Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng con vừa được nghe một bài Tin Mừng hơi khó hiểu một chút. Cha đố chúng con Chúa muốn nói gì với mọi người qua bài Tin Mừng hôm nay đấy?

Nào chúng con nói đi.

– Thưa cha Chúa nói chúng con khó hiểu quá.

– Tại sao Chúa lại bảo Chúa đến để chia rẽ.

– Tại sao Chúa lại bảo sự chia rẽ xảy ra ở ngay trong những nơi mà sự đoàn kết yêu thương cần phải được đề cao nhất đó là gia đình.

+ Đúng là bài Tin Mừng hôm nay khó hiểu thật. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cuộc sống của Chúa Giêsu thì cha lại thấy những gì Chúa nói rất đúng. Cha có thể tóm lại hai ý chính mà Chúa muốn nói:

Ý thứ nhất Chúa muốn nói về sứ mạng của Chúa khi được gửi xuống trần: “Thầy đến đem lửa xuống trần gian và Thầy muốn sao lửa đó được cháy lên”(Lc 12,49).

Ý thứ hai Chúa muốn nói đến sự chọn lựa mà những ai muốn theo Chúa phải chấp nhận. “Các con tưởng rằng Thấy đến để đem sự bình an. Không! – Thầy đến để đem sự chia rẽ rẽ” (Lc 12,51).

1. Bây giờ cha thử hỏi: Lửa mà Chúa Giêsu đem đến trần gian là thứ lửa nào?

Theo hầu hết các nhà chú giải Thánh Kinh thì Lửa mà thánh Luca muốn nói ở đây chính là “ngọn lửa của Chúa Thánh Thần”. Lửa đã được ban xuống trên các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ tuần (Cv 2,3,4) với sức mạnh và tình yêu Thiên Chúa để biến con người của các tông đồ và những người tin Chúa thành những khí cụ rao giảng Tin Mừng Tình Thương của Chúa cho mọi người (Cv 1,8).

Chúa mong lửa đó được bùng cháy lên!

Ngày kia, tại một làng nhỏ ở Miền Nam Trung Quốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi bị dân làng dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của em.

Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé trên tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và những viên gạch đá ném bừa bãi vào tấm thân bé bỏng của em.

Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét:

– Phong hủi! Phong hủi!

Với những giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là những giọt lệ sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của mình:

– Tại sao ông lại lo lắng cho con?

Nhà truyền giáo đáp:

– Vì Ông Trời đã tạo dựng nên cả hai chúng ta. Và cũng vì thế em sẽ là em bé gái của ta và ta sẽ là người anh lớn của em.

Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi:

– Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn sự cứu giúp của ông?

Nhà truyền giáo mỉm cười đáp:

– Con hãy trao tặng cho những người khác tình yêu của con, càng nhiều càng tốt.

Kể từ ngày ấy cho đến ba năm sau, khi em bé gái tắt hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương cho những bệnh nhân khác, ân cần đút cơm cho họ, nhất là em luôn tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại.

Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ mới tròn mười một tuổi. Các bệnh nhân đã từng chung sống với em kháo láo với nhau:

– Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời!

Đó chúng con thấy chưa? Lửa Tình yêu của Chúa đã được cháy lên rồi. Chúng con hãy sống như thế để cho ngọn lửa tình yêu của Chúa được bùng cháy to hơn nữa.
            2. Đức Giêsu còn nói: “Thầy đến để đem sự chia rẽ”(Lc 12,51).

Chúa nói như vậy nghĩa là làm sao? Tại sao không phải hoà bình mà lại là chia rẽ?

Cha mời chúng con so sánh hai câu chuyện này:

– Một hôm có một người thanh niên đến gặp Chúa và nói: “Lạy Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”

– Tại sao ngươi lại gọi ta là nhân lành. Chỉ có một đấng tốt lành mà thôi. Nếu ngươi muốn được sống thì hãy giữ các giới răn.

– Giới răn nào?

– Chớ giết người, ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, hãy thảo kính cha mẹ, hãy yêu mến đồng loại như chính mình.

– Tất cả các điều ấy tôi đã giữ từ thuở nhỏ – vậy tôi còn thiếu gì?

– Nếu ngươi muốn được trọn lành, thì hãy về, bán những thứ mình có, bố thí cho người khó và ngươi sẽ có một kho tàng trên trời, rồi hãy đến mà theo Ta.

Nghe lời ấy, người thanh niên buồn sầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải.(Mt 19,16-22)

Đó là câu truyện thứ nhất.

Và đây là câu chuyện thứ hai.

Vào một buổi sáng Chúa nhật, chừng sáu tháng sau khi cha mẹ mất, Antôn mảnh mai và xinh đẹp ngồi trong hàng ghế của gia đình trong ngôi nhà nguyện của làng. Antôn lắng nghe một cách say mê. Hôm đó vị chủ tế đọc Phúc âm theo thánh Mathêu và Tin Mừng hôm nay thuật lại y như câu chuyện trên:

“Xảy ra một người đến thưa với Chúa rằng:(Mt 19,16-22)

Nghe xong câu chuyện, Antôn đứng lên, ra khỏi  nhà thờ – cảm thấy như Chúa muốn  mời gọi anh về bán đất đai và đoàn súc vật… rồi theo Chúa. Và rồi Antôn đã làm thật.

Chúng con thấy:

– 2 người giống nhau:

– cả hai đều giàu có.

– cùng đứng trước một lời gọi của Chúa.

– người thanh niên nghe trực tiếp.

– Antôn nghe gián tiếp.

– Nhưng 2 thái độ đáp ứng khác nhau: người thanh niên bỏ Chúa, chọn của cải.  Antôn theo Chúa, và chọn sự trọn lành.

Chúa đã chia rẽ Antôn và của cải…đã lôi kéo Antôn ra khỏi cái tầm thường để vươn lên một đời sống cao cả hơn.

Bây giờ chúng con nghe câu chuyện này mới thấy Lời Chúa thật thú vị:

Odette, một cô gái xinh đẹp sinh ra trong một gia đình quí tộc nước Bỉ, năm 17 tuổi cô quyết định đi tu, nhưng chỉ vài ngày sau khi lãnh áo dòng, cha mẹ cô đến bắt cô trở về.  Từ lâu, ông bà đã có ý gả cô cho lãnh chúa Simon thuộc lâu đài gần đó.

Vốn biết cô con gái cưng không muốn lập gia đình nên cha mẹ cô đã âm thầm chuẩn bị hôn lễ, các thiệp mời đều được kín đáo gởi đi và sự chuẩn bị đều giữ bí mật cho đến giờ chót.

Một buổi sáng đẹp trời cô thức giấc vì sự ồn ào lạ thường của lâu đài. Vén màn nhìn qua cửa sổ, cô ngạc nhiên thấy xe hoa lộng lẫy đang tiến vào khuôn viên trước lâu đài.  Hỏi han đầy tớ gái, cô mới biết người ta đang chuẩn bị lễ cưới cho cô.  Kế đó, các người hầu vào phòng trang điểm và mặc áo cưới cho cô, rồi họ đưa cô xuống nhà nguyện tư của lâu đài.  Nơi đây, đã có đông đủ quan khách, hàng giám mục của vùng và linh mục tuyên uý lâu đài đã nghiêm chỉnh chờ sẵn.

Nghi lễ đến phần giao ước.  Vị chủ tế hỏi Odette có ưng nhận Simon làm chồng theo luật Giáo hội không?  Cô dõng dạc tuyên bố:

– Con không nhận lãnh chúa Simon cũng như bất cứ người nào làm chồng bởi vì tình yêu và đức tin của con đã hiến dâng cho Chúa Kitô từ lâu rồi.  Vì thế, không một tình yêu nào cho dù sự hăm dọa có thể tách con khỏi tình yêu Chúa Kitô là bạn trăm năm duy nhất của đời con.

Sáng hôm sau, không thấy con gái xuống vườn đi dạo như thường lệ, cha cô gõ cửa đi vào phòng.  Và kìa, Odette đang gục đầu trên vũng máu.  Ông đau đớn nhìn con và hiểu ngay ý định của Odette. Vì muốn hủy hoại sắc đẹp của mình nên cô đã dùng gươm cắt chiếc mũi xinh đẹp.  Khi hồi tỉnh lại, được hỏi lý do tại sao cô làm như vậy?  Cô thản nhiên đáp: “như thế sẽ không còn ai cấm con đi tu nữa.”

Thật vậy, khi vết thương đã lành, cô được phép nhập tu viện.  Ba năm sau đó được bầu làm tu viện trưởng vào lúc cô mới chỉ được 23 tuổi.

Thiếu nhi chúng con yếu quí.

Chúng ta vừa được Chúa dạy cho chúng ta về cách sống ở đời, Chúa muốn cho mọi người chúng ta sống thật khôn ngoan.

1. Cuộc sống ở đời.

Chúng con thấy mọi người sinh ra đều được sống ở đời. Nhưng sống ở đời là sống như thế nào?

Trong bài suy niệm Chúa nhật tuần trước Chúa đã cho chúng ta thấy cuộc sống ở đời này là cuộc sống thật mau qua, không có gì tồn tại mãi mãi . Vì là cuộc sống mau qua như thế nên Chúa khuyên chúng ta hãy tìm đến cuộc sống vĩnh cửu trên trời bằng cách làm giầu trước mặt Chúa (Lc 12,21), đừng bám víu vào cuộc sống ở đời này kẻo rồi khi cuộc đời trần thề này chấm dứt lúc đó hối cũng không kịp.

