Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng thật hay do Thánh Marcô thuật lại.

Theo câu chuyện thì chúng con thấy người thanh niên giầu có này là người thế nào? Anh ta có phải là người tốt không chúng con?

– Dạ thưa cha… tốt.

– Đúng, con trả lời rất đúng. Đây chúng con hãy nghe lại cuộc nói chuyện giữa anh và Chúa Giêsu: “Hôm ấy, Ðức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” 18 Ðức Giêsu đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. 19 Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ”. Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”.(Mc 10,17-20)

Quá tốt phải không chúng con!

Cha thấy ở đời khó có người giữ được như vậy nhất là ngày hôm nay. Chính vì thế mà sau khi nghe anh ta trả lời chúng con thấy chính Chúa Giêsu cũng phải phục: “Ðức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến”(Mc 10,21).

Thế nhưng câu chuyện có được diễn tiến theo chiều hướng tốt đẹp mãi như thế hay không thì Tin Mừng cho chúng ta biết là không. Lý do tại sao thì Chúa cho chúng ta biết: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”( Mc 10,21) Và kết quả như thế nào chúng con?.”Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.”(Mc 10,22). Thế là kết thúc một câu chuyện ban đầu thật đẹp nhưng cuối cùng thì thật buồn. Buồn cho cả Chúa và buồn cả cho người thanh niên. Lý do vì anh ta đã không dám sống chia sẻ như Chúa mời gọi anh.

Cha kể cho chúng con câu chuyện này. Một bác nông dân người Anh nọ có dịp nghe John Wesley giảng. John Wesley là một nhà giảng thuyết nổi tiếng: hôm ấy ông giảng về việc sử dụng tiền của.

Wesley bắt đầu bài giảng bằng tư tưởng: Phải ra công tích luỹ tối đa, phải dùng hết khả năng tìm cách làm giàu. Bác nông dân gật gù bảo người bạn ngồi bên cạnh:

– Đúng lắm!

Rồi Wesley triển khai điểm thứ hai: Phải tiết kiệm tối đa. Ông lên án thói phung phí tiêu xài quá đáng.

Bác nông dân xuýt xoa:

– Bài giảng thật tuyệt vời! Cám ơn Chúa, mình vẫn sống tiết kiệm như vậy.

Cuối cùng, nhà giảng thuyết đi tới điểm thứ ba: Phải chia sẻ tối đa. Hãy coi hoàn cảnh thiếu thốn của người chung quanh là thuộc trách nhiệm của mình.

Nghe đến đây, bác nông dân lắc đầu rồi bỏ nhà thờ đi ra…

Tiền bạc nguy hiểm vậy đó chúng con.

Nó nguy hiểm vì nó có sức huỷ hoại cả những ước muốn tốt đẹp nơi một con người.

Thánh Antonio, là giám mục của vùng Firenze nước Ý vào khoảng thế kỷ thứ 15, có kể lại một câu chuyện mà ngài đã tận mắt chứng kiến trong đời mục vụ tông đồ của ngài:

Một hôm, đang đi trên đường thì Thiên Chúa cho ngài thấy có một vị thiên thần cứ bay lượn bên trên một ngôi nhà nghèo nàn lụp xụp. Ngài ghé vào hỏi thăm cha sở vùng ấy thì được biết gia đình này tuy rất nghèo nhưng lại rất đạo đức và tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Thánh Antonio động lòng thương, hiểu ra ý Chúa muốn soi sáng cho mình, ngài bèn trích quỹ từ thiện, kín đáo trợ cấp hàng tháng một số tiền vừa đủ để gia đình này có vốn liếng mà chí thú làm ăn cho đỡ nghèo khổ.

Bẵng đi một thời gian, ngài lại có việc đi qua vùng ấy. Ngài chợt giật mình trông thấy một tên quỉ xấu xa đang bay lượn trên mái một ngôi nhà khang trang đẹp đẽ nhất vùng. Ngài lại ghé vào cha sở để hỏi thăm, thì hóa ra đó chính là ngôi nhà của gia đình mà ngài đã từng trợ cấp lâu nay. Ngài biết họ đã cố gắng ăn nên làm ra, nhưng dần dần, vì tham lam, họ đã học đòi những thủ đoạn mánh khóe bất lương để làm giàu nhanh chóng, đời sống họ hoàn toàn vô đạo đức, trở nên ích kỷ và độc ác, khinh bỉ xua đuổi những người nghèo khổ láng giềng ngày xưa. Hiện tại họ lại còn thói ăn chơi trụy lạc.

Thánh nhân đau lòng quyết định cắt đứt nguồn trợ cấp, mong cho họ sớm hiểu ra mà sám hối quay về đường ngay nẻo chính.

Quả thật, của cải vật chất xa hoa dễ làm cho con người ra hư đốn xa đường lối của Thiên Chúa.

Và đây là câu chuyện khác:

Một người giàu có thường đến xưng tội với thánh Philiphê Neri, nhưng không thấy tiến bộ trên đường thiêng liêng nên ông đã chán nản thất vọng đến nỗi bỏ luôn việc xưng tội. Thánh nhân tìm đến nhà ông, sau một lúc chuyện trò thân mật, ngài nhìn lên cây thánh giá treo trên tường và cân nhắc độ cao của thánh giá, rồi đề nghị với người giầu có rằng:

– Ông thử đưa tay với thánh giá xem có tới không?

Người đàn ông cao lớn vươn cánh tay dài của mình ra, nhưng không thể nào chạm tới được thánh giá. Bấy giờ thánh nhân mới dùng hết sức đẩy cái tủ đựng tiền của người giàu có đến bên cạnh ông rồi ngài bảo ông hãy đứng lên cái tủ ấy để với tới thánh giá.

Quả thật ông đã sờ được Chúa Giêsu trên thập giá.

Lúc đó thánh nhân mới nói:

– Để có thể chạm được Chúa Giêsu, để tiến bộ trên đường thiêng liêng, chúng ta cần phải ở “đứng trên tiền bạc”

Làm sao để có thể đứng trên tiền bạc chúng con?

– Khi Steve Jobs thấy nhiều người trong công ty Apple của ông vì tranh giành quyền lợi mà sinh ra bất hoà với nhau, ông đã nghiêm chỉnh đưa ra một quyết định cho cuộc đời của mình: “Tôi thề sẽ tránh sống xa hoa và tôi thề không để tiền bạc hủy hoại cuộc đời tôi.” Và ông đã giữ được điều đó cho tới khi ông qua đời.

– Năm 1830 khi thánh Gioan Vianey sửa lại nhà thờ xứ Ars, có một bà già đem đến cho ngài một đồng bạc, một loại tiền thời bấu giờ để dâng cúng vào việc tu bổ thánh đường. Thấy bà già quá nghèo nàn và vất vả, thánh Gioan không dám nhận, nên đã nói với bà rằng:

– Cha cám ơn lòng tốt của bà, và Chúa cũng đã nhìn thấy lòng rộng rãi và sốt sắng của bà rồi; nhưng vì bà quá vất vả và thiếu thốn, nên bà hãy giữ lấy đồng bạc, để tiêu xài những thứ cần thiết.

Lúc ấy bà già đã thưa lại cách khiêm tốn rằng:

– Thưa cha, nếu Chúa cho con có của, con sẽ dâng cúng cho Chúa nhiều hơn, nhưng vì con nghèo, nên con dâng cúng cho Chúa ít, nhưng với cả tấm lòng yêu mến của con. Vậy xin cha hãy nhận lấy đồng bạc của con. Với đồng bạc này, nếu cha không mua được cái gì cao quí, thì xin cha hãy mua một viên gạch lát trong nhà thờ, để mỗi khi Chúa Giêsu ngự trong nhà tạm nhìn ra trông thấy viên gạch ấy, Chúa sẽ nhớ tới con.

Đẹp quá phải không chúng con?

Thiếu nhi chúng con yêu quí.

Hôm nay chúng ta bắt đầu bước vào tháng 10. Cha đố chúng con tháng 10 có cái gì đặc biệt nào?

– Là tháng Mân côi Đức Mẹ.

+ Rất đúng! Chúng con giỏi lắm.

Thế tháng Mân côi Giáo Hội thường nhắc chúng ta làm gì nào?

– Thưa cha lần chuỗi Mân côi.

+ Thế chúng con có biết lần chuỗi Mân côi không?

– Thưa cha biết.

+ Cha cũng lần chuỗi Mân côi mỗi ngày….Cha nhớ là cha đã biết lần chuỗi Mân côi từ lâu lắm rồi và không ngày nào cha bỏ. Mỗi tối trước khi đi ngủ cha thường vào nhà chầu Thánh Thể và lần một chuỗi kinh Mân côi.

Nếu chúng con hỏi cha tại sao cha yêu mến kinh Mân Côi như thế thì cha trả lời ngay cho chúng con. Cha yêu mến kinh Mân côi như thế bởi vì đây là một lời kinh thật kỳ diệu đối với cha.

Cha yêu mến kinh Mân côi vì đây là lời kinh Đức Mẹ thích nhất.

Cha nhớ khi Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, lần nào Đức Mẹ cũng dạy các em Lucia, Phanxicô và Jacinta: “Các con hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày!”

Tại Fatima Đức Mẹ đã hiện ra với ba em: Lucia, Phanxicô và Jacinta, tất cả 6 lần. Lần nào Đức Mẹ cũng nói với các em: “Các con hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày!”

Tại sao tất cả 6 lần hiện ra với 3 em tại Fatima lần nào Đức Mẹ cũng dạy các em hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày như thế?

Thưa vì lần chuỗi Mân Côi là một phương thế linh nghiệm nhất trong việc đập tan các bè rối và đưa người ta đến chỗ ăn năn hối cải.

