Thiều nhi chúng con yêu quí,
Thánh Luca vừa kể cho chúng ta một câu chuyện thật đẹp trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Câu chuyện giữa Chúa Giêsu và ông Phêrô.
Trong câu chuyện này cha thấy ông Phêrô là người thật tốt với Chúa. Chúng con có biết tại sao cha dám nói với chúng con như thế không? Đây chúng con hãy nhìn lại bài Tin Mừng chúng ta sẽ thấy ông Phêrô là con người như thế nào.

1. Trước hết ông cho Chúa mượn thuyền.

Tin Mừng kể “Hôm đó, đám đông chen lấn nhau đến sát bên Người để nghe lời Thiên Chúa, mà Người thì đang đứng bên bờ hồ Ghennêxarét. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Ðức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.”(Lc 5,1-3)
Cha hỏi chúng con nếu Phêrô không tốt thì Chúa có dám tự nhiên xuống thuyền của ông rồi lại còn như truyền lệnh cho ông đưa thuyền của mình ra xa một chút để Chúa tiện giảng dạy dân chúng không? Ở đây cha thấy ông Phêrô đã coi Chúa như người nhà của mình vậy. Mọi việc diễn ra hết sức tự nhiên. Phải có lòng kính trọng và yêu thương Chúa lắm thì mới có được cách ứng xử như vậy.

Tiếp đến Tin Mừng nói gì nữa? Tin Mừng ghi “Giảng xong, Người bảo ông Simon: Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Ông Simon đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”.(Lc 5,4-5)

Chúng con thấy ông Phêrô có ngoan không? Cha thấy ông Phêrô quá ngoan đi chứ. Chúa Giêsu là người ông chỉ mới quen biết. Kinh nghiệm chài lưới của Chúa thì đâu bằng ông. Sau một đêm trời vất vả cực nhọc mà ông cũng như bạn bè không bắt được một con cá nào. Vậy mà khi Chúa bảo ông chèo thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá, Tin Mừng ghi: “Giảng xong, Người bảo ông Simon: Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Ông Phêrô đã phản ứng như thế nào? Lúc đầu chúng con thấy ông cũng hơi e ngại. “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả.”(Lc 5,5). Ông đã trình bày với Chúa một cách rất chân thành. Suốt cả một đêm với kinh nghiệm của những người làm nghề chài lưới chúng tôi – cả một tập thể vất vả đã hoàn toàn thất bại. Cha hỏi chúng con sau khi nghe ông trình bày như vậy, Chúa có rút lại lệnh truyền của Chúa không? Tin Mừng không nói gì nhưng cha chắc qua thái độ của Chúa lúc đó Phêrô hiểu được đó là một lệnh truyền nghiêm tức. Phêrô hiểu được ý Chúa và ông lễ phép thưa lại: “Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Và ngay sau đó, ông đưa con thuyền của ông có Chúa Giêsu ở trên đó ra khơi và làm những gì Chúa bảo làm. Kết quả như thế nào chúng con? “Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ Làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. (Lc 5,6-7)
Đúng là một mẻ cá lạ. Có thể nói đây là phần thưởng cho những người tốt với Chúa.

Chúng ta hãy tập cho mình có thói quen đối xứ tốt với nhau để cuộc sống này có nhiềm niềm vui như ý Chúa muốn. F. W. Faber viết rất hay: “Lòng tốt hoán cải được nhiều người hơn giáo huấn, kiến thức và tranh luận. Những thứ ấy chẳng giúp được gì nếu không có sự tử tế đi kèm.

Một trong các vị đại thánh thời Giáo hội sơ khai là thánh Augustine. Ngài là một triết gia rất thông thái. Chúng ta thử nhớ lại, hồi đức thánh giám mục Ambrose cải hóa Augustine về với Kitô giáo, ngài có dùng lý lẽ triết học vững chãi nào để minh chứng các luận điểm của mình chăng. Không một chút lý sự nào. Chính thánh Augustine thừa nhận rằng lòng tốt của thánh Ambrose đã làm thay đổi cuộc sống ngài chứ không phải kiến thức hay lý lẽ .

Các bạn có nhớ không, kẻ trộm “lành ” đã “ăn trộm” được Nước Trời vì anh có lòng tốt với Chúa Giêsu trên thánh giá.

2. Sau câu chuyện mẻ cá lạ, cha hỏi chúng con còn chuyện nào lạ hơn nữa không?

Chuyện Chúa thưởng cho Phêrô là chuyện lạ, nhưng chuyện sau đó còn lạ hơn: Chúa chọn Phêrô làm môn đệ của Chúa.

Sau khi được chứng kiến phép lạ Chúa làm, chúng con thấy Phêrô nhận ra mình quá nhỏ bé bất xứng trước mặt Chúa. Lúc này ông mới cảm thấy ông đang đứng trước một Đấng mà ông không biết gọi tên là gì. Ông cảm thấy ông bất xứng. Tin Mừng cho biết: “Thấy vậy, ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Ðức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”(Lc 5,8)

Và đây mới là giây phúc thật cảm động: “Bấy giờ Ðức Giêsu bảo ông Simon: “Ðừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá.”(Lc 5,10).
Đẹp quá chúng con.

Phêrô không còn phải là người làm nghề chài lưới nữa mà Chúa Giêsu đã biến Phêrô thành một con người khác. Phêrô sẽ là một lãnh tụ trong chương trình cứu chuộc của Chúa. Rồi đây ông sẽ được Chúa huấn luyện, không phải để thành một người chài lưới để bắt cá ở giữa biển khơi mà ông sẽ thành một lãnh tụ đi chinh phục loài người cho Chúa.
Chúng ta hãy kính cẩn nghe lại những lời thật cảm động này để thấy được lòng tin tưởng Chúa đặt nơi con người của Phêrô lớn như thế nào.

“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”(Mt 16,18-19)
Tới đây cha nhớ lại một câu chuyện xảy ra hồi đệ nhị thế chiến. Hồi ấy ông thủ tướng Bismark, là một nhà độc tài đã thao túng chính đường Đức quốc cuối thế kỷ vừa rồi. Ông đã gây ra rất nhiều khó khăn cho Giáo Hội Đức vì Giáo Hội phản đối đường lối độc tài phát- xít của ông.

Trong những tháng ngày đen tối ấy, giáo dân Đức đã có sáng kiến rất hay. Họ in ra một bức hí họa để nhà nào cũng treo. Các tiệm vàng thì dán trước cửa kính. Bức hí họa ấy trình bày một tên khổng lồ đang hì hục toát mồ hôi để cố xô một tảng đá xuống biển. Bên cạnh đó, một thằng qủy Satan ngồi nhe răng cười nham nhở và bảo tên khổng lồ kia:
– Tao đã mệt nhọc suối 20 mươi thế kỷ nay mà vẫn chưa làm được. Còn mày, mày là ai mà dám cả gan làm?

Bismark biết được ý nghiã của bức họa thì vô cùng tức tối, nhưng chẳng biết làm sao! Cuối cùng, cuộc “Đấu tranh văn hoá, Kulrurkampf” nhằm chống tôn giáo của ông thất bại và ông cũng nằm xuống như bao nhà độc tài khác trong đắng cay và thất sủng đối với hoàng đế Guillaume. Hai người thù hằn nhau đến nỗi trước khi chết, Bismark đã trối với gia đình phải liệm xác ông ấy gấp, kẻo phải giáp mặt Hoàng đế Guillaume đến phúng điếu!

Hãy tin vào Chúa Giêsu và quyền năng của Ngài. Chúa đã biến Phêrô thành đá tảng và trên tảng đá đó Chúa đã xây Giáo Hội của Ngài để cho chúng ta luôn được sống trong bình an mặc cho những sóng gió phũ phàng nhiều lúc làm cho chúng ta có cảm tưởng rằng con thuyền Giáo Hội như có vẻ sắp chìm. Hãy nhớ Chúa Giêsu luôn ở với Giáo Hội của Người. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng con lại vừa được nghe một bài Tin Mừng nữa do thánh Luca kể lại.
Câu chuyện hôm nay tiếp nối câu chuyện tuần trước.
Phải nói câu chuyện hôm nay là một câu chuyện buồn đối với Chúa đồng thời cũng là câu chuyện buồn với cả những người ở Nagiareth.

1. Chúa Giêsu buồn.

Chúa buồn vì thấy những người ở quê hương mình không có niềm tin vào Chúa. Họ chỉ coi Chúa như một con người bình thường không hơn không kém, thậm chí còn thua kém nhiều người khác ở trong xã hội nữa: “Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (Lc 4,22). Rồi từ chỗ coi thường Chúa như thế họ muốn thách thức Chúa. Chúa đã đọc được những ý nghĩ như thế trong lòng của họ cho nên Chúa đã thẳng thắn trả lời: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!”(Lc 4,24). Đúng là họ coi Chúa chẳng ra gì. Có gì đi nữa thì cũng chỉ là con một người làm thợ mộc!