Chúng con hãy nghe câu chuyện này:

Thành phố Priène ở Tiểu Á xưa bị quân địch tràn ngập và cướp bóc. Dân thành phố cố gắng vun quén thu xếp những đồ vật quí giá nhất và nhanh chân chạy chốn. Chỉ có nhà khôn ngoan là Bias vẫn tiếp tục bình thản đi trên đường với hai bàn tay trắng. Trên người ông chỉ có chiếc áo dài, chiếc áo khoác và đôi giày. Ông đang đi, gặp một người trong số các bạn bè của ông đang đẩy xe kéo theo mình đủ thứ đồ vật quí giá.

– Bias! – người này la lớn- Anh giàu hơn tôi, nhưng bây giờ sao anh nghèo thế?

Ngay lúc ấy bỗng xuất hiện những người lính hôi của, và chỉ trong nháy mắt, họ đã chiếm hết tất cả những gì anh này mang theo, rồi biến mất. Bias bèn cười và nói với bạn:

– Hãy làm như tôi, anh bạn yêu mến! Tôi không bao giờ cầm những vật mà người ta có thể đánh cắp mất trong chốc lát. Tôi tích lũy một kho tàng mà không ai có thể lấy của tôi được và tôi đem nó theo ra ngoại quốc!

– Anh có đem theo trong người một kho tàng ư?

– Vâng, một kho tàng quí hơn tất cả vàng bạc của Priène nữa!

– Anh có thể chia sẻ với tôi chút ít, vì bây giờ tôi đã trở thành kẻ trắng tay không?

Bias khôn ngoan trả lời ngay, miệng vẫn luôn tươi cười:

– Anh có thể lấy hết tất cả, nếu anh muốn, bởi vì điều này cũng chẳng làm tôi nghèo hơn đâu. Kho tàng ấy là lòng yêu mến, hiểu biết và nhân đức!

Của cải vật chất trên đời là như vậy. Chính vì thế mà Chúa muốn chúng ta phải biết khôn ngoan. Nhưng sống khôn ngoan là sống như thế nào chúng con?

2. Sống khôn ngoan là biết sống đúng cương vị vai trò của mình trước mắt Chúa trên trần gian này. Vai trò địa vị đó là gì chúng con? Thưa là một người quản gia quản lý những gì Thiên Chúa ban cho mỗi người cũng như cả loài người chúng ta.

a. Nhưng thử hỏi Chúa muốn một người quản gia quản lý những gia sản Chúa trao phó cho ta phải có những đức tính nào? Thưa, Chúa muốn ta phải là người quản lý trung tín và khôn ngoan.

* Là quản lý trung tín, ta phải biết sinh lợi những tài sản Chúa trao. Phải biết phát triển sao cho thân xác ngày càng khoẻ mạnh, trí thông minh ngày càng sáng suốt, những tài năng ngày càng đạt đến mức tinh vi hoàn hảo.

* Là quản lý trung tín, ta phải biết chia sẻ. Chúa ban sức lực, tài năng không phải để ta ích kỷ vun quén cho bản thân, nhưng để ta dùng mà phục vụ. Người có của mắc nợ người nghèo. Người có tài mắc nợ xã hội. Nghệ sĩ mắc nợ khán giả. Giám đốc mắc nợ công nhân. Bác sĩ mắc nợ bệnh nhân. Linh mục mắc nợ giáo dân. Cha mẹ mắc nợ con cái.

* Là quản lý khôn ngoan, ta phải biết chọn lựa những gì tốt đẹp nhất cho cuộc sống của mình.

Đức Cha Bossuet cho làm một hang đá trong nhà nguyện của tu viện. Chiều hôm Noel, ngài trả lương cho các  người thợ. Rồi ngài nói với họ:

– Chờ một tí, tôi sẽ cho các anh quà “Giáng sinh”

Nói xong, ngài mở khăn trải bàn. Người ta thấy trên bàn, nằm kề nhau, 4 đồng tiền vàng và 4 cuốn sách “Hạnh Các Thánh “. Bossuet nói với các người thợ là họ có thể chọn, hoặc một đồng tiền hoặc một cuốn sách. Ba người đã chọn 3 đồng tiền vàng, còn người thứ tư tuyên bố:

– Ở nhà, mẹ già của tôi cũng rất cần tiền, nhưng bà cũng thích những cuốn sách tốt. Tôi 1ấy cuốn “Hạnh Các Thánh”.

Tuy nhiên, khi ông này vừa mở cuốn sách ra thì ông tìm thấy 6 đồng tiền vàng dán sát bìa cuốn sách. Hãy tương tượng niềm vui của ông và nỗi hối tiếc hờn giận của ba người kia. Ông này đã không hối hận về sự lựa chọn của mình.

* Là quản lý khôn ngoan, ta phải tỉnh thức. Cuộc đời tạm bợ này thật mau qua. Chúa lại hay đến bất ngờ. Nên ta phải tỉnh thức đợi chờ. Ðợi chờ không phải là thụ động ngồi đó khoanh tay. Ðợi chờ là phải tích cực làm việc.

Cha kể cho chúng con nghe câu chuyện này:

Có một tu sĩ kia sống cuộc đời hạnh phúc và an vui trong bốn bức tường của tu viện. Đời sống tu trì đã biến đổi cuộc đời và tâm hồn của ông trở nên tốt lành, đến nỗi mọi người đều gọi ông là “Ông thánh nhỏ”.

Ngày nọ, đang lúc ông đang bắt tay vào việc rửa chén dĩa, thì một Thiên thần hiện ra và nói:

– Thiên Chúa sai ta đến là để báo cho ngươi biết là giờ ngươi lìa đời đã đến.

Tu sĩ vẫn điềm nhiên và vui vẻ trả lời:

– Tạ ơn Chúa đã thương nghĩ đến tôi, nhưng như ngài thấy đó, tôi còn phải rửa hàng chồng chén dĩa, tôi không muốn tỏ ra vô ơn với Thiên Chúa, nhưng liệu giờ tôi được hưởng nhan thánh của Người có thể hoãn lại sau khi làm xong bổn phận rửa chén dĩa này không?

Nghe xong, Thiên thần biến đi. Tu sĩ trở lại công việc bổn phận một cách hăng say như quên hẳn việc gặp gỡ Thiên thần.

Bẵng đi một thời gian, trong lúc vị tu sĩ đang làm cỏ ngoài vườn, Thiên thần lại hiện ra. Như đoán trước được ý của Thiên thần, vị tu sĩ giơ tay chỉ mảnh đất trong vườn và nói:

– Đấy ngài xem, cỏ dại mọc đẩy vườn, liệu giờ tôi vào cõi đời đời có thể hoãn lại cho đến khi tôi làm xong cỏ không?

Cũng như lần trước, Thiên thần chỉ mỉm cười rồi biến mất.

Một ngày nọ, trong lúc vị tu sĩ đang chăm sóc các bệnh nhân, thì Thiên thần hiện ra; lần này vị tu sĩ không nói một lời, nhưng chỉ giơ tay chỉ vào các bệnh nhân nằm trên giường. Thiên thần biến đi không nói một lời nào. Chiều đến, vị tu sĩ trở lại căn phòng nhỏ bé đơn sơ của mình, bỗng chốc, ông cảm thấy mình đã già nua, mệt mỏi; ông thốt lên lời cầu nguyện:

– Lạy Chúa, xin sai Thiên thần Chúa đến, con sẽ sẵn sàng theo Ngài.

Lời cầu nguyện vừa dứt, Thiên thần Chúa hiện đến; vị tu sĩ mừng rỡ:

– Lần này, nếu Thiên thần mang tôi đi, tôi sẵn sàng theo ngài về thiên quốc ngay.

Thiên thần nhìn vị tu sĩ với tất cả âu yếm và nói:

– Này vị thánh nhỏ, sao còn mơ ước về thiên quốc, những ngày tháng vừa qua, ông nghĩ là mình đã ở đâu vậy?

Hay quá chúng con! Làm việc bổn phận Chúa trao cho hằng ngày. Đó là người quản lý trung tín và khôn ngoan rồi. Cha chúc chúng con sống được như thế. Amen.

Chúng con thân mến.

Bữa hôm nay cha có hai câu chuyện muốn nói với chúng con.

Câu chuyện thứ nhất là lấy ý từ bài sách thánh thứ nhất. Câu chuyện được trích trong sách Giảng Viên. Sách Giảng viên là sách gồm những lời dạy để cho người ta biết cách sống làm sao cho khôn ngoan ở trên đời. Trong cuốn sách này có một câu cha rất thích. Câu đó như thế này: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”.

Câu này nghĩa là gì chúng con? Nghĩa quan trọng và hay nhất của câu này là: mọi sự đều chóng qua. Tất cả mọi sự rồi sẽ qua đi hết. Không có gì tồn tại trên cõi đời này. Mọi sự rồi sẽ qua thế nhưng có gì tồn tại không chúng con? Có chứ! Chỉ có một điều này sẽ tồn tại mãi không bao giờ mất, không bao giờ qua đi. Đó là Chúa. Ngoài Chúa ra thì tất cả đều hư không cả.

Bởi vậy những ai không đi tìm Chúa và gắn bó với Ngài … một ngày nào đó họ sẽ phải thất vọng.

Chúng con con nhỏ, chúng con chưa có kinh nghiệm ở trên đời cho nhiều,

Chúng con đang tuổi lớn lên, lòng chúng con đang có nhiều ước mơ, có thể những ước mơ của chúng con sẽ giống như ước mơ của nhiều người. Họ tưởng họ có được địa vị cao trong xã hội, họ tưởng họ giàu sang tiền rừng bạc biển là đời họ sẽ hoàn toàn hạnh phúc.