Thánh Louis de Montfort với kinh nghiệm là một tông đồ vĩ đại của kinh Mân Côi đã nhắn nhủ những ai đang sống trong tình trạng bi thảm của tội lỗi như thế này:

“Bạn đang sống trong tình trạng tội lỗi đáng thương ư? Bạn hãy kêu cầu Mẹ Maria! Hãy cầu xin Mẹ bằng kinh Mân Côi”

Kinh Mân Côi có sức linh nghiệm, giúp người ta ăn năn hối cải, giúp những người tội lỗi đã bỏ Chúa nhiều năm được ơn thống hối trở về với ơn nghĩa Chúa.

Trong tập hồi ký của mình, chị Lucia đã ghi lại chi tiết những lời Đức Mẹ nói với chị lần hiện ra đầu tiên, ngày 13 tháng 5 năm 1917, như sau:

– Bà muốn con làm gì?

– Mẹ muốn các con đến đây sáu tháng liền vào ngày 13, cũng giờ này. Sau này, Mẹ sẽ nói cho con hay Mẹ là ai và Mẹ muốn gì.

– Con có được về trời không? Được con sẽ về.

– Còn em Jacinta?

– Jacinta cũng được về.

– Còn em Phanxicô?

– Phanxicô cũng sẽ được về, nhưng em phải đọc nhiều kinh Mân Côi đã.

Một lúc sau Đức Mẹ bảo:

“Các con hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày để cầu xin cho hòa bình thế giới và chấm dứt chiến tranh. ”

Kinh Mân Côi, lời kinh đơn sơ

Vâng, Kinh Mân Côi thật đơn sơ vì ta có thể đọc một cách dễ dàng mọi nơi, mọi lúc, chẳng cần đến sách vở hay tài liệu gì phức tạp. Cả những người bình dân ít học cũng có thể đọc một cách thoải mái. Những người già nua, đau yếu cũng đọc Kinh Mân Côi được. Những người mới tìm hiểu đạo cũng có thể tìm gặp được niềm vui nhẹ nhàng khi đọc Kinh Mân Côi. Thậm chí, cả những người ngoại đạo cũng đón nhận được sự bình an, thanh thản cho tâm hồn khi thử đọc kinh này.

Kinh Mân Côi lời kinh được yêu mến.

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1873-1897) quả quyết: “Với Kinh Mân Côi, tín hữu Công giáo xin gì cùng Thiên Chúa, Ngài cũng nhận lời”.

Thánh Vinhsơn Phaolô (1581-1660) gọi Kinh Mân Côi là Kinh Nhật Tụng của tín hữu giáo dân.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bày tỏ: “Từ thuở niên thiếu, lời kinh này đã có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống thiêng liêng của tôi. Nơi lời kinh ấy tôi đã luôn tìm được sự nâng đỡ”

Chúng con hãy nghe câu chuyện đặc biệt này:

Một nhà tư vấn doanh nghiệp tên Jim Castle 45 tuổi, mệt mỏi trở về sau một tuần họp hành và hội thảo. Trên chuyến bay từ Ohio trở về nhà ở Kansas City, Miami, ông đang ngồi thoải mái trong ghế của mình thì đột nhiên bỗng thấy tiếng ồn ào của hành khách im bặt. Quay lại nhìn ông kinh ngạc nhận ra hai nữ tu trong bộ áo sari viền xanh đơn sơ đang đi đến chỗ ngồi. Và ông nhận ra ngay một khuôn mặt quen thuộc đã xuất hiện trên bìa tạp chí Time. Khuôn mặt nhăn nheo và đôi mắt tinh anh ấm áp của Mẹ Têrêsa. Hai nữ tu dừng lại nơi hàng ghế của ông và ngồi ngay cạnh ông trong chuyến bay.

Khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi thì hai nữ tu rút xâu chuỗi ra lần hạt. Jim để ý thấy là mỗi chục hạt lại có một màu khác nhau. Sau này Mẹ Têrêsa đã giải thích cho Jim hiểu rằng mỗi một chục tượng trưng cho một vùng của thế giới. Mẹ còn nói thêm “Tôi cầu nguyện cho những người nghèo và hấp hối trên mỗi lục địa”.

Trong lúc họ lần chuỗi thì Jim nhận mình tuy là người Công giáo không sốt sắng mấy chỉ giữ đạo theo thói quen không hiểu sao cũng hiệp ý với họ. Khi họ đã đọc kinh xong. Mẹ quay sang phía Jim. Lần đầu tiên trong đời Jim hiểu được thế nào là một người có “hào quang” thánh thiện. Mẹ nhìn ông và ông cảm thấy tràn đầy sự bình an, rồi Mẹ hỏi:

– Này, người bạn trẻ, anh có bao giờ lần chuỗi không?

– Dạ không, quả thật là không!

Mẹ cầm lấy tay anh, nhìn vào mắt anh rồi Mẹ mỉm cười:

– Vậy thì bây giờ anh sẽ làm. Và Mẹ đặt vào tay anh xâu chuỗi của Mẹ.

Một giờ sau, Jim xuống phi trường Kansas City và gặp Ruth vợ ông ra đón. Bà ngạc nhiên khi nhìn thấy xâu chuỗi trên tay chồng mình và thốt lên:

– Cái gì lạ lùng thế này?

Jim đã kể cho vợ nghe chuyện diễn ra trên máy bay. Trên đường lái xe về nhà ông đã thú nhận: “Anh cảm thấy dường như mình đã gặp người em gái thật sự của Chúa”.

Chín tháng sau, hai vợ chồng đến thăm một người bạn nhiều năm qua tên là Connie. Chị đang bị ung thư buồng trứng. Chị thổ lộ:

– Bác sĩ nói trường hợp này khó lắm nhưng tôi sẽ chiến đấu và sẽ không bỏ cuộc.

Jim lấy từ trong túi xâu chuỗi của Mẹ Têrêsa choàng vào tay Connie và kể cho chị nghe câu chuyện của mình rồi nói:

– Chị giữ lấy xâu chuỗi này. Nó sẽ giúp chị.

Dù Connie không phải là người Công giáo nhưng chị cũng rất sẵn sàng nhận xâu chuỗi và nói:

– Cám ơn. Hy vọng tôi sẽ trả lại anh.

Một năm sau, Jim gặp lại Connie. Khuôn mặt chị hồng hào rạng rỡ. Chị ào tới phía anh, chìa xâu chuỗi và nói:

– Tôi giữ nó bên người suốt cả năm qua. Tôi đã được giải phẫu và hoá trị. Tháng trước bác sĩ làm xét nghiệm lần thứ hai và tuyên bố khối u đã hết. Hết hoàn toàn

Chị nhìn Jim và nói:

– Tôi biết đã đến lúc trả lại xâu chuỗi này cho anh.

Cuộc đời của Jim Castle đã thay đổi từ cuộc gặp gỡ kỳ diệu ấy.

Đây không phải là chuyện phù phép, ma thuật mà là một lời nhắn gửi cho những ai cần tìm đến với Mẹ, tỏ bày lòng yêu mến Mẹ bằng những Kinh Mân Côi. Chắc chắn họ sẽ nhận được nhiều điều diệu kỳ hơn nữa.

Hãy cầm lấy xâu chuỗi Mân Côi với lòng tin tưởng. Hãy tái khám phá Kinh Mân Côi dưới ánh sáng của Kinh Thánh, trong sự hài hoà với Phụng Vụ và trong bối cảnh của đời sống hằng ngày (Tông thư Rosarium Virginis Mariae, 43).

Lạy Mẹ Maria con yêu mến Mẹ. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí.

Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng rất đặc biệt do thánh Marcô ghi lại.

Cha đố chúng con biết, qua bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu muốn dạy mọi người điều gì không?.

– Dạ thưa cha Chúa muốn dạy mọi người bài học về sự bao dung biết đón nhận mọi người.

– Rất đúng… và còn gì nữa không?

– Dạ thưa cha Chúa muốn dạy về vấn đề phải tránh làm gương mù gương xấu cho người khác.

– Chúng con giỏi! Thật giỏi. Cha khen chúng con. Bây giờ chúng ta bắt đầu vào từng vấn đề.

1. Trước hết là vấn đề bao dung đón nhận mọi người.

Chúng con thấy ở đời, người ta thường có óc bè phái, ích kỷ chỉ lo bảo vệ quyền lợi của nhóm mình, đồng thời chèn ép, đố kỵ ganh ghét với những người khác. Phương châm của họ là “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”.

Ông Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay là người thuộc loại người này. Chúng con hãy nghe lại lời ông thưa với Chúa: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.”(Mc 9,38)

Còn Chúa Giêsu thì sao chúng con. Chúa hoàn toàn khác. Đây là lời của Chúa “Ðừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” Qua câu nói này cha thấy Chúa dạy các môn đệ của Ngài đừng nhìn người khác bằng cặp mắt thành kiến đố kỵ. Hãy sẵn sàng biết đối xứ bao dung hợp tác với mọi người nhất là những người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai không chống đối ta tức là ủng hộ ta”.(Mc 9,40)

Cha kể cho chúng con câu chuyện có thật này:

Vào thế kỷ 19, khi tổng thống Lincoln của nước Mỹ lên nắm quyền, bộ trưởng lục quân Stanton tỏ vẻ rất coi thường vị tổng thống này. Ông ta chế giễu Lincoln là “con đười ươi tay dài, dốt nát”, thậm chí còn nói: “Tại sao người ta phải sang mãi Châu Phi để tìm kiếm tinh tinh nhỉ? Chẳng phải có một con đang ngồi trong Nhà Trắng vò đầu gãi tai đó sao?”

