GXTĐ – Tông huấn Amoris Laetitia Niềm vui của Tình yêu (trích) Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

174. “Các bà mẹ là đối cực mạnh mẽ nhất chống lại việc lan tràn thứ chủ nghĩa duy cá nhân chỉ biết có mình… Chính họ chứng thực cho vẻ đẹp của sự sống” (192). Chắc chắn, “xã hội nào không có các bà mẹ đều sẽ bị phi nhân hóa, vì các bà mẹ luôn luôn là chứng nhân của lòng âu yếm, tận tụy và sức mạnh tinh thần, ngay trong các thời khắc tồi tệ nhất. Các bà mẹ thường thông truyền ý nghĩa sâu sắc nhất của việc thực hành tôn giáo trong các lời cầu nguyện và hành vi sùng kính đầu tiên mà con cái họ học được… Không có các bà mẹ, không những không có các tín hữu mới, mà chính đức tin cũng sẽ mất cái phần tốt đẹp là sự ấm áp đơn sơ và sâu sắc của nó… Hỡi các bà mẹ thân yêu: Xin cám ơn các bà! Xin cám ơn các bà về con người của các bà trong gia đình và về những gì các bà hiến tặng Giáo Hội và thế giới” (193).

175. Người mẹ nào chăm sóc đứa con của mình một cách âu yếm và cảm thương sẽ giúp nó lớn lên đầy tin tưởng và cảm nghiệm được rằng thế giới quả là nơi tốt đẹp và đầy chào đón. Điều này giúp đứa con lớn lên trong tự trọng và, ngược lại, khai triển được khả năng biết nhận ra các giới hạn của đời sống, biết cởi mở trước các thách đố của thế giới rộng lớn, và biết nhìn thấy việc phải chăm chỉ làm việc và hăng hái cố gắng. Người cha nào có được một căn tính nam giới rõ ràng và thanh thản, biết biểu lộ âu yếm và quan tâm đối với vợ, cũng là người cần thiết như người mẹ biết chăm nom. Có thể có một sự linh động nào đó trong các vai trò và trách nhiệm, tùy hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình. Nhưng sự hiện diện rõ ràng và được xác định đàng hoàng của cả hai nhân vật nam và nữ này tạo nên môi trường trường thích đáng nhất cho việc phát triển của đứa con.

5 phút Lời Chúa Mỗi Ngày: “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: ‘Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham.’ Vì tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham.” (Mt 3,8-9)

Suy niệm: Đừng tưởng con người có vẻ bán khai rừng rú mặc chiếc áo lông lạc đà và ăn toàn những châu chấu và mật ong rừng mà cho rằng vị tiền hô ấy sẽ nể nang những bậc quyền thế vị vọng như quý ông thuộc phái Sađốc hay nhóm Pharisêu. Trái lại, Gioan Tẩy Giả lại “giáng” xuống trên những hạng người ấy những lời lẽ nặng nề nhất: nào là “nòi rắn độc” “tìm cách trốn cơn thịnh nộ của Chúa”, nào là những bọn “con ông cháu cha” đừng “tưởng bở” cậy mình đã có tổ phụ Ápraham. Kèm theo đó là những lời đe doạ khủng khiếp: “chiếc rìu đã đặt sát gốc cây”. Thế nên, không phải cứ đến sông Giođan để cho Gioan Tẩy Giả trầm mình dưới làn nước mà đã gọi là ăn năn sám hối. Lòng ăn năn sám hối thực sự phải phát sinh hoa quả tương xứng bằng một cuộc đổi đời tận gốc và hiệu quả: “Hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.”

Mời Bạn: Không ai được miễn chước khỏi việc ăn năn sám hối. Nhưng không phải là ăn năn kiểu “sĩ diện”, vụ hình thức, như quý ông Pharisêu và Sađốc. Áp dụng vào bí tích hoà giải, hoa quả tương xứng với lòng thống hối là việc từ bỏ vết xe đổ của tính hư nết xấu (dốc lòng chừa) và thực thi bác ái (đền bù đi đôi với việc đền tội).

Sống Lời Chúa: Hẳn là bạn đang chuẩn bị cho việc sám hối mùa Vọng? Bạn hãy ăn năn dốc lòng chừa thật nghiêm túc.

Cầu nguyện: Sốt sắng đọc kinh “Ăn Năn Tội”.

THÔNG TIN GIÁO XỨ:

Các linh mục phụ trách: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng – Lm. G.B Đỗ Quốc Vinh – Lm. G.B Nguyễn Trọng Tín.

Thánh lễ:

  • Ngày thường: 5g00; 6g15; 17g30; 19g00
  • Chúa nhật: 5g00; 6g15; 7g30; 9g00; 16g00; 17g30; 19g00

Giải tội: Sau lễ sáng & trước lễ chiều ngày thường; Chúa nhật: 17g00 – 19g00

Chầu Thánh Thể: Mỗi ngày tại nhà chầu; 15g ngày Chúa nhật tại nhà thờ.

Rửa tội trẻ em: 10g15 Chúa Nhật mỗi cuối tháng

Văn phòng giáo xứ:

  • T3-T7: 7g30 – 11g30; 14g30 – 18g30
  • Chúa nhật: 6g30 – 10g30; 16g30 – 20g30
  • Thứ hai nghỉ cả ngày

LỊCH TUẦN 08/12 – 14/12/2019

  • Chúa nhật, 08/12: CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG. Thánh vịnh tuần II.
  • Thứ hai, 09/12: ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ).
  • Thứ ba, 10/12:
  • Thứ tư, 11/12: Thánh Đamasô I, giáo hoàng.
  • Thứ năm, 12/12: Đức Mẹ Guađalupê.
  • Thứ sáu, 13/12: Thánh Lucia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
  • Thứ bảy, 14/12: Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

THÔNG BÁO: TUẦN 08/12 – 14/12/2019

  1. Bổ nhiệm Giám mục giáo phận Phan Thiết: Ngày 03 tháng 12 năm 2019, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo:Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, đang là Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, làm Giám mục giáo phận Phan Thiết. Giáo phận Phan Thiết trống tòa khi Đức cha Giuse Vũ Duy Thống qua đời ngày 01 tháng 03 năm 2017; ngày 14 tháng 03 năm 2017, Tòa Thánh đã bổ nhiệm Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm làm Giám quản Tông tòa giáo phận Phan Thiết. Thánh lễ Tạ ơn chia tay Đức Cha Giuse vào lúc 8 giờ 30 thứ bảy 07/12/2019 tại Nhà Thờ Chánh Tòa. Kính mời anh chị em hiệp thông cầu nguyệncho Đức Cha trong sứ vụ mới. Đức Cha Giuse sẽ nhận Giáo phận Phan Thiết vào ngày 12/12/2019.
  2. Thứ tư tuần này 11/12/2019 Đức Tân Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng nhậm chức tại Nhà Thờ Chánh Tòa Sài Gòn vào lúc 08 giờ 30. Xin cộng đoàn cầu nguyện cách đặc biệt cho Ngài.
  3. Thứ hai tuần này 09/12/2019 Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, sau thánh lễ có rước kiệu Đức Mẹ Trọng Thể.
  4. TĨNH TÂM MÙA VỌNG 2019
    * GIỚI TRƯỞNG THÀNH & GIỚI TRẺ :
    Thứ ba, tư, năm 10 – 11 – 12/12/2019 lúc 19 giờ 00. Giảng: Cha Giuse Nguyễn Ngọc Vinh, SDB.
    * THIẾU NHI :Trong các Thánh Lễ CN Mùa Vọng 08/12/2019 và 15/12/2019 . Giảng: Cha Phó Gioan Baotixita Nguyễn Trọng Tín.
  5. Số tiền anh chị em giúp bác ái tuần qua được 30 triệu đồng. Hôm nay xin giúp cho việc chia sẻ mùa vọng. Xin cám ơn Anh Chị Em.