Với những người coi thường Chúa như thế thì làm sao mà kéo được tình thương của Chúa đến với mình được. Chính vì thế mà chúng con thấy Chúa đã từ chối thẳng thừng không một chút nhẹ nhàng. Hơn thế nữa Chúa còn tỏ ra như muốn khiêu khích họ khi trưng ra hai thí dụ trong Cựu Ước làm cho họ phẫn uất và muốn giết luôn Chúa cho bõ ghét.

Cha hỏi chúng con những Nagiareth có thể thực hiện được ý muốn của họ không?

-Thưa không.

– Chúng con trả lời rất đúng.

Chúng ta đã thấy Chúa thoát âm mưu của những người Nagiareth như thế nào thì tất cả chúng ta đã thấy.

Chính vì thế mà chúng con phải tập cho mình biết sống khiêm nhường trước mặt Chúa. Chỉ có những ai biết sống khiêm nhường mới xứng đáng được Chúa yêu thương.

Một vị ẩn tu nọ sau 50 năm sống khắc khổ giữa sa mạc bỗng cảm thấy chán nản khi nghĩ rằng, mình chưa làm được một phép lạ nào như các vị tiền bối. Ông quyết định rời bỏ sa mạc để trở về đô thị sống một cuộc sống tiện nghi, bình thường thường như mọi người. Nhưng đôi mắt Chúa lúc nào cũng dõi theo từng suy nghĩ, từng đường đi nước bước của ông… Biết ông đang tính toán bỏ cuộc để trở lại đô thị, Thiên Chúa bèn sai một thiên thần đến nói với ông. Và vị sứ thần đã đến nói với ông những lời này:

– Ngươi đang tính toán điều gì thế? Ngươi hãy thử nghĩ, có phép lạ nào kỳ diệu hơn chính cuộc sống của ngươi không? Ai đã ban cho ngươi sức mạnh để có thể cầm cự được ở nơi hoang vu này mấy chục năm qua? Ai đã chúc lành cho cây cỏ ngươi dùng trong những tháng ngày qua mà không hề gây nguy hại cho ngươi? Ngươi hãy ở lại đây và xin Chúa ban cho ngươi lòng khiêm nhường.

Được lời của một vị sứ thần nâng đỡ, nhà ẩn sĩ ở lại trong sa mạc và tiếp tục cuộc sống tu trì. Từ đó trở đi ông cảm thấy cuộc đời của mình tràn đầy hạnh phúc với niềm tin thật vững vàng: Mỗi một giây phút qua đi trong cuộc sống là một phép lạ mà Thiên Chúa đang thực hiện cho mình.

2. Những người ở Nagiareth buồn.

Tin Mừng thuật lại: Chúa đã làm rất nhiều việc lạ lùng tại Capharnaum. Lý ra thì khi nghe được đó những người ở Nagiareth phải hân hoan vui sướng và tin Chúa. Nhưng rất tiếc là họ đã không làm như thế. Họ đã đánh mất một cơ hội ngàn vàng để được Chúa ban ơn. Lý do tại sao? Chỉ vì họ không biết nhận ra những gì hồng ân quí giá mà họ đang có ở trước mặt. Chỉ vì họ ích kỷ hẹp hòi mà họ đã không nhận ra Chúa.

Nói tới đây cha nhớ đến một câu chuyện vui. Câu chuyện như thế này. Đây là câu chuyện mà những người Đức thường kể cho nhau về việc phải biết nhận ra những hạnh phúc Thiên Chúa dành cho mình mỗi ngày.

Có một nhà hiền triết nọ chuyên cố vấn giúp đỡ những ai gặp buồn phiền, chán nản trong cuộc sống. Bất cứ ai đến xin chỉ bảo cũng đều nhận được lời khuyên thiết thực.

Một hôm,  có một người thợ may mặt mày thiểu não chạy đến xin cầu cứu. Gia đình ông gồm có ông, vợ ông và 7 đứa con trai nhỏ. Tất cả chen chúc nhau trong một căn nhà gần như đổ nát.  Người vợ phải la hét suốt ngày vì sự quấy phá của 7 đứa con. Xưởng may của ông lúc nào cũng lộn xộn, bẩn thỉu vì những nghịch ngợm của lũ con. Thêm vào đó là những tiếng la hét, khóc nhè suốt ngày,  khiến người thợ may không thể chú tâm làm việc được.

Nghe xong câu chuyện, nhà hiền triết mới đề nghị với người thợ may như sau:

– Anh hãy ra chợ mua cho kỳ được con dê, rồi dắt nó về cột ngay trong xưởng may của anh.

Người đàn ông đáng thương không đoán được ẩn ý của nhà hiền triết, nhưng đặt tất cả tin tưởng vào ông, cho nên anh về thu góp hết tiền của trong nhà để ra chợ mua cho kỳ được con dê.

Chúng ta hãy thử tưởng tượng: sự hiện diện của con dê trong xưởng may sẽ giúp được gì cho anh ta? Con vật hôi hám ấy không những phóng uế nhơ bẩn lại suốt ngày còn kêu những tiếng không êm ái chút nào. Cái xưởng may chỉ trong một ngày đã biến thành một chuồng súc vật bẩn thỉu không thể chịu được…
Người thợ may lại đến than phiền với nhà hiền triết vì sự hiện diện của con dê. Lúc bấy giờ, nhà hiền triết mới bảo anh:

– Anh hãy tức khắc mang nó ra chợ và bán lại cho người khác.

Người đàn ông cảm thấy như nhẹ nhõm cả người. Anh dắt con vật ra chợ. Trong khi đó, ở nhà, vợ anh mang nước vào tẩy uế cái xưởng may. Bảy đứa nhóc con của anh bắt đầu trở lại xưởng may và hò hét trở lại. Người đàn ông nhìn xuống sàn nhà của xưởng may rồi mỉm cười nhìn thấy mấy cậu con trai của anh đang chạy nhảy la hét.  Anh tự nhủ: dù sao, tiếng la hét của mấy đứa con của mình, so với tiếng kêu của con vật dơ bẩn, vẫn dễ chịu hơn … Và chưa bao giờ anh cảm thấy hạnh phúc cho bằng ngày hôm đó.

Tâm lý thông thường, chúng ta dễ có thái độ “đứng núi này nhìn núi nọ”. Những cái quen thuộc, những cái trước mặt, những cái thường ngày,  những cái nhỏ bé thường dễ bị khinh thường. Chúa Giêsu hôm nay cũng chịu một cảnh tượng tự như vậy. Chúa đã bị đuổi đi và cơ hội đã không bao giờ trở lại.
Chúng ta hãy coi chừng. Đừng bao giờ xem thường những hồng ân của Chúa.

Giá trị của cuộc sống chính là được gặp gỡ Chúa mỗi ngày. Không ai trong chúng ta được chọn lựa cha mẹ và gia đình để được sinh ra. Có người sinh ra trong cảnh giàu sang phú quý. Có người sinh ra trong cảnh nghèo nàn. Có người thông minh, có người đần độn…Chúa mời gọi chúng ta đón nhận cuộc đời như một Hồng ân của Chúa. Ngài mời gọi chúng ta đón nhận từng phút giây của cuộc sống như một ân huệ… Nói như thánh Phaolô “tất cả đều là ân sủng của Chúa”: tất cả đều phải được đón nhận với lòng biết ơn và tín thác.Amen.

Chúng con yêu quí,

Chúng con vừa được nghe một đoạn Tin Mừng do thánh sử Luca ghi lại.

1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca tường thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu trở về quê hương Nagiareth của Ngài sau một thời gian vắn đi rao giảng Tin Mừng cho những nơi gần đó.

Thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu làm như sau: “Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,16-19).

Thái độ của những người trong hội đường lúc đó thế nào? Thánh Luca bảo: Mọi người đều chăm chú dõi theo từng cử chỉ hành động của Đức Giêsu. Charles Erdman một nhà chú giải về Tin Mừng thánh Luca bảo: “Họ không thể nào chống lại cái vẻ dịu dàng của bài giảng, cũng không thể nào chối bỏ được cái vẻ đẹp quyến rũ của lời Ngài nói, nhưng họ lại không thể chấp nhận được lời Ngài tuyên bố”.

Chúa tuyên bố thế nào mà những người ở Nagiareth không chấp nhận được?