Nói tới đây cha nhớ câu truyện vui. Câu truyện của Raja Nasr kể.

Truyện kể rằng: có một người chăn cừu kia làm việc cho một người rất giàu có. Nó nghèo nhưng đời nó rất hạnh phúc. Nó làm nghề chăn cừu, nó có một túp lều để ở. Một phần tiền lương của nó ông chủ trả bằng “bơ” (butter). Mỗi một tuần nó có thêm bơ và nó cẩn thận tích trữ trong một cái bình lớn treo ở trong lều của nó.

Một buổi chiều nọ nó đứng ở cửa lều, tay nó cầm gậy, nó ngắm cảnh mặt trời lặn thật là tuyệt vời. Sau đó nó quay lại nhìn chầm chập vào chiếc bình nó đựng bơ. Một cảm giác tự mãn tự nhiên bộc phát ở trong lòng, nó tự nói với chính mình:

– Ta sẽ bán số bơ này và ta sẽ dùng tiền để mua một con cừu – với thời gian cừu sẽ có con – cừu con – chẳng bao lâu cừu con sẽ lớn và nó lại sinh ra cho ta những con cừu con khác và rồi chỉ trong một ít năm ta sẽ có cả một bầy cừu. Một bày cừu nó vui sướng nhắc lại và ta sẽ trở thành một người giầu có.

Sau đó ta sẽ mua một ngôi nhà được trang trí với những đồ đạc thật tốt. Ta sẽ có một thuở vườn đẹp. Con trai của ta sẽ lớn lên, ta sẽ mượn một người dạy cho nó học đọc, học viết và nó sẽ trở thành người khôn ngoan. Dĩ nhiên là nó phải nghe lời ta, nếu nó là đứa con ngoan ta sẽ chia cho nó một nửa đàn cừu, nhưng nếu nó là đứa con hư ta sẽ cho nó một cái gậy.

Vừa nói xong điều đó, người chăn cừu giơ cái gậy của mình lên và không may cái gậy của anh ta chạm vào cái bình đựng bơ, bình rớt xuống đất và bể tan tành, tất cả bơ đều hư hết.

Anh ta rất buồn và không thể tưởng tượng được là sư thật lại xảy ra như thế. Rồi anh tự nhủ ở trong lòng: “Mình quả thực là đứa ngu vì đã ước mơ nhiều quá”

Một nhà kinh doanh Mỹ – người sáng lập ra hãng Eastman Kodar – được người ta xếp vào hàng những người giàu nhất trên thế giới. Thế mà ngay trong bữa tiệc ông khoản đãi các bạn hữu, ông lẻn sang phòng bên cạnh để tư tử, để lại một bức thư tuyệt vọng, đại khái nói:

“Tôi đầy đủ mọi sự nhưng sao tôi thấy cuộc đời vô vị quá… Tôi chết không vì lý do gì hơn là cảm thấy mình sống không có chút ý nghĩa gì cả”

Đó chúng con, những người sống mà tưởng mình tưởng mình hạnh phúc ngoài Thiên Chúa thì cũng thế.

2. Bây giờ chúng con hãy nghe câu chuyện thứ hai. Câu chuyện trích trong Tin Mừng hôm nay.

Câu chuyện Chúa kể trong Tin Mừng hôm nay là câu chuyện của nhiều người.

Người giầu có trong bài Tin Mừng hôm nay là người có rất nhiều tiền bạc của cải. Tin Mừng bảo ông tự nghĩ mình không biết để cải của mình vào đâu cho hết.

Ông ta tưởng nhờ những của cải ông có mà ông được sống mãi, sống hoài… Vì thế ông đã phác họa ra cho mình một tương lai theo ông nghĩ là tuyệt vời.

Ông tự nói với mình: “Linh hồn tôi ơi! ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm… ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn chơi và vui sướng đi… Ta hãy nếm sao cho hết mùi đời đi”

Nhưng … một tiếng lạ từ đâu vọng xuống, kinh khủng hơn tiếng sấm sét nổ bên màng thái dương.

– Điên! Đêm hôm nay! Ngay đêm hôm nay, linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại, thế thì những của cải ngươi có sẽ để cho ai?

Rồi Chúa kết luận:  Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

Nói tới đây cha nhớ đến một câu chuyện. Câu chuyện của ông Chuck Feeney. Ông Chuck Freeney được người ta đặt cho một cái tên thật lạ: “Tỷ phú “rỗng túi”. Ông sống với phương châm rất hay: “Sống để làm việc, chứ không phải để làm giàu”.

Đây chúng con xem ông giầu như thế nào nhé: Ông có một khối tài sản khổng lồ trị giá hàng tỷ Mỹ kim.

Đây là tài liệu người ta ghi lại được: Trong 30 năm qua, ông Feeney đã đi khắp thế giới để trao tặng số tài sản 7,5 tỉ USD. 7,5 tỷ dollars…Chúng con có biết quy đổi ra tiền Việt Nam hiện nay là bao nhiêu không? Cha thử dùng máy tính xem nhưng máy cho ra một kết quá không lồ quá cha không đếm nổi. Nguyên số tiền ông đã chi cho giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế, bảo vệ nhân quyền… tại Mỹ, Úc, Việt Nam, Nam Phi và Ireland đã lên đến có số 6,2 tỷ US doolars. Còn lại 1,3 tỷ dollars sẽ được chi hết vào năm 2016.

Điều mà cha cảm phục ông Feeney là tuy ông giầu và cho đi nhiều tiền như thế nhưng ông sống rất giản dị và tiết kiệm. Chúng con có biết ông đeo một chiến đồng hồ trị giá bao nhiêu không? 15 USdollars. Một ông nhà giầu đã cống hiến cho người khác một số tiền 7,5 tỷ dollars thế mà chỉ mang trên tay một chiếc đồng hồ trị giá có 15 dollars. Thật là hiếm có trên đời. Rồi tài liệu còn cho biết: Ông không có nhà riêng, không có xe hơi riêng. Đi đâu thì đi máy bay giá vé hạng bét.

Trong khi những người giầu có khác thì lo tích góp tài sản cho thật nhiều, càng nhiều càng tốt thì ông lại cố gắng hết sức để cho mình… rỗng túi.

Một điều đặc biệt nữa ở ông Feeney là ông cho đi một cách rất lặng lẽ. Trong 15 năm đầu tiên, Feeney luôn giấu tên. “Tôi đã phải thuyết phục ban ủy thác rằng, tiền Feeney quyên tặng là trong sạch”. Mãi cho đến năm 1997, những hoạt động từ thiện của Feeney mới bị “đưa ra ánh sáng” sau khi ông bán cổ phần trong Duty Free Shoppers cho hãng thời trang cao cấp của Pháp LVMH.

Để nói về những điều tâm huyết của mình, Feeney luôn tâm đắc câu tục ngữ của người Xentơ “Không có túi đựng tiền trong tấm vải liệm”.

Đó là một người biết làm giầu trước mặt Thiên Chúa.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta cũng có được tinh thần như thế.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

1. Chúng con vừa nghe một bài Tin Mừng dài. Có thể nói là hơi dài một chút.

Cha đố chúng con bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy chúng ta về vấn đề gì nào?

– Về việc cầu nguyện.

– Rất đúng. Thế chúng con đã có bao giờ cầu nguyện chưa?

– Thưa cha rồi…

– Thế chúng con cầu nguyện với ai? Như thế nào? Cầu nguyện làm sao? Cha hỏi nhiều quá phải không? Thôi bây giờ cha bắt đầu câu chuyện hôm nay. Cha bắt đầu trả lời câu hỏi: Cầu nguyện với ai? Dĩ nhiên là với Chúa rồi nhưng…..Chúa là ai đối với chúng ta?

Câu trả lời rất vắn: Chúa là CHA. Chúa Giêsu bảo chúng ta cầu nguyện với Chúa và khi cầu nguyện hãy thưa với Chúa là CHA. Chúa thích chúng ta thưa với Chúa như thế.

Đây là câu chuyện do Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu kể trong một tập sách nhỏ của ngài. Câu chuyện như thế này:

“Một ngày kia, Thiên Chúa đưa mắt nhìn xuống trần gian để xem người ta thờ phượng Người như thế nào. Người thấy một tín đồ Ấn giáo đang ngồi trầm mặc thinh lặng như thể quên hết mọi sự trên trần gian này. Thiên Chúa rất hài lòng về cử chỉ ấy nhưng Người nói: “Tại sao phải nhọc thân khổ xác như thế?”.

Người lại thấy một nhà sư Phật giáo đang mỉm cười và cố gắng tạo ra sự hài hòa giữa cái thiện và cái ác. Thiên Chúa vui mừng vì nụ cười ấy, nhưng Người lại nói: “Tại sao con người lại tốn công nhọc sức như thế mà không nhờ đến trời cao?”.

Người lại thấy một người bán khai, người bán khai là người như thế nào chúng con? Đó là những người sống trong rừng rú, thiếu ánh sáng văn minh. Người người bán khai đang tế thần với tất cả sự run rẩy sợ hãi. Thiên Chúa xúc động trước cử chỉ ấy, nhưng lại nói: “Tại sao con người lại có thể run sợ như thế?”.

Người lại thấy một người Hồi giáo đang quì phủ phục hướng về thành La Mecque. La Mecque là một nơi hành hương nổi tiếng của người Hồi Giáo.  Thiên Chúa thấy họ cúi đầu thán phục, nhưng Người lại nói: “Tại sao lại phải phủ phục nhiều như thế?”

