15/04 – Thứ tư tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH.
“Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh”.

Lời Chúa: Lc 24, 13-35

Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Em-mau, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Đang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”.

Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông.

Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Đoạn Người biến mất.

Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Các vị đó bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Gia đình cầu nguyện với Lời Chúa:

Tông đồ cầu nguyện – Click to Pray:

CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI SÁNG
Trong tuần lễ Phục Sinh này, mỗi ngày chúng ta hãy nhớ đến biến cố Phục Sinh ấy. Sáng nay, chúng ta hiện diện cùng 2 người môn đệ trên đường Em-mau, “Mắt họ bỗng mở ra và họ nhận ra Chúa Giê-su” (Lc 24,31) Con có biết cách nào nhận ra Chúa Giê-su Phục Sinh trong cuộc đời của con không? Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin giúp con nhìn thấy Chúa, và xin ban sự sống đến những người đang làm nô lệ cho nghiện ngập. Con xin dâng ngày sống hôm nay của con, với lòng khát khao được theo chân Ngài. Lạy Cha chúng con…
WITH JESUS IN THE MORNING
In this week after Easter, each day we remember the resurrection, and we are this morning with the disciples of Emmaus, “Their eyes opened and they recognized him” (Luke 24:31). Do I too know how to recognize the risen Jesus in my life? Risen Lord, help me to see you, and please give life to those who are slaves of addictions. I offer you my day, with the desire to walk in your footsteps. Our Father…
— ∞  +  ∞ —
CÙNG CHÚA GIÊSU TRONG NGÀY
Chúa ơi, như hai môn đệ trên đường Em-mau, con mời Chúa vào đồng bàn với con, và xin Ngài ở lại cùng con (Lc 24,29) vào giữa ngày này. Chúa mời gọi con mở rộng tâm hồn với Tin Mừng, và tỏ lộ cho con biết Ngài thực là ai. Con tạm dừng mọi việc con đang làm và lắng nghe Ngài. Ngài muốn nói gì với con qua những người con gặp gỡ, hay qua những biến cố trong ngày? Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến!
WITH JESUS DURING A DAY
Like the disciples of Emmaus, I invite you to my table, Lord, this midday, and ask you to stay with me (Luke 24:29). You want to open my heart to the Scriptures and reveal to me who you really are. I stop what I am doing for a while, and I listen to you. What do you say to me in those I encounter, or in the events of this day? Come, Lord, Jesus!
— ∞  +  ∞ —
CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI TỐI
Con tạ ơn Chúa vì những gì con đã cảm nghiệm được trong hôm nay, đặc biệt là những lúc con thấy mình tự do lắm. Con nhìn sâu vào biển cả mênh mông nơi cõi lòng. Con có kinh nghiệm với nỗi sợ không? Có những ý tưởng nào vực con dậy? Con đã hành động như thế nào? Xin Chúa chữa lành mọi nỗi sợ hãi bằng tình yêu của Ngài. Con viết ra một quyết tâm con sẽ thực hiện vào ngày mai. Kính mừng Maria…
WITH JESUS IN THE NIGHT
Give thanks to God for what you have experienced, especially when you have felt freedom. Sail in the sea of your heart. Did you experience fear? What ideas came up? How did you react? Ask God to heal any fears with love. Write down a resolution for tomorrow. Hail Mary…

14/04 – Thứ ba tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH.
“Tôi đã trông thấy và Người đã phán với tôi những điều ấy”.

Lời Chúa: Ga 20, 11-18

Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: “Tại sao bà khóc?” Bà trả lời: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?”

Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: “Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?” Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”. Chúa Giêsu gọi: “Maria”. Quay mặt lại, bà thưa Người: “Rabboni!” (nghĩa là “Lạy Thầy!”). Chúa Giêsu bảo bà: “Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con”.

Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy”.

Gia đình cầu nguyện với Lời Chúa:

Tông đồ cầu nguyện – Click to Pray:

CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI SÁNG
Sáng nay chúng ta hiện diện với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã rất khó khăn để nhận ra Chúa Giê-su sau khi Người trỗi dậy, bà nhầm lẫn Chúa với người làm vườn. “Chúa Giê-su gọi bà: ‘Maria’. Bà quay lại và trả lời bằng tiếng Híp-ri: ‘Ráp-bu-ni’, (nghĩa là ‘Lạy Thầy’) (Ga 20, 16) Như bà Ma-ri-a Mác-đa-la, tôi nghe thấy Chúa Giê-su gọi tôi bằng tên thật của mình, và tôi thinh lặng để nghe tiếng ấy ở trong tôi. Ngài sai tôi đến với anh chị em để loan báo niềm vui Phục Sinh. Tôi sẽ đáp lại như thế nào?
Nguyện xin Chúa Thánh Thần biến đổi con nên như người tông đồ cầu nguyện, và sẵn sàng cho sứ mạng mà Chúa Giê-su đã trao phó nơi con. Lạy Cha chúng c
WITH JESUS IN THE MORNING
Here we are this morning with Mary Magdalene who has a hard time recognizing Jesus after his resurrection and mistakes him first of all as the gardener. “Jesus said to her: ‘Mary’. She turned around and said to him in Hebrew: ‘Rabbouni,’ which means master.” (John 20:11-18) Like Mary Magdalene, I hear Jesus calling me by my first name, and I remain silent to hear it within me. He sends me to my brothers and sisters to announce the joy of the resurrection. What will I answer him? I ask the Holy Spirit to make me an apostle of prayer, available for the mission that Jesus gives me. Our Father…
— ∞  +  ∞ —
CÙNG CHÚA GIÊSU TRONG NGÀY
Vào thời khắc giữa ngày, con dâng lên Chúa ngày sống của con, và nghĩ về ý cầu nguyện của tháng này: Xin cho những người đang nghiện ngập được tận tình giúp đỡ và đồng hành để họ được giải thoát khỏi tình trạng đau khổ này. Trong khi cầu nguyện, con lặp lại những lời của tiên tri I-sai-a được Chúa Giê-su đọc trước hội đường ở Na-da-rét: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người sai tôi đi công bố tự do cho người bị giam cầm.” (Lc 4,18)
WITH JESUS DURING A DAY
In the middle of this day, I offer my day to the Lord, thinking of this month’s intention: Praying that those suffering from addiction may be helped and accompanied. In my prayer, I can repeat these words of Isaiah taken up by Jesus at the synagogue of Nazareth: “The Spirit of the Lord is upon me, because he has anointed me to bring glad tidings to the poor. He has sent me to proclaim liberty to captives.” (Luke 4:18)
— ∞  +  ∞ —
CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI TỐI
Con nhìn vào tim mình để xét lại ngày sống hôm nay. Con tạ ơn Chúa vì những khoảnh khắc mang đến cho con bình an và niềm vui. Con ghi nhớ và thưởng nếm lại một lần nữa. Xin Chúa chỉ cho con những thách đố con phải đối mặt hôm nay. Con có thể đáp lại như thế nào? Con có hành động với tự do, tình yêu, hy vọng và tự tin không? Con có cảm thấy băn khoăn vì hành động nào đó không? Con học hỏi nhiều từ những trải nghiệm hôm nay, và cầu xin Chúa ban ân sủng để ngày mai con hành động với sự tự do nội tâm, chứ không phải là nô lệ cho tội lỗi. Kính mừng Maria…
WITH JESUS IN THE NIGHT
Look over your day in your heart. Thank God for the moments that have given you peace and joy. Remember them and enjoy them again. Ask God to show you what challenges you faced today. How did you respond to them? Did you act freely, feeling love, hope and confidence? Did you feel restless? Learning from what was experienced today, ask God for the grace tomorrow to act with interior freedom, not as a slave to sin. Hail Mary…