Sau khi những lời công kích này đến tai Lincoln, vị tổng thống này không hề tức giận, không hề có ý trả thù, mà còn cho rằng Stanton “tuyệt đối trung thành với quốc gia”, là người có năng lực, cho dù Stanton có mắng chửi như thế nào, thì ông vẫn cất nhắc Stanton làm bộ trưởng lục quân. Sau này, Stanton bị cảm hóa trước tấm lòng bao dung độ lượng của Lincoln. Ý thức được sai lầm của bản thân, ông ta đã tìm gặp Lincoln để xin lỗi.

Ông Lincoln đã biết đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Với khả năng nhận biết, sử dụng cũng như biết tập hợp nhân tài giúp ích cho đất nước, thêm vào đó là sự quang minh lỗi lạc, phẩm chất đạo đức cao thượng, đã làm cho ông nhận được sự yêu quý và niềm tin của người dân. Người đời sau nhận xét rằng: Lincoln là vị tổng thống đáng kính nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Trong cuốn sách rất nổi tiếng có tên là “Quảng Gánh Lo Đi Và Vui Sống” của ông Dale Carnegie cha đọc được một lời cầu nguyện thật hay này:  “Lạy Chúa, xin hãy ban tặng cho con tấm lòng rộng mở và sự bao dung độ lượng để con có thể bình thản chấp nhận những gì không thể thay đổi. Hãy ban tặng cho con lòng dũng cảm, để con thay đổi những gì con có thể thay đổi. Hãy ban tặng cho con sự khôn ngoan để con có thể phân biệt được điều gì có thể thay đổi và điều gì không thể thay đổi được”.

Hãy biết mở cõi lòng đón nhận mọi người, chúng ta sẽ thấy đời của chúng ta đẹp và cuộc sống của chúng ta phong phú dồi dào và hạnh phúc sẽ đến với chúng ta.

2. Tiếp theo là vấn đề gương mù gương xấu.

Gương mù gương xấu là một trong những vấn đề gây ra nhiều đau khổ cho cuộc sống của mọi người. Hãy cố tránh đừng bao giờ làm gương mù gương xấu cho nhau.

Một em bé sinh ra trong một gia đình giàu có. Khi lên 4,5 tuổi đã tò mò hỏi xem cha nó làm gì mà giàu có vậy.

Người cha lúc nào cũng nói ông làm ăn buôn bán nên giàu có.

Một hôm đứa bé cứ đòi đến chỗ cha nó buôn bán để xem công việc này có thích không. Người cha nói:

– Không, con không nên đến nơi ba làm việc vì con còn nhỏ lắm. Hơn nữa, chỗ này người ta không cho con nít đến.

Thằng bé nghe cha nói thế, lại càng thắc mắc tại sao chỗ ấy người ta không cho nó đến. Nó năn nỉ mãi, cuối cùng cha nó phải cho nó đi theo.

Người cha đưa con đến cửa cấm trẻ em vô, rồi chỉ cho con:

– Đây là chỗ ba làm việc.

Đứa bé hỏi:

– Người ta làm gì trong đó hở ba?

Người cha trả lời:

– Người ta làm việc.

– Làm việc gì hở ba?

Thấy không thể giấu nổi con, người cha trả lời:

– Người ta đánh bạc.

– Đánh bạc là gì hở ba ?

Thế là người cha giải thích thế nào là đánh bạc. Đứa bé nghe xong, mỉm cười sung sướng và nói:

– Sau này lớn lên con sẽ không lo lắng gì cả. Con sẽ đến đây đánh bạc như cha là sẽ giàu có.

Người cha nghe câu nói của con mà lạnh người. Ông suy nghĩ và không nói gì nữa. Từ đó ông bỏ hẳn nghề đánh bạc.

Gương mù gương xấu là như thế đấy chúng con!

Chính vì thế mà chúng con thấy thái độ của Chúa Giêsu đối với vấn đề gương mù gương xấu thật là nghiêm khắc khác thường!

Chúa nhắc đi nhắc lại tới 4 lần điệp khúc: “Làm cớ sa ngã” và lần nào Chúa cũng kèm theo những lời cảnh cáo thật khắt khe khiến ai cũng cảm thấy sợ.

Thử hỏi Chúa muốn gì khi nói như thế? – Rõ ràng Chúa muốn bênh vực những ai tin Chúa và bảo vệ họ. Không phải chỉ bảo vệ họ khỏi những hiểm nguy của thân xác mà còn bảo vệ cuộc sống tốt đẹp của những người làm con của Thiên Chúa nơi mỗi kẻ tin Ngài nữa.

Tự mình phạm tội đã là chuyện chẳng tốt lành gì rồi. Làm cớ cho những người đang sống tốt lành khiến họ sa ngã phạm tội thì quả thật là tội vô cùng đáng trách.

Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy Chúa rất thương và khoan dung với những người tội lỗi nhưng lại rất nghiêm khắc với những người làm cớ cho những người khác phạm tội.

Cha kể cho chúng con câu chuyện này. Câu chuyện do ông O. Henry, một nhà văn Mỹ lừng danh về chuyện ngắn viết. Ông đã viết một câu chuyện về một em bé gái mồ côi mẹ rất hay như thế này. Cha cô bé có thói quen mỗi khi đi làm về là ngồi ngay xuống ghế, mở cặp, lôi giấy tờ ra, đốt ống điếu và gác chân lên ngăn kệ đặt gần lò sưởi. Một lần kia con ông là một bé gái mở cửa bước vào. Em xin ông chơi đùa với em một lát vì em cảm thấy rất cô đơn. Lần này cũng như những lần trước, ông luôn bảo ông rất mệt, hãy để cho ông yên. Và ông bảo con ông hãy ra đường mà chơi. Thế là cô bé đi ra chơi ở ngoài đường, và truyện không tránh được đã xảy ra là sau những ngày tháng chơi ở ngoài đường, em đã trở thành một cô gái đứng đường. Thời gian trôi qua, ông bố chết và cô bé cũng chết. Linh hồn cô được đưa lên đến Thiên Đàng. Thánh Phêrô vừa trông thấy cô liền thưa với Chúa Giêsu:

– Thưa Thầy, đây là cô gái thật xấu nết. Con nghĩ phải đưa thẳng cô ta xuống hỏa ngục.

Nhưng Chúa Giêsu ôn tồn đáp:

– Không, hãy cho cô ấy vào.

Rồi đôi mắt ngài trở nên nghiêm nghị:

– Và con hãy đi tìm người cha đã từ chối không chịu chơi đùa với con gái nhỏ của mình, đuổi nó ra thiên đường, và đưa hắn xuống hỏa ngục.

Chúng ta hãy xin Chúa cho mỗi người chúng ta được luôn sống làm gương sáng cho mọi người. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Thánh Marco vừa thuật lại một câu chuyện mà cha chắc là phải Chúa buồn.

Chúng con biết tại sao không?

– Thưa cha, tại các môn đệ của Chúa cãi nhau.

– Rất đúng! Chúng con giỏi quá. Đúng là như vậy.

– Môn đệ của Chúa cãi nhau về vấn đề gì nào?

– Thưa cha…cãi nhau xem ai là người lớn nhất.

– Giỏi nữa. Thế chúng con đã cãi nhau bao giờ chưa?

– Dạ rồi.

– Cãi nhau về vấn đề gì?

…………

Đây cha kể cho chúng con nghe câu chuyện này:

Một ngày nọ, các màu sắc nổ ra một cuộc tranh cãi lớn. Màu nào cũng cho rằng mình mới là sắc màu tuyệt vời nhất, quan trọng nhất và được hết thảy mọi người yêu thích.

Màu xanh lá cây nói:

– Rõ ràng mình là màu quan trọng nhất. Mình là dấu hiệu của sự sống và hy vọng. Chính vì thế mà mình được chọn là màu của cỏ cây, của hoa lá. Không có mình, cả thế giới này chỉ là một nơi khô cằn, chết chóc. Các cậu thử nhìn khắp các vùng làng quê xem, đâu đâu cũng thấy mình trên đó.

Màu xanh dương vội ngắt lời:

– Sự tồn tại của bạn chỉ giới hạn trên đất đai mà thôi, sao bạn không thử nhìn bầu trời và mặt biển xem. Không phải nước là nguồn sống cơ bản của mọi vật à? Còn bầu trời lại cho bạn không gian, sự bình an trong tâm hồn. Rõ ràng, nếu không có tôi, thế giới này sẽ không hoàn hảo chút nào.

Nghe vậy, màu vàng mỉm cười và lên tiếng:

– Sao các bạn lại quan trọng hóa những vấn đề nhỏ nhặt như thế nhỉ? Chính mình là người mang lại tiếng cười, niềm vui và sự ấm áp cho hành tinh này, bởi mình là màu của mặt trời, mặt trăng, của các vì sao. Hãy ngắm nhìn màu vàng rực rỡ của đóa hướng dương mà xem, chẳng phải nó khiến các bạn thấy cả thế giới đang mỉm cười với mình hay sao? Không có mình sẽ không có niềm vui đâu.

Màu da cam lớn tiếng:

– Còn mình là màu tượng trưng cho sức khỏe và sự mạnh mẽ. Có lẽ các bạn ít thấy mình, nhưng mình quý lắm đấy nhé! Mình chứa đựng những vitamin quan trọng cho con người. Tuy không phải lúc nào mình cũng có mặt, nhưng khi mọi người ngắm nhìn bầu trời lúc bình minh hay hoàng hôn, không ai tránh được sự cảm phục trước vẻ kiều diễm của mình cả.