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

[Tải về bản in – PDF]

“Chúng ta không xây dựng đời mình trên những thứ sẽ qua đi, nhưng trên đá tảng là Thiên Chúa. Và ở đó, chúng ta sẽ hạnh phúc.”

Đây là trọng tâm bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ sáng nay, 05/12/2019, tại nhà nguyện thánh Marta, khởi đi từ đoạn Tin Mừng theo thánh Matthêu: “Hãy luôn tin tưởng nơi Chúa, vì chính Người là núi đá vững bền”,

“Ca ngợi sự bền vững ” là cốt lõi của Phụng vụ hôm nay. Trong đoạn Tin mừng theo thánh Matthêu (Mt 7, 21, 24-27), Chúa Giêsu so sánh người khôn ngoan và người khờ dại: một người đặt Chúa làm nền tảng đời mình và xây nhà mình trên đá, người kia không nghe Lời Chúa và chỉ sống với những điều bề ngoài, nên xây ngôi nhà của chính mình trên nền cát.

Chúa là tảng đá an toàn và mạnh mẽ

Và từ đây, Đức Thánh Cha khai triển bài giảng của Ngài trong cuộc đối thoại với các tín hữu và những câu hỏi mà họ thường hỏi ngài như: làm thế nào để suy tư phản tỉnh về sự khôn ngoan và yếu đuối; đâu là nền tảng của niềm hy vọng, của sự an toàn và ổn định trong cuộc đời; hoặc xin ơn biết nhận định xem đâu là đá, đâu là cát.

Đá tảng là chính Chúa. Ai trao phó đời mình cho Thiên Chúa sẽ luôn được an toàn, vì nền tảng cuộc đời của họ là nền đá. Đó chính là những gì Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng. Người nói về người khôn ngoan xây nhà trên đá, nghĩa là tin vào Thiên Chúa, trên những điều nghiêm túc. Và cũng chính niềm tin tưởng này là thứ vật liệu cao quý bởi nền tảng của việc xây dựng này trong đời sống chúng ta rất chắc chắn và mạnh mẽ.

Những điều bên ngoài là nền cát khiến đời Kitô hữu sụp đổ

Nếu người khôn ngoan là người xây đời mình trên đá, thì người dại khờ là người chọn nền cát, là thứ đổi thay và dịch chuyển, bị cuốn đi vì mưa, vì gió. Điều này cũng giống với những gì xảy ra trong đời sống hàng ngày: những tòa nhà không được xây dựng trên nền tốt thì sẽ bị sụp đổ, và cuộc hiện hữu của mỗi người chúng ta cũng thế.

Ai trong chúng ta cũng có những cơn bão trong đời mình, từ Giáo Hoàng đến những người bình thường nhất. Và khi những nền tảng cuộc đời của chúng ta không bền vững và mạnh mẽ, một cơn bão đến, chúng ta không có sức chịu nổi. Nhiều lần người ta thường nói: Tôi sẽ thay đổi đời mình và người ta nghĩ về việc thay đổi nghĩa là trang điểm. Thay đổi đời sống là phải thay đổi những nền tảng cuộc đời của mình, nghĩa là đặt đời mình trên đá tảng – là chính Chúa Giêsu. Tôi muốn phục hồi công trình này, tòa nhà này, vì nó tồi tàn lắm rồi. Tôi muốn tôn tạo nó một chút và gia cố lại nền. Nhưng nếu tôi chỉ trang trí lại và làm cho nó “lãng mạn” hơn chút thôi, thì điều đó sẽ chẳng khá hơn, nó sẽ sụp đổ mà thôi. Chỉ với những điều bên ngoài, cuộc đời Kitô hữu sẽ sụp đổ.

Chúng ta hãy xin ân sủng để biết nhận định giữa đá và cát

Vì thế, chỉ có Chúa Giêsu là nền tảng chắc chắn, còn những điều bên ngoài không giúp chúng ta, và người ta thấy điều này cả trong việc xưng tội nữa. Chỉ những ai nhận biết mình là tội nhân, yếu đuối, khao khát ơn cứu độ, mới cho thấy họ đặt đời mình trên nền đá. Họ đặt niềm tin và trông cậy vào Chúa Giêsu như là ơn cứu độ đời mình. Hãy sám hối, hãy thay đổi và hướng tới những gì không sụp đổ, không qua đi. Đó chính là những gì thánh Phanxicô Borgia đã trải qua vào những năm 1500. Đứng trước thi hài của nữ hoàng Isabella, vị phó vương ấy đã ý thức về tính hư nát và phù phiếm của những điều trần thế, nên đã chọn Thiên Chúa, và rồi trở thành một vị thánh.

Chúng ta không thể xây dựng đời mình trên những thứ mau qua, những thứ bên ngoài và giả vờ rằng tất cả đều ổn thôi. Chúng ta hãy đi đến đá tảng, nơi có ơn cứu độ của chúng ta. Ở đó, tất cả chúng ta sẽ hạnh phúc.

Trong lời cầu nguyện kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi mỗi người chúng ta, trong Mùa Vọng này, nghĩ về nền tảng mà chúng ta đặt để đời mình, đó là đá tảng vững chắc, hay là nền cát trống rỗng. Chúng ta cũng xin Chúa ơn biết nhận định.

Trần Đỉnh, SJ – Vatican News

Thần Khí của Thiên Chúa chỉ có thể bén rễ và nảy mầm trong một trái tim khiêm nhường. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như thế trong bài giảng thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta. Và mạc khải của Thiên Chúa bắt đầu nơi những điều nhỏ bé, nghĩa là những ai tin tưởng vào Người, hơn là khép nơi chính mình.

Trong bài giảng Thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta hôm thứ ba, 03/12/2019, Đức Thánh Cha nói về những điều nhỏ bé. Ngài nhấn mạnh: “thậm chí, chúng ta có thể nói: hôm nay là ngày của những điều nhỏ bé”. Bài đọc thứ nhất trích sách Tiên tri Isaia bắt đầu với lời loan báo rằng: “Ngày ấy, từ gốc Giê-sê sẽ đâm ra một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống”. Lời Chúa ca bài ca về những điều nhỏ bé và loan báo một lời hứa rằng: loài hoa ấy sẽ nảy mầm. Có điều gì nhỏ hơn một hạt giống đâu ? Nhưng thần khí Thiên Chúa sẽ ngự trên đó. Và Đức Thánh Cha giải thích thêm:

Ơn cứu độ, mặc khải và sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới bắt đầu như thế và luôn như vậy. Sự mặc khải của Thiên Chúa được thể hiện trong điều nhỏ bé. Sự vĩ đại có vẻ rất mạnh mẽ, quyền năng – chúng ta thử nghĩ về Chúa Giêsu trong sa mạc, [và] Satan xuất hiện cách mạnh mẽ như ông chủ của cả thế giới như thế nào: tôi sẽ cho ông mọi thứ, nếu ông …” Ngược lại, những gì thuộc về Thiên Chúa bắt đầu bằng việc nảy mầm, từ một hạt giống, từ những điều rất nhỏ. Và Chúa Giêsu nói về điều nhỏ bé ấy trong Tin Mừng.

