GXTĐ – Tông huấn Amoris Laetitia Niềm vui của Tình yêu (trích)
Đức Giáo Hoàng Phanxicô

109. Thành ngữ chaírei epÌ te adikía có liên quan tới một tính tiêu cực ẩn sâu trong lòng người ta. Đó là thái độ độc ác của những người vui mừng khi thấy người khác phải chịu đựng sự bất công. Cụm từ sygchaírei te aletheía diễn tả điều ngược lại, có nghĩa là “vui mừng khi thấy điều chân thật. Nói cách khác, chúng ta vui mừng về điều tốt lành của người khác khi chúng ta thấy phẩm giá của họ và trân trọng các khả năng và các việc tốt của họ. Điều này là không thể đối với những ai luôn luôn so kè và ganh đua, ngay cả với vợ hay chồng mình, để rồi vui mừng trong lòng trước những thất bại của người ấy.

5 Phút Lời Chúa Mỗi Ngày: Phi-la-tô hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18,37)

Suy niệm: Đức Giê-su khẳng định: mục đích Ngài đến thế gian là để làm chứng cho sự thật. Sự thật nào? – Sự thật là Ngài, vốn là Thiên Chúa, nhưng chấp nhận nhập thể làm người, sống kiếp người như bao người (ngoại trừ tội lỗi), chết dưới bàn tay con người, nhưng rồi sẽ sống lại. Sự thật ấy mình chứng rằng thế gian chuộng bóng tối hơn ánh sáng (Ga 3,16); dù vậy, Đức Giê-su vẫn một mực gắn bó với thế gian, bởi Ngài đến tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất (Lc 19,10). Sự thật ấy không nhằm tố cáo thế gian bội nghĩa, cho bằng minh chứng Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi dám trao ban chính Con Một của mình (Ga 3,16). Tình yêu ấy là THẬT. Vấn đề con người có nhìn nhận sự thật ấy để được thuộc về sự thật hay không?

Mời Bạn: Mặc dù là Vua, nhưng Đức Ki-tô không ép ai thừa nhận, Ngài chỉ mời gọi: “Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi”. Như thế, để thuộc về Vương quốc của Ngài, không phải cứ kêu lên “lạy Chúa” hay “tâu Vua” mà là đứng về phía sự thật. “Sự thật” ấy là tiếp tục diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian, và phải diễn tả cách trung thực như Vua Ki-tô: “Ai thấy Thây là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9)

Sống Lời Chúa: Sự thật mà Vua Ki-tô muốn chúng ta làm cho sáng tỏ là “Hãy yêu thương nhau như Thây đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

Cầu nguyện: Lạy Vua Ki-tô, xin ban Thần Khí dẫn chúng con đến sự thật toàn vẹn. Amen.

THÔNG TIN GIÁO XỨ:

Các linh mục phụ trách: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng – Lm. Đaminh Phạm Khắc Duy – Lm. Phêrô Ngô Lập Quốc – Lm. G.B Đỗ Quốc Vinh

Thánh lễ:

  • Ngày thường: 5g00; 6g15; 17g30; 19g00
  • Chúa nhật: 5g00; 6g15; 7g30; 9g00; 16g00; 17g30; 19g00

Giải tội: Sau lễ sáng & trước lễ chiều ngày thường; Chúa nhật: 17g00 – 19g00

Chầu Thánh Thể: Mỗi ngày tại nhà chầu; 15g ngày Chúa nhật tại nhà thờ.

Rửa tội trẻ em: 10g15 Chúa Nhật mỗi cuối tháng

Văn phòng giáo xứ:

  • T3-T7: 7g30 – 11g30; 14g30 – 18g30
  • Chúa nhật: 6g30 – 10g30; 16g30 – 20g30
  • Thứ hai nghỉ cả ngày

LỊCH TUẦN 25/11 – 01/12

  • Chúa nhật, 25/11: CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN. ĐỨC KI TÔ VUA VŨ TRỤ. Lễ trọng
  • Thứ hai, 26/11:
  • Thứ ba, 27/11:
  • Thứ tư, 28/11:
  • Thứ năm, 29/11:
  • Thứ sáu, 30/11;Thánh AN-RÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính
  • Thứ bảy, 01/12: Thứ bảy đầu tháng

Thông báo: Tuần 25/11 – 01/12/2018

Số tiền anh chị em giúp cho giáo điểm truyền giáo Doi Lầu & An Nghĩa được 300 triệu đồng. Xin cảm ơn sự quảng đại của anh chị em.

