Bài Tin Mừng hôm nay quá quen thuộc, tuy nhiên vẫn có nhiều điều chúng ta có thể nói với nhau.

1. Chúa ban điều răn mới: Phải chăng luật yêu thương bây giờ mới có?

– Không! Luật yêu thương đã có từ lâu, có ngay từ trong Cựu Ước.

Nhưng tại sao hôm nay Chúa lại nói về một giới răn mà Chúa bảo là mới?

– Giới luật yêu thương trong Cựu Ước theo ý của Chúa là giới răn yêu thương “cũ”. Giới răn này cũ không phải bởi hình thức nhưng là cũ trong nội dung. Sở dĩ tôi dám nói như thế là vì giới răn yêu thương trong Cựu Ước mới chỉ có tính cách tiêu cực và rất giới hạn, không những giới hạn trong cách thực hiện mà còn giới hạn trong đối tượng phải thực hiện tình yêu thương: Chẳng hạn như chỉ yêu thương những người yêu thương mình hoặc chỉ yêu thương những người cùng đạo với mình, cùng một tôn giáo với mình v.v..

Trái lại giới răn yêu thương mà Chúa gọi là mới thì có một nội dung sâu xa hơn. Đối tượng của luật đó cũng được mở rộng ra đối với tất cả mọi người kể cả những kẻ thù địch với mình. Đàng khác cách thức thực luật yêu thương thương cũng tích cực và quyết liệt hơn. Phải yêu thương như Chúa yêu. “Yêu như Thày yêu chúng con”. Mức độ Chúa đòi hỏi rất cao, nó không còn nằm ở trong phạm vi lòai người nữa mà phải vươn lên đến Thiên Chúa. “Yêu như Thầy”

2. Thế nào là yêu như Chúa?

a. Chúa không định nghĩa về Tình yêu như Ngài chỉ cho chúng ta cách thức để thực hiện, cách thức để sống luật yêu thương.

Chúng ta hãy chú ý một chút đến hoàn cảnh khi Chúa dậy về luật yêu thương. Lúc đó Chúa đang ở với các môn đệ trong nhà Tiệc ly. Tôi thấy Chúa đã làm ba việc rất đặc biệt có thể nói là khác thường, để tạo nên một ấn tượng làm cho các môn đệ của Chúa sau này hễ nhớ đến Chúa là phải nhớ đến những việc này:

* Việc khác thường thứ nhất: Chúa quì xuống rửa chân cho các môn đệ.

Chẳng cần phải nói anh chị em cũng thấy được đây là một việc làm thật khó hiểu.

Ông Phêrô một trong những môn đệ thân tín của Chúa hầu như đã không còn làm chủ được sự xúc động của mình, nên ông đã phải lên tiếng công khai xin Chúa đừng làm như thế đối với ông. Thế nhưng không những Chúa không thuận theo đề nghị của ông mà ngược lại Chúa còn làm cho ông hoảng sợ khi Chúa đe doạ cắt đứt mối dây thân tình đối với ông nếu ông không để cho Ngài làm những việc Ngài muốn.

Thế là tất cả các môn đệ đã được chính Chúa Giêsu quì xuống rửa chân cho. Đây là việc khác thường thứ nhất.

* Việc khác thường thứ hai là Chúa chọn đúng lúc các môn đệ đang ngỡ ngàng về việc Chúa vừa làm cho mình để tuyên bố cho họ biết về một sự việc làm cho các ông cảm thấy choáng váng. Chúa nói: “Một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Tin Mừng cho chúng ta biết ngay sau khi Chúa nói những lời đó thì tất cả môn đệ đều hoang mang không biết Chúa nói về ai.

* Việc khác thường thứ ba: “Chúa mời cho các môn đệ ăn chính mình và uống Máu của Ngài”.

Chúa cầm lấy bánh đã biến thành Mình Chúa và Rượu đã trở thành Máu của Chúa rồi Chúa bảo các môn đệ của Ngài: “Hãy cầm lấy mà ăn – Hãy lãnh nhận mà uống”. Xưa nay chẳng có ai có thể lấy thịt mình mà cho người khác ăn, lấy máu mình mà cho người khác uống. Vậy mà hôm nay chính Chúa đã làm như thế.

b. Chúng ta tự hỏi: Chúa làm như thế để làm gì?

Thưa để  cắt nghĩa một phần nào về giới răn yêu thương mới của Ngài .

* Yêu thương trước hết là phục vụ. Khi đã yêu thương thì người ta sẽ chẳng quản ngại bất cứ một công việc nào dù công việc đó là công việc có tính thấp hèn đến như thế nào đi nữa.

* Yêu thương là hy sinh biết quên mình vì người khác. Khi chịu chết trên Thập giá Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống của mình để đền tội cho cả lòai người chúng ta. Thánh Phao-lô còn quả quyết thêm: “Ngài – Chúa Giêsu – phận là phận Thiên Chúa nhưng Ngài đã quên mình, tự hủy ra như không vì phần rỗi thế gian”

* Và cuối cùng “Yêu thương còn là ban tặng, là dâng hiến” Chúa Giêsu đã ban tặng cho chúng ta không phải chỉ là một phẩm vật mà là chính mình. “Đây là mình Thầy chúng con cầm lấy mà ăn. Đây là máu Thầy chúng con hãy cầm lấy mà uống.” Yêu là cho đi. Cho đi ít là dấu chỉ yêu thương ít. Cho đi nhiều là dấu chỉ yêu thương nhiều. Cho tất cả là dấu chỉ của một tình yêu thương không bờ không bến”

Đó là bài học Chúa muốn dạy cho chúng ta. Yêu thương là phục vụ trong hy sinh với tinh thần tự hiến. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của một người đã hiến thân vì người mình yêu.

3. Chúng ta có thể yêu như Chúa không?

Có. Xin minh họa bằng một thí dụ.

Có một cậu bé tự cho mình là đứa trẻ bất hạnh nhất thế giới này. Trong con mắt của bạn bè, cậu là kẻ nhát gan, yếu đuối. Trên nét mặt cậu thường lộ vẻ sợ hãi. Cậu thở phì phò giống người ta kẻo bễ vậy. Khi bị cô giáo gọi đứng dậy đọc bài hay trả lời câu hỏi, đôi chân cậu lập tức run rẩy, môi liên tục mấp máy. Đương nhiên, cậu trả lời ấp úng và đứt quãng. Cuối cùng, cậu đỏ mặt xấu hổ quay về chỗ ngồi. Nếu cậu có một gương mặt đẹp, thì người khác có thể cảm tình với cậu một chút. Nhưng khi bạn thương hại nhìn cậu ta, thì bạn có thể nhìn thấy hàm răng hô xấu xí của cậu.

Vào một ngày mùa xuân, bố cậu bé xin nhà hàng xóm một ít cây giống. Bố cậu muốn trồng chúng trước nhà. Ông bảo các con, mỗi đứa trồng một cây. Ông nói với chúng, cây của ai lớn nhanh nhất, người đó sẽ được ông tặng cho một món quà giá trị. Cậu bé ấy cũng muốn nhận được món quà.

Nhưng khi nhìn thấy anh chị em hào hứng chạy đi chạy lại tưới nước cho cây, không hiểu tại sao, trong đầu cậu lại nảy sinh ý nghĩ kỳ quặc: cậu mong cái cây mình trồng mau chóng chết đi. Vì thế, cậu chỉ tưới nước cho cây hai lần, sau đó bỏ mặc nó.

Một tuần sau, khi xem cái cây mình trồng, cậu bé ngạc nhiên phát hiện nó không những không héo úa, mà còn mọc ra mấy cái lá xanh nõn nà. So với những cái cây mà anh chị em cậu trồng, nó dường như tươi tốt hơn và tràn đầy sức sống. Bố cậu thực hiện đúng lời hứa, mua cho cậu một món quà mà cậu thích nhất. Đồng thời, ông còn nói với cậu, cứ xem cách cậu trồng cây, thì sau này chắc chắn cậu sẽ trở thành một nhà thực vật học xuất sắc.

Từ đó trở đi, cậu bé dần dần trở nên lạc quan.

Vào một buổi tối, cậu bé trằn trọc không sao ngủ được. Nhìn ánh trăng vằng vặc ngoài sân, cậu chợt nhớ đến câu nói của thầy giáo dạy sinh vật: thực vật thường lớn lên vào lúc trời tối. Cậu nghĩ bụng, tại sao mình không xem thử xem cái cây mình trồng lớn như thế nào nhỉ? Khi cậu rón rén đi ra ngoài sân. Cậu nhìn thấy bố đang dùng gáo tưới nước cho cái cây cậu trồng. Ngay lập tức, cậu hiểu ra tất cả. Hóa ra, bố cậu âm thầm bón phân cho cái cây cậu trồng. Cậu trở về phòng ngủ, gục mặt xuống giương mặc cho nước mắt chảy đầm đìa trên khuôn mặt.

Thấm thoắt mấy chục năm đã trôi qua. Cậu bé với đôi chân tập tễnh ấy mặc dù không trở thành một nhà thực vật học như ước nguyện của người cha, nhưng lại trở thành tổng thống của nước Mỹ. Tên của ông là Franklin Roosevelt.

