại, mâu thuẫn với nhau?

Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay, bạn làm một việc thể hiện tình thân ái, một việc phục vụ, chia sẻ gánh nặng với người thân trong gia đình bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con bài học của Chúa tại Na-da-rét, là coi việc phục vụ những người thân là việc tông đồ số một của con. Amen.

03/01 – Thứ Ba trước lễ Hiển Linh.

“Ðây Chiên Thiên Chúa”

LỜI CHÚA: Ga 1,29-34

Ngày hôm sau, Gioan thấy Chúa Giêsu đến với mình thì nói: Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa tội trần gian. Ðây chính là Ðấng mà tôi đã nói rằng: Có người đến sau tôi, nhưng cao trọng hơn tôi, vì Người vốn có trước tôi. Phần tôi, trước tôi không biết Người, nhưng tôi đã đến làm phép rửa bằng nước, để Người được tỏ mình ra trong Israel. Và Gioan đã làm chứng rằng: Tôi đã thấy Thánh Thần như con chim bồ câu từ trời xuống ngự trên Người. Và trước tôi không biết Người, nhưng Ðấng đã sai tôi làm phép rửa trong nước bảo tôi: Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì chính người đó là Ðấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy và làm chứng rằng: Người là Con Thiên Chúa.

Suy niệm: Trong Cựu Ước, con chiên là vật hiến tế chính được dâng trên bàn thờ làm lễ toàn thiêu, lễ đền tội, lễ vật giao hòa (x. Lv 1,10; 5,6). Con chiên đực một tuổi dùng trong lễ Vượt Qua (x. Xh 12,1-5) là hình ảnh tiên báo Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” như Gio-an Tẩy giả giới thiệu. Quả vậy, Đức Giê-su là con chiên vô tội, gánh lấy tội lỗi muôn người và chịu chết để đền bù. Kỳ diệu hơn nữa, hiến tế của Người không chỉ diễn ra một lần trên đồi Can-vê năm xưa rồi thôi, mà còn tiếp diễn hằng ngày trong Thánh lễ: Chiên Thiên Chúa vẫn tiếp tục được trao ban cho chúng ta qua lời chủ tế: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.”
Mời Bạn: Đấng Cứu Thế được vị Tiền hô giới thiệu là “Chiên Thiên Chúa”, điều đó có nghĩa là việc Ngài giáng sinh làm người không phải là để làm một cuộc dạo chơi du lịch trên trần thế mà là để cứu độ nhân loại: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế” (Kinh Tin Kính). Mầu nhiệm nhập thể dẫn chúng ta đến mầu nhiệm cứu chuộc. Mỗi lần tham dự thánh lễ, các mầu nhiệm hồng phúc ấy được ban tặng cho chúng ta: Đức Ki-tô lại tiếp tục giáng sinh trong tâm hồn chúng ta và ban ơn cứu độ cho chúng ta.
Sống Lời Chúa: Cám ơn sau rước lễ cách sốt sắng để cảm tạ Chúa một lần nữa giáng sinh trong tâm hồn chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa giáng sinh làm người để trở nên con chiên hiến tế đền tội và làm lương thực thiêng liêng cho chúng con. Xin cho chúng con biết trân quý lương thực này và đầy ý thức thưa “Amen” trước khi rước lễ.

02/01 – Thứ Hai trước lễ Hiển Linh – Thánh Baxiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô. Lễ nhớ.

“Có một Ðấng sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi”

LỜI CHÚA: Ga 1,19-28

Ðây là chứng của Gioan, khi những người Do thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các Thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Như vậy là thế nào? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”. Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”. Và những người đã được sai đến đều thuộc nhóm biệt phái. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không là Elia, hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Betania, bên kia sông Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

Suy niệm: Các thám tử khi điều tra vụ án thường dựa trên những chứng cứ ngoại phạm để loại trừ những trường hợp không thể là nghi phạm nhờ đó khoanh vùng phạm vi điều tra và cuối cùng xác định đích danh thủ phạm. Gio-an Tẩy giả cũng dùng phương pháp đó, nhưng để khẳng định mình không phải là Đấng Ki-tô. Gio-an không dừng lại ở động thái phủ định tiêu cực: Ông không chỉ không ‘nhận vơ’ cho mình một danh hiệu không thuộc về mình, mà còn chỉ rõ Đức Giê-su, người “đang tiến về phía ông” mới đích thực là Đấng Ki-tô mà muôn dân mong đợi: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).
Mời Bạn: Người trọng danh dự lấy làm hổ thẹn khi mạo nhận là của mình những công trạng thực ra là của người khác, hoặc tự phong cho mình những danh hiệu, vinh quang mà thực ra mình không có. Cũng thế, đối với Thiên Chúa, bạn sẽ xúc phạm nặng nề tới Ngài khi hành động vì lòng háo danh chứ không phải để “danh Cha cả sáng”. Phương châm của thánh Gio-an Tẩy giả để làm chứng cho Đức Ki-tô là: Tôi phải lu mờ đi để Chúa được nổi bật lên (x. Ga 3,30). Mời bạn xét mình: Bạn có buồn bực khi làm điều tốt đẹp mà không được công nhận, khen thưởng hay không?
Sống Lời Chúa: Để thực hành làm mình “lu mờ đi”, bạn tự nguyện làm những việc phục vụ cách kín đáo cho những người bé nhỏ trong cộng đoàn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết hiến thân phục vụ mà không đòi một phần thưởng nào khác ngoài việc nhận biết con đã làm theo thánh ý Chúa để danh Chúa được cả sáng. Amen.