LỄ ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ

Trong cuộc đời Chúa Giêsu, biến cố thể hiện vương quyền của Chúa Giêsu là biến cố Chúa lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha trong vinh quang. “Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao ban cho Ta”. Đó là lời quả quyết của Chúa Kitô Phục Sinh trước khi sai các Tông Đồ ra đi rao giảng Tìn Mừng cho mọi tạo vật, Như vậy, ngày lễ Chúa Thăng Thiên có thể nói là ngày mừng kính vương quyền của Chúa Giêsu Kitô một cách phù hợp hơn cả. Thế nhưng tại sao Giáo Hội lại mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vào Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ?

Năm phụng vụ tượng trưng cho chu kỳ thời gian bắt đầu từ Thiên Chúa và cuối cùng trở về với Ngài. Thiên Chúa là khởi đầu và là cuối cùng của lịch sử. Kết thúc năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc lại giây phút chấm dứt, giây phút vũ trụ đạt đến cùng đích tột cùng là Thiên Chúa, giây phút Chúa Giêsu Kitô trở lại trong vinh quang. Trong viễn cảnh này thật là điều thích hợp cho việc Giáo Hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ. Ngài đã nhập thể làm người trong một lịch sử dân tộc, cụ thể để thiết lập Nước Thiên Chúa trong lịch sử con người, và kể từ giây phút đó, Nước Thiên Chúa luôn luôn được phát triển, được lan rộng, cho đến mức thành toàn cuối cùng khi Chúa Giêsu Kitô ngự đến và đưa tất cả về cùng Thiên Chúa Cha.

Chúa Giêsu Kitô là Vua không những vì Ngài đã sinh ra làm người, thuộc dòng dõi vua Đavid, mà hơn nữa vì Ngài là Con Thiên Chúa, mọi sự nhờ Ngài mà được hiện hữu sinh động. Nhưng trớ trêu thay, Chúa Giêsu Kitô không thiết lập vương quốc của Ngài như một vương quốc phàm trần và bằng những phương tiện phàm trần như chiến tranh, chiếm đoạt bằng sức mạnh bạo lực. Không, nước Thiên Chủa được Chủa Giêsu thiết lập một cách kỳ diệu bằng một hành động hy sinh cao cả trên thập giá, tột đỉnh của cuộc đời của Chúa trên trần gian để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.

Chúa Giê-su là vua khi Người bị treo lên thập giá. Thiên Chúa đã dùng hành động bêu xấu của quan Philatô khi quan này cho khắc ghi trên thập giá Chúa dòng chữ: “Đây là Vua dân Do Thái”. Thiên Chúa đã muốn dùng hành động bêu xấu này như muốn nhắc nhở con người, để mặc khải cho con người một sự thật không thể chối bỏ được rằng: Chúa Giê-su Ki-tô là Vua. Ngài trổi vượt lên trên mọi người không những vì Ngài là Con Thiên Chúa làm người, mà vì Ngài đã thực hiện một hành động cao cả tuyệt vời: hy sinh mạng sống mình vì yêu thương con người để cứu rỗi con người.

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

24/11 – Thứ bảy tuần 33 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM. Bổn mạng của Giáo Hội Việt Nam. Lễ Trọng.
“Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết”.

Lời Chúa: Mt 10, 17-22

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.

  • Suy niệm:

Chúa Giêsu báo trước về những cuộc bách hại sẽ xảy đến trong sứ vụ các tông đồ. Người cho biết Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn các ông hoàn tất sứ vụ nếu biết tin tưởng và cậy trông vào Thiên Chúa.

Thật vậy, Thánh Anrê Dũng Lạc và các thánh Tử đạo Việt Nam đã hoàn tất sứ vụ của mình bằng niềm tín thác, sẵn sàng hy sinh, đón nhận cái chết như một minh chứng tình yêu và lòng trung hiếu để cho mọi người nhận biết đạo Chúa Kitô là đạo thật. Máu của các ngài là nguồn ân sủng để thăng tiến đức tin của chúng ta. Do đó, là con cháu của các thánh, chúng ta hãy noi gương các ngài dám tín thác vào tình yêu của Chúa can đảm làm chứng cho Chúa và tuyên xưng đức tin bằng chính cuộc sống hằng ngày của mình, hầu đức tin của cha ông vẫn tiếp tục lưu truyền cho con cháu mai sau.

  • Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, trước tình trạng tục hóa của xã hội hiện nay, xin Chúa ban ân sủng để gia đình chúng con đủ can đảm sống đức tin và dấn thân xây dựng Nước Chúa, hầu xứng đáng là con cháu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Amen.

Nguồn: Gia đình cầu nguyện
với Lời Chúa hằng ngày

23/11 – Thứ sáu tuần 33 thường niên.
“Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm cướp”.

Lời Chúa: Lc 19, 45-48

Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: “Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp”. Và hằng ngày Người giảng dạy trong Ðền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.

  • Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ. Đền thờ là nhà cầu nguyện, nhưng những người lãnh đạo tôn giáo lúc đó đã biến Đền thờ thành cái chợ, thành nơi “buôn thần bán thánh”. Vì thế, Chúa Giêsu cương quyết thanh tẩy Đền thờ để Đền thờ thực sự là Nhà của Chúa, Nhà cầu nguyện. Tâm hồn chúng ta cũng là đền thờ của Thiên Chúa như Thánh Phaolô nói. Thế nhưng, tâm hồn tôi có thực sự là Nhà của Chúa không hay đã biến thành cái chợ suốt ngày ồn ào và dơ bẩn? Tâm hồn tôi có phải là nhà cầu nguyện không hay Thiên Chúa đã bị đẩy ra ngoài, và thay vào đó là đủ thứ toan tín tội lỗi.

  • Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin thanh tẩu tâm hồn chúng con, xin biến gia đình chúng con thành mái ấm của tình thương yêu, sống hết mình cho nhau, để xứng đáng là nhà của Chúa và nhà cầu nguyện.

Nguồn: Gia đình cầu nguyện
với Lời Chúa hằng ngày

“Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy. Là chúng con yêu thương nhau”. (Ga 13, 35)

Dấu chỉ mà Chúa Giêsu muốn nhắc đến ở đây là dấu chỉ của sự yêu thương. Không có yêu thương, con người sẽ chết trong tội lỗi.

Bàn tay mang dấu đinh của Chúa Giêsu là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Bàn tay phía dưới vừa là bệ đỡ vững chắc cho gia đình vững vàng trước sóng gió, nâng đỡ bảo bọc gia đình trong tình yêu nồng nàn của Chúa. Dấu đinh tình yêu này nhắc nhớ mỗi gia đình cũng phải hy sinh, quên mình, và yêu thương.

Trái tim được gắn kết từ hai ngọn sóng diễn tả chiều kích sâu xa của tình yêu. Ngọn sóng là hiện thân của những gian nguy, bất trắc trong cuộc sống gia đình luôn ập đến bất cứ lúc nào. Nhưng với lòng tín thác vào Thiên Chúa là tình yêu, sóng gió sẽ tan biến, đức tin sẽ trở thành nguồn trợ lực dẫn đưa gia đình vượt qua mọi khó nguy để đến được bến bờ an vui, gắn kết mỗi thành viên nên hiệp nhất trong trái tim yêu thương tuyệt hảo.

Gia đình chính là nơi bắt đầu cho một tình yêu. Hình ảnh Gia đình hướng đến Thánh giá được phác họa như chính lời tuyên thệ năm xưa của đôi hôn phối trước mặt Thiên Chúa và Hội thánh. Đồng thời, hình ảnh này thúc đẩy các Gia đình Công giáo đang sống trong đau khổ, chạy đến với Tình Yêu cứu độ từ Thánh giá Chúa Giêsu để được nâng đỡ và chữa lành.

Hình ảnh Thánh giá được đặt ở đỉnh cao diễn tả Hội Thánh là chứng từ Tình Yêu của Thiên Chúa giữa cuộc đời. Chim bồ câu diễn tả sự hiện diện sống động của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống và đảm bảo sự đồng hành thiết thân của Hội thánh với Gia đình. Hội thánh được khai sinh từ tình yêu Thiên Chúa, vì thế các Gia đình Công Giáo cần trở thành chứng nhân tình yêu trong cuộc sống.