Không thể chờ đợi lâu hơn nữa, màu đỏ cất giọng phản đối:

– Mình mới là màu thống trị thế giới. Mình là màu của máu, và ai cũng biết rõ máu là thứ quan trọng nhất cho sự sinh tồn của loài người. Mình cảnh báo hiểm nguy và tượng trưng cho lòng dũng cảm. Mình sẵn sàng chiến đấu vì chính nghĩa, kêu gọi lòng nhiệt tình, tự tin chiến thắng. Không có mình, trái đất này sẽ vô vị và vắng lặng như chốn hoang mạc. Mình cũng chính là màu tượng trưng cho đam mê và tình yêu, là màu của hoa hồng, hoa trạng nguyên và của trái tim đang nồng cháy.

Đến lúc này thì màu tím mới đứng dậy, hết sức duyên dáng nhưng cũng thật sắc sảo:

– Mình là sắc màu của hoàng gia và sức mạnh. Các vì vua, các nhà lãnh đạo và các vị quyền cao chức trọng đều chọn mình cho dấu hiệu của uy quyền và thông thái. Khi đứng trước mình, mọi người đều không bao giờ dám thắc mắc. Họ chỉ biết lắng nghe và phục tùng.

Khi tiếng xôn xao còn chưa kịp lắng xuống, màu chàm đã cất giọng, rụt rè nhưng cũng khá quyết liệt:

– Còn mình, mình là màu của sự im lặng. Bạn khó mà nhận ra mình giữa đám đông, nhưng nếu không có mình, các bạn chỉ là những kẻ hời hợt, nông cạn và thiển cận. Mình tượng trưng cho tư duy, cho bề dày của lịch sử, của những điều bí ẩn… Các bạn phải cần mình mới có cân bằng, tương phản, cho những lúc lắng đọng tâm hồn và cho sự bình ổn bên trong.

Lời lẽ của màu sắc nào cũng đầy thuyết phục, nên chẳng ai chịu ai. Thế là chúng lại tiếp tục lớn tiếng đề cao bản thân và tranh cãi với nhau. Ai cũng muốn mình là sắc màu tuyệt vời nhất. Tiếng tranh cãi càng lúc càng lớn dần. Bỗng nhiên một ánh sáng lóe lên, bầu trời phủ kín đầy mây mù, sấm sét giật liên hồi. Mưa bắt đầu rơi. Các màu sắc sợ hãi nép sát vào nhau như để tìm chốn nương tựa. Giữa âm thanh hỗn độn đó, mưa bắt đầu lên tiếng:

– Các ngươi thật là một lũ ngu ngốc, tranh cãi nhau chỉ vì cái tôi ích kỷ, hẹp hòi, chỉ vì muốn mình nổi trội hơn người khác.

Đó là lý do khiến người ta hay cãi nhau. Cải nhau vì cái tôi ích kỷ, hẹp hòi, chỉ vì muốn mình nổi trội hơn người khác.

Các môn đệ của Chúa Giêsu hôm nay cãi nhau cũng vì những lý do đó. Ai cũng muốn làm lớn. Ai cũng muốn hơn người. Đó là cái gốc sinh ra những bất hoà giữa người với người và là cớ sinh ra sự cãi nhau.

2. Bây giờ cha hỏi chúng con đứng trước việc đó Chúa Giêsu đã có thái độ như thế nào?

Câu trả lời: Chúa kiên nhẫn giáo dục các môn đệ của Ngài. Chúa không giận, không la rầy. Bằng một thái độ của một bậc Thầy Chúa ôn tồn dậy dỗ các môn đệ.

Chúng con hãy nghe lời Chúa nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy.”

Chúa nói hay quá chúng con. Đây có thể coi là một toa thuốc chữa bệnh cãi nhau. Toa thuốc này gồm có hai thứ:

– Thứ nhất là sống khiêm nhường và phục vụ nhau

– Thứ hai là biết mở lòng đón tiếp và tôn trọng nhau.

Biết dùng hai loại thuốc này thì căn bệnh cãi nhau sẽ hết.

Cha mượn câu chuyện dụ ngôn này để chúng con thấy được ý của Chúa. Câu chuyện về con Ngựa và con Trâu.

Ngựa và trâu cùng ăn cỏ trên một cánh đồng. Bỗng ngựa liếc nhìn trâu và khinh bỉ nói:

– Này tên thợ cày kia! Cớ sao mi dám ngọam cỏ cạnh ta? Đứng xa ra một tí đi! Có khôn thì biến đi cho khuất mắt ta!

Trâu rất bực, nhưng cũng cố nhịn mà nói lại:

– Sao anh lại giương vây giương cánh mà coi thường tôi thế?

– Hừm! Thế mi không thấy trên lưng ta có bộ yên đẹp hay sao? -ngựa đáp- Mi không thấy người ta đã dùng vàng bạc châu báu để trang điểm cho ta hay sao? Nhà vua thân chinh cưỡi ta, thường xoa bườm, vuốt ve và khen ngợi ta. Ta vừa có tài chạy mau, lại vừa có ích. Còn mi là cái thá gì? Nhà vua đâu có thèm nhìn tới.

– Điều đó rất đúng!- Trâu cất giọng ồ ồ đáp-, nhưng dẫu sao tôi vẫn có ích hơn bạn. Tôi tuy chậm chạp nhưng có sức. Giả sử tôi không cày ruộng, không vò lúa, không kéo xe chở thóc về kinh đô, không quay bánh xe ở cối xay bột, thì chẳng những anh mà ngay cả đến nhà vua phúc hậu cưỡi anh cũng nhăn răng mà chết. Tôi đã đem sức lao động của mình làm cho nhân dân khắp thế gian được no ấm.

– Cha cái tên khốn kiếp kia!- Ngựa hí lên- , đừng có già mồm nói láo, ta đá cho lòi ruột ra bây giờ !

-Trâu cũng không lép vế, lớn tiếng mắng lại ngựa. Hai con vật sắp ẩu đả thì vừa lúc ấy voi đi tới. Voi đã nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, liền nói :

– Hai tên mất trí kia, cãi nhau như vậy thì được tích sự gì. Cả hai chú đều vô ích, mỗi chú làm được một việc khác nhau. Này, chú ngựa hãy nghe ta nói: Trâu không làm được việc của chú, còn chú cũng không thay được trâu. Chú hầu hạ người, còn trâu thì làm việc cho người, cả hai đều có ích. Những lời chú tự khen mình chỉ là những lời rỗng tuếch. Thôi đừng cãi nhau nữa, người nào việc nấy đi làm đi!

Nghe xong, thấy Voi nói phải, Ngựa đâm ngượng. Từ đó trở đi, ngựa không bao giờ khoe khoang và gièm pha người khác nữa. Ngựa hiểu rằng ai lao động thì cũng đều đem lại lợi ích cho mọi người.

Nếu ai cũng biết mình thật sự là ai và sống để làm gì thì chắc là thế giới này sẽ tốt đẹp biết bao! Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe dài và nói về nhiều vấn đề quá. Nào là việc Chúa hỏi các môn đệ xem sau một thời gian dài Chúa rao giảng cho mọi người thì người ta nghĩ Chúa là Người như thế nào. Nào là việc Chúa trực tiếp hỏi xem chính các môn đệ nghĩ Chúa là ai. Rồi sau đó Chúa công khai loan báo về cuộc khổ nạn Chúa phải chịu và cuối cùng Chúa quyết liệt đòi hỏi những ai muốn theo Chúa thì phải từ bỏ mạng sống mình, rồi phải vác thập giá mình mà theo.

Cha hỏi chúng con với tất cả những việc như thế Chúa muốn chúng ta điều gì?

………………

Khó phải không chúng con?

Cha tưởng Chúa muốn chúng ta phải hiểu Chúa cho đúng. Hiểu Chúa cho đúng là hiểu Chúa Là Ai. Chúa xuống thế làm người để làm gì? Đâu là con đường Chúa theo để thực hiện ý muốn của Thiên Chúa Cha và muốn đi theo Chúa thì con người phải làm gì.

Nhiều quá phải không chúng con?

Bởi vậy hôm nay cha chỉ muốn nói về một điểm thôi. Đó là việc Chúa đòi hỏi những ai muốn theo Chúa thì phải từ bỏ mình vác vác thánh giá mà theo. Nào chúng ta hãy nghe lại Lời Chúa: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”(Mc 8,34) Rồi sau đó Chúa giải thích: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”(Mc 8,35)

Cha hỏi chúng con: Tại sao Chúa lại đòi hỏi quá khó như vây?

Trước khi tìm một câu trả lời, cha hỏi chúng con thêm một câu nữa: Trước khi Chúa đòi hỏi như thế, Chúa đã làm gì? Chúng con nhớ lại một chút xem. Tin Mừng ghi: Trước khi Chúa đòi hỏi các môn đệ như thế Chúa đã báo trước về cái chết Chúa sắp phải chịu. Chúa bảo các môn đệ như thế này: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.(Mc 8,31) Sau đó Tin Mừng còn nhấn mạnh thêm: “Người nói rõ điều đó, không úp mở”(Mc 8,32). Tới đây thì cha thấy câu trả lời đã rõ: Chúa muốn chúng ta noi gương bắt chước Chúa.

Chúa đã chấp nhận đi qua con đường Thánh Giá khổ nhục rồi mới đến vinh quang Phục Sinh. Chính Chúa đã muốn đi qua cái chết đau đớn rồi mới tới ngày sống lại vinh quang. Bởi vậy mà Chúa đã nói với các môn đệ: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.

Sở dĩ Chúa làm thế là để làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha. Vì Thiên Chúa Cha muốn Chúa Giêsu Con của mình làm thế để cho loài người biết Thiên Chúa yêu thương loài người như thế nào. Chính Chúa Giêsu cũng đã có lần cũng cho biết như vậy: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hiến thân vì người mình yêu.”