Tình yêu chính là chất dinh dưỡng tốt nhất của cuộc đời. Chỉ cần một gáo nhỏ, nhưng nó cũng có thể làm cho cái cây của cuộc đời trở nên tươi tốt, cành lá xum xuê. Có thể cái cây đó rất bình thường, có thể cái cây đó rất nhỏ bé, thậm chí còn héo úa, nhưng chỉ cần được chăm bón bởi chất dinh dưỡng này, thì nó vẫn có thể trở thành những thân cây tươi tốt, thậm chí còn cao lớn chọc trời.

Chúng con thân mến,

Hôm nay cha muốn dùng một ít phút này để nói với chúng con về hai chữ yêu thương

Chúng con đã biết yêu chưa?

Tình yêu màu gì chúng con?

Cha đố chúng con tình to như thế nào đấy?

Tình yêu có thơm không chúng con?

Đúng là tình yêu không có màu sắc, không có mùi vị, không có to hay nhỏ…nhưng có ai dám bảo là không có tình yêu không? Ai dám nói là không có tình yêu giơ tay lên cho cha xem nào.

Đúng là không ai dám bảo không có tình yêu.

Tình yêu là một cái gì đó rất thật, nhưng người ta không dùng giác quan để thấy được tình yêu. Người ta chỉ có thể thấy được tình yêu qua “Dấu chỉ” của nó.

Chúng con hãy tập làm quen với từ này. Từ dấu chỉ rất quan trọng. Cha cho chúng con một thí dụ: khi chúng con nhìn thấy trên trời có thật nhiều mây, chúng con bảo trời sắp có mưa. Vậy “Mây là dấu chỉ trời sắp có mưa”. Chúng con thấy một người mẹ nghèo thật nghèo đang ẵm một đứa con trên tay và đang chăm chút đú từng muỗm bột cho con, chúng con thấy đó là “Dấu chỉ” của tình….tình gì chúng con .. tình mẹ hay gọi cho nó văn chương hơn…gọi là tình mẫu tử.

Trong Tin Mừng Chúa có kể một dụ ngôn: dụ ngôn người Samaritanô nhân lành mà ai cũng biết. Dụ ngôn kể rằng: có một người kia đi từ Giêrusalem xuống Giêricô. Dọc đường ông bị sa vào ổ cướp. Chúng lột hết quần áo và đánh ông nhừ tử, rồi bỏ mặc người ấy dở sống dở chết mà đi

Tình cờ có một thầy cả đi qua, trông thấy người ấy nhưng ông tránh qua một bên mà đi.

Sau đó đến một ông thầy Levi.

Sau có một người Samaria cũng đi qua lối đó. Ông thấy, ông động lòng thương. Ông lấy dầu, lấy rượu xoa bóp vết thương cho người bị nạn rồi ông đặt người đó lên lưng lừa của mình chở vào quán trọ.

Hôm sau ông trao cho người chủ quán 2 quan tiền và nói: “Xin săn sóc người này, có tốn kém hơn bao nhiêu thì lúc về tôi sẽ trả thêm”

Trong 3 người đó, ai là người biết yêu thương kẻ bị cướp chúng con?

– Người Samaritanô.

– Rất trúng. Cha khen chúng con đã có con mắt yêu thương.

Phần cha, mỗi lần đọc lại câu chuyện này, cha cảm thấy mình phải xét mình lại.

Thầy cả là người chuyên giúp người ta giữ luật của Chúa, nhưng luật căn bản là bác ái yêu thương thì ông lại không giữ.

Thầy Lêvi thuộc hạng người có thế giá, chăm lo việc đạo, nhưng điều răn chính của đạo là luật yêu thương thì ông lại không thực hành.

Còn người Samarianô này là người dân ngoại thường bị những người Do thái khinh bỉ và cấm không nên tiếp xúc với họ, thì lại biết yêu người.

Ông không yêu bằng môi miệng nhưng ông yêu bằng hy sinh, bằng việc làm.

Ông đã mất nhiều thời giờ và tiền bạc cho người bị nạn chẳng có họ hàng quen biết gì vối ông. Đó là tình yêu thực sự.

2. Bây giờ chúng con hãy nghe Chúa dạy: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

Yêu như Chúa yêu là làm sao?

Cha thấy trước khi nói điều này Chúa đã làm ba việc;

Thứ nhất Chúa cởi áo quì xuống rửa chân cho các môn đệ.

Thứ đến Chúa lập Bí tích Thánh thể.

Cuối cùng Chúa chịu chết trên cây Thánh giá.

Với ba việc đó, Chúa muốn bảo yêu như Chúa là phải phục vụ, phục vụ quên mình.

Yêu như Chúa là phải biết cho đi, cho đi như Chúa ban chính mình qua bí tích Thánh thể.

Yêu như Chúa là phải sẵn sàng hy sinh, hy sinh như Chúa hy sinh trên thập giá.

Chúa bảo: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hiến thân vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Một hôm có người đến kể cho cho công chúa Eugenie về những việc đang làm cho người đó rất buồn. Công chúa sẵn sàng lắng tai nghe. Sau đó người ấy nói cho công chúa biết về những người dân nghèo khổ trong thành không được ai săn sóc gì cả. Khi họ đau, họ bị bỏ mặc cho đến chết và cái họ cần bây giớ là một nhà thương.

Công chúa Eugenie nghe thấy thế thì bỡ ngỡ lắm. Công chúa đi thẳng xuống thành phố và thấy đúng như vậy.

Lập tức về nhà, bà bán tất cả các nữ trang bà có để lấy tiền và xây ngay một nhà thương. Không bao lâu nhà thương đã được hoàn thành.

Một hôm bà vào thăm nhà thương. Bà vào thăm và thấy mọi người bị bệnh được chăm sóc rất tử tế. Khi tới một giường của một bệnh nhân đàn ông nghèo khó. Vừa nhìn thấy bà, người này bật khóc thành tiếng và nói:

– Công chúa bán tư trang để xây nhà thương này… tôi xin hết lòng biết ơn công chúa.

Nói xong ông khóc to hơn. Công chúa mỉm cười, quay lại nói với đoàn tùy tùng:

– Ta đã cho đi các đồ nữ trang và bây giờ ta lại tìm thấy. Nước mắt của người này đáng giá hơn tất cả những vàng ngọc châu báu của ta.

Yêu thương là như thế chúng con.

Cha kể cho chúng con câu chuyện thứ hai:

Vào thời các nhà tu hành còn sống trong rừng, trong sa mạc Ai Cập … có một nhóm các thầy ẩn tu sống với nhau… mỗi người một chỗ, ăn chay cầu nguyện.

Một hôm có một người đưa đến biếu thày Giuse một chùm nho rất ngon. Thầy Giuse đọc bài Tin Mừng thấy Chúa bảo phải thương yêu nhau… nên thầy đem chùm nho này biếu một thày ẩn tu khác ở không xa chỗ thầy bao nhiêu.

Sau thầy này thấy có một thày ẩn tu già hơn mình nên thầy đem biếu thầy ẩn tu già này chùm nho vùa nhận được.

Sau đó cứ như thế, chùm nho được chuyển từ thầy này đến thầy khác cho đến hết mọi thầy trong rừng… và cuối cùng chùm nho lại trở về với thày Giuse.

Đó cha kể cho chúng con 2 câu truyện để chúng con biết yêu trong việc làm là yêu như thế nào.

Cha nhắc lại cho chúng con một câu cha đọc trong một cuốn sách của một đức cha:

“Yêu là biết cho đi

Cho đi nhiều là dấu chỉ yêu nhiều

Cho đi ít là dấu chỉ yêu ít

Cho tất cả là dấu chỉ của một tình yêu không bờ không bến”

Chúc chúng con biết sống yêu thương như Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay rất vắn, chỉ gồm có 3 câu, thế nhưng chỉ với ba câu đó chúng ta thấy Chúa Giêsu cũng đã đủ để phác họa nên một bức chân dung thật sống động về mối tương quan giữa Chúa và những kẻ tin vào Người. Chúa Giêsu tự coi mình như một mục tử và những kẻ tin vào Người như những con chiên cùng sống trong một ràn chiên của Chúa.

1. Người mục tử Chúa muốn nói trong bài Tin Mừng hôm nay là người như thế nào?

Chúa cũng chỉ sử dụng có hai từ: biết và cho và cũng chỉ với hai từ đó Chúa đã cho chúng ta thấy chân dung một người mục tử tốt là người như thế nào.

* Tôi biết chiên của tôi.

Người chăn chiên tốt lành biết rõ từng con chiên. Ông biết tên từng con. Ông biết tình trạng sức khoẻ cũng như nhu cầu của từng con chiên. Tương tự như thế, Chúa Giêsu biết rõ mỗi người chúng ta. Người không chỉ biết mà còn thông cảm với mọi hoàn cảnh của ta.

Ta buồn vì bị người yêu phụ bạc ư ? Người cũng đã biết thế nào là nỗi đau của người bị phản bội.

Ta cay đắng với kiếp nghèo đeo đẳng ư ? Chúa Giêsu cũng đã sinh ra không nhà, sống ngoài đường và chết trần truồng trên thập giá.

Ta tuyệt vọng vì cuộc đời không lối thoát ư ? Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút đen tối trong vườn Giết-si-ma-ni và trên thánh giá.

