A. Chẳng cần phải nói nhiều: Đọc bài Tin Mừng hôm nay chúng con em cũng thấy xem ra Chúa có vẻ bằng lòng với thái độ của Maria hơn của Matta.

1. Thái độ của Matta trong bài Tin Mừng hôm nay rất giống với thái độ của người Samaria trong bài Tin Mừng Chúa nhật trước. Cung cách có khác nhau nhưng nội dung cũng chỉ là một. Đó là phục vụ.

Dưới con mắt của Matta thì Chúa chỉ là một con người. Có thể là một người đặc biệt, một vị khách rất quí chính vì thế mà chị đã đem hết khả năng ra để phục vụ, không những cho Chúa mà còn cho cả những người có liên hệ với Chúa nữa. Công việc phục vụ như thế quả thực là vất vả. Giá Chúa tưởng thưởng cho chị một vài lời khen thì chắc là chị vui lắm. Thế nhưng Chúa lại không làm như thế. Tại sao vậy?

2. Chúng ta nhìn vào thái độ của Maria chúng ta sẽ thấy câu trả lời?

Giữa lúc Matta vất vả cực nhọc phải làm đủ mọi thứ để đón đoàn khách quí thì Maria lại tỏ ra là rất lãnh đạm thờ ơ với những việc có tính cách bên ngoài đó.

Giữa lúc Matta bôn chôn lo lắng làm mãi mà không hết việc thì Maria lại bình thản ngồi ở bên chân Chúa mà nghe lời của Người.

Nếu phải đánh giá và phê phán về thái độ của hai người thì có lẽ chúng ta sẽ nghiêng về việc bênh vực Matta hơn.

B. Thế nhưng Chúa Giêsu không nghĩ như vậy. Rõ ràng là Ngài có thái độ của một bậc làm thầy. Chúa quan sát và Chúa đánh giá. Chúa không kết án nhưng Chúa cho biết đâu là thái độ làm Chúa vui.

a- Thái độ của Matta chứng tỏ bà mới chỉ có được một quan niệm tốt về Chúa. Nếu phải so sánh với thái độ của Maria thì chúng ta thấy thái độ của Maria cao hơn nhiều.

Chúng ta hãy nghe Matta nói:

“Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm đến sao? Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi một tay!”.

Một câu nói:

– Vừa có tính cách kể công: “Tôi hầu hạ một mình”

– Vừa có tính cách trách móc: “mà thầy không quan tâm đến sao'”

– Và vừa có tính cách áp đặt ý muốn của mình trên ý muốn của Chúa. Lời nói tuy có nhẹ nhưng nội dung quả đúng là như thế: “Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi một tay”

Hoàn toàn như một con người với một con người.

b- Trái lại Maria thì khác hẳn. Điều mà Maria cần ở nơi Chúa là những Lời dạy bảo của Người. Chính vì thế mà Maria đã biết chọn cho mình một vị trí thật khiêm hạ. Vị trí của một người học trò, một người tôi tớ. Chúa Giêsu cũng ngồi nhưng ngồi trong tư thế của một bậc làm thầy. Còn Maria ngồi và Luca ghi rất rõ: ngồi dưới chân của Chúa.

Nếu được phép nhìn toàn cảnh cuộc đối thoại giữa ba người theo ngôn ngữ của hình ảnh thì chúng ta sẽ thấy rõ hơn: Chúa Giêsu ngồi. Maria cũng ngồi nhưng ở bên chân của Chúa. Còn Matta thì đứng. Với tư thế này thì chúng ta thấy vị trí ba cái đầu: một của Chúa, một của Matta và một của Maria ở một độ cao khác nhau. Đầu của Matta ở độ cao nhất. Sau đó mới đến vị trí đầu của Chúa và cuối cùng mới đến Maria.

Từ vị trí đó chúng ta sẽ dễ hiểu lý do tại sao mà Matta lại dám kể công, trách móc và muốn áp đặt ý muốn mình trên ý muốn của Chúa. Còn Maria thì trái lại, lại mở thật rộng cõi lòng để đón nhận mọi lời Chúa dạy bảo.

Mối tương quan giữa Chúa và Maria đẹp hơn. Maria đã biết chọn Chúa làm Chúa cuộc đời của mình. Bà đã dành cho Chúa một vị trí thật xứng đáng.

c- Bây giờ chúng ta nghe sự phán quyết của Chúa. Chúa không trách nhưng Chúa dạy. Chúa muốn cho mọi người phải có một quan niệm đẹp và đúng về Ngài. Ngài đến không phải vì miếng ăn. Ngài đến để dạy cho người ta biết con đường đi đến Nước Trời. Có lần Ngài đã công khai tuyên bố điều đó. Và chính vì thế mà Ngài mới đến trong thế gian: “Trước tiên hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa”.

Maria đã làm đúng ý của Chúa. Chúa bảo Maria đã chọn phần tốt nhất.

C. Đi xa hơn một chút chúng ta còn có thể coi thái độ của Maria như là thái độ mẫu mực của Tình yêu đối với Thiên Chúa. Bằng những việc làm cụ thể của mình, Maria đã cho chúng ta thấy thế nào là lòng yêu đích thực đối với Người.

Con người phải yêu mến Thiên Chúa, yêu hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn. Nhưng yêu bằng cách nào?  Rõ ràng là con người không thể thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa theo cùng một cung cách với cách biểu lộ tình yêu giữa người với người.

Người Samaria đã biểu lộ tình yêu giữa người với người một cách thật tốt đẹp bằng những hy sinh thật đáng nể phục.

Matta đã thể hiện tình yêu đối với Chúa và các môn đệ của Ngài qua việc phục vụ thật chu đáo.

Những thái độ như thế quả là rất đáng khen. Chính Chúa cũng khuyên người ta làm như thế. Thế  nhưng đó mới chỉ là những việc giữa người với người.

Thiên Chúa đòi chúng ta phải yêu Người ở một mức độ cao hơn.

Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy rất rõ điều đó:

“Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời thầy cha của thầy sẽ yêu mến người ấy” (Ga 14,23) –

“Tôi bảo thật các ông: Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi thì sẽ có sự sống đời đời” (Ga 5,24)

“Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy (Ga 14,21)

Maria đã chọn phần tốt nhất vì Maria đã chọn thánh ý của Chúa và thi hành thánh ý đó. Việc làm của Maria đẹp lòng Chúa. Nó vừa nói lên ý thức của Maria đối với Chúa và đồng thời nó cũng nói lên vị trí của Chúa trong cuộc đời của mình.

Người ta kể lại rằng Charles Lamb là một văn sĩ người Anh rất nổi tiếng về tài hài hước một cách nhẹ nhàng. Ông cũng là một người có một lòng quí mến và nhiệt tình hiếm có đối với gia đình và bạn bè. Ông thường tụ tập các bạn bè lại để trao đổi về vấn đề văn chương. Một lần kia trong một buổi họp, có một người bạn của ông đặt vấn đề: “Nếu chúng ta được trực tiếp nói truyện tay đôi với các văn sĩ nổi tiếng trên thế giới mà nay đã qua đời thì không biết chúng ta sẽ có phải có thái độ như thế nào đây?”

Rồi một người đưa ra một thí dụ: “Thí dụ như Dante (Người viết cuốn Hài kịch thánh về Thiên đàng – Địa ngục, luyện ngục…) bước vào phòng này thì chúng ta sẽ phản ứng ra sao?

Người khác hỏi: Nếu Shakespeare, một văn sĩ người Anh rất nổi tiếng, cùng tham dự với chúng ta đêm nay thì sao?

Ông Lamb nói thật lớn: “Tôi sẽ hân hoan đưa cả hai tay vui mừng đón tiếp tất cả những vị đó.Thật là một vinh dự vô cùng lớn lao không biết diễn tả sao cho hết.”

Câu truyện đang có vẻ vui như thế thì có một người khác lên tiếng đặt vấn đề: “Giả sử như Chúa Kitô bước vào phòng này?”

Nét mặt của Ông Lamb bỗng trở nên nghiêm nghị khác thường. Im lặng một chút rồi ông trả lời: “Dĩ nhiên là tất cả chúng ta phải quì xuống!”

Chẳng cần phải nói thêm nữa, chúng ta cũng thấy được Maria đã chọn được phần tốt nhất là phần như thế nào. Maria đã không đón tiếp Chúa như một con người mà Maria đã nhận ra Chúa Giêsu là Chúa cuộc đời của mình nên Maria đã chọn cho mình một vị trí thật xứng hợp: ngồi bên chân Chúa để được dạy bảo. Đó là thái độ mà Chúa thích nhất và sự chọn lựa này đem đến cho Maria thật nhiều niềm vui và thật nhiều hạnh phúc là điều không ai lấy được.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa nghe thánh Luca thuật lại cho chúng ta một câu chuyện có liên quan đến một gia đình rất quen thuộc với Chúa Giêsu.

Cha đố chúng con đó là gia đình nào và ở đâu?

– Gia đình của ba chị em Matta, Maria và Lagiarô!

– Rất đúng! Chúng con rất giỏi.

– Gia đình này ở đâu vậy chúng con?

– Ở Bêtania gần thành Giêrusalem.

– Lại giỏi nữa.

– Câu chuyện hôm nay có mấy nhân vật chúng con?

– Có ba.

– Những ai nào? Kể ra cho cha nghe.

– Chúa Giêsu – Matta và Maria.

– Đúng rồi. Bây giờ chúng ta bắt đầu vào câu chuyện.

