Chúng con thân mến!

Hôm nay chúng con có thấy cái gì khác lạ không?

– Màu áo lễ là mầu hồng.

Rồi chúng con nghe các bài đọc vừa rồi, chúng con có thấy nói tới cái gì nhiều không? Thí dụ bài đọc thứ nhất trích từ sách Ngôn sứ Sophonia?

Ngay từ câu đầu ngôn sứ đã kêu: “Hãy vui lên”

Rồi tới bài đọc II  trích từ thư thứ I của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Thexalônica, thánh Phaolô cũng nói: “Anh em hãy vui mừng luôn trong Chúa”

Tiếp theo là bài Tin Mừng theo Thánh Luca cho mọi người biết muốn có niềm vui thì phải làm gì.

Chính vì thế mà các nhà Phụng vụ thường gọi Chúa Nhật hôm nay là Chúa nhật của Niềm vui

1. Cha hỏi chúng con niềm vui là gì?

Cha kể cho chúng con câu chuyện này: Có một cậu bé muốn đi gặp Chúa Giêsu, để chuẩn bị cho cuộc hành trình, cậu bỏ vào giỏ mấy chiếc bánh và hai chai sữa tươi. Và cậu bé lên đường, lòng vui tươi hớn hở. Mới đi được mấy dãy phố, cậu chợt thấy một bà cụ già đang ngồi trên một chiếc ghế đá công viên. Cậu thấy mỏi chân nên quyết định ngồi nghỉ một chút bên cạnh bà lão. Cậu lấy một chai sữa tươi ra, định uống cho đỡ khát.

Nhưng nhìn sang, thấy bà cụ run lập cập, có lẽ vì đói quá chăng. Cậu liền lấy bánh lẫn sữa ra mời bà. Bà cụ nhận tất cả với một nụ cười cảm động và biết ơn ôi nụ cười mới đẹp làm sao? Thế là hai bà cháu mải mê ngồi ăn uống và nói chuyện vui vẻ với nhau mãi.

Buổi chiều, khi cậu bé trở về nhà, bà mẹ thấy con rất vui liền hỏi:

– Hôm nay con có chuyện gì mà vui thế?

Cậu hớn hớ khoe:

– Mẹ có ngờ được không? Hôm nay con đã cùng ngồi ăn trưa với Chúa Giêsu. Người có nụ cười thật đễ thương mẹ ạ!

Trong khi đó, bà lão cũng chậm rãi trở về nhà, lòng chan chứa một niềm bình an. Cậu con trai lớn của bà hỏi thăm ngay từ cửa:

– Mẹ ơi, sao hôm nay mẹ có vẻ vui thế nhỉ?

Bà cụ móm mém trả lời:

– Này, con có ngờ được không? Hôm nay mẹ đã cùng được ngồi ăn trưa với đức Giêsu. Người trẻ hơn mẹ tương nhiều con ạ!

2. Làm sao để mình có được niềm vui?

Thánh Gioan cho chúng ta một bí quyết: Sống mỗi ngày tốt hơn một tí

Cha thấy ông Gioan là một người rất thực tế. Ông không đòi hỏi ai điều khó, khó đến nỗi họ không làm được.

Chúng con thấy khi những người lính đến hỏi ông thì ông trả lời: “Hãy bằng lòng với đồng lương của mình.”

Với những người thu thuế thì ông bảo: “Đừng có hà hiếp ai.”

Những người có đạo, ông khuyên người ta: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.”

Cha hỏi chúng con: Tại sao ông Gioan lại đưa ra những lời khuyên khác nhau như vậy? Có phải ông phân biệt đối xử hay không? Hay là ông không muốn mọi người đều phải được đối xử như nhau.

Không phải thế chúng con! Mà phải nói như thế này mới đúng: Ông Gioan đã không dám bắt mọi người phải sống hoàn hảo như nhau. Ông chỉ muốn mỗi người sống mỗi ngày tốt hơn một tí. Những người chưa có được cuộc sống theo lẽ công bình thì hãy cố gắng sống công bình với mọi người. Những ai đã quen với cuộc sống công bình rồi thì cố gắng đưa cuộc sống mình lên cao hơn để sống bác ái.

Với những người thu thuế và những người lính, họ đã quen sống thiếu công bằng và chưa biết sống bác ái yêu thương, nghĩa là họ chỉ quen sống với điều mà người ta gọi là luật rừng, ông chỉ dám khuyên họ sống tốt hơn một chút. Sống tốt hơn ở đây là biết cư xử công bình với nhau.

Còn đối với những người đã biết sống công bình, ông khuyên họ đưa cuộc sống của họ lên cao một tí. Cao ở đây là lên tới cuộc sống bác ái yêu thương. Bác ái yêu thương ở đây là biết chia sẻ.

3. Thí dụ cụ thể.

Có lần, một sinh viên nói với nhà khoa học và triết học Blaise Pascal:

– Nếu cháu được tài giỏi như chú, cháu sẽ trở thành một người tốt hơn!

Ông Pascal trả lời:

– Điều đầu tiên là cháu hãy trở thành một người tốt hơn, rồi cháu sẽ được tài giỏi như chú!

Tại một tiệm bán thực phẩm cho các loài chim kia, vì muốn thu hút khách hàng, nên ông chủ tiệm bắt được con phượng hoàng đem nhốt vào cái lồng lớn đặt trong tiệm.

Một hôm, có hai ông cháu từ miền núi xuống thành phố mua đồ. Khi đi ngang qua tiệm, vừa trông thấy con chim phượng hoàng bị nhốt trong lồng, ông ta động lòng thương hại, liền ngỏ ý với ông chủ tiệm xin mua con chim ấy.

Không để mất cơ hội, ông chủ tiệm đòi giá tiền thật cao.

Không một lời trả giá, người khách hàng đi thẳng tới nhà ngân hàng, rút số tiền cần thiết và trở lại tiệm mua chim phượng phoàng. Ông ta vui mừng ẵm con chim trên tay bước ra khỏi tiệm. Vừa bước chân tới quãng đường vắng, ông ta liền mở tay ra để chim được tự do bay bổng giữa bầu trời mênh mông của nó.

Ngạc nhiên trước việc làm của ông, đứa cháu nhỏ tò mò lên tiếng hỏi:

– Thưa ông nội, tại sao ông lại sẵn sàng hy sinh một số tiền lớn như vậy để chuộc trả tự do cho con chim phượng hoàng ấy.

Ông vui vẻ đáp:

– Cháu hãy ghi lòng tạc dạ điều này: trên đời, giàu sang không chỉ căn cứ trên những gì mình có thể chiếm đoạt được mà thôi, nhưng chính là trên những gì mình cần phải cho đi, để có thể thực hiện được điều tốt lành cần phải làm.

Hay quá chúng con! Làm sao có thể thực hiện được những điều tốt đẹp mà mình cần phải làm. Chẳng thiếu gì những điều như thế chung quanh cuộc sống của mỗi người chúng ta. Cha cho chúng con một thí dụ.

Một cậu bé xuất hiện trước cửa hàng bán chó và hỏi người chủ cửa hàng:

– Giá mỗi con chó là bao nhiêu vậy bác?

Người chủ cửa hàng trả lời:

– Khoảng từ 30 tới 50 đô la một con!

Cậu bé rụt rè nói:

– Cháu có thể xem chúng được không ạ?

Người chủ cửa hàng mỉm cười rồi huýt sáo ra hiệu. Từ trong chiếc cũi, năm chú chó con bé xíu như năm cuộn len chạy ra, duy có một chú bị tụt lại sau khá xa. Ngay lập tức, cậu bé chú ý tới chú chó chậm chạp, hơi khập khiễng đó. Cậu liền hỏi:

– Con chó này bị sao vậy bác?

Ông chủ giải thích rằng nó bị tật ở khớp hông và nó sẽ bị khập khiễng suốt đời.

Nghe thế cậu bé tỏ ra xúc động:

– Đó chính là con chó cháu muốn mua!

Chủ cửa hàng nói:

– Nếu cháu thực sự thích con chó đó, ta sẽ tặng cho cháu. Nhưng ta biết cháu sẽ không muốn mua nó đâu.

Gương mặt cậu bé thoáng buồn, cậu nhìn thẳng vào mắt ông chủ cửa hàng và nói:

– Cháu không muốn bác tặng nó cho cháu đâu. Con chó đó cũng có giá trị như những con chó khác mà. Cháu sẽ trả bác đúng giá. Thực ra, ngay bây giờ cháu chỉ có thể trả bác 2 đô la 37 xu thôi. Sau đó, mỗi tháng cháu sẽ trả dần 50 xu được không ạ?

– Bác bảo thật nhé, cháu không nên mua con chó đó, người chủ cửa hàng khuyên. – Nó không bao giờ có thể chạy nhảy và chơi đùa như những con chó khác được đâu.

Ông vừa dứt lời, cậu bé liền cúi xuống vén ống quần lên, để lộ ra cái chân trái tật nguyền, cong vẹo được đỡ bằng một thanh kim loại. Cậu ngước nhìn ông chủ cửa hàng và khẽ bảo:

– Chính cháu cũng chẳng chạy nhảy được mà và chú chó con này sẽ cần một ai đó hiểu và chơi với nó.(Dan Clark)

Muốn có được niềm vui chúng ta cũng phải làm như thế. Phải biết chia sẻ, Chia sẻ càng nhiều càng tốt. Làm được như thế nhất định chúng ta sẽ có thật nhiều niềm vui trong Mùa Giáng Sinh này. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí.

Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng do thánh Luca thuật lại.

Cha đố chúng con Thánh Luca nói đến ai và nói về vấn đề gì trong bài Tin Mừng hôm nay?

– Dạ thưa cha Thánh Luca nói đến Ông Gioan Tẩy Giả.

– Và nói về vấn đề gì nào?

– Dạ thưa cha nói về những lời kêu mọi người sám hối để được ơn tha tội.

– Chúng con trả lời rất đúng. Cha khen chúng con. Và bây giờ cha bắt đầu nói với chúng con về từng vấn đề.

1. Trước hết là về Gioan Tẩy Giả.

Khi nhìn vào cuộc đời của Gioan Tẩy Giả, chúng con có thấy điều gì nổi bật không? Không biết chúng con nghĩ sao chứ riêng cha, cha thấy có một vài điểm rất nổi bật này:

+ Đầu tiên cha thấy ông là người coi thường những thứ mà người đời hay tìm kiếm. Nhưng thử hỏi những thứ mà người đời hay tìm kiếm là những thứ nào chúng con? Cha đọc trong lịch sữ cha thấy những điều mà người đời hay tìm kiếm là những thứ có cò liên hệ mất đến 4 nhu cầu căn bản này của con người đó lá Ăn-Ở-Đi-Mặc.

Ai cũng muốn được ăn ngon-mặc đẹp-Ở nhà sang- Đi lại bằng những phương tiện sang trọng.

Gioan có thèm những thứ đó không chúng con?

Chúng con hãy đọc lại Tin Mừng. Tin Mừng ghi làm sao? Tin Mừng Thánh Marcô ghi: “Vào thời đó, ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện ở trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng.” (Mc 1.4.7)

Đúng là cuộc sống siêu thoát, không màng gì đến những thú vui của thế gian mặc dầu ông có dư điều kiện để sống cuộc đời như nhiều người thèm muốn. Thủ hỏi ông làm như thế để làm gì chúng con. Cha tưởng là ông muốn tự rèn luyện mình để trở thành một cây lim cây sến như Đức Cha Thiamer Toth nói, một con người có chí khí sắt đá kiên cường, hầu có thể đứng vững trước mọi thử thách mà ông phải đương đầu sau này khi ông đi loan truyền sứ vụ Chúa trao phó.

+ Tiếp theo cha thấy ông Gioan Tẩy Giả là người có một lý tưởng để sống. Có lần Chúa Giêsu nói về ông như thế này: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến. Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả.(Mt 11,7-11)

Cha thấy ở trên đời có nhiều người sống nhưng không biết sống để làm gì. Chúng con nghe câu chuyện này.

Ngày kia có ba người mặt mày buồn bã đến hỏi ý kiến của một nhà hiền triết, xem làm thế nào để họ được sống vui vẻ có ý nghĩa. Nhà hiền triết hỏi họ:

– Trước tiên, các ông hãy nói cho tôi biết các ông sống vì cái gì?

Người thứ nhất trả lời – Vì tôi không muốn chết, cho nên tôi sống.

Người thứ hai nói: – Vì tôi muốn nhìn xem ngày mai có tốt hơn ngày hôm nay hay không, vì vậy mà tôi sống.

Người thứ ba nói: – Vì tôi có một gia đình phải nuôi dưỡng. Tôi không thể chết, vì vậy mà tôi sống.

Nghe vậy nhà hiền triết lắc đầu nói:

 – Thế thì đương nhiên là các ông không được vui vẻ rồi, vì các ông sống chỉ vì sợ hãi, chờ đợi, trách nhiệm bất đắc dĩ, chứ không vì lý tưởng.

Nhìn vào cuộc sống của Gioan, mọi người phải nể phục ông. Ông sống rất đẹp. Mọi người phải nể phục không phải vì Gioan là người có quyền cao chức trọng nhưng vì đời sống của ông đẹp quá, cao cả quá, thánh thiện quá. Gioan là người luôn hướng nhìn về phía trước, sống cho phía trước. Phía trước có cõi đời đời. Trong cõi đời đời đó có Thiên Chúa hằng sống. Gioan sống và phục vụ cho Đấng Hằng Sống vì thế mà đời của Gioan đẹp.

2. Tiếp theo là đề tài ông Gioan rao giảng.

Tin Mừng bảo Gioan đã mượn lời tiên tri Isaia để nói với mọi người. “Hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.”(Lc 3,4-5)

Ý của Gioan thật rõ ràng. Ơn Cứu độ của Thiên Chúa đã gần kề. Muốn được Chúa Cứu độ thì phải làm đường, nghĩa là phải làm cho tâm hồn của mình cho xứng đáng.

Chúng con hãy nghe câu chuyện cảm động này: Charlie là một tội phạm. Anh bị cáo buộc là đã giết một viên chức hành chánh tại đại học Haverford ở Pennsylvania. Anh bị toà kết án và án là phải tử hình trên ghế điện. Trong khi anh ngồi tù, thì có một đoàn truyền bá Phúc âm thuộc nhà thờ Alden Union giúp anh đến với Chúa. Charlie học Kinh thánh và rất thích Thánh ca. Charlie hay hát bài: “Không ai săn sóc tôi bằng Chúa Giêsu”.

Trước khi bị đưa lên ghế điện, Charlie xin được nói chuyện với các bạn tù của anh. Khi được phép, Charlie nói với mọi người về niềm vui của anh trong Chúa. Anh bảo rằng anh không còn sợ bị hành quyết. Anh rất hối hận về tội của mình, nhưng đã được Chúa tha thứ và bịết rằng chẳng bao lâu nữa sẽ được gặp Chúa trực tiếp.

Cuối giờ nói chuyện, Charlie hát bài hát mình thích nhất rồi bước xuống. Một tờ báo tại Philadelphia thuật rằng khi đi vào ghế điện, anh hát một lần nữa. Khi người ta trùm đầu Charlie, câu nói cuối cùng của anh cũng là lời hát, rằng: “Một ngày kia tôi sẽ gặp mặt Chúa phúc hạnh”.

Charlie đối diện với cái chết không sợ sệt vì bịết rằng Chúa Giêsu đã cất đi “tội ác và bóng tối” trong tâm hồn anh. Chuá đang sống và cùng đi với anh vào thung lũng của tử thần.

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

 Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con.

 Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn
sau mỗi lần gặp Chúa.

 Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con,
thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con.

 Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu
có bộ mặt chán nản và thất vọng.

 Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí.

Chúng ta vừa được nghe một bài Tin Mừng rất lạ của Chúa Giêsu.

Trong bài Tin Mừng này Chúa nói với mọi người về ngày Chúa Quang Lâm hay ngày Chúa trở lại phán xét trần gian mà chúng ta quen gọi là ngày Tận thế. Ngày ấy chưa xảy ra nhưng chắc chắn nó sẽ xảy ra.

Chúa đã dùng những lời nói và những hình ảnh hết sức ấn tượng để nói về ngày này.

Đây chúng con hãy nghe lại vài câu: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.”(Lc 21,26-27)

Chúa bảo lúc đó người ta sẽ sợ đến hồn xiêu phách lạc.Thật là đáng sợ! Nhưng giữa cảnh sợ hãi đó, Chúa lại nói với chúng ta là những người con cái của Chúa những lời hết sức phấn khởi. Chúa bảo làm sao chúng con? Chúa bảo: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”(Lc 21,28).

Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên. Chỉ có hai câu thật vắn tắt thôi nhưng chúng ta cũng thấy được ý muốn của Chúa đối với chúng ta thật lạ lùng. Chúa muốn chúng ta phải tin tưởng vào Chúa và sống anh hùng.

1. Đứng thẳng!

Chúa không muốn chúng ta sống bạc nhược run sợ trước mọi thử thách ở trên trần gian này. Chúa muốn chúng ta phải biết đứng thắng. Đứng thẳng là tư thế của của những anh hùng.

Đức Cha Tihamer Toth có thuật lại một câu chuyện hết sức cảm động về một em bé tên là Barlaam như thế này. Thời kỳ cấm đạo đẫm máu trong thế kỷ thứ nhất của đạo Thiên Chúa, một người dân quê bị bắt và bị dẫn ra trước tượng thần Jupiter.

– Hãy bỏ hương vào lửa rồi dâng cúng cho thần linh chúng ta!

Người ta giục anh như thế.

– KHÔNG! anh trả lời…

Người ta bắt đầu hành hạ anh, nhưng anh vẫn đứng thắng và im lặng. Người ta nâng tay anh lên trên ngọn lửa, người ta nhét hương vào bàn tay anh và bảo anh chỉ có việc bỏ rơi hương xuống lửa:

– Hãy bỏ hương xuống, mày sẽ được tự do!.

– KHÔNG. Barlaam, người dân quê đó vẫn trả lời như thế. Anh vẫn đứng thằng và tay giơ lên… ngọn lửa bốc mạnh liếm hẳn vào bàn tay anh, hương bắt đầu bén khói, nhưng anh vẫn không động đậy… Bàn tay anh bị cháy xém với hương, nhưng Barlaam thà chịu chết vì Đạo còn hơn chối Chúa. Một quả tim biết chịu đựng! Đúng là thái độ của một anh hùng

Và đây đây là câu chuyện có thật xảy ra thời Liên xô còn thống trị cả một vùng đất lớn bên Âu Châu. Khi quân đội Nga tiến vào thủ đô Budapest nước Hung-ga-ri để trấn áp một cuộc bạo động, có một viên sĩ quan trẻ hung hăng trong tư thế một kẻ chiến thắng, đã tìm đến nhà của một vị mục sư.