Ta cô đơn vì bị mọi người xa lánh ư ? Chúa Giêsu cũng đã bị mọi người chối bỏ, và Người cảm thấy như Đức Chúa Cha cũng từ bỏ Người.

Ta bị sỉ nhục mất hết uy tín ư ? Chúa Giêsu đã bị nhục nhã và mất hết uy tín khi phải chết như kẻ tội đồ nô lệ.

Chúa Giêsu là người chăn chiên tốt lành, hiểu biết mọi ngõ ngách u ẩn trong đáy lòng người, nên có thể chăm sóc an ủi từng người chúng ta.

* Tôi cho chúng được sống đời đời.

Chúa Giêsu là mục tử tốt lành vì đã tặng ban cho tất cả đoàn chiên món quà quí giá nhất là sự sống đời đời, sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, sự sống của chính bản thân Người. Sống sự sống của Thiên Chúa rồi, đoàn chiên sẽ kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Không ai cướp được đoàn chiên khỏi tay Người, vì Người dùng chính mạng sống mình mà bảo vệ. Người ràng buộc đời mình vào sinh mạng của đoàn chiên. Từ nay đoàn chiên và chủ chiên trở thành một cộng đồng sinh mệnh, sống chết có nhau, kết hợp với nhau trong một tình yêu thương không có gì có thể tách lìa được.

Đó là chân dung người mục tử theo ý của Chúa.

2. Còn đâu là hình ảnh con chiên trong ràn của Chúa là hình ảnh như thế nào?.

Chúa cũng chỉ sử dụng có hai từ để diễn tả: “nghe” và “theo”

* Trước hết “Chiên cuả tôi nghe tiếng Tôi.”

Chúa Giêsu chính là Lời của Thiên Chúa, nên ta phải nghe Người.

Nhưng nghe được Lời của Thiên Chúa không phải dễ.

Không dễ, vì Lời Thiên Chúa nhẹ nhàng như lời thì thầm của mây gió, sâu thẳm như tiếng nói của đáy đại dương, im lặng và bí hiểm như một hơi thở. Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỉ lại ồn ào như một ngày hội, gào thét như cuồng phong và điên loạn như chiến tranh.

Không dễ, vì Lời Thiên Chúa mời gọi người ta vào con đường chật hẹp của sự từ bỏ chính mình, dẫn ta lên ngọn đồi gai góc của thập giá hi sinh và thách thức ta phục vụ đến hi sinh cả mạng sống. Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỉ mở ra đại lộ thênh thang của danh vọng, dẫn ta đến chỗ dìm mình trong đại dương hưởng thụ và hứa ban tặng cho ta tất cả vinh hoa phú quí trên đời.

Vì thế, để nghe được Lời Chúa, ta phải có một đôi tai thật thính, thật bén nhạy, được hướng dẫn bởi trí phán đoán sáng suốt và một trái tim yêu mến nồng nàn. Nghe Lời Chúa với một thái độ như thế sẽ dẫn ta đến chỗ theo Chúa.

* Ta biết chúng và chúng theo Ta”.

Theo ai là quyến luyến, gắn bó và ràng buộc đời mình vào đời người đó. Như thế theo ai là từ bỏ chính mình, cuộc đời mình để chia sẻ cuộc sống với người khác.

Chiên thì phải theo Chủ.

Có một người Mỹ đi du lịch qua xứ Syrie, thấy ba người chăn chiên dẫn bầy của mình đi ăn chung với nhau. Một lúc sau, một trong ba người chăn này kêu chiên mình:

– Men ah! Men ah ! (Theo tiếng Ả rập có nghĩa là “Hãy theo ta! Hãy theo ta !”)

Các con chiên của người này liền tách khỏi bầy chung và đi theo người ấy lên đồi.

Người chăn thứ hai cũng kêu như vậy, và chiên của anh ta liền đi theo anh ta.

Người Mỹ nói với người chăn thứ ba:

– Xin anh vui lòng cho tôi mang đồ đạc của anh để tôi kêu như mấy người kia kêu, xem các con chiên của anh có theo tôi hay không.

Anh ta sẵn sàng cho người Mỹ này mượn đồ đạc. Xong xuôi, người Mỹ kêu :”Men ah ! Men ah !”, nhưng chẳng có con chiên nào nhúc nhích. Lạ quá Người Mỹ ngạc nhiên hỏi :

– Thế chiên của anh không nghe tiếng ai khác, ngoại trừ anh thôi sao?

Người chăn Syrie trả lời :

– Ồ! có chứ! Nhưng đó là vài con chiên bị bệnh, nó sẽ đi theo bất cứ ai.

Theo tâm lý học, trong tình yêu có ba mức độ.

Mức độ thứ nhất : Thích nhìn, nghe người mình yêu.

Mức độ thứ hai : Trong mọi chương trình, tính toán của đời mình đều có bóng dáng của người yêu.

Mức độ cuối cùng : Chia sẻ tất cả những gì mình có, kể cả cuộc sống của mình vì người mình yêu.

Như thế, theo tức là yêu thương ở mức độ cao. Con chiên đi theo Chúa phải hoàn toàn chủ động và nhất là phải thiết lập một quan hệ mật thiết với Chúa là Chủ của mình.

Vâng! Kính thưa anh chị em

Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy thay đổi. Cuộc sống đang mở ra những chân trời mới đầy quyến rũ nhưng cũng đầy nguy hiểm cho đời sống tâm linh chúng ta. Nhiều giá trị đang bị đảo lộn. Nhiều con chiên đang bị lôi kéo rời xa đoàn chiên. Nhu cầu cuộc sống đang xô đẩy chúng ta ra khỏi cộng đoàn khiến nhiều người trở thành những con chiên bơ vơ không người chăn dắt. Trong một hoàn cảnh mới mẻ như thế, chúng ta rất cần có những vị mục tử thực sự hiểu rõ nhu cầu của đoàn chiên và thực sự hiến mình phục vụ đoàn chiên. Chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều người trẻ biết đáp lời Chúa mời gọi, hiến mình cho Chúa để phục vụ mọi người trong nhiệm vụ mục tử. Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục của chúng ta trở thành những mục tử tốt lành noi gương Vị Mục Tử duy nhất là Chúa Giê su Kitô, Chúa chúng ta. Amen

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, chúng ta thấy Chúa Giêsu nói về người mục tử và đàn chiên.

Mục tử là người như thế nào vậy chúng con?

– Mục tử là người chăn chiên.

Gọi người chăn chiên là mục tử cho nó sang. Cũng giống như người ta gọi con của vua là hoàng tử vậy. Con gái của vua thì gọi là….. là…là………công chúa. Công chúa của vua và bạn Lan Phương đây có khác gì nhau không chúng con?

– Chẳng khác gì nhau cả vì đều là con gái cả.

Ở nhà có khi nào những người con gái chúng con được cha mẹ gọi là công chúa hay không?

– Dạ có.

Bây giờ chúng con hãy nghe Chúa nói: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi”.

1. Trước hết Chúa bảo: “Chiên tôi thì nghe iếng tôi”

Con chiên thì nghe tiếng của người chăn chiên. Đây là đức tính rất tốt của một con chiên.

Cha kể cho chúng con câu chuyện này: Một người Mỹ đi du lịch qua xứ Syrie, thấy có ba người chăn chiên dẫn bầy chiên của mình ăn cỏ chung một chỗ với nhau. Một lúc sau, một trong ba người chăn này kêu chiên mình:

– Men ah! Men ah! (Theo tiếng Ả rập có nghĩa là “Hãy theo ta! Hãy theo ta!”)

Các con chiên của người này liền tách khỏi bầy chung và đi theo người ấy lên đồi.

Người chăn thứ hai cũng kêu như vậy, và chiên của anh ta liền đi theo anh ta.

Người Mỹ nói với người chăn thứ ba:

– Xin anh vui lòng cho tôi mượn đồ đạc của anh để tôi kêu như anh kêu, xem các con chiên này có nghe theo tôi hay không.

Anh ta sẵn sàng cho người Mỹ này mượn đồ đạc. Xong xuôi, người Mỹ kêu:”Men ah! Men ah!”, nhưng chẳng có con chiên nào nhúc nhích. Lạ quá Người Mỹ ngạc nhiên hỏi:

– Thế chiên không nghe tiếng ai khác, ngoại trừ anh thôi sao?

Người chăn Syrie trả lời:

– Ồ! có chứ! Vài con chiên bị bệnh, nó sẽ đi theo bất cứ ai.

Đó chúng con thấy chiên ngoan và khoẻ mạnh thì lúc nào cũng nghe theo tiếng của người chăn chiên như là người chủ của mình.

2. Tiếp theo Chúa bảo: “Tôi biết chúng”

Tiếng “Biết” ở đây trong Tin Mừng của thánh Gioan là: “Yêu thương”

Mục tử tốt lành thì luôn yêu thương cả đàn chiên và từng con chiên của mình. Yêu thương là luôn lo lắng và bảo vệ đàn chiên, không bao giờ để cho một con chiên nào bị nguy hiểm.

Một người đi du lịch qua xứ Palestine. Người hướng dẫn cho ông ta biết rằng, tại xứ này, đúng như Đức Chúa Giêsu đã dạy trong Gioan 10: “Người chăn đi trước dẫn chiên và chiên đi theo sau người chăn, chớ không bao giờ người chăn đi sau bầy chiên.”