1. Hôm đó, Chúa Giêsu và có lẽ có cả các môn đệ của Chúa ghé vào một gia đình mà mỗi khi có dịp đi Giêrusalem, Chúa thường làm thế. Đây là gia đình không hiểu vì lý do gì mà Chúa rất thương. Chúng ta có thể nhận ra tình thương của Chúa đặc biệt qua biến cố anh Lagiarô chết. Đọc lại Tin Mừng chúng ta sẽ thấy rất rõ điều đó. Chính ở đây Chúa đã làm một phép lạ lớn lao chưa từng có. Đó là cho Lagiarô đã chết. Người ta đã chôn Lagiarô được 4 ngày rồi vậy mà Chúa đã cho anh ta được sống lại trước sự kinh hoàng và ngỡ ngàng của mọi người.

Đó là gia đình Bêtania.

Bởi thế việc Chúa ghé thăm gia đình này hôm nay có lẽ cũng là việc bình thường.

Thế nhưng sự việc có tính cách hơi khác thường một chút đó là hôm nay Chúa làm cho mọi người phải thắc mắc và suy nghĩ vì Chúa công khai khen Maria và một cách nào đó Chúa muốn nói với mọi người ý nghĩ của Chúa qua cách hai chị em đón tiếp Chúa.

Chúng con thấy, khi Chúa đến nhà, cô Matta là chị cả trong gia đình đã phải tất bật vất vả như thế nào để làm những việc cần thiết trong việc tiếp đón, phục vụ Chúa. Chúa đâu có phải là một vị khách tầm thường hoặc là những con người như biết bao người khác trong xa hội đâu. Chúa là vị khách đặc biệt, quá đặc biệt là đàng khác, cho nên việc tiếp đón Chúa cũng phải đặc biệt hơn những trường hợp khác trong cuộc sống. Chính vì vậy mà chị Matta đã dốc hết sức lực của mình ra để lo cho công việc đón tiếp và phục vụ này thật xứng đáng. Đâu có phải ai cũng được cái diễm phúc Chúa đến thăm một cách thân tình như thế. Đây là một vinh dự lớn cho gia đình nên nếu cô Matta có bỏ hết công sức ra mà làm thì cũng thật là bình thường.

Đang khi, cha nhấn mạnh đang khi cô chị vất vả bận rộn như thế thì cô em có vẻ như chẳng thấy có gì đáng quan tâm. Cô thản nhiên thảnh thơi đến bên chân Chúa và chăm chú ngồi ở đó để lắng nghe những lời Chúa dạy. Cô Maria tỏ ra như không hề biết đến những việc mà chị cô đang làm. Mặc kệ! Chị muốn làm gì thì làm cô không cần biết. Điều mà cô thích thú bây giờ là việc Chúa đến thăm gia đình. Một việc hiếm hoi lắm mới có được. Chúa đến thăm nhà. Một cơ hội ngàn vàng đâu phải lúc nào cũng có, cho nên phải tận dụng hết thời gian khi Chúa viếng thăm để gặp và nghe Chúa dạy bảo. Việc này đâu phải dễ có và đâu phải ai củng có được như cô lúc này. Bởi vậy cô như cô không muốn đến bất cứ một việc nào khác ngoài việc ngồi bên chân Chúa để lắng nghe Lời Chúa.

Matta chẳng làm sao mà hiểu được thái độ cô em gái của mình. Chị cũng không hiểu được Ðức Giêsu như thế nào. Hình như Chúa cũng chẳng quan tâm đến việc chị đang làm mà chỉ biết hứng thú trong việc dạy dỗ Maria.

Cuối cùng thì những gì phải tới đã tới. Matta mạnh dạn đến với Chúa và không ngần ngại nói lên tiếng nói của mình. Chị muốn Thầy để ý đến việc mình đang làm, muốn Thầy nhận ra sự vất vả mình phải chịu. “Em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao?”

Một câu nói vừa mang tính van xin nhưng đồng thời cũng mang vẻ trách móc. Làm sao mà Chúa vô cảm đến thế.

“Xin Thầy bảo em giúp con một tay”.

Một đề nghị hết sức nhân bản và cũng rất hợp với lẽ thường tình. Ai đâu chỉ có hai người trong gia đình. Ở đây chúng ta không thấy nói tới Lagiarô. Chúng ta không biết tại sao hay Luca cố ý làm như thế để làm nổi bật lên bài học Chúa muốn dạy trong Tin Mừng hôm nay. Ai đâu trong gia đình chỉ có hai chị em mà một người vất vả, còn một người thì hầu như vô xảm đối với việc rất quan trọng là đón tiếp Chúa.

Đến đây thì chúng ta mới thấy câu chuyện đã rẽ sang một hướng mới: Ý kiến của Chúa Giêsu.

Sau khi nghe lời đề nghị của Matta, Chúa Giêsu đã lên tiếng. Chúa lên tiếng thật vắn gọn nhưng ai cũng có thể hiểu được ý Chúa muốn nói gì. Rõ ràng là Chúa không “chê” thái độ của Matta nhưng xem ra Chúa thích thái độ của Maria hơn: “Matta! Matta ơi! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”.

  Tại sao Chúa lại bảo: “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”Để hiểu được Lời của Chúa  chúng con hãy nhớ lại khi bị ma quỉ cám dỗ biến đá thành bánh mà ăn, Chúa đã trả lời: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”(Mt 4,4).

Cha muốn kết thúc bằng câu chuyện có thật này: Tokichi IshiI, một tên giết người không gớm tay, đã đạt được kỷ lục hạ sát được nhiều nạn nhân nhất bằng những phương thế dã man không thể tượng tưởng nổi.

Hắn ta tàn nhẫn hạ sát đàn ông, phụ nữ, kể cả trẻ con. Với bàn tay khát mát, hắn thủ tiêu bất cứ người nào tình cờ hắn gặp và muốn giết.  Nhưng cuối hắn cũng bị bắt và kết án tử  hình.

Lúc ở nhà tù chờ ngày hành quyết, hai phụ nữ công tác tông đồ thử khuyên nhủ hắn, nhưng tất cả những câu hỏi han, trò chuyện của họ không làm cho hắn mảy may động tâm, trái lại hắn nhìn thẳng vào họ với cặp mắt dữ tợn như một hung thú.

Cuối cùng mất hết kiên nhẫn, hai phụ nữ ra về. Họ chỉ để lại cho hắn cuốn Tân Ước, với một hy vọng mỏng manh là hắn ta sẽ đọc và Lời Chúa sẽ hoạt động khi tiếng nói con người trở nên hoàn toàn bất lực. Niềm hy vọng của họ đã trở thành sự thật. IshiI đã đọc và những câu chuyện trong Tân Ước hình như có một sự thu hút mãnh liệt khiến hắn cứ tiếp tục đọc, đọc mãi và cuối cùng hắn đọc đến câu chuyện diễn tả cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Câu Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trên thập giá: “ Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng  làm’’, đã thắng sự chống trả cuối cùng trong tâm hồn của hắn. Sau đó anh thuật lại: “đọc đến câu này tôi mới dừng lại. Con tim tôi hình như bị đánh động, bị đâm thâu bằng một con dao dài. Tôi có thể gọi đó là một tình yêu của ông Giêsu hay tôi phải gọi đó là lòng thương xót của Ngài? Tôi không biết, nhưng điều duy nhứt tôi biết là hung dữ, tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin’’.

Ông Chirgwin, tác giả viết câu chuyện này trong quyển sách mang tựa đề “Thánh Kinh Trong Thế Giới Truyền Giáo’’ đã kết câu chuyện bằng sự ngạc nhiên tột độ của những nhân viên nhà giam có phận sự đến dẫn độ IshI đi hành quyết.  Họ đã không gặp một tên sát nhân hung bạo như họ chờ đợi, nhưng là một con người hòa nhã, lễ độ. IshiI, tên sát nhân đã được Lời Chúa tái sinh.

Lời Chúa có sức mạnh vạn năng. Lời Chúa có thể biến đổi tâm hồn một sát nhân giết người không gớm tay  như anh Tokichi IshiI và bao tâm hồn sa ngã khác. Lời Chúa có thể là động lực cho bao công tác bác ái của các tu sĩ nam nữ, đang dấn thân phục vụ những trẻ con bị bỏ rơi, những người già nua hấp hối không ai chăm sóc, những kẻ phải sống bên lề xã hội.

Kính thưa anh chị em!

Chúng ta vừa đọc lại một trong những câu chuyện hay nhất trong Tin Mừng.

Câu chuyện được bắt đầu từ câu hỏi của một người luật sĩ: “Thưa Thầy tôi phải làm gì để được sống đời đời”(Lc 10,25).Tiếng PHẢI trong câu hỏi của ông thật quan trọng. PHẢI LÀM. Cách ông hỏi Chúa thật rất rõ ràng.

Đây là một câu hỏi không dễ trả lời nhất là khi người ta nghĩ đến hệ thống luật pháp phức tạp của người Do thái thời đó.

Đứng trước câu hỏi đó, Chúa Giêsu không trả lời ngay. Thay vì trả lời Ngài hỏi lại ông ta:

– Trong Luật đã viết gì? Ông đã đọc thấy gì trong đó?(Lc 10,27)

Chúa không trả lời trực tiếp. Người muốn ông quay trở về với lòng mình để nhớ lại những gì ông đã biết. Có lẽ ở đây Chúa cũng muốn giành cho ông một cơ hội để ông có thể cho mọi người thấy những sự hiểu biết về luật pháp của ông trước mặt mọi người. Chúng con thấy ông rất giỏi. Ông đã trả lời ngay lập tức, không cần phải suy nghĩ  và câu trả lời của ông thật khôn ngoan và rất đúng ý Chúa. Đây chúng con nghe lại câu trả lời đó.