Hãy trở nên nhỏ bé để Nước Thiên Chúa có thể nảy mầm

Chúa Giêsu vui mừng và cảm tạ Chúa Cha vì đã mặc khải cho những người bé mọn, hơn là cho những người hùng mạnh. Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng vào dịp Giáng sinh, tất cả chúng ta sẽ có dịp chiêm ngắm những hang đá, nơi cho thấy sự nhỏ bé của Thiên Chúa. Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh:

Trong một cộng đoàn Kitô giáo, nếu các Kitô hữu, các linh mục, các giám mục không đi theo con đường bé nhỏ này, cộng đoàn ấy không có tương lai, nó sẽ sụp đổ. Chúng ta đã thấy điều đó trong các dự án vĩ đại của lịch sử: Kitô hữu là những người xem chính mình như là những người đầy sức mạnh với quân lực, và vĩ đại với những cuộc chinh phạt. Nhưng Nước Thiên Chúa chỉ nảy mầm trong những điều bé nhỏ, luôn luôn là những điều bé nhỏ, những hạt giống của cuộc đời. Nhưng hạt giống tự nó có thể làm được gì ? Nhưng có một thực tại khác ban cho nó sức mạnh: “Ngày ấy, từ gốc Giê-sê sẽ đâm ra một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống”.

Thần Khí không thể đi vào một con tim cao ngạo

Thần Khí chọn những điều nhỏ bé bởi Người không đi vào những kẻ hùng mạnh, tự mãn, và tự đủ nơi chính mình. Thiên Chúa mặc khải chính mình cho những tâm hồn bé mọn.

Đức Thánh Cha lấy ví dụ về những nhà nghiên cứu tôn giáo: nói về thần học thực sự không có nghĩa là biết nhiều sự kiện. Những người như thế có thể được gọi là những “nhà bách khoa toàn thư về thần học”. Họ biết mọi thứ, nhưng không thể làm thần học bởi vì người ta chỉ có thể làm thần học “bằng cách quỳ gối” và trở nên bé nhỏ.

Cũng thế, một mục tử, dù có là linh mục, giám mục, giáo hoàng, hay hồng y, dù là ai chăng nữa, nếu không để mình trở nên bé nhỏ, người ấy không phải là mục tử thực sự, mà chỉ là người quản lý văn phòng. Điều này đúng với tất cả mọi người, từ những người có vai trò quan trọng trong Giáo Hội, cho tới những bà cụ nghèo làm những việc bác ái cách thầm lặng.

Kitô hữu bé nhỏ không có nghĩa là nhút nhát rụt rè

Nhưng người ta có thể nói: những người nhỏ bé thường hay nhút nhát rụt rè, nghĩa là những người tự khép lại nơi chính mình và sợ hãi. Ngược lại, Đức Thánh Cha khẳng định: điều nhỏ bé là điều vĩ đại, bởi người ấy không sợ mạo hiểm, và vì chẳng có gì để mất. Điều nhỏ bé dẫn tới những điều cao cả bởi vì nó cho phép chúng ta vượt lên chính mình, vì biết rằng Thiên Chúa là nguồn cội của sự vĩ đại.

Và Đức Thánh Cha trích dẫn Tổng Luận thần học của thánh Tô-ma Aquinô để giải thích cách thức Kitô hữu, dù nhận biết sự nhỏ bé của mình, nhưng cần phải hành động thế nào khi đối mặt với những thách đố của thế giới, mà không sống như những kẻ hèn nhát. Ngài nói: “Đừng sợ những điều cao cả”. Và Đức Thánh Cha lưu ý rằng thánh Phanxicô Xaviê mà chúng ta kính nhớ hôm nay cho chúng ta thấy điều đó.

Đừng sợ những điều vĩ đại, hãy tiến bước, nhưng đồng thời, hãy nghĩ đến những điều nhỏ nhất, đó là điều thánh thiêng. Một Kitô hữu luôn bắt đầu từ sự nhỏ bé. Nếu trong lời cầu nguyện của mình, tôi nhận thấy mình thật nhỏ bé, với những giới hạn, tội lỗi của mình, như người thu thuế đã cầu nguyện ở phía cuối đền thờ, vừa xấu hổ vừa thưa rằng: “Xin thương xót con là kẻ có tội”, thì bạn sẽ tiến bước. Nhưng nếu bạn tin rằng bạn là Kitô hữu tốt, bạn sẽ cầu nguyện như người Pharisiêu, người mà khi đi về không được kể là người công chính: “Con cám ơn Chúa, vì con là một người thật tuyệt vời”. Không, chúng ta cám ơn Chúa vì chúng ta là những người bé mọn.

Điều cụ thể trong lời xưng tội của trẻ em

Và Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng của mình với chia sẻ rằng: ngài rất thích nghe giải tội, đặc biệt là những em bé. Những lời xưng thú của các em thật đẹp vì đó là những điều rất cụ thể. Ví dụ, một em nhỏ có thể thú nhận rằng: “thưa cha, con đã nói những lời thế này: …” – và em ấy lặp lại những lời ấy cho tôi nghe. Đức Thánh Cha gọi điều ấy là “sự cụ thể của những gì bé nhỏ”. Đây chính là một mẫu gương cho thấy chúng ta nên đến với Thiên Chúa như thế nào: “Lạy Chúa, con là kẻ có tội, vì con đã làm điều này, điều này, điều này… Đó là sự khốn khổ, yếu đuối và bé mọn của con. Nhưng xin gửi Thần Khí của Chúa tới để con không sợ hãi những điều cao cả, nhưng kính sợ Chúa – Đấng thực hiện những điều vĩ đại trong cuộc đời con”.

Nguồn: Vatican News

ĐTC mời gọi các tín hữu đừng theo con đường ích kỷ, gây ra xung đột chiến tranh, nhưng hãy tỉnh thức, một cách cụ thể, chú ý quan tâm đến những người xung quanh đang gặp khó khăn.

Lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 01/12/2019, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô. Đức Thánh Cha bắt đầu bài huấn dụ ngắn trước khi đọc Kinh Truyền Tin:

Hành trình hướng về Chúa Kitô với sự tín thác

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Hôm nay, Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng, bắt đầu một Năm phụng vụ mới. Trong bốn tuần mùa Vọng này, phụng vụ dẫn đưa chúng ta đến việc cử hành lễ Giáng sinh của Chúa Giêsu, trong khi nhắc nhớ chúng ta rằng Người đến mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta và sẽ trở lại trong vinh quang vào thời sau hết. Với sự tin tưởng chắc chắn, chúng ta hướng về tương lai với sự tín thác, với lời ngôn sứ Isaia đồng hành trong toàn bộ hành trình Mùa Vọng.