Một ngày nọ, ông thấy một người đang đi ở phía sau lùa bầy chiên đi tới. Lạ quá vì ông thấy không đúng như những gì ông được chỉ dẫn, nhất là không đúng với Kinh thánh Gioan đoạn 10 mà ông đã đọc. Ông liền chạy đến hỏi người chăn chiên:

– Anh ơi! Tôi được biết là ngươi chăn ở xứ này khi chăn chiên thì đi trước, chiên theo sau. Tại sao anh chăn chiên mà ở phía sau lùa chiên đi tới như thế?

Người lùa chiên trả lời:

– Ông nói đúng lắm! Người chăn phải đi trước, chiên theo sau. Nhưng tôi đâu phải là người chăn chiên, tôi đang lùa chiên đi làm thịt đấy!

3. Và cuối cùng Chúa bảo: “Và chúng theo tôi”

Chiên thì nghe tiếng chủ chiên. Nghe rồi còn phải đi theo nữa. Nghe mà không đi theo thì cũng chẳng khác gì khi cha mẹ bảo chúng con làm việc gì giúp cha mẹ, chúng con ngoan ngoãn thưa “Vâng” nhưng sau đó chúng con chăng làm gì. Như vậy có tốt không chúng con? Chắc là không! Phải không?

Và bây giờ cha hỏi chúng con: Chúng ta có thể làm gì để được gọi là theo Chúa.

Cha kể cho chúng con câu chuyện này:

Sau những tháng năm làm đầy tớ cho một gia đình quí tộc, cô Sophie Berdanska phải thất nghiệp, đói rách, tang thương. Một ngày kia, gia đình ông Hersten, một gia đình Do thái thuê cô về chăm sóc cho mấy đứa trẻ trong nhà họ. Ngay hôm đầu tiên, khi biết được cô Sophie là người công giáo, ông chủ đặt điều kiện là không được “giảng đạo” cho con cái của ông.

Cô Sophie nhận lời. Chiều hôm ấy lúc còn lại một mình trong phòng, cô lấy một miếng giấy nhỏ viết một dòng chữ, xếp lại và bỏ vào chiếc huy chương do cha cô để lại rồi đeo vào cổ.

Lũ trẻ trong nhà nhiều lần đòi cô cho coi chiếc huy chương đó nhưng cô nhất định không cho: “Bí mật của đời cô mà”.

Dưới sự chăm sóc của cô Sophia, những đứa trẻ trong gia đình Hersten càng ngày càng trở nên dễ thương, ngoan ngoãn.

Cuộc sống đang yên bình thì bỗng một hôm, tai họa dồn dập xảy ra.

Bé Naim đau nặng – cả nhà cuống quít đưa đi bệnh viện. Cô Sophia tình nguyện ở lại đêm ngày chăm sóc em, rồi thêm hai đứa nữa cũng ngã bệnh. Gánh đã nặng bây giờ nặng thêm – Tuy nhiên cô Sophia vẫn bình tĩnh tận tình phụ trách vui vẻ cho đến khi 3 đứa nhỏ trở lại bình thường .

Nhưng vì quá lao lực… sau đó cô Sophie ngã bệnh và từ trần.

Hai năm sau, một buổi sáng người ta thấy cả gia đình ông Hensten dậy sớm và cùng nhau đi đến một nhà thờ để dự lễ. Hỏi ra mới biết gia đình đó đi dự lễ giỗ năm thứ 2 của cô Sophia.

Rồi họ kể lại truyện “Tại sao họ trở lại”

Sau khi cô Sophie mất, tình cờ người ta mở chiếc huy chương của Sophie còn để lại – lúc đầu không ai để ý – mở ra thì thấy trong đó có một mảnh giấy trong đó có ghi:

“Khi người ta cấm tôi nói về đạo của tôi

Tôi quyết sống đạo của tôi trước mặt họ như một chứng tích hùng hồn”

Cả gia đình Hensten .. cảm phục … Xin học đạo và rửa tội.

Đó chúng con thấy: Một tâm gương của một người theo Chúa.

Cha ước mong chúng con cũng biết sống thật tốt. Sống như vậy là theo Chúa rồi. Amen.

Những bài đọc hôm nay có thể hướng những suy tư chúng ta về vận mạng tương lai của Giáo Hội. Vận mạng tương lai của Giáo Hội Chúa được xây dựng trên nền tảng vững chắc, là niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục sinh, Đấng cứu rỗi duy nhất của tất cả mọi người và trên sự dấn thân của mỗi người cộng tác với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, để làm chứng và thông truyền cho anh chị em những sự thật có sức mạnh cứu rỗi.

Bài đọc thứ nhất được trích từ sách Tông đồ Công vụ, cho chúng ta nhìn thấy các tông đồ đã sống thái độ trên như thế nào. Các ngài dù bị những vị lãnh đạo tôn giáo đầy uy quyền ngăn cấm, không cho phép được lên tiếng làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô Phục sinh, không được rao giảng sự thật về Chúa, nhưng tông đồ Phêrô đã mạnh dạn trả lời: “Phải vâng Lời Thiên Chúa hơn là vâng lời loài người”. Thiên Chúa Cha chúng ta đã cho Chúa Giêsu sống lại, đấng mà các ông đã giết chết bằng cách đóng đinh Ngài trên thập giá, Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Ngài bên hữu Người và làm cho Ngài trở thành thủ lãnh và là đấng Cứu Thế để ban cho dân Israel ơn ăn năn trở lại và sự tha thứ các tội lỗi. Về tất cả những điều này, chúng tôi và Chúa Thánh Thần mà Thiên Chúa Cha đã ban cho tất cả những ai tùng phục Chúa. Chúng tôi và Chúa Thanh Thần cùng làm chứng”(CVTD 5,29-35).  Thật là can đảm! Khó tìm thấy những lời tuyên xưng rõ rệt, dứt khoát như thế!.

Vâng! Vận mạng tương lai của Giáo Hội được xây dựng trên những thái độ can đảm như vậy. “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời con người”. Đây là một câu trả lời rõ ràng dứt khoát cho những hành động lạm dụng quyền hành của mình để xen vào việc của Chúa. Hoàn toàn không phải là một lời kêu gọi dân chúng nổi loạn, chống lại quyền bính chính trị lúc đó.

Và đây cũng là câu trả lời của một con người mà trước đó không lâu đã phạm những lỗi lầm thật nghiêm trọng. Chúng ta hãy nhớ lại bối cảnh lúc đó một chút.

Chỉ cách biến cố này không bao xa, vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh,  Phêrô đã yếu đuối, hèn nhát như thế nào. Ba lần ông đã chối Thầy chí thánh của mình!

Giả như Chúa có loại trừ ông, thì hầu chắc mọi người sẽ nói rằng Người đã không còn sự lựa chọn nào khác. Phêrô là thủ lãnh của các tông đồ, vậy mà ông đã làm gương xấu cho người khác. Nếu Chúa có cất chức ông thì việc đó cũng chẳng có gì là lạ!

Nhưng Chúa Giêsu đã không làm thế, Người không loại trừ ông. Thậm chí Người không giáng chức ông. Và cũng chẳng có sự buộc tội nào. Sự phản bội của Giuđa là một việc có hoạch định trước, và được thực hiện với thái độ lạnh lùng, có đắn đo suy nghĩ. Còn hành động chối Thầy của Phêrô không hoạch định trước. Đây chỉ là hậu quả của sự yếu đuối hơn là ác tâm. Chúa Giêsu, Người thấu suốt mọi tâm hồn, đã biết điều này.

Và sáng hôm nay, sau buổi điểm tâm, Chúa Giêsu đã quay nhìn Phêrô và nói : “Này Simon con Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”

Thật là một câu hỏi kỳ lạ, khi hỏi: “Anh có mến Thầy không ?” Phải chăng Phêrô không còn yêu mến Thầy nữa. Và chúng ta nghe ông thưa lại:

– Lạy Thầy, Thầy biết con mến Thầy.

Ông đã thành thật nói lên những lời này. Đó là sự thật. Thật sự lúc nào ông cũng yêu mến Chúa. Chúa Giêsu còn biết Phêrô nhiều hơn chính ông biết về mình. Người biết ông lúc nào ông cũng đặt Người là số 1. Sự mạnh mẽ và yếu đuối có thể cùng hiện hữu nơi một con người. Và bây giờ Chúa mời gọi Phêrô tiến bước. Người yêu cầu ông phải công khai tuyên bố tình yêu của mình với Thầy, vì lẽ ông đã công khai chối Thầy.

Chúa Giêsu đã không ghi tội của Phêrô. Nhưng Người mời gọi ông chăn dắt đoàn chiên của Người, tức là yêu thương và phục vụ anh chị em trong cộng đoàn. Đây là dịp để ông ăn năn hối lỗi. Đó là cách tốt nhất để chuộc tội. Sau này chính Phêrô đã viết: lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi” (I Pr 4,8).