Anh chị em thân mến, tôi xin gởi lời chúc mừng Phục Sinh đến toàn thể anh chị em!

Hôm nay khắp thế giới vang vọng lời loan báo của Giáo Hội: “Đức Giêsu Kitô đã phục sinh!” – “Ngài đã thực sự phục sinh!”

Như một ánh lửa mới, Tin Mừng này được thắp lên trong đêm tối: đêm tối của thế giới đang ở trong những thách đố mang tính đời đại và giờ đây còn bị bủa vây bởi dịch bệnh khiến cho cả gia đình nhân loại rơi vào thử thách tột cùng. Trong đêm tối ấy, lời loan báo của Giáo Hội lại vang vọng: “Đức Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã phục sinh!”

Lời loan báo ấy là một sự “lây lan” khác, từ con tim đến con tim, bởi mọi con tim nhân loại đang chờ đợi Tin Mừng này. Đây là sự loan truyền của niềm hy vọng: “Đức Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã phục sinh!” Đây không phải là một công thức phù phép làm tan biến mọi khó khăn. Không phải như thế, sự phục sinh của Đức Kitô không phải như vậy. Niềm vui phục sinh là sự vinh thắng của tình yêu trước cội rễ của sự dữ, một chiến thắng không “dè bẹp” đau khổ và cái chết, nhưng vượt qua chúng ngang qua ngả đường nơi vực thẳm, ngang qua việc cải tà quy chính, đó chính là quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa.

Đấng Phục Sinh chính là Đấng Chịu Đóng Đinh, không phải ai khác. Thân thể phục sinh của Ngài vẫn mang những vết thương không thể xoá nhoà, những vết thương trở thành nguồn cội của niềm hy vọng. Chúng ta hãy chạy đến với Ngài để Ngài chữa lành những tổn thương chúng ta phải chịu.

Hôm nay, tôi muốn nhớ đến cách đặc biệt những ai bị ảnh hưởng trực tiếp bởi corona virus: những bệnh nhân, những người đã qua đời và gia quyến đang khóc thương họ, những người mà thậm chí họ không thể nói lời từ biệt sau cùng. Xin Thiên Chúa của sự sống đón nhận vào vương quốc Ngài tất cả những ai qua đời và ban an ủi và hy vọng cho những ai còn trong thử thách, nhất là những người cao niên và đơn chiếc. Xin Chúa cũng không quên an ủi và trợ lực những ai trong hoàn cảnh hiểm nguy, đó là những nhân viên bệnh viện, những ai sống trong quân đội và nhà tù. Đối với nhiều người, sẽ là một lễ Phục Sinh trong cô đơn, sống giữa nước mắt và đau khổ do dịch bệnh gây ra, từ những đau khổ thể lý đến khó khăn tài chính.

Dịch bệnh tước đi không chỉ người thân yêu của chúng ta, mà còn cả cơ hội nối kết con người đến nguồn ai ủi phát sinh từ các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Hoà Giải. Nhiều nơi giáo dân không thể đến với các bí tích này, nhưng Thiên Chúa không để chúng ta đơn côi! Chúng ta liên đới trong lời cầu nguyện, chúng ta biết chắc rằng Ngài đặt bàn tay trên ta (x. Tv. 138, 5), luôn nhắc nhớ chúng ta: đừng sợ, “Thầy đã phục sinh và luôn ở bên con!” (x. Sách lễ Roma)

Lạy Đức Giêsu, Đấng Phục Sinh, xin ban sức mạnh và hy vọng cho các bác sỹ, y tá khắp nơi, những người đang thực hành chứng tá bác ái và liên đới với tha nhân với tất cả sức lực của mình và ngay cả đến hy sinh sức khỏe bản thân. Chúng ta hướng đến họ với niềm cảm kích và tri ân, những người đang làm việc không ngừng nghỉ để bảo đảm những nhu cầu thiết yếu cho đời sống xã hội, cho sự ổn định và tri ân đến lực lượng quân đội mà ở nhiều nước, họ đang góp phần giải quyết những khó khăn và đau khổ của tha nhân.

Trong những tuần này, cuộc sống của nhiều triệu người bị thay đổi cách miễn cưỡng. Đối với nhiều người, ở nhà là cơ hội để suy ngẫm, để giảm bớt nhịp sống tất bật thường ngày, để ở với người thân và trân quý thời gian bên nhau. Tuy vậy, với nhiều người lại là thời điểm đầy lo lắng bởi tương lai phía trước thật vô định, công việc có thể bị đình chỉ và những hệ quả khác của cuộc khủng hoảng hiện tại. Tôi khuyến nghị những ai có trách nhiệm chính trị dấn thân hết mình cho an sinh của người dân, cung cấp phương tiện và hỗ trợ cần thiết để đi đến đồng thuận về một cuộc sống đúng nhân phẩm và hướng đến, khi điều kiện cho phép, việc trở lại nhịp sống thường ngày.