Người lại thấy một nhà thông luật Do thái cất tiếng đọc to những khoản luật trong Kinh Thánh. Thiên Chúa cũng hài lòng vì những lời cầu nguyện, nhưng Người lại nói: “Tại sao có quá nhiều luật lệ như thế?”

Sau khi đã quan sát tất cả những hình thức cầu nguyện và thờ phượng của con người, Thiên Chúa Cha nói với Con Một như sau: “Con hãy xuống nói với thế gian và mang Thần Khí yêu thương xuống cho chúng. Cha không muốn những hi tế vô ích bởi vì Cha là Cha. Cha không muốn sự sợ hãi bởi vì Cha là Cha. Cha không muốn lề luật bởi vì Cha là Cha. Cha chỉ muôn một tình yêu thanh thản và chân thành, bởi vì tất cả mọi người dầu là con cái của Cha”.

Khi mạc khải cho ta biết Thiên Chúa là Cha, Ðức Giê-su đã đưa ra một hình ảnh về Thiên Chúa hoàn toàn khác với hình ảnh các vị thần của các tôn giáo khác. Không những Người cho ta thấy Thiên Chúa Cha yêu thương ta vô cùng, mà còn muốn ta đi vào tình nghĩa thâm sâu, tha thiết với Cha. Vì thế, Người đã dạy ta tiếng “Abba” là tiếng gọi “Ba ơi” rất thân thương của một đứa trẻ vừa nũng nịu, vừa tin tưởng, phó thác mọi sự trong tay Cha.

2. Đúng là phải cầu nguyện với Chúa như một NGƯỜI CHA. Và khi đến và cầu nguyện với Chúa, chúng ta phải đến với một tâm hồn hồn nhiên, đơn sơ và chân thành.

Nhưng phải cầu nguyện như thế nào?

Rõ rệt là Chúa không muốn có sự xa cách. Chúa muốn cho con người thân mật gần gũi với Chúa.

Có một câu chuyện trong KT Cựu Ườc rất hay cha muốn kể cho chúng con. Chúng con thấy Abraham nói truyện với Chúa thật là gần gũi và thân mật. Cha thích câu chuyện này vì nó làm cho cha cảm thấy giữa Chúa và con người dường như không còn một cái gì ngăn cách.

Abraham thấy Chúa sắp thịnh nộ giáng tai họa xuống dân thành Sodoma, Abraham liền nài nỉ Chúa tha thứ cho họ… có lẽ khi làm việc này Abraham cũng nghĩ tới gia đình của đứa cháu tên là Lot cư ngụ trong thành này, ông ta có một người vợ và hai cô con gái.

Cha nhắc lại cho chúng con câu chuyện này để chúng con thấy:

Chúa bảo với Abraham:

– Này có chuyện này Ta sắp làm mà Ta không muốn dấu ngươi. Tội lỗi của Sodoma và Gômora quá nặng nề và Ta muốn hủy diệt chúng.

Abraham muốn cứu Sodoma nên thưa với Chúa:

– Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao?

Rồi ông đưa ra một lời thắc mắc:

– Nếu có 50 người công chính trong thành chẳng lẽ họ cũng phải chung số phận? Với 50 người công chính đang cư ngụ trong đó chẳng lẽ chưa đủ để Chúa tha cho cả thành ư ?

Và sau đó ông lại can ngăn Chúa :

– Xin Chúa đừng làm vậy, xin đừng sát hại những người công chính cùng với kẻ dữ. Xin Chúa đừng làm thế.

(Đó chúng con thấy, lời lẽ của Abraham thật thân tình chưa… nói với Chúa như nói với người bạn vậy).

Và Chúa cũng nói với ông một cách thân tình như thế:

– Nếu Ta tìm thấy trong thành Sodoma 50 người công chính, ta sẽ vì họ mà tha thứ cho cả thành.

Thấy ý định của mình có mòi không thành, Abraham thưa lại với Chúa:

– Dù tôi chỉ là tro bụi, nhưng con đã bắt đầu nói thì con cũng xin thưa: nếu trong số 50 người công chính … còn thiếu 5 người thì sao?

Rồi ông tỏ ra như có vẻ thắc mắc.

– Vì 45 người công chính Chúa có tàn phá cả thành không?

Chúa trả lời cho ông biết:

+ Nếu ta tìm thấy 45 người công chính Ta sẽ không phá huỷ cả thành.

Abraham thấy Chúa có vẻ dễ dãi và xuống nước, Abraham “quất” thêm một câu nữa:

– Giả tỉ như chỉ có 40 người công chính thôi, thế Chúa sẽ làm gì?

+ Ta sẽ vì 40 người đó mà tha cho cả thành.

Abraham thấy thế cũng chưa thành công… nhưng lại không dám can đảm ..

– Nếu Chúa không nổi giận cơ … thì con mới dám nói: nếu chỉ có 30 người thì sao?

– Ta sẽ …

– Con trót nói… nếu chỉ có 20 …

– Vì 20 người đó Ta sẽ không tàn sát.

– Xin đừng nổi giận, một lần cuối… nếu chỉ có 10 người?

– Vì 10 người đó Ta sẽ không tàn phá.

Sáu lần Abraham đặt điều kiện để xin Chúa tha cho thành  Sodoma.

Đó chúng con thấy, Chúa thích sự gần gũi thân thiện… như những người bạn nói truyện với nhau.

Thánh Gérald Majeiia hồi còn nhỏ ở giúp việc cho đức cha Lacedogma. Một ngay kia đức cha đi vắng giao chìa khóa cho cậu, bảo cậu kín nước đổ vào bồn. Chẳng may khi cúi xuống chùm chìa khóa rớt xuống giếng sâu, sợ quá… không biết sao để lấy lên.

Bỗng cậu nhớ đến Chúa Giêsu Hài Đồng, cậu vội chạy vào máng cỏ trong nhà thờ quì cầu nguyện rồi ẵm Chúa ra giếng… trước sự kinh ngạc của mọi người.

Cậu cột Chúa vào giây vừa thả Chúa xuống giếng vừa nói: “Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới giúp con lấy lại chìa khóa”

Rồi cậu từ từ kéo Chúa lên. Lạ lùng thay … chìa khoá trong tay Chúa hài đồng.

Cha kết thúc ở đây nhé!

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa nghe thánh Luca thuật lại cho chúng ta một câu chuyện có liên quan đến một gia đình rất quen thuộc với Chúa Giêsu.

Cha đố chúng con đó là gia đình nào và ở đâu?

– Gia đình của ba chị em Matta, Maria và Lagiarô!

– Rất đúng! Chúng con rất giỏi.

– Gia đình này ở đâu vậy chúng con?

– Ở Bêtania gần thành Giêrusalem.

– Lại giỏi nữa.

– Câu chuyện hôm nay có mấy nhân vật chúng con?

– Có ba.

– Những ai nào? Kể ra cho cha nghe.

– Chúa Giêsu – Matta và Maria.

– Đúng rồi. Bây giờ chúng ta bắt đầu vào câu chuyện.

1. Hôm đó, Chúa Giêsu và có lẽ có cả các môn đệ của Chúa ghé vào một gia đình mà mỗi khi có dịp đi Giêrusalem, Chúa thường làm thế. Đây là gia đình không hiểu vì lý do gì mà Chúa rất thương. Chúng ta có thể nhận ra tình thương của Chúa đặc biệt qua biến cố anh Lagiarô chết. Đọc lại Tin Mừng chúng ta sẽ thấy rất rõ điều đó. Chính ở đây Chúa đã làm một phép lạ lớn lao chưa từng có. Đó là cho Lagiarô đã chết. Người ta đã chôn Lagiarô được 4 ngày rồi vậy mà Chúa đã cho anh ta được sống lại trước sự kinh hoàng và ngỡ ngàng của mọi người.

Đó là gia đình Bêtania.

Bởi thế việc Chúa ghé thăm gia đình này hôm nay có lẽ cũng là việc bình thường.

Thế nhưng sự việc có tính cách hơi khác thường một chút đó là hôm nay Chúa làm cho mọi người phải thắc mắc và suy nghĩ vì Chúa công khai khen Maria và một cách nào đó Chúa muốn nói với mọi người ý nghĩ của Chúa qua cách hai chị em đón tiếp Chúa.

Chúng con thấy, khi Chúa đến nhà, cô Matta là chị cả trong gia đình đã phải tất bật vất vả như thế nào để làm những việc cần thiết trong việc tiếp đón, phục vụ Chúa. Chúa đâu có phải là một vị khách tầm thường hoặc là những con người như biết bao người khác trong xa hội đâu. Chúa là vị khách đặc biệt, quá đặc biệt là đàng khác, cho nên việc tiếp đón Chúa cũng phải đặc biệt hơn những trường hợp khác trong cuộc sống. Chính vì vậy mà chị Matta đã dốc hết sức lực của mình ra để lo cho công việc đón tiếp và phục vụ này thật xứng đáng. Đâu có phải ai cũng được cái diễm phúc Chúa đến thăm một cách thân tình như thế. Đây là một vinh dự lớn cho gia đình nên nếu cô Matta có bỏ hết công sức ra mà làm thì cũng thật là bình thường.