Chắc Phêrô không bao giờ quên được biến cố ông đã chối Thầy Giêsu. Không biết biến cố ấy có ám ảnh ông theo cách mà mọi người thường bị ám ảnh bởi tội lỗi của họ hay không, nhưng chắc chắn là ông đã rút ra được một bài học lớn từ sự vấp ngã này. Ông biết ông đã không can đảm như ông nghĩ. Và ông cũng biết mặc dù ông đã chối Thầy, nhưng Thầy Giêsu vẫn yêu ông. Đó là tình yêu đưa Phêrô trở lại với cuộc sống. Đó là kinh nghiệm đáng kinh ngạc vì được yêu cả khi mình yếu đuối và tội lỗi. Yêu một người vì sự tốt đẹp của họ là lẽ thường tình. Nhưng yêu một người với cả những cái xấu của họ – đó mới thật phi thường. Điều đó cho biết ân sủng là như thế nào.

Phêrô đã can đảm đứng dậy sau lần vấp ngã. Kinh nghiệm đã giải thoát ông khỏi sự kiêu ngạo và sự tin tưởng mù quáng vào tài xoay sở của mình. Kinh nghiệm đó cũng có thể giúp ông hiểu được sự yếu đuối nơi người khác.

Phêrô đã trở nên tốt. Qua bài đọc của sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta thấy ông đã đứng dậy trước công nghị và đã làm chứng cho Chúa Giêsu như thế nào. Ông là nguồn an ủi rất lớn và cũng là một tấm gương thật sáng ngời cho chúng ta.

Tháng 3 năm 1983, nhà thơ Nga – Irina Ratushinskaya, bị kết án 7 năm lao động khổ sai và 5 năm lưu đày. Tội của bà là – sáng tác những bài thơ mà chính quyền không chấp nhận. Trong tù, bà chịu đựng sự đánh đập, bị biệt giam trong điều kiện khí hậu lạnh cứng, rất khắc nghiệt.

Thân xác còn tệ hơn. Tim, gan, cật, đều có vấn đề. Hơn nữa bà còn bị viêm phế quản kinh niên. Dù phải sống trong điều kiện như vậy, bà vẫn tiếp tục viết, rồi chuyển những bài thơ được viết trên những mảnh giấy vụn ra bên ngoài qua những người gác ngục, những người lính và những khách đến thăm. Vào tháng 10 năm 1986 Bà được phóng thích.

Làm sao bà có thể sống được như thế? Thưa đó là niềm tin Kitô Giáo.

Niềm tin Kitô giáo đã quyết định sự sống còn của bà. Bà nói:

– Khi bạn đang phiền muộn, hay trong cơn quẫn bách, dường như Chúa luôn luôn gần bên bạn hơn. Chúa bên tôi trong những ngày tôi ở trong tù, như cánh tay liền sát vai.

Một điều quan trọng khác nữa giúp cho sự tồn tại của Irina trong những ngày lao tù là mối tương quan tốt đẹp bền vững thật khó tin mà bà đã có với những nữ tù nhân. Gian nguy đã nối kết mọi người lại với nhau và làm cho họ cảm thấy có trách nhiệm với nhau.

Irina và những bạn bè của bà thường biểu tình tuyệt thực nếu một trong số họ bị ngược đãi. Bà nói:

– Tôi cảm thấy hạnh phúc khi tất cả chúng tôi vẫn còn sống. Trong thời gian tôi ở tù, một phần ba nam tù nhân trong trại đã chết. Tất cả phụ nữ đã từng ở trong trại giờ đây đều là các Kitô hữu. Trong số đó có người nay là nữ tu công giáo. Niềm tin cũng giúp cho đời sống tâm lý của tôi tránh khỏi bị huỷ hoại bởi lòng căm thù và cay đắng. Kinh nghiệm đã dạy cho tôi rất nhiều về khả năng vô song của tinh thần con người để có hạnh phúc trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu. Người trông mong chúng ta làm chứng cho Người trong thế giới hôm nay. Một số người trong chúng ta đã được kêu gọi đón nhận những đau khổ như những đau khổ mà các tông đồ hay những người như Irina và bạn bè của bà đã trải qua. Chúng ta có thể không phải đối diện với những việc tồi tệ và thái độ hết sức dửng dưng của người đương thời như thế, nhưng con đường làm chứng của chúng ta là con đường lúc nào cũng rộng mở thênh thang. Hãy sống như Chúa đã sống! Hãng làm như Chúa đã làm! Hãy đối xử với những người khác như là chính Chúa đối xử với họ! Bằng cách ấy chúng ta đang làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh đang sống giữa loài người. Amen.

Chúng con yêu quí,

1. Chúng con lại được nghe một bài Tin Mừng dài nữa thuật lại cho chúng ta câu chuyện về việc Chúa Giêsu Phục sinh.

Cha đố chúng con câu chuyện hôm nay xảy ra ở đâu?

– Ở biển hồ Tibêria.

– Biển hồ này ở miền nào của nước Do thái vậy?

– Ở miền Bắc!

– Miền này cò tên gọi là miền gì?

– Miền Gallilê.

– Chúa hiện ra với ai nhỉ?

– Với các môn đệ của Chúa.

– Có phải với tất cả các môn đệ không?

– Thưa không….Chỉ hiện ra với 7 môn đệ là những người trước đây đã sinh sống tại miền này mà thôi.

Đối với Chúa Giêsu thì đây là nơi có thật nhiều kỷ niệm êm đềm.

Chúng con biết nơi đây có làng Nagiareth thân yêu. Và đây là nơi Chúa bắt đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa.

Chính ở nơi đây Chúa đã chọn các môn đệ đầu tiên. Đó là ông Phêrô, An drê, Giacôbê và Gioan.

Vâng đúng là Chúa đã bắt đầu những việc hết sức quan trọng từ vùng đất này và phần lớn công việc rao giảng Tin Mừng của Chúa diễn ra tại ở đây. Hằng năm Chúa có về Giêrusalem nhưng chỉ về vào những dịp quan trọng nhất là những dịp lễ, về vì bổ phận.

Cha đố chúng con Giêrusalem ở chỗ nào trong nước Do thái?

– Thưa ở miền Nam đất nước Do Thái.

–  Miền này gọi là miền nào chúng con?

– Miền Giuđêa nơi có một địa điểm rất quan trọng và cũng rất nổi tiếng đó là thành thánh Giêrusalem.

Giêrusalem là thủ đô của nước Do thái, nơi mà Chúa Giêsu mới trải qua những ngày đau khổ tột cùng và chết một cách tất tưởi như một tên tử tội tại đây.

Chúng con biết sau khi Chúa từ cõi chết sống lại, đầu tiên Chúa đã hiện ra với Bà Maria Mađalena. Và cũng chính bà là người đầu tiên mang Tin Mừng Phục sinh báo cho các môn đệ. Rồi Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau. Sau đó đích thân Chúa hiện ra cho các môn đệ. Chúng con còn nhớ không. Lần đầu tiên Chúa hiện ra thì không có mặt ông Tôma ở đó. Tới lần thứ hai ông Tôma mới có mặt. Chúng con còn nhớ câu chuyện của ông Tôma không? Trong câu chuyện này chúng con còn nhớ Chúa nói với ông Tôma thế nào không? Ai nhớ được nói cho cha nghe coi nào?

– Chúa nói với ông Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”

Sau lần hiện ra này như đã báo trước, Chúa hẹn gặp các môn đệ ở Gallilê. Và hôm nay là ngày Chúa thực hiện lời hứa.

2. Theo Tin Mừng thì sau lần hiện ra với các môn đệ trong đó có cả ông Tôma, Chúa Giêsu không hiện ra một lần nào ở Giêrusalem nữa. Chính vì thế mà các môn đệ “Giải tán” và như Tin Mừng ghi lại thì ông Phêrô cũng như nhóm các môn đệ đầu tiên của Chúa cũng trở về quê quán của mình. Quê quán của họ đều ở miền Gallilê.

Trong khi chờ đợi Chúa thực hiện lời hứa thì hôm đó Phêrô nói với một nhóm anh em: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông khác đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Đêm hôm ấy họ không bắt được con cá nào…sự việc rất giống với lần đầu tiên lúc họ mới gặp Chúa. Rồi có một người đứng đó. Người ấy bảo đem lưới mà thả bên phải mạn thuyền. Họ làm như thế và bắt được rất nhiều cá. Gioan thốt lên:

– Thầy đó.

Phêrô choáng váng. Ông vội khoác áo vào, nhảy xuống khỏi thuyền bơi thật nhanh vào bờ.

Trên bờ, Chúa đã nhóm lửa sẵn và bảo họ đi lấy cá.

Phêrô vội vàng thi hành. Ông không dám hỏi một lời.

Sau bữa ăn Chúa phá vỡ im lặng. Ngài quay về phía Phêrô. Ông vẫn im lặng. Chúa hỏi:

– Simon con Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không? (Chúa gọi ông bằng tên riêng của ông chứ không gọi bằng tên Chúa đặt: Phêrô: Đá)

Ông cảm thấy như đau nhói ở trong lòng. Trả lời với Chúa làm sao bây giờ. Nhìn vào tận cõi lòng ông thấy lòng yêu Chúa vẫn còn nóng bỏng. Ông nói thật và để cho Chúa phán xét:

– Thưa Thầy, thầy biết con yêu mến Thầy.

Chúa lại nhìn ông một lần nữa rồi Ngài lặp lại cũng một câu hỏi như trên:

– Simon con Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?

Ông cũng lập lại câu trả lời như ông đã trả lời ở trên.