Đây không phải là thời điểm của sự vô tâm, bởi cả thế giới đang đau khổ và phải hiệp nhất chống lại bệnh dịch. Xin Đức Giêsu phục sinh ban tặng niềm hy vọng cho tất cả người nghèo, những ai đang sống ở vùng xa, những người tị nạn và người vô gia cư. Ước gì những anh chị em thiệt thòi nhất không bị bỏ rơi, họ có thể được nhận ra ở các thành phố, vùng ven đô khắp nơi trên thế giới. Chúng ta không để họ thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu, những điều mà hiện tại rất khó đáp ứng vì nhiều hoạt động bị đình chỉ, cũng như thuốc men và nhất là trợ giúp y tế cần thiết. Trước tình hình hiện tại, ước gì các lệnh trừng phạt quốc tế được nới lỏng, những lệnh ngăn cản các Quốc gia hỗ trợ công dân của mình và hỗ trợ các Nước, nhất là những nước nghèo nhất, đối diện với nhu cầu hiện tại bằng cách giảm bớt, nếu không thể xoá bỏ, khoản nợ đang làm cho tình hình thêm khó khăn.

Đây không phải thời điểm của ích kỷ, bởi vấn đề chúng ta đang đối diện liên hệ đến tất cả và không phân biệt ai. Trong nhiều nơi trên thế giới bị thiệt hại do corona virus, tôi bày tỏ tâm tình đặc biệt đến Châu Âu. Sau Chiến Tranh Thế Giới lần thứ hai, châu lục quý mến này có thể hồi sinh là nhờ tinh thần liên đới cụ thể giúp vượt qua xung đột quá khứ. Hơn lúc nào hết, trong tình hình hiện tại, những xung đột ấy không được phép tái hiện, nhưng mọi người cần nhận ra mình là một phần của một gia đình duy nhất và cần giúp đỡ lẫn nhau. Hiện tai, Châu Âu đang đối diện với một thử thách thời đại, quyết định không chỉ tương lai của mình mà còn của cả thế giới. Ước mong chúng ta không được đánh mất cơ hội thể hiện nỗ lực liên đới, ngay cả khi phải thử đến những hướng giải quyết mới. Nếu không sẽ rơi vào chủ nghĩa ích kỷ của tư lợi và cám dỗ trở về với quá khứ, cùng với nguy cơ phá vỡ tương giao hoà bình và phát triển cho các thế hệ kế tiếp.

Đây không phải thời điểm của chia rẽ. Xin Đức Kitô, hoà bình của chúng ta, soi sáng những ai có trách nhiệm trong các xung đột, hầu chúng ta có đủ can đảm tuân thủ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu và ngay lập tức trên khắp thế giới. Đây không phải là thời điểm để tiếp tục sản xuất và buôn bán vũ khí, sử dụng những khoản đầu tư lớn mà đáng lẽ phải được dùng để chăm lo cho con người và cứu vớt mạng sống. Ước gì đây là lúc để kết thúc cuộc chiến dai dẳng đã nhuốm máu cả Siria, kết thúc xung đột ở Yemen và kết thúc những căng thẳng ở Iraq cũng như ở Liban. Cầu mong đây là lúc Israen và Paletine nối lại đàm phán để tìm ra hướng giải quyết lâu dài và ổn định để cả hai bên được sống trong hoà bình. Cũng là lúc ngừng lại những đau khổ của dân chúng ở các vùng phía đông Ucraina và ngừng các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào người vô tội ở nhiều nước của Phi Châu.

Đây không phải là thời điểm của lãng quên. Cuộc khủng hoảng chúng ta đang đối diện không làm chúng ta quên đi nhiều tiếng kêu cứu của rất nhiều người đau khổ khác. Xin Thiên Chúa hằng sống đến với các dân tộc ở Châu Á và Châu Phi, những nơi đang trải qua khủng khoảng nhân đạo, như ở vùng Cabo Delgado, phía bắc Mozambic. Xin Chúa sưởi ấm tâm hồn những ai đang chịu tị nạn và di dời vì chiến tranh, hạn hán và đói kém. Xin Chúa che chở những người tị nạn và di dân, trong số họ có rất nhiều trẻ em, đang sống trong cảnh cơ cực, đặc biệt là ở Libia và ở vùng biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Cầu mong cho Venezuela có thể đạt đến những giải pháp cụ thể và mau chóng, nhiều khi cần đến trợ giúp quốc tế đối với dân tộc đang chịu cảnh đau khổ do tình hình chính trị, kinh tế-xã hội và y tế gây ra.

Anh chị em thân mến,

Vô tâm, ích kỷ, chia rẽ, lãng quên thực sự không phải là những ngôn từ mà chúng ta muốn nghe lúc này. Chúng ta muốn cấm nói đến chúng luôn mãi! Những từ ngữ này dường như chiếm ưu thế khi nơi chúng ta, lo sợ và cái chết đang thắng thế, khi chúng ta không để cho Đức Giêsu ngự trị trong con tim và đời sống chúng ta. Ngài đã chiến thắng sự chết và mở ra cho chúng ta con đường dẫn đến ơn cứu độ vĩnh cửu, xoá đi bóng tối của kiếp nhân sinh và dẫn đưa con người tới ngày vinh thắng không bao giờ tàn lụi.

Chuyển ngữ: Mai Kha, SJ
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt

Sau ngày Sabbath (Mt 28: 1), những người phụ nữ đã đi đến ngôi mộ. Đây là cách Tin Mừng của Đêm Vọng thánh thiêng này bắt đầu: với ngày Sa-bát. Trong Tam Nhật Thánh, chúng ta thường có xu hướng bỏ qua ngày này bởi ta đang háo hức chờ đợi bước chuyển từ mầu nhiệm Thánh Giá của ngày Thứ Sáu sang lời hoan ca Alleluia của Chúa Nhật Phục Sinh. Tuy nhiên, năm nay, chúng ta đang trải nghiệm, hơn bao giờ hết, sự im lặng lớn lao của Thứ Bảy Thánh. Chúng ta có thể tưởng tượng mình ở vị trí của những phụ nữ vào ngày đó. Giống như chúng ta bây giờ, trước mắt họ là một thảm cảnh đau thương, một bi kịch xảy ra quá bất ngờ. Họ đã nhìn thấy sự chết và nó đè nặng lên trái tim họ. Nỗi đau xen lẫn nỗi sợ hãi: liệu họ có chịu chung số phận với Thầy mình ? Rồi sau đó là nỗi sợ về viễn tượng tương lai và tất cả những gì cần phải được xây dựng lại. Một ký ức đau đớn, một niềm hy vọng bị cắt cụt. Giống như chúng ta bây giờ, đối với họ, đó là giờ phút đen tối nhất.