Anh ta bước vào phòng. Đóng xập cửa lại, tay chỉ lên cây Thánh Giá treo trên tường và bảo ông mục sư:

– Này, ông có biết không, cái đó là một sự dối trá, mê hoặc dân nghèo để bọn người giàu có thể kìm hãm họ trong sự ngu dốt. Bây giờ chỉ có ông và tôi, ông hãy thú nhận là ông không hề tin cái ông Giê-su nào đó là Con của Thiên Chúa…

Vị mục sư điềm tĩnh nhỏ nhẹ trả lời:

– Không thể được, tôi thật sự tin vào Người!

Viên sĩ quan rút súng ra và bảo:

– Ông đừng có đùa với tôi! Nếu ông không khẳng định đó là sự dối trá, tôi sẽ nổ súng giết ông ngay lập tức!

Vị mục sư đứng thẳng người, nhìn sâu vào đôi mắt anh ta và dõng dạc trả lời:

– Tôi không thể nói khác được. Đức Giê-su thật sự là Con Thiên Chúa!

Thật không ngờ, nghe đến đây, viên sĩ quan vứt khẩu súng xuống nền nhà, chạy lại ôm chầm lấy vị mục sư. Anh vừa khóc vừa nói:

– Xin lỗi ông, tôi chỉ muốn thử xem ông có trung thực hay không! Đúng thế, tôi cũng đã âm thầm lặng lẽ tin trong suốt nhiều năm qua như ông đã tin! Nhưng giờ đây, tôi đã khám phá ra rằng: có ít nhất một người dám chết cho Đức Tin của mình, chính ông, ông đã củng cố Đức Tin cho tôi!

Đó! Những người theo Chúa phải sống anh hùng như thế.

2. Tiếp theo Chúa bảo chúng ta: Hãy ngẩng đầu lên!

Dale Carnegie trong tác phẩm nổi tiếng của ông là cuốn Quảng Ganh Lo Đi Và Vui Sống có thuật lại một câu chuyện rất nhỏ nhưng ý nghĩa của nó thì thật sâu sắc.  Câu chuyện như sau: “Trong một nhà tù, hai người cùng đứng vịn tay vào song sắt; một người nhìn xuống chỉ trông thấy một bức tường trơ trụi, còn một người ngửa mặt nhìn lên trời, thì thấy những vì sao.”

 Hai người cùng một hoàn cảnh tù tội, cùng đứng trong một căn phòng, nhưng hai thái độ của họ đối với cuộc sống hoàn toàn khác nhau. Thái độ của người biết nhìn lên hoàn toàn khác với thái độ của người chỉ biết nhìn xuống.

Bước vào Mùa vọng hôm nay, Chúa cũng muốn chúng ta biết ngẩng đầu lên. Tại sao Chúa lại muốn chúng ta ngẩng đầu lên như vậy?

Chúa Giêsu bảo chúng ta phải ngẩng đầu lên vì chúng ta thường cúi đầu xuống. Cúi đầu xuống để chỉ nhìn thấy những cái ở dưới đất. Chỉ khao khát, tìm kiếm những cái ở dưới đất và lấy làm thỏa mãn với những cái ở dưới đất, làm cho tâm hồn chúng ta tê liệt đến nỗi không còn đủ sức cất cánh lên cao, để khao khát, tìm kiếm những gì chân thật, vĩnh cửu là những cái tạo nên thực chất và ý nghĩa cuối cùng của cuộc đời con người.

Hãy biết ngẩng đầu lên để nhìn thấy trời cao, thấy những vì sao sáng trên bầu trời bát ngát bao la. Trái đất nhỏ bé lắm chúng con. Hãy ngẩng đầu lên chúng ta mới được cuộc sống này thật đẹp và thấy được những việc lạ lùng Chúa làm cho chúng ta.

Ðây là câu chuyện của Jimmy Durante, một diễn viên hài được mời tham gia một buổi trình diễn để phục vụ những cựu chiến binh trong thế chiến thứ hai. Ông báo với ban tổ chức rằng lịch diễn của ông rất khít nên chỉ có thể tham gia diễn trong vài phút. Nhưng nếu họ cho phép, ông sẽ độc diễn một đoạn rồi đi ngay. Dĩ nhiên là ban tổ chức đồng ý.

Nhưng khi Jimmy lên sân khấu, điều thú vị đã xảy ra. Ðộc diễn xong ông vẫn đứng lại,.Tiếng hoan hô càng lúc càng lớn hơn và ông cứ đứng đấy trên sân khấu. 15, 20 phút rồi đến cả nửa tiếng. Cuối cùng ông mới cúi đầu chào lần cuối và rời sân khấu.

Tại hậu trường, có một người hỏi ông:

– Tôi ngỡ là ông sẽ đi sau vài phút chứ. Có chuyện gì xảy ra vậy?

Jimmy trả lời :

– Ðúng là tôi phải đi nhưng tôi sẽ chỉ cho anh thấy tại sao tôi lại ở lại. Anh hãy nhìn xuống hàng ghế trước xem. Anh có thấy 2 người đàn ông mỗi người đều bị cụt mất một cánh tay không. Một người mất cánh tay mặt. Người còn lại mất cánh tay trái. Vậy mà họ có thể vỗ tay được? Bạn hãy nhìn xem. Họ đang cùng nhau dùng bàn tay còn lại của mình để vỗ tay đấy. Họ làm điều đó một cách hết sức nhiệt tình.

Đẹp quá phải không!

Hãy ngẩng đầu lên để nhìn thấy những việc lạ lúng Chúa làm mà những người chỉ biết nhìn xuống không thể thấy nổi.

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.

 Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

 Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

 Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên trời cao ;
và những vẻ đẹp của trần gian
không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

 Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí.

Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ. Giáo Hội dùng Chúa nhật hôm nay để tôn vinh Chúa Giêsu là Vua.

Chính vì thế mà hôm nay cha muốn nói với chúng con về Vua-Giêsu.

1. Trước hết cha phải nói ngay. Chúa Giêsu là vua nhưng Chúa không muốn làm vua theo kiểu của con người trần thế chúng ta.

Đây chúng con hãy nghe Chúa giải thích:  “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Rồi khi ông Philatô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Ðức Giêsu đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”(Ga 18,37)

Vì Chúa không phải là vua theo kiểu của thế gian nên Chúa không sống theo lối sống của hầu hết các vua chúa trên trần gian này.

Cha hỏi chúng con vua chúa trên thế gian này thường sống như thế nào? Cha không dám nói là tất cả nhưng cha có thể nói hầu hết các vua chúa trên thế gian này khi làm vua thì chỉ biết sống hưởng thụ.

Chúng con hãy nghe câu chuyện này:

Có một ông Vua nọ bị dân gán cho một căn bệnh hiểm nghèo, đó là “Tứ chứng nan y” gồm: Mù, què, câm, điếc.

Một hôm, một người vào cung Vua, yết kiến. Vua hỏi:

– Nhà ngươi vào gặp Ta chắc có chuyện gì?

– Tâu bệ hạ – người đó thưa lại-  hạ thần nghe rằng bệ hạ đang mang một căn bệnh rất hiểm nghèo là “Tứ chứng nan y” nên hạ thần vào thăm bệ hạ.

Nghe thế, Nhà vua liền nổi giận quát:

– Kẻ nào dám bịa đặt bảo ta bị bệnh? Chân tay mắt mũi ta lành lặn thế này mà bảo ta mù, què, câm, điếc sao?

Người kia liền tâu:

– Thần nghe thiên hạ đồn như vậy, nay gặp Vua mới biết sự thực. Nhưng xét lại, thì tin đồn ấy cũng chẳng sai.

Nhà vua chặn lời và nói:

– Vậy ngươi hãy chỉ cho ta xem nào!

– Tâu bệ hạ, thứ nhất dân kêu kiện nhiều mà bệ hạ không thèm trả lời, không giải quyết, nên bọn họ tưởng Bệ Hạ bị câm. Thứ hai, giặc ngoại bang tràn lan muốn xâm chiếm đất nước, nhân dân hoang mang lo sợ, kêu cầu nhà Vua mà vua không lo gì hết, nên họ tưởng là nhà Vua họ bị điếc. Thứ ba, cuộc sống của bệ hạ thì quá là sung sướng, trên nhung dưới lụa, còn ngược lại, dân chúng sống trong cùng cực, đói khổ. Họ không hề thấy bệ hạ dòm ngó gì đến họ, cũng chẳng thèm quan tâm lo lắng đến đời sống của họ, nên họ tưởng bệ hạ bị đui.cuối cùng, vì họ không bao giờ thấy bệ hạ ra khỏi cung điện, mà ngày đêm chỉ biết ăn chơi với các cung phi, nên họ tưởng là bệ hạ bị què!

Đọc lại tiểu sử của rất nhiều vua trên trái đất này, cha thấy rất nhiều ông vua đã sống như thế kể cả một ông vua nổi tiếng là khôn ngoan trong Kinh Thánh đó là vua Salomon. Sách Các Vua 1 V 11, 2-3 nói Salômôn có đến 700 bà vợ chính thức và 300 thê thiếp! Khiếp chưa chúng con?

