Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh gia. Sở dĩ Giáo hội đặt lễ Thánh gia này ngay trong tuần bát nhật lễ Giáng sinh là vì Giáo hội muốn cho chúng ta ý thức được tính cách đặc biệt của vấn đề Gia đình nhất là trong hoàn cảnh hôm nay.

Nhìn vào gia đình thánh gia chúng ta tự hỏi gia đình của chúng ta có thể sống như thế được không ? Câu trả lời là được nếu chúng ta biết cố gắng. Vậy thì đâu là những yếu tố làm nên một gia đình giống như gia đình Thánh Gia ? Câu trả lời chẳng cần tìm đâu xa. Chúng ta hãy trở về với những chương đầu của sách Sáng Thế Ký chúng ta sẽ thấy.

1. Kính Thánh kể lại: Thuở ban đầu Thiên Chúa mới chỉ dựng nên có một người nam. Và Kinh Thánh mô tả cuộc sống đơn độc của Adam thật là thê thảm. Adam cảm thấy cô đơn và buồn chán. Chính Thiên Chúa khi nhìn vào, Người cũng phải thương cảm mà nói: “Voe soli! Thật khốn cho những kẻ cô đơn”. Và sau đó Thiên Chúa đã dựng nên cho Adam một người bạn đời. Đó là Evà, người phụ nữ đầu tiên. Khi nhìn thấy Evà, Adam đã vui như thế nào thì tất cả mọi người chúng ta đều biết. Từ sự những kiện đó chúng ta có thể rút ra yếu tố đầu tiên làm nền tảng cho một gia đình thánh đó là: “Gia đình là một cộng đoàn mà các thành phần trong đó luôn biết hướng về nhau”. KT đã diễn tả về việc này rất hay: “Người nam bỏ Cha mẹ mà luyến ái với người vợ của mình để cả hai trở nên một xương một thịt”

Để cắt nghĩa về việc con người luôn hướng về nhau, người Hy lạp đã sáng tác ra một câu chuyện và câu chuyện này đã trở thành một huyền thoại trong kho tàng những câu chuyện đáng nhớ của nhân loại. Theo câu chuyện này thì ban đầu con người duy nhất được TC dựng nên là một sinh vật mang hình dạng một khối tròn. Hình tròn là thường được coi như là một biểu tượng của sức mạnh – bằng chứng là các loại ống phải chịu lực mạnh thì người ta thường thiết kế theo dạng hình tròn. Vì sợ con người có sức mạnh như thế một ngày kia có thể chống lại mình cho nên thần Jupiter đã dùng gươm chẻ đôi con người ra. Việc này được thực hiện lúc thần không đủ bình tĩnh cho nên sự phân đôi con người không được đồng đều. Chính vì thế mà mỗi phân nửa của con người luôn cảm thấy mình có một cái gì đó dư thừa phải cho đi và cũng có một cái gì đó còn thiếu nên phải đi tìm. Chính vì thế mà cuộc đời của con người từ đó trở đi đã trở thành một cuộc tìm kiếm hầu như không biết mệt mỏi để cho đi cái dư thừa và tìm lại cái còn thiếu hầu có thể luôn giữ được thế quân bình của mình. Và cũng từ đó việc hướng về nhau để cùng nhau bảo vệ sự hợp nhất trong gia đình là một việc không thể thiếu nếu muốn gia đình còn là một tổ ấm yêu thương. Còn nếu không biết hướng về nhau nữa thì đó là dấu chỉ chắc chắn tiên báo cho một sự tan rã chẳng sớm thì muộn sẽ xảy ra và lúc đó thì gia đình sẽ không còn là gia đình nữa. Nó sẽ là gì thì tất cả chúng ta đều biết. Một thứ hoả ngục không hơn không kém.

2. Rồi cũng từ những trang đầu của sách STK, chúng ta còn thấy khi dựng nên người phụ nữ, Thiên Chúa đã không dựng nên theo cùng một cung cách như khi Người dựng nên người nam. Kinh Thánh bảo TC đã làm cho Adam thiếp ngủ đi rồi Người lấy một cái xương sườn của người nam và từ đó Người dựng nên người đàn bà để rồi vừa khi nhìn thấy người đàn bà Adam đã nhận ngay ra được dấu ấn của mình ở trong đó: Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Từ sự kiện này chúng ta lại có thể rút ra được một yếu tố khác nữa của một gia đình thánh thiện. Gia đình là một cộng đoàn tình yêu. Đây không phải là một thứ tình yêu ở ngoài, mà là thứ tình yêu nội tại ngay chính trong mỗi thành viên của gia đình. Thánh Gioan tông đồ quả quyết như sau: “Không ai ghét chính mình”. Yêu ai là yêu cái mình của mình nơi người khác.

Khi diễn tả về lý do tại sao Thiên Chúa lại yêu con người đến như thế thì các nhà tư tưởng của Ai cập đã viết lên một câu truyện thần thoại thật đẹp. Theo họ thì để làm nên con người Thiên Chúa đã xuống tận bờ sông Nilô, một con sông nổi tiếng là linh thiêng và đem lại nhiều trù phú nhất cho đất nước Ai cập để ở đó Người lấy bùn rồi tự tay nhào bùn đắp nên hình con người. Nhưng thật là không may cho Chúa là khi Người vừa thọc tay vào đất thì lại đúng vào hang của con cua. Tay của Người bị cua kẹp chảy máu ra. Các thiên thần sợ quá muốn băng bó cho Cha nhưng Người không cho mà nói:

– Hãy cứ để vậy. Cứ để cho máu của Ta chảy ra hòa với máu của con người để cho con người biết ta yêu nó như thế nào.

3. Cuối cùng cũng theo Kinh Thánh sau khi Adam và Evà đã được Thiên Chúa dựng nên, tác hợp hai người nên vợ nên chồng thành một gia đình thì Người đặt Adam – Eva giữa cảnh địa đàng và Kinh Thánh bảo cứ chiều chiều Thiên Chúa giáng lâm đồng hành và truyện trò với hai ông Bà. Thử hỏi còn gì đẹp hơn, tuyệt diệu hơn quang cảnh đó: Thiên Chúa đồng hành trò chuyện với con người. Từ những sự việc này chúng ta lại có thể rút ra một yếu tố nữa cho cuộc sống của một gia đình thánh. Gia đình là một cộng đoàn đạo đức. Sự đạo đức được đặt nền trên lòng kính sợ Thiên Chúa. Chúng ta đã quá biết con người chỉ đau khổ khi lìa xa Thiên Chúa. Khi không còn sống thân tình với Thiên Chúa thì lập tức khổ đau tràn vào. Nó cướp đi mọi niềm vui của cuộc sống và nó làm cho cuộc đời trở thành một bãi chiến trường. Chúng ta làm sao mà quên được cái cảnh Adam – Eva đổ lỗi cho nhau. Làm sao mà quên được cái cảnh Cain đang tâm giết đứa em ruột thịt của mình. Tất cả là vì họ đã lìa xa Chúa.

Thiếu nhi chúng con yêu quý,

Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng lễ Thánh Gia: Chúa Giêsu – Đức Mẹ và thánh Giuse.

Nhìn vào Gia đình Thánh Gia Nagiareth chúng con có thấy cái gì đặc biệt không ? Bên ngoài có lẽ chẳng có gì đặc biệt. Có một người làm chồng. Đó là Thánh Giuse. Có một người làm vợ đó là Đức Maria và cũng có một người làm con đó là Chúa Giêsu. Đúng là bên ngoài dường như không có gì đặc biệt nhưng nhìn thật kỹ thì thấy đây là một gia đình THÁNH. Lý do vì mọi thành viên trong gia đình này đều sống thật xuất sắc vai trò của mình trước mặt Thiên Chúa.1. Trước hết là Thánh Giuse. Thánh Giuse được Tin Mừng gọi là người công chính. Người công chính là người luôn chu toàn mọi lề luật của Chúa. Thánh Giuse là một người chồng và là một người cha tuyệt vời. Ngài là một người chồng thuỷ chung và cũng như một người cha hết lòng yêu thương chăm lo gia đình với một trách nhiệm cao độ. Tin Mừng cho chúng ta thấy thánh Giuse đã sống làm người có trách nhiệm của mình cao độ trong việc chăm lo cho cũng như bảo vệ cho gia đình trong những hoàn cảnh khó khăn như thế nào. Ước gì mỗi người hãy biết sống trách nhiệm với những việc mình làm để xã hội được luôn ổn định và cuộc sống có nhiều niềm vui hơn.

Chúng con hãy nghe câu chuyện này.

Vào một buổi tối, bốn sinh viên kéo nhau đi nhậu nhẹt thâu đêm mà chẳng lo chuẩn bị cho bài kiểm tra ngày mai. Sáng hôm sau, họ đã nghĩ ra một cách vô cùng “thông minh”.

Bốn người lấy dầu nhớt và bụi bẩn tự bôi hết lên quần áo, mặt mũi. Sau đó, họ đến gặp giáo sư và nói rằng đêm qua họ đi ăn cưới một người bạn, trên đường về, xe bị nổ lốp và bốn người họ phải cùng nhau… đẩy xe cho đến khi tìm được chỗ sửa. Thế nên, họ vừa bẩn thỉu lại mệt mỏi vì không được ngủ, không thể làm bài kiểm tra được.

Giáo sư quay lưng đi suy nghĩ một lúc rồi nói rằng họ có thể làm lại bài kiểm tra sau 3 ngày nữa. Họ cảm ơn ông và hứa rằng sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho bài kiểm tra lần tới.

Đúng 3 ngày sau, họ đến gặp giáo sư như đã giao hẹn. Ông nói rằng vì đây là một bài kiểm tra đặc biệt nên cả bốn người họ phải làm bài kiểm tra trong bốn phòng riêng biệt. Tất cả đều đồng ý vì họ đã chuẩn bị rất kỹ trong 3 ngày vừa qua.

Bài kiểm tra chỉ có 2 câu hỏi với tổng điểm là 100:1. Họ tên: __________ (1 điểm)

2. Lốp xe nào bị nổ ? __________ (99 điểm)

a. Lốp trước bên trái

b. Lốp trước bên phải

c. Lốp sau bên trái

d. Lốp sau bên phải

Chúng con hiểu được hậu qua câu chuyện như thế nào rồi. Đúng làChạy trời không khỏi nắng” – Bởi vậy dám chịu trách nhiệm là một yếu tố quan trọng để trưởng thành và gây dựng thành công cho bản thân. Phần lớn những điều tốt đẹp có diễn ra trong đời bạn hay không, đa số đều đến từ sự tin tưởng.

2. Bây giờ cha nói về Đức Mẹ Maria.

Trong gia đình thì vai trò của người mẹ cũng hết sức đặc biệt.

Khi viết về người Mẹ một nhà văn Pháp đã có những lời diễn tả như thế này: Bà mẹ không phải như một họa sĩ vẽ cái đẹp lên tranh, không như một nhà điêu khắc chạm hình trong đá, không như nhà văn diễn đạt tư tưởng hay bằng những lời chọn lọc, cũng không như một nhạc sĩ ký thác tâm tình đẹp trong tiếng đàn. Phận sự của bà mẹ chính là nhờ ở sức Chúa giúp đỡ, hình thành nên trong linh hồn những người con hình ảnh của Chúa trên trời”. Chúa Giêsu với tư cách là một con người, chắc chắn Chúa đã chịu ảnh hưởng rất nhiều điều từ Mẹ Maria.