Tuy nhiên, trong tình huống này, những người phụ nữ không cho phép mình bị tê liệt. Họ không chịu khuất phục trước sự ảm đạm của đau khổ và tiếc nuối; họ không tự thu mình lại, hay trốn chạy khỏi thực tại. Họ đang làm một việc rất đơn sơ nhưng lại phi thường: chuẩn bị các hương liệu ở nhà để xức xác Chúa Giê-su. Họ không ngừng yêu thương; từ trong đêm tối của cõi lòng, họ thắp lên một ngọn lửa thương xót. Mẹ Maria của chúng ta đã trải qua ngày Thứ Bảy đó. Đó là ngày xứng đáng dành để tôn vinh mẹ, trong tâm tình nguyện cầu và hy vọng. Mẹ đã đáp lại nỗi buồn bằng niềm tin vào Thiên Chúa. Những người phụ nữ này không thể ngờ được rằng, từ trong bóng tối của ngày Sa-bát đó, chính họ đang thực hiện những sự chuẩn bị cho“Bình minh của ngày thứ nhất trong tuần”, ngày sẽ thay đổi lịch sử. Như hạt giống bị chôn vùi trong lòng đất, Đức Giêsu chuẩn bị làm cho đời sống mới được nở hoa trong thế giới này; và những người phụ nữ đó, bằng lời cầu nguyện và tình yêu, đã giúp tạo nên đoá hoa hy vọng đó. Trong những ngày buồn thảm này, có biết bao người cũng đã và đang làm những điều mà những phụ nữ kia đã thực hiện, đó là gieo hạt mầm hy vọng, với những cử chỉ bé nhỏ của lòng quan tâm, của tình thường và lời cầu nguyện.

Rạng sáng, những người phụ nữ đi đến ngôi mộ. Thiên thần nói với họ: “Đừng sợ. Ngài không ở đây; vì Ngài đã sống lại” (câu 5-6). Họ nghe thấy những lời của sự sống ngay cả khi họ đang đứng trước một ngôi mộ… Và sau đó họ gặp Đức Giê-su, đấng ban tặng tất mọi niềm hy vọng, Đấng xác chuẩn thông điệp và nói: “Đừng sợ” (câu 10). Đừng sợ, đừng lui bước trước sợ hãi: Đây là thông điệp của hy vọng. Nó được gửi đến chúng ta hôm nay. Đây là những lời mà Thiên Chúa lặp lại với chúng ta ngay trong đêm nay.

Đêm nay, chúng ta được trao một quyền cơ bản mà không bao giờ bị lấy mất: quyền hy vọng. Đó là niềm hy vọng hy sống động và mới mẻ đến từ Thiên Chúa. Đó không phải là thứ lạc quan tếu; nó không phải là một cái vỗ nhẹ vào lưng hay một lời khích lệ trống rỗng. Đó là một món quà từ thiên đường, thứ mà chúng ta không thể tự mình kiếm được. Trong những tuần này, chúng ta đã lặp đi lặp lại rằng ‘tất cả sẽ ổn thôi’. Đó là những lời nói bén rễ từ nét đẹp nhân bản và thúc đẩy những câu khích lệ nổi lên từ cõi lòng chúng ta. Nhưng khi ngày tháng trôi qua và nỗi sợ hãi tăng lên, ngay cả niềm hy vọng táo bạo nhất cũng có thể tan biến. Niềm hy vọng của Đức Giê-su mang lại thì rất khác. Ngài gieo vào lòng chúng ta niềm tin rằng Thiên Chúa có thể biến mọi thứ trở nên tốt lành, vì chưng ngay cả từ ngôi mộ Ngài cũng đã mang lại sự sống.

Ngôi mộ là nơi không ai bước vào. Nhưng Chúa Giêsu trỗi dậy vì chúng ta; Ngài đã sống lại cho chúng ta, để mang lại sự sống từ nơi của sự chết, để khởi đầu một lịch sử mới ở chính nơi bị chèn bởi tảng đá. Đấng đã lăn hòn đá bịt kín lối vào ngôi mộ cũng có thể loại bỏ những viên đá trong trái tim chúng ta. Vì vậy, chúng ta đừng nhụt chí; chúng ta đừng đặt tảng đá chắn mất niềm hy vọng. Chúng ta có thể và phải hy vọng vì Thiên Chúa là Đấng thành tín. Ngài không bỏ rơi chúng ta; Ngài đã viếng thăm ta và đã bước vào những cảnh huống đau thương, thống khổ và chết chóc của chúng ta. Ánh sáng của Ngài xua tan bóng tối của ngôi mộ; hôm nay Ngài muốn ánh sáng đó xuyên qua cả những góc tối nhất trong cuộc sống chúng ta. Thưa quý anh chị em, ngay cả khi chúng ta đã chôn vùi niềm hy vọng trong trái tim mình, chúng ta cũng đừng từ bỏ, vì Thiên Chúa vẫn luôn lớn hơn. Bóng tối và sự chết không có lời cuối cùng. Hãy mạnh mẽ lên, vì với Chúa không có gì là hư mất!