2. Còn Vua Giêsu thì sao chúng con?

Chúng ta hãy nghe lời chính Chúa nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”(Mt 20,28)

Chúa Giêsu là Con của Thiên Chúa xuống thế làm người. Chúa Giêsu là hoàng tử từ trời cao được Thiên Chúa Cha gửi xuống trần thế này là để làm Vua. Chúa Giêsu cảm thấy hạnh phúc vì được ở giữa loài người. Vua Giêsu sống giữa dân, lo cho dân, vui với cái vui của dân, khổ với nỗi khổ của dân. Tất cả vì dân mà phục vụ, vì dân mà sống. Toàn bộ Tin Mừng đạ cho chúng ta thấy điều đó. Đây là một trong những câu chuyện mà Tin Mừng Luca ghi lại:

Hôm đó, Vua Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Nain, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người.Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa! ” Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy! ” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”.17 Lời này về Đức Giêsu được loan truyền khắp cả miền Giuđê và vùng lân cận.(Lc 7 …)

3. Cuối cùng, cha hỏi chúng con: Vua Giêsu muốn cho các thần dân của Người sống với nhau thế nào?

Đây là ước nguyện của Chúa Giêsu:Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”(Lc 12,49).

Vua Giêsu muốn cho mọi người yêu thương nhau. Bởi vì chỉ có tình yêu mới đem lại những điều kỳ diệu cho cuộc sống này.

Có một cậu bé tự cho mình là đứa trẻ bất hạnh nhất thế giới này. Trong con mắt của bạn bè, cậu là kẻ nhát gan, yếu đuối. Trên nét mặt cậu thường lộ vẻ sợ hãi. Cậu thở phì phò giống người ta kẻo bễ vậy. Khi bị cô giáo gọi đứng dậy đọc bài hay trả lời câu hỏi, đôi chân cậu lập tức run rẩy, môi liên tục mấp máy. Đương nhiên, cậu trả lời ấp úng và đứt quãng. Cuối cùng, cậu đỏ mặt xấu hổ quay về chỗ ngồi. Nếu cậu có một gương mặt đẹp, thì người khác có thể cảm tình với cậu một chút. Nhưng khi bạn thương hại nhìn cậu ta, thì bạn có thể nhìn thấy hàm răng hô xấu xí của cậu.

Vào một ngày mùa xuân, bố cậu bé xin nhà hàng xóm một ít cây giống. Bố cậu muốn trồng chúng trước nhà. Ông bảo các con, mỗi đứa trồng một cây. Ông nói với chúng, cây của ai lớn nhanh nhất, người đó sẽ được ông tặng cho một món quà giá trị. Cậu bé ấy cũng muốn nhận được món quà.

Nhưng khi nhìn thấy anh chị em hào hứng chạy đi chạy lại tưới nước cho cây, không hiểu tại sao, trong đầu cậu lại nảy sinh ý nghĩ kỳ quặc: cậu mong cái cây mình trồng mau chóng chết đi. Vì thế, cậu chỉ tưới nước cho cây hai lần, sau đó bỏ mặc nó.

Một tuần sau, khi xem cái cây mình trồng, cậu bé ngạc nhiên phát hiện nó không những không héo úa, mà còn mọc ra mấy cái lá xanh nõn nà. So với những cái cây mà anh chị em cậu trồng, nó dường như tươi tốt hơn và tràn đầy sức sống. Bố cậu thực hiện đúng lời hứa, mua cho cậu một món quà mà cậu thích nhất. Đồng thời, ông còn nói với cậu, cứ xem cách cậu trồng cây, thì sau này chắc chắn cậu sẽ trở thành một nhà thực vật học xuất sắc.

Từ đó trở đi, cậu bé dần dần trở nên lạc quan.

Vào một buổi tối, cậu bé trằn trọc không sao ngủ được. Nhìn ánh trăng vằng vặc ngoài sân, cậu chợt nhớ đến câu nói của thầy giáo dạy sinh vật: thực vật thường lớn lên vào lúc trời tối. Cậu nghĩ bụng, tại sao mình không xem thử xem cái cây mình trồng lớn như thế nào nhỉ? Khi cậu rón rén đi ra ngoài sân. Cậu nhìn thấy bố đang dùng gáo tưới nước cho cái cây cậu trồng. Ngay lập tức, cậu hiểu ra tất cả. Hóa ra, bố cậu âm thầm bón phân cho cái cây cậu trồng. Cậu trở về phòng ngủ, gục mặt xuống giương mặc cho nước mắt chảy đầm đìa trên khuôn mặt.

Thấm thoắt mấy chục năm đã trôi qua. Cậu bé với đôi chân tập tễnh ấy mặc dù không trở thành một nhà thực vật học như ước nguyện của người cha, nhưng lại trở thành tổng thống của nước Mỹ. Tên của ông là Franklin Roosevelt.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Hôm là lễ kính ai vậy chúng con?

Các thánh Tử đạo tại VN.

+ Rất đúng. Các thánh TĐ tại VN là những ai vậy chúng con?

– Là những người Việt nam, những nhà truyền giáo ngoại quốc chết vì Đạo tại VN. Các ngài là tổ tiên của chúng ta.

+ Việc các ngài chết như vậy đã lâu chưa?

– Chưa! Mới cách đây khoảng 300 năm.

+ 300 năm với cả mấy trăm ngàn người đã dám chết vì Đạo như thế. Thật là một biến cố hết sức lạ lùng! Vậy cha hỏi chúng con, khi mừng kính các thánh Tử Đạo tại VN, chúng ta phải có những tâm tình nào? Cha thấy có nhiều tâm tình lắm nhưng đối với cha cha thích hai tâm tình này.

1. Tâm tình thứ nhất đó là tự hào.

Chúng ta tự hào 3 lý do:

Trước hết vì các thánh là người đã chết trên dất nước Việt Nam thân yêu này của chúng ta. Tertulianô sử gia của Lamã thuở xưa đã nói: “Hạt máu của những vị tử đạo là hạt giống nảy sinh ra những người kitô hữu khác”

Thứ đến là vì số lượng lớn lao đông đảo các Thánh tại VN của chúng ta đã có mặt trong Lịch sử của Giáo Hội. Với 118 vị đã được Giáo Hội phong lên hàng hiển thánh, Giáo Hội VN được xếp nhất nhì trong sổ bộ các thánh đã được Giáo Hội tuyên phong.

Và cuối cùng tự hào vì các Ngài là những chứng nhân anh hùng quả cảm cho lòng tin vào Thiên Chúa.

Đọc lại tiểu sử các Ngài ta không khỏi không cảm phục về đức tin kiên cường của các Ngài.

Lịch sử còn ghi lại những hình phạt mà con người đã nghĩ ra và đã dùng để trừng phạt những người theo đạo như sau:

  – Nhẹ nhất là bị gông cùm. Bị xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói cho tới chết.

  – Nặng hơn một chút thì bị voi dầy, bị trói rồi bị ném xuống sông, bị chôn sống, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng cho đến chết.

  – Quyết liệt hơn một chút thì bị xử trảm, xử giảo (= bị thắt cổ) và thiêu sống.

  – Ác liệt nhất là bị xử lăng trì (phân thây ra từng mảnh) hay bá đao ( bị xẻo đi từng mảnh thịt cho tới chết)

Chúng con yêu quí.

Nhìn lại cái chết của các thánh Tử Đạo VN, chúng ta thấy gian khổ có cao, hình phạt có nặng nhưng lòng trung thành của các Ngài còn cao hơn. Cái chết của các Ngài thật đáng làm cho chúng ta phải tự hào. Trong sắc phong chân phước cho 64 anh hùng tử đạo VN ngày 27-5-1900 Chính Đức Thánh Cha Léo XIII đã nói về các Ngài với tất cả lòng khâm phục như sau: “Đây là những chiến sĩ trung liệt và kiên cường không kém gì những chiến sĩ ngày xưa vào những thế kỷ khai nguyên của Giáo Hội Chúa Kitô”.

2. Tâm tình thứ hai: Biết ơn.

Việc mừng lễ hôm nay làm cha nhớ lại những lời rất cảm động sau đây của Chúa Giêsu: “Kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì chúng con không vất vả làm ra. Những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng công lao khó nhọc của họ ” (Jn 4,36-37).

Sử gia Tertulianô ngày xưa khi nhìn lại những năm trời Giáo hội bị bách hại và những cuộc trở lại đạo hàng loạt sau đó, ông đã phải viết lên những lởi rất rất đáng cho chúng ta suy nghĩ như thế này: “Những hạt máu của những vị tử đạo là những hạt giống làm nảy sinh ra những người Kitô hữu khác”

Chúng ta phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng ta có được những con người anh hùng như thế. Đồng thời chúng ta cũng phải biết ơn các Ngài vì  chính nhớ các Ngài mà hạt giống Đức tin đã nảy mầm và lớn lên trong chúng ta.

Vấn đề là chúng ta phải sống làm sao để tỏ lỏng biết ơn với cha ông tổ tiên của chúng ta?

Châm ngôn VN có câu rất hay: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”

Phải sống xứng đáng để những thế hệ mai sau khi nhìn vào thế hệ này, họ cũng phải cảm thấy tự hào và biết ơn.