Chúa Kitô, ý nghĩa và cùng đích của lịch sử

Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, ngôn sứ Isaia tiên báo rằng “vào ngày sau hết, núi Nhà ĐỨC CHÚA đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới”(2,2). Đền thờ của Chúa ở Giêrusalem được trình bày như là điểm hội tụ và gặp gỡ của tất cả các dân tộc. Sau khi Con Thiên Chúa nhập thể, chính Chúa Giêsu đã mặc khải mình là đền thờ đích thực. Do đó, tầm nhìn tuyệt vời của ngôn sứ Isaia là một lời hứa thiêng liêng và khiến chúng ta sống tinh thần hành hương, hành trình hướng về Chúa Kitô, ý nghĩa và cùng đích của lịch sử. Có bao nhiêu người đói khát công lý, chỉ có thể tìm thấy nó bằng cách đi trên con đường của Chúa; trong khi tội ác và tội lỗi xuất phát từ việc các cá nhân và các nhóm xã hội thích đi theo những con đường được vạch ra bởi những lợi ích ích kỷ, gây ra xung đột và chiến tranh. Mùa Vọng là thời điểm thích hợp để chào đón Chúa Giêsu đến; Người đến như một sứ giả của hòa bình để chỉ cho chúng ta con đường của Thiên Chúa.

Tỉnh thức là  chú ý đến những người xung quanh cần được giúp đỡ

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy sẵn sàng khi Người đến: “Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.” (Mt 24,42). Tỉnh thức không có nghĩa là mở đôi mắt thể lý, nhưng là có trái tim tự do và hướng về đường ngay chính, nghĩa là sẵn sàng cho đi và phục vụ. Cơn mê ngủ mà chúng ta phải bừng tỉnh được tạo nên bởi sự thờ ơ, phù phiếm, không có khả năng thiết lập các mối quan hệ thực sự của con người để chịu trách nhiệm về người anh em cô đơn, bị bỏ rơi hoặc bị bệnh. Do đó, sự kỳ vọng của Chúa Giêsu Đấng đang đến phải được biến thành một sự dấn thân tỉnh thức. Trên hết là sự ngạc nhiên trước hành động của Thiên Chúa, ngạc nhiên những điều ngạc nhiên Người mang đến và dành cho Người sự ưu việt. Tỉnh thức cũng có nghĩa là, một cách cụ thể, chú ý đến những người xung quanh chúng ta đang gặp khó khăn, để bản thân bị thách thức bởi nhu cầu của họ, không chờ đợi anh ta hoặc chị ta yêu cầu chúng ta giúp đỡ, nhưng học cách dự đoán, đi bước trước như Chúa luôn làm với chúng ta.

Xin Đức Maria, Trinh Nữ tỉnh thức và Mẹ của hy vọng, hướng dẫn chúng ta trên hành trình này, giúp chúng ta hướng về “Núi của Chúa”, hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô, người lôi cuốn mọi người và mọi dân tộc đến với Người.

Nguồn: Vatican News

WGPSG — “Tất cả mọi thành phần dân Chúa sát cánh bên nhau để chúng ta cùng chu toàn sứ vụ Phúc Âm hóa” ; đó là tâm tình tha thiết của Đức Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng khi ngài được chào đón tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn vào trưa ngày 30.11.2019

Trước đó, Đức Tổng Giám mục Giuse đã cùng phái đoàn gồm 10 linh mục thuộc  giáo phận Phát Diệm đáp chuyến bay VN 225 về đến sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 11g.

Đón Đức Tổng Giuse tại sân bay có Linh mục tổng đại diện Ignatio Hồ Văn Xuân và 11 linh mục trong Ban Tư  Vấn của Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Xe đưa Đức Tân Tổng Giám mục Giuse và phái đoàn đã đi vào khuôn viên Tòa Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn lúc 12g30. Chào đón ngài tại đây có Đức Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng – Giám Quản TGP Sài Gòn, Đức Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn, các linh mục hạt trưởng và các nhân viên đang làm việc tại các phòng ban trong Tòa Tổng Giám mục.

Đức Cha Giám Quản đã mời Đức Tân Tổng Giám mục và cộng đoàn đến núi Đức Mẹ hát bài ca tạ ơn.

Tiếp theo, Đức Tổng Giuse và mọi người vào nhà nguyện cổ để thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể.

Sau khi chầu Thánh Thể, Đức Cha Giám Quản đã thay mặt cộng đoàn trân trọng chào mừng và hứa “luôn sát cánh, nhiệt tình với Đức Tổng”.

Khi đáp từ, Đức Tân Tổng Giám mục đã tâm sự rằng: Chưa bao giờ ngài nghĩ sẽ có một ngày như ngày hôm nay. “Trong sự quan phòng của Chúa”, ngài kính chào mọi người và phó dâng sứ vụ cũng như Tổng Giáo phận cho Chúa và Đức Mẹ. Đức Tổng lạc quan tin tưởng: “Chúng ta cùng sát cánh bên nhau để chu toàn sứ vụ Phúc âm hóa”.

Đức Tân Tổng Giám mục được Đức Cha Giám Quản mời lên phòng khách của Tòa Giám mục, tại đây ngài đã chào Đức Hồng y Gioan Baotixita.

Buổi chào đón kết thúc bằng bữa cơm thân tình.

https://youtu.be/IA0vY3Rk6v4

Nguồn: TGP Sài Gòn

GXTĐ – Tông huấn Amoris Laetitia Niềm vui của Tình yêu (trích) Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

172. “Con cái, vừa sinh ra, song song với việc nuôi dưỡng và săn sóc, đã bắt đầu nhận lãnh ơn phúc thiêng liêng để biết chắc chắn mình được yêu thương. Lòng yêu thương này được biểu lộ cho các em qua việc ban cho một tên riêng, một ngôn ngữ chung, những cái nhìn yêu thương và nét tươi thắm của nụ cười. Nhờ cách này, các em học biết được rằng vẻ đẹp trong các mối liên hệ nhân bản đụng tới linh hồn ta, mưu cầu tự do cho ta, chấp nhận sự dị biệt nơi người khác, thừa nhận và tôn trọng họ như người đồng đối thoại… Đó chính là lòng yêu thương, và nó chứa tia lửa yêu thương của Thiên Chúa!” (187). Mỗi đứa con đều có quyền nhận được lòng yêu thương của một người mẹ và một người cha; cả hai người đều cần thiết đối với sự phát triển toàn diện và hoà hợp của đứa con. Như các giám mục Úc Châu đã nhận xét, mỗi người phối ngẫu “góp phần một cách khác biệt vào việc dưỡng dục đứa con. Tôn trọng phẩm giá đứa con có nghĩa phải xác nhận nhu cầu của nó và quyên tự nhiên của nó được có một người mẹ và một người cha” (188). Chúng ta đang nói không những đến lòng yêu thương của người cha và người mẹ như những cá nhân, mà còn đến cả lòng yêu thương hỗ tương của họ nữa, được nhận rõ như nguồn sự sống của người ta và là nền tảng vững chắc của gia đình. Không có lòng yêu thương này, đứa con chỉ có thể trở thành một đồ chơi nguyên vẹn. Chồng và vợ, cha và mẹ, cả hai phải “hợp tác với lòng yêu thương của Thiên Chúa Hóa Công, và là các giải thích viên của Người, theo một nghĩa nào đó” (189). Họ biểu lộ với con cái gương mặt mẫu thân và phụ thân của Chúa. Cùng với nhau, họ dạy dỗ giá trị của tính hỗ tương, của sự tôn trọng các dị biệt và của khả năng cho và nhận. Nếu vì một lý do bất khả kháng, mà thiếu cha hoặc mẹ, thì điều quan trọng là phài bù trừ sự mất mát này, để đứa con phát triển cách lành mạnh cho tới lúc trưởng thành.