Như thử hỏi để làm được điều đó Đức Mẹ phải là người thế nào.

Chúng con hãy nghe câu chuyện cảm động này: Ông Comolet Sue, nhà giáo dục danh tiếng, đã điều tra và kể lại trong bản báo cáo về Hội Hôn nhân Thiên Chúa giáo ở Pháp câu chuyện này: Có lần ông gặp một bà mẹ góa. Các con bà giữ đạo sốt sắng và thành công một cách vinh quang trên đường đời. Ông hỏi bà: – Bà đã làm gì trong công việc giáo dục con cái bà ? Bà đã dìu dắt con bà một cách thực tế như thế nào trong cuộc đời ? Bà đã một mình làm tròn sự nghiệp phức tạp ấy!

Bà trả lời cách gọn gàng, giản dị: – Tôi không biết.

Ông gặng hỏi: – Bà giấu đấy chứ ? Các con trai bà đã làm cách nào để tạo được những địa vị danh giá mà đồng thời vẫn là tín đồ đáng nể phục ? Các con bà hình như rất bằng lòng với cuộc sống của mình. Có bao bà phải thất vọng không… ?

Bà mỉm cười và hỏi: – Ông có tin tưởng Thiên Chúa không ?

– Chắc là Thiên Chúa cai trị sóng gió, nhưng nếu bà không biết lo liệu thì thuyền cứ chìm.

– Lo liệu phòng ngừa là phải cầu nguyện cho nhiều.

– Không đủ, thưa bà. Bởi chắc không phải lúc nào bà cũng chắp tay quỳ gối trong nhà thờ ?

Bị hỏi dồn, bà nói thiệt: – Ngày chồng tôi chết, để lại cho tôi mười đứa con nhỏ, đứa lớn chưa đầy 15 tuổi. Tiền của eo hẹp, nên tôi phải quả quyết… Trước hết là… Là xét lại lương tâm, khi xét mình tôi đã nhận thấy cần phải tu chỉnh, cải tạo đời sống mình cho tốt hơn, thêm nhiều đức tính tốt hơn nữa. Tôi làm ngay… và cứ thế mà tiến…

– Có thế thôi sao ? Bà còn làm gì hơn nữa cho con bà ?

Không có gì khác cả, thưa ông. Tôi tự sửa mình và chính Chúa đã đào tạo chúng nó.

Ngạn ngữ của người Roma có câu: Không ai có thể cho cái mình không có”. Nếu Đức Mẹ không cố gắng trở nên thánh thiện thì làm sao có thể làm cho sự thánh thiện của mình tràn qua người con của mẹ là Chúa Giêsu được.

3. Cuối cùng là Chúa Giêsu.

Câu chuyện của Chúa Giêsu mới là câu chuyện cảm động. Tin Mừng nói về Chúa Giêsu như thế nào chúng con có biết không ? Đây chúng con nghe: Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài.(Lc 2,51).

Chúa Giêsu vâng phục Thánh Giuse và Đức Mẹ. Một Thiên Chúa vâng phục những con người.

Nếu nhìn và thứ tự quan trọng trong gia đình Thánh Giá chúng ta phải thấy: Chúa Giêsu là số 1

Đức Mẹ Maria là số 2 vì Đức Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu, sau cùng mới là thánh Giuse.

Thế nhưng trong thực tế thì lại hoàn toàn ngược lại. Thánh Giuse là số 1, Đức Mẹ là số 2 và Chúa Giêsu là số 3. Chúa cốt ý làm thế để nêu gương cho chúng ta.

Chúa muốn cho những người làm con phải biết vâng lời Cha mẹ mình.

Đức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận đã để lại trong cuốn Đường Hy Vọng của ngài rất nhiều bài học về sự vâng lời.

Ngài nói: Chúa Cứu Thế đã cách mạng, muôn triệu người hưởng ứng, khẩu hiệu của Ngài: Vâng lời đến chết” (ĐHV 395).

“Vâng lời trọng hơn của lễ” vì của lễ là hoa quả, hương trầm, súc vật, tiền bạc v.v… Khi vâng lời, con lấy chính mình con làm của lễ, giết chết ý riêng con, tự ái của con làm của lễ toàn thiêu (ĐHV 406).

Và đây là câu chuyện Ngài kể lại. Câu chuyện có liên quan đến Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII.

Ngày Đức Roncalli (về sau là Giáo Hoàng Gioan XXIII) thụ phong Giám mục, ngài được vào yết kiến Đức Piô X để tạ ơn. Đức Giáo Hoàng hỏi:      – Con chọn khẩu hiệu nào ?

– Thưa “Vâng phục và bình an”.

– Tại sao con chọn khẩu hiệu đó ?

– Thưa Đức Thánh Cha, lúc con còn là học sinh, chiều nào con cũng thấy Hồng Y Daronius đã già cả đi qua công trường Thánh Phêrô. Mỗi lần như thế, ngài đều lấy một ít tiền tặng cho các người nghèo, đoạn vào thẳng đền thờ Thánh Phêrô, đến ngay trước tượng thánh nhân và hôn chân ngài, rồi gục đầu vào chân tượng, đọc thực lớn tiếng: Vâng phục và bình an”, ai ở gần đó đều có thể nghe được. Đọc xong, Hồng Y khả kính đó đến quỳ gối cầu nguyện trước mồ thánh Phêrô, tỏ lòng cung kính, vâng phục và trung thành với Hội Thánh rồi ra về. Hình ảnh cao đẹp và tiếng nói đanh thép ấy đã ghi sâu vào tâm trí con, nên con chọn câu nói ấy làm khẩu hiệu.

Nghe qua Đức Thánh Cha rất cảm động, hài lòng và đưa bàn tay chúc lành cho tân Giám mục Roncalli. Khẩu hiệu ấy đã được vị Giám mục thực hiện trong suốt cả đời ngài. Chúng con hãy biết vâng lời vì vâng lời sẽ làm cho chúng con nên giống Chúa Giêsu.

Có hai sự kiện nổi bật qua bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe. Sự kiện thứ nhất đó là vai trò tích cực của thánh Giuse trong việc Chúa Giêsu sinh và sự kiện thứ hai đó là danh xưng của Chúa khi ngài xuống thế nhập thể làm người. Ngài được gọi Emmanuel, Thiên Chúa ở với loài người.

1. Vai trò của thánh Giuse.

a. Sự đóng góp của thánh Giuse vào công trình nhập thể và nhập thế của Chúa Giêsu là được thể hiện qua hai khía cạnh:* Cho Chúa Giêsu một tư cách pháp lý là con cháu Đavít, nhờ thế thực hiện đúng lời Thiên Chúa đã hứa xưa từ thời Cựu Ước (Câu 20b: “Này ông Giuse, là con cháu Đavít” ; Câu 21 “Ông sẽ đặt tên cho con trẻ”: Thánh Giuse đặt tên cho Chúa Giêsu nghĩa là nhận Chúa Giêsu là con mình theo pháp lý) ;* Bao bọc Đức Maria và Chúa Giêsu (câu 20c “Đừng ngại đón Maria về ; câu 24 “Khi tỉnh giấc, Giuse làm như lời sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” ; câu 25 “Và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”)

b. Chúng ta tự hỏi: Thánh Giuse là người như thế nào mà lại được Thiên Chúa ưu ái đến như thế ?

Chúa đã dựa vào tiêu chuẩn nào để chọn thánh Giuse. Chúa không dựa vào những tiêu chuẩn mà con người thường dựa vào đó để tuyển chọn như trình độ, có khả năng, có kinh nghiệm nhưng Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ tiêu chuẩn Chúa muốn là tiêu chuẩn như thế nào: Thánh Matthêu đã ghi “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính (Mt 1,19)

Vâng, Chúa đã căn cứ vào tiêu chuẩn công chính nơi một người thợ mộc nghèo khó để chọn thánh Giuse để cộng tác với Người trong công việc vô cùng trọng đại đó là công trình cứu chuộc loài người.

Sách Giáo Lý mới số 227 đã viết thật hay: Đối với những ai lo tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Thiên Chúa, Người hứa sẽ ban cho họ đủ mọi sự. Mọi sự đều là của Chúa: ai có được Thiên Chúa thì có mọi sự, miễn là Thiên Chúa có người ấy (T. Cyprien 21).Thánh Augustinô nói: “Sống công chính tốt lành không gì khác hơn là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực mình”. Chúng ta dành cho Người một tình yêu trọn vẹn (nhờ tiết độ), không gì lay chuyển nổi (nhờ can đảm), chỉ vâng phục một mình Người (nhờ công bình), luôn tỉnh thức để khỏi sa vào cạm bẫy của mưu mô và gian dối (nhờ khôn ngoan)” Đó là cách sống đẹp lòng Chúa nhất (T.Au-tinh, những thói quen của Hội Thánh Công Giáo 1,25,46).

Người ta hỏi ý kiến thánh Phanxicô Salê: Cha thích sống lành mạnh hơn, hay thích sống qua ngày đoạn tháng trong cảnh bất toại liệt giường này ?

– Tôi không thích điều nào hết. Tôi dửng dưng đối với cả hai. Tôi chỉ mong ước thánh ý Chúa trong điều này cũng như trong điều nọ.

– Nhưng nếu khỏe mạnh Cha sẽ làm được nhiều việc thiện hơn ?

– Tôi không muốn chọn phương pháp phụng sự Chúa. Trong lúc khỏe mạnh tôi sẽ thờ phượng Chúa trong hoạt động, và khi ốm yếu, tôi sẽ làm tôi Chúa bằng chịu đựng. Duy Chúa có quyền chọn điều Ngài thích. Trong cả hai đàng tôi sẽ làm theo thánh ý Người là tôi chu toàn nhiệm vụ.

– Nhưng sống lâu để thâu tích công phúc và chết sớm bất ngờ Cha ưa điểm nào ?

– Tôi không thích ý muốn trong những điểm đó. Sống lâu sống vắn và chết bất ngờ là những điều tôi hoàn toàn giữ thái độ trung lập. Tôi đã phó trót mình cho Chúa quan phòng săn sóc, mà từ trước đời đời người đã định đoạt cuộc sinh tử của tôi.

– Cha có thích được thoát ly khỏi đời tạm này để lên Thiên đàng thẳng băng hay còn phải giam giữ lại trong luyện hình ?

– Tôi vui lòng đi tới nơi Chúa định. Dầu nơi đó thế nào tôi vẫn khoái chí sung sướng. Với thánh ý Chúa, luyện ngục sẽ trở nên, Thiên đàng sẽ thành luyện ngục cho tôi.

Đó là thái độ của người công chính. Chúng ta hãy cố sống như thế để được Chúa yêu thương.

2. Danh xưng của Chúa khi ngài xuống thế nhập thể làm người. Ngài được gọi Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Một Thiên Chúa xa vời đã trở thành gần gũi con người. Ngày xưa tại vườn địa đàng “cứ chiều chiều Thiên Chúa xuống đi dạo và trò chuyện với con người. Việc Chúa đối xử với con người như thế đã là một việc kỳ diệu lắm rồi. Thế nhưng vào thời sau hết này: Thiên Chúa không những ở gần kề con người mà con mang lấy cả thân xác như con người để cùng chia sẻ cuộc sống làm người với con người trên cõi dương gia này. Việc đó là sao con người dám ước mong. Nhưng Thiên Chúa đã làm thế. Thật không còn gì hạnh phúc hơn.