Năm 1934 khi nhắn nhủ một số các em nhỏ đến mừng sinh nhật của mình nhà bác học nổi danh nhất của thể kỷ thứ 20, Albert Einstein đã nói với các cháu những lời cảm động như sau: “Các cháu nên nhờ rằng những điều kỳ diệu các cháu được học ở trường hôm nay là do công lao của biết bao thế hệ trên khắp thế giới đã hăng hái gắng sức và cặm cụi làm việc không ngừng rồi truyền lại cho các cháu như một di sản để cho các cháu tiếp nhận, tôn trọng, tăng gia thêm và một ngày nào đó các cháu sẽ lại trung thành truyền lại cho con cháu các cháu. Nhờ vậy mà chúng ta, những con người hữu sinh hữu tử mới thành bất tử trong những vật trường tồn mà chúng ta tạo ra chung với nhau”

Chúng ta đang thừa hưởng một di sản vô cùng quí giá do Cha Ông chúng ta để lại. Cách trả ơn tốt nhất đối với các Ngài là tiếp nhận và trung thành truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Nhưng truyền lại bằng cách nào ?

– Thưa bằng chính cuộc sống mà tổ tiên của chúng ta đã sống.

Văn hào Tagore khi bàn về cái chết của Thánh Gandhi, đã nói: “Có lẽ thánh Gandhi không thành công, có lẽ thánh sẽ thất bại như Đức thích ca đã thất bại, như Đức Giêsu đã thất bại vì chưa hủy diệt được lòng ác độc của loài người. Nhưng loài người luôn nhớ tới Thánh vì thánh đã đem đời mình ra để làm bài học cho muôn thế hệ mai sau”

+ Bài học đầu tiên mà mỗi người chúng ta phải noi gương bắt chuớc đó là phải trung thành với niềm tin.

Đức tin là ơn nhưng không TC ban cho chúng ta.

Hãy bảo vệ lấy, đùng để cho nó bị hao mòn đi.

Phaolô Mợi bị bắt……………..bị giải đến quan.

Quan dụ:

– Anh đạp ảnh đi, tôi sẽ cho anh một nén bạc.

-……………………..?

– Vậy một nén vàng !

– Bẩm quan chưa đủ.

– Vậy anh muốn bao nhiêu ?

– Bẩm quan lớn, quan lớn muốn cho tôi quá khóa thì quan phải cho tôi đủ vàng để mua được một LH khác.

Nguuyễn văn Lựu :”Đạo đã nhập vào xương tủy tôi, làm sao tôi có thể bỏ được.”

+ Bài học thứ hai phải can đảm sống niềm tin đó.

Trong một bài diễn văn đọc cho binh lính trước khi họ lâm trạn. Hitler đã nói:”Thế giới này sẽ thuộc về những kẻ gan dạ”

Victor Hugo: “Đồi Calvario ở dầu đường và hào quang cũng  xuát hiện ở đó”

Chúa Giêsu:” Nước Trới phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy”

Không có chiến thắng cho những kẻ chưa lâm trận đã đầu hàng.

Không có vinh quang cho những kẻ hèn nhát.

Phần thưởng càng lớn, vinh quang càng cao thì cái giá phải trả cho nó càng đắt.

Phải sử dụng sức mạnh mới chiếm hữu được Nước Trời.

Lời cuối cùng của tôi. Tôi xin mượn lời của Thánh Phaolô: “Trong mọi thử thách, chúng ta sẽ toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” Và Ngài kết luận: “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, hiên thần hay ma vương qủy lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô Chúa chúng ta.”(Rom 8,35-39). Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí.

Tin Mừng thánh Marcô vừa thuật lại cho chúng ta hai câu chuyện.

Chuyện Chúa Giêsu bảo mọi người hãy coi chừng những ông kinh sư và chuyện người đàn bà goá nghèo bỏ tiền vào hòm dâng cúng trong đền thờ.

Cha hỏi chúng con: Chúng con thích câu chuyện nào hơn?

– Thưa cha câu chuyện bà goá nghèo.

– Tại sao chúng con lại thích câu chuyện này?

– Thưa vì chính Chúa Giêsu thích.

– Chúng con trả lời hay quá. Đúng là Chúa Giêsu cũng thích và hơn nữa Chúa còn coi đó như một bài học Chúa muốn dạy các môn đệ của Chúa.

1. Bà goá nghèo này bên ngoài xem ra chẳng có gì đáng nói. Những người như bà ở đời này có lẽ chẳng được mấy ai quan tâm để ý. Vậy mà hôm đó bà lại được Chúa để ý.  Bà chỉ làm một công việc rất bình thường đó là bỏ vào thùng tiền dâng cúng trong đền thờ có “hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma” Vậy mà việc làm của bà đã lọt vào mắt Chúa. Lý do Chúa để ý tới không phải là vì bà đã làm một việc to tát. Bà chỉ làm một việc rất tầm thường nhưng qua việc đó Chúa đã thấy được tấm lòng của bà.

Bà tốt vì bà có tấm lòng. Tấm lòng của bà quảng đại hơn nhiều người khác. Chúa  bảo “Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền” (Lc 12,42). Đáng lý ra những người bỏ nhiều tiền thì phải được khen chứ. Vậy mà ở đây Chúa lại khen bà goá nghèo vì bà đã bỏ vào hòm dâng cúng có “hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma”.  Tại sao vậy chúng con? Đây chúng con hãy nghe chính Chúa cắt nghĩa. “Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”(Lc 12,44)

Như vậy rõ ràng đối với Chúa, tốt hay không tốt không phải là do bỏ nhiều hay bỏ ít mà là do ở tấm lòng chứ không phải do những gì mình dâng cúng. 

Một du khách kia qua sa mạc và tìm thấy một nguồn nước thật trong lành, thơm mát. Sau khi đã thỏa mãn cơn khát, người khách ấy lấy nước đổ đầy vào một chiếc bọc da rồi mang về dâng cho nhà vua mà ông hết lòng yêu mến, cốt để cho cho nhà vua cũng được thưởng thức một nguồn nước trong mát chưa từng thấy trong vương quốc của ngài.

Sau nhiều ngày vượt qua chặng đường dài dưới trời nóng bức, cuối cùng người  khách cũng về đến cung điện. Khách vào chầu nhà vua, dâng cho ngài bọc nước mà ông đã lấy từ trong sa mạc. Nhà vua nếm qua và không ngớt lời khen ngợi lòng yêu mến kính trọng của thần dân đối với mình trước mặt mọi người. Người khách hân hoan ra về lòng cảm thấy mừng rỡ hân hoan vì đã một lần làm cho cho đức vua được hạnh phúc. Nhưng ngay sau khi người khách ra đi, các quan hầu cận xin đức vua cho họ được nếm thử thứ nước đặc biệt đó. Đức vua bằng lòng. Nhưng ngay sau khi nếm thử thứ nước đó, các quan cận thần của nhà vua đã hết sức ngỡ ngàng vì vị nước trong bọc không thơm ngon như lời kể của vị khách, nhất là thái độ và cử chỉ của nhà vua đối với người khách lạ. Bởi thế các quan mới hỏi:

– Thưa ngài, tại sao ngài lại có thái độ như vậy? Nước trong bọc da đã hư rồi mà ngài vẫn uống ngon lành trước mặt du khách, lại còn khen ngợi hết lời nữa.

Nhà vua trả lời:

– Ta không nhận phẩm chất nước trong bọc da, nhưng ta nhận và khen ngợi tấm lòng quí mến của người khách đối với Ta. Đó là điều quan trọng làm cho ta sung sướng.

Chúa Giêsu trong câu chuyện hôm nay cũng có một cách hành xử như thế đối với người đàn bà nghèo  chỉ bố thí có hai đồng xu nhỏ tại đền thờ Giêrusalem.

2. Cha hỏi chúng con: Chúng ta có thể sống được như người đàn bà goá này không?

Câu trả lời của cha: Được, miễn là chúng ta có một tấm lòng tốt.

+ Một nhà truyền giáo tại miên Đông Phi châu Phi kể lại câu chuyện của một nhóm người bản xứ: cứ mỗi khi cần điều trị bệnh, họ đã chấp nhận đi cả một ngày đường, băng qua bệnh viện chính phủ để đến cho được một bệnh viện của hội Truyền giáo. Người ta hỏi họ tại sao họ lại phải đi cả một quãng đường dài như vậy, để được điều trị tại bệnh viện của hội Truyền giáo trong khi tại bệnh viện chính phủ, cũng có những loại thuốc như thế.

Họ trả lời:

Những loại thuốc mà con người chế tạo ra có thể giống nhau, nhưng đôi bàn tay và tấm lòng thì khác hẳn.

+ Ngày kia có một em bé người Nhật Bản đến gõ cửa một người đã về hưu với ý định bán những hình phong cảnh nhỏ với giá một đồng một tấm. Em cần tiền để làm gì? Ông lão hỏi em bé và được em cho biết: em muốn quyên đủ một triệu đồng để cứu trợ nạn nhân của nạn động đất. Ông lão không nén nổi nụ cười khi thấy em bé quá ngây thơ bé bỏng, trên tay chỉ vỏn vẹn mấy tấm thiệp mà lại mơ giấc mộng to lớn là quyên được cả triệu đồng, vì thế ông vừa mỉm cười vừa hỏi em bé:

– Một triệu đồng lận hả? Con muốn quyên góp số tiền to lớn như thế một mình con sao?

– Không, em lắc đầu, còn có những đứa khác giúp con nữa.

+ Mẹ thánh Têrêxa Calcutta, vị sáng lập dòng Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái, một hôm đến nhà của những người hấp hối do các chị em trong dòng của mẹ chăm sóc. Đây là căn nhà mẹ thiết lập để đón tất cả những người hấp hối không có nơi nương tựa.

Mẹ muốn tạo điều kiện để những người nghèo khổ này tìm được một cái chết xứng với phẩm giá của một con người.