Lòng can đảm. Đây là một cụm từ thường được Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng. Chỉ một lần những người khác dùng cụm từ này để khích một người đang cần giúp đỡ: Hãy can đảm đứng dậy, Ngài đang gọi anh đó! (Mc 10:49). Chính Người, Đấng Phục Sinh, đã nâng chúng ta lên trong những lúc cần thiết. Trên hành trình cuộc sống, nếu ta cảm thấy yếu đuối, mỏng dòn, hoặc sa ngã, xin đừng sợ, Thiên Chúa sẽ đưa tay giúp đỡ và nói với ta: “Dũng cảm lên!”. Tựa như Don Abbondio (trong tiểu thuyết của Manzoni), chúng ta cũng có thể nói “can đảm chẳng phải là điều gì bạn có thể tự trao cho mình” (I Promessi Sposi, XXV). Đúng, ta không thể tặng nó cho chính mình, nhưng ta có thể nhận nó như một món quà. Tất cả những gì ta phải làm là mở lòng cầu nguyện và nhẹ nhàng lăn đi tảng đá chặn lối vào trái tim của ta để ánh sáng của Chúa Giê-su có thể rọi vào. Ta chỉ cần kêu cầu Ngài: “lạy Chúa Giêsu, hãy đến với con giữa nỗi sợ hãi này, và nói với con rằng: Hãy can đảm!”Có Ngài, ôi lạy Chúa, chúng con sẽ chịu thử thách nhưng không bị lung lay. Và, dù cho bất cứ nỗi buồn nào, chúng con sẽ được củng cố trong hy vọng, vì có Ngài, thập giá cũng dẫn đến sự phục sinh, bởi Ngài ở cùng chúng con trong màn đêm u tối; Ngài chính là sự vững vàng giữa những điều không chắc chắn của chúng con; Ngài là lời nói phát ra trong cơn thinh lặng của chúng con; và không gì có thể lấy đi tình yêu Ngài dành cho chúng con.

Đây là sứ điệp Phục Sinh, sứ điệp của hy vọng. Sứ điệp này chứa một phần nữa, đó là sứ mạng được sai đi. Đức Giê-se bảo các phụ nữ:“Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê” (Mt 28:10). Thiên thần đã báo trước: “Người đi Ga-li-lê trước các ông” (Câu 7). Chúa đi trước chúng ta. Thật đáng khích lệ khi biết rằng Ngài đi trước chúng ta trong cuộc sống và trong cái chết; Ngài đến Galilê trước chúng ta. Với Đức Giê-su và các môn đệ, nơi này gợi nhớ tới cuộc sống hàng ngày, tới gia đình và công việc. Chúa Giêsu muốn chúng ta mang lại hy vọng ở đó, cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đối với các môn đệ, Galilê cũng là nơi đáng nhớ, vì đó là nơi đầu tiên họ được kêu gọi. Trở về Galilê có nghĩa là nhớ rằng chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương và kêu gọi. Chúng ta cần tiếp tục cuộc hành trình, nhắc nhở bản thân rằng chúng ta được sinh ra và tái sinh nhờ một lời mời gọi được trao tặng nhưng không cho chúng ta vì tình yêu. Đây luôn là điểm mà chúng ta luôn có thể làm mới lại, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng và thử thách.

Nhưng còn hơn thế nữa. Galilê là khu vực xa nhất tính từ chỗ họ đang ở, tức từ Jerusalem. Và không chỉ về mặt địa lý. Galilê cũng là nơi cách xa sự thánh thiêng của Thành Thánh nhất. Đó là khu vực của những người thuộc các tôn giáo khác nhau sinh sống: đó là “Galilee của Dân Ngoại” (Mt 4:15). Chúa Giêsu sai họ đến đó và yêu cầu họ bắt đầu lại từ đó. Điều này nói gì với chúng ta ? Nó nói rằng thông điệp hy vọng không nên bị giới hạn vào những chốn thánh thiêng của riêng chúng ta, mà cần được mang đến cho mọi người. Bởi vì tất cả mọi người đang cần sự trấn an, và nếu chúng ta, những người đã chạm được vào “Lời của sự sống” (1Ga 1: 1), không trao ban sự trấn an đó thì ai sẽ làm thay ? Đẹp biết bao khi trở thành những Kitô hữu mang đến sự an ủi, trở thành người mang vác gánh nặng của người khác, và thành người khích lệ: đó là những sứ giả của sự sống trong thời điểm chết chóc! Ước gì chúng ta có thể mang lời ca sự sống đến mọi thứ‘Galilee’, mọi khu vực của gia đình nhân loại mà tất cả chúng ta thuộc về và là một phần của chúng ta, vì tất cả chúng ta đều là anh chị em. Chúng ta hãy làm cho những kêu gào của sự chết phải im lặng; cho mọi thứ chiến tranh phải dừng lại! Ước gì chúng ta có thể ngừng sản xuất và buôn bán vũ khí, vì chúng ta cần lương thực chứ không phải súng ống! Hãy kết thúc việc phá thai và giết hại người vô tội. Ước gì trái tim của những người dư dả có đủ sự cởi mở để trao ban các nhu cầu thiết yếu vào những đôi tay trống trơn của người nghèo.

Sau hết, những phụ nữ đó đã níu giữ chân Chúa Giê-su (Mt 28: 9). Đó là đôi chân đã đi rất xa để gặp gỡ chúng ta: đến tận mức đi vào và trỗi dậy từ ngôi mộ. Những phụ nữ ôm lấy đôi chân đã giẫm đạp cái chết và đã mở ra con đường hy vọng. Hôm nay, như những người lữ hành tìm kiếm hy vọng, chúng con muốn bám vào Ngài, lạy Đức Giê-su Phục Sinh! Chúng con quay lưng với cái chết và mở rộng trái tim cho Ngài, vì chính Ngài là Sự Sống.

Chuyển dịch: Khắc Bá SJ
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt

13/04 – Thứ hai tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH.
“Hãy đi nói với anh em đến Galilêa mà gặp Ta ở đó”.

Lời Chúa: Mt 28, 8-15

Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: “Chào các bà”. Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: “Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta”.

Đang khi các bà lên đường, thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những gì đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ cho lính một số tiền lớn và bảo rằng: “Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà đâu”.

Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Do-thái cho đến ngày nay.

Gia đình cầu nguyện với Lời Chúa:

Tông đồ cầu nguyện – Click to Pray:

CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI SÁNG

Tin mừng sáng nay cho ta thấy Chúa Giê-su đón gặp các bà Ma-ri-a Mác-đa-la cùng một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, và nói với họ: “Chị em đừng sợ! về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10) Hôm nay, Chúa Giê-su cũng nói với con những lời này. Con đón nhận như thế nào đây? Những lời nào con muốn ghi nhớ? Con xin dâng ngày sống hôm nay lên Đấng Phục Sinh, nguyện xin Ngài thánh hóa con trở nên người tông đồ cầu nguyện, luôn sẵn sàng ra đi và loan báo Tin Mừng về sự Phục Sinh của Ngài. Alleluia! Chúa đã sống lại rồi! Lạy Cha chúng con…