John P., một linh mục Ái nhĩ lan, sau nhiều năm tận tâm thuyết phục một thanh niên bỏ đạo trở về với Giáo hội, đã phải hoài công vô vọng. Bao lời khuyên răn cứ như “nước đổ lá môn”.

Nhưng rồi một lần kia, Mẹ Têrêsa Calcutta được mời đến thăm Ái nhĩ lan. Ban tổ chức có thu xếp một buổi nói chuyện thân mật giữa Mẹ với các bạn trẻ. Mẹ chỉ nói giản dị về tình yêu Thiên Chúa: Chúa yêu thương các bạn; Ngài luôn đồng hành với các bạn. Sau đó Mẹ rời thành phố và ai về nhà nấy.

Trời mỗi lúc mỗi khuya! Khi mọi vật đang chìm vào tĩnh mịch, chợt một hồi chuông điện thoại reo vang phá tan giấc ngủ của cha John P. Ngài nhấc vội chiếc điện thoại, và đầu dây bên kia là giọng nói của chàng thanh niên năm nào:- Alô, con muốn xưng tội với cha. Con muốn trở về cùng Giáo hội.- Chuyện gì xảy ra cho anh vậy ?

Vị linh mục hỏi lại. Ngài tưởng chừng chàng thanh niên đang bị tai nạn hiểm nghèo nào đó nên vội dọn mình ra đi. Nhưng anh ta trả lời:

– Thưa cha, vì chiều nay Mẹ Têrêsa đã nói với con một lời đánh động lòng con rất nhiều.

Vị linh mục ngạc nhiên:

– Mẹ nói lời gì, và nếu tôi không lầm thì nhà thờ chật ních. Mẹ lại đâu có cơ hội để gặp riêng anh ?

– Vâng thưa cha, Mẹ không gặp riêng con, nhưng Mẹ đã nói với mọi người, trong đó có con. Mẹ nói rằng: “Chúa ở với các con”.

Nghe thế, vị linh mục càng ngạc nhiên hơn nữa:

– Ủa, đã nhiều lần tôi cũng nói với anh như thế, nhưng sao hôm nay anh lại bị thuyết phục bởi lời nói ấy của Mẹ Têrêsa ?

Anh thanh niên chậm rãi giải thích:

– Thưa cha, vì Mẹ đã nói câu đó từ thẳm sâu của tâm hồn. Mẹ đã nói với con bằng tất cả con tim của mình.

Một câu nói không phát ra từ một công thức có sẵn hay do một thói tục xã giao thông thường thúc đẩy, nhưng khởi đi từ chốn thâm sâu của một tâm hồn yêu thương mới có khả năng thuyết phục, hoán cải, và truyền đạt được ý nghĩa chân thực nhất của danh hiệu Emmanuel-Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

Trong mỗi Thánh lễ, biết bao lần vị linh mục đọc lên cầu chúc: “Chúa ở cùng anh chị em,” nhưng thử hỏi đã có được bao nhiêu lần lòng tôi bồi hồi xúc cảm vì sung sướng trước sự kiện này ? Rất nhiều lần tôi nghe, đáp, hát, đọc những lời kinh nguyện có cùng một nội dung như thế, nhưng có mấy lần tôi cảm nhận được Thiên Chúa hiện hữu thật sự trong cuộc đời của mình ? Phải chăng vì chưa đọc và nghe với tất cả tâm hồn ?

”Ở cùng” chính là ngôn ngữ của tình yêu, vì chỉ có yêu ai người ta mới nghĩ đến “ở cùng”. Vì yêu nên mới có việc Thiên Chúa đến “ở cùng” con người, mới có danh hiệu Emmanuel, mới có cảnh Giavê mang kiếp lầm than để thông chia nỗi đau của con người, và chưa hết, mới có danh hiệu Giêsu, nghĩa là Giavê cứu thoát.

Vì yêu thương con người nên Thiên Chúa muốn cứu thoát. Ðể cứu thoát, Ngài đã đến ở cùng. Có lẽ không nỗi đợi chờ hay một thỏa mãn nào đáng giá hơn hình ảnh của Chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ, hiện thân của tình yêu ở cùng.

Danh hiệu Emmanuel không chỉ gợi lên trong tôi ý thức về ân phúc tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, về những lời cầu chúc được lập đi lập lại trong các Thánh lễ đang cần được nói và nghe với tất cả tâm hồn, nhưng còn là lời mời gọi chúng ta hãy xích lại gần nhau và sống thân ái hơn trong tình người. Như Thiên Chúa đã phá đổ bức tường ngăn cách, dù đó là sự ngăn cách vô biên-giữa Tạo hoá và loài thụ tạo, giữa trời cao với đất thấp, giữa vô hình và hữu hình-chúng ta cũng được mời gọi hãy phá đổ những ngăn cách giữa con người với con người, để việc tôi “ở cùng” mọi người trong an hoà sẽ là một phản chiếu rõ nét khuôn mặt của Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quý,

Chỉ còn đúng ba ngày nữa là chúng ta mừng lễ Chúa Giáng Sinh.

Ngay từ Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng, cha đã luôn nói với chúng con về việc làm thế nào để có thể gặp được Chúa khi Người đến.1. Thế cha hỏi chúng con, Chúa đã đến với chúng ta bằng cách nào ?

Bài Tin Mừng hôm nay trả lời cho chúng ta phần nào câu hỏi đó.

Chúa đã không đến như một nhân vật kỳ lạ trong những truyện cổ tích. Chúa cũng không đến như một nhân vật huyền thoại trong các truyện thần tiên. Vậy thì Chúa đến bằng cách nào chúng con ?

Chúa đến như một con người, một con người được sinh ra bởi một con người và sau đó Chúa sống một cuộc sống cũng như một con người. Chỉ có một điều, cách Chúa đến với con người chúng ta không giống với cách của con người chúng ta. Không giống ở chỗ nào thì chúng con nghe sứ thần của Thiên Chúa cắt nghĩa cho thánh Giuse. Đây là lời của sứ thần: “Này ông Giuse, con cháu Ðavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”.(Mt 1,20-21) Và Thánh Matthêu còn cho biết thêm: “Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. (Mt 1,22-23).

Đó chúng con có thấy không. Khác nhau là ở chỗ đó.

Sau này khi đã được cùng sống với Chúa Giêsu, thánh Gioan trong Tin Mừng của ngài, ngài còn cho chúng ta biết về Chúa Giêsu hay hơn nữa. Ngài nói như sau: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”.(Ga 1,1) “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,29).

Chưa hết, nếu chúng ta đọc trong Tin Mừng của thánh Gioan, chúng ta còn được thấy nhiều điều lạ lùng hơn nữa trong đó, chính Chúa Giêsu còn cho chúng ta biết những điều quan trọng hơn. Ngài bảo: Tôi và Chúa Cha là một”.(Ga 10,30)”.Phần tôi, tôi biết Người, và chính Người đã sai tôi”.(Ga 7,29) Và Chúa còn quả quyết: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này.(Ga 8,23)

Nói tới đây cha tưởng cũng đã đủ để chúng ta thấy được Chúa Giêsu mà sứ thần Chúa loan báo là ai và Ngài đến với loài người chúng ta như thế nào để qua đó chúng ta phải có một cái nhìn đúng về Ngài cũng như phải có một niềm tin vào Ngài như thế nào.

2. Bây giờ đến lượt chúng ta. Chúng ta tự hỏi đâu là thái độ chúng ta phải có khi chúng ta đứng trước máng cỏ Belem của Chúa Giêsu ?

Nhìn vào Chúa Giêsu chúng ta phải có thái độ nào ? Nếu chúng ta chỉ nhìn Chúa Giêsu như đa số những người Do thái thuở xưa thì chúng ta sẽ chỉ thấy Chúa Giêsu là một con người. Chúa Giêsu chỉ là một con người, một con người như tất cả mọi người không hơn không kém. Một con người với tất cả phẩm chất của một sinh vật trên đất. Và nếu chúng ta chỉ nhìn Chúa Giêsu như thế thì chắc là chúng ta sẽ khó vượt qua được thái độ coi thường hay có khi còn là kẻ thù của Chúa Giêsu như những người D thái thuở xưa: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”.(Ga 10,33)

Nhìn lại những hình ảnh cuối cùng của Chúa Giêsu dưới cây Thánh Giá chúng ta thấy rất rõ điều đó.

Ngược lại nếu chúng ta có một cái nhìn đúng và đủ về Chúa Giêsu thì chắc chắn thái độ của chúng ta và mọi người sẽ khác. Chúa Giêsu mà thiên sứ loan báo là một Emmanuel. Emmanuel có nghĩa là Thiên-Chúa-ở-giữa-chúng-ta. Như vậy đứng trước Chúa Giêsu cho dù ngài chỉ là một Hài Nhi nằm trong máng cỏ nghèo khó hay một Chúa Giêsu quyền năng dẹp yên được cả sóng gió bão táp, chúng ta cũng phải nhìn Chúa bằng một danh hiệu mà thiên sứ đã loan báo: EMMANUEN. THIÊN-CHÚA-Ở-GIỮA- CHÚNG-TA. MỘT-THIÊN-CHÚA-Ở-GIỮA-CHÚNG-TA NHƯ MỘT CON NGƯỜI.

Chúng ta không được nhìn Chúa Giêsu chỉ như một con người. Cái nhìn như thế sẽ dễ dẫn chúng ta đến thái độ sai lầm như những người Do thái thuở xưa. Cũng không được nhìn Chúa Giêsu như là một Ông Thần. Nhìn như thế sẽ dễ làm cho chúng ta sai lầm như một số các lạc thuyết thời Trung cố. Tóm lại Chúa Giêsu là một Thiên Chúa làm người. Đó là cái nhìn đầy đủ và đúng nhất về Chúa Giêsu. Nói tới đây cha nhớ đến một câu chuyện mà người Pháp hay kể cho nhau nghe mỗi dịp lễ Giáng Sinh về: Câu chuyện có tên là thăm Hang Đá. Câu chuyện xảy ra ở nhà thờ Đức Bà tại thủ đô Paris của nước Pháp.

Chuyện thế này: Vào một dịp lễ Giáng Sinh năm ấy, người ta thấy có một đoàn người đến viếng thăm Hang đá được làm trong nhà thờ Đức bà Paris. Đây là một ngôi Nhà thờ cổ kính và rất nổi tiếng tọa lạc ngay giữa thủ đô. Hoà trong đoàn người kính viếng hang đá năm ấy, người ta thấy có nhiều người tài giỏi cũng cùng viếng hang đá.

Đầu tiên người ta thấy một ông hoạ sĩ. Ông là người chuyên về màu sắc. Đứng trước máng cỏ của Chúa Giêsu, người ta thấy ông lắc đầu. Xem chừng như những màu sắc trang hoàng hang đá không được đúng theo cái nhìn của ông. Nhìn một chút rồi ông đi ra. Tiếp đến là một ông kiến trúc sư: Chúng con biết ông kiến trúc sư là người làm nghề gì rồi. Ông làm nghề kết cấu trong việc xây dựng. Người ta thấy ông cũng nhìn và cũng ngắm và rồi người ta cũng lại thấy ông lắc đầu. Có lẽ hang đá không được làm đúng với quy luật kiến trúc. Sau đó ông cũng lặng lẽ đi ra.