Buổi tối hôm đó, người ta đưa tới một người đàn bà bị kiệt sức vì đói khát và bệnh tật. Mẹ Têrêxa đã đích thân chăm sóc cho người đàn bà với tất cả sự ưu ái và dịu hiền của một người mẹ.

Sau khi đã hồi sức, người đàn bà đã mở tròn đôi mắt đẫm lệ và thì thào với Mẹ Têrêxa:

– Thưa bà, tại sao bà lại săn sóc tôi như thế ?

Với tất cả lòng yêu thương, mẹ Têrêxa trả lời:

– Bởi tôi muốn cho chị được hạnh phúc.

Trên khuôn mặt mà tử thần đang chập chờn định cướp lấy mạng sống, đôi mắt của người đàn bà đau yếu kia bỗng sáng lên một niềm vui nở rộ. Bà cố gắng nói:

– Bà hãy lặp lại câu nói đó một lần nữa đi.

Mẹ Têrêxa mỉm cười nói:

– Phải, tôi muốn cho chị được hạnh phúc.

Như một điệp khúc không bao giờ ngừng, người đàn bà ấy tiếp tục thều thào:

– Xin bà hãy lập lại một lần nữa đi.

Và người đàn bà khốn khổ nắm lấy tay mẹ, đặt trên ngực mình như cố níu kéo một chút hơi ấm, hơi ấm của tình người, của hạnh phúc mà chỉ có một tấm lòng quảng đại mới có thể ban phát được.

Tấm lòng tốt đẹp quá phải không chúng con?

Thiếu nhi chúng con yêu quí.

Chúng ta vừa được nghe một bài Tin Mừng rất hay do Thánh Marcô thuật lại.

Cha đố chúng con câu chuyện hôm nay có liên hệ đến vấn đề gì trong cuộc sống của mỗi người.

– Thưa cha đó là tình yêu.

– Chúng con giỏi. Đúng là câu chuyện hôm nay có liên hệ đến một vấn đề hết sức quan trọng trong cuộc sống. Đó là tình yêu.

Thế chúng con có biết yêu là gì không?

……………………………..

1. Tình yêu kỳ diệu lắm chúng con! Chúng ta không thể định nghĩa được tình yêu. Chúng ta không thể cân-đo-đong-đếm-được tình yêu. Nó không có màu sắc, không có trương độ, không mùi vị. Thế nhưng chẳng ai trên đời này mà không biết là có tình yêu. Cha kể cho chúng con câu chuyện có thật này:

Karen là một bà mẹ đang mang thai. Như mọi bà mẹ chu đáo khác, khi biết mình sắp sinh em bé, Karen đã chuẩn bị tinh thần cho cậu con trai 3 tuổi của bà tên là Michael. Tối tối Michael cứ áp tai vào bụng mẹ và hát cho em nghe. Rồi ngày sinh nở cũng đã đến. Sau cơn vật vã, Karen cho ra đời một em bé gái, nhưng đứa bé ở trong tình trạng rất nguy kịch và được cấp tốc đưa vào khu chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh của bệnh viện. Nhiều ngày trôi qua mà tình hình em gái của Michael không hề có dấu hiệu khả quan. Bác sĩ khoa nhi đã nhiều lần nói với bố mẹ cậu rằng hy vọng cứu sống em bé rất mỏng manh; rằng cả nhà hãy chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất.

Vợ chồng Karen đã liên hệ với nghĩa trang địa phương dành một chỗ cho việc mai táng. Trước đây họ đã háo hức sắp xếp một căn phòng đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh. Nhưng bây giờ thì họ thấy mình đang phải chuẩn bị cho một đám tang.

Michael năn nỉ bố mẹ cho cậu được vào thăm em gái:

– Con cần được nhìn thấy em bố mẹ ạ.

Đã qua tuần thứ hai và có lẽ đám ma sẽ diễn ra vào cuối tuần.

Michael vẫn nằng nặc đòi bố mẹ cho em được vào thăm em gái mặc dù trẻ em không được phép vào khu chăm sóc đặc biệt này. Tuy nhiên, bà Karen vẫn quyết định cho cậu vào dù người ta có đồng ý hay không. Bà mặc cho con trai chiếc áo blouse rộng quá khổ, giả vờ là người đẩy xe tã lót và dẫn cậu vào khu chăm sóc đặc biệt.

Không may là bà y tá trưởng nhận ra cậu bé ngay. Bà hét lớn lên:

– Đưa thằng bé ra khỏi đây ngay. Khu vực này cấm trẻ con!

Bản năng người mẹ trỗi dậy trong Karen. Người phụ nữ vốn thường ngày rất dịu dàng này bây giờ trừng trừng hai con mắt nhìn thẳng vào mặt bà y tá trưởng và nói dằn từng tiếng một:

– Nó sẽ chỉ ra khỏi đây khi nào nó gặp được em gái của nó!

Karen dắt Michael đến giường em gái. Cậu nhìn chằm chằm vào đứa bé sơ sinh đang dần tàn lực trước cuộc tranh đấu giành sự sống.

Sau một khoảnh khắc cậu cất tiếng hát. Giọng hát trong trẻo và tràn ngập yêu thương của một cậu bé 3 tuổi vang lên:

– Em là mặt trời của anh, là ánh mặt trời duy nhất sưởi ấm lòng anh khi bầu trời sám xịt.

Lạ lùng quá! Đứa bé có vẻ phản xạ lại. Mạch đập của bé dịu xuống và ổn định dần.

– Hãy hát tiếp đi Michael!

Karen động viên con trai mà hai hàng nước mắt cứ trào ra trên má. Cậu bé tiếp tục hát:

– Làm sao em hiểu được lòng anh thương em đến nhường nào. Xin đừng mang ánh mặt trời của anh đi mất nhé!

Khi Michael hát cho em nghe, hơi thở ngắt quãng và khó nhọc của em bé trở nên nhẹ nhàng như một chú mèo con.

– Hát nữa đi con yêu. Karen thì thầm.

– Đêm hôm trước khi anh ngủ, anh tưởng như đang được ôm em trong vòng tay.

Em gái Michael bắt đầu thư giãn. Nước mắt giàn giụa trên má bà y tá trưởng, bà động viên:

– Hát tiếp nữa đi Michael.

Karen đứng bên cạnh, vừa cười vừa khóc trong kinh ngạc.

– Em là ánh mặt trời của anh, xin đừng dập tắt tia nắng duy nhất sưởi ấm lòng anh.

Kỳ diệu thay, ngay ngày hôm sau, cô bé được trở về nhà trước sự ngỡ ngàng đến kinh ngạc của tất cả mọi người.

Thế đấy! Tình yêu luôn có sức mạnh kỳ diệu đến không ngờ như thế đó chúng con. (Huyền Trang)

2. Bây giờ cha hỏi chúng con: Chúa muốn chúng ta yêu ai và yêu như thế nào?

+ Trước hết Chúa muốn chúng ta yêu Chúa.

Tại sao thế chúng con? Tại vì Chúa yêu chúng ta trước. Chúa yêu chúng ta bằng một tình yêu lớn lao không thể tưởng tượng được.

Một ông vua kia có vị thủ tướng rất tài giỏi vì học rộng lắm. Ngày kia vị thủ tướng của vua trở nên tín đồ Kitô giáo và ông công khai đức tin của mình trước mặt mọi người. Ông ấy thường làm chứng rằng mình tin Đấng cứu thế đã đến thế gian để cứu kẻ có tội. Nhà vua không hiểu được sự kiện này nên đã nói:

– Trẫm là vua, nếu trẫm muốn làm điều gì thì chỉ cần truyền lệnh cho thần dân là xong. Lẽ nào Đức Kitô là vua trên các vua mà lại tự hạ mình xuống cứu thế gian như thế? Điều đó thật vô lý!

Vua muốn đuổi vị thủ tướng về vườn, vì thấy ông tin theo Đức Kitô, song vua có lòng yêu mến ông lắm nên hứa rằng nếu ông có thể giải nghĩa xuôi vấn đề này thì sẽ tha lỗi cho và không cách chức.

Vị thủ tướng xin vua cho mình suy nghĩ trong 24 giờ rồi sẽ giải đáp. Vị này liền sai một người thợ mộc rất tài khéo, làm cho ông một tượng gỗ giống hình hoàng thái tử mới hai tuổi và cũng mặc một thứ quần áo giống y hệt hoàng thái tử. Ngày hôm sau vua cỡi thuyền rồng đi chơi với thủ tướng. Thủ tướng đã dặn người thợ mộc đứng bên bờ sông bên kia, hễ xa xa thấy dấu hiệu của thủ tướng thì ném tượng gỗ xuống nước. Vua ngồi trên thuyền thấy tượng gỗ ấy rơi, tưởng con mình ngã xuống sông, không  kịp bảo ai, liến nhảy ùm xuống nước, bơi ra cứu con.

Sự việc được phơi bày. Lúc đó vị thủ tướng mới hỏi lại vua sao mà không sai một đầy tớ nhảy xuống nước để cưú hoàng thái tử, mà chính vua lại nhảy xuống nước làm gì, đến nỗi gần phải chết đuối và ướt hết cả long bào. Vua trả lời:

– Đó là do lòng thương.