Đang khi, cha nhấn mạnh đang khi cô chị vất vả bận rộn như thế thì cô em có vẻ như chẳng thấy có gì đáng quan tâm. Cô thản nhiên thảnh thơi đến bên chân Chúa và chăm chú ngồi ở đó để lắng nghe những lời Chúa dạy. Cô Maria tỏ ra như không hề biết đến những việc mà chị cô đang làm. Mặc kệ! Chị muốn làm gì thì làm cô không cần biết. Điều mà cô thích thú bây giờ là việc Chúa đến thăm gia đình. Một việc hiếm hoi lắm mới có được. Chúa đến thăm nhà. Một cơ hội ngàn vàng đâu phải lúc nào cũng có, cho nên phải tận dụng hết thời gian khi Chúa viếng thăm để gặp và nghe Chúa dạy bảo. Việc này đâu phải dễ có và đâu phải ai củng có được như cô lúc này. Bởi vậy cô như cô không muốn đến bất cứ một việc nào khác ngoài việc ngồi bên chân Chúa để lắng nghe Lời Chúa.

Matta chẳng làm sao mà hiểu được thái độ cô em gái của mình. Chị cũng không hiểu được Ðức Giêsu như thế nào. Hình như Chúa cũng chẳng quan tâm đến việc chị đang làm mà chỉ biết hứng thú trong việc dạy dỗ Maria.

Cuối cùng thì những gì phải tới đã tới. Matta mạnh dạn đến với Chúa và không ngần ngại nói lên tiếng nói của mình. Chị muốn Thầy để ý đến việc mình đang làm, muốn Thầy nhận ra sự vất vả mình phải chịu. “Em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao?”

Một câu nói vừa mang tính van xin nhưng đồng thời cũng mang vẻ trách móc. Làm sao mà Chúa vô cảm đến thế.

“Xin Thầy bảo em giúp con một tay”.

Một đề nghị hết sức nhân bản và cũng rất hợp với lẽ thường tình. Ai đâu chỉ có hai người trong gia đình. Ở đây chúng ta không thấy nói tới Lagiarô. Chúng ta không biết tại sao hay Luca cố ý làm như thế để làm nổi bật lên bài học Chúa muốn dạy trong Tin Mừng hôm nay. Ai đâu trong gia đình chỉ có hai chị em mà một người vất vả, còn một người thì hầu như vô xảm đối với việc rất quan trọng là đón tiếp Chúa.

Đến đây thì chúng ta mới thấy câu chuyện đã rẽ sang một hướng mới: Ý kiến của Chúa Giêsu.

Sau khi nghe lời đề nghị của Matta, Chúa Giêsu đã lên tiếng. Chúa lên tiếng thật vắn gọn nhưng ai cũng có thể hiểu được ý Chúa muốn nói gì. Rõ ràng là Chúa không “chê” thái độ của Matta nhưng xem ra Chúa thích thái độ của Maria hơn: “Matta! Matta ơi! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”.

  Tại sao Chúa lại bảo: “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”Để hiểu được Lời của Chúa  chúng con hãy nhớ lại khi bị ma quỉ cám dỗ biến đá thành bánh mà ăn, Chúa đã trả lời: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”(Mt 4,4).

Cha muốn kết thúc bằng câu chuyện có thật này: Tokichi IshiI, một tên giết người không gớm tay, đã đạt được kỷ lục hạ sát được nhiều nạn nhân nhất bằng những phương thế dã man không thể tượng tưởng nổi.

Hắn ta tàn nhẫn hạ sát đàn ông, phụ nữ, kể cả trẻ con. Với bàn tay khát mát, hắn thủ tiêu bất cứ người nào tình cờ hắn gặp và muốn giết.  Nhưng cuối hắn cũng bị bắt và kết án tử  hình.

Lúc ở nhà tù chờ ngày hành quyết, hai phụ nữ công tác tông đồ thử khuyên nhủ hắn, nhưng tất cả những câu hỏi han, trò chuyện của họ không làm cho hắn mảy may động tâm, trái lại hắn nhìn thẳng vào họ với cặp mắt dữ tợn như một hung thú.

Cuối cùng mất hết kiên nhẫn, hai phụ nữ ra về. Họ chỉ để lại cho hắn cuốn Tân Ước, với một hy vọng mỏng manh là hắn ta sẽ đọc và Lời Chúa sẽ hoạt động khi tiếng nói con người trở nên hoàn toàn bất lực. Niềm hy vọng của họ đã trở thành sự thật. IshiI đã đọc và những câu chuyện trong Tân Ước hình như có một sự thu hút mãnh liệt khiến hắn cứ tiếp tục đọc, đọc mãi và cuối cùng hắn đọc đến câu chuyện diễn tả cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Câu Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trên thập giá: “ Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng  làm’’, đã thắng sự chống trả cuối cùng trong tâm hồn của hắn. Sau đó anh thuật lại: “đọc đến câu này tôi mới dừng lại. Con tim tôi hình như bị đánh động, bị đâm thâu bằng một con dao dài. Tôi có thể gọi đó là một tình yêu của ông Giêsu hay tôi phải gọi đó là lòng thương xót của Ngài? Tôi không biết, nhưng điều duy nhứt tôi biết là hung dữ, tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin’’.

Ông Chirgwin, tác giả viết câu chuyện này trong quyển sách mang tựa đề “Thánh Kinh Trong Thế Giới Truyền Giáo’’ đã kết câu chuyện bằng sự ngạc nhiên tột độ của những nhân viên nhà giam có phận sự đến dẫn độ IshI đi hành quyết.  Họ đã không gặp một tên sát nhân hung bạo như họ chờ đợi, nhưng là một con người hòa nhã, lễ độ. IshiI, tên sát nhân đã được Lời Chúa tái sinh.

Lời Chúa có sức mạnh vạn năng. Lời Chúa có thể biến đổi tâm hồn một sát nhân giết người không gớm tay  như anh Tokichi IshiI và bao tâm hồn sa ngã khác. Lời Chúa có thể là động lực cho bao công tác bác ái của các tu sĩ nam nữ, đang dấn thân phục vụ những trẻ con bị bỏ rơi, những người già nua hấp hối không ai chăm sóc, những kẻ phải sống bên lề xã hội.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Lời Chúa chúng ta vừa nghe là  một câu chuyện hết sức đẹp trong Tin Mừng của Chúa. Lý do vì nó có liên hệ rất mật thiết đến giá trị cuộc đời của mỗi người trong cuộc sống làm người của mình. Đó là vấn đề BIẾT và LÀM.

1. Nội dung câu chuyện.

Câu chuyện bắt đầu từ một câu hỏi rất cụ thể và thực tế của một người thông luật. Người thông luật trong xã hội Do Thái là người hiểu biết rất rõ về lề luật của Chúa.

Một hôm, ông đứng lên hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”(Lc 10,25). Câu hỏi của có liên hệ rất mật thiết với vấn đề hết sức quan trọng của một đời người. Đó là sự sống của cả một đời người. Hạnh phúc hay đau khổ, thành hay bại đều tuỳ thuộc vào việc PHẢI LÀM này.

Đứng trước câu hỏi này Chúa Giêsu đã không trả lời ngay. Chúa tế nhị khôn khéo kéo người thông luật về những gì ông biết. Chúa hỏi lại: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình”.(Lc 10,27-28). Đúng là một người thông luật. Ông đã trả lời Chúa một cách đầy đủ, chính xác không thể chê vào đâu được. Chính Chúa cũng phải xác nhận điều đó.  Ðức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm.(Lc 10.28)

Tới đây thì vấn đề người thông luật đặt ra đã có câu trả lời và câu trả lời chính là những điều ông ta đã biết từ lâu vì nằm trong nghề nghiệp của ông ta.

Kết thúc câu chuyện Chúa Giêsu đã kết thúc bằng một lệnh lên đường: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”. Thật rõ ràng và cũng thật dứt khoát.

2. Bài học

Thử hỏi đâu là bài học Chúa muốn dạy chúng ta qua câu chuyện hôm nay?. Đọc lại câu chuyện rồi liên kết các ý chính lại với nhau, chúng ta sẽ thấy ý của Chúa thật rõ. “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp – Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? – Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”Tới đây thì ý của Chúa đã thật rõ: Chúa đã buộc vấn đề BIẾT và LÀM lại với nhau.

Biết và làm phải luôn đi với nhau. Biết mà không làm thì sẽ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp.

Một người mê cờ bạc, ngày kia nói với Minh Sư:

– Hôm qua người ta bắt gặp con chơi cờ gian bạc lận nên những người chung sòng đã cho con một trận nên thân và họ đã liệng con qua cửa sổ. Thầy thấy con phải làm gì đây?

Minh Sư nhìn thẳng vào mắt anh ta rồi nói:

– Nếu tôi ở vào trường hợp của anh, từ rày về sau, tôi sẽ chơi bài ở tầng trệt.

Các đệ tử giật mình nên hỏi:

– Sao thầy không khuyên bảo anh ta đừng chơi bài nữa?

Minh Sư trả lời một cách ngắn gọn và đầy ý nghĩa như sau:

– Bởi vì thầy biết có khuyên như thế cũng chỉ bằng thừa mà thôi.

 Ngược lại nếu biết mà cố gắng làm thì cuộc sống sẽ vô cùng tốt đẹp.

Cha muốn kết thúc bằng câu chuyện cảm động có thật này:

Chúng con biết: Vua cầu thủ bóng đá Pele được mọi người khen tặng “Hạt ngọc đen”, từ nhỏ đã rất yêu thích bóng đá, và đã thể hiện tài năng của mình.

Có một lần, cậu tham gia thi đấu một trận bóng rất cuồng nhiệt, mệt thở hổn hển.

Lúc nghỉ ngơi cậu định hút một điếu thuốc.

Lúc đó cha cậu nhìn thấy vậy, liền chau mày lại.

Buổi tối khi trở về nhà, cha cậu nói:

– Hôm nay con hút thuốc?

Cậu nghĩ ra đó là việc không nên làm, đã khiến cho cha cậu giận dữ.