WITH JESUS IN THE MORNING

In this morning’s Gospel, we see Jesus coming to meet Mary Magdalene and the other Mary, and tell them: “Do not be afraid, go and tell my brothers that they must go to Galilee: there they will see me.” (Matthew 28:10) Today Jesus is addressing me with these words. How do I welcome them? What word(s) do I want to remember? I offer my day to the Risen One and ask him to make me an apostle of prayer, available and ready to go and announce the Good News of his resurrection. Alleluia! He is alive! Our Father…

— ∞  +  ∞ —

CÙNG CHÚA GIÊSU TRONG NGÀY

“Chúa Ki-tô đang sống và ở lại với chúng ta. Ngài tỏ cho ta thấy ánh quang nơi gương mặt của Đấng Phục Sinh, và chẳng hề bỏ rơi những ai đang chịu thử thách, khổ đau hay buồn rầu.” (ĐGH Phanxicô) Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, con xin phó dâng cho Ngài tất cả những ai đang chịu đau khổ, đặc biệt là những người đang là nô lệ của nghiện ngập. Xin cho con được đồng hành cùng họ trên bước đường dẫn đến tự do.

WITH JESUS DURING A DAY

“Christ lives and stays with us. He shows the light of his Risen face and does not abandon those who are in trial, in suffering and in mourning.” (Pope Francis) Risen Jesus, I entrust to you the people around me who are suffering, and more particularly those who are prisoners of addiction. May I take a step with them on their path to liberation.

— ∞  +  ∞ —

CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI TỐI

Con chú ý đến cảm xúc của mình ngay lúc này, và dâng lên Chúa lời cảm tạ vì những điều nhỏ bé đang mang lại niềm vui và hy vọng cho con. Con cũng nhìn lại những sinh hoạt thường diễn ra trong ngày, con có lựa chọn đứng về phía sự sống không? Con có yêu thương người khác không? Tâm trạng của con tồi tệ hay giận dữ? Lạy Chúa, xin Chúa cho con dành thời gian tâm sự với Ngài, và xin cam kết rằng rằng, ngày mai con sẽ lựa chọn sự sống, sẽ giúp đỡ người khác, và phục vụ họ với nụ cười luôn nở trên môi. Kính mừng Maria…

WITH JESUS IN THE NIGHT

Become aware of how you feel now. Give thanks to God for the little details that filled you with joy and hope. Look at the general activities of the day. Have you chosen life in all your actions? You have loved others? Were you in a bad mood or felt anger? Talk to God and commit tomorrow to choose life, to help others and serve them with a smile. Hail Mary…

Bài giảng của ĐGM Louis Nguyễn Anh Tuấn trong Chúa nhật Phục Sinh 12.04.2020 cử hành lúc 5g30 tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn.

Nguồn: WGPSG

Bài giảng của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, thứ Bảy ngày 11.04.2020.

  1. Thinh lặng

Chiều thứ Sáu và ngày thứ Bảy: những giờ phút lặng lẽ, nặng nề, sâu thẳm.

Từ đêm thứ Năm đến chiều thứ Sáu: những tiếng la hét, hung hăng, ồn ào. Dân chúng đòi kết án và đóng đinh Đức Giêsu. Rồi những tiếng chát chúa của mũi đinh đóng chân tay Đức Giêsu vào cây thập tự.

Trong khi đó, Đức Giêsu người công chính bị kết án không hé môi, chỉ thinh lặng.

Lính tráng, dân chúng thách thức: nếu mi là con Thiên Chúa, xuống khỏi thập giá… Nó đòi phá Đền thờ. Nó ỷ lại mình là Con Thiên Chúa. Xuống khỏi thập giá đi, chúng ta sẽ tin. Đức Giêsu thinh lặng. Quyền năng làm cho người chết sống lại đâu rồi ? Lừa đảo chăng ? Đức Giêsu không trả lời, không xuống khỏi thập giá. Thinh lặng.

Đức Giêsu chết và được mai táng trong mồ. Tảng đá to đã lấp lối vào, với dấu niêm phong của quan tổng trấn. Tảng đá chôn chặt cuộc đời một con người. Một cuộc đời đi vào dĩ vãng. Mọi người rồi sẽ quên. Thinh lặng quanh nấm mồ.

Các tông đồ chạy trốn, tản mát, thất vọng ê chề. Niềm hy vọng vào Đấng Cứu thế tan vỡ. Ba năm theo Thầy chẳng còn gì, giờ đây vỡ mộng, miên man suy nghĩ, lặng lẽ tìm lối về quê.

Philatô, Anna và Caipha đắc chí vì đã thủ tiêu được một con người bị coi là nguy hiểm cho ổn định xã hội. Đắc chí nhưng chưa mừng vội. Biết đâu Đức Giêsu sẽ sống lại như lời đã báo trước. Sợ hãi và thinh lặng.

Đức Mẹ vốn giữ đặc trưng “thinh lặng và suy gẫm trong lòng”. Không ai nhớ lời Thầy, chỉ một mình Mẹ ghi nhớ lời tiên báo phục sinh. Nhưng thực tế quá phũ phàng đau thương, không hiểu nổi. Thinh lặng suy gẫm và chờ đợi.

Sự thinh lặng còn bí ẩn hơn khi Thiên Chúa không trả lời Người Con yêu dấu. “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này”. Mồ hôi máu chảy xuống, Cha không trả lời. Con chỉ biết vâng phục và thinh lặng thi hành ý Cha.

Trên thập giá: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con ?” Tiếng kêu thống thiết. Thiên Chúa thinh lặng. Không một lời đáp. Thinh lặng. Bí ẩn, khó hiểu.

Đức Giêsu có phải là Đấng Cứu độ, là Con Thiên Chúa chăng ? Đức Giêsu có mị dân đánh lừa niềm hy vọng ? Lời rao giảng, phép lạ: ảo tưởng! Thiên Chúa có thật không ?

Những giờ phút thinh lặng nặng nề. Thiên Chúa thinh lặng mãi sao ?

  1. Thiên Chúa lên tiếng

Không, Thiên Chúa không mãi mãi thinh lặng. Ngài lên tiếng rồi! Giữa đêm khuya thanh vắng, lính canh gác mồ còn đang ngủ, đất đã rung chuyển dữ dội. Ngay sau khi Đức Giêsu tắt thở, đất đã rung chuyển, đá vỡ tan tác, mồ mả bật tung. Nhưng đêm nay, đất rung chuyển dữ dội hơn.