– Người hãy yêu mến Thiên Chúa là Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn của người và hãy yêu người thân cận như chính mình (Lc 10,27).

Chúa khen ông ta: “Ông đã trả lời rất đúng” Và Chúa bảo tiếp: “Cứ làm như vậy thì sẽ được sống”(Lc 10,28).

Như thế là Chúa đã để cho ông tự tìm lấy câu trả lời cho câu hỏi chính ông đặt ra để thử Chúa.

Giả như câu chuyện dừng lại ở đây thì chúng con thấy có thể cũng là đủ, thế nhưng ông luật sĩ chưa muốn dừng lại ở đó. Thánh Luca cho chúng ta một chi tiết khác: “Người đó muốn chứng tỏ. Ông muốn chứng tỏ có nghĩa là ông muốn cho Chúa thấy ông không phải là loại người tầm thường như những người khác đâu mà ông là người Chúa phải nể phục đấy. Bởi vậy ông hỏi Chúa:

– Nhưng ai là người thân cận của tôi? (Lc 10,29).

Câu hỏi của ông luật sĩ đã tạo cho Chúa một cơ hội để Chúa tiếp tục cuộc nói chuyện với người luật sĩ tài giỏi này.

Khi ông hỏi Chúa: “tôi phải làm gì” thì rõ ràng người ông đã không muốn nhắm vào những điều mình đã biết. Những gì ông biết thì ông đã nói rồi. Nhưng đây là việc thực hành.

Chúng con thấy người luật sĩ này đã rất ranh ma. Ông đã muốn gài Chúa vào chỗ thật khó và ông tưởng Chúa sẽ bị bí không trả lời được. Thế nhưng chúng con thấy một lần nữa Chúa lại tỏ ra mình là người rất khôn khéo. Chúa đã không trả lời bằng những định nghĩa rằng ai là người thân cận nhưng Chúa trả lời bằng cách kể một câu chuyện và với câu chuyện này thì Chúa đã cố ý nhấn mạnh đến việc phải làm. Và cũng qua câu chuyện này Chúa muốn dạy cho mọi người bài học. Bài học đó là thay vì đi tìm một định nghĩa xem ai là người thân cận của mình thì mình hãy cố làm cái gì đó để trở thành người thân cận đối với người khác.

Chúa muốn bảo ông: theo đạo không phải chỉ là biết đạo mà là sống đạo và làm theo những việc đạo dạy.

Con đường Giêrusalem xuống Giêricô là con đường có thực. Câu truyện về sự cướp bóc trên con đường này cũng là truyện rất hay xảy ra.

Người bị cướp hôm ấy là một người Do thái. Ông ta bị bọn cướp đánh nhừ tử và để ông nửa sống nửa chết ở giữa đường. Trước khi ông được người Samaria cứu thì đã có hai người Do thái khác đi qua. Một người là thầy Tư tế, một người là thầy Lêvi.

Thầy Tư tế và thầy Lêvi đi qua, trông thấy nhưng vẫn bình thản lách qua một bên mà đi.

Tại sao họ làm như vậy?

Chắc chắn không phải là vì họ không biết luật yêu thương, cũng không phải vì lòng họ chai đá không biết yêu thương là gì, nhưng rõ ràng là chỉ vì họ sợ phiền hà, sợ tốn phí, sợ mất giờ, sợ bị liên lụy v.v

Ở đời lúc bình thường thì người ta dễ trở thành thân cận nhưng khi hoạn nạn thì con người lại dễ trở thành xa lạ đối với nhau.

Còn người Samaria mà Chúa gọi là nhân hậu thì hoàn toàn khác hẳn. Ông cũng gặp nạn nhân như giống y hệt như thầy Tư tế và Lêvi nhưng thay vì rẽ qua một bên mà đi thì ông đã xuống lừa, làm tất cả những gì cần làm cho người bị nạn. Ông đã không đặt vấn đề đây là người Do thái hay là người Samaria. Ông ta chỉ thấy đây là một con người bất hạnh, không được may mắn. Ông cảm thấy có bổn phận phải yêu thương và giúp đỡ như chính mình.

Thật là những hành vi hiếm có trên đời.

Kể xong câu truyện Chúa Giêsu hỏi lại người luật sĩ: “Vậy theo ông nghĩ”(Lc 10,36). Chúa Giêsu đã dành cho ông một cơ hội để ông bày tỏ ý kiến riêng tư của mình chứ không phải là những gì ông đã biết được theo sách vở. Vâng đúng như thế. “Theo ông nghĩ thì trong ba người đó ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay bọn cướp?”(Lc 10,36)

Người thông luật trả lời. Câu trả lời rất đúng ý Chúa: “Chính là người đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”(Lc 10,37).

Ông trả lời không sai ý Chúa một tí nào.Và chẳng cần dài dòng Chúa Giêsu đã chấm dứt câu chuyện bằng một lệnh lên đường: “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy”(Lc 10,37).

Một vị đạo sĩ kia kể rằng, ngày nọ, ông từ trên núi cao đầy băng tuyết đi xuống với một người Tây Tạng. Dọc đường ông gặp một người ngã quỵ trên băng tuyết, ông nói với người Tây Tạng đồng hành:

– Chúng ta mau lại kia giúp đỡ người gặp nạn đó!

Nhưng người Tây Tạng trả lời:

– Không ai bắt buộc chúng ta phải giúp đỡ kẻ khác, khi mà chính mạng sống của chúng ta đang bị giá lạnh đe dọa.

Nhưng vị đạo sĩ nói:

– Dù chúng ta có phải chết vì lạnh đi nữa thì chúng ta cùng chết vì đã giúp người khác, đó là điều tốt đẹp hơn.

Nói rồi vị đão sĩ chạy lại vác người bị nạn lên vai và khệ nệ xuống núi, trong khi người Tây Tạng đã bỏ xuống trước. Đi được một quãng xa, vị đạo sĩ thấy người bạn đồng hành người Tây Tạng đang nằm dài trên tuyết bất động. Thì ra, anh ta mệt quá, ngồi nghỉ và bị lạnh cóng lúc nào không biết, còn vị đạo sĩ vì phải hết sức vác người bị nạn nên cơ thể nóng lên thêm, và do đó thoát chết vì lạnh.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng
cần phải nối vòng tay lớn
xuyên qua các đại dương và lục địa.
vòng tay người nối với người,
vòng tay con người nối với Tạo Hoá.

Chúng con thích Chúa đứng chung một vòng tròn
với tất cả loài người chúng con,
nắm lấy tay chúng con và đưa chúng con lên cao.

Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá
giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau
và nhận nhau là anh em.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Lời Chúa chúng ta vừa nghe là  một câu chuyện hết sức đẹp trong Tin Mừng của Chúa. Lý do vì nó có liên hệ rất mật thiết đến giá trị cuộc đời của mỗi người trong cuộc sống làm người của mình. Đó là vấn đề BIẾT và LÀM.

1. Nội dung câu chuyện.

Câu chuyện bắt đầu từ một câu hỏi rất cụ thể và thực tế của một người thông luật. Người thông luật trong xã hội Do Thái là người hiểu biết rất rõ về lề luật của Chúa.

Một hôm, ông đứng lên hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”(Lc 10,25). Câu hỏi của có liên hệ rất mật thiết với vấn đề hết sức quan trọng của một đời người. Đó là sự sống của cả một đời người. Hạnh phúc hay đau khổ, thành hay bại đều tuỳ thuộc vào việc PHẢI LÀM này.

Đứng trước câu hỏi này Chúa Giêsu đã không trả lời ngay. Chúa tế nhị khôn khéo kéo người thông luật về những gì ông biết. Chúa hỏi lại: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình”.(Lc 10,27-28). Đúng là một người thông luật. Ông đã trả lời Chúa một cách đầy đủ, chính xác không thể chê vào đâu được. Chính Chúa cũng phải xác nhận điều đó.  Ðức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm.(Lc 10.28)

Tới đây thì vấn đề người thông luật đặt ra đã có câu trả lời và câu trả lời chính là những điều ông ta đã biết từ lâu vì nằm trong nghề nghiệp của ông ta.

Kết thúc câu chuyện Chúa Giêsu đã kết thúc bằng một lệnh lên đường: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”. Thật rõ ràng và cũng thật dứt khoát.

2. Bài học

Thử hỏi đâu là bài học Chúa muốn dạy chúng ta qua câu chuyện hôm nay?. Đọc lại câu chuyện rồi liên kết các ý chính lại với nhau, chúng ta sẽ thấy ý của Chúa thật rõ. “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp – Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? – Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”Tới đây thì ý của Chúa đã thật rõ: Chúa đã buộc vấn đề BIẾT và LÀM lại với nhau.

Biết và làm phải luôn đi với nhau. Biết mà không làm thì sẽ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp.

Một người mê cờ bạc, ngày kia nói với Minh Sư:

– Hôm qua người ta bắt gặp con chơi cờ gian bạc lận nên những người chung sòng đã cho con một trận nên thân và họ đã liệng con qua cửa sổ. Thầy thấy con phải làm gì đây?

Minh Sư nhìn thẳng vào mắt anh ta rồi nói:

– Nếu tôi ở vào trường hợp của anh, từ rày về sau, tôi sẽ chơi bài ở tầng trệt.

Các đệ tử giật mình nên hỏi:

– Sao thầy không khuyên bảo anh ta đừng chơi bài nữa?

Minh Sư trả lời một cách ngắn gọn và đầy ý nghĩa như sau:

– Bởi vì thầy biết có khuyên như thế cũng chỉ bằng thừa mà thôi.