Nhưng cha cậu lại không nói gì, đứng dậy lấy lại bình tĩnh nói với con:

– Con trai, khi con chơi thể thao là rất tốt, và cần có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng đáng tiếc là con lại dành thời gian đó vào việc hút thuốc. Con không nên hút thuốc nữa. Như thế sẽ làm giảm khả năng thi đấu của mình.

Pele cúi đầu không nói. Người cha lại nhẹ nhàng khuyên giải:

– Là một người cha, ta có trách nhiệm phải dạy dỗ con đi theo con đường tốt, cũng như có trách nhiệm phải ngăn chặn những hành vi không tốt. Thế nhưng có đi theo con đường tốt hay tránh đi theo thói xấu hay không là do bản thân con quyết định nữa. Ta chỉ muốn hỏi con, con có muốn cai thuốc không? Còn muốn làm một cầu thủ khỏe mạnh không? Con trai, con đã hiểu rồi đấy, vậy thì tự con quyết định đi.

Nói đến đó, người cha móc ra một tờ ngân phiếu, đưa cho Pele và nói:

– Nếu như con không muốn làm một cầu thủ và đồng ý bỏ thuốc thì đây là tiền mua thuốc của con.

Người cha nói xong liền bỏ đi.

Pele nhìn theo hình bóng xa dần của cha, không kềm được nước mắt. Nhưng không tài nào khóc thành tiếng được, và một hồi lâu mới khóc lên thành tiếng. Cậu đã hiểu ra được rất nhiều, cậu liền đứng dậy cầm tờ ngân phiếu trên bàn chạy đi trả lại cho cha, và kiên quyết nói với cha mình:

– Thưa cha, con nhất định sẽ không hút thuốc nữa, con nhất định phải trở thành một cầu thủ xuất sắc.

Từ đó về sau, Pele không những đã bỏ thuốc mà còn gian khổ luyện tập, nghệ thuật đá bóng ngày càng điêu luyện. 15 tuổi tham dự giải bóng đá quốc gia, 16 tuổi được gia nhập vào đội tuyển Braxin. Giúp Braxin lập kỳ tích giữ vĩnh viễn chiếc cúp vô địch “Nữ thần”.

Đến nay, Pele đã trở thành một người giàu có, nhưng ông vẫn không hút thuốc.

Vào thế kỷ 16, ở Châu Âu có một nhà hàng hải rất nổi tiếng, hoàn thành chuyến thám hiểm của mình. Ông phát hiện ra một châu lục mới. Nữ hoàng biết được chuyện này đã mở tiệc khoản đãi ông. Nữ hoàng cũng mời rất nhiều quý tộc tham gia bữa tiệc đó để thể hiện sự tôn trọng đối với ông. Song những nhà quý tộc đó lại tỏ thái độ coi thường nhà hàng hải đó.

Trong bữa tiệc, một số quý tộc mượn hơi men để chế giễu nhà hàng hải này rằng, châu lục mà ông phát hiện ra, trước đây họ biết từ lâu rồi, chẳng có gì ghê gớm cả. Ông ta vừa dứt lời, thì các quý tộc khác cũng lên tiếng phụ họa. Họ đắc ý chờ đợi nhà hàng hải trở thành trò cười của mọi người.

Nhà hàng hải không tranh luận với họ, mà chỉ cầm một quả trứng đã được luộc chín, hỏi:

– Trong số các ông, ai có thể đặt quả trứng này đứng trên mặt bàn nhẵn mà không dùng bất cứ vật đỡ nào?

Các nhà quý tộc thay nhau cầm quả trứng thử. Nhưng cuối cùng họ kết luận: không thể nào làm được chuyện đó.

Lúc đó nhà hàng hải mới cầm quả trứng lên, đập bẹp một đầu quả trứng rồi đặt xuống bàn. Lúc này, quả trứng đứng vững trên mặt bàn.

Các nhà quý tộc đều tỏ vẻ không phục, nói:

– Cách làm này, chúng tôi ai cũng biết.

Nhà hàng hải nghe xong, nói:

– Đúng vậy, các ông đều biết, nhưng các ông lại không làm được. Đây là khác biệt lớn nhất giữa thành công và thất bại.

Nói và làm có sự khác biệt về mặt bản chất. Có một số người suốt ngày lớn tiếng hô hoán phải làm việc lớn gì đó, nhưng mãi không thấy họ hành động. Xét cho cùng họ chỉ là những người tự lừa dối bản thân. Trong xã hội hiện đại vốn coi trọng hiệu quả công việc, chúng ta hãy luôn ghi nhớ câu nói: sự khác biệt lớn nhất giữa thất bại và thành công chính là sự khác nhau giữa nghĩ được và làm được.

Nói và làm có sự khác biệt về mặt bản chất. Có một số người suốt ngày lớn tiếng hô hoán phải làm việc lớn gì đó, nhưng mãi không thấy họ hành động. Xét cho cùng họ chỉ là những người tự lừa dối bản thân. Trong xã hội hiện đại vốn coi trọng hiệu quả công việc, chúng ta hãy luôn ghi nhớ câu nói: sự khác biệt lớn nhất giữa thất bại và thành công chính là sự khác nhau giữa nghĩ được và làm được.

Chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng do thánh sử Luca thuật lại.

1. Qua bài Tin Mừng này, chúng ta thấy bên cạnh 12 người được Chúa tuyển chọn cách đặc biệt mà Chúa gọi là Tông Đồ, còn có một số những người khác không phải là tông đồ nhưng cũng được Chúa sai đi để cùng với Chúa loan báo Tin Mừng cho mọi người.

Tin Mừng không cho chúng ta biết chính xác số môn đệ này là bao nhiêu nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay thánh sử Luca nói tới con số 72.

Tại sao lại chỉ có 72 thôi? Hình như có một điều gì đó phải nói thêm cho rõ về vấn đề này. Cha học Kinh Thánh cha thấy trong sách Sáng Thế Ký là cuốn sách đầu tiên trong toàn bộ Kinh Thánh, cha thấy đoạn 10 trong sách đó khi nói về số dân trên mặt đất sau trận lụt Đại Hồng Thuỷ kinh khiếp thời ông Nôe là 72. Như vậy có thể nói con số 72 là số dân của cả loài người thời đó. Như vậy khi nói đến con số 72 có lẽ thánh Luca đã ngầm cho mọi người hiểu rằng đó là cả loài người. Tại sao thánh Luca làm thế? Thưa vì việc truyền giáo là việc quan trọng có liên hện đến cả loài người nên cả loài người đều có bổn phận phải truyền giáo. Cả loài người có nghĩa là tất cả mọi người đều có bổn phận phải truyền giáo. Truyền giáo không còn phải là bổn phận của những người được tuyển chọn như các tông đồ thuở xưa hay như các Giám Mục, linh mục ngày nay mà là bổn phận của mọi người.

Chính vì thế mà Công đồng Vaticano II đã phải nhấn mạnh: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo” (TG 2). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng quả quyết: “Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi nhiệm vụ cao cả này: Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc” (Sứ vụ Đấng Cứu Độ, 3).

Cha đọc trong sách Sách Giáo Lý Mới (1270 2472), cha thấy Sách Giáo Lý Chung cũng nói: “Được tái sinh làm con Thiên Chúa, những người đã được rửa tội có bổn phận phải tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Hội Thánh” (x.LG 10), tham dự vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của Dân Thiên Chúa (x.LG 17; AG 7,23). Như vậy mọi người chúng ta đều có bổn phận trong cánh đồng truyền giáo của Chúa.

2. Nhưng cha hỏi chúng con: một người giáo dân bình thường như chúng con có thể truyền giáo không và nếu có thì bằng cách nào đây?

Chắc chắn chúng ta không thể làm việc truyền giáo như các tông đồ thuở xưa hay như các Giám mục, linh mục tu sĩ ngày nay nhưng chắc chắn Chúa cũng muốn cho chúng ta phải truyền giáo theo cách của chúng ta.

Thế chúng ta có thể tuyền giáo bằng cách nào?

Cha đọc lại Tin Mừng cha thấy trước khi bảo các môn đệ đi truyền giáo Chúa đòi các ngài phải cầu nguyện trước. Chúa Giêsu không bảo các môn đệ lên đường ngay, nhưng Chúa dạy phải cầu nguyện trước. Cầu nguyện là nền tảng của việc truyền giáo. Vì truyền giáo khởi sự từ ý định của Thiên chúa. Ơn hoán cải tâm hồn là ơn Chúa ban. Nên cầu nguyện chính là truyền giáo và kết quả của việc truyền giáo bằng cầu nguyện sẽ rất sâu xa. Ta hãy noi gương thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu. Vị Thánh sống âm thầm, suốt đời chôn vùi trong 4 bức tường Dòng Kín, thế mà chỉ nhờ lời cầu nguyện, thánh nữ đã đem được nhiều linh hồn về với Chúa không kém thánh Phanxicô Xaviê, người suốt đời bôn ba khắp nơi để rao giảng Tin Mừng.

Tiếp đến cha thấy có rất nhiều cách để chúng ta có thể đem Chúa đến cho những người khác. Có rất nhiều cách nhưng cách phù hợp với chúng ta nhất là cố gắng sống cuộc đời phục vụ yêu thương như Chúa Giêsu đãn sống. Cha tưởng đây là cách tốt nhất chúng con có thể làm và làm ngay được.