Chúa tuyên bố thật rõ ràng. Chúa mượn lời ngôn sứ Isaia Chúa vừa tuyên đọc rồi Chúa quả quyết: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”(Lc 4,21). Và như vậy Chúa đã chính thức tuyên bố sứ vụ cũng như chương trình hành động công khai của mình cho mọi người.

Đứng trước những lời tuyên bố công khai rõ rệt như thế, người Nagiareth cách riêng và những người Do thái cách chung đều không muốn chấp nhận vì đó không phải là những điều mà dân chúng mong đợi và muốn nghe. Trong thâm tâm của họ, Đấng Cứu Thế phải là người quyền năng, uy lực vô biên; là người đánh Đông dẹp Bắc và mang lại hòa bình cho trăm họ. Thế nhưng, Đức Giêsu lại tuyên bố: Người không phải là Đấng Mêssia theo nghĩa họ mong muốn, mà Người được xức dầu bởi Thánh Thần là để được sai đi: “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo khó; để công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức và công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,16-19).

2. Ngày hôm nay, Đức Kitô vẫn tiếp tục sứ mạng của Chúa qua Giáo Hội mà mỗi chúng ta là những chi thể.

Tờ Times, một trong những tờ báo nổi tiếng nhất thế giới, vào dịp cuối năm có thói quen giới thiệu cho độc giả biết những con người làm nên lịch sử của từng năm. Năm 2004, tờ báo bình chọn tổng thống Bush làm nhân vật quan trọng nhất trong năm. Năm 2005, tờ báo chọn vợ chồng Bill Gates vì những hoạt động từ thiện của hai vợ chồng nầy. Nhưng có lẽ lạ lùng nhất là cuộc bình chọn năm 2006, báo Times chọn một nhân vật chẳng ai ngờ, nhân vật đó là, là… “Bạn” (You). Tức là mỗi một người trong chúng ta.

Bởi thế chúng ta đừng nghĩ rằng mình chỉ là một hạt cát bé nhỏ vô ích, vì những bãi cát mênh mông được tạo nên bằng những hạt cát bé nhỏ. Đừng nghĩ rằng mình chỉ là một giọt nước li ti không nghĩa lý gì, vì cả đại dương bao la cũng được tạo nên bằng những giọt nước li ti như vậy.

Tất cả chúng ta đều là những kẻ được Chúa sai đi. Mỗi người chúng ta đều được Chúa sai đi để xây dựng thế giới này. Ngày trước, Thiên Chúa đã sai Chúa Giêsu đi, rồi đến phiên Chúa Giêsu lại sai chúng ta đi. Chúa Giêsu đã phán “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai chúng con”. Bởi vậy, lời Thánh kinh mà Chúa Giêsu đã áp dụng cho bản thân Người “Chúa đã sai tôi đi”, cũng phải được chính chúng ta áp dụng cho chúng ta “Chúa cũng sai tôi đi”.

Mẫu chuyện sau đây có thể giúp chúng ta hiểu lời công bố ấy của Chúa Giêsu tuyệt diệu đến chừng nào.

Ngày xưa có một ông điền chủ có đất đai rất nhiều. Ông cho các tá điền mướn đất làm ăn. Một thời gian sau, các tá điền lâm cảnh túng thiếu nợ nần. Họ rất lo lắng vì không làm sao để đóng tô – nghĩa là – lợi tức đúng hạn cho chủ được. Dù họ biết ông chủ rất tốt bụng không đến nỗi làm khó dễ họ, nhưng họ vẫn áy náy không biết chủ sẽ hoãn nợ cho họ bao lâu.

Thế rồi một hôm viên quản lý đi đến từng nhà các tá điền. Ông này hỏi mỗi người thiếu nợ bao nhiêu, trong nhà có bao nhiêu người, hằng ngày ăn uống thế nào, gia đình có ai già yếu bệnh tật gì không v.v. Cách chung nhà nào cũng túng thiếu và đang gặp rất nhiều khó khăn.

Một ít ngày sau, các tá điền được mời đến gặp chủ. Ai nấy đều hồi hộp, tin chắc là ông chủ sẽ lấy lại đất, bởi họ không còn khả năng đóng tô tức là lợi tức nữa. Khi mọi người đã đủ mặt, viên quản lý bước ra, bắt đầu nói:

– Ông chủ biết là các người ai cũng rất nghèo nên không còn khả năng đóng tô nữa. Vì thế ông bảo tôi báo cho các người hay”. Nói tới đây viên quản lý bỗng ngừng lại. Con tim của các tá điền dường như ngừng đập. Viên quản lý nói tiếp: “Tôi có một Tin Mừng muốn loan báo cho các người”. Mọi người xôn xao: “Tin Mừng ư! Tin Mừng gì vậy?” Lúc đó viên quản lý hô lớn: “Ông chủ tha hết nợ cho các người. Từ nay các người cứ an tâm làm ăn nuôi sống gia đình”.

Thế là mọi người reo hò sung sướng. Họ ôm nhau nhảy múa hát ca. Sau đó ai nấy trở về nhà mình. Sau bao năm trời, hôm nay họ mới chợt nhận thấy ánh nắng mặt trời rất là tươi đẹp, tiếng chim hót trên cành rất líu lo, hoa cỏ hai bên đường và trên khắp cánh đồng vô cùng rực rỡ.

Lời loan báo của Chúa Giêsu tại hội đường Nagiareth cũng là một Tin Mừng như thế. Chúa Giêsu là viên quản lý của Thiên Chúa. Ngài được sai đến để báo tin Thiên Chúa đã xóa nợ cho loài người. Chúng ta hãy vui mừng và tạ ơn Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần!  Xin cho con nhận ra sự hiện diện của Ngài giữa lòng thế giới và trong lòng mọi người xung quanh con. Xin cho  con luôn tìm đến với anh chị em của con hơn là tìm an nhàn cho chính bản thân mình, để nhờ biết quan tâm đến những người chung quanh, con cũng sẽ được vui hưởng niềm vui Ơn Cứu Độ và lãnh nhận hồng phúc của năm Hồng Ân mà Thiên Chúa đã hứa ban. Amen.

A. Chúng con yêu quí,
Chúng con vừa nghe một đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan. Tin Mừng hôm nay thuật lại một câu chuyện xảy ra vào những ngày đầu tiên trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Câu chuyện một đám cưới tại Cana, một thành phố nhỏ gần quê hương Nagiareth của Chúa.
Cha đố chúng con đám cưới hôm nay có gì đặc biệt hơn nhiều đám cưới chúng ta thường gặp trong cuộc sống hằng ngày của mọi người?
– Thưa đám cưới hôm nay có sự tham dự của Chúa Giêsu và Đức Maria, mẹ của Chúa!
– Rất đúng!
Đọc kỹ bài Tin Mừng chúng con còn thấy gì nữa không?
Xem ra gia đình này thuộc loại khá giả vì có tới 6 cái chum lớn. Mỗi cái có thể chứa được khoảng 80 – 120 lít nước dùng để rửa tay theo thói tục của người Do Thái. Có lẽ gia chủ đã không nắm vững được số người dự tiệc nên không dự trù đủ số rượu cho đám tiệc, chính vì thế mà bữa tiệc bị thiếu rượu bất thình lình.
Đối với người Do thái thì việc thiếu rượu trong một bữa tiệc nhất là tiệc cưới thì là một điều xỉ nhục và bẽ mặt với khách được mời dự tiệc và xóm làng. (Vì chúng con biết nước Do thái là nước trồng nho nên họ uống rượu rất nhiều. Bởi thế việc để cho một bữa tiệc thiếu rượu là một việc không thể tha thứ).
Cha hỏi tiếp chúng con: Đứng trước một việc hệ trọng như thế, ai là người đã phát hiện ra điều đó?
– Đức Mẹ.
Rồi với bản chất tế nhị và bén nhạy của một phụ nữ, Đức Maria đã nhận ra ngay sự bối rối, lo âu của gia chủ. Và Tin Mừng ghi lập tức Đức Mẹ đến với Chúa Giêsu và nói với Ngài: “Họ hết rượu rồi” (Ga.2,3).
Chúa Giêsu trả lời Đức Mẹ làm sao chúng con có nhớ không?
– Chúa trả lời: “Thưa bà, chuyện đó có can gì đến tôi và bà, giờ tôi chưa đến” (Ga.2,4).
Câu trả lời này có làm cho chúng con ngạc nhiên không?
Ngạc nhiên quá đi chứ! Xem ra có vẻ chói tai quá! Nhưng chúng con nên biết: Theo phong tục Do Thái, người con quen gọi mẹ là bà nơi công cộng, để tỏ ý kính trọng chứ không phải bất kính.
Đức Mẹ biết Chúa Giêsu chỉ nói thế thôi, chứ không phải là Chúa từ chối, nên Ngài bảo các gia nhân: “Chúa bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga.2,5). Quả thật, Chúa Giêsu đã gọi gia nhân bảo đổ nước cho đầy 6 chum đó, rồi múc nước vừa đổ vào đưa cho người quản tiệc.
Người quản tiệc vừa thử xong thì vô cùng ngạc nhiên vì không phải là nước mà nước đã biến thành rượu. Và Tin Mừng kể: “Chúa Giêsu làm dấu lạ đầu tiên này để bày tỏ vinh quang của Người và các môn đệ đã tin Người” (Ga.2,11).