Tiếp theo đó là điêu khắc. Chúng con có biết nhà đều khắc làm gì không ? Nhà điêu khắc là người làm nghề tạc tượng hay đắp tượng. Tượng Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse trong hang là do những người làm nghề điêu khắc làm. Nhà điêu khắc này đứng ngắm hang đá lâu hơn hai người trước. Hình như ông thấy các bức tượng nơi hang đá có vấn đề. Sao nó không đúng với thực tế mấy. Chúa thì to mà con bò con chiên thì lại quá nhỏ, thiếu sự cân đối vv và vv Rồi người ta cũng lại thấy ông lắc đầu đi về.

Sau cùng người ta thấy một bà cụ già dắt theo một em bé. Em bé mặc một bộ đầm trắng toát như tuyết. Vai em còn mang thêm một chiếc khăn quàng cũng màu trắng. Hai bà cháu đứng ngắm nhìn hang đá một hồi lâu. Bỗng người ta thấy em bé mon men tìm đường leo lên hang đá đến tận chỗ người đặt tượng Chúa Giêsu Hài đồng.

Em bé ngắm nhìn Chúa Giêsu. Lòng em cảm thấy xúc động. Giữa cảnh đêm đông giá lạnh như thế này mà mà Chúa không có mền để đắp…Rồi người ta thấy em cởi chiếc áo len trắng em đang mặc đắp cho Chúa Giêsu Hài đồng.

Sau đó họ cũng ra về nhưng lòng họ cảm thấy tràn ngập niềm vui vì Chúa thật gần. Họ cảm thấy hạnh phúc vì thấy mình được Chúa yêu thương nhiều quá.

Chúa sắp Giáng sinh rồi.

Cha chúc chúng con cũng tìm được niềm vui và hạnh phúc như thế. Amen.

Emmanuel- Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta

John P., một linh mục Ái nhĩ lan, sau nhiều năm tận tâm thuyết phục một thanh niên bỏ đạo trở về với Giáo hội, đã phải hoài công vô vọng. Bao lời khuyên răn cứ như “nước đổ lá môn”.

Một lần kia, Mẹ Têrêsa Calcutta được mời đến thăm Ái nhĩ lan. Ban tổ chức có thu xếp một buổi nói chuyện thân mật giữa Mẹ với các bạn trẻ. Mẹ chỉ nói giản dị về tình yêu Thiên Chúa: Chúa yêu thương các bạn; Ngài luôn đồng hành với các bạn. Sau đó Mẹ rời thành phố. Ai về nhà nấy.

Trời mỗi lúc mỗi khuya! Khi mọi vật đang chìm vào tĩnh mịch, chợt một hồi chuông điện thoại reo vang phá tan giấc ngủ của cha John. Ngài nhấc vội chiếc điện thoại, và đầu dây bên kia là giọng nói của chàng thanh niên năm nào:- “Alô, con muốn xưng tội với cha. Con muốn trở về cùng Giáo hội”.- “Chuyện gì xảy ra cho anh vậy ?” Vị linh mục hỏi lại. Ngài tưởng chừng chàng thanh niên đang bị tai nạn hiểm nghèo nào đó nên vội dọn mình ra đi.Nhưng anh ta trả lời:

– “Thưa cha, vì chiều nay Mẹ Têrêsa đã nói với con một lời đánh động lòng con rất nhiều”.

Vị linh mục ngạc nhiên:

– “Mẹ nói lời gì, và nếu tôi không lầm thì nhà thờ chật ních. Mẹ lại đâu có cơ hội để gặp riêng anh ?”

– “Vâng thưa cha, Mẹ không gặp riêng con, nhưng Mẹ đã nói với mọi người, trong đó có con. Mẹ nói rằng: “Chúa ở với các con”.

Nghe thế, vị linh mục càng ngạc nhiên hơn nữa:

– “Ủa, đã nhiều lần tôi cũng nói với anh như thế, nhưng sao hôm nay anh lại bị thuyết phục bởi lời nói ấy của Mẹ Têrêsa ?”

Anh thanh niên chậm rãi giải thích:

– “Thưa cha, vì Mẹ đã nói câu đó từ thẳm sâu của tâm hồn. Mẹ đã nói với con bằng tất cả con tim của mình”.

Một câu nói không phát ra từ một công thức có sẵn hay do một thói tục xã giao thông thường thúc đẩy, nhưng khởi đi từ chốn thâm sâu của một tâm hồn yêu thương mới có khả năng thuyết phục, hoán cải, và truyền đạt được ý nghĩa chân thực nhất của danh hiệu Emmanuel-Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

Trong một Thánh lễ, biết bao lần vị linh mục đọc lên cầu chúc: “Chúa ở cùng anh chị em,” nhưng thử hỏi có mấy lần lòng tôi bồi hồi xúc cảm vì sung sướng trước sự kiện này ? Rất nhiều lần tôi nghe, đáp, hát, đọc những lời kinh nguyện có cùng một nội dung như thế, nhưng có mấy lần tôi cảm nhận được Thiên Chúa hiện hữu thật sự trong cuộc đời của mình ? Tôi không có, phải chăng vì đã chưa đọc và nghe với tất cả tâm hồn ?

Nếu thấu hiểu được thế nào là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta,” chắc chắn sẽ không có một tác nhân gì có thể làm cho con người phải run sợ bất an hay ưu sầu lo lắng.

Ngày xưa, khi Môisen đang chạy trốn người Ai Cập, tránh né bàn tay ác độc của Pharaô, Giavê đã hiện ra và bảo ông trở về đất Ai để giải thoát dân Israel. Trước một trách nhiệm lớn lao cùng bao hiểm nguy cho tính mạng như thế, Moisen can đảm lên đường, vì Thiên Chúa đã nói với ông: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3:12).

Rồi khi Giêrêmia được Giavê kêu gọi ra đi làm tiên tri cho các dân tộc, ông đã tìm cách thoái thác: “Tôi đâu có biết nói năng gì. Tôi chỉ ú ớ như một đứa trẻ con”. Nhưng Chúa nói: “Ðừng sợ, vì Ta ở cùng ngươi” (Gr 1:8). Với lời hứa ấy của Giavê, Giêrêmia lên đường.

Trong Tân ước, khi Chúa Giêsu sai các môn đệ đi vào thế gian rao giảng Tin mừng. Sứ mạng chất đầy gian nan, không khác chi như chiên con đi giữa sói rừng. Ấy thế mà sự bảo đảm lại chỉ là một lời hứa: “Ta sẽ ở cùng các ngươi mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Vậy rồi các ông ra đi.

Sẽ không lời hứa nào bày tỏ trọn vẹn nỗi lòng yêu thương của một con người cho bằng lời hứa “ở cùng người yêu,” và sẽ không có nỗi lòng khát khao nào mãnh liệt cho bằng được “sống chung với người yêu”. Một chàng thanh niên có thể hứa với người con gái: “Anh sẽ mua cho em một chiếc nhẫn kim cương làm quà Giáng sinh; anh sẽ cố học thành tài để em không phải lam lũ sau này…,” nhưng nếu không có lời hứa “ở cùng em” thì vô ích hết. Cao điểm hạnh phúc trong ngày thành hôn của hai người nam nữ không phải nơi chiếc áo cưới soirée lộng lẫy, cũng chẳng phải nơi chiếc nhẫn cưới hay lời chúc tụng của thân hữu đôi bên, nhưng là nơi giao ước tình yêu đã được thiết lập. Trong giao ước đó họ hứa “ở cùng nhau suốt đời”.

Một linh mục đã nhận xét: “ở cùng” chính là ngôn ngữ của tình yêu, vì chỉ có yêu ai người ta mới nghĩ đến “ở cùng”. Vì yêu nên mới có việc Thiên Chúa đến “ở cùng” con người, mới có danh hiệu Emmanuel, mới có cảnh Giavê mang kiếp lầm than để thông chia nỗi đau của con người, và chưa hết, mới có danh hiệu Giêsu, nghĩa là Giavê cứu thoát.

Vì yêu thương con người nên Thiên Chúa muốn cứu thoát. Ðể cứu thoát, Ngài đã đến ở cùng. Có lẽ không nỗi đợi chờ hay một thỏa mãn nào đáng giá hơn hình ảnh của Chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ, hiện thân của tình yêu ở cùng.

Danh hiệu Emmanuel không chỉ gợi lên trong tôi ý thức về ân phúc tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, về những lời cầu chúc được lập đi lập lại trong các Thánh lễ đang cần được nói và nghe với tất cả tâm hồn, nhưng còn là lời mời gọi bạn và tôi hãy ở cùng tha nhân, hãy xích lại gần nhau và sống thân ái hơn trong tình người. Như Thiên Chúa đã phá đổ bức tường ngăn cách, dù đó là sự ngăn cách vô biên–giữa Tạo hoá và loài thụ tạo, giữa trời cao với đất thấp, giữa vô hình và hữu hình–chúng ta cũng được mời gọi hãy phá đổ những ngăn cách giữa con người với con người, để việc tôi “ở cùng” tha nhân trong an hoà sẽ là một phản chiếu rõ nét khuôn mặt của Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Gioan Tẩy Giả sai môn đệ đến hỏi Ðức Giêsu một câu hỏi gây ngỡ ngàng mọi người: “Ngài có phải là Ðấng phải đến, hay chúng tôi còn phải chờ đợi một Ðấng khác ?”

Câu hỏi đó cho thấy thánh nhân đang ở trong một tâm trạng hoang mang như thế nào. Chúng ta tự hỏi sự hoang mang đó đến từ những nguyên nhân nào ? Có nhiều nguyên nhân nhưng có hai nguyên nhân sau rõ nét nhất:

1. Nguyên nhân thứ nhất: Ðức Giêsu có những việc làm khác với những lời Gioan loan báo.

Thánh Gioan Tiền hô đã loan báo một Ðấng Cứu Thế uy nghiêm, đến để trừng phạt nhân loại. Trong Tin Mừng tuần trước, thánh nhân đã răn đe người Do thái: Búa rìu đã để sẵn ở gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị đốn cho vào lò lửa. Thiên Chúa đến cầm sàng mà rê thóc. Thóc mẩy sẽ được cho vào kho, còn rơm, trấu sẽ bị cho vào lò lửa đốt đi. Sứ điệp quả thật là dữ dội và Lời loan báo đó đã gây xôn xao và sợ hãi. Vậy mà khi Ðức Giêsu đến, Người đã hành động khác hẳn. Không oai phong, không quyền lực, lại còn tỏ ra là một Ðấng Cứu Thế tràn đầy lòng nhân từ: “Người không bẻ gãy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói”. Gioan Tẩy Giả đã loan báo sự trừng phạt. Nhưng Ðức Giêsu lại đến để cứu chữa, tha thứ. Ðức Giêsu nói: “Con người đến không phải để lên án, nhưng để cứu chữa”. “Chỉ những người bệnh mới cần đến thầy thuốc”. Thật là trái ngược. Trách nào mà Gioan chẳng hoang mang.