Một lần kia các nhà truyền giáo Công giáo hỏi ý kiến ông Gandhi. Ông Gandhi là người mà dân tộc Ấn độ coi ông như một vị thánh sống. Họ hỏi ông về việc họ phải làm gì để các người theo đạo Hinđu chấp nhận bài giảng trên núi của Đức Giêsu. Ông Ganđhi trả lời: “Các ông hãy nghĩ về bí quyết của những bông hoa hồng. Mọi người đều yêu thích chúng, vì ngoài vẻ đẹp và màu sắc sặc sỡ, hoa còn tỏa ra mùi thơm thoang thoảng như diệu kỳ của nó. Vậy các ông hãy “tỏa hương thơm!”

Đúng thế chúng con!  “Tỏa hương thơm!”là làm sao?Thưa là sống thật tốt như Chúa Giêsu đã sống để qua đó mọi người sẽ biết được Chúa Giêsu sống như thế nào mà bắt chước noi theo làm cho cuộc sống con người càng ngày càng hạnh húc và tốt đẹp hơn.

Đây là câu chuyện do nhà văn George Bemard Shaw ghi lại:

Đó là một buổi tối lạnh lẽo, rét buốt ở miền bắc Virginia cách đây đã nhiều năm. Bộ râu của ông lão cứng ngắc trong cái lạnh của mùa đông khi ông đợi có ai đó giúp ông sang sông. Sự chờ đợi dường như vô tận. Có thể ông tê cóng và cứng đờ bởi những cơng ló bấc giá lạnh.

Bỗng ông nghe thấy tiếng ngựa phi nhịp nhàng đang đến gần men theo con đường đầy sướng giá. Ông lo lắng nhìn khi một nhóm chàng trai phi ngựa rẽ qua khúc quanh. Ông đã để cho người đầu tiên chạy qua mà chẳng hề gọi. Sau đấy, một người khác đi qua, rồi một người nữa. Lúc này, tuyết đã rơi, trông ông lão giống như một bức tượng bằng tuyết. Ông đã thấy người kỵ sĩ cuối cùng. Khi người này đến gần, ông già ra dấu với người kỵ sĩ rồi nói:

– Chào cậu, cậu có phiền đưa già này sang bên kia sông được không? Chẳng có lối nào để đi bộ được cả.

Người kỵ sĩ ngồi trên ngựa đáp:

– Được chứ, thưa bác. Bác nhảy lên đây nào.

Thấy ông lão không thể nhấc nổi cơ thể đã gần như đông cứng khỏi mặt đất, chàng trai nhảy xuống và giúp ông leo lên lưng ngựa. Chàng kỵ sĩ không chỉ đưa ông già qua sông mà còn mang ông đến nơi ông định đến cách đó vài dặm nữa.

Khi đến gần một mái nhà tranh nhỏ xíu ấm cúng, chàng kỵ sĩ tò mò hỏi:

– Thưa bác, cháu thấy bác đã để nhiều người cưỡi ngựa khác chạy qua mà không nhờ lấy một ai để giúp qua sông. Khi cháu đến thì bác nhờ cháu ngay lập tức. Cháu thắc mắc không hiểu tại sao, vào một buổi tối mùa đông lạnh giá như thế này, bác lại đợi và nhờ người cuối cùng. Nếu cháu từ chối không giúp bác thì sao?

Ông lão từ từ leo xuống ngựa, nhìn thẳng vào mắt chàng trai, đáp:

– Bác đã ngồi đấy một lúc rồi. Bác nghĩ bác biết cách nhìn người, ông tiếp tục. Bác nhìn vào mắt những chàng trai kia và ngay lập tức bác thấy họ chẳng quan tâm gì đến tình cảnh của bác cả. Nhờ họ giúp cũng không ích gì. Nhưng khi nhìn vào mắt cháu, lòng tốt và sự thương người hiện lên rất rõ. Bác biết rằng thái độ dịu dàng của cháu sẽ mở ra cho bác cơ hội được giúp đỡ lúc bác cần.

Những lời ấm lòng đó của ông lão làm người kỵ sĩ hết sức cảm động.

– Cháu hết sức cám ơn những gì bác vừa nói – anh nói với ông lão – Có lẽ sẽ chẳng bao giờ cháu quá bận rộn với chuyện riêng của mình mà không đáp lại những gì người khác cần bằng lòng nhiệt thành cả.

Hạnh phúc là nước hoa- bạn không thể vẩy lên người khác mà không làm vương vãi vài giọt lên chính mình .

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

1. Chúng con vừa nghe thánh Luca kể lại cho tất cả mọi người hai câu chuyện.

Một là câu chuyện một làng Samaria không đón tiếp Chúa. Trong câu chuyện này chúng ta thấy Gioan và Giacôbê biểu lộ những thói xấu ấu trĩ rất tầm thường của con người: hễ gặp chuyện không vừa ý là lập tức muốn trừng phạt, hở một chút là muốn tiêu diệt kẻ thù và ỷ mình là môn đệ Chúa Giêsu nên muốn dùng lửa trời để thỏa mãn tính nóng giận cá nhân của mình.

Đó là câu chuyện chẳng hay ho gì. Qua câu chuyện này Chúa Giêsu đã cho mọi người biết: Chúa không đến để giết chết mà để cứu sống. Hơn nữa Chúa còn nhường nhịn: làng này không tiếp mình thì sang làng khác.

Chúng ta hãy tập cho mình thói quen giống Chúa Giêsu đó là tinh thần biết sống quảng đại, nhường nhịn và tha thứ.

Cha kể cho chúng con câu chuyện này. Chuyện được trích trong cuốn “Nghìn lẻ một đêm” nổi tiếng của người Ba tư. Chuyện kể rằng:  Có ai anh em nhà kia bắt trói được thủ phạm đã giết chết Cha của họ. Họ lôi tên giết người đến trước tòa và yêu cầu xét xử theo luật “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Kẻ giết người đã dùng đá để ném chết cha của họ, thì hắn cũng sẽ phải bị ném đá cho đến chết theo như luật đã qui định. Trước mặt quan tòa, tên giết người đã thú nhận tất cả tội lỗi của mình. Nhưng trước khi bị đem ra xử, hắn chỉ xin một ân huệ là được trở về nhà trong vòng 03 ngày, để giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến một người cháu đã được ký thác cho hắn trông coi từ nhỏ. Sau thời gian đó, hắn sẽ trở lại để xin chịu xử tử. Vị quan toà xem chừng như không tin tưởng ở lời cam kết của tên tử tội. Giữa lúc ông đang còn do dự, thì từ trong đám động, những người đang tham dự phiên tòa, có một bàn tay giơ cao lên cam kết: “Tôi xin đứng ra bảo đảm cho lời cam kết của tử tội, nếu sau 03 ngày mà hắn không trở lại thì tôi sẽ chết thay cho hắn!”

Tên tử tội được tự do trong 03 ngày để giải quyết việc gia đình của hắn. Sau đúng kì hạn 03, giữa lúc mọi người đang chờ đợi để chứng kiến cuộc hành quyết, thì hắn hiên ngang tiến ra giữa toà án và tuyên bố: “Tôi đã giải quyết xong mọi việc trong gia đình. Giờ đây, đúng như lời cam kết, tôi trở lại để chịu tội. Tôi muốn trung thành với lời cam kết của tôi, để người ta sẽ không còn nói được rằng chữ tín không còn trên mặt đất này nữa”

Sau lời tuyên bố dõng dạc của tên tử tội, người đàn ông đã từng đứng ra bảo lãnh cho hắn cũng đứng giữa đám đông và tuyên bố: “Phần tôi, sở dĩ tôi đã đứng ra bảo lãnh cho người này là vì tôi không muốn cho người ta nói rằng lòng quảng đại không còn trên mặt đất này nữa”.

Nghe hai lời tuyên bố trên, cả đám đông bỗng trở nên yên lặng. Dường như ai ai cũng cảm thấy được mời gọi thể hiện những gì cao quý nhất trong lòng người. Từ giữa đám đông hai người thanh niên tiến ra giữa và nói: “Thưa Ngài, chúng tôi xin tha cho kẻ đã giết Cha tôi chúng tôi để người ta không còn nói: lòng khoan dung, tha thứ không còn hiện hữu trên mặt đất này nữa!”.

Đó chúng con thấy không? Nhường nhịn, khoan dung, tha thứ trong cuộc sống nhiều khi đã đem lại những kết quả hết sức tốt đẹp cho cuộc sống của mọi người như vậy.

2. Tiếp đến là chuyện có 3 người tìm đến với Chúa và ngỏ ý muốn đi theo để làm môn đệ của Người.

Chúng ta chẳng biết họ là ai, cũng chẳng rõ cuối cùng họ có theo Chúa hay không. Chúa đã cư xử thế nào thì chúng con hãy nhìn vào bài Tin Mừng.

Người thứ nhất hôm nay xin đi theo Chúa đến bất cứ nơi đâu, nhưng Chúa bắt anh phải chọn lựa: hoặc là được an toàn ổn định dưới một mái nhà, có chăn ấm nệm êm; hoặc là phải bấp bênh phiêu bạt, không một mái nhà: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ dựa đầu” (Lc 9, 58).

Người thứ hai xin đi theo Chúa, nhưng với điều kiện phải cho anh về chôn cất thân sinh trước đã. Chúa trả lời: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo triều đại Thiên Chúa” (Lc 9, 54). Thế là anh phải đứng trước một chọn lựa giữa người thân và việc loan báo Tin Mừng.

Người thứ ba xin đi theo Chúa, nhưng xin phép về từ biệt gia đình. Chúa đòi anh phải chọn lựa dứt khoát: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” ( Lc 9, 62).