B. Bây giờ cha hỏi chúng con: Phép lạ này nhắc nhở chúng ta điều gì ?
* Chẳng cần nói dài dòng, cha có thể trả lời ngay: Về vai trò của Đức Mẹ trong cuộc sống của chúng ta.
Cha kể cho chúng con câu chuyện này:
Cha Silvanus và mục sư Henry đến lâu đài Patien để xin hoàng tử trợ giúp tài chính cho mình. Linh mục Silvanus thì xin tiền xây nhà thờ, còn mục sư Henry thì xin tiền xây trường học. Đến nơi, họ được hoàng tử tiếp riêng từng người rất tử tế. Mục sư Henry được mời vào trước. Lát sau, khi bước ra, vẻ mặt của mục sư buồn xo vì không được trợ giúp gì cả. Đến lượt linh mục Silvanus vào. Một lúc sau, ông trở ra, vẻ mặt hớn hở tươi vui khác thường. Tay xách một túi tiền. Mục sư Henry thắc mắc hỏi vì sao mà linh mục lại được hoàng tử giúp vậy? Linh mục Silvanus cho biết:
– Lúc đầu, hoàng tử cũng từ chối tôi, nhưng khi tôi nhìn thấy hoàng hậu, tôi nhờ bà bầu cử cho. Được bà hoàng hậu nói giúp, lúc đó hoàng tử mới nhận lời bà yêu cầu mà giúp tôi.
Đấy chúng con thấy tiếng nói và sự bầu cử của người mẹ thật có giá trị như thế nào.
* Tiếp đến là sự có mặt của Chúa trong gia đình Chính nhờ chủ nhà mời Chúa Giêsu và các môn đệ đến dự tiệc cưới, mà Ngài đã ban cho ông một phép lạ đặc biệt. Qua việc tham dự tiệc cưới này, Chúa Giêsu đã thánh hóa và chúc phúc cho đời sống hôn nhân và gia đình, nhất là những gia đình biết mời Chúa đến.
Mẹ Têrêsa thành Calcutta, vị sáng lập dòng Nữ Tử Bác Ái, thường lập đi lập lại với những người nghe Mẹ rằng: “Tình yêu bắt đầu ngay từ trong gia đình”. Một lần kia, Mẹ kể lại câu chuyện sau:
– Trong số các cộng tác viên của tôi, có một cặp vợ chồng kia trước đây sống rất hạnh phúc nhưng rồi chỉ một thời gian sau họ sống lạnh nhạt với nhau. Một hôm, cả hai đến gặp tôi. Tôi bảo:
– Tôi không hiểu tại sao anh chị có thể đem Chúa Giêsu đến với những người khác trong khi chính bản thân anh chị không thể đem Ngài đến cho nhau? Làm sao anh chị có thể nhận ra Ngài đang ẩn mình nơi những người nghèo khổ, trong khi anh chị không biết khám phá ra Ngài trong tâm hồn của nhau?. Thế rồi, cả hai bắt đầu cuộc tranh cãi gay gắt ngay trước mặt tôi. Họ dốc sạch bầu tâm sự và mọi tranh cãi giận hờn đã ôm ấp trong lòng từ bao lâu nay… Một lát, tôi bảo họ: “Thôi đủ rồi! Anh chị đã nói tất cả những gì cần nói với nhau rồi. Bây giờ anh chị hãy vào Nhà thờ cầu nguyện và mỗi người hãy nói với Chúa Giêsu hiện diện trong nhà tạm những gì đã nói với nhau lúc nãy! Rồi tôi cùng đôi vợ chồng cùng bước vào nhà thờ, họ quỳ gối xuống gần bên nhau trước nhà tạm và thinh lặng… Một lúc sau, người chồng quay sang nhìn người vợ với tất cả sự trìu mến. Ông ôm lấy vợ và nói:
– Em là người yêu duy nhất trên đời của anh và là tất cả kho tàng quý giá của anh đang có…
Và từ hôm đó hai vợ chồng làm hòa cùng nhau, đồng thời trở thành những cộng tác viên đắc lực của tôi và là mẫu gương cho nhiều gia đình khác…

Chúng con thân mến

Thánh lễ hôm nay được gọi là thánh lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.

Ai chịu phép rửa và ai làm phép rửa?

1. Người làm phép rửa hôm nay là Gioan Tẩy giả.

Khi nói về Phép Rửa của mình, Gioan đã quả quyết như thế này:“Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. (Lc 3,16)

Như vậy Gioan đã cho mọi người biết Phép Rửa của ông làm không như Phép Rửa Chúa Giêsu thiết lập sau này. Phép Rửa của Gioan là phép rửa bằng “Nước” và Phép Rửa này chỉ có một mục dích là giúp người ta sám hối để đón nhận một hồng ân mới mà ông có nhiệm vụ tiên báo trước. Đó là Phép Rửa do Chúa Giêsu thiết lập.Gioan đã nói về Phép Rửa này một cách hết sức trang trọng như thế này: “Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và Lửa.(Lc 3,16)

Vậy thì Gioan làm Phép Rửa cho Chúa để làm gì? Có phải Chúa có tội để Gioan làm phép rửa tha tội cho Chúa hay không?

Hoàn toàn không bởi vì Chúa là Đấng thánh – Đấng vô tội cho nên không cần đến bất cứ một phép rửa tội nào cả.

Có phải Chúa cần phép rửa của Gioan để sám hối hay không? Chắc chắn cũng không bởi vì Chúa Giêsu là không có tội lỗi gì nên đâu cần đến phép rửa của Gioan để tỏ lòng sám hối.

Thế thì tại sao Chúa lại đến với Gioan và bắt ông phải làm phép rửa cho mình?

– Tại vì Chúa khiêm nhường dù không có tội nhưng cũng muốn đứng vào hàng ngũ của những người tội lỗi để từ trong hàng ngũ của những người có tội Chúa thực hiện việc cứu chuộc họ.

Có một câu chuyện tưởng tượng: một người kia bị rơi xuống hố tối tăm. Anh ta cố gắng leo lên, vượt ra khỏi cái hố, nhưng lại bị tụt xuống. Tình cờ Đức Khổng Tử đi qua, ngài nhìn xuống hố thấy anh bèn thương hại bảo:

– Thật tội nghiệp cho con, nếu con chịu khó nghe lời ta dạy bảo, thì con đâu có bị rơi xuống hố như vậy!

Nói rồi, ngài lại tiếp tục bước đi. Sau đó Đức Phật Thích Ca đi tới, Ngài cũng nhìn xuống hố thấy anh và nói:

– Thật tội nghiệp con, con hãy tự cố gắng leo lên đi, nếu leo lên được ta sẽ cho đi theo ta.

Nói rồi ngài lại tiếp tục bước đi.

Sau cùng Chúa Giêsu đi tới. Ngài nhìn xuống hố rồi nói:

– Thật tội nghiệp cho con.

Rồi Ngài nhảy xuống hố, nâng anh lên, đưa lưng cõng anh trên lưng đưa ra khỏi hố.

Đức Khổng Tử chỉ dạy điều hay lẽ phải, Đức Phật Thích Ca đã khám phá ra con đường giải thoát và kêu gọi hãy đi theo nhưng mỗi người hãy tự sức mình mà đi chứ Ngài không giúp đỡ được gì. Còn Chúa Giêsu, thì Ngài đã sẵn sàng làm người, chịu đau khổ và chịu chết để cứu chuộc ta khỏi hố sâu tội lỗi.

– Hơn nữa, qua việc đến xin Gioan làm phép rửa cho mình Chúa còn muốn nhân cơ hội này Chúa cho mọi người biết mình là ai.

Chúng con thấy sau khi được Gioan là Phép Rửa Chúa được Đức Chúa Cha xác nhận: “Đây là con yêu dấu của Ta”. Rồi còn được Chúa Thánh Thần chứng nhận bằng lấy hình bồ câu đậu trên đầu Chúa.