 Ngược lại nếu biết mà cố gắng làm thì cuộc sống sẽ vô cùng tốt đẹp.

Cha muốn kết thúc bằng câu chuyện cảm động có thật này:

Chúng con biết: Vua cầu thủ bóng đá Pele được mọi người khen tặng “Hạt ngọc đen”, từ nhỏ đã rất yêu thích bóng đá, và đã thể hiện tài năng của mình.

Có một lần, cậu tham gia thi đấu một trận bóng rất cuồng nhiệt, mệt thở hổn hển.

Lúc nghỉ ngơi cậu định hút một điếu thuốc.

Lúc đó cha cậu nhìn thấy vậy, liền chau mày lại.

Buổi tối khi trở về nhà, cha cậu nói:

– Hôm nay con hút thuốc?

Cậu nghĩ ra đó là việc không nên làm, đã khiến cho cha cậu giận dữ.

Nhưng cha cậu lại không nói gì, đứng dậy lấy lại bình tĩnh nói với con:

– Con trai, khi con chơi thể thao là rất tốt, và cần có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng đáng tiếc là con lại dành thời gian đó vào việc hút thuốc. Con không nên hút thuốc nữa. Như thế sẽ làm giảm khả năng thi đấu của mình.

Pele cúi đầu không nói. Người cha lại nhẹ nhàng khuyên giải:

– Là một người cha, ta có trách nhiệm phải dạy dỗ con đi theo con đường tốt, cũng như có trách nhiệm phải ngăn chặn những hành vi không tốt. Thế nhưng có đi theo con đường tốt hay tránh đi theo thói xấu hay không là do bản thân con quyết định nữa. Ta chỉ muốn hỏi con, con có muốn cai thuốc không? Còn muốn làm một cầu thủ khỏe mạnh không? Con trai, con đã hiểu rồi đấy, vậy thì tự con quyết định đi.

Nói đến đó, người cha móc ra một tờ ngân phiếu, đưa cho Pele và nói:

– Nếu như con không muốn làm một cầu thủ và đồng ý bỏ thuốc thì đây là tiền mua thuốc của con.

Người cha nói xong liền bỏ đi.

Pele nhìn theo hình bóng xa dần của cha, không kềm được nước mắt. Nhưng không tài nào khóc thành tiếng được, và một hồi lâu mới khóc lên thành tiếng. Cậu đã hiểu ra được rất nhiều, cậu liền đứng dậy cầm tờ ngân phiếu trên bàn chạy đi trả lại cho cha, và kiên quyết nói với cha mình:

– Thưa cha, con nhất định sẽ không hút thuốc nữa, con nhất định phải trở thành một cầu thủ xuất sắc.

Từ đó về sau, Pele không những đã bỏ thuốc mà còn gian khổ luyện tập, nghệ thuật đá bóng ngày càng điêu luyện. 15 tuổi tham dự giải bóng đá quốc gia, 16 tuổi được gia nhập vào đội tuyển Braxin. Giúp Braxin lập kỳ tích giữ vĩnh viễn chiếc cúp vô địch “Nữ thần”.

Đến nay, Pele đã trở thành một người giàu có, nhưng ông vẫn không hút thuốc.

Vào thế kỷ 16, ở Châu Âu có một nhà hàng hải rất nổi tiếng, hoàn thành chuyến thám hiểm của mình. Ông phát hiện ra một châu lục mới. Nữ hoàng biết được chuyện này đã mở tiệc khoản đãi ông. Nữ hoàng cũng mời rất nhiều quý tộc tham gia bữa tiệc đó để thể hiện sự tôn trọng đối với ông. Song những nhà quý tộc đó lại tỏ thái độ coi thường nhà hàng hải đó.

Trong bữa tiệc, một số quý tộc mượn hơi men để chế giễu nhà hàng hải này rằng, châu lục mà ông phát hiện ra, trước đây họ biết từ lâu rồi, chẳng có gì ghê gớm cả. Ông ta vừa dứt lời, thì các quý tộc khác cũng lên tiếng phụ họa. Họ đắc ý chờ đợi nhà hàng hải trở thành trò cười của mọi người.

Nhà hàng hải không tranh luận với họ, mà chỉ cầm một quả trứng đã được luộc chín, hỏi:

– Trong số các ông, ai có thể đặt quả trứng này đứng trên mặt bàn nhẵn mà không dùng bất cứ vật đỡ nào?

Các nhà quý tộc thay nhau cầm quả trứng thử. Nhưng cuối cùng họ kết luận: không thể nào làm được chuyện đó.

Lúc đó nhà hàng hải mới cầm quả trứng lên, đập bẹp một đầu quả trứng rồi đặt xuống bàn. Lúc này, quả trứng đứng vững trên mặt bàn.

Các nhà quý tộc đều tỏ vẻ không phục, nói:

– Cách làm này, chúng tôi ai cũng biết.

Nhà hàng hải nghe xong, nói:

– Đúng vậy, các ông đều biết, nhưng các ông lại không làm được. Đây là khác biệt lớn nhất giữa thành công và thất bại.

Nói và làm có sự khác biệt về mặt bản chất. Có một số người suốt ngày lớn tiếng hô hoán phải làm việc lớn gì đó, nhưng mãi không thấy họ hành động. Xét cho cùng họ chỉ là những người tự lừa dối bản thân. Trong xã hội hiện đại vốn coi trọng hiệu quả công việc, chúng ta hãy luôn ghi nhớ câu nói: sự khác biệt lớn nhất giữa thất bại và thành công chính là sự khác nhau giữa nghĩ được và làm được.

Nói và làm có sự khác biệt về mặt bản chất. Có một số người suốt ngày lớn tiếng hô hoán phải làm việc lớn gì đó, nhưng mãi không thấy họ hành động. Xét cho cùng họ chỉ là những người tự lừa dối bản thân. Trong xã hội hiện đại vốn coi trọng hiệu quả công việc, chúng ta hãy luôn ghi nhớ câu nói: sự khác biệt lớn nhất giữa thất bại và thành công chính là sự khác nhau giữa nghĩ được và làm được.

1. Bài Tin Mừng hôm nay không có gì khó hiểu. Thánh Luca cho chúng ta biết: Chúa Giêsu đã không chỉ sai các tông đồ tức nhóm 12 được tuyển chọn mà còn sai cả nhóm môn đệ nữa. Thánh Luca đã nói đến con số 72. Khi nói đến con số 72 Luca đã ngầm cho mọi người hiểu rằng đó là cả loài người. Lý do Luca làm thế là vì theo Sách Sáng thế đoạn 10 thì số 72 là số dân của cả loài người.

Vâng đúng như thế anh chị em. Công đồng Vaticano II long trọng khẳng định: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo” (TG 2). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng quả quyết: “Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: Đó là toan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc” (Sứ vụ Đấng Cứu Độ, 3).

Sách Giáo Lý Mới (1270, 2472) nói: “Được tái sinh làm con Thiên Chúa, những người đã được rửa tội có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Hội Thánh” (x.LG 10), tham dự vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của Dân Thiên Chúa (x.LG 17; AG 7,23). Như vậy mọi người chúng ta đều có trách nhiệm trong cánh đồng truyền giáo của Chúa.

2. Chúng ta phải hiểu truyền giáo hôm nay như thế nào?

Một điều chắc chắn là việc truyền giáo hôm nay không còn như ngày xưa trước đây. Nhìn lại việc truyền giáo cách đây khoảng vài trăm năm trướn đây, các từ “việc truyền giáo” (mission), “nhà truyền giáo” (missionary) còn rất quen thuộc với chúng ta. Ra đi đến những vùng đất xa lạ để truyền đạo vẫn là ước mơ, là lý tưởng của nhiều thanh niên Âu Tây. Họ muốn tiếp bước Phan-xic-ô Xa-vi-ê, Matteo Ricci, Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) … bỏ lại tất cả tài sản, đời sống tiện nghi, người tình xinh đẹp… đến với các dân tộc chậm tiến như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam… để loan báo Tin Mừng, đem ánh sáng văn minh và văn hoá phương Tây cho các dân tộc ấy.

   Việc truyền giáo như thế hôm nay hôm nay đối với chúng ta không còn phù hợp nữa. Chúng ta không có thể nhân danh bất cứ ai, dù là Thiên Chúa, hay bất cứ điều gì, như là nền văn minh hay một ý thức hệ nào đó, để bắt ép người khác theo đường lối (đạo) của mình. Công Đồng Vatican II đã yêu cầu trong Tuyên Ngôn về Tự do Tôn giáo phải tôn trọng niềm tin của anh chị em theo các tôn giáo khác như Phật giáo, Hồi giáo, Cao Đài….

Truyền giáo ngày nay trước hết, là giới thiệu Đức Giê-su và Tin Mừng của Ngài, cho người nghe tự khám phá Đức Giê-su để yêu Ngài và con đường tình yêu của Đức Giê-su để đi theo con đường đó. 72 môn đệ được Đức Giê-su sai đi chính là để chuẩn bị cho Đức Giê-su, giới thiệu Đức Giê-su.

Quả thật, nếu chúng ta tin Đức Giê-su là đường, là sự thật, là sự sống, là tình yêu, thì bất cứ ai tôn trọng sự thật, bảo vệ sự sống của mình hay của người khác một cách chính đáng, yêu thương một cách chân thành và trong sáng đều là những người đang đi theo con đường của Đức Giê-su, đang theo “đạo” của Ngài, dù có thể họ chưa bao giờ được rửa tội. Chúng ta đừng quá bận tâm đến bí tích rửa tội bằng nước mà chúng ta muốn thực hiện cho họ. Chúng ta hãy để ý giúp họ gặp gỡ và đi theo Đức Giê-su để được rửa bằng lửa khát khao Ngài trong lòng họ.