Thiên thần Chúa từ trời xuống, diện mạo như ánh chớp, tảng đá lấp cửa mồ lăn sang một bên. Thiên Chúa lên tiếng rồi. Đức Giêsu đã chỗi dậy, không còn trong mồ nữa.

Alleluia! Chúa sống lại rồi. Người sống lại như lời đã báo trước. Đức Giêsu sống lại vinh quang, không còn đau thương, nhục nhã.

Lính canh gác mồ, dấu ấn niêm phong của Philatô, tảng đá to chôn chặt nấm mồ: tất cả trở thành vô ích. Sức mạnh của quân đội Roma hay âm mưu của người Do Thái, súng ống hay gươm giáo gậy gộc: cũng vô ích.

Mọi người chưng hửng nhìn nấm mồ trống. Tên Giêsu đâu rồi ?

Đức Giêsu đã phục sinh. Alleluia! “Sự chết không còn làm chủ được Ngài nữa”.

Thiên Chúa đã lên tiếng, đã phá vỡ im lặng để trả lời cho Con của Ngài. “Sao Cha bỏ con ?” Không, con mãi mãi là con yêu dấu của Cha. Hôm nay con đã bước vào vinh quang. Con đã hiến tế cuộc đời làm của lễ đền tội cho nhân loại, Cha chấp nhận hiến tế tình yêu của con.

Thiên Chúa cũng đã lên tiếng trả lời cho nhân loại: Đức Giêsu đúng là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ nhân loại. Lời Ngài là sự thật. Ngài là con đường dẫn nhân loại đi tới hạnh phúc đích thực, hạnh phúc viên mãn. “Hãy nghe lời Ngài”.

Sự phục sinh của Đức Giêsu là tiếng nói của Thiên Chúa trả lời cho những vấn nạn bí ẩn của đời người. Đau khổ, tội lỗi, sự chết, không phải là tiếng nói cuối cùng. Chỉ Thiên Chúa mới có tiếng nói cuối cùng.

Đau khổ không phải là số phận nghiệt ngã, mà là đường dẫn đến vinh quang.

Tội lỗi nhân loại quá nặng nề, nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa còn lớn hơn.

Chết không phải là hết, nhưng là cửa ngõ đi vào cuộc sống vĩnh cửu.

Qua sự phục sinh của Đức Giêsu, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng: chiến thắng cuối cùng thuộc về tình yêu và chân lý.

Ích kỷ hận thù ghen ghét đẩy nhân loại đến chỗ diệt vong. Chỉ có tình yêu tồn tại mãi. Chỉ có lòng quảng đại, quên mình, hiến thân phục vụ, nhẫn nhục và tha thứ, mới kiến tạo một thế giới mới văn minh, văn minh của tình yêu.

Sức mạnh của bom đạn vũ khí, áp bức, bạo lực, gian dối, chỉ là sức mạnh tiêu diệt, đẩy nhân loại xuống vực sâu. Chỉ có chân lý mới là sức mạnh, là sức mạnh giải phóng đem lại tự do đích thực. Đó là câu trả lời của Thiên Chúa.

  1. Thiên Chúa vẫn đang lên tiếng

Thế giới đang trong những ngày thinh lặng. Như thứ Sáu, thứ Bảy Tuần Thánh.

1,7 triệu người bị nhiễm virus corona. Bệnh nhân cách ly trong bệnh viện, không một người thân nào được đến gần, lặng lẽ vật lộn với bệnh tật. Hơn 100.000 người chết, lặng lẽ nằm xuống, cô đơn, không người thân tiễn đưa.

Cuộc sống hằng ngày không còn xô bồ náo nhiệt. Ngoài đường vắng lặng. Những thành phố không bao giờ ngủ nay cũng nằm yên bất động. Mọi người cách giãn xa nhau. Không còn tụ điểm ồn ào. Các gia đình đóng kín cửa. Công ty, văn phòng lặng lẽ. Biết bao nhiêu người âm thầm chịu đựng đau khổ.

Nhà thờ vắng bóng giáo dân. Từ Roma đến Giáo hội địa phương, Tuần Thánh được cử hành âm thầm lặng lẽ, không có lời kinh tiếng hát của cộng đoàn.

Nhưng khó hiểu hơn cả là chính Thiên Chúa cũng thinh lặng. Bao nhiêu lời nguyện cầu, tha thiết van xin, không thấy Thiên Chúa lên tiếng. Sự thinh lặng khó hiểu. Có Thiên Chúa không ? Thiên Chúa ở đâu, có quan tâm đến nỗi đau khổ của nhân loại không ? Có người mỉa mai: đợi các nhà khoa học tìm ra thuốc, lúc đó Chúa sẽ trả lời.

Có lẽ Thiên Chúa vẫn tiếp tục thinh lặng, như đã thinh lặng trong mầu nhiệm Khổ nạn của Đức Giêsu. Hôm nay Ngài thinh lặng vì Ngài đã lên tiếng rồi. Thiên Chúa trả lời trong biến cố phục sinh rồi.

Giữa cơn đại dịch covid-19, hoặc mỗi lần gặp nghịch cảnh khổ đau trong đời, có lẽ chúng ta mong Thiên Chúa lên tiếng bằng một phép lạ ban ơn theo ý chúng ta. Nhưng trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, Thiên Chúa đâu có làm theo ý Đức Giêsu, trái lại, vẫn cứ để con mình chết, không phải vì bất lực hay vô cảm, nhưng vì muốn thực hiện một điều lớn lao hơn, đó là cho Đức Giêsu sống lại để sống muôn đời trong vinh quang. Thiên Chúa lên tiếng bằng một cách khác với suy nghĩ của ta.

Không phải cứ cầu nguyện là có phép lạ được như ý mình xin. Thiên Chúa làm phép lạ hay không là tùy thánh ý của Ngài. Thiên Chúa giàu lòng thương xót và quyền năng vô cùng, nhưng nếu lúc nào cũng chờ đợi phép lạ là ảo tưởng. Kitô giáo đâu có quảng cáo phép lạ, nhưng rao giảng Đức Giêsu chịu chết và đã sống lại.

Khi chúng ta cầu nguyện, chắc chắn sẽ được Chúa nhận lời, hoặc Chúa ban như ý ta xin, hoặc Chúa thực hiện điều còn cao cả hơn điều ta có thể nghĩ tới.