2. Như vậy qua biến cố này, mọi người đã thấy được một Chúa Giêsu đích thực là một Thiên Chúa đã làm người. Người đã được Thiên Chúa Cha sai xuống trần gian để cứu chuộc loài người. Chúa đã thực hiện việc cứu chuộc đó bằng cách làm cho con người được trở thành con Thiên Chúa. Con đường Chúa làm cho con người trở thành Con Thiên Chúa là Bí tích Rửa tội bằng lửa và bằng Thánh Thần như thánh Gioan Tẩy giả nói.

“Bí tích Rửa Tội “là hồng ân cao đẹp nhất và kỳ diệu nhất trong các hồng ân của Thiên Chúa…. Đây là một việc kỳ diệu chỉ có Chúa mới làm được.  Như vậy bằng cách chịu Bí tích Rửa tội Chúa trả lại cho chúng ta địa vị làm Con Thiên Chúa mà vì phạm tội phản bội tổ tông loài người đã là mất.

Vâng! một hồng ân thật cao cả. Còn hồng ân nào cao quí hơn là hồng ân chúng ta được làm con Thiên Chúa. Sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, thân xác của chúng ta trở nên đền thờ dâng lính Chúa Ba Ngôi. Đó là một chân lý thánh Phaolô đã dạy giáo hữu thành Côrintô (2Cor 6,16).

Vua Trajano là hoàng đế cai trị nước Rôma từ năm 98 đến năm 117. Nhà vua đã cấm Đạo, và đã bắt thánh Ignatio giám mục thành Antiochia. Tại tòa án, nhà vua đã chế nhạo Đạo Công Giáo, rồi gọi thánh Ignatio là thằng quỉ xấu xa, thánh Ignatio giám mục thưa lại rằng:

– Tâu đức vua, chẳng có ai gọi người mang Thiên Chúa trong mình là thằng quỉ dữ được.

Nhà vua hỏi lại:

– Vậy ông mang Thiên Chúa trong mình ư?

Thánh Ignatio giám mục trả lời:

– Tâu đức vua, phải – tôi mang Thiên Chúa trong mình, vì những người đã chịu phép Rửa Tội, sống đời sạch tội, đều là đền thờ của Thiên Chúa. Bởi vậy, không hạnh phúc nào lớn lao cho bằng người Công Giáo, bằng được trở nên đền thờ Thiên Chúa; và cũng không có gì can hệ cho con người bằng phải luôn là đền thờ cho Thiên Chúa ngự.

Nghe xong, hoàng đế Trajano đã lên án rằng:

– Ignatio thành Antiochia là người đã cậy mình vì mang Thiên Chúa trong mình nên phải điệu đến Roma, để làm của ăn cho thú dữ (Vivre: X).

Thánh nhân vui sướng như người chiến thắng vì sắp được trở về với Chúa.

Không lạ gì, Léonide là cha của nhà hiền triết Origène, đã hôn ngực con, mà nói với những người tỏ vẻ ngạc nhiên rằng:

– Tôi thờ lạy và hôn kính Thiên Chúa, đang ngự trong trái tim đứa nhỏ con tôi đã chịu phép rửa tội.

Hãy biết ơn Thiên Chúa và sống xứng đáng với hồng ân cao cả Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Cha đố chúng con hôm nay là lễ gì?

– Lễ Ba vua….Lễ Hiển linh.

– Chúng con trả lời rất hay, nhưng cha hỏi tiếp: Tại sao lại gọi là lễ Ba Vua? Tại sao lại gọi là lễ Hiển linh?

– ???.

+ Đây cha cắt nghĩa cho chúng con.

Lễ này ngày xưa người ta hay gọi là lễ Ba Vua. Người ta cho rằng lúc Chúa Giáng Sinh tại Belem thì có Ba Vua từ phương Đông tìm đến để thờ lạy. Nhưng ngày nay với những phương tiện nghiên cứu tốt hơn và sâu xa hơn người ta thấy đây không phải là các vua chúa trần gian như người ta vẫn hiểu mà thực ra đó là các nhà chiêm tinh chuyên nghiên cứu về những vấn đề tâm linh của con người. Các ngài là những nhà thông thái, có tâm hồn tìm kiếm những điều mới lạ. Các ngài thấy trên bầu trời có một ngôi sao lạ xuất hiện. Ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời. Chẳng thiếu gì người đã nhìn thấy ngôi sao lạ nhưng chắng mấy ai để ý. Duy chỉ có mấy nhà chiêm tinh khi nhìn thấy và các ngài đã tự hỏi: Phải chăng đây là tín hiệu loan báo cho mọi người biết về một vị Cứu thế của loài người sinh ra và các ngài đã bắt đầu cuộc tìm kiếm.

Nói đến đây cha thấy việc Thiên Chúa làm quả thực thật lạ lùng. Để loan báo cho loài người biết việc Chúa Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa sinh ra làm người, Thiên Chúa đã không dùng một biến có kinh thiên động địa nào mà chỉ nhẹ nhàng dùng một tạo vật rất nhỏ bé trên bầu trời để làm việc này. Và đây là cách thức Chúa vẫn thường dùng trong lịch sử ơn cứu độ.

Chúng con hãy nghe câu chuyện này:

Một học giả người Pháp nọ băng qua sa mạc. Ông dẫn theo vài người Arập làm hướng đạo. Khi mặt trời lặn, một người trong bọn trải xuống đất một tấm thảm và cầu nguyện.

– Nguơi làm gì thế?-vị học giã hỏi-

– Tôi cầu nguyện.

– Ngươi cầu nguyện ư? Ngươi cầu nguyện cùng ai?

– Allah, Thiên Chúa.

Nhà thông thái mỉm cười.

– Ngươi đã bao giờ thấy Thiên Chúa chưa?

– Chưa!

– Vậy thì ngươi là một kẻ điên nếu tin vào một Thiên Chúa mà ngươi không bao giờ thấy, không bao giờ nghe và không bao giờ đụng chạm đến.

Người Á-Rập không trả lời gì. Sáng sớm hôm sau, trước khi mặt trời mọc, nhà thông thái lúc ra khỏi lều, nói nhận xét này với người hướng đạo của ông:

– Đã có một con lạc đà đi qua đây!

Một tia sáng lóe lên trong mắt người A-Rập.

– Ngài thấy con lạc đà chứ?

– Không.

– Ngài không đụng đến nó chứ?

– Không.

– Vậy thì ngài thật là người điên khi tin một con lạc đà mà ngài không nghe, không thấy, không ngửi.

– Ồ!- nhà thông thái đáp trả –nhưng người ta thấy rõ các dấu chân của nó trên cát.

Vào chính ngay lúc ấy, mặt trời mọc lên từ chân trời với tất cả các màu sắc rực rỡ của phương đông. Bằng một cử chỉ gọn gàng, người Á-Rập đưa tay chỉ tinh thể rực sáng, rồi nói:

– Ngài đã thấy dấu vết của đấng tạo hóa, vậy ngài hãy tin vào Thiên Chúa đi.

2. Các nhà chiêm tinh trong bài Tin Mừng hôm nay đã để lại cho chúng một bài học rất quí giá. Bài học đó là các ngài đã đọc được dấu chỉ Thiên Chúa muốn nhắn gửi cho các ngài sự xuất hiện của một ngôi sao.

Cha hỏi chúng con đã có bao giờ chúng con được người ta nói về dấu chỉ chưa?

Từ “dấu chỉ” là từ rất quan trọng trong cuộc sống hôm nay.

Chúng con hãy tập cho quen nghe và hiểu từ này.

Đây là từ Công Đồng Vaticanô II dùng rất nhiều.

Theo Cha Chenu, từ “dấu chỉ thời đại” là một trong ba hoặc bốn từ quan trọng nhất của Công đồng Vatican II.

Đọc trong các bài viết của xã hội hôm nay cha thấy người ta cũng bắt đầu nói nhiều về từ này.

Cha thử tìm trong Google, chỉ trong vòng có 0,23 giây người đã có được 2.750.000 kết quả về “dấu chỉ thời đại Cứu thế”. Nói thế có nghĩa là việc nhận ra ý Chúa qua các dấu chỉ của thời đại rất là quan trọng. Không biết nhận ra ý Chúa qua các dấu chỉ Chúa dùng để dạy dỗ chúng ta quả là một thiếu xót không thể chấp nhận được.

Bởi thế cha mới nói các nhà chiêm tinh đạ để lại cho chúng ta một bài học rất quan trọng đó là biết đọc ra những ý nghĩa của dấu chỉ Thiên Chúa muốn nhắn gửi cho các ngài  sự xuất hiện của một ngôi sao.

Chính Chúa Giêsu cũng đã muốn cho mọi người biết nhìn qua các dấu chỉ mà nhận ra Ngài. Chắc chúng con còn nhớ câu chuyện của ông Gioan.