– Thưa Thầy có. Thầy biết con yêu mến Thầy.

Rồi lần thứ ba Chúa lại hỏi để được nghe lại một lần nữa lời tuyên xưng tình yêu của một kẻ được Chúa yêu thương nhất, nhưng cũng đã vấp phạm nhiều nhất.

– Simon con Gioan, con có yêu mến Thầy không?

– Thưa Thầy, thầy biết mọi sự. Thầy biết rằng con yêu mến thầy.

Ba lần ông chối Ngài,

Ba lần Chúa cho ông cơ hội để nhắc lại tiếng nói tình yêu để tuyên xưng lòng tin tưởng của mình.

Không một lời rầy la

Không một lời trách móc

Không một lời buộc tội

Chỉ là cơ hội để xác định lại mối dây liên hệ yêu thương.

Đó là cách Chúa cư xử với những kẻ khiêm nhường và rồi sau đó ông bắt đầu một đoạn đời mới:

– Hãy chăn giữ các chiên của ta.

Phêrô được sai đi đến Giêrusalem, trở về chính nơi ông đã vấp ngã và lúc này ông đủ can đảm để không phản đối.

Ông vâng lời trở về Giêrusalem và ở đó lần đầu tiên ông rao giảng là rao giảng cho những người đã hò la muốn giết chết Thầy của mình.

Ông dùng khả năng của ông để đem về cho Chúa 3000 tín hữu sau bài giảng đầu tiên.

Ông phải giáp mặt với gian nguy, bắt bớ.

Trước kia ông run sợ trước câu hỏi của một đứa con gái. Giờ đây ông đối diện với cả một đám đông mà không hề run rẩy.

Câu chuyện truyền kỳ về những ngày cuối cuộc đời ông chắc chắn cũng chứa đựng ít nhiều sự thật. Ông đến Roma trong thời kỳ bắt đạo. Lúc cơn bách đạo dâng cao, ông đã sợ hãi và muốn lẩn trốn nhưng vừa ra khỏi thành thì ông gặp một người vai mang thập giá đang đi ngược hướng về phía thành.

Ông hỏi:

– “Quo vadis”: Ngài đi đâu đó?

Người ấy trả lời:

– Ta đi vào Roma để cho người ta đóng đinh Ta một lần nữa

Phêrô hiểu ý. Ông quay đầu trở lại. Ông vào Roma và chịu tử đạo tại đó. Truyền thống kể rằng ông cảm thấy không xứng đáng được chịu đóng đinh một cách như thầy nên ông xin được chết trên thập giá trong tư thế đầu lộn ngược xuống đất.

Ông thực hiện đúng lời của Chúa:

– Khi về già ngươi sẽ dang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho và lôi ngươi đi đến nơi ngươi không muốn” (Ga 21,18-19)

Đó là câu chuyện về ông Phêrô.

Kính anh chị em.

Năm nào cũng vậy cứ đến Chúa nhật thứ hai Mùa Phục Sinh là Giáo Hội lại cho chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng có liên quan đến Tôma. Trong ít phút suy niệm này tôi xin được nói một đôi nét về vị tông đồ “nổi tiếng về sự nghi ngờ” này để qua đó chúng ta có thể thấy được sự tài tình của Chúa khi Chúa biến một con người như thế làm tông đồ cho Ngài và cũng để nhờ đó mà chúng ta tin Ngài mạnh hơn.

I. Sự kiện.

Chẳng nói anh chị em cũng thừa biết Tôma là một trong nhóm 12 được Chúa gọi rồi chọn làm tông đồ. Con đường Tông Đồ của ông lúc đầu chưa có gì rõ nét cho lắm. Nhưng sau khi gặp được Chúa từ cõi chết sống lại… thì phải nói là rất đẹp.

Chúng ta gặp ông lần đầu tiên trong Tin Mừng lúc người ta báo tin cho Chúa là Lazarô bạn của Chúa mới qua đời. Lúc đó Chúa đang ở ngoài lãnh địa Giudêa. Sở dĩ Ngài muốn lánh mặt như thế là vì Ngài mới tranh luận với những người Do Thái và nói những lời mà họ cho là phạm thượng tại Giêrusalem thủ đô của miền Giudêa. Hai lần họ muốn ném đá và bắt Ngài. Nhưng Ngài đã lẩn đi và bỏ qua miền bên kia sông Giordan. (Ga 10,29-40).

Nhưng vừa khi nghe tin Lazarô chết thì Chúa lại muốn trở lại Giudêa. Tôma thấy việc đó là nguy hiểm nhưng ông không tìm cách ngăn cản. Ông thừa biết Chúa can đảm và dám đối diện với tất cả. Theo ông nghĩ thì rất có thể là Ngài sẽ chấp nhận cái chết như đã có lần Ngài công khai tuyên bố (Mc 10,33). Chính vì vậy mà ông nói với các tông đồ: “Cả chúng ta nữa. Hãy qua đó để cùng chết với Ngài”.

Không biết có nên coi đây là một câu nói tận hiến hay chỉ là một lời phát ngôn đượm chất u sầu, buồn thảm của một con người lúc nào cũng nhìn đời bằng một cặp kính màu xám xịt. Cách ông nói làm cho chúng ta có cảm tưởng rằng ông không còn một chút hy vọng nào nữa, thế là hết tất cả. Kể như tất cả những hy vọng ông đặt ở nơi Chúa sẽ phải tiêu tan. Đó là lấn thứ nhất

Lần thứ hai chúng ta gặp thấy ông ở bên bàn tiệc ly. Khi Chúa Giêsu nhắn nhủ các tông đồ: “Lòng anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở nếu không Thầy đã nói với anh em rồi. Thầy đi để dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi để dọn chỗ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy – để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó. Thầy đi đâu thì anh em đã biết đường rồi” (Ga 14,1-4). Khi Chúa nói như thế thì Các tông đồ khác yên lặng ngồi nghe. Còn Tôma thì xem chừng như không chịu nổi. Vấn đề có vẻ lạ quá. Thầy đã nói đến sự chết và ông đã sẵn sàng đi để cùng chết với Thầy. Bây giờ Thầy lại nói đến chỗ ở, đến nhà cửa, đến sự sống. Hơn nữa Chúa lại nói đến cả con đường. Tôma không thể hiểu nổi. Ông không thể im lặng được nữa. Ông đứng dậy hỏi Ngài:

– Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được con đường

Và Chúa Giêsu trả lời:

– Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.

Tôma được trả lời nhiều hơn ông hỏi nhưng con người luôn bi quan như thế thì làm sao mà hiểu được những gì Chúa muốn  nói và ông vẫn tiếp tục sống trong thất vọng. Đó là lần thứ hai.

Và lần thứ ba ngày hôm nay. Sau khi Chúa từ cõi chết sống lại, Chúa đã hiện ra với Maria Madanena, với 10 tông đồ khác. Những người này đã báo tin vui cho ông nhưng ông nhất định không tin. Họ muốn chia sẻ với ông niềm vui đó nhưng ông nhất định khăng khăng phản đối: “Nếu mắt tôi không thấy những dấu đinh nơi tay của Thầy. Nếu tay tôi không được thọc vào lỗ đinh nơi tay và cạnh sườn của Thầy thì tôi không tin” (Ga 20,25).

Ông đóng cửa, bịt tai, cứng lòng. Câu nói của ông quả thực là một thách thức và có thể coi là những lời xúc phạm đối với Chúa. Tuy nhiên ở đây chúng ta thấy ông còn dành cho Chúa một điều kiện. Chữ “nếu” của ông thật dứt khoát và rõ ràng, không có cách nào giải thích khác được.

Và như bài Tin Mừng hôm nay thuật lại, Chúa đã lại hiện ra và Ngài cho Tôma được trực diện với Ngài: “Tôma, hãy đặt ngón tay con vào đây. Hãy nhìn xem tay Thầy đây. Hãy đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin” (Ga 20,27).

Phải nói đây thật là một điều quá sức tưởng tượng đối với Tôma. Chúng ta phải cám ơn Chúa vì Chúa đã thương ông. Và chỉ trong một khoảnh khắc ông đã trở thành một con người hoàn toàn mới.

Hơn nữa chúng ta thấy, ông còn qua mặt tất cả các tông đồ khác khi ông tuyên xưng: “Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa của tôi” (Ga 20,28). Đây mới là lời tuyên xưng đầy đủ nhất và đúng nhất về Đức Kitô.

Ông không dám thi hành điều ông đòi hỏi.

Ông không cần phải thọc ngón tay vào lỗ đinh, không cần thọc cả bàn tay vào cạnh sườn.

Sự có mặt của Chúa cũng như ánh mắt của người đã quá đủ đối với ông.

Từ vùng tăm tối của hoài nghi, ông đã được đưa ra vùng ánh sáng. Ánh sáng của đức tin.

Truyền thống cho thấy sau khi Chúa về trời ông đã cất bước lên đường đi về một miền thật xa…ông sang đến tận Ấn độ để loan báo cho người ta biết về việc Chúa đã từ cõi chết sống lại. Và cũng như các tông đồ khác ông đã bỏ mạng sống tại chính nơi ông rao giảng để làm chứng cho Thầy chí thánh là Đức Chúa và cũng và Thiên Chúa của ông.