5 phút Lời Chúa Mỗi Ngày: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến.” (Mt 24,42)

Suy niệm: Mùa Vọng lại về, với sự chuyển tiếp liền mạch trong sứ điệp Lời Chúa: vẫn là lời mời gọi canh thức dồn dập như ta đã nghe trong những ngày cuối năm Phụng Vụ cũ. Canh thức để khỏi bất ngờ khi một điều có bản tính bất ngờ xảy đến. Mùa Vọng không chỉ nhằm giúp các tín hữu đón mừng Lễ Giáng Sinh: lễ ấy đã được định ngày sẵn trong lịch, và sẽ tới trong bốn tuần lễ nữa – không có gì là bất ngờ! Mùa Vọng còn đặt chúng ta trước viễn tượng cuộc quang lâm của Chúa – chính cuộc quang lâm này luôn luôn còn đó tính bất ngờ. Vì thế, người tín hữu luôn cần canh thức, không chỉ canh thức trong bốn tuần Mùa Vọng này, mà canh thức trong cả ‘Mùa Vọng’ cuộc đời.

Mời Bạn: Có người sẽ tự hỏi: Đã xấp xỉ hai ngàn năm rồi mà Chúa chưa đến lại, vậy phải chăng lời Chúa nói về cuộc quang lâm hóa ra chỉ là sự ‘hù dọa’ vô ích cho bao thế hệ đã qua? Và phải chăng chúng ta cứ ‘vô tư’ mà sống, không cần phải ‘thức’ hay ‘canh’ chi cho căng thẳng, mệt đầu? Câu trả lời tốt ở đây là: Chúa quang lâm không chỉ ở ngày tận thế, mà còn ở cuối lịch sử cuộc đời mỗi con người nữa; và chỉ có những người ân hận mãi mãi vì đã không canh thức, chứ không hề có ai canh thức mà thấy rằng mình đã làm một việc vô ích! Lời Chúa bạn canh thức, bằng cách tổ chức lại cho ‘ngay ngắn’ cuộc sống của mình ngay hôm nay, ngay bây giờ.

Sống Lời Chúa: Canh thức cách đích thực nhất là giao hòa với Chúa và với Giáo Hội. Bạn chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Hoà Giải ngay từ tuần này, không phải chờ cho đến những ngày cận lễ.

Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.

THÔNG TIN GIÁO XỨ:

Các linh mục phụ trách: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng – Lm. G.B Đỗ Quốc Vinh – Lm. G.B Nguyễn Trọng Tín.

Thánh lễ:

  • Ngày thường: 5g00; 6g15; 17g30; 19g00
  • Chúa nhật: 5g00; 6g15; 7g30; 9g00; 16g00; 17g30; 19g00

Giải tội: Sau lễ sáng & trước lễ chiều ngày thường; Chúa nhật: 17g00 – 19g00

Chầu Thánh Thể: Mỗi ngày tại nhà chầu; 15g ngày Chúa nhật tại nhà thờ.

Rửa tội trẻ em: 10g15 Chúa Nhật mỗi cuối tháng

Văn phòng giáo xứ:

  • T3-T7: 7g30 – 11g30; 14g30 – 18g30
  • Chúa nhật: 6g30 – 10g30; 16g30 – 20g30
  • Thứ hai nghỉ cả ngày

LỊCH TUẦN 01/12 – 07/12/2019

  • Chúa nhật, 01/12: CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG.
  • Thứ hai, 02/12:
  • Thứ ba, 03/12: THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ, LINH MỤC. Bổn mạng các xứ truyền giáo. Lễ kính.
  • Thứ tư, 04/12: Thánh Gioan Đamas, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh.
  • Thứ năm, 05/12: Thứ Năm đầu tháng.
  • Thứ sáu, 06/12: Thứ Sáu đầu tháng. Thánh Nicôla, giám mục.
  • Thứ bảy, 07/12: Thứ Bảy đầu tháng. Thánh Ambrôsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

THÔNG BÁO: TUẦN 01/12 – 07/12/2019

“Mùa vọng có hai đặc tính : vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người ; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi”(AC 39).

  1. Ngày 23-11-2019, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo trên chuyến bay từ thủ đô Thái Lan đến thủ đô Nhật Bản, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi điện tín đến Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và người dân Việt Nam. Kính gởi Ngài Nguyễn Phú Trọng – Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Nhân dịp bay ngang không phận Việt Nam trên đường đến Nhật Bản, tôi gởi đến ngài và người dân Việt Nam những lời chúc tốt đẹp nhất. Nguyện xin Thiên Chúa tuôn đổ hồng ân trên quý vị. Tôi cầu nguyện cho đất nước này được an bình và thịnh vượng. Giáo Hoàng Phanxicô.
  2. Tuần này có những ngày đầu tháng. Xin Anh Chị Em Thánh Hóa những ngày đầu tháng. Sau Thánh lễ chiều thứ sáu tuần này có Giờ Chầu Thánh Thể – Đền Tạ Thánh Tâm Chúa.
  3. Mời Hội Các Bà Mẹ Nguyệt Hội sau Thánh lễ chiều thứ bảy đầu tháng.
  4. Xin báo trước để Anh Chị Em chuẩn bị:

* Hiến Máu Nhân Đạo vào lúc 7h00 sáng Chúa Nhật 08/12/2019. Xin Cộng Đoàn tích cực tham gia.

* Tĩnh Tâm Mùa Vọng của giới trẻ và trưởng thành: Thánh lễ lúc 19h00 . Thứ ba 10/12/2019 . Thứ tư 11/12/2019 . Thứ năm 12/12/2019

* Thiếu Nhi Tĩnh Tâm Mùa Vọng trong Thánh lễ 7h30 Chúa Nhật 8/12/2019 và Chúa nhật 15/12/2019

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

[Tải về bản in – PDF]

Theo Thư Chung của hội đồng giám mục Việt Nam gửi cho cộng đồng dân Chúa, và các bạn trẻ:  

Chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm (2020 – 2022) với các chủ đề sau:

– 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

– 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình.

– 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

Chúng tôi muốn ngỏ lời với tất cả các bạn trẻ Công giáo tại Việt Nam.

Các con rất thân mến,

Khi chiêm ngắm hai người trẻ trong hành trình Emmaus, Đức Thánh Cha Phanxicô viết như sau: “Chúa Giêsu cùng đi với hai môn đệ… Người bước vào trong đêm tối của họ. Khi lắng nghe Người, họ cảm thấy lòng ấm lên và trí sáng ra; khi Người bẻ bánh, mắt họ mở ra. Chính họ chọn đi trở lại ngay lập tức con đường vừa đi, để về với cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 237).

Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy đến với Chúa Giêsu, tâm sự với Người trong cầu nguyện, lắng nghe lời Người trong Sách Thánh, đón nhận sức sống của Người trong Thánh Thể, nhờ đó biết nhìn cuộc đời với cặp mắt mới và nhận ra Chúa luôn đồng hành với các con.

Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy đến với cộng đoàn Giáo hội ở nơi các con đang sinh sống, học hành, làm việc. Đức tin Kitô giáo luôn mang chiều kích cộng đoàn. Các con không sống đức tin một mình nhưng với cộng đoàn và trong cộng đoàn. Hãy tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, hội đoàn, hoặc cộng đoàn Kitô hữu nhỏ; nhờ đó các con cảm nhận được sự nâng đỡ trong những lúc khó khăn, đồng thời học mở lòng ra trước nhu cầu của tha nhân.

Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy mạnh dạn kể lại cho các bạn trẻ khác về kinh nghiệm đức tin của mình, kể bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành của các con. Hơn ai hết, chính các con phải là tông đồ cho người trẻ, những người cùng trang lứa, sống trong cùng một thời đại và môi trường với các con. Được như thế, các con sẽ trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người, đồng thời góp phần dựng xây quê hương và dân tộc Việt Nam thịnh vượng, công bằng và hạnh phúc.

Vào thời điểm sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria, Mẹ cũng là một người trẻ. Mẹ đã lắng nghe, suy đi nghĩ lại trong lòng, và quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi. Và một khi đã thưa ‘Xin vâng’, Mẹ dấn bước với tất cả tình yêu trung tín, kể cả trong những lúc khó khăn và thử thách nhất. Mẹ thực sự là mẫu gương và hơn nữa, là Ngôi Sao Hy Vọng, dẫn bước chúng ta vượt qua mọi gian nan thử thách để bước đi trên con đường của Tin Mừng. Chúng ta cùng hướng về Đức Maria với tâm tình cậy trông và yêu mến. Nguyện xin Mẹ luôn đồng hành và chúc phúc cho chúng ta.

 

+ Giuse Nguyễn Chí Linh

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam

+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam

GXTĐ – Tông huấn Amoris Laetitia Niềm vui của Tình yêu (trích) Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

171. Với một lòng âu yếm lớn lao, tôi thúc giục mọi bà mẹ tương lai: hãy luôn hạnh phúc và đừng để bất cứ điều gì tước mất của các con niềm vui sướng nội tâm được làm mẹ. Đứa con của các con xứng đáng để các con được hạnh phúc. Đừng để các sợ sệt, lo lắng của các con, cũng như lời bình phẩm hay các câu hỏi của người khác làm giảm niềm vui của các con được làm phương thế để Thiên Chúa đem một sự sống mới vào thế gian. Hãy chuẩn bị để đứa con của các con ra đời, nhưng đừng bị ám ảnh, hãy cùng Đức Mẹ hát lên bài ca hân hoan: “Linh hồn con ca tụng sự cao cả của Chúa và thần trí con hớn hở trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ con, vì Người đã đoái nhìn phận hèn của tôi tớ Người” (Lc 1:46-48). Hãy cố gắng cảm nhận sự hứng khởi thanh thản này giữa mọi ưu tư của các con, và hãy xin Chúa gìn giữ niềm vui của các con, để các con có thể chuyền niềm vui này cho đứa con của các con. Lòng yêu thương luôn đem lại sự sống. Lòng yêu thương phu thê “không chấm dứt với cặp vợ chồng… Khi hiến thân cho nhau, cặp vợ chồng không trao ban cho nhau mà thôi mà còn trao ban thực tại con cái nữa, vốn phản ảnh một cách sống động lòng yêu thương của họ, một dấu chỉ vĩnh viễn sự hợp nhất phu thê của họ và là một tổng hợp sinh động và bất khả phân tư cách làm cha làm mẹ của họ” .

5 phút Lời Chúa Mỗi Ngày: Phía trên đầu Người, có bản viết: “Đây là vua người Do thái.” (Lc 23,38)

Suy niệm: Suốt cuộc đời công khai, bao nhiêu lần dân chúng muốn tôn Đức Giê-su lên làm vua nhưng Người không chấp nhận (x. Ga 6,15), bởi quan niệm này pha trộn quá nhiều yếu tố trần tục. Chỉ khi tiến vào Giê-ru-sa-lem để chịu khổ nạn, Người mới để cho dân chúng tung hô Ngài là vua Ít-ra-en (x. Lc 19,39). Chỉ khi đứng trước Phi-la-tô, Người mới tuyên bố: “Tôi là Vua” (Ga 19,37). Và chỉ khi chịu treo trên thánh giá Người mới được công nhiên nhìn nhận: “Đây là Vua người Do Thái.” Thật vậy, Đức Giê-su không nhận là vua của những kẻ nhằm trục lợi. Nhưng Người chính là vua thật, cho dù trút bỏ hết vinh quang hay uy quyền nơi hang đá Bê-lem, trên Thánh Giá hay trong Bí tích Thánh Thể. Là vua, Người cho những ai tin vào Người được chia sẻ sứ mạng vương đế trong Bí tích Rửa Tội. Vì thế Người là Vua trên các vua.

Mời Bạn: Ơn cứu độ mà Vua Ki-tô mang đến không nhằm gỡ nhân loại ra khỏi thập giá, nhưng là ban ơn và đồng hành với mỗi người hầu giúp họ vác thập giá của mình hằng ngày. Nhìn gương “người trộm lành”, chúng ta biết phải xin gì khi đối diện với thập giá đời mình.

Chia sẻ: Một thực trạng đau lòng: nhu cầu vật chất của con người càng được thoả mãn thì nguy cơ con người sống xa rời đức tin càng cao. Bạn làm gì để vượt qua được thách đố sống mầu nhiệm thập giá giữa thời đại hưởng thụ duy vật này?

Sống Lời Chúa: Tiếp tục dâng những hy sinh để cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.

Cầu nguyện: Lạy Vua Ki-tô, xin cho con biết đi vào Nước Ngài bằng cách vác thập giá mỗi ngày của đời con. Amen.

THÔNG TIN GIÁO XỨ:

Các linh mục phụ trách: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng – Lm. G.B Đỗ Quốc Vinh – Lm. G.B Nguyễn Trọng Tín.

Thánh lễ:

  • Ngày thường: 5g00; 6g15; 17g30; 19g00
  • Chúa nhật: 5g00; 6g15; 7g30; 9g00; 16g00; 17g30; 19g00

Giải tội: Sau lễ sáng & trước lễ chiều ngày thường; Chúa nhật: 17g00 – 19g00

Chầu Thánh Thể: Mỗi ngày tại nhà chầu; 15g ngày Chúa nhật tại nhà thờ.