2. Nguyên nhân thứ hai: Gioan bị giam trong tù.

Gioan cảm thấy mình bị ngược đãi. Hơn nữa ông còn cảm thấy như mình đã thất bại. Ði rao giảng sự công chính nhưng chỉ gặp bất công. Ði rao giảng ơn giải thoát nhưng lại bị giam cầm. Còn đâu những sứ điệp rực lửa. Còn đâu thời hy vọng tràn đầy. Thê thảm hơn nữa, ông tự hỏi: Sao Ðấng Cứu Thế không đến giải thoát mình ? Sao Người để cho sứ giả của Người mòn mỏi trong tù ? Sao Người để cho bạn hữu bị khinh miệt cười chê ? Và Gioan nghi ngờ: hay Người không phải là Ðấng Cứu Thế. Bị giam cầm, bị ngược đãi, Gioan còn có thể chịu được. Nhưng mối nghi ngờ gặm nhấm, thiêu đốt tâm hồn ông. Ông e sợ mình đã lầm đường, lầm người. Không nén lòng được, ông đã sai môn đệ đến hỏi thẳng Ðức Giêsu: “Ngài có phải là Ðấng Cứu thế, hay chúng tôi phải chờ đợi một Ðấng khác ?” Câu hỏi táo bạo nhưng quan trọng, vì nó quyết định cả ý nghĩa cuộc đời Gioan.

Trước câu hỏi ấy, Ðức Giêsu không trả lời trực tiếp. Nhưng chỉ yêu cầu các sứ giả về thuật lại cho Gioan những việc Người làm: “Cho kẻ mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi lành lặn, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”.

Với câu trả lời ấy, Ðức Giêsu nhắc Gioan nhớ lại lời sấm của I-sa-i-a về Ðấng Cứu Thế. Ðồng thời cũng thanh luyện cái nhìn của ông về dung mạo Ðấng Cứu Thế.

Ðấng Cứu Thế không phải là vị vua oai phong từ trời ngự xuống trên đám mây. Nhưng chỉ là một hài nhi bé nhỏ xuất hiện giữa loài người như một mầm cây bé bỏng.

Ðấng Cứu Thế không phải là vị vua sang trọng ngự trong cung điện nguy nga. Nhưng chỉ là anh thợ mộc nghèo khó sống trong một làng quê hẻo lánh.

Ðấng Cứu Thế không phải là vị quan tòa oai nghiêm thở ra khói, hét ra lửa. Nhưng chỉ là một lương y hiền từ đến chữa lành những vết thương, an ủi những ai ưu sầu, nâng đỡ người yếu đuối, tha thứ kẻ tội lỗi.

Ðấng Cứu Thế không đến trong vinh quang huy hoàng, trong chiến thắng rực rỡ. Nhưng chỉ âm thầm và tình nghĩa như một người bạn thân thiết.

Ðấng Cứu Thế không đến trong hàng ngũ những người quý phái có địa vị cao trọng trong xã hội. Nhưng lui tới với những người bé nhỏ nghèo hèn, những thành phần bị gạt ra bên lề xã hội.

2. Anh chị em thân mến.

Vâng! Chính Gioan Tẩy Giả mà còn nuôi trong đầu hình ảnh về một Đấng Messia đầy uy quyền sẵn sàng xét xử và trừng trị kẻ gian ác, huống chi chúng ta. Xét cho kỹ thì có lẽ chúng ta cũng thích hình ảnh về một Thiên Chúa uy quyền, một Giáo Hội hiển hách hơn là một Thiên Chúa cúi xuống mà phục vụ cũng như một Giáo Hội nhiều khi bị lép vế. Chính vì thế mà chúng ta thích khoe với người khác về cách tổ chức, về những hoạt động, những thành tích v.v… của đạo. Chúng ta tưởng rằng, làm như thế thì người ta sẽ mến yêu và kính trọng Thiên Chúa và Giáo Hội của chúng ta hơn.

Nhưng Đức Giêsu thì lại không muốn thế: Thiên Chúa mà Ngài trình bày cho mọi người là một Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, tha thứ. Ngài muốn cho người ta thấy Ngài là Đấng cứu nhân độ thế giàu lòng yêu thương. Mà quả thật, những hình ảnh loại này mới có sức cảm hóa và thuyết phục người ta.

Nói một cách cụ thể hơn, thay vì phô trương cho người ta thấy những nét huy hoàng của đạo, thay vì cãi nhau với người ta để tôn Giáo Hội lên, chúng ta hãy cho người ta thấy rằng, chúng ta và Giáo Hội chúng ta đang tha thiết muốn làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người bệnh được khỏe, kẻ nghèo được ấm no, người khổ được an ủi v.v… Chúng ta có thể làm những việc đó qua đời sống của chúng ta. Một nhà truyền giáo, lần đầu tiên đến Trung Hoa, giảng về Chúa Giêsu cho một nhóm dân bản địa. Khi ngài kết thúc, một người nói:- Phải, chúng tôi đã biết ngài. Ngài đã sống ở đây. Nghe thế, nhà truyền giáo liền nói:- Không, Đức Giêsu sống ở nước khác, cách đây gần 2000 năm rồi.

Nhưng những người đó vẫn khăng khăng bảo:- Chúng tôi đã thấy Chúa. Chúa đã sống trong làng này. Chúng tôi biết Ngài. Rồi ông dẫn nhà truyền giáo đến nghĩa trang và chỉ cho nhà truyền giáo thấy ngôi mộ của một nhà truyền giáo khác, đã từng sống với họ, phục vụ họ và cuối cùng, an giấc nơi cộng đoàn của họ.

Mẹ Têrêsa đã có lần nói: “Hãy mở lòng, để Thiên Chúa làm thấm nhuần tấm lòng bạn bằng tình yêu thương. Chúa yêu thương bạn với tình yêu dịu hiền. Những gì Chúa ban tặng không phải để bạn giữ lấy và khóa kỹ, nhưng để bạn cho đi”. Chính mẹ là người đã cho thế giới thấy rõ hình ảnh về Đấng Messia luôn quan tâm đến việc cứu giúp những kẻ khốn khổ. Tiếc thay là mẹ Têrêsa không còn nữa! Thế giới thì vẫn luôn cần có những người như mẹ. Ước gì Chúa ban cho Giáo Hội những Têrêsa Calcutta khác. Và ước gì mỗi người chúng ta cũng là một Têrêsa Calcutta cho thế giới hôm nay.

“Hay là chúng tôi phải đợi một Đấng Messia khác ?” (Lc 7, 20)Ngày xưa, Gioan đã sai môn đệ ông hỏi Chúa như thế. Ngày hôm nay có lẽ cũng có nhiều người muốn hỏi Giáo Hội như vậy ? Hay là chúng tôi còn phải đợi một Giáo Hội khác ?

Vâng nếu Giáo Hội hôm nay không là một Giáo Hội cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ đi tìm Đấng cứu nhân độ thế ở chỗ khác. Nếu cộng đoàn của tôi không phải là một nơi cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ tìm đến những chỗ khác. Nếu tôi không phải là một người cứu nhân độ thế, thì dù tôi là Linh mục, tu sĩ hay Kitô hữu, tôi cũng chẳng có giá trị gì cho người mong đợi ở tôi và người ta sẽ đi tìm một người khác.

Trong quyển tự thuật Mahatma Gandhi, cha đẻ của chủ trương tranh đấu bất bạo động và là người đã giải phóng Ấn Độ khỏi ách thống trị của người Anh, người ta được biết: Trong những ngày còn là sinh viên, ông đã đi lại khá nhiều tại Nam Phi. Ông đã say mê đọc Kinh Thánh và vô cùng cảm kích về bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Chính Tám Mối Phúc Thật đã gợi hứng cho chủ trương tranh đấu bất bạo động của ông.

Mahatma Gandhi xác tín rằng, Kitô giáo là giải pháp cho mối ung nhọt phân chia giai cấp đang đục khoét xã hội Ấn từ bao thế kỷ qua. Ông đã nghĩ đến chuyện gia nhập vào Giáo Hội. Thế nhưng, ngày nọ, khi đến nhà thờ để dự lễ và để đón nhận vài lời chỉ dẫn, ông đã phải thất vọng. Ông vừa vào đến cửa nhà thờ thì những người da trắng đã chặn ông lại và nói với ông rằng, nếu ông muốn tham dự thánh lễ thì hãy tìm đến một nhà thờ dành riêng cho người da màu mà dự. Mahatma Gandhi đã ra khỏi nhà thờ và từ đó trở đi ông đã không bao giờ trở lại bất cứ nhà thờ nào nữa. Thế là Chúa mất đi một tín đồ nhiệt thành. Người ta nói rằng, nếu hôm đó ông được đối xử một cách nhân từ và rộng lượng thì ngày nay cả nước Ấn Độ có lẽ đã được biết Chúa.

Nhưng tiếc thay! Đã quá muộn. Chúng ta xin cho chúng ta biết sống một cuộc sống như Chúa để thành chứng nhân cho Chúa trong thế giới hôm nay. Lạy Chúa xin cho chúng con trở thành những cánh tay nối dài của Chúa. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí.

1. Chúng ta đang ở trong Mùa Vọng, mùa chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh.

Cha hỏi chúng con. Hôm nay chúng con có thấy cái gì khác thường đặc biệt không ?

– Có..

+ Có cái gì nào ?

– Chúng con thấy cha mặc áo mầu hồng.

+ Rất đúng. Nhưng còn có điều gì khác thường nữa không ?

– Chúng con thấy các bài sách thánh hôm nay nói nhiều đến niềm vui.

+ Rất chính xác. Cha khen chúng con. Đúng Chúa nhật hôm nay được gọi là Chúa nhật của niềm vui. Các bài đọc Kinh thánh đều nói về vấn đề này.

Nói đây cha chợt nhớ đến một câu chuyện. Câu chuyện có tựa đề là Niềm Vui Cho Mọi Người. Chuyện kể rằng:

Mỗi ngày, cứ vào buổi trưa, cụ già Thomas lại vào ngôi nhà nguyện nhỏ bé, ở lại đó nhiều nhất là 2 phút, vâng, chỉ 2 phút thôi, rồi trở ra. Người giữ phòng thánh lấy làm thắc mắc, và một ngày kia đã chặn cụ Thomas lại để hỏi cho ra lẽ:- Này ông Thomas, tại sao ông lại đến đây mỗi ngày ?

Cụ Thomas điềm đạm trả lời:- Tôi đến để cầu nguyện.

Người bạn già nhăn mặt:- Không thể tin được! Thế ông đọc kinh gì mà lại chỉ trong có mấy phút đã xong ?

Cụ Thomas vẫn từ tốn giải thích:

– Tôi chỉ là một lão già dốt nát, tôi cầu nguyện với Chúa theo một cách thức riêng của tôi, tôi nói: ”Lạy Chúa Giêsu, này con đây, chính con là Thomas đây!” Thế thôi, rồi tôi đi ra..

Nhiều năm trôi qua, cụ Thomas ngày một trở nên quá già yếu và bệnh tật, phải vào bệnh viện, ở khu dành cho người nghèo. Khi cụ sắp qua đời, một linh mục và một chị nữ tu y tá đến bên giường cụ, nhỏ nhẹ hỏi han:

– Cụ ơi, cụ hãy nói cho chúng tôi biết, vì sao kể từ khi cụ nhập viện tế bần này, mọi sự bỗng trở nên tốt đẹp hơn, mọi người đều như cảm thấy hài lòng, hạnh phúc và thân thiện với nhau hơn ?.

Cụ Thomas nhoẻn miệng cười móm mém, thố lộ:

– Tôi cũng không biết nữa. Khi còn đi lại được, tôi cứ đi chỗ này chỗ kia để thăm mọi người, chào hỏi trò chuyện đôi chút. Đến khi liệt giường, tôi mời mấy mọi người lại, kể chuyện tếu, chọc cho họ cười vui. Với Thomas thì mọi người phải luôn được hạnh phúc!