Mẹ thánh Têrêsa nói: “Phải làm sao cho mọi người thấy rằng chỉ có một Thiên Chúa và Ngài là Thiên Chúa của tất cả; bởi thế thật quan trọng để mọi người được đối xử cách bình đẳng trước Thiên Chúa. Tôi luôn luôn nói rằng chúng ta phải giúp người theo Ấn giáo trở nên một tín đồ Ấn giáo tốt lành hơn, một người Hồi giáo trở nên một tín đồ Hồi giáo tốt lành hơn, một người Công giáo trở nên một tín đồ Công giáo tốt lành hơn. Chúng tôi cố không giảng đạo, nhưng chỉ tỏ cho thấy đức tin của chúng tôi qua hành động và sự phục vụ.”Chúng tôi tin rằng công việc của mình phải là gương mẫu cho dân chúng”.

Hãy sống thế nào để cho mọi người biết sống như Chúa Giêsu đã sống và nếu không sống được như thế thì cuộc sống sẽ trở nên bất hạnh như thế nào.

Một bá tước người Anh đến thăm quần đảo Fuji. Vốn là một người vô tín, bá tước nầy nói với người tù trưởng già cách mỉa mai rằng:

– Ông là một đại lãnh tụ, nhưng thật tội nghiệp vì ông để cho mấy vị giáo sĩ ngoại quốc nầy lừa dối. Ngày nay nào còn ai tin vào Kinh thánh nữa đâu. Người ta đã chán nghe câu chuyện về Đấng Kitô chết thay tội lỗi nhân loại trên thập tự giá rồi. Tôi thật tiếc các ông quá dại khi tiếp nhận câu chuyện của họ.

Đôi mắt vi tù trưởng lóe sáng. Ông trả lời :

– Ông có nhìn thấy tảng đá lớn ngoài kia không? Chúng tôi đã đập nát đầu kẻ thù của chúng tôi trên đó. Còn lò lửa kế bên nữa, tại đó chúng tồi đã nướng thịt họ. Nếu không nhờ những vi giáo sĩ rất tốt, và tình thương của Chúa Giêsu đã biến đổi chúng tôi từ tình trạng ăn thịt người đến danh phận làm con cái Đức Chúa Trời, thì chắc ông không còn sống mà rời khỏi đây. Tốt hơn là ông nên cảm tạ Đức Chúa Trời về Tin Lành vì nhờ đó ông không còn dùng làm thịt cho chúng tôi. Nếu không nhờ Kinh Thánh, thì bây giờ ông đang ở trong bụng chúng tôi rồi đấy. (NVDCBG).

Hãy làm cho mọi người biết được Tin Mừng của Chúa Giêsu, biết Chúa Giêsu là Ai, Ngài đã sống như thế nào để họ có thể nói được như mẹ thánh Têrêsa

Với tôi, Chúa Giêsu là tất cả:

Chúa Giêsu là sức sống tôi muốn sống;

Ngài là ánh sáng tôi muốn chiếu tỏa;

Ngài là đường tôi đi về nhà Cha,

Là tình yêu tôi muốn tỏ tình,

Là niềm vui tôi muốn chia sẻ,

Là hạt giống an bình, tôi gieo rắc.

Sống được như thế cuộc sống của con người trên thế giới hôm nay được hạnh phúc và tốt đẹp hơn.

Tại một xứ nhỏ ở miền quê nước Pháp, có một người đàn ông tên là ALIX, mới ngoài 50 tuổi, nhưng bị bất toại chân tay không thể làm gì được. Mỗi buổi sáng trước khi đi làm, vợ ông thường đặt ông trên một chiếc ghế bành, và ông phải vất vả lắm mới có thể lật giở từng trang sách đọc cho qua ngày. Mặc dù, ông không phải là người Công Giáo, nhưng cha sở thỉnh thoảng vẫn đến nhà thăm ông; và tiếp đó, Ngài đã lôi kéo được nhiều người trong xứ đạo đến giúp ông.

Mỗi ngày thứ năm trong tuần còn có một bác sỹ trẻ tuổi tình nguyện  đến chăm sóc cho bệnh tình của ông; và mỗi Chúa nhật, có một nhóm trẻ em vẫn đến nhà ông chơi. Các em giúp ông lật sách, đọc truyện cho ông nghe, bưng nước, đốt thuốc, kể những mẩu chuyện vui ở trường, và làm cho ông bớt cảm thấy cô đơn.

Năm ấy, gần Lễ Giáng Sinh, Ông xin Cha sở cho ông rước lễ. Cha sở tỏ vẻ ngạc nhiên, bởi vì ông ta đã theo đạo bao giờ đâu, nhưng ông ta nói:

– Thưa Cha, trước đây con không tin vào Chúa. Nhưng từ ngày con được Cha đến thăm, được bác sỹ săn sóc và được các trẻ em đến giúp vui, con cảm thấy như mình đã gặp được Thiên Chúa, bởi vì chỉ có Chúa mới có thể làm cho Cha, Bác sỹ và các em tỏ tình thương âu yếm đối với con như vậy thôi!

Thế rồi, mùa Giáng Sinh năm ấy ông được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, Giải Tội và được rước Chúa lần đầu tiên. Ông còn sống được thêm một năm nữa, sống một cách gương mẫu nhẫn nại. Chịu khó trong vui tươi, can đảm và sau cùng, ông đã chết trong bình an của Chúa!

Chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng do thánh sử Luca thuật lại.

1. Qua bài Tin Mừng này, chúng ta thấy bên cạnh 12 người được Chúa tuyển chọn cách đặc biệt mà Chúa gọi là Tông Đồ, còn có một số những người khác không phải là tông đồ nhưng cũng được Chúa sai đi để cùng với Chúa loan báo Tin Mừng cho mọi người.

Tin Mừng không cho chúng ta biết chính xác số môn đệ này là bao nhiêu nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay thánh sử Luca nói tới con số 72.

Tại sao lại chỉ có 72 thôi? Hình như có một điều gì đó phải nói thêm cho rõ về vấn đề này. Cha học Kinh Thánh cha thấy trong sách Sáng Thế Ký là cuốn sách đầu tiên trong toàn bộ Kinh Thánh, cha thấy đoạn 10 trong sách đó khi nói về số dân trên mặt đất sau trận lụt Đại Hồng Thuỷ kinh khiếp thời ông Nôe là 72. Như vậy có thể nói con số 72 là số dân của cả loài người thời đó. Như vậy khi nói đến con số 72 có lẽ thánh Luca đã ngầm cho mọi người hiểu rằng đó là cả loài người. Tại sao thánh Luca làm thế? Thưa vì việc truyền giáo là việc quan trọng có liên hện đến cả loài người nên cả loài người đều có bổn phận phải truyền giáo. Cả loài người có nghĩa là tất cả mọi người đều có bổn phận phải truyền giáo. Truyền giáo không còn phải là bổn phận của những người được tuyển chọn như các tông đồ thuở xưa hay như các Giám Mục, linh mục ngày nay mà là bổn phận của mọi người.

Chính vì thế mà Công đồng Vaticano II đã phải nhấn mạnh: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo” (TG 2). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng quả quyết: “Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi nhiệm vụ cao cả này: Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc” (Sứ vụ Đấng Cứu Độ, 3).

Cha đọc trong sách Sách Giáo Lý Mới (1270 2472), cha thấy Sách Giáo Lý Chung cũng nói: “Được tái sinh làm con Thiên Chúa, những người đã được rửa tội có bổn phận phải tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Hội Thánh” (x.LG 10), tham dự vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của Dân Thiên Chúa (x.LG 17; AG 7,23). Như vậy mọi người chúng ta đều có bổn phận trong cánh đồng truyền giáo của Chúa.

2. Nhưng cha hỏi chúng con: một người giáo dân bình thường như chúng con có thể truyền giáo không và nếu có thì bằng cách nào đây?

Chắc chắn chúng ta không thể làm việc truyền giáo như các tông đồ thuở xưa hay như các Giám mục, linh mục tu sĩ ngày nay nhưng chắc chắn Chúa cũng muốn cho chúng ta phải truyền giáo theo cách của chúng ta.

Thế chúng ta có thể tuyền giáo bằng cách nào?

Cha đọc lại Tin Mừng cha thấy trước khi bảo các môn đệ đi truyền giáo Chúa đòi các ngài phải cầu nguyện trước. Chúa Giêsu không bảo các môn đệ lên đường ngay, nhưng Chúa dạy phải cầu nguyện trước. Cầu nguyện là nền tảng của việc truyền giáo. Vì truyền giáo khởi sự từ ý định của Thiên chúa. Ơn hoán cải tâm hồn là ơn Chúa ban. Nên cầu nguyện chính là truyền giáo và kết quả của việc truyền giáo bằng cầu nguyện sẽ rất sâu xa. Ta hãy noi gương thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu. Vị Thánh sống âm thầm, suốt đời chôn vùi trong 4 bức tường Dòng Kín, thế mà chỉ nhờ lời cầu nguyện, thánh nữ đã đem được nhiều linh hồn về với Chúa không kém thánh Phanxicô Xaviê, người suốt đời bôn ba khắp nơi để rao giảng Tin Mừng.

Tiếp đến cha thấy có rất nhiều cách để chúng ta có thể đem Chúa đến cho những người khác. Có rất nhiều cách nhưng cách phù hợp với chúng ta nhất là cố gắng sống cuộc đời phục vụ yêu thương như Chúa Giêsu đãn sống. Cha tưởng đây là cách tốt nhất chúng con có thể làm và làm ngay được.