Bởi vậy tuy những lời Chúa nói hôm nay, có khó nghe và khó chấp nhận. Nhưng đó là điều Chúa muốn. Môn đệ không thể hơn Thầy. “Môn đệ không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Môn đệ được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi.(Mt 14,24-25)  Chúa đã đi qua con đường Thập Giá rồi mới tới vinh quang, phục sinh thì chúng ta là những môn đệ của Chúa muốn có vinh quang thì cũng phải đi vào con đường đó.

Cha kể cho chúng con câu chuyện này. Câu chuyện có tên là: Miếng Đất Sét Và Tách Trà Quý. Chúng con đã thấy cái tách trà bao giờ chưa? Cha chắc chúng con đã thấy rồi. Câu chuyện ấy như thế này:

Cái tách trà một lần kia đã tâm sự: “Trư­ớc đây, tôi không phải là cái tách trà xinh xắn đẹp đẽ như thế này đâu. Trước đây tôi chỉ là một miếng đất sét đỏ. Rồi một hôm, ông chủ đem tôi nhào nặn, đập dẹt ra, rồi nhào, rồi lại đập dẹt ra. Tôi sợ quá, nên đã hét lên:

–  Buông tôi ra

Nh­ưng ông chỉ c­ười:

– Chư­a đ­ược đâu.

Sau đó, ông đặt tôi lên một cái bàn xoay, xoay tôi liên tục đến độ tôi phải kêu lên oai oái:

– Dừng lại đi, tôi chóng mặt lắm

Thế nhưng ông lại nói:

– Chư­a được đâu!

Rồi ông ấy đặt tôi vào lò nung, nóng khủng khiếp. Tôi không hiểu tại sao ông ta lại muốn hành hạ tôi, đốt tôi như thế. Tôi đập mạnh vào thành lò bồm bộp nhưng chỉ nghe tiếng ông nói:

– Vẫn chư­a đư­ợc đâu. Một lúc lâu sau, ông mới lôi tôi ra và đặt tôi ngồi trên kệ để ngư­ời tôi nguội dần. Tôi cảm thấy thật dễ chịu. Như­ng th­ưởng thức cảm giác đó chư­a đ­ược bao lâu, con ngư­ời khó tính kia lại bắt đầu lấy một chất lỏng quét lên bên ngoài ng­ười tôi. Tôi không chịu đ­ược và gào lên:

– Hãy dừng lại

Nh­ưng ông vẫn chỉ gật gù:

– Chư­a đâu.

 Rồi tôi lại bị đặt vào lò và lần này là cái lò nóng gấp đôi lần tr­ước. T­ưởng như­ mình chết ngạt đến nơi, tôi khóc và van xin nhưng ông vẫn kiên quyết nói:

– Vẫn chư­a được!

 Tôi chẳng còn hy vọng gì nên đành buông xuôi theo số phận.

Đột nhiên cửa lò bật mở, ông chủ bế tôi ra và cẩn thận đặt trên kệ. Ông đặt một cái gương trư­ớc mặt tôi rồi nói:

– Hãy nhìn mình xem.

Tôi nhìn và thốt lên trong ngạc nhiên:

– Tôi đây sao? Giờ tôi trở nên xinh đẹp thế này ­sao?

Lúc này, ông chủ của tôi mới bắt đầu lên tiếng:

– Ta biết con sẽ đau đớn lắm khi bị ta nhào nặn nhưng nếu ta không làm thế, con sẽ bị khô đi và trở nên vô dụng. Ta biết bị xoay trên bàn nặn là vô cùng chóng mặt, nhưng nếu ngưng lại con sẽ bị méo mó. Ta cũng biết lò nung rất nóng và làm con rát bỏng nhưng nếu không vào đó con sẽ không trở nên cứng cáp và dễ nứt vỡ. Ta cũng biết mùi sơn làm con rất khó chịu, như­ng nếu không làm vậy, con sẽ nhạt nhẽo chẳng có chút màu sắc nào cả. Ta buộc phải đặt con vào lò nung thêm một lần nữa để con cứng cáp và bền chắc. Còn giờ đây, sau bao khổ luyện, con đã là một sản phẩm đẹp và hoàn chỉnh. Ta thật sự hãnh diện về con! Phải qua những thử thách vất vả con mới trở thành một tách trà đẹp nh­ư thế con ạ.

Để kết thúc xin mượn lời của ngôn sứ Isaia để thưa với Chúa.

Lạy Chúa, Ngài là Cha chúng con. Chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài. Chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.

Cúi xin Ngài nhìn đến: chúng con tất cả đều là dân của Ngài.

Xin hãy làm cho chúng con hiểu rằng: Đau khổ, nghịch cảnh không phải là một tảng đá cản lối bước, nhưng là những thềm đá nâng con lên cao hơn, cao tới tận Thiên đàng. Amen.

Nguồn: LM. Giuse Đinh Tất Quý – TGP Sài Gòn
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20180911/43895

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Cha hỏi chúng con: Chúa Giêsu đã làm gì trong bài Tin Mừng hôm nay?

– Thưa cha Chúa đã chữa cho một người mắc bệnh vừa câm vừa điếc.

– Thế chúng con đã thấy ai câm bao giờ chưa?

– Thưa cha… thấy rồi.

– Còn người điếc.

– Thưa cha cũng đã thấy.

– Thế cha hỏi chúng con, sau khi được chứng kiến việc Chúa Giêsu làm người ta đã có phản ứng như thế nào?

– Thưa cha, họ hết sự kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.“(Mc 7,37)

– Rất đúng! Chúng con trả lời hay quá. Cha khen chúng con.

– Cha hỏi câu cuối cùng: Chúng con có muốn được người ta khen chúng con như họ đã khen Chúa Giêsu không? Khỏi cần trả lời cha cũng biết ai trong chúng con mà lại không mong được như thế.

 Cha kể cho chúng con câu chuyện nhỏ này.

 Đây là một trong những câu chuyện giáo dục mà người Đức hay kể cho nhau nghe. Đó là câu chuyện kể về một em bé có tên là Jeannette. Hôm đó em Jeannette được cùng với cha mẹ đi xem một cuộc diễn binh lớn. Vì là con của một chức sắc cao cấp cho nên em được ngồi ở trên khán đài với cha mẹ. Chung quanh khán đài có cả hàng ngàn người cùng đứng xem. Hôm đó Hoàng đế và Hoàng Hậu cũng có mặt trên khán đài. Từ trên khán đài Jeannette thấy một bà cụ yếu đuối, đang cố gắng kiễng chân mình lên để xem nhưng chắc là cũng chẳng thấy gì. Khi thấy như vậy, Jeannette bèn thầm nghĩ trong lòng:

– Mình khỏe mạnh mà ngồi đây, để cho bà cụ già yếu đuối kia đứng chen chúc cố gắng mãi mà không thấy gì thì không nên. Mình phải kính trọng người già để sau này mình về già, người khác cũng sẽ kính trọng lại mình như vậy!

Nghĩ như thế nên cô bèn đi xuống mời bà cụ lên đứng vào chỗ của mình rồi tự nguyện ra đứng chỗ đám đông. Và thật bất ngờ trong khi cô đang cố nhón chân mình lên để xem thì một người lính cận vệ của nhà vua mặc áo giáp vàng, lách đám đông đến trước mặt cô và nói:

          – Cô bé ơi, hoàng hậu cho mời cô đến ngồi bên cạnh người!

          Bé Jeannette ngạc nhiên khi đứng trước mặt hoàng hậu, nhưng hoàng hậu nói rằng:

          – Hãy ngồi bên cạnh ta, ta đã thấy con nhường chỗ cho bà cụ già, nên bây giờ con được phép ngồi cạnh ta!

Cô bé này đã làm một việc mà Hoàng hậu cũng phải cảm phục vì đó là một việc tốt.

Cha thấy trong cuộc sống chẳng thiếu gì những việc tốt mà mọi người có thể làm. Chỉ tiếc có một điều là nhiều người biết là tốt mà không dám làm hay không chịu làm thôi. Chúng con hãy cố gắng để làm việc tốt, càng nhiều càng hay.

Cha lấy một thí dụ:

Một bé gái nọ có thói quen đọc kinh trước khi đi ngủ. Ngày kia, em bị bệnh nặng phải vào nhà thương. Các bác sỹ cho biết chỉ có giải phẫu mới có hy vọng cứu sống em. Trước khi cho thuốc gây mê, các bác sỹ và y tá báo cho em biết là em sẽ được ngủ một giấc dài. Nghe nói ngủ, cô bé ngây thơ đã xin được quỳ xuống cầu nguyện. Thế là trước mặt mọi người, cô bé quỳ gối cầu nguyện một cách hết sức chân thành, và em kết thúc bằng lời nguyện như sau: “Xin Chúa cho con được chóng lành bệnh”. Cầu nguyện xong, em bé nằm xuống và xin các bác sỹ và y tá tiến hành cuộc giải phẫu…

Ngày hôm sau, cô bé tỉnh dậy với nỗi đau tội cùng. Câu hỏi đâu tiên của em với bác sỹ là:

– Cháu có được lành bệnh không, thưa bác sỹ?

Vị bác sỹ nhìn thẳng vào đôi mắt của em và đáp với tất cả sự xúc động:

          – Cháu hãy để cho Chúa lo liệu, bác chưa biết được kết quả của cuộc giải phẫu. Nhưng có một điều bác tin chắc, đó là cháu đã cứu được một người, và người đó không ai khác hơn đó chính là bác đây! Từ lâu, bác đã không đến nhà thờ, bác không còn nhớ đến Chúa và cũng không bao giờ cầu nguyện nữa. Thế nhưng, hôm qua khi nhìn thấy cháu cầu nguyện một cách thật sốt sắng, bác không cầm được nước mắt. Chúa đã đánh động bác. Sáng nay, bác đã đến nhà thờ xưng tội và chịu lễ. Bác tin chắc rằng Chúa đã nhận lời cháu. Cháu đừng lo lắng nữa. Hãy phó thác cho Thiên Chúa!”.

Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mới hiểu rõ điều gì tốt đẹp chúng ta người ta làm cho nhau.

Chúa Giêsu đã làm cho mọi người phải kinh ngạc mà thốt lên: Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả”(Mc 7,27). Những việc tốt đẹp Chúa làm thì không sao kể cho hết được. Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy rất rõ điều đó.

Cha muốn kết thúc bài nói chuyện hôm nay bằng câu chuyện này. Câu chuyện được viết trong một cuốn sách mà cha rất thích. Đó là cuốn Những Tâm Hồn Cao Thượng. Đây là lời của một bà mẹ khuyên con.

Sáng hôm nay, lúc đi học về, con đi trước mẹ, con đã gặp một người đàn bà nghèo bế một đứa con nhỏ xanh xao yếu đuối và chìa tay xin con bố thí. Mẹ thấy con đã nhìn người ta bằng cặp mắt lạnh lùng và con đã chẳng cho bà ta gì cả và mẹ biết lúc ấy túi con đang có tiền. Nghe mẹ, con ơi!

Con đừng tập thói làm ngơ trước người nghèo khó ngửa tay xin con; hơn nữa con lại càng không nên bước qua một người mẹ xin ăn cho đứa con của mình. Con hãy nghĩ đến đứa trẻ thơ bụng đang đói, nghĩ đến sự đau khổ của người mẹ.

Mỗi khi mẹ bố thí cho kẻ nghèo thì bao giờ họ cũng cảm ơn và cầu chúc cho mẹ, cho cả nhà ta được mọi sự lành. Những lời chúc ấy nghe êm ái biết là dường nào! Và lòng tạ ơn họ không biết bao nhiêu.

Những lời cầu nguyện ấy sẽ thấu đến đấng Thượng đế để ngài phù hộ cho tất cả những người thân yêu của ta. Vì thế, mẹ trở về rất hài lòng và tự nhủ:

– Người ấy đã cho ta nhiều hơn là ta đãi họ!

Enricô ơi! Con hãy nghe lời mẹ: thỉnh thoảng con nên bớt một vài xu trong túi tiền của con để cho người già không chốn nương thân, người mẹ không có gạo, đứa trẻ không mẹ không có cha. Những kẻ nghèo khó thích xin trẻ con vì khi làm như thế họ không cảm thấy nhục, vì trẻ con cũng như họ là những người phải cần đến mọi người. Con có nhận thấy ở quanh trường con thường có nhiều kẻ ăn xin không? Sự bố thí của người lớn là một việc làm phúc, nhưng sự bố thí của trẻ con không những là một việc làm phúc mà còn là một sự vỗ về nữa, vì mỗi lần đứa trẻ đem cho thì hình như đồng tiền của nó có kèm theo một bông hoa ở trong tay nó rơi ra.

Con ơi! Con phải biết con có đủ cả, chứ kẻ khó thì thiếu hết. Khi con mong được sung sướng thì người nghèo chỉ cầu sao cho khỏi chết. Trong một đám người có bao nhiêu là nhà giàu, trong một dẫy phố có bao nhiêu người sang trọng qua lại, có bao nhiêu đứa trẻ ăn mặc xa hoa, thế mà mẹ vẫn còn thấy nhiều đàn bà và trẻ con đói khát, rách rưới! Thực đáng buồn thay!

Muốn cho người ta khỏi chê con là một kẻ vô tình thì từ sau, con đừng bước qua một kẻ khó mà không cho gì nhé.

Mẹ con.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Tin Mừng hôm nay vừa thuật lại cho chúng ta một cuộc đụng độ giữa một bên là Chúa Giêsu và một bên là những kinh sư cùng những người biệt phái.

Cha đố chúng con hai bên đụng độ với nhau về vấn đề gì nào?

– Thưa cha về vấn đề sạch dơ.

– Chúng con trả lời rất hay. Đúng là như vậy.

Trong cuộc đụng độ này cha thấy Chúa Giêsu của chúng ta đã có những nhận xét rất hay. Đây chúng con hãy nghe lại Lời Chúa: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”(Mc 7,14-15.21-23).

Bây giờ cha tiếp tục giải thích cho chúng con nghe.

Chúng con thấy ở trên đời này có rất nhiều hạng người.

1. Có những người bên ngoài rất đẹp nhưng bên trong không biết có đẹp không. Cha kể cho chúng con câu chuyện này xem chúng con thấy như thế nào.

Trong một chương trình buổi tối trên một kênh truyền hình Hoa Kỳ, một cô gái điếm đã được mời đến phát biểu ý kiến dựa theo một số câu hỏi của phóng viên. Cô trang điểm diêm dúa và mặc một chiếc váy thật ngắn. Cô đã tỏ ra không những bình tĩnh, mà còn khiêu khích trước những câu hỏi của phóng viên.

Chợt nhìn thầy trên cổ của cô một sợi dây chuyền vàng to với một cây Thánh giá thật đẹp, người phóng viên liền thay đổi một đề tài. Ông hỏi cô: “Tôi thấy cô đeo Thánh giá trên cổ, hẳn cô là người có Tôn giáo”.

Khán giả thấy rõ sự bối rối của cô, vì đây là vấn đề mà cô không bao giờ nghĩ tới. Sau một hồi do dự, cô trả lời: “Tôi không theo đạo nào cả”.

Người phóng viên hỏi dồn: “Vậy tại sao cô lại mang Thánh giá trên người?”.

Cô thinh lặng cúi xuống sàn nhà một hồi lâu, rồi trả lời: “Lúc nhỏ tôi có đạo, nhưng đó là chuyện xưa rồi”.

Cha hỏi chúng con người con gái này đẹp ở bên trong hay bên ngoài.

2. Có những người bên ngoài xem ra chẳng đẹp tí nào, nhưng bên trong không biết có đẹp hay không thì cha để chúng con xét,

Trong mẩu truyện ngắn với tựa đề Đồng vọng được đăng trong tuyển tập bốn mươi truyện rất ngắn do hội Nhà văn xuất bản, tác giả Lã Thế Khanh đã kể lại cuộc gặp gỡ cảm động giữa hai người mù: một bà lão ăn xin và một bé gái cũng ăn xin.

Bên một đống rác lớn, bà lão van vỉ xin khách qua đường giúp đỡ nhưng không có một hồi âm nào ngoài tiếng vo ve của mấy con nhặng xanh đang tranh ăn trên một chiếc lá bánh. Bà lão vẫn tiếp tục van vỉ điệp khúc cũ, nhưng càng về sau càng thống thiết, những câu nói rời rạc như rãi chảy ra từ khuôn miệng dúm dó, xệch xạc của bà.

Trong khi đó, tại một gốc cây sếu già, một bé gái ăn xin mù lòa đang thiu thiu ngủ, nó gối đầu trên một cái túi khâu bằng nhiều loại vải cũ, một cái bát sắt hoen dỉ thủng đáy nằm lăn lóc bên cạnh. Từ sáng sớm đến giờ chưa có gì trong bụng, cho nên cô bé đói rũ người, nó hy vọng giấc ngủ xua tan cái đói. Cô bé bỗng giật tót người: có một bàn chân nào đó dẫm lên người nó. Đang lúc đói mệt, cô bé gầm lên:

– Mù à, người ta nằm đó mà dẫm lên!

Bà lão ăn xin lại van vỉ:

– Bà mù, bà mù thật cháu à. Thôi bà đã trót, cho bà xin.

Lặng đi một lát, cô bé đưa hai tay sờ mặt mình, từ hai hốc mắt của nó những giọt nước mắt mặn chát chảy ra, nó ngập ngừng:

– Cháu… Cháu xin lỗi bà, cháu không biết bà như thế.

Bà lão ngúc ngoắc đầu như thể chấp nhận, rồi tiếp tục đi về phía có đông người. Ngẫm nghĩ điều gì đó, cô bé lấy trong túi áo ra tờ giấy bạc hai trăm đồng mất góc, quả quyết:

– Bà ơi? Cháu biếu bà này!

Nhưng gió thổi lá rơi vào nón, bà lão ngộ nhận cô gái dối mình, còn cô gái thì chờ mãi mà vẫn không thấy bà lão nhận tiền.

Cha hỏi chúng con cô bé mù trong câu chuyện trên thế nào? Có đẹp không? Bên trong hay bên ngoài.

– Dạ thưa cha…bên trong.

– Rất đúng! Ước gì chúng con cũng đẹp như thế. Cha thấy có nhiều thiếu nhi chúng con rất nghèo, nhưng chúng con lại sống rất tốt. Xin Chúa chúc lành cho chúng con.

3. Bây giờ cha hỏi: Chúa muốn chúng ta sống thế nào?

Cha nghĩ phải đẹp cả bên trong lẫn bên ngoài

Người ta kể một câu chuyện có tính cách ma quái như thế này. Có hai người bộ hành đi đường xa. Đêm đến họ phải vào một cái miếu để ngủ nhờ. Đây là một ngôi miếu nổi tiếng là nhiều ma quái. Bầu không khí lạnh lẽo đến rợn người, làm cho hai người khách bộ hành cảm thấy sợ khi đã vào trong miếu.

Trong hoàn cảnh này người không có đạo nói với người bạn có Đạo của mình rằng:

– Anh làm ơn cho tôi mượn cây Thánh Giá anh đang đeo ở cổ anh đi. Tôi sợ quá! Hy vọng rằng cây Thánh Giá của anh sẽ làm cho tôi bớt sợ.