Vị linh mục vẫn chưa thôi thắc mắc:

– Nhưng còn phần cụ, nhờ đâu cụ có được hạnh phúc ?

Cụ Thomas hỏi ngược lại:- Thế thưa cha và thưa xơ, quý vị không cảm thấy hạnh phúc khi được người khác thăm viếng mỗi ngày sao ?.

Vị linh mục ngẫm nghĩ rồi gật gù đồng ý:

– Cụ nói phải! Thế nhưng ai đã đến thăm cụ mỗi ngày ?

Cụ Thomas tươi hẳn nét mặt trả lời:- Thưa cha, khi tôi bắt đầu vào bệnh viện này, tôi đã xin hai cái ghế, một cái dành cho cha hoặc cho xơ, còn cái kia dành cho Đức Giêsu. Trước đây, tôi đến viếng Ngài ở nhà thờ, nhưng nay tôi đã phải nằm liệt giường thì chính Đức Giêsu đã đến thăm tôi mỗi buổi trưa.

Vị linh mục tròn xoe mắt kinh ngạc:- Thế Đức Giêsu nói gì với cụ ?

Cụ Thomas hãnh diện trả lời:- Này Thomas, chính Thầy đây, Giêsu của con đây!.

Và, những ngày cuối cùng của cuộc đời qua đi, trước khi cụ Thomas qua đời, ai cũng nhìn thấy cụ luôn mỉm cười hạnh phúc…

Đó chúng con thấy: Được Chúa viếng thăm là một niềm vui thật lớn. Ước gì chúng ta nhận được niềm vui thất lớn mỗi khi chúng ta được Chúa đến với chúng ta.     2. Nhưng làm thế nào để có thể có được niềm tin như vậy ?

Đọc bài Tin Mừng hôm nay cha có cảm tưởng là ông Gioan chưa có được niềm tin như thế. Bởi vì chưa có được niềm tin như ý Chúa muốn nên ông cảm thấy bức xúc, ông cảm thấy hình như Chúa Giêsu mà ông đã loan báo không biết có đúng hay không. Chính vì thế mà ông đã sai môn đệ của ông đích thân đến gặp và hỏi Chúa: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Ðấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?”(Mt 3, 3)

Tại sao ông Gioan lại hỏi như thế ?Ông hỏi như thế vì ông thấy Chúa Giêsu Đấng Thiên Sai không giống với hình ảnh mà ông đã rao giảng cho mọi người. Cha thấy trong đầu của ông vẫn còn mang nặng cái ý nghĩ về Đấng Cứu thế, Đấng Thiên Sai của những người Do thái. Đấng Cứu thế, Đấng Thiên Sai đối với người Do thái phải là Đấng oai hùng, phải là Đấng thống trị muôn dân muôn nước, phải là Vua các Vua, chúa các chúa chứ không phải là một con người xem ra có vẻ chẳng có quyền uy gì như Chúa đang sống.

Chúa đã trả lời cho ông Gioan. Chúa bảo ông hãy nhìn vào các dấu chỉ mà các ngôn sứ đã loan báo về thời đại Đấng Thiên sai mà biết Chúa là ai và có đúng với những điều đã được loan báo hay không.

Cha chắc các môn đệ của Gioan đã làm như Chúa nói và cha tin chắc ông Gioan cũng thấy điều đó. Cha tin chắc như vậy. Cha tin Chúa cũng biết điều đó cho nên sau khi các môn đệ của ông Gioan ra đi, Chúa đã công khai khen ngợi Gioan Tẩy Giả trước mặt mọi người. Chúa khen ngợi bằng những lời lẽ tốt đẹp chưa từng thấy. Đây cha xin nhắc lại cho chúng con: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. (Mt 3, 11).

Tại sao thế ? Thưa vì ông xứng đáng được ca tụng như vậy. Ông cao trọng bởi vì ông dám lãnh nhận một sứ mệnh cao cả – Sứ mệnh dọn đường cho Chúa Cứu thế và ông đã dám can đảm sống hết mình để chu toàn sứ mệnh ấy dù khi sống như vậy ông đã phải trả một cái giá thật đắt.

Chúng con hãy nghe Chúa nói tiếp:

 “Các người vào sa mạc đi xem gì ?” Xem cây sậy bị lung lay trong gió ư ? Không! Gioan không là cây sậy, mà là cây lim cây sến. Nói như Đức Cha Timer Toth người ta có thể bẻ cong được cây sậy nhưng người ta không có thể bẻ cong được cây lim cây sến, người ta chỉ có thể chặt chúng đi. Gioan là như thế. Ông không phải là con người dễ uốn cong. Để khỏi thấy mặt con người gây nhiều phiền toái cho mình, Hêrôđê chỉ còn cách chặt đầu ông mà thôi”. Các ngươi đi để xem gì ?” “Một người ăn mặc mịn màng ư! Ta bảo thật những kẻ ăn mặc xa hoa và sống vui thú…họ ở trong cung điện các vua chúa. Gioan không phải như thế. Ông không phải là hạng người mà cuộc đời chỉ có ăn với mặc! Ông đả tự nguyện sống siêu thoát để tự rèn luyện mình và cũng là để ông được hoàn toàn tự do khi thi hành sứ mệnh.

Vậy các ngươi xem gì ? Một tiên tri ư ?

Và Chúa tự trả lời ngay: Phải! Ta bảo cho các ngươi hay: Ông là một tiên tri và còn hơn một tiên tri nữa vì ông mà có lời Kinh Thánh chép rằng: “Ta sai Thần Khí của Ta đi trước để dọn đường cho con”.

Thánh Hêrômimô thuật lại:

Hôm đó vào một buổi tối tháng 3 năm 29 tại Machironte người ta tưng bừng náo nhiệt tổ chức mừng vạn thọ cho vua Hêrôđê. Vào lúc bữa tiệc đã gần kết thúc, trong cơn đảo điên vì hơi men, lại bị kích động thêm bởi những vũ điệu cuồng loạn, xác thịt, khiêu gợi, tình tứ, quyến rũ của Salômê, đứa con của Hêrôđiađê vợ của người anh là vua Philippê mà Hêrôđê đã cướp đem về làm vợ mình… Hêrôđê đã buông ra những lời rất ngọt ngào: “Này Salômê con, con muốn xin gì chăng ?…Cô bé dừng lại, vân vê tà áo, mỉm cười duyên dáng khiến nhà vua khoái chí…và dù sự việc chẳng đến nỗi quá quan trọng nhưng nhà vua đã thề hễ cô xin gì dù là cả nửa nước, ông cũng sẽ ban cho…

Cô bé chưa dám quyết định ngay, cô vào hỏi mẹ- và Hêrôđiađê là con người quỷ quyệt. Cơ hội ngàn năm một thuở đã tới. Bà quyết phải tận dụng để trả thù cho kẻ đã dám công khai sỉ nhục bà. Bà nói với con xin ngay cái đầu của Gioan – lập tức cô ra nói với vua:“ Xin cha ban cho con ngay tại đây, trên cái mâm này, đầu của Gioan Tẩy Giả”

Tin mừng Mt 14, 9-12 ghi: “Nhà vua lấy làm buồn nhưng vì đã lỡ thề, lại thề trước khách dự tiệc nên truyền lệnh cho lính vào ngục lấy đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm đen trao cho cô và cô đem đến cho mẹ. Thánh Hêrôminô còn cho biết thêm khi nhận được đầu của Gioan Tẩy Giả, Hêrôđiađê đã lấy dao cạy miệng Ngài ra rồi dùng dao đâm thấu lưỡi của vị Thánh- Và các môn đệ đến lấy thi hài của Ngài đem đi chôn- rồi đi báo cho Đức Giêsu.

Và thế là kết thúc cuộc đời của một vị tiên triVâng Gioan đã trở nên cao cả không phải vì ông nhiều tiền nhiều bạc, cũng không phải ông có những địa vị thật cao trong xã hội, nhưng là vì ông đã chu toàn được sứ mệnh Chúa trao cho mình.

Mỗi người chúng ta cũng hãy chu toàn mọi bổn phận Chúa trao cho chúng ta để chúng ta cũng được gặp Chúa và được hưởng niềm vui của Người. Amen.

Lời Chúa trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe kêu gọi mọi người hãy “Sám Hối

Lý do phải sám hối vì Nước Trời đã đến gần.

1. Sám hối là gì?

Sám hối là một đề tài lớn trong Kinh Thánh nhất là trong lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả và của Chúa Giêsu.

Có thể nói Lịch sử dân Chúa là một cuộc sám hối trường kỳ. Cứ mỗi lần con cái Chúa sai lạc lầm lỗi thì Chúa lại sai tiên tri đến kêu gọi họ ăn năn sám hối.

Vậy Sám Hối cụ thể là gì?

Một cách đơn giản dễ hiểu: Sám hối là danh từ của động từ có nghĩa là quay lại. Sám hối là bỏ điều dữ và quay lại cùng Thiên Chúa, thay đổi cách ăn nết ở, cải tạo đời sống luân lý và tôn giáo của toàn dân tộc hoặc của cá nhân. Học giả Montefiore đã viết: “Đối với các rabbi, bản chất của sự sám hối là ở chỗ hoàn toàn thay đổi tâm trí, từ đó đem lại sự thay đổi trong cuộc sống và trong cách cư xử”

Trong mục “Dừng Chân “ trên một tờ báo Công giáo Dân tộc số ra ngày 24.9.1999, tác giả Hồng Ngọc ghi lại câu chuyện được một linh mục ở Long Xuyên kể như sau:

Có một nữ tín đồ Hoà hảo đem lòng yêu một chàng trai Công giáo, đến khi có con mới hay chàng ta đã có vợ. Biết mình làm tan vỡ cuộc sống gia đình một phụ nữ khác, chị tự cắt đứt quan hệ với kẻ đa tình kia và chấp nhận một mình nuôi con. Nhưng lương tâm cắn rứt. Chị thấy mình phải đền tội vì đã khiến cho một người vợ, một người mẹ phải đau khổ. Chị quyết định thực hành việc sám hối ăn năn bằng cách nhận một bệnh nhân về nhà săn sóc. Còn gì nhọc nhằn hơn cho việc phục vụ nuôi nấng một người điên. Người tín đồ Hoà hảo ấy đang thanh luyện mình trong vất vả nhọc nhằn, và lạ thay mỗi ngày chị lại thấy nhẹ nhõm và thanh thản hơn. Có lẽ chưa hẳn khỏi bị lương tâm đang cắn rứt, nhưng tình thương dành cho người bệnh đang biến đổi dần con người chị, đưa chị từ nỗi đau đớn dằn vặt nghiêm trọng đến niềm vui của một người sống có ích.

Lòng sám hối luôn đi kèm với quyết tâm cải thiện, nghĩa là tích cực cải thiện đời sống bằng những hành động cụ thể.

Khi đám đông nghe thấy Gioan Tẩy giả rao giảng sự sám hối, họ đã hỏi ngài: “Chúng tôi phải làm gì dây?”. Thánh nhân trả lời: “Ai có hai áo hãy chia cho người không có, ai có gì ăn hãy cũng làm như vậy “, và với những người thu thuế ngài bảo “đừng đòi hỏi những gì quá mức cho mình”, với các binh sĩ thánh nhân cũng kêu gọi “đừng hà hiếp ai cũng đừng tống tiền người ta”.