Màu sắc chủ đạo được thể hiện là sắc đỏ nồng cháy của lửa. Đó là ngọn lửa tình yêu, xuất phát từ trái tim yêu thương của Thiên Chúa dành cho các Gia đình. Màu vàng của Thánh giá là dấu chỉ mời gọi các Gia đình phải sống trọn vẹn bí tích hôn nhân. Màu trắng tinh khôi thúc đẩy tình yêu thuần chất, biết vượt thắng cám dỗ, biết tha thứ, hoán cải và khao khát được chữa lành. Ba màu sắc này được phối quyện để khắc họa thông điệp gửi gắm đến các gia đình đang đau khổ.

Nguồn: TGP Sài Gòn

22/11 – Thứ năm tuần 33 thường niên – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
“Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi”.

Lời Chúa: Lc 19, 41-44

Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: “Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng”.

  • Suy niệm:

Lời than trách và tiếc thương của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay về dân thành Giêrusalem, đã là một bằng chứng cho thấy họ đang xa lìa cốt lõi của ơn cứu độ, của sứ điệp hoà bình mà Chúa đem lại. Họ chi nhìn thấy sự nguy nga tráng lệ bên ngoài, trong khi không nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ đang ở giữa họ. Chúa Giê-su mong đợi gia đình tôi trở thành một Đền Thờ, không phải là sang trọng, giàu có vật chất, nhưng là một Đền Thờ tràn đầy Lời Chúa, cầu nguyện, tình thương và ánh sáng.

  • Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, xin cho gia đình chúng con biết yêu mến và sống Lời Chúa dạy, để gia đình chúng con trở thành Đền Thờ cho Chúa ngự.

Nguồn: Gia đình cầu nguyện
với Lời Chúa hằng ngày

21/11 – Thứ tư tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
“Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Đây là mẹ Ta và là anh em Ta”.

Lời Chúa: Mt 12, 46-50

Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: “Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia”. Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: “Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy”.

WGPSG — “Chỉ có tình yêu đích thực mới là cái nôi an toàn cho giáo dục, giáo dục trong gia đình cũng như giáo dục ở học đường”.

Đó là lời chia sẻ của Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục TGP Sàigòn – chủ tế Thánh lễ kỷ niệm 95 năm thành lập Trường Lasan Đức Minh, diễn ra vào lúc 10g30 sáng Chúa nhật 18/11/2018 tại nhà thờ Tân Định. Đồng tế với ngài có cha Chánh xứ Tân Định Phaolô Nguyễn Quốc Hưng, cha Felix Nguyễn Văn Thiện, cựu học sinh Đức Minh, và cha khách: Giuse Nguyễn Văn Khiêm, phụ trách giáo xứ Doi Lầu, hạt Xóm Chiếu.

Mở đầu Thánh lễ, Đức cha Luy giới thiệu với cộng đoàn quý cha đồng tế với mình, trong đó có cha Felix Nguyễn Văn Thiện là cựu học sinh Đức Minh. Đức cha cũng giới thiệu 4 sư huynh Lasan, quý thầy cô, quý ân nhân, các cựu học sinh Lasan Đức Minh và các bạn cựu học sinh các Trường Lasan khác. Đức cha nói: “Chúng ta tất cả là anh em với nhau dưới mái trường của thánh tổ phụ Gioan Lasan, giờ đây chúng ta lắng đọng tâm hồn để bước vào Thánh lễ”.

Đến phần giảng lễ, để mở đầu, Đức cha Luy bộc bạch: Suốt quãng đời học sinh của mình, tôi đã học toàn ở các trường Lasan: Mossard, Taberd, Đức Minh, Trần Quốc Tuấn. Nhưng hôm nay chúng ta tụ họp nhau đây, không phải chỉ để mừng mừng tủi tủi giữa bạn bè thầy trò nhưng là để “Uống nước nhớ nguồn”. Cội nguồn đầu tiên là thánh tổ phụ Gioan Lasan với linh hứng là giáo dục trẻ em nghèo, chủ yếu là giáo dục về nhân bản và đức tin. Cội nguồn kế tiếp là các sư huynh Dòng Lasan, quý thầy cô. Nhưng thánh Gioan Lasan cũng được khởi hứng từ Cội Nguồn vĩ đại, đó là Đức Giêsu Kitô.