01/01 – CHÚA NHẬT LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA.

“Họ đã gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi… và tám ngày sau người ta gọi tên Người là Giêsu”.

Lời Chúa: Lc 2, 16-21

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.

Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.

Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.

Suy niệm: Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa vì người con mà Mẹ cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng, tên là Giê-su chính là Con Thiên Chúa làm người. Dù vậy, Mẹ không được miễn trừ những hệ luỵ mà bất cứ người mẹ nào cũng phải gánh lấy. Nhưng cũng vì là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ còn hứng chịu “một lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn” (Lc 2,35) khi tham dự vào chương trình cứu chuộc của Con Thiên Chúa. Tất cả những điều ấy vừa là hồng ân vừa là mầu nhiệm không thể hiểu thấu đối với Mẹ, khiến Mẹ luôn suy đi nghĩ lại để tạ ơn, ngợi khen, chúc tụng và kết hiệp với Chúa trong từng giây phút sống. Sứ điệp bình an của thiên thần trong đêm Giáng Sinh hoá ra lại được thực hiện trong mầu nhiệm thập giá mà Mẹ không chỉ “suy đi nghĩ lại” mà còn theo sát Con của Mẹ đến tận đồi Can-vê. Quả thật Mẹ xứng đáng là Nữ Vương Hoà Bình, là Mẹ của Đức Giê-su, vị Thái Tử Hoà Bình.
Mời Bạn: Bình an không có nghĩa là dửng dưng trước mọi biến cố xảy đến, hay vô cảm trước những đau khổ khốn cùng của tha nhân. Noi gương Mẹ, bạn “suy đi nghĩ lại” những dấu chỉ Chúa tỏ ra cho bạn trong cuộc sống và nhờ lời cầu bầu của Mẹ, bạn vâng theo thánh ý Chúa để “vác thập giá mình mỗi ngày” mà theo Chúa (x. Lc 14,27) để chu toàn sứ mạng người môn đệ là những “sứ giả bình an” của Đức Ki-tô (x. Lc 10-,5-6).
Sống Lời Chúa: Cùng Mẹ, bạn dành thời gian suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Thái tử Hoà Bình, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Ma-ri-a, Nữ Vương Hoà Bình, xin ban cho chúng con ơn an bình trong tâm hồn và hoà bình cho thế giới. Amen.

31/12 – Thứ Bảy – Ngày thứ bảy trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh.

“Ngôi Lời đã làm người”.

LỜI CHÚA: Ga 1, 1-18

Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thuỷ. Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.

Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng. Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.

Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý. Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: “Ðây là Ðấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi”. Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác. Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.

Suy niệm: “Các nhà lãnh đạo và tư tưởng lớn của nhân loại đã dùng sức mạnh của lời nói để thay đổi cảm xúc của ta, vận dụng ta ủng hộ sự nghiệp của họ, và định hình đường đi của số phận. Lời nói không chỉ có thể tạo ra cảm xúc, nhưng còn tạo ra hành động. Và từ hành động ấy của ta, phát sinh những thành quả của cuộc đời” (T. Robbins). Với Ba Ngôi Thiên Chúa, lời nói không chỉ là ngôn ngữ thốt ra trên môi trên miệng, nhưng hơn thế nữa, vượt trên lý trí hiểu biết của ta, Lời ấy còn là một Ngôi vị. Nhờ Ngôi Lời ấy, con người và vũ trụ được tạo thành. Ngôi Lời ấy lại làm một điều kinh thiên động địa: nhập thể trở thành xác phàm sống giữa con người. Ngài từng mang hình hài của một em bé sơ sinh, cũng từng trải nghiệm cơn đói, khát, mệt nhọc, thương cảm, buồn sầu, lo lắng. Trên hết, Ngôi Lời Thiên Chúa ấy chịu khổ nạn, rồi sống lại, để đưa nhân loại đi vào thế giới vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Mời Bạn: “Tôi là…” là hai từ có sức mạnh hơn cả. Bởi những từ ngữ bạn đặt sau chúng sẽ hình thành thực tại của bạn” (J. Osteen). Trước Ngôi Lời trở thành xác phàm, bạn chọn một tư thế xứng hợp trong cuộc đời. Tôi là con cái Thiên Chúa; tôi là môn đệ Chúa Ki-tô. Đó sẽ là hai cái Tôi là quyết định vận mạng đời bạn.

Sống Lời Chúa: Tôi chiêm ngắm Ngôi Lời Thiên Chúa nơi Hài nhi Giê-su nằm trong máng cỏ, cảm nhận tình thương của Đấng Hiệp hành từ muôn thuở với nhân loại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con chiêm ngắm Chúa trong máng cỏ đơn hèn. Cảm tạ Chúa đã làm người, chia sẻ kiếp người với con mỗi ngày. Amen.