2. Thế nào là một lòng sám hối chân thành?

Sám hối đòi buộc phải có tấm lòng chân thành bằng không thì nó sẽ trở thành một thứ giả hình. Chúa Giêsu đã nhiều lần lên án loại giả hình này.  Lòng chân thành có nghĩa  sự phản ánh trung thực mọi mặt trong đời sống.

Buổi sáng như thường lệ, ông Alfes vừa thưởng thức ly cà phê nóng, vừa liếc nhìn qua những tựa lớn trên tờ nhật báo trước khi đi làm.

Hôm ấy ông hoảng hốt khi đọc thấy bản tin trên báo nói về cái chết của ông. Có lẽ người ta đã in lầm tên của ông với tên của một người nào đó chăng. Nhưng rồi với tính tò mò, ông cố đọc xem người ta nói gì về ông sau khi ông chết. Bản tin mang tựa đề lớn in chữ đậm viết: “ông vua lựu đạn qua đời”. Ông càng sửng sốt hơn nữa khi đọc hết bản tin. Người ta đã mô tả ông như người buôn bán cái chết.

Thật vậy, ông Alfes chính là người đầu tiên phát minh ra lựu đạn giết người. Ông mở xưởng sản xuất lựu đạn và trở nên nhà tỷ phú bằng cái chết của biết bao nhiêu người. Giờ đây ông như người tỉnh ngộ sau cơn mê. Thì ra với vũ khí giết người đó, ông chính là người lái buôn của sự chết. Ông tự hỏi mình: tôi có nên tiếp tục cái nghề không lành mạnh này không. Tôi có muốn xuống mồ với cái danh hiệu là người buôn bán sự chết không? Ông cảm thấy như có một sức sống mới trào dâng trong tâm hồn. Nó mãnh liệt  hơn cả sức mạnh phá huỷ sự sống của những lựu đạn mà chính ông đã phát minh ra.

Thời giờ của Chúa đã điểm trong tâm hồn của ông, đó là giờ của ơn cứu độ, của tỉnh thức, giờ của giác ngộ và thống hối. Từ ngày đó Alfes nhất định thay đổi lối sống, ông tận dụng dùng tất cả những sinh lực còn lại cũng như cái gia sản khổng lồ mà ông đã thu được vào công cuộc thăng tiến con người và kiến tạo hòa bình.

Quả thực, ông Alfes đã được ghi vào lịch sử không phải với danh hiệu người lái buôn sự chết nữa nhưng là người sáng lập giải thưởng hòa bình Nobel. Bởi vì quý danh của ông là Alfes Nobel.

Đây có thể được coi là tấm gương cụ thể cho lòng sám hối chân thành.

3. Phần chúng ta hôm nay, thử hỏi chúng ta có cần sám hối không?

Đây là kinh nghiệm bản thân của Đức thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII.

Ngài đã ghi lại ngày 11-8-1961 trong “Tâm hồn nhật ký’:

“Xưng tội hằng tuần là việc tôi làm suốt đời…

“Tội nghịch đức trong sạch? Suốt đời không bao giờ có lỗi trọng, hoặc vì cá nhân hoặc vì thân thiện với ai. Dù do mắt, dù do tay chân, dù do hình ảnh cám dỗ không bao giờ có. Đó là ơn Chúa nâng đỡ sự yếu hèn của tôi, và tôi tin ở Chúa sẽ tiếp tục bảo vệ tôi đến giây phút sau cùng.

“Tội nghịch đức khiêm nhường? Tôi tôn thờ và hằng thực hiện thực này. Tuy nhiên, khi bị coi thường, thâm tâm vẫn còn phản ứng. Phản ứng này tôi xin âm thầm giữ trong bụng để học tập thêm đức nhẫn nại, để thêm dịp đền tội, và cũng là phương thế để đền tội thế gian.

“Đối với đức bác ái? Tuy ít gặp khó khăn về điểm này, thế nhưng lắm lúc cũng là dịp hãm mình, vì lắm lúc xuýt mất nhẫn nại và do dó, có thể có một hai kẻ vô tình đã phải gánh chịu đau khổ.

“Xúc phạm? Ai biết được bao lần mình đã lỗi luật Chúa và luật Hội Thánh. Thực nhiều vô kể! Tuy nhiên, tôi không cả lòng trong sự nặng, ngay cả trong sự nhẹ. Lòng trí tôi hằng quý mến luật của Chúa, luật Hội thánh và luật đời; nhất là tôi hằng cẩn thận giữ gìn để làm gương cho thuộc hạ, để “xây dựng giáo sĩ và giáo dân”.

“Nếu có lỗi, tôi đã xưng tội, đã dốc lòng sửa chữa, và càng cao tuổi, tôi càng hằng cố gắng giữ các thứ luật cách chín chắn.

“Sơ suất? Thế nào cũng lắm sơ xuất vì bao nhiệm vụ của đời mục vụ và hiện nay của một Giáo Hoàng kế vị thánh Phêrô: Cả cuộc sống dài 80 tuổi với bao nhiêu “lỗi lầm sơ suất”, tôi đã thú nhận tất cả hồi sáng nay với Đức Giám mục Cavagna, người giải tội thường xuyên của tôi, ngay nơi phòng này, nơi mà các vị tiền nhiệm Piô XI, Piô XII ở? Và riêng Đức Piô XII đã chết, ngày 9-10-1958…

“Xin Chúa Giêsu hằng thương xót con là kẻ có tội, con hằng tin tưởng ở sự đại từ bi vĩnh cửu của Chúa”. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa nghe Lời Chúa trong Tin Mừng Matthêô.

Cha đố chúng con hôm nay Lời Chúa nói với mọi người về vấn đề gì nào?

– Thưa cha về vấn đề sám hối.

– Chúng con giỏi. Chúng con trả lời rất hay. Cha khen chúng con.

1. Sám hối là gì?

Chúng con hãy nghe câu chuyện có thực này: Đài truyền hình Nhật bản trước đây đã trực tiếp trình chiếu hình ảnh của Ban quản trị một công ty dược phẩm tại Nhật bản đã quì gối gục đầu xuống sàn nhà để nhận tội. Trong hình ảnh mà thán thính giả trên toàn nước Nhật đã thấy được, toàn bộ Ban quản trị của một công ty cung cấp máu có tên là “Thập tự xanh” đã ra trước ống kính truyền hình để thú nhận vai trò của họ trong việc phân phối máu có nhiễm vi rút HIV hồi năm 1986 làm cho nhiều người phải mang bệnh sida. Sau khi chủ tịch của công ty đọc lời thú tội, thì trong đám đông có tiếng la lớn: “Hãy qùi xuống”. Đó là tiếng kêu của một trong những nạn nhân của hành động thiếu trách nhiệm trên đây. Liền sau đó, một người khác cũng hô lớn: “Hãy nhận lấy trách nhiệm của các ngươi về tội ác”. Tức khắc, ông chủ tịch và 5 người trong Ban quản trị công ty đã quỳ gối trước mặt cử tọa và gục đầu xuống sàn trong vòng mười phút để nhận tội và tỏ dấu sám hối.

Biết mình có tội, can đảm nhận tội, thành khẩn xin tha tội và quyết tâm sửa lại tội lỗi hay lỗi lầm của mình. Làm được như thế chúng ta gọi là sám hối. Đây là điều làm cho con người khác với ma quỉ.

Satan phàn nàn với Chúa:

– Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điếu sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời.

Chúa nói: 

Đã bao giờ ngươi ăn năn xin tha thứ chưa?

2. Tại sao phải sám hối.

Một ngày nọ, một nhà báo đã hỏi mẹ thánh Têrêsa một câu hỏi kỳ lạ. Anh ta hỏi rằng:

– Ngay cả Mẹ cũng xưng tội sao?

Tôi trả lời:

– Vâng, đúng vậy, tôi đi xưng tội mỗi tuần

Tỏ ra ngạc nhiên, anh ta nói:

– Chúa hẳn phải khắt khe lắm bởi đến Mẹ mà cũng phải xưng tội.

Tôi hỏi lại:

– Đứa con bé bỏng hiền ngoan như thiên thần của anh đôi khi cũng làm điều sai. Vậy anh nghĩ gì nếu một ngày, con anh đến gặp anh và nói: “Cha ơi, con xin lỗi? Anh sẽ làm gì? Anh sẽ vòng tay ôm lấy đức nhỏ và hôn nó. Tại sao vậy? vì đó là cách anh nói với con rằng anh yêu nó. Chúa cũng làm vậy. Ngài yêu tôi thật dịu dàng”. Ngay cả khi phạm phải điều lầm lỗi, chúng ta hãy cho phép mình đến gần hơn với Chúa. Chúng ta hãy nói với Ngài: “Con biết lỗi lầm làm con xa Cha, con không xứng đáng làm con Cha nữa, nhưng con vẫn cầu xin được tha thứ”

Nếu chúng ta mắc phải lỗi lầm hãy tìm đến Chúa và nói: “Con xin lỗi, con thực sự hối tiếc”. Chúa là một Người Cha khoan dung. Lòng nhân từ của Ngài còn lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Ngài sẽ tha thứ cho ta.

Thiên Chúa không mong chờ nơi con người điều gì khác hơn là tấm lòng sám hối: “Chúa ở bên những người sám hối, và cứu chữa những ai sầu khổ” (Tv 33,19). Chính lòng sám hối chân thành đã đem lại niềm vui cho cả Thiên đàng: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,7).

3. Bài học về lòng sám hối.

Chúng con hãy cùng cha suy nghĩ vể câu chuyện cảm động này. Câu chuyện có tên là: Tìm lại giá trị của cuộc đời, ở giây phút cuối”

Làm cảnh sát hơn 20 năm, từng chạm trán với vô số tội phạm nhưng ký ức về một lần truy đuổi khiến tôi suốt đời không quên.

Hôm ấy, tôi mặc thường phục đi tuần trên phố. Tôi nhìn thấy một gã thanh niên tóc dài đang bám theo sau một phụ nữ trung niên. Dựa trên trực giác của người cảnh sát, tôi đoán gã kia là một tên trộm. Quả nhiên đúng như sự dự đoán của tôi, ở chỗ rẽ gần siêu thị, hắn ta thò tay vào túi của người phụ nữ. Tôi nhanh chóng xông đến nắm chặt cái tay đang chuẩn bị rụt lại của hắn. Khi tôi rút chiếc còng từ phía sau lưng, thì hắn lùi lại một bước, bất ngờ dùng tay kia đấm thẳng vào mặt tôi, rồi co chân bỏ chạy.

Tôi vừa đuổi vừa kêu: “Bắt trộm, bắt trộm”. Lúc bấy giờ, trên đường phố có rất đông người, nhưng ai nấy đều hốt hoảng tránh ra hai bên, sau đó bàng quan đứng nhìn. Tên trộm chạy mỗi lúc một xa, nhưng chẳng có ai chịu giúp tôi một tay. Đúng lúc tôi bắt đầu nản chí, thì trước mặt tôi xuất hiện một cảnh tượng kịch tính. Từ trong đám đông, một người ăn mày chạy ra, giơ ngang chiếc gậy cản đường tên trộm. Bị tấn công bất ngờ, tên trộm ngã sõng xoài xuống đường. Người ăn mày lại xông đến, ôm chặt lấy chân tên trộm. Tên trộm thấy vậy liền bò dậy, rút dao đâm người ăn mày. Đúng lúc đó, tôi chạy đến, đấm thẳng vào mặt tên trộm.