Câu chuyện như thế này:  “Hồi ấy ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? ” Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”(Lc 7,2-6).

“Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.” Đó chính là các dấu chỉ của thời đại Cứu Thế.

Chúng ta hãy tập cho biết nhận ra các dấu chỉ Chúa gửi đến cho chúng ta hằng ngày để thấy được những việc Chúa làm cho chúng ta. Có như thế chúng ta mới thấy cuộc đời của chúng ta hạnh phúc.

Một vị Giám mục kiểm tra khả năng của một  nhóm ứng viên xin lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Ngài hỏi:

– Bằng vào dấu chỉ nào các người khác nhận ra các con là người Công giáo?

Không có tiếng trả lời. Rõ ràng không có ai ngờ một câu hỏi như thế. Vị Giám mục lập lại câu hỏi và ngài lập lại thêm một lần nữa, lần này ngài làm dấu thánh giá có ý mách nước cho các người dự tòng một câu trả lời đúng. Bất. chợt một ứng viên trả lời:

– Đó là “Tình yêu” .

Cha muốn kết thức bài suy niệm hôm nay bằng câu chuyện nhỏ này: Đây là cảm nghĩ của một giáo viên: Trong một chuyến đến thăm ngôi trường khiếm thị duy nhất của thành phố, tôi chạnh lòng nhìn cảnh một số em quơ quạng với chiếc gậy trên tay, có em lại bám vào vai bạn và cả hai cùng lần bước. Còn đến khi vào lớp, các em lại cần mẫn dùng những ngón tay nhỏ bé gầy guộc để đọc từng giòng chữ Braine trên trang giấy nổi

Bất chợt, ánh mắt tôi dừng lại ở một em bé có đeo một mẫu ảnh thánh giá nho nhỏ trên ngực áo. Tiến lại gần, tôi làm quen với em và được biết. Em kể rằng: “Trước khi vào trường này, mẹ em đã đeo cây Thánh Giá này cho em và bảo: Đèn của thân thể người ta là đôi mắt, còn với con, thì Thánh Giá sẽ là cây đèn cho con đấy!”

Tôi ân cần hỏi em:

– Thế em có thấy vui không?

Em bé ngước nhìn lên với đôi mắt đục mờ, trả lời ngay:

– Có chứ anh, em đã mất đôi mắt của thân thể, nhưng thật sự thì đôi mắt của tâm hồn em vẫn sáng!

Nghe câu trả lời quả quyết ấy, tôi giật mình tự nhủ: con mắt của tâm hồn mình có còn sáng hay đã tắt ngủm rồi nhỉ?

Chúng con yêu quí,

Chúng ta đang sống trong những ngày mừng Chúa Giáng sinh.

Nhìn vào máng cỏ Belem, chúng ta thấy một gia đình. Gia đình này cũng giống như những gia đình khác trên thế giới từ trước đến nay. Chúng con thấy gia đình này gồm những ai? Nếu nhìn với đôi mắt bình thường của một con người thì chúng ta thấy có một người làm cha. Đó là ông Giuse. Có một người làm mẹ. Đó là bà Maria và có một người làm con . Đó là trẻ Giêsu.

Một gia đình có cha, có mẹ và có con. Đúng là một gia đình thật sự. Một gia đình có một người được gọi là cha, một người được gọi là mẹ và một người nữa được gọi là con và nếu phải xếp  hạng theo cái nhìn thông thường của chúng ta thì chúng ta thấy:

Người giữ vai trò số một trong gia đình này nhất định phải là thánh Giuse

Sau đó mới đến Đức Mẹ và cuối cùng mới là Chúa Giêsu.

Có phải đúng như vậy không chúng con?

Nhưng nếu đưa mắt nhìn cao và nhìn xa hơn một chút thì chúng ta sẽ thấy suy nghĩ như thế xem ra chưa hợp lý lắm.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào bài Tin Mừng hôm nay. Nhìn và suy nghĩ một chút chúng ta sẽ thấy có một điều gì đó hơi khác thường.

Điều khác thường đầu tiên đó là việc Chúa Giêsu tự ý ở lại đền thờ sau khi đã thi hành các điều luật đòi hỏi.

Chúa Giêsu tự ý ở lại đền thờ.

Chúa Giêsu tự ý ở lại đền thờ mà không có phép của cha mẹ. Chúng con có thấy Chúa Giêsu xin phép cha mẹ để ở lại hay không? Tin Mừng không cho chúng ta thấy điều đó. Rồi sau khi Thánh Giuse và Đức Mẹ trở lại và tìm thấy Chúa, thì Chúa cũng không một lời xin lỗi. Lúc Đức mẹ đưa ra lý do: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Chúng ta tưởng Chúa Giêsu sẽ lên tiếng xin lỗi rối rít! Nhưng không! Chúa Giêsu không làm như chúng ta tưởng mà ngài lại còn trả lời như là ngài có quyền làm như vậy. Đây chúng con nghe: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? “Lạ quá! Chúa Giêsu không phải là con mình sao? Tại sao ngài nói thế. Và chúng con thấy Tin Mừng chỉ còn biết cách ghi lại. “Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.” Vâng! khó hiểu thật. Chúa Giêsu nói về công việc của Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu coi công việc của Thiên Chúa Cha mới là công việc chính mình phải chu toàn.

Đó là điều khác thường thứ nhất. Và điều khác thường thứ hai còn khó hiểu hơn.

Hãy nhìn lại bài Tin Mừng chúng ta sẽ thấy. Đây nguyên văn trong Tin Mừng: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nagiaréth và hằng vâng phục các ngài.“(Lc 2,51)

Hãy đọc lại từng chữ những lời mà thánh Luca ghi lại: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nagiaréth và hằng vâng phục các ngài.”(Lc 2,51)

Chúa Giêsu về sống trong gia đình ở Nagiareth. Ở đó Chúa Giêsu sống như thế nào trong suốt 30 năm trời chúng con? Chúa Giêsu đã vâng lời thánh Giuse và Đức Maria. 30 năm trời, Chúa Giêsu Con của Thiên Chúa hay nói chính xác hơn Ngài cũng chính là Thiên Chúa, Thiên Chúa nhập thể làm người. Thiên Chúa vâng lời hai ông bà. Một Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá vâng lời những thụ tạo! Vâng lời suốt 30 năm trời như vậy, như một người con hiếu thảo. Điều đó có lạ lùng không? Quá lạ lùng chứ! Một Thiên Chúa vâng lời những thụ tạo suốt 30 năm trời. Lạ lùng quá!

Cha hỏi chúng con Chúa Giêsu làm như thế để làm gì? Có nhiều cách trả lời nhưng cách hay nhất cha tưởng đó là để làm gương cho chúng ta.

Chúa Giêsu trong gia đình Nagiareth, mặc dù là Thiên Chúa nhưng theo sự xếp đặt của Thiên Chúa Cha, Ngài cũng là một người con. Mà đã là con thì có bổn phận là phải vâng lời cha mẹ. Đức Maria và thánh Giuse tuy chỉ là những con người nhưng trong chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã xếp đặt để các ngài đóng vai trò làm cha làm mẹ của một gia đình. Đó là ý định của Thiên Chúa cho nên tất cả phải khiêm tốn chu toàn.

Như vậy chúng con thấy bài học Chúa để lại là một bài học quan trọng như thế nào.

Sự vâng lời rất quan trọng trong cuộc đời, nhất là cuộc đời của những người làm con Thiên Chúa.

Vì không vâng lời Thiên Chúa mà tổ tiên của loài người đã để lại những hậu quả đau buồn cho cả nhân loại!

Ngược lại, vì biết vâng lời Thiên Chúa mà Abraham đã trở thành cha của những người tin.

Giả như Đức Mẹ đã không nói lên hai tiếng Xin Vâng thì không biết lịch sử nhân loại và thế giới sẽ ra sao.

Trong một làng kia, ở bên Italia, có một người nông dân rất khô khan nguội lạnh, không sống đạo theo đức tin của mình. Một sáng Chúa Nhật nọ, ông bảo đứa con trai lên 11 tuổi rằng:

– Sáng nay, con ra đồng làm việc với ba nhé!

Cậu bé điềm tĩnh trả lời:

– Thưa ba! hôm nay là Chúa Nhật mà!

Người Cha ngạc nhiên hỏi lại:

– Chúa Nhật thì đã làm sao nào? Bộ Chúa Nhật là không làm việc được hả? Ý con thế nào?

– Thưa Ba, con muốn nói là giới răn thứ 03 Chúa dạy phải thánh hoá ngày Chúa Nhật, phải cầu nguyện và nghỉ ngơi trong ngày này.