II. Bây giờ đến chúng ta.

Có lẽ khi đọc lại bài Tin Mừng này không ai trong chúng ta mà không nhớ đến câu nói cuối cùng Chúa nói với Tôma: “Bởi con thấy Thầy nên con mới tin. Nhưng phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,29) Thế nhưng kính thưa anh chị em. Nói gì thì nói việc tin vào sự Phục sinh của Chúa lúc nào cũng là một việc rất khó khăn.    Tuy khó nhưng không có nghĩa là không thể. Không chỉ có các tông đồ mà trong suốt lịch sử của Hội Thánh vẫn có không biết bao nhiêu con người đã mạnh mẽ tuyên xưng cũng như dám hiến dâng cả mạng sống làm chứng cho niềm tin ấy.

Chúng ta hãy đọc lại những lời  quả quyết sau đây của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hưũ Do Thái: “Tin là cách chiếm hữu những điều còn trong hy vọng, là cách nhận thức những thực tại mà người ta không thấy. Không tin thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa. Ai đến gần Thiên Chúa thì phải tin là Người có và Người sẽ thưởng công cho những ai tìm kiếm Người” (Dt 11,1-6)

Chúa đã sống lại. Ngài đã hiện ra cho các Tông Đồ, Ngài đã hiện ra cho Tôma, Ngài cũng đã hiện ra cho một số những người khác. Đó là sự kiện các tông đồ đã làm chứng. Và đức tin công giáo của chúng ta đã không sợ sệt khi đặt nền tảng trên những sự thật này.

Như vậy dù chúng ta tin hay không tin thì Ngài cũng vẫn là như thế: Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài đã chết và đã sống lại. Ngài luôn ở giữa chúng ta. Thánh Gioan đã có lần nói:”Ở giữa các ông có một Người mà các ông không biết” (Ga 1,26).

Vâng kính thưa anh chị em. Chúng ta hãy tin vào Ngài.

Sau thế chiến thứ hai ít lâu, trong khi dọn dẹp những ngôi nhà bị chiến tranh tàn phá người ta còn thấy được những lời rất cảm động này được ghi trên một bức tường của một ngôi nhà thờ đã đổ nát. Những lời đó như sau:

Tôi tin vào mặt trời ngay cả khi nó không còn chiếu sáng.

Tôi tin vào tình yêu ngay cả lúc tôi không cảm thấy sự hiện diện của nó.

Tôi tin vào Thiên Chúa ngay cả lúc Người hoàn toàn thinh lặng.

Hãy tin vào Ngài và để cho Ngài dìu dắt chúng ta đi trên mọi nẻo đường của cuộc sống.

Hãy tin vào Chúa. Ngài không bao giờ lừa dối chúng ta.

Hãy để Ngài cùng đồng hành với chúng ta để Ngài dạy cho chúng ta biết phải sống như thế nào cho xứng đáng với danh nghĩa là con của Thiên Chúa

Hãy tin vào tình thương của Ngài. Hãy phó thác đời ta cho Ngài. Làm được như thế chắc chắn cuộc đời của chúng ta sẽ thành công,

“Phúc cho những ai không thấy mà tin” Amen.

1. Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng con đang ở trong những ngày mừng Chúa phục sinh.  Cha thấy trong những câu chuyện xảy ra ở trên trần thế này không có câu chuyện nào lại lạ lùng và đem lại nhiều biến đổi lớn lao nơi cuộc sống con người cho bằng sự việc Chúa phục sinh cả.

Vâng! Đúng như vậy. Việc Chúa phục sinh đã để lại rất nhiều những thay đổi lạ lùng. Cha kể cho chúng con một vài bằng chứng:

Thí dụ như câu chuyện của ông Phêrô trong sách Tông Đồ Công Vụ.

Cái chết của Chúa đã làm cho ông thất vọng, hèn nhát…

Nhưng sau khi Chúa phục sinh ông ấy đã là một người can đảm khác thường.

Trước kia ông không dám nói về Chúa. Người ta mới nhìn mặt ông mà nói: “ông này cũng ở trong nhóm với người ấy… ” ông đã vội chối ngay.

Nhưng sau khi Chúa phục sinh, không những ông không chối mà còn can đảm làm chứng cho Chúa. Ông nói trước toàn thể Hội đông tôn giáo Do Thái: “Chúng tôi không thể không nói về những điều chúng tôi đã mắt thấy tai nghe”

Rồi chúng con thấy: Trước kia, quyền hành ông chẳng có là mấy.

Bây giờ Chúa cho ông nhiều quyền hành lắm.

Một lần ông và Gioan lên đền thờ – gặp một người què từ khi mới sinh ngồi ăn xin tại cửa Đẹp (Cvtd 3,1-10). Thấy hai ông, anh cũng đưa tay xin. Phêrô và Gioan nhìn anh ta và nói:

– Hãy nhìn chúng tôi đây.

Anh ta nhìn, tưởng sẽ được gì… nhưng không . Phêrô nói:

– Vàng bạc thì tôi chẳng có.

Vậy có gì thì tôi cho anh cái ấy. Nhân danh đức Giêsu Nazareth… hãy đứng dậy mà đi.

Nói rồi Phêrô cầm tay người ấy nâng anh lên… anh ta thấy bàn chân và mắt cá chân trở nên cứng cáp… và anh ta bước đi… anh ta vừa đi vừa nhảy… người què… bây giờ không còn phải lê lết nữa.

Khỏi rồi, hết què rồi.

2. Bây giờ bước qua bài Tin Mừng. Chúng con vừa nghe bài Tin Mừng do thánh Gioan kể lại (Jn 20,19-3)

Cha hỏi chúng con: Chúa Giêsu làm thế nào để các môn đệ và các bà đạo đức biết là Chúa đã phục sinh?

Nhưng trước hết cha hỏi chúng con nhờ cái gì mà người ta biết được những cái ở bên ngoài mình là có thật?

– Nào nói đi…

Nhờ các giác quan: là mắt, là mũi, là tai, là lưỡi, là da.

Chúng ta vẫn gọi

Mắt  là thị giác

Mũi là khứu giác

Tai là thính giác

Lưỡi là vị giác

Da là xúc giác

Khi Chúa sống lại, Chúa cho con người dùng giác quan để nhận ra Chúa.

Tin Mừng kể; ” Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a! ” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Rápbuni! ” (nghĩa là “Lạy Thầy”).Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha.  Bà Maria Mácđalena đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.(Ga 20,16-17). Chúa Giêsu gọi và Maria Mađalena đã thấy, đã nghe.

Tin Mừng kể tiếp: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Dothái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em! “Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,19-20).

Chưa hết. Cũng Tin Mừng Gioan còn ghi: “Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! “Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! “(Ga 20,25-29)

Cuối cùng Thánh Luca còn kể:” Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em! ” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? “Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không? ” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.(Lc 24,37-42)

Như vậy là các môn đệ của Chúa đã sử dụng các giác quan Chúa ban để thấy được Chúa Giêsu sau khi sống lại là một người thật, bằng xương bằng thịt để các môn đệ có thể nhận ra và tin vào Ngài.

3. Vấn đề còn lại hôm nay là thái độ của các tông đồ và của mỗi người chúng ta.

Các môn đệ của Chúa đã tin vào Chúa. Niềm tin đó đã biến các ngài trở thành những chứng nhân bằng cả cuộc sống của mình.

Phần chúng ta như Chúa Giêsu đã nói với Ông Tôma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! “(Ga 20,29)

Chúa đã sống lại. Ngài đã hiện ra cho các Tông Đồ, Ngài đã hiện ra cho Tôma, Ngài cũng đã hiện ra cho một số những người khác. Đó là sự kiện các tông đồ đã làm chứng. Và đức tin công giáo của chúng ta đã không sợ sệt khi đặt nền tảng trên những sự thật này.

Như vậy dù chúng ta tin hay không tin thì Chúa cũng vẫn là như thế: Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài đã chết và đã sống lại. Ngài luôn ở giữa chúng ta. Thánh Gioan đã có lần nói:”Ở giữa các ông có một Người mà các ông không biết” (Ga 1,26).

Vâng! Chúng ta hãy tin vào Ngài.

Sau thế chiến thứ hai ít lâu, trong khi dọn dẹp những ngôi nhà bị chiến tranh tàn phá người ta còn thấy được những lời rất cảm động này được ghi trên một bức tường của một ngôi nhà thờ đã đổ nát. Những lời đó như sau:

Tôi tin vào mặt trời ngay cả khi nó không còn chiếu sáng.

Tôi tin vào tình yêu ngay cả lúc tôi không cảm thấy sự hiện diện của nó.

Tôi tin vào Thiên Chúa ngay cả lúc Người hoàn toàn thinh lặng.

Hãy tin vào Ngài và để cho Ngài dìu dắt chúng ta đi trên mọi nẻo đường của cuộc sống.

Hãy tin vào Chúa. Ngài không bao giờ lừa dối chúng ta.

Hãy để Ngài cùng cùng bước đi với chúng ta để Ngài dạy cho chúng ta biết phải sống như thế nào cho xứng đáng với danh nghĩa là con của Thiên Chúa

Hãy tin vào tình thương của Ngài. Hãy phó thác đời ta cho Ngài. Làm được như thế chắc chắn cuộc đời của chúng ta sẽ thành công,

“Phúc cho những ai không thấy mà tin” Amen.

Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện xảy ra  vào ngày thứ hai sau biến cố Chúa Phục sinh.

1. Sự kiện ngôi mộ trống:

Đức Giêsu đã đi vào cõi chết của con người. Người ta đã chôn Ngài trong mộ đá, nhưng rồi sáng ngày thứ nhất trong tuần, người ta không thấy xác Ngài nữa. Ngài đã để lại ngôi mộ trống.

Chúng ta thử hỏi có phải Ngài đã sống lại thật rồi không? Ngôi mộ trống phải chăng là một bằng chứng?

Không ai dám quả quyết một cách chính xác một trăm phần trăm rằng đây đúng là một bằng chứng chứng minh Chúa đã sống lại thật.

Thế nhưng sự thật về ngôi mộ trống là một sự thật không thể chối cãi.

Ngày 27.2.1973 một tin phát ra làm xôn xao cả nước Pháp: đó là tin thi hài Thống Chế Pétain bị đánh cắp nhưng chỉ sau đó mấy ngày người ta lại tìm lại được và cho dù trong cuộc trưng cầu dân ý, 72% nhân dân Pháp muốn phục hồi danh dự cho cố Thống Chế, nhưng ông Pompidou Tổng Thống Pháp vẫn ra lệnh đem chôn lại trong ngôi mộ cũ và cho lính canh gác ngày đêm.

Như vậy ngôi mộ chỉ trống rỗng có mấy ngày, xác mất đi đã tìm lại được.

Bên Ai Cập hiện nay nhiều ngôi mộ cũng trống rỗng, như các ngôi mộ của các Pharaông trong các Kim tự tháp. Tại sao lại có sự trống rỗng như thế? Thưa vì xác của các vị đó đã được đem về bảo tàng viện Le Caire, để những ai đến đây còn có dịp nhìn thấy rõ ràng thi hài các vị Pharaông đã trị vì Ai Cập xưa.

Rồi cách đây không lâu, người ta loan báo là đã tìm ra được những mảnh xương (cũng gọi là xá lợi) của Đức Phật Thích Ca. Những mảnh xương ấy đã được đưa về một trong các thành phố gọi là thánh địa của Ấn. Người ta tổ chức những cuộc lễ vô cùng long trọng để cung nghinh và chiêm bái. Trước quang cảnh ấy một giáo sĩ công giáo đã phát biểu với một người bạn cùng đi tham quan: “Nếu người ta tìm được một mảnh xương của Chúa Giêsu thì Kitô giáo sẽ phải sụp đổ mất.”

Như vậy trong thế giới cho tới ngày nay chỉ duy có một ngôi mộ trống mà người ta đã tìm kiếm suốt 2.000 năm di hài chôn trong đó nhưng không thấy và sẽ không bao giờ thấy vì một lẽ rất dễ hiểu là người đó đã sống lại thực sự.

Đầu tháng 3/2007, kênh truyền hình Discovery đã cho trình chiếu một phim tài liệu mang tựa đề “Ngôi Mộ Thất Lạc của Chúa Giêsu”. Nội dung xoay quanh việc khám phá khảo cổ năm 1980 ở khu Talpiot, phía đông Giêrusalem. Mười hộp đựng cốt đã đưọc khai quật, trong đó có một hộp khắc tên Giêsu con ông Giuse. Phải chăng đoàn làm phim đã kiếm được bằng chứng khảo cổ về con người Giêsu thành Nagiaréth? Phải chăng đây là chứng cớ làm lung lay niềm tin vào Đấng Phục Sinh?

Các chuyên gia khảo cổ Do thái đã không cho là như thế. Vì chín phần trăm đàn ông Do thái ở thế kỷ thứ nhất mang tên Giêsu; mười bốn phần trăm mang tên Giuse. Đây không phải là lần đầu tiên, và cũng không phải là lần cuối cùng những hộp đựng cốt như thế này xuất hiện. Ít ra là đã có hai hộp mang tên Giêsu con ông Giuse được khai quật từ năm 1930. Câu chuyện tìm được hài cốt của Chúa Giêsu chỉ là giả tưởng.

Như vậy chúng ta có thể đi đến một kết luận rằng tuy chúng ta không thể căn cứ vào sự kiện ngôi mộ trống để quả quyết một cách chính xác rằng Chúa đã sống lại thật, nhưng chúng ta phải nhận rằng sự kiện ngôi mộ trống là một sự kiện có thực. Sự thật này có thể được coi là một đóng góp quan trọng vào những sự kiện khác để chứng minh cho việc phục sinh của Chúa.

Mừng Chúa Phục Sinh, chúng ta tuyên xưng rằng: đằng sau câu chuyện “Ngôi Mộ Trống” là sự hiện diện đích thực của một “Đấng Phục Sinh”, của một quyền năng có sức mạnh biến cải những trái tim đang đau buồn thất vọng thành bừng sáng tin yêu, biến những con người yếu đuối nhát sợ nên mạnh mẽ tuyên xưng đức tin dù phải lấy cái chết mà “làm chứng” Thầy mình đã sống lại và đang sống.

Vâng, câu chuyện “Ngôi Mộ trống”, ”Đức Kitô phục sinh” mãi mãi, muôn đời, khắp nơi, là câu chuyện của niềm tin căn bản của Kitô giáo. Bởi vì câu chuyện này, biến cố này lại không là một sự kiện đột xuất, tình cờ của lịch sử, nhưng là một công trình vĩ đại trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Và sự cứu độ là gì nếu không phải là đem lại cho chúng ta niềm hy vọng nơi một Thiên Chúa luôn trung tín với tình yêu của Người?

2. Việc Chúa Phục sinh với những nhân chứng đầu tiên.

Sau ngày Chúa Phục sinh, người đầu tiên khám phá ra ngôi mộ trống là Maria Mađalêna. Cảm giác đầu tiên của bà khi không thấy xác Chúa trong ngôi mộ đã an táng Ngài nữa là “người ta đã lấy mất xác Thầy rồi” và việc phải làm ngay là đi báo cho môn đệ của Chúa. Vừa được báo, Phêrô và Gioan đã chạy ngay ra mộ, và khi thấy ngôi mộ đã mở toang, Phêrô và Gioan lúc dầu hơi thấy choáng váng. Rồi bình tĩnh lại nhìn vào trong, thấy khăm liệm còn đó, Phêrô chẳng hiểu gì, còn Gioan đã thấy và tin.

Tại sao cả ba, đứng trước cùng một sự kiện, mà kẻ tin, người lại không tin?

Đó chính là tâm trạng của mỗi người đối với Chúa Giêsu.

* Maria Mađalêna.

Khi ra viếng mộ, Maria Mađalêna chỉ muốn cho vơi đi nỗi nhớ, chứ đâu có ngờ được rằng một người đã chết có thể sống lại. Quả thật, đối với Maria Mađalêna, chết là nằm sâu trong lòng đất, chết là khép lại tất cả, chết là chấm dứt tất cả và đàng sau cái chết là một bóng đêm dày đặc.

* Tâm trạng của Phêrô và Gioan.

Còn đối với Phêrô, chúng ta có thể thấy ông là con người đang sợ hãi. Ông sợ bị liên lụy. Ông sợ bị bắt bớ. Ông chạy ra ngôi mộ với tâm trạng đối phó. Với tâm trạng đó như thế, làm sao ông có thể nghĩ đến việc Chúa sống lại được.

Chính vì vậy, Phêrô và Gioan, cả hai đều vào trong mộ, cả hai đều thấy khăn liệm, nhưng Phêrô chẳng hiểu gì, còn Gioan “ông đã thấy và tin”.

Phêrô đã thấy nhưng chẳng hiểu gì, còn Gioan thì” đã thấy và tin”.

Ngôi mộ trống đối với Phêrô chẳng khác gì các ngôi mộ khác. Nhưng đối với Gioan thì ngôi mộ trống là một dấu chỉ thật lớn. Ngôi mộ trống làm cho Gioan nhớ lại bao lần Thấy đã nói về sự sống lại của Ngài. Bởi thế ông thấy và ông tin.

Tại nhà ga Verona, bên Italia năm 1945, dân chúng đang chờ đợi các binh sĩ trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc xã. Sự xuất hiện của chuyến xe lửa đã khơi dậy những tiếng reo vui tưởng chừng như không bao giờ dứt.

Từ trên xe lửa những tấm thân tiều tụy bắt đầu bước xuống sân ga giữa tiếng cười pha lẫn tiếng khóc của người thân. Cuối cùng, một người lính trẻ mò mẫm bước đi từng bước. Anh từ từ tiến về phía một người đàn bà già yếu và chỉ đủ sức để thốt lên tiếng “Mẹ”. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau… Người mẹ già xót xa: “Làm sao một người mù như con lại có thể tìm đến với mẹ?”. Người lính mù ấy đáp: “Thưa mẹ, con không nhìn thấy mẹ bằng đôi mắt, nhưng trái tim con đã hướng dẫn con”.

Gioan trong câu chuyện hôm nay cũng như thế. Đôi mắt của Gioan và Phêrô chẳng có gì khác nhau nhưng trái tim của Phêrô và của Gioan thì khác. Chính trái tim của Gioan đã mách bảo cho Gioan những gì ngôi mộ trống đã muốn nói với ông.