Người ăn mày được đưa vào bệnh viện. Một lúc sau, bác sỹ từ trong phòng cấp cứu bước ra nhìn tôi, lắc đầu thất vọng. Người ăn mày được đưa ra khỏi vòng cấp cứu, hơi thở anh ra rất yếu ớt. Tôi nắm chặt lấy tay anh ta, nghẹn ngào nói:

– Tôi xin lỗi xin anh.

Người ăn mày mở to mắt, dùng chút sức lực cuối cùng, thều thào nói với tôi:

– Tôi phải cảm ơn anh. Trước đây tôi cứ nghĩ mình sẽ lặng lẽ chết đi giống như một con chó. Chính anh đã giúp tôi có cơ hội để trở thành một người đàn ông thực sự. Tôi cảm thấy mình không sống uổng phí.

Mọi người có mặt ở đó đều rơi nước mắt.

Người ăn mày đã ra đi. Ra đi một cách oanh liệt, ra đi một cách đáng được trân trọng. Trong giây phút cuối cùng, anh đã tìm lại giá trị cho cuộc sống người ăn mày vốn dĩ bị coi là thấp hèn. Anh dùng cái chết để đổi lấy sự thừa nhận của xã hội đối với anh, cùng với sự tôn nghiêm của người đàn ông.

Người ăn mày đã ra đi. Ra đi một cách oanh liệt, ra đi một cách đáng được trân trọng. Trong giây phút cuối cùng, anh đã tìm lại giá trị cho cuộc sống người ăn mày vốn dĩ bị coi là thấp hèn. Anh dùng cái chết để đổi lấy sự thừa nhận của xã hội đối với anh, cùng với sự tôn nghiêm của người đàn ông.

Người ăn mày này đã làm được một việc mà nhiều người khác trong xã hội không làm được đó là đã làm cho cuộc đời của mình trở thành ý nghĩa. 

Nếu chúng ta cũng biết làm tương tự như thế khi chúng ta thấy mình có lỗi với Chúa bằng lòng sám hối ăn năn, chắc chắn Chúa sẽ ban ơn tha thứ và phần thưởng Thiên đàng cho chúng ta. Amen.

Chúng ta bắt đầu vào Mùa Vọng: Mùa Vọng có hai đặc tính: “vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế”. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi.

A- Đoạn Kinh Thánh chúng ta vừa nghe là lời Chúa dặn các môn đệ về việc Ngài trở lại. Qua đoạn này chúng ta thấy có những sự thật quan trọng cần phải lưu ý sau đây:

1. Chúa nói Ngài sẽ trở lại nhưng không xác định thời giờ. Vì thế việc tìm biết ngày giờ Chúa Quang Lâm là một việc làm phạm thượng, vì làm điều đó là tìm cách chiếm đoạt những bí mật riêng của Thiên Chúa. Phận sự của con người không phải là tìm cách xác định ngày Chúa trở lại nhưng là chuẩn bị chính mình và tỉnh thức đợi chờ ngày đó.

2. Thời giờ sẽ đến hết sức bất ngờ cho những kẻ miệt mài nơi vật chất thế gian. Trong câu chuyện ngày xưa, khi thời tiết còn tốt, Noê đã chuẩn bị sẵn sàng cho nên khi cơn nước lụt đến ông và gia đình ông đã được cứu. Ngược lại những người khác vì cứ mải mê ăn uống, cưới vợ gả chồng, nên khi cơn nước lụt đến quá đột ngột, họ không kịp trở tay và vì thế họ đã bị nước lụt cuốn đi hết.

Câu chuyện này quả là một lời cảnh cáo cho loài người. Đừng có quá miệt mài với cõi đời tạm mà quên đi cõi đời đời mai sau, đừng có quá quan tâm đến việc thế gian, mà quên rằng có một Thiên Chúa và vấn đề sống chết đều nằm trong tay của Ngài. Bất cứ khi nào Ngài gọi, buổi sáng, buổi trưa, hay buổi chiều chúng ta đều phải sẵn sàng.

3. Sự quang lâm của Chúa là lúc phân rẽ và phán xét. Đó là lúc Chúa tập hợp lại những ai thuộc về Ngài.

Nếu ngày giờ Chúa trở lại không ai biết được thì mọi người đang sống phải thường xuyên chuẩn bị cho ngày giờ đó.

B- Để chuẩn bị cho chu đáo, cần phải tránh những thái độ sau đây:

a) Trước hết là sống không cảnh giác. Sống không cảnh giác sẽ rước lấy tai họa: một tên trộm sẽ không bao giờ gởi thư báo trước mình sẽ đến viếng nhà nào. Vũ khí chính của anh ta là sự bất ngờ, vì vậy một chủ nhà có của cải lúc nào cũng phải canh chừng. Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải hiểu điều này cho đúng. Chúng ta phải luôn nhớ rằng Chúa cảnh giác chứ không nhằm chơi khăm chúng ta, dường như cứ nhằm lúc nào chúng ta sơ hở là Chúa trở lại. Đàng khác, khi trông đợi Chúa trở lại không phải là chúng ta phải luôn sống trong sợ hãi kinh khiếp, mà là phải vui như náo nức trông chờ ngày vui vẻ vinh quang sắp đến.

b) Cũng phải tránh thái độ cứ cho rằng mình còn có nhiều thời giờ. Đây là thái độ rất nguy hại. Trong kho tàng những câu truyện ngụ ngôn người ta đọc được câu chuyện này: Câu chuyện về ba con quỷ học việc. Chúng đến trần gian để tập sự. Chúng nói với Satan là chúa quỷ về những kế hoạch cám dỗ loài người. Con quỷ thứ nhất nói:

– Tôi sẽ bảo với loài người là không có Thiên Chúa.

Con quỷ thứ hai nói:

– Tôi sẽ bảo với họ là không có địa ngục.

Satan trả lời: “Mi sẽ không lừa dối ai được bằng những cách đó, ngay đến bây giờ loài người vẫn biết có một địa ngụa dành cho tội nhân”.

Con quỷ thứ ba nói:

– Tôi sẽ bảo với loài người đừng có vội vã làm gì”.

Satan đáp: “Đi đi, mày sẽ làm hại được vô số loài người bằng cách đó”. Ảo tưởng nguy hiểm nhất là ảo tưởng cho rằng mình còn có nhiều thời giờ. Cái ngày nguy hiểm nhất trong đời một người là khi người đó học được chữ ngày mai, và trì hoãn vì không ai biết ngày mai có đến với mình nữa không.

Lịch sử còn ghi lại câu chuyện bi thảm sau đây: Pháp quan Archais ở Thebea đang ngồi uống rượu với một số đông dũng sĩ của mình, bỗng có một sứ giả bước vào mang cho ông một bức thư báo cáo về một âm mưu sát hại ông. Thay vì mở ngay bao thư ra đọc, ông nhét ngay vào trong túi và nói:

– Để mai hễ hay.

Và qua ngày mai thì ông bị giết chết. Trước khi bức thư bị khui ra thì cả chính phủ bị bắt trọn.

Vị pháp quan Archais đã hất sứ điệp ấy qua một bên vì ông nghĩ hãy còn nhiều thời giờ. Quan tổng đốc Phêlít ngày xưa đã run rẩy trước sứ giả của Chúa là Phaolô nhưng vẫn chần chừ nói rằng: “Bây giờ ngươi hãy lui ra, đợi khi nào rảnh, ta sẽ gọi lại”. Nhưng từ chỗ đó chúng ta không thấy chỗ nào nói đến ông ta rảnh cả.

Một thiếu nữ người Mã lấy chồng khá giàu quê ở Nữu Ước. Ngày kia trên đường từ California trở về nhà, cô gặp tai nạn đường sắt, bị thương rất nặng và ít hi vọng sống. Lúc còn trẻ, cô rất đạo đức, vì xuất thân từ một gia đình tốt và có giáo dục. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đã đưa cô vào một môi trường khác hẳn. Ở đây, không còn một ai nói tới Thiên Chúa và vĩnh cửu, không một ai nghĩ đến phần rỗi linh hồn mình. Lúc đầu, thái độ và bầu khí dửng dưng với tôn giáo này làm cho cô khó chịu, nhưng dần dần, cô tiêm nhiễm sự xa hoa và lạc thú, để rồi cuối cùng, chính cô cũng không còn lưu tâm gì đến Thiên Chúa và linh hồn. Và bất ngờ, một tai nạn đã kéo cô ra khỏi vùng xoáy của các lạc thú để ném cô vào vòng tay của Tử thần.

-Tôi sẽ chết ư? Nàng khắc khoải hỏi vị bác sĩ đang đứng bên cạnh.

– Thưa bà, tôi cũng lo sợ như thế.

– Tôi còn sống được bao lâu nữa?

– Có thể một giờ.

Nghe vậy, toàn thân cô rùng mình. Cô đưa tay che mặt lại và nằm yên, không động đậy trong giây lát. Sau đó, hình như cô lấy hết sức còn lại, nói với giọng truyền lệnh: “Hãy đưa tôi về Nữu Ước”.

– Không thể được! Người thầy thuốc nhẹ nhàng trả lời. Cô hãy nằm yên, mọi cử động lúc này đều nguy hại cho cô.

– A, bác sĩ ơi! Tôi đã có thể làm biết bao điều tốt lành, với tiền của tôi. Nếu tôi trung thành với đức tin thời thơ bé, tôi đã có thể làm biết bao điều tốt lành cho những kẻ sống quanh tôi! Nhưng tôi chỉ nghĩ đến những cuộc giải trí và trang điểm. Và bây giờ tôi chỉ còn sống được một giờ nữa thôi! Bây giờ thì quá chậm rồi!

Cô gái đáng thương này thực ra không sống được một giờ như dự đoán, bởi vì sự giao động đã cướp đi mạng sống của cô vài phút sau đó.

Vị bác sĩ sau đó đã tuyên bố rằng ông chưa bao giờ nghe một điều đáng sợ hơn hai tiếng “quá chậm” của người thiếu phụ sắp chết này!

Để đừng rơi vào tình trạng bi thảm của vị pháp quan, của viên tổng trấn, của người thiếu phụ, chúng ta hãy bắt chước em học sinh sau đây: một ông thanh tra học đường khi đến thăm trường tiểu học nói với các em học sinh rằng: “Tôi sẽ trở lại đây. Vậy từ nay cho đến ngày tôi tới, trò nào giữ được bàn mình sạch sẽ, thì sẽ được thưởng.

– Khi nào ông trở lại? Vài học sinh hỏi.

– Chưa biết hôm nào! Vị thanh tra trả lời.

Trong số các học sinh trong trường, có một cô bé quả quyết rằng mình sẽ chiếm được phần thưởng. Ai nghe cũng phải cười vì cô gái ấy có tiếng là không chỉnh tề. Có người hỏi:

– Bàn của cô có tề chỉnh bao giờ đâu mà mong được phần thưởng?

– Từ nay, mỗi buổi sáng tôi sẽ thu xếp một lần, cô bé đáp.

– Nhưng nếu ông thanh tra đến vào buổi chiều hay buổi tối thì sao? Người ấy hỏi lại. Cô gái yên lặng một lúc rồi nói: thôi, tôi hiểu rồi! như thế thì lúc nào tôi cũng phải giữ bàn của tôi cho được tề chỉnh.

Nếu chúng ta muốn được Chúa thưởng ban thì cũng phải tỉnh thức và cầu nguyện như vậy.