Thế là người có đạo này gỡ cây thánh giá của anh đang mang ở cổ trao cho người bạn không có đạo mượn. Và rồi hai người cùng nằm nghỉ đêm.

Trời về khuya, con yêu tinh xuất hiện, nó rờ vào cổ của người có đạo, tính sát hại người này, nhưng nó bỗng thốt lên:

– Người này có trong mà không có ngoài.

Con yêu tinh có ý nói rằng người này là một người Kitô hữu đích thực, tuy không mang trong mình một dấu hiệu của Kitô giáo cả.

Qua người không có đạo, con yêu tinh chạm đến cây thánh giá người này đeo ở cổ, nó thốt lên:

– Người này có ngoài mà không có trong.

Con yêu tinh có ý nói rằng, người này tuy mang cây thánh giá ở cổ, nhưng không phải là người Kitô giáo đích thực.

Câu chuyện là như vậy! Chắc chúng con cũng thấy: Có rất nhiều người có đạo như chúng con. Bên ngoài xem ra họ rất tốt, thế nhưng không biết tâm hồn của họ có phải là tâm hồn của người có đạo đích thực không? Hay như chúng con, cha thấy cũng có nhiều đứa đeo Thánh Giá vàng trên cổ, mang chuỗi Mân côi nhỏ trên cổ tay nhưng không biết chúng con có thực sự tốt như Chúa Giêsu mong muốn không hay chỉ là cái vẻ bên ngoài.

 Xin Chúa cho tất cả chúng ta biết sống thật đẹp. Đẹp cả bên ngoài lẫn bên trong. Có như thế chúng ta mới xứng là Con của Thiên Chúa.

Cha muốn kết thúc bằng câu chuyện đẹp này:

Năm 1914 một cuộc hỏa hoạn đã làm tiêu tan sản nghiệp của Thomas Edison. Chỉ trong một phút chốc bao nhiêu thiết bị và các tài liệu phát minh của ông đã trở thành mây khói.

Khi cơn hỏa hoạn vừa bộc phát, cậu con trai của ông là Charles đã vội chạy đi tìm Cha và đã nhìn thấy ông đang đăm chiêu trước ngọn lửa.

Tuy nhiên khi vừa trông thấy con, Edison đã gọi: “Charles, mẹ con đâu Con hãy đi kiếm mẹ con đến đây vì mẹ con sẽ chẳng còn bao giờ còn được thấy cảnh như thế này nữa trong cuộc đời của bà.”

Ngày hôm sau khi rảo quanh đống tro tàn của biết bao mơ ước và hy vọng, cụ già trên 60 tuổi đã thốt lên những lời rất cảm động như sau: “Cơn hỏa hoạn này thật là giá trị: Tất cả lỗi lầm của chúng ta đã được đốt sạch. Cám ơn Chúa đã cho chúng ta có dịp để bắt đầu làm lại.” Ba tuần sau ông cho ra đời chiếc dĩa hát đầu tiên. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Đọc lại Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay, cha thấy có hai câu chuyện làm cha cảm động. Một câu chuyện trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Gio-suê của Cựu Ước. Một từ bài Tin Mừng với lời tuyên xưng trung thành theo Chúa của các tông đồ.

1. Trước tiên là câu chuyện trong sách Giôsuê. Câu chuyện hết sức cảm động. Đây chúng con nghe.

Được sinh ra từ Ai Cập, Giô-suê cảm thấy sự nhục nhã của thân phận tôi đòi, nô lệ. Được Chúa đưa ra khỏi Ai Cập cùng với toàn dân, ông luôn  luôn ở gần Môise và thi hành các chỉ thị của Ngài. Suốt cuộc đời, dù gặp gian nan thử thách, Giô-suê vẫn một mực trung thành với Chúa. Không bao giờ ông tỏ ra nao núng trước những cơn thử thách. Ông luôn tin tưởng. Khi Môise qua đời ông được Chúa chọn kế vị Moise. Ông dẫn dân vào miền đất hứa.

Chiếm được đất hứa xong, ông chia đất cho các chi họ.

Nhưng thói thường là sau khi đã được hưởng hòa bình thì người ta dễ dàng mắc phải những tật xấu. Thấy dân chúng đã dần dần quên Chúa, xa Chúa mà hướng về những thần bằng đất bằng đá. Ông nhóm họp các chi phái với các trưởng lão ở Sichem, nơi Apram lãnh lời hứa thứ nhất của Chúa sau khi đến xứ Canan.

Trước mặt các trưởng lão và các chi họ, ông bắt họ phải lặp lại giao ước mà từ bỏ mọi hình tượng.

Ông nói với toàn dân bằng những lời lẽ rõ rệt như thế này: “Ðức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en, phán thế này: “Thuở xưa, khi còn ở bên kia Sông Cả, cha ông các ngươi, đã phụng thờ các thần khác. Hôm nay nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Ðức Chúa, thì anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người E-mô-ri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Ðức Chúa.”

Dân đáp lại: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Ðức Chúa để phụng thờ các thần khác! Vì chính Ðức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Ðức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.”(Giô-suê 24,1-2a.15-18b)

Gio-suê và gia đình ông và cả dân It-ra-en đã chọn Chúa và hứa sẽ chỉ phụng thờ Người mà thôi. Thật là một thái độ rất đẹp và chắc chắn sẽ làm Chúa vui lòng.

Chúng con hãy noi gương Giô-suê và gia đình ông mà chọn và phụng sự Chúa.

Cha kể cho chúng con câu chuyện này:

Vua Thánh LOUIS nước Pháp sau khi lên ngôi đã không ký tên vào các văn tự, sắc chỉ hay tài liệu là “Louis IX Hoàng Đế” như thói quen của các vị vua tiền nhiệm, nhưng đã ký tên mình là “Louis thành Poissy”. Được hỏi lý do tại sao lại ký như vậy, nhà vua trả lời: “Poissy là nơi tôi được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Tôi thường nhớ đến Nhà thờ nơi tôi được rửa tội ở thành này hơn là Nhà thờ chánh toà thành Reims, nơi tôi được lãnh nhận triều thiên để trở thành Hoàng Đế. Theo tôi, được trở nên con cái Thiên Chúa cao trọng hơn là được làm vua một đến quốc, bởi lẽ vì khi tôi nhắm mắt xuôi tay, tôi sẽ mất chức vua; nhưng được làm con cái Thiên Chúa là sổ thông hành đưa tôi vào cuộc sống vĩnh cửu”.

Chọn được Chúa là được tất cả.

2. Câu chuyện thứ hai.

Tin Mừng cho chúng ta biết khi Chúa Giêsu bắt đầu đi giảng đạo, ngoài những người được Chúa gọi tông đồ tức nhóm 12, còn có nhiều người theo Chúa nữa. Trong số những người này có một nhóm được gọi là môn đệ. Họ theo Chúa nhưng không phải vì Chúa mà vì họ. Họ mong muốn Chúa đem lại cho họ những lợi lộc trần thế. Chính vì thế mà khi thấy Chúa không phải là người đem lại cho họ những lợi lộc trần thế như họ muốn thì họ sẵn sàng bỏ Chúa.

Hôm nay sau khi Chúa giảng bài giảng về bánh hằng sống, nhất là khi Chúa quả quyết: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.(Ga 6,53-57)

Nghe Chúa nói thế họ buồn. Họ bảo lời đó nói chói tai quá, nghe không được và họ bỏ Chúa.

Chúa buồn nhưng Chúa không lùi bước. Quanh Chúa còn lại nhóm 12. Chúa quay lại hỏi họ.

– Cả chúng con, chúng con có muốn bỏ đi không ?

Phêrô đại diện cho các anh em mình thưa với Chúa:

– Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống.

 Câu trả lời của Phêrô đã làm Chúa cảm động.

Ông Phêrô và cả nhóm 12 đã chọn Chúa.

Các ông đã bỏ tất cả để đi theo Chúa.

Ông không thể bỏ Chúa để đi theo bất cứ ai, bất cứ cái gì.

Lý do ông đưa ra, vì Chúa có lời ban sự sống đời đời.

H. Homen Dixon kể lại, ngày xưa có một ông vua, ông có hai người con. Ông muốn thử xem con nào là đứa con khôn để ông trao lại quyền cai trị của ông sau khi ông qua đời. Ông lấy một viên kim cương thật quí gói trong một tờ giấy thật xoàng, rất khó coi – còn viên kim cương giả bằng thủy tinh thì ông bỏ vào một cái hộp rực rỡ. Sau đó ông gọi 2 người con lại. Ông cho người con cả chọn trước, cậu con cả nhìn hai gói, thấy gói xấu nên bỏ qua và anh ta đã chỉ tay vào cái hộp đẹp.

Sau đó đến phiên người con út. Nó nhìn vào hai món đồ. Sau một phút suy nghĩ nó nhìn cha nó và nó nói với cha “Thưa cha, xin cha lựa giùm con”.

Và vua đã tìm ra được người kế vị mình. Ngay sau đó nhà vua đã cho mở gói quà được bọc trong tờ giấy thật xoàng ra. Ai nấy đều ngỡ ngàng. Ngay sau đó nhà vua liền sai thợ làm một cái mũ triều thiên thật đẹp và viên kim cương thiệt được đính lên đó. Xong, nhà vua cho đặt cái triều thiên đó trong cái hộp bằng vàng đẹp hơn cái hộp trước ngàn lần. Cuối cùng vua triệu tập thần dân lại và tuyên bố “Mai sau con út ta sẽ được nối ngôi làm vua và sẽ dùng cái mũ kim cương quí giá này làm vương miện” ..