Một lần kia các nhà truyền giáo Công giáo hỏi ý kiến ông Gandhi. Ông Gandhi là người mà dân tộc Ấn độ coi ông như một vị thánh sống. Họ hỏi ông về việc họ phải làm gì để các người theo đạo Hinđu chấp nhận bài giảng trên núi của Đức Giêsu. Ông Ganđhi trả lời: “Các ông hãy nghĩ về bí quyết của những bông hoa hồng. Mọi người đều yêu thích chúng, vì ngoài vẻ đẹp và màu sắc sặc sỡ, hoa còn tỏa ra mùi thơm thoang thoảng như diệu kỳ của nó. Vậy các ông hãy “tỏa hương thơm!”

Đúng thế chúng con!  “Tỏa hương thơm!”là làm sao?Thưa là sống thật tốt như Chúa Giêsu đã sống để qua đó mọi người sẽ biết được Chúa Giêsu sống như thế nào mà bắt chước noi theo làm cho cuộc sống con người càng ngày càng hạnh húc và tốt đẹp hơn.

Đây là câu chuyện do nhà văn George Bemard Shaw ghi lại:

Đó là một buổi tối lạnh lẽo, rét buốt ở miền bắc Virginia cách đây đã nhiều năm. Bộ râu của ông lão cứng ngắc trong cái lạnh của mùa đông khi ông đợi có ai đó giúp ông sang sông. Sự chờ đợi dường như vô tận. Có thể ông tê cóng và cứng đờ bởi những cơng ló bấc giá lạnh.

Bỗng ông nghe thấy tiếng ngựa phi nhịp nhàng đang đến gần men theo con đường đầy sướng giá. Ông lo lắng nhìn khi một nhóm chàng trai phi ngựa rẽ qua khúc quanh. Ông đã để cho người đầu tiên chạy qua mà chẳng hề gọi. Sau đấy, một người khác đi qua, rồi một người nữa. Lúc này, tuyết đã rơi, trông ông lão giống như một bức tượng bằng tuyết. Ông đã thấy người kỵ sĩ cuối cùng. Khi người này đến gần, ông già ra dấu với người kỵ sĩ rồi nói:

– Chào cậu, cậu có phiền đưa già này sang bên kia sông được không? Chẳng có lối nào để đi bộ được cả.

Người kỵ sĩ ngồi trên ngựa đáp:

– Được chứ, thưa bác. Bác nhảy lên đây nào.

Thấy ông lão không thể nhấc nổi cơ thể đã gần như đông cứng khỏi mặt đất, chàng trai nhảy xuống và giúp ông leo lên lưng ngựa. Chàng kỵ sĩ không chỉ đưa ông già qua sông mà còn mang ông đến nơi ông định đến cách đó vài dặm nữa.

Khi đến gần một mái nhà tranh nhỏ xíu ấm cúng, chàng kỵ sĩ tò mò hỏi:

– Thưa bác, cháu thấy bác đã để nhiều người cưỡi ngựa khác chạy qua mà không nhờ lấy một ai để giúp qua sông. Khi cháu đến thì bác nhờ cháu ngay lập tức. Cháu thắc mắc không hiểu tại sao, vào một buổi tối mùa đông lạnh giá như thế này, bác lại đợi và nhờ người cuối cùng. Nếu cháu từ chối không giúp bác thì sao?

Ông lão từ từ leo xuống ngựa, nhìn thẳng vào mắt chàng trai, đáp:

– Bác đã ngồi đấy một lúc rồi. Bác nghĩ bác biết cách nhìn người, ông tiếp tục. Bác nhìn vào mắt những chàng trai kia và ngay lập tức bác thấy họ chẳng quan tâm gì đến tình cảnh của bác cả. Nhờ họ giúp cũng không ích gì. Nhưng khi nhìn vào mắt cháu, lòng tốt và sự thương người hiện lên rất rõ. Bác biết rằng thái độ dịu dàng của cháu sẽ mở ra cho bác cơ hội được giúp đỡ lúc bác cần.

Những lời ấm lòng đó của ông lão làm người kỵ sĩ hết sức cảm động.

– Cháu hết sức cám ơn những gì bác vừa nói – anh nói với ông lão – Có lẽ sẽ chẳng bao giờ cháu quá bận rộn với chuyện riêng của mình mà không đáp lại những gì người khác cần bằng lòng nhiệt thành cả.

Hạnh phúc là nước hoa- bạn không thể vẩy lên người khác mà không làm vương vãi vài giọt lên chính mình .

Đoạn Tin Mừng này gồm hai chuyện:

1/ Chuyện một làng Samaria không đón tiếp Chúa Giêsu: Trước sự việc trái ý này, Gioan và Giacôbê biểu lộ những thói ấu trĩ rất tầm thường của con người:

– Đó là tính nóng nảy: hễ gặp chuyện không vừa ý là lập tức muốn trừng phạt.

– Thứ đến là óc bè phái: phân biệt bạn thù và hở một chút là muốn tiêu diệt kẻ thù.

– Cuối cùng là lạm dụng quyền hành: ỷ mình là môn đệ Chúa Giêsu nên muốn dùng lửa trời để thỏa mãn tính nóng giận cá nhân.

Con người thì thế còn Chúa thì sao?

Chúa Giêsu thì không như thế. Chúa không nóng giận, không muốn trừng phạt, không muốn tiêu diệt dù họ có thể là kẻ thù. “Nhưng Ðức Giêsu quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác. (Lc 9,55-56) Chúa xác định thật rõ: Con Người đến không phải để giết chết mà để cứu sống. Và sau đó Chúa tỏ thái độ nhường nhịn: làng này không tiếp mình thì sang làng khác.

Đó là cách ứng xử của Chúa. Chúng ta tự hỏi ngày hôm nay cách ứng xử như thế có còn hợp thời nữa hay không?

Có lẽ đối với với nhiều người thì KHÔNG, nhưng chắc không phải là tất cả vì sự nhường nhịn trong cuộc sống vẫn còn rất cần. Chúng ta đã chẳng thường nói với nhau: Một sự nhịn là chín sự lành đó sao!

Một ngày kia, Socrate có bạn đến rủ di sớm. Bà vợ ông la lối gầm thét om sòm. Ông vẫn thản nhiên. Khi ông bước ra đi, bà vợ lại đứng trên lầu đổ thau nước bẩn lên đần ông. Các bạn ông thấy vậy tỏ dấu bất bình phản đối.  Nhưng Socrate chỉ cười, bảo: Rồi ông thản nhiên trở vào nhà thay áo.

Lần khác, ông mời các bạn đến dùng cơm ở nhà, không biết có chuyện gì, bà vợ bưng cả đồ ăn quẳng ra ngoài cửa sổ. Ông cũng vẫn như thường, tươi cười bảo:

– Thì “bả” muốn chúng mình ra ngoài sân ăn mát mẻ hơn!

Quá tức tối, bà vợ bèn vác chổi ra sân quơ luôn các đồ ăn. Ông biết trước, nên nắm tay áo các bạn lại và bảo:

– Ví dụ như các anh em ta đang ngồi ăn, rủi bị một con gà mái nhảy xổ vào làm văng cả bát đĩa, các anh có đi gây sự với nó không?

Nếu hai con dê gặp nhau nơi đoạn đường hẹp trên một dòng suối, chúng tàm gì? Chúng không thể quay lại và cùng không thể đi ngang qua nhau; vì không có một chỗ nhỏ để tránh. Theo bản năng, chúng biết nếu húc nhau, cả hai sẽ rơi xuống nước và chết đuối. Chung sẽ làm gì?  Thiên nhiên đã dạy chúng: một con nằm xuống và con kia có thể bước qua. Kết quả là cả hai tới đích an toàn.

2/ Chuyện 3 người muốn làm môn đệ Chúa Giêsu:

Điều quan trọng trong những chuyện này không phải là những nhân vật mà là giáo huấn của Chúa Giêsu về những điều kiện để làm môn đệ Ngài.

Người thứ nhất muốn đi theo Chúa Giêsu đến bất cứ nơi nào. Trường hợp này thường xảy ra trong xã hội thời đó: có những người vì ngưỡng mộ một rabbi nào đó nên bỏ gia đình và xin theo ở với rabbi đó trong một thời gian vài ba năm (Xem Ga 1,37-49)

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy Ngài không giống như các rabbi: cuộc sống của Ngài là cuộc sống lang thang này đây mai đó. Vậy muốn làm môn đệ Chúa Giêsu phải biết sống giống Ngài: chấp nhận một cuộc sống vật chất không ổn định, có thể bị từ chối và còn có thể bị giết chết nữa.

Người thứ hai: không phải cha người này vừa chết, nhưng ông ta vẫn còn sống. Ý người này là tuy cũng muốn theo Chúa Giêsu, nhưng xin một thời hạn chờ cho tới khi cha anh chết và được chôn cất xong xuôi rồi anh mới theo Ngài. Trong đầu anh đã có sẵn một ưu tiên: ưu tiên cho bổn phận hiếu thảo.

Chúa Giêsu nói: “Mặc cho kẻ chết chôn người chết”: tiếng Pháp rõ nghĩa hơn “mặc cho les mortels chôn les morts” (nghĩa là mặc cho người phàm lo việc thế phàm. Hiểu ngầm người môn đệ Chúa Giêsu phải ưu tiên lo việc Nước Thiên Chúa trước trên cả những bổn phận đối với thân nhân. Không phải Chúa Giêsu coi nhẹ những bổn phận đối với gia đình (Mt 15,3-9) nhưng Ngài dạy rằng trong trường hợp có xung đột giữa hai bên thì môn đệ phải coi trọng Nước Thiên Chúa hơn.