Nghe vậy, người Cha bực tức gắt lên:

– Giới răn là  cái quái gì! Các giới răn là để cho mấy đứa con nít kìa. Còn mày đã lớn rồi, đâu cần nữa!

Một ý tưởng loé lên trong trí, cậu bé nhanh nhẩu thưa lại:

– Thưa ba, nếu ba nghĩ vậy thì con không phải tuân giữa các giới răn của Chúa nữa. Điều đó cũng có nghĩa là con khỏi phải tuân giữ giới răn thứ 04 Chúa dạy phải vâng lời cha mẹ phải không?

Người Cha đành im lặng, không biết phải trả lời con làm sao, và ông không bắt đứa con ra đồng làm việc nữa. Trong bụng, ông nghĩ thầm là con mình có lý!

Cha xin kết thúc bằng lời khuyên của Thánh Tông đồ gửi cho Giáo đoàn Colosé: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa.”(Col 3,22)

Ngày Đức Roncalli (về sau là Giáo Hoàng Gioan XXIII) thụ phong Giám mục, ngài được vào yết kiến Đức Piô X để tạ ơn. Đức Giáo Hoàng hỏi:

– Con chọn khẩu hiệu nào?

– Thưa “Vâng phục và bình an”.

– Tại sao con chọn khẩu hiệu đó?

– Thưa Đức Thánh Cha, lúc con còn là học sinh, chiều nào con cũng thấy Hồng Y Daronius đã già cả đi qua công trường Thánh Phêrô. Mỗi lần như thế, ngài đều lấy một ít tiền tặng cho các người nghèo, đoạn vào thẳng đền thờ Thánh Phêrô, đến ngay trước tượng Thánh nhân và hôn chân ngài, rồi gục đầu vào chân tượng, đọc thực lớn tiếng: “Vâng phục và bình an”, Ai ở gần đó đều có thể nghe được. Đọc xong, Hồng Y khả kính đó đến quỳ gối cầu nguyện trước mồ thánh Phêrô, tỏ lòng cung kính, vâng phục và trung thành với Hội Thánh rồi ra về. Hình ảnh cao đẹp và tiếng nói đanh thép ấy đã ghi sâu vào tâm trí con, nên con chọn câu nói ấy làm khẩu hiệu.

Nghe qua Đức Thánh Cha rất cảm động, hài lòng và đưa bàn tay chúc lành cho tân Giám mục Roncalli. Khẩu  hiệu ấy đã được vị Giám mục thực hiện trong suốt cả đời ngài, kể cả lúc ngài trở thành Giáo Hoàng. Chính khẩu hiệu này đã giúp ngài trở thành thánh: Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII sau này. Amen.

Chúng con thân mến!

Cùng với hàng triệu triệu người đang sống trên thế giới hôm nay, chúng ta hãy kính cẩn cúi đầu mừng lể Giáng sinh của Chúa.

Như lời thiên thần đã loan báo thật long trọng: “Hôm nay, Chúa Kitô, Đấng Cứu thế đã giáng sinh cho anh em”.

1. Phải chăng Chúa đã giáng sinh một cách lạ lùng ư?

Không, Ngài được sinh ra bình thường như mọi người. Ngài xuất hiện nhẹ nhàng trong đêm đông cô tịch. Ngài không tìm được một chỗ trong hàng quán. Phúc âm viết rõ như vậy. Đức Mẹ Maria, thân mẫu Ngài đã hạ sinh Ngài trong nơi hang súc vật ngoài đồng vắng. Ngài đã khởi sự cuộc đời trong tinh thần từ bỏ, khó nghèo và đơn sơ và Ngài sẽ lớn lên trong tinh thần ấy. Với tấm thân đã chịu đựng được những thiếu thốn, khổ sở ngay từ khi được sinh ra, Ngài sẽ chẳng bao giờ coi tiện nghi vật chất làm quan trọng.

Thiên Chúa giáng sinh làm người. Ngài không xuống trần để tìm kiếm của cải thế gian. Ngài không màng đến vàng bạc và phô trương giầu có. Ngài kêu gọi trước hết đám mục đồng đang thức canh đàn vật trong đêm tối.

Khi vào hang đá đúng như lời chỉ dẫn của thiên thần, họ chỉ thấy một hài nhi mới sinh bọc trong khăn vải và nằm trong máng cỏ. Thiên Chúa giáng sinh vẫn giữ một cung cách khiêm tốn, thanh bần và bình dị như thế.

2. Tại sao Chúa lại chủ ý làm như vậy?

Có nhiều câu trả lời nhưng câu trả lời cụ thể và gần với con người chúng ta nhất là vì Ngài muốn chia sẻ kiếp sống làm người của chúng ta.

Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê đã diễn tã thật hay như sau:

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.(Pl 2,69)

Chia sẻ không phải bố thí, cũng không phải là ban ơn. Bố thí và ban ơn là đứng từ trên cao ban xuống và chỉ cho đi những gì dư thừa. Chia sẻ là đứng ngang hàng và cho đi những gì chính bản thân mình đang cần. Hiểu được như thế, chúng ta mới thấy được Đức Giêsu chính là mẫu gương chia sẻ.

Văn hào Guenter Eich có viết một vở kịch nhan đề: “Festiamus, Người Tử đạo”,với đại ý như sau:

Festiamus là người tốt lành, đơn sơ hiếm có. Mặc dù sống giữa những người gian ác, chàng vẫn luôn luôn cư xử đoan chính, giàu lòng thương đối với những kẻ bần cùng.

Sau khi chết, chàng bay tới thiên đàng. Ở đó, sau khi làm quen với các thánh, chàng để mấy ngày để đi kiếm cha mẹ, anh em và những bạn hữu xưa, nhưng không thấy ai. Chàng liền hỏi các thánh, nhưng không ai trả lời. Cuối cùng, thánh Phêrô bảo:

– Cha mẹ và bạn hữu con, họ hàng con, ngày xưa đều ăn ở gian ác, nên bây giờ họ đều ở dưới kia kìa, dưới hỏa ngục ấy!

Nghe tới đây, Festiamus liền hiểu ngay. Chàng cáo biệt các thánh và xin với thánh Phêrô:

– Con không thể ở nơi đây được khi còn nhiều người phải chịu đau khổ dưới kia.

Rồi chàng rời bỏ thiên đàng, xuống hỏa ngục để thăm cha mẹ, bạn hữu với những người thân yêu khác. Chàng làm điều đó với tất cả xác tín rằng khi một người vô tội từ trời cao đến và sống với những người bị kết án, cùng chia sẻ thân phận của họ, thì người  đó có thể phá tung địa ngục và vòng phong tỏa của quỉ ma.

Đức Giêsu là Thiên Chúa, Ngài có thể ngự trên trời, dùng quyền năng mà cứu độ nhân loại, nhưng vì muốn chia sẻ với nhân loại, nên Ngài đã xuống thế làm người để ở và cứu vớt nhân loại.

3. Hãy bắt chước Chúa sống yêu thương đối với mọi người.

Louis, bá tước miền Bourgogne, vốn là cháu ruột của vua Louis XIV, ngay từ thời thơ ấu đã nổi tiếng là một cậu bé giàu lòng nhân hậu: Sau này, khi đang làm quan tại triều đình, một hôm, ông đi từ nhà riêng ở tỉnh đến cung điện Versailles đúng vào lúc thủ đô Paris xảy ra nạn đói dữ đội. Đám đông những người nghèo khổ trông thấy ông, vội chạy đến xin ông giúp đỡ cái ăn cái uống. Thoạt đầu, sau khi bàng hoàng trước cảnh tượng đáng thương, ông xuống xe giốc hết tiền bạc mang theo để chia sẻ cho mọi người

Thấy vẫn không thấm vào đâu, ông nhanh nhẹn gỡ hết những huân chương và huy chương có nạm ngọc quí và dát vàng chói lói đang đeo trên ngực, rồi quay lại bảo người hầu cận:

– Ta làm  quan lớn trong triều mà không biết đến tình cảnh trăm họ, để đến nỗi xảy ra nạn đói thê thảm như thế này, quả thật đáng tội với dân với nước. Ta không đáng được đeo những thứ vinh quang bề ngoài này nữa. Anh hãy cầm lấy tất cả, rồi chạy đi tìm cách bán hết cho ta, lấy tiền mà mua bánh mì và đem lại đây phân phát giúp ta.

Hãy mở rộng tâm hồn để chia sẻ, vì khi mở rộng tâm hồn chia sẻ, ta đón nhận ơn Chúa. Chính khi mở rộng tâm hồn để chia sẻ, ta đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu bé thơ trong hang đá Bêlem.

Lạy Chúa Giêsu bé thơ, xin dạy con biết sống trọn vẹn mầu nhiệm Giáng sinh bằng mở lòng ra chia sẻ với mọi người. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí!

Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng thật đẹp do Thánh Luca thuật lại. Cha đố chúng con câu chuyện hôm nay thánh Luca thuật lại là câu chuyện có liên quan đến ai? Và về vấn đề gì nào?

– Dạ thưa có liên quan đến Đức Maria và bà Elisabeth.

– Rất đúng! Nhưng là chuyện gì nào?

– Thưa là Đức Mẹ đến thăm bà chị họ của mình là bà Êlisabeth.

– Cũng lại đúng nữa. Thiếu nhi chúng con giỏi quá. Nhìn vào cuộc viếng thăm này chúng con có thấy cái gì đặc biệt không?

– Dạ thưa đây là cuộc gặp gỡ của hai người mẹ.

– Chúng con trả lời hay quá. Cha khen chúng con. Đúng là cuộc gặp gỡ của hai người mẹ. Người mẹ già và người mẹ trẻ. Chúng con biết hai người mẹ đó là ai rồi.

Người mẹ trẻ là người đến thăm. Người đó chính là Đức Maria, người đang cưu mang Chúa Giêsu trong lòng, người được gọi là người “có phúc hơn mọi người nữ”, và là người có một niềm tin tuyệt vời.

Còn Người mẹ già là người được thăm: Đó là bà Êlizabeth. Bà cũng đang cưu mang. Người con bà cưu mang là người con của ân sủng. Người mẹ già và cả người con của mình đều cảm thấy được diễm phúc trước sự xuất hiện của người mẹ trẻ “Bởi đâu tôi được diễm phúc là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy! Vì này tai chị vừa nghe lời em chào thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng chị”.

Chúng con hãy tập cho mình có thói quen thăm nhau như Đức Mẹ đã làm.

Lịch sử còn kể lại rằng George Washington một trong những anh hùng của nền độc lập Hoa Kỳ, thường được đề cao như một người con chí hiếu đối với Mẹ.

Sau những trận chiến cam go nhất, giữa những công việc nặng nề của một vị nguyên thuỷ Quốc Gia, George Washington vẫn thường trở về nhà thăm viếng và chuyện trò lâu giờ với người mẹ già. Một hôm, ngạc nhiên về sự gắn bó của ông đối với mình, mẹ ông đã hỏi ông:

– Tại sao con lại chịu khó mất hàng giờ như vậy để ngồi bên mẹ?

Vị Tổng Thống nước Mỹ trả lời:

– Thưa Mẹ, con ngồi bên mẹ để nghe mẹ nói không phải là một việc mất giờ, bởi vì sự bình thản và lòng tốt của mẹ dạy con muốn tiếp tục sống.

Chúng con hãy nhớ thăm hỏi là việc làm của lòng yêu thương. Tình thương nhiều khi đem lại những kết quả hết sức bất ngờ.

Tại một xứ nhỏ ở miền quê nước Pháp, có một người đàn ông tên là ALIX, mới ngoài 50 tuổi, nhưng chân bị bất toại nên không đi đứng được. Tay ông cũng không thể làm được việc gì. Mỗi buổi sáng trước khi đi làm, vợ ông thường đặt ông trên một chiếc ghế bành, và ông phải vất vả lắm mới có thể lật giở từng trang sách đọc cho qua ngày. Mặc dù, ông không phải là người Công Giáo, nhưng cha sở thỉnh thoảng vẫn đến nhà thăm ông; và tiếp đó, ngai còn lôi kéo được nhiều người trong xứ đạo đến giúp ông nữa.

Mỗi ngày thứ năm trong tuần, có một bác sỹ trẻ tuổi tình nguyện đến chăm sóc cho bệnh tình của ông. Chúa nhật nào cũng vậy, có một nhóm trẻ em vẫn đến nhà chơi với ông. Các em giúp ông lật sách, đọc truyện cho ông nghe, bưng nước, đốt thuốc, kể những mẩu chuyện vui ở trường, và làm cho ông bớt cảm thấy cô đơn.

Năm ấy, gần Lễ Giáng Sinh, ông xin cha sở cho ông rước lễ. Cha sở tỏ vẻ ngạc nhiên, bởi vì ông ta đã theo đạo bao giờ đâu, nhưng ông ta nói:

– Thưa Cha, trước đây con không tin vào Chúa. Nhưng từ ngày con được cha đến thăm, được bác sỹ săn sóc và được các trẻ em đến giúp vui, con cảm thấy như mình đã gặp được Thiên Chúa, bởi vì chỉ có Chúa mới có thể làm cho cha, bác sỹ và các em tỏ tình thương âu yếm đối với con như vậy thôi!

Thế rồi, mùa Giáng Sinh năm ấy ông được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, Giải Tội và được rước Chúa lần đầu tiên. Ông còn sống được thêm một năm nữa, sống một cách gương mẫu nhẫn nại. Chịu khó trong vui tươi, can đảm và sau cùng, ông đã chết trong bình an của Chúa!

2. Bây giờ cha hỏi tiếp: Chúng con thấy cuộc viếng thăm mà thánh Luca thuật lại là cuộc viếng thăm như thế nào? Có đẹp không?

– Đẹp quá đi chứ: đẹp trong ý nghĩa và đẹp cả trong thành quả.

Đẹp trong ý nghĩa bởi vì đây là cuộc viếng thăm của hai người mẹ đang cưu mang trong mình những con người thánh. Và đẹp trong thành quả vì cuộc viếng thăm này đã đem lại những kết quả tuyệt vời: Gioan Tẩy giả được thánh hóa ngay từ trong lòng mẹ và Mẹ Maria đã để lại cho hậu thế một bài ca, một bài ca thánh, một bài ca có một không hai trong Lịch sử ơn Cứu độ, để nói lên tâm tình tạ ơn và ca tụng lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Xin Chúa chúc lành cho những lần chúng ta thăm viếng nhau để chúng ta góp phần vào việc làm cho thế giới chúng ta đang sống có một khuôn mặt dễ thương hơn.

Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã thuật lại một câu chuyện sau nhân dịp một đài truyền hình phỏng vấn mẹ.

Mẹ nói: Một lần khi khi còn ở Úc tôi có đến thăm một người thuộc thổ dân Aborigine. Ông cụ sống trong cảnh cô độc thật thảm thương. Ông sống trong một túp lều xiêu vẹo với tuổi đã già nua của mình. Khởi đầu câu chuyện cho lần gặp đầu tiên, tôi đã đề nghị:

– Để tôi dọn dẹp nhà và sửa soạn giường ngủ cho ông.

Ông ta trả lời hững hờ:

– Tôi đã quen sống như vậy rồi.

– Nhưng ông sẽ  cảm thấy dễ chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp.

Sau cùng ông ta bằng lòng để tôi dọn dẹp lại nhà cửa cho ông. Trong khi quét dọn tôi thấy một cái đèn cũ đẹp nhưng phủ đầy bụi bặm và bồ hóng. Tôi hỏi ông:

– Có bao giờ ông thắp đèn này chưa?

Ông ta trả lời cộc lốc:

– Nhưng thắp đèn để cho ai? Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu? Tôi sống ở đây đã từ lâu không hề trông thấy mặt người nào cả.

Tôi hỏi ông:

– Nếu như có người tình nguyện đến thăm ông thường xuyên, ông có vui lòng thắp đèn lên không?

– Dĩ nhiên là có rồi.

Từ ngày đó, các nữ tu quyết định mỗi chiều sẽ ghé qua nhà ông. Ông ta bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ hơn. Ông còn sống thêm hai năm nữa. Trước khi qua đời ông nhờ các nữ tu ghé thăm nhắn tin giúp ông:

– Xin gửi lời nhắn với mẹ Têrêsa, bạn tôi, rằng ngọn đèn mà mẹ thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng. Đó chỉ là một việc nhó mọn, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã thắp lên và vẫn còn tiếp tục chiếu sáng mãi.

Vâng! Đúng là một cuộc viếng thăm thật tuyệt vời.

Ngọn đèn cũ không được thắp sẽ trở nên vô dụng và quên lãng nơi một xó xỉnh nào đấy, nhưng khi được châm vào một chút dầu tình yêu và sự bao dung thì nó đem đến sự sáng và sưởi ấm lòng người. Giờ đây, con người dù phải sống cô độc nhưng không còn cô đơn nữa vì bóng tối đã bị đẩy lui và nhường bước cho tình yêu và lòng bao dung của những đốm sáng nhỏ nơi con người, nơi nhân loại.

Xin Chúa cho những lần chúng ta gặp gỡ nhau đem lại cho nhau nhiều niềm vui thánh thiện để chúng ta xây dựng cuộc sống chúng ta đang sống được mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn. Amen.