Rửa tội trẻ em: 10g15 Chúa Nhật mỗi cuối tháng

Văn phòng giáo xứ:

  • T3-T7: 7g30 – 11g30; 14g30 – 18g30
  • Chúa nhật: 6g30 – 10g30; 16g30 – 20g30
  • Thứ hai nghỉ cả ngày

LỊCH TUẦN 24/11 – 30/11/2019

  • Chúa nhật, 24/11: CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN. ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. Lễ trọng.
  • Thứ hai, 25/11: CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Hội Thánh Việt Nam. Lễ trọng.
  • Thứ ba, 26/11:
  • Thứ tư, 27/11:
  • Thứ năm, 28/11:
  • Thứ sáu, 29/11:
  • Thứ bảy, 30/11: THÁNH ANRÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

THÔNG BÁO: TUẦN 24/11 – 30/11/2019

  1. Thứ năm tuần này 21/11. Lớp Kinh Thánh nghỉ học, tuần sau 28/11 vẫn học vào lúc 19 giờ như thường lệ.
  2. Chúa nhật tuần này lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ là Chúa nhật cuối của Năm Phụng Vụ Năm C, cộng đoàn giáo xứ chúng ta cùng dâng lời nguyện tạ ơn Chúa về một năm Phụng Vụ vừa qua; đồng thời bước vào năm Phụng Vụ mới 2019-2020 Năm A, sau Thánh lễ 17h30 mỗi chiều thứ sáu hàng tuần giáo xứ có Chầu Thánh Thể – Đền Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu – Bổn Mạng Giáo Xứ Tân Định. Kính mời cộng đoàn cùng tham dự
  3. Chúa nhật tuần này 24/11/2019 là sinh nhật lần thứ 66 của Đức Tổng Giám Giuse Nguyễn Năng, xin anh chị em cầu nguyện cho Đức Tổng nhân dịp hồng phúc này.
  4. Năm 2020 là Năm Mục Vụ Giới Trẻ, Đồng Hành với người trẻ, Hướng đến sự trưởng thành toàn diện. ( LC 24, 13-35). Giáo xứ có hình thành sinh hoạt giới trẻ vào Chúa nhật hàng tuần 14 giờ 00- 16 giờ 00 do cha G.B Nguyễn Trọng Tín phụ trách. Rất mong các bạn trẻ cùng tích cực tham gia.
  5. Số tiền Anh Chị Em giúp cho Đại Chủng Viện Thánh Giuse tuần qua được 45 triệu đồng. Xin cám ơn cộng đoàn. Hôm nay xin cộng đoàn giúp cho việc thực thi bác ái mùa vọng.

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

[Tải về bản in – PDF]

Trong lời chào cuối cùng, Đức Giáo Hoàng đã cố gắng nói bằng Tiếng Việt, dù Ngài bị hụt hơi vào phút cuối. Dẫu vậy, việc được nghe một câu chào bằng tiếng mẹ đẻ của mình từ miệng Đức Giáo Hoàng hẳn đã làm ấm lòng rất người Việt Nam.

Chưa có một Đức Giáo Hoàng nào viếng thăm Việt Nam, nhưng tấm lòng của các Đức Giáo Hoàng dành cho Giáo Hội với nhiều thăng trầm bách hại này là điều không thể nghi ngờ. Năm 1984, trong chuyến tông du Thái Lan, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã gởi một thông điệp qua Radio cho Giáo Hội Việt Nam. Ba mươi lăm năm sau, trên đường đến Thái Lan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại ưu ái gởi cho giới trẻ Việt Nam một thông điệp bằng Video. Lần này, thông điệp gởi đi không chỉ được nghe qua âm thanh, mà còn được thấy qua hình ảnh và cung cách nói chuyện sống động của Đức Giáo Hoàng.

Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gởi đi lần này nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Miền Bắc được tổ chức tại Giáo Phận Bùi Chu với chủ đề: “Hãy về với thân nhân”, một câu trong Tin Mừng Máccô (5,19). Đức Giáo Hoàng có lẽ đã dựa vào nguyên bản Hy-lạp của câu Kinh Thánh, và dịch lại câu chủ đề: “Hãy về nhà, với thân nhân”. Toàn văn thông điệp của Đức Giáo Hoàng được quảng diễn xoay quanh một chữ “nhà”.

Có thể kể ra năm điểm chính trong nội dung và hai chi tiết quan trọng được gói ghém trong thông điệp.

1.     Đào sâu di sản truyền thống và văn hoá

Trong phần khởi đầu của thông điệp, chữ “nhà” được phân tích cách độc đáo dựa trên tâm thức và văn hoá của người Việt. Đức Giáo Hoàng nhận ra rằng “nhà” là từ đẹp nhất trong kho tàng văn hoá Việt Nam, vì “gói ghém” trọn vẹn những gì là thân thương nhất trong trái tim của một con người, bao hàm cả gia đình, họ hàng và quê hương xứ sở. Ngài chỉ ra rằng những nét đẹp đặc trưng trong văn hoá của Người Việt như truyền thống gia đình, việc thảo kính cha mẹ, tôn trọng người già… đều được sinh ra từ chữ “nhà”. Từ đó, Ngài đọc câu chủ đề của ngày Đại Hội Giới Trẻ như một câu châm ngôn thôi thúc các bạn trẻ trở về đào sâu và khám phá di sản văn hoá quý giá của truyền thống và văn hoá dân tộc mình. Ngài nhấn giọng: “Những di sản ấy là những kho tàng quý giá của các con. Đừng bao giờ để mất kho tàng ấy.”

2.     Đào sâu di sản đức tin

Trong phần thứ hai, nghĩa của chữ “nhà” được Đức Giáo Hoàng nhân rộng lên. Ngài khẳng định với các bạn trẻ: “Giáo Hội là một ngôi nhà. Là ngôi nhà của các con.” Nhìn lại dòng lịch sử, Đức Giáo Hoàng đã đánh giá rất cao đặc tính anh hùng và giàu gương sống đạo của Giáo Hội Việt Nam. Ngoài việc nhắc đến gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Đức Giáo Hoàng đặc biệt mời gọi các bạn trẻ nhìn lại chính cuộc đời của ông bà và cha mẹ mình, những người đã phải sống qua đau khổ của chiến tranh loạn lạc, nhưng kiên quyết giữ vững đức tin như giữ một kho tàng quý giá nhất và truyền lại cho con cháu.

Trong phần này, thông điệp của Đức Giáo Hoàng cũng nhắn nhủ các bạn trẻ về lòng biết ơn. Ngài nhắc đến công khó của những nhà truyền giáo đầu tiên mang Tin Mừng đến Đất Việt. Đồng thời, Ngài nhắc lại sự đón nhận đầy nhiệt tâm và cách sống đạo đầy chứng tá của những Kitô hữu Việt Nam đầu tiên, như được diễn tả qua tường thuật của nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes [Đắc Lộ], “Đạo Công Giáo là Đạo của Tình Yêu.” Ngài mời gọi các bạn trẻ tựa vào di sản đức tin phong phú ấy để làm động lực thôi thúc mình đi về phía trước trong hành trình truyền giáo.

3.     Chứng tá Tin Mừng

Trong phần thứ ba, Đức Giáo Hoàng mời người trẻ Việt Nam gỡ mình khỏi văn hoá khép kín và cục bộ, để mở ra và hướng đến người khác. Ngài nhắc nhở các bạn trẻ Công Giáo hướng mắt nhìn ra để thấy rằng người Công Giáo vẫn còn là một thiểu số giữa lòng dân tộc mình. Ngài mời gọi các bạn trẻ Công Giáo đảm nhận vai trò truyền giáo, bằng chính đời sống chứng tá của mình, chứ không phải bằng sự khuyến dụ hay lôi kéo.

Trong lời kêu gọi này, có thể đọc ra sự tin tưởng và kỳ vọng mà Đức Giáo Hoàng dành cho các bạn trẻ. Giống như vị tiền nhiệm của mình, Đức Phanxicô nhìn nhận rằng giới trẻ không phải chỉ là tương lai, nhưng như là hiện tại của Giáo Hội. Chính sự nhập cuộc đầy sáng tạo và vui tươi của người trẻ làm nên sức sống và bộ mặt của Giáo Hội. Ngài mời gọi các bạn trẻ đảm nhận trách nhiệm của mình trong ngôi nhà Giáo Hội. Ấy là nơi nhân cách và phẩm giá của họ được đào luyện và lớn lên.