Thực ra, Chúa Giêsu rất coi trọng việc hiếu kính cha mẹ. Người phán: “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4). Nhưng Người cũng dạy chúng ta phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, nghĩa là Chúa muốn chúng ta chọn lựa đâu là ưu tiên số một, đâu là ưu tiên thứ yếu. Đối với người tín hữu Kitô, ưu tiên số một chính là việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa, nó quan trọng hơn cả cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình nữa (Lc 14,26).

Giữa Chúa và cuộc đời cần phải có một thái độ dứt khoát. Chúa không muốn những người đi theo Chúa nửa vời. Phải luôn có một thái độ dứt khoát.

Một nhà buôn ở Franfurt muốn tìm một em bé trai để lo việc giao hàng cho ông. Có một người anh cả trong một gia đình gồm 07 người anh em, 16 tuổi đến xin việc làm. Nhân viên tiếp tân ở phòng khách gật gù đầu nói:

– Cậu không có nhiều may mắn lắm. Trước cậu đã có 52 người đến xin việc rồi. Tuy nhiên, cậu có thể thử thời vận.

Nhân viên này dẫn chàng trai trẻ này vào phòng ông chủ. Ông chủ tiếp chuyện thân mật với người xin việc, đặt nhiều câu hỏi và sau cùng rút ra một bao thuốc lá, ông lấy một điếu và nói với chàng trai:

– Mời cậu một điếu.

– Cám ơn ông, nhưng cháu không hút thuốc.

– Thế nào? Cậu không hút thuốc ư? Nhưng anh bạn của tôi ơi, để làm một người lớn, cần phải biết hút thuốc. Đừng rồ dại nữa!

– Không, Cháu cám ơn bác. Cho đến nay cháu vẫn không hút thuốc và cháu cũng không muốn bắt đầu.

Thế rồi ông chủ chìa tay ra cho anh:

– Tôi nhận cậu vào làm việc. Cậu là người thứ 53 đến gặp tôi xin việc, nhưng cậu lại là người đầu tiên không nhận điếu thuốc. Cậu thích hợp với tôi.

Và ném điếu thuốc ông nói thêm:

– Tôi cũng vậy, tôi không hút thuốc.

Đó chúng con thấy thái độ dứt khoát trọng cuộc sống quan trọng như thế nào. Chúa cũng muốn có thái độ đó đối với những ai muốn làm môn đệ Chúa. Amen.

“Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê.

Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.”(Lc 9,17)

Chúng con yêu quí,

1. Hôm nay chúng ta mừng lễ gì chúng con?

– Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa.

– Rất đúng.

– Việc Chúa bảo Chúa lấy Mình Chúa làm của ăn và Máu Chúa làm của uống lần đần tiên được Chúa làm lúc nào chúng con?

– Thưa cha: Trong bữa Tiệc Ly trước khi Chúa đi chịu chết.

– Đúng rồi! Chúng con rất giỏi. Đúng là Chúa đã làm một việc mà con người không thể ngờ tới. Việc Chúa làm mãi về sau người ta mới hiểu được. Chúa làm việc đó để thực hiện một lời hứa: “Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho tới ngày tận thế”(Mt 28,20).

Chúa hứa ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế nhưng làm thế nào để cho lời hứa đó thành sự thật được?

Làm sao mà một người như Chúa lại có thể làm được việc đó. Chúa có phải là một ngưởi có đời sống “bất tử’ đâu? Chúa đã chịu chết trên Thánh Giá và như Tin Mùng kể lại Chúa đã lên trởi rồi mà! Thế thì làm sao mà Chúa lại bảo là Chúa ở cùng chúng ta cho đến ngày tận thế. Đúng là Chúa không thể nào làm được như thế nếu Chúa chỉ là một con người như bao người khác. Nhưng chúng con nhớ Chúa không phải chỉ là người mà Chúa còn là Thiên Chúa. Và với tư cách là một Thiên Chúa, Chúa có thể làm được tất cả những gì Chúa muốn. Những gì con người không thể nghĩ ra, không thể làm được thì Chúa làm được. Chúng ta đã từng được thấy những việc lạ lùng Chúa làm trong Tin Mừng. Thí dụ như việc Đức Mẹ được chịu thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, thí dụ rõ rệt nhất như việc Chúa tự mình sống lại từ cõi chết. Thế thì việc Chúa muốn ở lại với loài người cho đế ngày tận thế cũng là việc Chúa làm được thôi.

Chúa làm bằng cách nào chúng con biết không?

– Thưa Chúa làm qua con đường Bí Tích.

Chúng con còn nhớ trước khi phó mình để chịu chết, trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh Chúa đã làm gì không?

– Chúa đã lập Bí tích Thánh Thể và chức Linh Mục.

Bí tích Thánh thể để biến bánh thành Mình Thánh Chúa, biến rượu nho thành Máy Thánh Chúa.

Chúng con có nhớ Chúa nói thế nào không? Tin Mừng còn ghi thật rõ: “Cũng trong bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.” Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.(Mt 26,26-29) và ngay sau đó Chúa truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.”(Lc 22,19).

Bí tích Thánh Thể để biến bánh thành Mình Chúa, biến rượu thành Máu Thánh Chúa. Chức Linh Mục đề cho việc này được được làm đi làm lại mãi mãi cho đến ngày tận thế để Chúa ở cùng chúng ta cho đến ngày tận thế.

Cha nói lại một lần nữa. Đây là việc chỉ có quyền phép của Chúa mới làm được. Chúa đã dùng Bí tích Thánh Thể để ban sự sống của Chúa cho chúng ta. Chúng ta hảy cám ơn Chúa về việc quá vĩ đại này.

2. Bây giờ cha hỏi thêm chúng con: Vì Sao Chúa Lại Muốn Trao Ban Sự Sống Cho Chúng Ta?

Chúa muốn trao ban cho chúng ta sự sống của Chúa để chúng ta được sống bằng chính sự sống của Ngài, và sống thật dồi dào.

Chúng con con biết, khi nhận Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống thần linh của chính Ngài, nhưng sự sống đó còn non nớt, còn ở trong tình trạng phôi thai, luôn bị đe dọa bởi cám dỗ, tội lỗi, có nguy cơ suy thoái, lụi tàn. Chính vì thế mà mỗi ngày Chúa Giêsu dùng Mình Máu Ngài để tiếp sức và cho chúng ta có thêm sức sống mới để Ngài gìn giữ, củng cố, nuôi dưỡng đời sống thần linh trong chúng ta. Chẳng những vậy mà còn làm tăng trưởng, làm cho sự sống đó thêm tràn đầy, sinh hoa kết quả dồi dào trong tâm hồn. Cũng giống như mỗi ngày chúng ta phải ăn uống tiếp nhận thêm thực phẩm để duy trì và bảo vệ sự sống của chúng ta vậy.

Như vậy chúng ta không được coi Bí tích Thánh Thể chỉ như là một thứ phụ thuộc bên ngoài, một thứ gia vị không cần thiết, một thứ quà ăn dặm thêm ngoài bữa. Nhưng là một nhu cầu, một lương thực chính yếu. Nhiều khi Mình Máu Chúa Giêsu còn cần thiết như một phương thế cấp cứu, giống như dưỡng khí, nước biển để cấp cứu bệnh nhân. Không có Chúa Giêsu Thánh Thể bổ dưỡng, chúng ta khó có thể sống một cuộc sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Không có Chúa Giêsu Thánh thể giúp đỡ chúng ta khó mà sống được một cuộc sống đáng nể phục.

Cha kể cho chúng con câu chuyện có thục này: Mẹ thánh Têrêxa ở Calcutta có một quy định này: khi một ai mới đến để xin gia nhập vào dòng của Mẹ, Dòng Thừa Sai Bác ái, thì ngay ngày hôm sau, người ấy phải đến Nhà Bệnh nhân Hấp hối.

Một ngày kia, có một cô gái từ bên ngoài nước Ấn Độ đến và Mẹ thánh Têrêxa đã nói với cô: “Chắc là con đã thấy linh mục chạm vào Đức Giêsu trong bánh thánh lúc cử hành thánh lễ với sự yêu thương và chăm sóc như thế nào rồi chứ!. Bây giờ con cũng đi đến Nhà của những người hấp hối và làm như thế, bởi vì con sẽ tìm thấy ở đó, trong những thân thể đau thương của người nghèo. Họ chính là  thân thể Đức Giêsu”

Chị ấy ra đi và ba giờ sau chị trở về và với nụ cười trên môi, chị nói với Mẹ: “Thưa Mẹ, con đã chạm vào thân thể Đức Kitô trong suốt ba giờ!”

– Thế nào? Con đã làm gì? Mẹ Têrêxa hỏi chị.

–  Khi con đến đó “, chị đáp “người ta khiêng vào một người đàn ông đã ngã xuống một cống nước, và đã nằm ở đó trong một thời gian. Người ông bẩn  thỉu và có vài vết thương. Con đã tắm rửa và lau các vết thương cho ông. Khi con làm như thế, con biết rằng con đã chạm vào thân thể của Đức Kitô”. Để có thể sống được cuộc sống đáng nể phục như thế, con người phải cậy dựa vào sự giúp đỡ của chính Chúa mà trên hết là sự giúp đỡ mà Thánh Thể đem lại.

Chính Mẹ Têrêxa cũng đã phải khẳng định: “Trong Bí tính Thánh Thể, tôi nhận được lương thực tâm linh nâng đỡ tôi trong mọi công việc. Không có Thánh Thể, tôi không thể sống nổi dù chỉ  một ngày  hoặc một giờ trong đời tôi ”

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể xin làm cho mọi người chúng con biết nhận ra Chúa trong mỗi người chúng con gặp và cho chúng con biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con.