Vị thủ tướng liền tâu vua rằng:

– Cũng một lẽ ấy, Đức Chúa Trời là Đấng Thượng Đế dựng nên thần, muôn người muôn vật, cũng không đành lòng sai ai cứu rỗi loài người; nhưng vì lòng yêu thương của Ngài vô hạn, nên Ngài đã sai Con của Ngài từ bỏ ngôi vinh hiển trên trời giáng thế làm người mà cưú chúng ta. Đó cũng là do nơi lòng thương chúng ta vậy!

+ Tiếp đến là yêu người?

Tại sao vậy chúng con? Thưa vì chúng ta là con của Thiên Chúa và là anh em với nhau.

Ngày kia, tại một làng nhỏ ở Miền Nam Trung Quốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi bị dân làng dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của em.

Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé trên tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và những viên gạch đá ném bừa bãi vào tấm thân bé bỏng của em.

Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét: “Phong hủi! Phong hủi!”

Với những giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là những giọt lệ sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của mình:
– Tại sao ông lại lo lắng cho con?

Nhà truyền giáo đáp:

– Vì Ông Trời đã tạo dựng nên cả hai chúng ta. Và cũng vì thế em sẽ là em bé gái của ta và ta  là người anh lớn của em.

Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi:

– Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn sự cứu giúp của ông?

Nhà truyền giáo mỉm cười đáp:

– Con hãy trao tặng cho những người khác tình yêu của con, càng nhiều càng tốt.

Kể từ ngày ấy cho đến ba năm sau, khi em bé gái tắt hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương cho những bệnh nhân khác, ân cần đút cơm cho họ, nhất là em luôn tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại.

Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ mới tròn mười một tuổi. Các bệnh nhân đã từng chung sống với em kháo láo với nhau:

– Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời!

Đó chúng con thấy tình yêu là như vậy đó.

Thiếu nhi chúng con yêu quí.

Thánh Marcô vừa thuật lại cho chúng ta một câu chuyện rất đẹp trong Tin Mừng của Ngài. Chúng con đã biết đó là câu chuyện gì rồi.

Cha hỏi chúng con đã thấy một người mù bao giờ chưa?

– Dạ… đã thấy.

– Mù là làm sao chúng con?

– Mù là nhìn mà không thấy.

– Nếu chúng trả lời thế thì cha hỏi tiếp: Chúng con có thấy vi trùng đang lúc nhúc chung quanh chúng con không?

– Dạ không…

– Thế thì chúng con có mù không.

…………

1.Cha kể cho chúng con câu chuyện này:

Một tác giả Ấn Độ có kể câu truyện ngụ ngôn được Thu Giang Nguyễn Duy Cần ghi lại trong tác Phẩm “Cái cười của thánh nhân” như sau :

Có một người kia sinh ra đã bị mù. Sống trong một căn phòng nhưng bởi không thấy gì cả, nên anh phủ nhận tất cả những gì người chung quanh quả quyết là có: “Tôi không tin vì tôi không thấy'”

Một vị lương y đem lòng thương hại đi tìm một thứ linh dược trên dẫy Hy-mã-lạp-sơn về chữa anh và anh được lành bệnh. Anh ta sung sướng tự phụ bảo:

– Giờ đây tôi thấy được tất cả sự thật chung quanh tôi rồi.

Nhưng có kẻ nói với anh:

– Bạn ơi, bạn chỉ thấy được những vật chung quanh bạn trong căn phòng này. Như thế thì có là bao. Ngoài kia người ta còn thấy được mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, còn biết bao vẻ đẹp lộng lẫy và màu sắc mà bạn chưa thấy.

Nhưng anh ta không tin.

– Làm gì có những cái đó: tôi chưa thấy những cái đó, những gì có thể thấy được tôi đã thấy tất cả rồi.

Một y sĩ khác liền leo lên tận núi cao, được Sơn Thần chỉ cho một thứ linh dược khác đem về giúp cho anh ta có được cặp mắt nhìn xa hơn những vật chung quanh căn phòng. Bấy giờ thì anh ta thấy được mặt trời, mặt trăng, các tinh tú. Mừng quá! Rồi lòng tự phụ dâng lên, anh thốt lên:

– Trước đây tôi không thấy, nhưng bây giờ tôi thấy, tôi tin. Như thế bây giờ chẳng còn cái gì mà tôi không thấy không biết, đâu còn ai hơn tôi được.

Nhưng có một hiền giả có cặp mắt thần nói với anh ta:

– Cậu ơi. Cậu vừa hết mù nhưng cậu vẫn còn chưa biết gì cả. Tại sao lại quá tự phụ như thế. Cũng như khi cậu ở trong căn phòng. Tầm con mắt cậu không vượt khỏi bốn bức tường, cậu không tin có vật gì ngoài căn phòng của cậu. Giờ đây tầm mắt cậu vượt khỏi bốn bức tường và thấy được nhiều vật xa hơn. Nhưng với chừng mực của tầm mắt và lỗ tai, cậu làm gì biết được những vật ngoài ngàn dặm mà tai mắt cậu không thấy không nghe được. Cậu có thấy được những nguyên nhân cấu tạo ra cậu khi cậu còn nằm trong bào thai của mẹ cậu không? Ngoài cái vũ trụ nhỏ bé mà cậu đang sống, còn biết bao nhiêu vũ trụ khác vô cùng to lớn và nhiều không thể kể như cát sông Hằng. Tại sao cậu dám tự phụ rằng tôi đã thấy cả, tôi biết cả? Cậu vẫn còn là một anh mù, cậu vẫn còn lấy tối làm sáng và lấy sáng làm tối.

Bây giờ chúng con có thể trả lời cho cha mù làm sao không?

……………………………..

Rõ ràng là chúng ta có đủ hai con mắt, nhưng có rất nhiều điều chúng ta không thể thấy. Chúng ta không thể thấy những vật vô cùng nhỏ như những vi trùng chung quanh chúng ta. Chúng ta cũng không thế thấy những vật vô cùng lớn nhưng xa chúng ta.

Thêm vào đó. Chúng ta không thấy được những giá trị cao cả trong cuộc sống. Điều này phải nhờ đến một hồng ân khác của Chúa.

Ngày nay nếu người ta muốn thấy những điều đó thì người ta phải nhờ đến những máy móc hỗ trợ. Muốn nhìn thấy những vật vô cùng nhỏ thì người ta phải nhờ vào cái gì chúng con có biết không?

– Thưa cha… nhờ kính hiển vi!

– Còn những vật vô vùng lớn và ở xa?

– Thưa cha phải dùng viễn vọng kính.

– Rất đúng.

Và bây giờ thì cha có thế nói cho chúng con biết mù là gì rồi. Mù không phải là không có con mắt. Nhưng mù là con mắt không có khả năng để thấy.

Người mù trong bài Tin Mừng vẫn có mắt nhưng mắt anh ta không thấy được cho nên anh xin với Chúa. “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”(Mc 10,5). (I want to see). Xin cho con được thấy. Một số nhà chú giải bằng tiếng Anh, người ta dịch hay hơn. Người ta dịch là “Lord! Restore my sigh”. (Lạy Thầy xin phục hồi khả năng thấy cho con). Dịch như thế mới chính xác nhưng khó hiểu.

2. Bây giờ đến lượt chúng ta.

Chúng ta vẫn có đủ hai con mắt. Nhưng có nhiều điều chúng ta vẫn bị mù. Cha kể cho chúng con câu chuyện này.

Marlene là một ca sĩ người Ý rất nổi tiếng, với chất giọng nữ cao, tuổi chỉ ngoài ba mươi nhưng đã nổi tiếng khắp toàn cầu, hơn nữa cô còn có một đức lang quân như ý, gia đình mỹ mãn.

Một lần nọ, cô sang nước láng giềng mở live show cho riêng mình. Vé vào cửa đã được khán giả tranh nhau mua sạch trước đó một năm, đêm diễn của cô đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của mọi người. Sau buổi biểu diễn, cô ca sĩ cùng chồng và con trai mình đi ra từ cánh gà, trong chớp nhoáng họ đã bị bao vây bởi những fan hâm mộ của cô. Họ hết lời khen ngợi cô.

Có người tâng bốc cho rằng khi cô vừa mới tốt nghiệp đại học thì đã may mắn thi đậu vào viện ca kịch cấp quốc gia, trở thành một diễn viên suất sắc. Có nguời còn tâng bốc rằng có rất nhiều ông chủ của những công ti lớn cứ quấn lấy cô mong được làm chồng cô, còn con cô là một đứa trẻ hoạt bát rất đáng yêu, trên mặt nó lúc nào cũng tươi cười…

Khi mọi người đang bàn luận, cô ca sĩ chẳng nói chẳng rằng, đợi cho mọi người nói xong, cô mới ôn tồn nói:

– Đầu tiên, tôi xin cảm ơn lời khen tặng của quý vị dành cho tôi. Tôi hi vọng trong thời gian tới mình vẫn luôn mang đến niềm vui cho quý vị. Thế nhưng, các bạn mới chỉ thấy một mặt, còn có mặt mà các bạn vẫn chưa thấy được. Đó chính là, đứa bé trai của tôi được các bạn khen là hoạt bát vui vẻ, đáng yêu, trên mặt lúc nào cũng tươi cười này là một đứa trẻ tuyệt vời nhưng tôi nói thật với mọi người cháu là đứa bé rất bất hạnh vì nó bị câm. Hơn nữa trên nó còn có một người chị, tuy đã lớn nhưng lúc nào cũng bị nhốt trong chiếc cũi sắt vì cháu mắc chứng bệnh tâm thần”.