4.     Nhân cách của một người trẻ Công Giáo

Trong phần cuối của thông điệp, Đức Giáo Hoàng đưa ra một lời khuyên dạy cụ thể, như cách của một người Cha dành cho con cái của mình. Trước thực tế xã hội Việt Nam, Đức Giáo Hoàng khuyên các bạn trẻ đừng sợ sống đẹp và đừng ngại để cho cái đẹp trong nhân cách của một người Công Giáo được tỏ bày trước mặt mọi người. Ba đức tính quan trọng được Đức Giáo Hoàng kể ra, là sự trung thực, tinh thần trách nhiệm và tính lạc quan, cũng như sự cần kíp của việc biết phân định. Ngài khẳng định đó không chỉ là những giá trị làm nên xã hội mà còn là những giá trị mà cả Giáo Hội Việt Nam đang cần.

Quan trọng hơn nữa, Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng chính việc làm một người Công Giáo tốt sẽ giúp cho các bạn trẻ trở nên những người yêu nước nhiều hơn, và trở thành người Việt Nam thật hơn. Một người Công Giáo tốt là một người có trái tim gắn liền với quê hương đất nước và dân tộc mình. Theo lối nhìn này, có thể thấy đức tin Công Giáo đóng một vai trò then chốt trong việc hình thành nhân cách và phẩm giá của một con người. Một người trẻ lớn lên trong lòng Giáo Hội Công Giáo là một người xứng đáng được mang nơi mình những nét đẹp cả từ di sản truyền thống văn hoá lẫn di sản đức tin.

5.     Con có một Tổ Quốc

Thông điệp của Đức Giáo Hoàng có nhắc đến mẫu gương của Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận như một chứng nhân của hy vọng. Có một sự đồng điệu rõ nét giữa những lời nhắn nhủ của Đức Giáo Hoàng và những tâm tình của Đức Cố Hồng Y. Trong bài thơ “Con Có Một Tổ Quốc”, Đức Cố Hồng Y đã viết:

“Con có một Tổ Quốc Việt Nam
Quê hương yêu quý ngàn đời […]
Là người Công Giáo Việt Nam
Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con.
Cha mong giòng máu ái quốc
Sôi trào trong huyết quản con”

Cũng vậy, quê hương và tổ quốc được nhấn mạnh rất nhiều lần trong thông điệp ngắn ngủi này. Trong thông điệp video, hầu hết những lần Đức Giáo Hoàng dừng lại, điểm nhấn mạnh đều tập trung vào việc hướng các bạn trẻ nhìn về căn tính dân tộc của mình. Ngài mời gọi các bạn trẻ hãy dành một tình yêu thật lớn, một sự trung thành thật lớn cho quê hương đất nước của mình. Ngài nhắn nhủ: “Các con hãy yêu nhà của các con: Ngôi nhà gia đình và ngôi nhà tổ quốc. Các con hãy yêu dân tộc Việt Nam, yêu đất nước của các con! Các con hãy là những người Việt Nam đích thực, với tình yêu Tổ quốc.”

Có thể nói rằng để có được những lời nhắn nhủ như thế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô hẳn đã mang nhiều ưu ái và thao thức dành cho Giáo Hội Việt Nam. Trong cách thức mà thông điệp video được gởi đi, có hai điểm rất đáng lưu ý, thể hiện tấm lòng mục tử và sự quan tâm thân thuộc dành cho Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ Việt nam.

i) Tấm lòng mục tử

Quả đúng như lời Đức Giáo Hoàng khẳng định ngay từ đầu thông điệp: “Cha hiện diện với các con bằng tất cả trái tim”.

Theo nguồn thông tin từ Vatican News, cơ quan truyền thông chính thức của Toà Thánh và cũng là cộng tác viên của Đức Thánh Cha để thực hiện thông điệp này, tuần vừa qua là một khoảng thời gian vô cùng bận rộn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đấy là khoảng thời gian cuối để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Thái Lan và Nhật Bản. Ngoài ra, mỗi ngày Đức Giáo Hoàng phải tiếp 4-6 phái đoàn khác nhau. Ngài ăn trưa với người nghèo. Hầu như mỗi ngày ngài chuẩn bị cho một thông điệp video quan trọng đã được lên kế hoạch từ lâu. Video dành cho giới trẻ Việt Nam, dù mới nhận thư thỉnh nguyện của Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, giám mục Gp. Bùi Chu, nơi đăng cai Đại hội Giới Trẻ, Đức Thánh Cha vẫn làm trong những phút cuối trước khi ngài đặt chân lên máy bay. Có thể nhìn thấy sự mệt mỏi trên khuôn mặt và trong từng nhịp thở của Ngài. Tuy nhiên, rất khác với các thông điệp video trong tuần, thông điệp gởi cho giới trẻ Việt Nam được Đức Giáo Hoàng đọc với một cung giọng hứng khởi. Có những khoảnh khắc Ngài buông giấy để quảng diễn và lặp lại nhằm nhấn mạnh những chi tiết quan trọng.

Trong lời chào cuối cùng, Đức Giáo Hoàng đã cố gắng nói bằng Tiếng Việt, dù Ngài bị hụt hơi vào phút cuối. Dẫu vậy, việc được nghe một câu chào bằng tiếng mẹ đẻ của mình từ miệng Đức Giáo Hoàng hẳn đã làm ấm lòng rất người Việt Nam.

ii) Sự quan tâm thân thuộc

Ngoài sự gần gũi, Đức Giáo Hoàng còn thể hiện một sự quan tâm và thân thuộc đặc biệt với văn hoá và con người Việt Nam. Qua những lời nhắn gởi trong thông điệp của mình, Đức Giáo Hoàng cho thấy một sự am hiểu sâu xa về hoàn cảnh sống thực tế của người trẻ trong xã hội Việt Nam. Ngài nhắc đến những thiệt thòi, sự phiền phức và cả những hy sinh mà một người muốn sống trung thành với niềm tin tôn giáo phải đối mặt. Đặc biệt ở cuối thông điệp Đức Giáo Hoàng còn nhắc đến biến cố tử nạn của 39 nạn nhân trên đường đi Anh Quốc trong tháng 10 vừa qua. Ngài gọi đó là biến cố vô cùng đau lòng.

Có thể nói, chính những cập nhật kịp thời và những phân tích xác thực của Đức Giáo Hoàng là yếu tố quan trọng làm cho nội dung của thông điệp trở nên gần gũi và có tính thiết thực.

Trong số nhiều người lắng nghe thông điệp lần này, có thể vẫn còn có người chưa thấy thực sự thoả lòng. Hình như vẫn còn thiếu một lời hứa, để những người con Việt Nam có được cơ hội chào đón một Đức Giáo Hoàng bằng xương bằng thịt. Dù sao đi nữa, chúng ta tin rằng Đức Giáo Hoàng có lý do để cân nhắc khi đưa ra một lời hứa. Chính việc trực tiếp gởi thông điệp qua video đã là một ưu ái lớn, nói lên tấm lòng của một vị mục tử dành cho Giáo Hội Việt Nam, nhất là dành cho những bạn trẻ Công Giáo Việt Nam.

Chúng ta vẫn hy vọng và cầu nguyện.

Biết đâu một ngày không xa…

Nguồn: Vatican News