Lời xin của người thứ ba cũng giống lời xin của Êlisê (1.V 19,19-21). Lời đáp của Chúa Giêsu cũng khiến ta nhớ lúc đó Êlisê đang kéo cày “đầu ngoái lại sau” tức là còn luyến tiếc quá khứ. Như vậy muồn làm môn đệ Chúa là phải dứt khoát với quá khứ (của cải, địa vị vv…), hơn nữa phải có một con tim không san sẻ để chỉ còn lo cho Nước Thiên Chúa mà thôi.

Theo văn mạch: Chúa Giêsu sắp đi vào giai đoạn quyết liệt là chịu chết, sống lại và lên trời. Ngài muốn các môn đệ mình cũng phải đi cùng một hành trình như Ngài. Thế nhưng người ta có thể từ chối lời mời gọi của Ngài bằng nhiều cách: hoặc vì những thành kiến tôn giáo như dân làng Samaria; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ.

Cuộc sống không ngừng đòi hỏi chúng ta phải chọn lựa. Và chọn lựa nào cũng phải chịu thiệt thòi mất mát. Kẻ bắt cá hai tay vẫn luôn là người thua thiệt nhiều nhất.

Odette, một cô gái xinh đẹp sinh ra trong một gia đình quí tộc nước Bỉ, năm 17 tuổi cô quyết định đi tu, nhưng chỉ vài ngày sau khi lãnh áo dòng, cha mẹ cô đến bắt trở về.  Từ lâu, ông bà đã có ý gả cô cho lãnh chúa Simon thuộc lâu đài gần đó.

Vốn biết cô con gái cưng không muốn lập gia đình nên cha mẹ cô đã âm thầm chuẩn bị hôn lễ, các thiệp mời đều được kín đáo gởi đi và sự chuẩn bị đều giữ bí mật cho đến giờ chót.

Một buổi sáng đẹp trời cô thức giấc vì sự ồn ào lạ thường của lâu đài. Vén màn nhìn qua cửa sổ, cô ngạc nhiên thấy xe hoa lộng lẫy đang tiến vào khuôn viên trước lâu đài.  Hỏi han đầy tớ gái cô mới biết người ta đang chuẩn bị lễ cưới cho cô.  Kế đó, các người hầu vào phòng trang điểm và mặc áo cưới cho cô, họ đưa cô xuống nhà nguyện tư của lâu đài.  Nơi đây, có đông đủ quan khách, hàng giám mục của vùng và linh mục tuyên uý lâu đài đã nghiêm chỉnh chờ sẵn.

Nghi lễ đến phần giao ước. Vị chủ tế hỏi Odette có ưng nhận Simon làm chồng theo luật Giáo hội không?  Cô dõng dạc tuyên bố:

– Con không nhận lãnh chúa Simon cũng như bất cứ người nào làm chồng bởi vì tình yêu và đức tin của con đã hiến dâng cho Chúa Kitô từ lâu rồi. Vì thế, không một tình yêu nào cho dù sự hăm dọa có thể tách con khỏi tình yêu Chúa Kitô là bạn trăm năm duy nhất của đời con.”

Sáng hôm sau, không thấy con gái xuống vườn đi dạo như thường lệ, cha cô gõ cửa đi vào phòng.  Và kìa, Odette đang gục đầu trên vũng máu.  Ông đau đớn nhìn con và hiểu ngay ý định của Odette. Vì muốn hủy hoại sắc đẹp của mình nên cô đã dùng gươm cắt chiếc mũi xinh đẹp.  Khi hồi tỉnh lại, được hỏi lý do tại sao cô làm như vậy?  Cô thản nhiên đáp: “như thế sẽ không còn ai cấm con đi tu nữa.”

Thật vậy, khi vết thương đã lành, cô được phép nhập tu viện.  Ba năm sau đó được bầu làm tu viện trưởng lúc mới 23 tuổi.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

1. Chúng con vừa nghe thánh Luca kể lại cho tất cả mọi người hai câu chuyện.

Một là câu chuyện một làng Samaria không đón tiếp Chúa. Trong câu chuyện này chúng ta thấy Gioan và Giacôbê biểu lộ những thói xấu ấu trĩ rất tầm thường của con người: hễ gặp chuyện không vừa ý là lập tức muốn trừng phạt, hở một chút là muốn tiêu diệt kẻ thù và ỷ mình là môn đệ Chúa Giêsu nên muốn dùng lửa trời để thỏa mãn tính nóng giận cá nhân của mình.

Đó là câu chuyện chẳng hay ho gì. Qua câu chuyện này Chúa Giêsu đã cho mọi người biết: Chúa không đến để giết chết mà để cứu sống. Hơn nữa Chúa còn nhường nhịn: làng này không tiếp mình thì sang làng khác.

Chúng ta hãy tập cho mình thói quen giống Chúa Giêsu đó là tinh thần biết sống quảng đại, nhường nhịn và tha thứ.

Cha kể cho chúng con câu chuyện này. Chuyện được trích trong cuốn “Nghìn lẻ một đêm” nổi tiếng của người Ba tư. Chuyện kể rằng:  Có ai anh em nhà kia bắt trói được thủ phạm đã giết chết Cha của họ. Họ lôi tên giết người đến trước tòa và yêu cầu xét xử theo luật “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Kẻ giết người đã dùng đá để ném chết cha của họ, thì hắn cũng sẽ phải bị ném đá cho đến chết theo như luật đã qui định. Trước mặt quan tòa, tên giết người đã thú nhận tất cả tội lỗi của mình. Nhưng trước khi bị đem ra xử, hắn chỉ xin một ân huệ là được trở về nhà trong vòng 03 ngày, để giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến một người cháu đã được ký thác cho hắn trông coi từ nhỏ. Sau thời gian đó, hắn sẽ trở lại để xin chịu xử tử. Vị quan toà xem chừng như không tin tưởng ở lời cam kết của tên tử tội. Giữa lúc ông đang còn do dự, thì từ trong đám động, những người đang tham dự phiên tòa, có một bàn tay giơ cao lên cam kết: “Tôi xin đứng ra bảo đảm cho lời cam kết của tử tội, nếu sau 03 ngày mà hắn không trở lại thì tôi sẽ chết thay cho hắn!”

Tên tử tội được tự do trong 03 ngày để giải quyết việc gia đình của hắn. Sau đúng kì hạn 03, giữa lúc mọi người đang chờ đợi để chứng kiến cuộc hành quyết, thì hắn hiên ngang tiến ra giữa toà án và tuyên bố: “Tôi đã giải quyết xong mọi việc trong gia đình. Giờ đây, đúng như lời cam kết, tôi trở lại để chịu tội. Tôi muốn trung thành với lời cam kết của tôi, để người ta sẽ không còn nói được rằng chữ tín không còn trên mặt đất này nữa”

Sau lời tuyên bố dõng dạc của tên tử tội, người đàn ông đã từng đứng ra bảo lãnh cho hắn cũng đứng giữa đám đông và tuyên bố: “Phần tôi, sở dĩ tôi đã đứng ra bảo lãnh cho người này là vì tôi không muốn cho người ta nói rằng lòng quảng đại không còn trên mặt đất này nữa”.

Nghe hai lời tuyên bố trên, cả đám đông bỗng trở nên yên lặng. Dường như ai ai cũng cảm thấy được mời gọi thể hiện những gì cao quý nhất trong lòng người. Từ giữa đám đông hai người thanh niên tiến ra giữa và nói: “Thưa Ngài, chúng tôi xin tha cho kẻ đã giết Cha tôi chúng tôi để người ta không còn nói: lòng khoan dung, tha thứ không còn hiện hữu trên mặt đất này nữa!”.

Đó chúng con thấy không? Nhường nhịn, khoan dung, tha thứ trong cuộc sống nhiều khi đã đem lại những kết quả hết sức tốt đẹp cho cuộc sống của mọi người như vậy.

2. Tiếp đến là chuyện có 3 người tìm đến với Chúa và ngỏ ý muốn đi theo để làm môn đệ của Người.

Chúng ta chẳng biết họ là ai, cũng chẳng rõ cuối cùng họ có theo Chúa hay không. Chúa đã cư xử thế nào thì chúng con hãy nhìn vào bài Tin Mừng.

Người thứ nhất hôm nay xin đi theo Chúa đến bất cứ nơi đâu, nhưng Chúa bắt anh phải chọn lựa: hoặc là được an toàn ổn định dưới một mái nhà, có chăn ấm nệm êm; hoặc là phải bấp bênh phiêu bạt, không một mái nhà: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ dựa đầu” (Lc 9, 58).

Người thứ hai xin đi theo Chúa, nhưng với điều kiện phải cho anh về chôn cất thân sinh trước đã. Chúa trả lời: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo triều đại Thiên Chúa” (Lc 9, 54). Thế là anh phải đứng trước một chọn lựa giữa người thân và việc loan báo Tin Mừng.

Người thứ ba xin đi theo Chúa, nhưng xin phép về từ biệt gia đình. Chúa đòi anh phải chọn lựa dứt khoát: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” ( Lc 9, 62).

Thực ra, Chúa Giêsu rất coi trọng việc hiếu kính cha mẹ. Người phán: “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4). Nhưng Người cũng dạy chúng ta phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, nghĩa là Chúa muốn chúng ta chọn lựa đâu là ưu tiên số một, đâu là ưu tiên thứ yếu. Đối với người tín hữu Kitô, ưu tiên số một chính là việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa, nó quan trọng hơn cả cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình nữa (Lc 14,26).