Đức cha chia sẻ tiếp: Khi xưa chúng ta đào tạo thanh thiếu niên trở thành những con người toàn diện, chẳng những về trí dục mà còn về đức dục, thể dục, tâm linh. Ngày nay người ta chỉ chú ý đào tạo về mặt tri thức thôi. Người ta chỉ cốt đào tạo sao cho học sinh sau này trở thành ông này bà nọ, còn việc đạo đức, tâm linh hầu như bị bỏ quên. Vì thế, suốt mấy chục năm qua, đạo đức xã hội suy đồi, việc giáo dục rơi vào 1 thảm trạng trầm trọng. Đó là kết quả của việc giáo dục tri thức mà không có đạo đức.

Trong Thánh lễ hôm nay, Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta cùng với các thánh và thánh tổ phụ Gioan Lasan, quan thầy các nhà giáo dục, cầu xin Chúa tuôn tràn muôn ơn phúc xuống trên các vị lãnh đạo Việt Nam để các ngài thay đổi não trạng, xây dựng được 1 nền triết lý thật sự cho việc giáo dục đào tạo con người. Phải có 1 niềm tin, 1 chân lý hướng tới, thì mới xây dựng được triết lý đó.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhắc cho chúng ta nhớ nguồn chân lý ấy: Kẻ đã vì tình yêu mà đã chết và đã sống lại, Đức Giêsu Kitô. Chỉ có tình yêu đích thực mới là cái nôi an toàn cho giáo dục, giáo dục trong gia đình cũng như giáo dục ở học đường. Nôi an toàn, vì khi học trò lãnh nhận trong niềm tin tưởng, trong sự an toàn của tình yêu mến của thầy cô, của môi trường giáo dục, của bạn bè thì tất cả các kiến thức, các giá trị mới được truyền tải thật sự cho con người.

Thầy cô cũng là những vị thánh tử đạo vì đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho các học trò. Thầy cô cũng là cha mẹ do sự lan tỏa của tình yêu, yêu học trò như những đứa con của mình. Nhờ đó, sau này khi học trò lớn lên, ảnh hưởng của nền giáo dục đó, mới trở nên những con người biết quên mình để phục vụ đất nước, phục vụ mọi người. Đó chính là con đường mà Giáo hội hằng mong muốn.

Cuối lễ, anh đại diện cựu học sinh Lasan Đức Minh đã lên cám ơn và tặng hoa cho Đức cha, quý cha đồng tế. Anh cũng cám ơn quý sư huynh, thầy cô, ca đoàn Gloria và tất cả những ân nhân, quan khách, các cựu học sinh đã đến dự lễ đông đảo.

Kết thúc Thánh lễ, Đức cha, quý cha đồng tế đã chụp hình lưu niệm với các sư huynh và các cựu học sinh. Sau đó, mọi người lên lầu 3 dự tiệc sum họp vui tươi, hàn huyên rôm rả.

Tin: Hữu Lễ & Ảnh: Trần Văn
Nguồn: TGP Sài Gòn

20/11 – Thứ ba tuần 33 thường niên.
“Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

Lời Chúa: Lc 19, 1-10

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.

Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi”.

Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng, Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điễu gì đã hư mất”.

  • Suy niệm:

Điều xấu không phát ra từ nơi công việc hay nghề nghiệp, nhưng điều xấu hoặc điều tốt phát xuất từ chính tâm tưởng và ước muốn của con người. Từ ước muốn được nhìn thấy Chúa Giêsu, ông Giakêu đã gặp Chúa, đã nhận ra tình thương của Chúa và quyết định đổi mới cuộc đời. Ông ý thức rằng trong sự giàu có của ông có sự bất công. Chính vì vậy, ông đã tự nguyện đền bù gấp bốn lần, đồng thời làm việc bác ái giúp người túng thiếu. Sám hối đích thực có nghĩa là đổi mới đời sống cho hợp với tinh thần của Chúa. Ước chi chúng ta cũng sống tinh thần đổi mới ấy và được nghe lời Chúa phán: “Hôm nay người nhà này được ơn cứu độ.”

  • Cầu nguyện:

Lạy Chúa, nhiều lần chúng con đã đối xử bất công với Chúa và với người khác. Xim Chúa ngự đến trong gia đình chúng con như Chúa đã viếng thăm gia đình ông Giakêu, để đời sống của chúng con được đối mới và nhận được ơn cứu độ.