Điều cao cả Thiên Chúa đang làm hôm nay là đổi mới thế giới. Chắc chắn sau nạn dịch covid-19 này, nhân loại một cách nào đó sẽ được phục sinh, tâm hồn mỗi người sẽ được đổi mới, lối sống con người sẽ đổi thay. Với niềm tin Đức Giêsu đã sống lại, chúng ta biết rằng Thiên Chúa đang thực hiện một kế hoạch tốt đẹp cho nhân loại. Chúng ta mong ước được chữa lành nơi thân xác, nhưng Thiên Chúa còn muốn cho chúng ta điều vĩ đại hơn, đó là chữa lành con người toàn diện: xác – hồn, ơn tha tội, vinh quang đời sau, cá nhân, gia đình và xã hội.

Đối với các Kitô hữu, ơn chữa lành toàn diện đã bắt đầu rồi, khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa tội. “Anh em đã nên một với Đức Kitô. Nhờ Rửa tội, anh em đã cùng chết và được sống lại với Đức Kitô”. Đêm Vọng Phục sinh là thời điểm đặc biệt để ta nhớ lại bí tích Rửa tội, để nhớ rằng mình đã được tái sinh trong đời sống mới, và được sống bằng sự sống thần linh của Đức Kitô. Đó không phải là điều vĩ đại sao ?

Ơn chữa lành thật vĩ đại khi Chúa ban cho chúng ta sức mạnh siêu nhiên, để dù sống giữa thế gian, chúng ta không sống theo thế gian, không nô lệ tội lỗi, không buông theo đam mê dục vọng xác thịt, không tham lam ích kỷ ghen ghét hận thù, trái lại, chúng ta hân hoan và trung thành bước theo Chúa Giêsu, sống theo Lời Ngài, sống công chính thánh thiện, có lòng thương xót, nhịn nhục tha thứ, vác thập giá hằng ngày thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa.

Đó là ơn chữa lành toàn diện, là biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa. Sức mạnh và sự thật của mầu nhiệm phục sinh sẽ lên tiếng qua cuộc sống của từng Kitô hữu. Tiếng nói âm thầm nhưng là tiếng nói hùng hồn.

Chúa đã sống lại. Alleluia. Cầu chúc mọi người bình an, đầy tràn niềm vui và sức sống mới của Đức Kitô phục sinh.

Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng
Nguồn: WGPSG

12/04 – Chúa Nhật PHỤC SINH năm A.
“Người phải sống lại từ cõi chết”.

Lời Chúa: Ga 20, 1-9

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”.

Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ.

Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Gia đình cầu nguyện với Lời Chúa:

Tông đồ cầu nguyện – Click to Pray:

CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI SÁNG
“Mừng vui lên, hỡi cơ binh thiên thần trên trời.” Đây là bài ca Mừng Vui Lên, Exultet mà chúng ta đã hát trong đêm Vọng Phục Sinh hôm qua. Và sáng nay, trái tim mỗi người như vỡ òa trong niềm vui khi nghe hát: “Chúa đã sống lại thật rồi! Chúa chiến thắng tử thần rồi…!” Đừng ngần ngại chia sẻ niềm vui Phục Sinh này với tất cả người thân cận và bạn bè của chúng ta – như những Ki-tô hữu Đông Phương thường làm. Chúng ta sẽ sống thế nào trong những ngày lễ Phục Sinh này? Trong niềm vui, không phải là niềm vui hời hợt bên ngoài, nhưng là niềm vui phát xuất từ trái tim, trong sự hiệp thông với toàn thể anh chị em Ki-tô hữu, và tất cả nhân loại, cả với những ai được Chúa Giê-su giải thoát khỏi sự chết. Và giờ đây con cất cao lời ca mừng “Alleluia!!” Lạy Cha chúng con …
WITH JESUS IN THE MORNING
Let the joy of the angels explode in heaven! This is the song of the Exultet that we sang last night at the Easter Vigil. And this morning our heart bursts with joy, he exults: “Christ is risen! He is truly risen!!” Let us not be afraid to share this joyful news with our relatives and friends – as do Christians in the East. How are we going to live this Easter day? In joy, not an outward and exuberant joy, but the joy of the heart which puts us in communion with all our Christian brothers, and all of humanity, whom Jesus freed from death. And I sing aloud, Alleluia!! Our Father…
— ∞  +  ∞ —
CÙNG CHÚA GIÊSU TRONG NGÀY
Lễ Phục Sinh nhắc nhớ mỗi người chúng ta rằng, bằng chính sự Phục Sinh của mình, Chúa Giê-su đã giải thoát chúng ta khỏi mọi ách nô lệ, nếu chúng ta bước theo Ngài. Đấng Phục Sinh là người mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Con xin phó dâng cho Chúa Phục Sinh tất cả những ai đang nghiện ngập, để Chúa thu hút họ và cho họ khát khao một sự tự do đích thực.
WITH JESUS DURING A DAY
The feast of Easter reminds us that Jesus, by his resurrection, frees us from all our slavery, if we follow him. The Risen One is the one who gives meaning to our life. I entrust to him all the people who are in the grip of various addictions so that he attracts them to him and makes them desire a true liberation.
— ∞  +  ∞ —
CÙNG CHÚA GIÊSU BUỔI TỐI
Thiên Chúa mời gọi bạn nhận ra sự hiện diện của Ngài trong đời bạn. Bạn hãy dừng lại đôi phút để nhìn lại tuần qua và ngẫm nghĩ về những trải nghiệm giá trị nhất. Trải nghiệm nào hiện về trong tâm trí bạn và cảm xúc lúc này của bạn là gì? Bạn rút ra được bài học nào từ những trải nghiệm đó? Bạn hãy tâm sự với Chúa về những điều đã nghiệm được, và xin Chúa nâng đỡ để bạn bắt đầu một tuần mới tốt lành hơn. Kính mừng Maria…
WITH JESUS IN THE NIGHT
The Lord invites you to discover his presence in your life. Take a few moments to review your week and collect the most significant experiences. What memories come to you? What feelings do you have? Write down the most significant memories. What can you learn from them? Speak with God about what you have experienced and ask for his help to start a new week. Hail Mary…

Bài giảng của ĐGM Louis Nguyễn Anh Tuấn trong nghi thức Tưởng niệm Cuộc thương khó của Chúa, thứ Sáu tuần thánh ngày 10.04.2020.

Nguồn: WGPSG