Giữa Chúa và cuộc đời cần phải có một thái độ dứt khoát. Chúa không muốn những người đi theo Chúa nửa vời. Phải luôn có một thái độ dứt khoát.

Một nhà buôn ở Franfurt muốn tìm một em bé trai để lo việc giao hàng cho ông. Có một người anh cả trong một gia đình gồm 07 người anh em, 16 tuổi đến xin việc làm. Nhân viên tiếp tân ở phòng khách gật gù đầu nói:

– Cậu không có nhiều may mắn lắm. Trước cậu đã có 52 người đến xin việc rồi. Tuy nhiên, cậu có thể thử thời vận.

Nhân viên này dẫn chàng trai trẻ này vào phòng ông chủ. Ông chủ tiếp chuyện thân mật với người xin việc, đặt nhiều câu hỏi và sau cùng rút ra một bao thuốc lá, ông lấy một điếu và nói với chàng trai:

– Mời cậu một điếu.

– Cám ơn ông, nhưng cháu không hút thuốc.

– Thế nào? Cậu không hút thuốc ư? Nhưng anh bạn của tôi ơi, để làm một người lớn, cần phải biết hút thuốc. Đừng rồ dại nữa!

– Không, Cháu cám ơn bác. Cho đến nay cháu vẫn không hút thuốc và cháu cũng không muốn bắt đầu.

Thế rồi ông chủ chìa tay ra cho anh:

– Tôi nhận cậu vào làm việc. Cậu là người thứ 53 đến gặp tôi xin việc, nhưng cậu lại là người đầu tiên không nhận điếu thuốc. Cậu thích hợp với tôi.

Và ném điếu thuốc ông nói thêm:

– Tôi cũng vậy, tôi không hút thuốc.

Đó chúng con thấy thái độ dứt khoát trọng cuộc sống quan trọng như thế nào. Chúa cũng muốn có thái độ đó đối với những ai muốn làm môn đệ Chúa. Amen.

Mình Máu Thánh Chúa! Một mầu nhiệm vừa tế nhị vừa rất khó hiểu.

I. CÁI NHÌN LỊCH SỬ

Cũng như Mầu nhiệm Phục sinh, mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa có liên hệ rất mật thiết với cuộc đời của mỗi người chúng ta

Để chuẩn bị cho các tông đồ đón nhận mầu nhiệm Phục sinh, Chúa đã thực hiện ba phép lạ:

1/ Cho con gái ông Giarô mới chết được sống lại.

2/ Phục sinh  chàng thanh niên con bà góa thành Naim, đã chết, người ta đang khiêng đi chôn,

3/ Cuối cùng là phục sinh Lagiarô, người đã chết và đã chôn trong mộ bốn ngày.

Cũng vậy để chuẩn bị cho các tông đồ và những người tin Chúa đón nhận Màu Nhiệm Thánh Thể, Chúa đã làm 2 phép lạ thật lớn: Hóa bánh ra nhiều hai lần và cộng thêm vào đó là một bài giảng rất dài và rất quyết liệt về Bánh hằng sống. Chúa nói thật rõ: “Thịt ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống – Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ được sống đời đời”

Lời Chúa là như thế nhưng tin vào bánh trở thành thịt và rượu trở thành máu Máu Chúa vẫn còn là một khoảng cách rất dài.

Vào thế kỷ thứ 8 tại Lancianô nước Ý, một linh mục dòng thánh Basiliô đang khi cử hành thánh lễ, sau khi truyền phép xong, bỗng đâm ra nghi ngờ sự hiện diện của Chúa dưới hình bánh ruợu thì lập tức Phép lạ đã xẩy ra ngay trong tay vị linh mục đó: Bánh trở nên thịt sống và rượu trở nên máu tươi.

Được giáo quyền cho phép, ngày 18/11/1970 các cha dòng Phanxicô, những người có trách nhiệm bảo lưu đã trao thánh tích cho một nhóm chuyên viên khoa học để họ làm công việc nghiên cứu tế nhị và khó khăn này.

Nhóm này do Giáo sư Odoardo Linoli với sự cộng tác của Giáo sư Ruggero Bartelli thuộc đại học nổi tiếng Siena điều khiển.

Sau đây là kết luận của công trình nghiên cứu được nhiều tạp chí khoa học trên thế giới đăng tải

1. Thịt này là thịt thật. Máu này đúng là máu thật.

2. Thịt và máu là thịt và máu của con người

3. Thịt và máu đều thuộc cùng nhóm A-B

4. Đồ hình của Máu này giống với đồ hình của máu người được trích lấy từ một cơ thể con người trong một ngày.

5. Thịt được làm thành từ mô cơ tim.

6. Thịt máu hoàn toàn giống với thịt máu củamột người sống thực sự.

7. Không hề tìm thấy dấu vết việc tẩm ướp mô tế bào bởi bất cứ một hóa chất nào được dùng trong kỹ thuật bảo trì bằng tẩm ướp.

8. Miếng thịt này được lấy ra từ phần thịt của trái tim một cách khéo léo tuyệt mỹ như do một nhà phẫu thuật tài ba thực hiện.

9. Hàm lượng các protéin chứa trong máu được phân phối đều đặn theo tỷ lệ y hệt như trong đồ hình protéin huyết thanh của máu tươi bình thường.

10.Trong máu có các chất chlorua, photspho, manhêdi, potassium, sodium và calcium.

11. Việc các di vật thánh này được lưu giữ một cách tự nhiên từ bao thế kỷ, bất chấp ảnh hưởng của những xúc tác vật lý, không khí. sinh vật…là một hiện tượng không sao giải thích được theo phương diện khoa học.

Như vậy chúng ta có thể nói sau khi được mời gọi để thẩm định, Khoa học đã nói lên tiếng nói khách quan của mình về phép lạ Chúa đã làm tại Lancianô.

II.CHÚA LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ ĐỂ LÀM GÌ?

a/ Trước hết để thực hiện một lời hứa: “Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20)

Thiên Chúa muốn được gần gũi với con người, tạo vật kỳ diệu nhất trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Sự hiện diện của Chúa trong Cựu Ước cụ thể những chưa đầy đủ và rộng khắp. Hòm bia tuy linh thánh nhưng cũng mới chỉ là dấu chỉ, là biểu tượng. Chúa còn muốn một sự hiện diện trọn vẹn, đầy đủ và rộng khắp hơn. Chính vì thế mà Ngài đã lập ra Bí tích Thánh Thể để – nói theo Cha Teilhard de Chardin – để Chúa có thể hiện diện tràn lan trên khắp địa cầu.

b/ Để tiếp tục bày tỏ cho con người biết là Thiên Chúa luôn luôn yêu thương con người và cho con người được sống sự sống của Ngài.

Về điểm này Cha Teilhard de Chardin diễn tả rất hay: “Nhờ hiệu quả của việc Ngài dấn mình vào giữa lòng thế giới mà những dòng nước lớn của vật chất êm đềm có đầy sức sống. Nhìn bề ngoài thì chẳng có gì xao động dưới cuộc biến dạng khôn tả này. Tuy nhiên khi tiếp xúc với Lời Bản thể thì vũ trụ đã trở thành nhục thể Ngài cách kỳ diệu”.

Con người được sống chính sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa chia sẻ sự sống của Chúa cho con người. Chẳng có gì hạnh phúc hơn. Chẳng có gì kỳ diệu hơn.

c/ Cuối cùng, Chúa ở trong Bí tích Thánh Thể để giúp cho mọi người nhận ra mình là anh chị em với nhau trong Chúa.

Trong cuộc khủng hoàng con tin xẩy ra ở Pêru cách đây mấy năm. Một cuộc khủng hoảng dai dẳng, nghẹt thở kéo dài nhiều tuần lễ, người ta đã hết lời ca tụng một người. Người đó chính là cha Juan Julio Wicht. Ngài được thả vào ngày nhưng ngài tình nguyện ở lại. Việc Ngài ở lại đã làm nức lòng thủ lãnh của quân khủng bố. Ngày 18/4/1965 nhân ngày sinh nhật của Ngài, Nestor Cerpa Carlotini thũ lãnh quân khủng bố có gửi đến Ngài một điện văn như sau: “Mặc dù giữa chúng ta có những khác biệt nhưng chúng tôi muốn gửi đến cha những lời chúc tốt đẹp nhất nhân ngày sinh nhật của cha cũng như lòng kính trọng của chúng tôi với quyết định ở lại của cha”.

Sau này khi được hỏi về những ngày bị giam giữ, Cha Juan Julio Wicht đã nói: “Các du kích đã không làm gì xúc phạm đến chúng tôi trong lời nói cũng như trong việc làm”

Chính sự hiện diện của Cha đã làm cho mọi người đối xử tốt với nhau hơn.

Chúa Giêsu cũng thế: Cha Teilhard de Chardin nói tiếp: “Bây giờ tôi có thể nói như hai môn đệ Emmau: Tôi nhận ra Ngài lúc Ngài bẻ bánh. Chính lúc bẻ bánh chúng tôi mới nhận ra chúng ta là anh chị em trong Đức Kitô. Có những người mà trước đó gặp ngoài đường, chúng ta dửng dưng như người xa lạ, nhưng trên bàn tiệc thánh, chúng ta thấy gần gũi với nhau. Tôi gặp Chúa Kitô nơi họ, cũng như họ gặp Chúa Kitô nơi tôi. Bởi chúng tôi cùng tin Phúc Âm, cũng lãnh nhận một của ăn là Mình và Máu Thánh Chúa Kitô”.