Chúng con yêu quí,

Chúng con hãy bắt chước ông Phêrô mà chọn Chúa. Chọn Chúa không phải vì Chúa giầu sang phú quí. Không phải để được Chúa ban cho chức cao quyền cả nhưng chọn Chúa vì yêu mến Chúa và nhất là để được Chúa ban Lời hằng sống đời đời để giúp chúng ta đạt được hạnh phúc vô cùng quí giá với Chúa mai sau. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng con vừa được nghe một đoạn Tin Mừng do thánh Gioan ghi lại.

Chẳng cần phải nói dài chúng con cũng thấy đây là đoạn Tin Mừng được trích từ bài giảng về Bánh Hằng Sống của Chúa Giêsu.

Nói thế có nghĩa là bài Tin Mừng hôm nay nối tiếp tư tưởng các bài Tin Mừng của ba Chúa nhật trước đây. Trong những bài Tin Mừng trước, chúng ta thấy Chúa đã tuyên bố những lời làm cho người nghe khó hiểu. Hôm nay những lời tuyên bố của Chúa lại càng làm cho người ta khó hiểu hơn.

Chúng ta hãy nghe lại một lần nữa những lời tuyên bố của Chúa: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”(Ga 6,51).

1. Chúng ta phải hiểu lời Chúa làm sao?

Lời Chúa rõ ràng quá. Chúng ta không thể hiểu cách nào khác.

Khi người Do thái phản ứng: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6,52), người ta cứ tưởng Chúa sẽ dịu giọng lại, nhưng ai dè Chúa còn mạnh miệng quả quyết: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. (Ga 6,53-55)

Bằng nhiều phép lạ xuyên qua suốt dòng lịch sử của Giáo Hội chúng ta thấy những lời quả quyết của Chúa Giêsu là điều không thể hiểu cách nào khác.

Vào năm 700, lịch sử vẫn còn ghi lại. Tại Lanciano, Ý. Trong thánh lễ do một linh mục dòng Basiliô cử hành tại nhà thờ thánh Legozianô, vì một chút nghi ngờ đối với sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, cho nên, ngay sau khi đọc lời truyền phép, phép lạ đã xảy ra ngay trong tay vị linh mục: Bánh trở nên thịt sống và Rượu trở nên máu tươi rồi đông đặc lại thành năm cục to nhỏ.

Cho đến nay, sau 13 thế kỷ, người ta vẫn còn nhìn thấy rõ miếng bánh đã biến thành thịt có màu hơi nâu. Nếu nhìn dưới ánh sáng, ta sẽ thấy có màu hồng hồng, được đặt trong một mặt nhật bằng thủy tinh. Còn năm cục máu đổi thành màu vàng nghệ, được đặt trong một chén thánh cũng bằng thủy tinh, trưng bày trong nhà thờ thánh Legozianô – Lanciano, để khách hành hương tự do kính viếng.

Trong suốt dòng thời gian, giáo quyền đã cho làm nhiều cuộc thử nghiệm để kiểm chứng sự lạ này. Những cuộc giám nghiệm được tiến hành vào những năm 1574, 1637, 1770, 1886. Hai lần giám nghiệm mới đây nhất được tiến hành vào năm 1971 và 1981.

Rõ ràng là Chúa muốn hiến Mình và Máu Thánh Chúa làm lương thực nuôi linh hồn chúng ta.

Chỉ có một điều là làm sao chúng ta có thể “ăn thịt và uống máu” Chúa được?

Ở đây cha thấy Chúa thật khôn ngoan vô cùng. Chúa hiểu thật rõ, chẳng ai có thể làm như thế. Việc ăn thịt người từ xưa đến nay luôn là một điều mọi người ghê sợ và nhiều quốc gia cấm kỵ.

Vậy thì Chúa làm thế nào để giải quyết?

Thưa Chúa dùng con đường Bí Tích.

Sách Giáo lý chung viết rất hay: “Bạn hỏi: làm thế nào Bánh (1375) trở nên Mình Đức Kitô và Rượu trở nên Máu Đức Kitô? Tôi xin thưa với bạn: Chúa Thánh Thần ngự đến và thực hiện những điều đó, những điều vượt trên mọi lời nói và mọi tư tưởng”(1106).

Bí tích là sáng kiến độc đáo tuyệt vời của Chúa. Bằng Bí tích Thánh thể Chúa đã biến bánh thành Mình Thánh Chúa, rượu thành Màu Thánh Chúa để những ai tin Chúa có thể lãnh nhận một cách dễ dàng. Thiên Chúa có quyền làm như thế.

Khi thánh nữ Ghertrude suy niệm về bí tích Thánh Thể và tự hỏi làm sao Chúa có thể tự hạ mình xuống thấp như thế để hiện diện trên bàn thờ dưới hình bánh, thì chính Chúa Giêsu (2816) đã trả lời bà bằng câu chuyện sau:

Một hoàng tử nhỏ ở trong một lâu đài rộng lớn với đủ loại đồ chơi, ngày kia nhìn qua cửa sổ và thấy các đứa bé nghèo chơi trên đường. Thấy hoàng tử nhìn qua cửa sổ như thế, người giám hộ liền hỏi:

– Hôm nay hoàng tử muốn ở chơi trong lâu đài hay muốn ra ngoài chơi với các đứa bé trên đường phố?

– Tôi muốn ra ngoài chơi với chúng.

Được phép, hoàng tử khoác vào người bộ đồ cũ nhất và cả ngày chơi với các trẻ nghèo. Đây là một trong những ngày hạnh phúc nhất của cậu bé chốn cung đình.

Rồi Chúa nói với thánh Ghertrude:

– Ta giống như vị hoàng tử nhỏ kia. Ta muốn ở với con người, (788) đàn ông cũng như đàn bà. Bất cứ ai không đến với Mình Thánh hoặc ngăn cản kẻ khác đến rước lễ, kẻ ấy lấy mất đi của Ta một niềm vui lớn.

2.“Ta là bánh và là bánh trường sinh” (Ga 6,35,48).

Bánh trường sinh là bánh ban sự sống, không phải là sự sống của thân xác ở đời này – mà là sự sống muôn đời. Sự sống ấy bắt đầu ở đời này và tiếp tục mãi mãi về sau bất kể việc thân xác có bị kết thúc ở đời này bằng cái chết hay không. Đức Giêsu là bánh ban sự sống muôn đời vì Ngài là bánh hằng sống (Ga 6,51) – bánh có sự sống. Sự sống ở nơi Đức Giêsu là sự sống đã đạt tới mức độ hoàn hảo khi Ngài được phục sinh. Ngài được Cha ban cho sự sống dư tràn để rồi Ngài trở thành “Thần khí ban sự sống” cho chúng ta. (1Cr15,45).

Marthe Robin sinh năm 1902 tại Drôme (Pháp) trong một gia đình tiểu nông. Ngay từ nhỏ, sức khỏe của cô rất kém, nhưng bù lại tính tình lại luôn lạc quan vui vẻ. Năm 16 tuổi cô bị tê liệt, có lẽ vì bị viêm màng não. Luôn sống trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Sau hai năm chữa chạy, bệnh tình của cô đỡ hơn đôi chút. Năm 20 tuổi, cô cảm thấy như Chúa thúc đẩy muốn cô phải hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa qua việc chịu đau khổ. Năm 1925 tức năm cô được 23 tuổi, sức khỏe cô suy giảm trầm trọng, cô bị tê liệt hoàn toàn. Từ đó cô không thể rời khỏi giường. Cô luôn bị bệnh mất ngủ, không ăn uống gì được, chỉ rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày. Tháng 9.1923, trong một thị kiến, cô được chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Kitô và được in năm dấu thánh trên mình. Kể từ đó cứ vào ngày thứ sáu hàng tuần, cô bước vào cuộc thương khó của Chúa Kitô. Cô chỉ còn sống nhờ tình yêu và cho tình yêu Chúa Kitô thôi. Năm 1940, cô bị mù hoàn toàn. Năm 1980, cột sống cô bị vẹo đi, khiến cô bị đau đớn vô cùng. Cô qua đời ngày thứ sáu đầu tháng 6 năm 1981 thọ 79 tuổi. 56 năm không ăn không uống gì, chỉ sống nhờ việc rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày.

Chúng ta hãy hết lòng yêu mến Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

Thánh Don Bosco có lòng yêu mến phép Thánh Thể nồng nàn. Hằng ngày ngài dành thời giờ để viếng Chúa, cả khi lúc về già, sức yếu lực tàn ngài vẫn giữ thói quen ấy. Những lúc chân ngài bị đau, ngài phải cố gắng lắm mới qùy được. Khi ngài sốt sắng cầu nguyện thì mặt ngài sáng lên như một thiên thần. Mỗi lần đi qua nhà thờ, ngài đều giở mũ ra chào. Ngài khuyên các linh mục nên đọc kinh thần tụng trước Thánh Thể. Đối với các thanh thiếu niên, Ngài luôn cổ vũ các em yêu mến Mình Màu Thánh Chúa. Ngài nói:

– Nếu chúng con muốn Chúa ban cho chúng con nhiều ân sủng, hãy năng đến viếng Ngài. Nếu chúng con ít đi viếng Chúa, ma quỉ sẽ tấn công chúng con. Nếu chúng con muốn ma quỉ xa lánh chúng con, chúng con hãy siêng viếng Chúa. Nếu chúng con muốn chiến thắng ma quỉ, chúng con hãy ẩn núp dưới chân Chúa Giêsu. Nếu chúng con không viếng Chúa, chúng con sẽ thua ma quỉ. Chúng con thân mến, siêng năng viếng Thánh Thể là một phương thế hữu hiệu để chiến thắng ma quỉ. Hãy cố gắng siêng năng viếng Chúa Thánh Thể thì ma quỉ sẽ không thể chiến thắng chúng con được. Amen.