Sau khi ca sĩ vừa nói xong thì trên mặt mọi người ai cũng đều lộ vẻ thất kinh, nhìn nhau không nói nên lời, dường như không thể chấp nhận được sự thật mà mình vừa nghe.

Lúc này, cô ca sĩ mời bình tâm trở lại và nói với mọi người:

– Tất cả nói lên điều gì chứ? E rằng chỉ có thể nói rõ một đạo lý rằng: đó chính là “Thiên Chúa không ban cho ai quá nhiều”.

Câu chuyện cảm động quá phải không chúng con. Thiên Chúa không ban cho ai quá nhiều” Đó là một sự thật mà rất nhiều người không thấy.

Thiên Chúa rất công bằng, ban cho con người hạnh phúc bao nhiêu thì cũng ban cho họ bấy nhiêu thống khổ. Với tất cả những gì ta có được, chưa chắc người khác đã có. Mỗi người đều có được khả năng của riêng mình, cho nên chúng ta không cần phải so sánh với những gì người khác có được, mà nên bằng lòng với những gì là của mình.

Chúng con hãy cầu nguyện với Chúa như anh mù thuở xưa: Lạy Chúa xin cho chúng con được thấy. Amen.

Chúng con thân mến,

Hôm nay là ngày Chúa nhật Truyền giáo.

Truyền giáo là gì chúng con?

I. Chúng con vẫn nghe thấy người ta nói truyền thanh, truyền hình. Tuyền thanh là truyền âm thanh. Cha nhớ lại ngày xửa ngày xưa khi cha còn nhỏ, nhỏ như chúng con cha và mấy đứa bạn của cha lấy hai cái ống lon sữa bò… lấy một miếng bong bóng heo bịt lại rồi xỏ giây vào hai đầu… rồi giăng ra… rồi nói với nhau.

Giờ thì chúng con thấy khác xưa rất nhiều… người ta không truyền bằng giây đay mà là bằng giây kim loại. Ở nhà chúng con ai có điện thoại giơ tay cha coi. Rất hay… Điện thoại là truyền cái gì hả chúng con? Truyền âm thanh. Rất trúng. Bây giờ còn hơn truyền thanh… truyền gì nữa chúng con? Truyền hình… Rất trúng.

Lúc đầu cha nhớ… chỉ có hình trắng đen… nhưng bây giờ thì hình mầu… đẹp “hết biết” luôn. Và trong tương lai không xa người ta còn muốn truyền cả mùi nữa… Thật là kỳ diệu.

Cha hỏi chúng con muốn truyền như thế thì trước hết người ta phải làm gì nào chúng con?

Phải thu… phải thu thanh, phải thu hình.

Thỉnh thoảng nghe đài chúng con thấy người ta bảo truyền thanh, truyền hình trực tiếp. Trực tiếp nghĩa là làm sao?  Nghĩa là thu một cái rồi phát ngay. Người nghe hay người xem có thể thấy ngay những gì đang diễn ra ở một nơi nào đó trên thế giới này. Ai cho cha một thí dụ xem nào.

Thí dụ cụ thể nhất là bóng đá hay thế vận hội… Ở một nơi nào đó trên thế giới, các cầu thủ đang tranh tài ở trên sân cỏ, dù ở xa thật xa vậy mà đài truyền hình mang tất cả các hình ảnh thật sống động đó tới mình ngay làm cho mình có cảm tưởng là mình cũng đang có mặt để tham dự trận cầu đó vậy. Hay qua phải không chúng con?

II. Bây giờ cho nói về truyền giáo. Nếu có ai hỏi cha truyền giáo là gì thì cha có thể trả lời thật dễ hiểu như sau: Là đem Chúa đến cho người khác. Đem Chúa đến cho những người chưa biết Chúa.

Chúa Giêsu ngày xưa đã làm điều này trước tiên.

Thiên Chúa Cha là Đấng mà chẳng ai có thể biết được. Vậy mà Chúa Giêsu đã làm cho người ta biết được Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu làm hay lắm. Chúa vừa nói vừa làm. Chúa nói để người ta biết có một Thiên Chúa yêu thương con người. Rồi Chúa sống những lời Chúa dạy để qua cuộc sống của Chúa, người ta thấy được hình ảnh của Thiên Chúa Cha, một Thiên Chúa là tình yêu, luôn yêu thương hết mọi người.

Đây là một số thí dụ nhờ Chúa Giêsu mà người ta nhận ra được Thiên Chúa. Người ta thấy Thiên Chúa qua Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nói: “Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.(Ga 6,46)

Chúng con nhớ lại câu chuyện của Philipphê trong Tin Mừng Gioan Chương 14,8-11: Ông Philípphê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.”Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm”.

Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.

Đó chúng con thấy, Chúa Giêsu làm cho người ta thấy Thiên Chúa Cha.

Hôm đó Chúa cùng đi với các môn đệ của Chúa trên một con thuyền. Bỗng nhiên sóng gió bão táp nổi lên. Chúa dẹp yên sóng gió bão táp ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Chúa và nói: Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”( Mt 14,33)

Ông Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!” (Ga 1,49)

Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)

Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giêsu đều rất đỗi sợ hãi và nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.” (Mt 27,54)

Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!”( Mc 3,11) và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!”( Mc 5,7)

Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Chúa tắt thở trên Thánh Giá lạ lùng quá liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.” (Mc 15,39)

Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Kitô.( Lc 4,41)

Thấy Đức Giêsu, anh la lên, sấp mình dưới chân Người, và lớn tiếng nói rằng: “Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Tôi xin ông đừng hành hạ tôi !” (Lc 8,28)

Mọi người liền nói: “Vậy ông là Con Thiên Chúa sao?” Người đáp: “Đúng như các ông nói, chính tôi đây.”( Lc 22,70)

Nghe vậy, Đức Giêsu bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.”(Ga 11,27)

Bây giờ đến lượt chúng ta. Muốn đem Chúa đến cho người khác chúng ta phải làm gì? Trước hết phải biết Chúa trước. Cũng giống như người ta muốn truyền thanh, truyền hình thì phải thu trước. Thu bằng cách nào chúng con? Thưa bằng cách học về Chúa.

Không có thì không cho được. Muốn cho thì phải có.

Vậy phải biết Chúa trước đã.

Rồi thì phải làm gì tiếp theo?

Có thể có nhiều cách nhưng cách tốt nhất và có thể mang lại nhiều kết quả nhất đó lá cách làm chứng. Làm chứng bằng chính đời sống tốt đẹp thánh thiện của mình. Cha kể cho chúng con câu chuyện này:

Linh mục NATARINÔ ROCHKY, một thừa sai người Italia làm việc truyền giáo lâu năm ở Nhật Bản, đặc biệt là Ngài làm Cha sở họ đạo Elsaye. Cách thủ đô Tôkyô khoảng 100 km. Ngài kể lại câu chuyện sau đây: “Có một giáo sư đại học trẻ tuổi người Nhật xin gặp tôi mỗi tuần 2 buổi tối để thảo luận về các vấn đề tôn giáo và Phúc Âm, mặc dù ông chưa phải là tín hữu Công giáo. Những thảo luận như vậy kéo dài hơn một năm trời. Vị giáo sư này trình bày cho tôi những nghi ngờ, thắc mắc về đạo, đồng thời ông cũng xin tôi giải thích thêm về Phúc Âm, về Giáo hội và về luân lý của đạo công giáo.

Sau hơn một năm, tôi cảm thấy vị giáo sư thông minh đó có vẻ sẵn sàng đón nhận Bí Tích Thánh Tẩy, nên tôi hỏi ông có muốn được rửa tội và gia nhập vào Hội thánh Công Giáo hay không. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông từ chối cách lịch sự. Và từ đó, tôi không thấy không lui tới với tôi nữa… Bẵng đi hơn 10 tháng, khi tôi hầu như đã quên đi vị giáo sư đó, thì một hôm. Ông trở lại gặp tôi và nói:

Thưa cha, cha đã thuyết phục được con. Bây giờ con sẵn sàng đón nhận Bí Tích Rửa tội và con cũng đã chuẩn bị cho vợ con cũng như hai đứa con của con.

Nghe đến đây, tôi rất ngạc nhiên. Tôi hỏi ông điều gì đã khiến ông thay đổi ý kiến như thế. Ông ta đáp:

          – Trong những tháng qua, con đã âm thầm quan sát xem cha đã sống như thế nào. Cha đã từng nói với con rằng cha thường dâng thánh lễ một mình trong nhà thời mỗi ngày lúc 7 giờ sáng. Đó cũng là giờ con ra ga xe lửa để đến Tôkyô dạy học, vì thế con vẫn có dịp đi qua nhà thờ của cha. Con dừng lại một lát nhìn cha qua cửa sổ, xem cha làm gì trong đó. Bao giờ con cũng thấy cha trong nhà thờ và cầu nguyện thật sốt sắng. Ngoài ra, con cũng dò hỏi nhiều người về cách sống của cha. Qua các cuộc điều tra đó, con thấy quả thật cha đã tin và đã sống những điều cha đã chia sẻ cho con về đạo. Xét về mặt kiến thức thì con đã xác tín về sự thật Tin Mừng, nhưng con muốn xem cha có sống Tin Mừng thực sự hay không”.

          Đúng là cha Rochky đã làm cho ông giáo sư này thấy được Đạo qua cách sống của cha. Không những cha đã truyền giáo bằng lời nói, giảng dạy, nhưng còn bằng cuộc sống thường ngày của cha nữa chúng con. Cha chúc chúng con cũng làm được như thế.