Nguồn: Gia đình cầu nguyện
với Lời Chúa hằng ngày

GXTĐ – Trong quá khứ, các bậc cha ông chúng ta cùng những bước chân của những vị Thừa Sai đã gieo xuống mảnh đất này hạt giống đức tin, nay hạt giống ấy đã trỗi sinh kết quả nơi sự phát triển của giáo hội tại Việt Nam thân yêu.

Cùng với toàn thể giáo hội, hôm nay giáo xứ chúng ta long trọng cử hành Thánh lễ mừng kính các Thánh tử đạo Việt Nam. Thánh lễ được diễn ra vào lúc 16 giờ ngày 18/11/2018 do Cha Sở Phaolô Nguyễn Quốc Hưng chủ tế. Đây cũng là dịp ca đoàn Hương Chiều của giáo xứ mừng bổn mạng.

Chia sẻ trong bài giảng lễ, Thầy Sáu Đaminh đã cùng cộng đoàn nhắc nhớ nhau 3 điểm quan trọng của năm thánh đã được nêu trong thư công bố năm thánh của Hội đồng Giám Mục Việt Nam:
+ Thứ nhất, trong năm thánh chúng ta được mời gọi đi hành hương thăm viếng các thánh tích của Thánh tử đạo để được hưởng ơn toàn xá cùng với việc làm các việc bác ái tông đồ và việc sám hối hy sinh.
+ Thứ hai, cùng chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của các Thánh tử đạo Việt Nam để hiểu thêm về lịch sử hội thánh đồng thời thúc đẩy chúng ta noi gương giống như các ngài.
+ Thứ ba, năm thánh cũng nhằm nhắc nhở và thúc đẩy chúng ta sống tinh thần tử đạo trong môi trường hiện nay.

Điểm lại thư công bố của Hội đồng Giám Mục để qua đó, mỗi người chúng ta hãy kiểm điểm lại đời sống đức tin của mình. Giờ đây, chúng ta hãy sẵn sàng để noi gương các Thánh tử đạo hy sinh vì Chúa và vì Tin Mừng bởi lời mời gọi theo chúa ở mọi thời đại vẫn luôn là như thế: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.

Thật đáng tiếc nếu như năm thánh qua đi mà chúng ta không có một sự biến đổi nào, cũng như đức tin không được củng cố mạnh mẽ hơn, không yêu mến chúa hơn. Trong ngày hôm nay, chúng ta hãy để cho lời các Thánh tử đạo được vang lên hầu nhắc nhở và nâng đỡ đời sống đức tin của chúng ta.

Trước mặt quan huyện và sự lựa chọn giữa sống và chết, Thánh Giuse Lựu đã nói: “Đạo đã nhập vào xương tủy tôi, làm sao tôi có thể bỏ được” Hay Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh cũng nói rằng: “Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý. Nhưng linh hồn là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được”. Còn Thánh Emanuel Lê Văn Phụng thì nói với các con :”Con ơi hãy nhận lấy kỷ vật cha trao lại. Đây là ảnh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ảnh này quý hơn vàng bạc bội phần” và còn rất nhiều những câu nói khác nữa mà các ngài đã cất lên một cách mạnh mẽ để tuyên xưng niềm tin của mình và làm chứng cho đức tin trước những thử thách gian nan. Máu các ngài đổ xuống đã gìn giữ và gieo trồng đức tin trên quê hương Việt Nam cho đến ngày hôm nay là những lời chứng xác thực cho Tin Mừng.

Đức tin là ơn Chúa ban, nhưng ơn ban ấy có thể lớn lên trong lòng giáo hội hay không là điều mà Thiên Chúa trao trách nhiệm cho mỗi người chúng ta. Các Thánh tử đạo Việt Nam đã hoàn thành trách nhiệm ấy cách xuất sắc và giờ đây đến lượt mỗi người chúng ta.

Mỗi người tự chịu trách nhiệm về đời sống đạo của mình, thế nhưng chính cách chúng ta sống đạo sẽ mang ảnh hưởng đến những người xung quanh. Làm sao người dân ngoại có thể tin Chúa khi chính chúng ta vẫn đang rất hời hợt và thậm chí thiếu cả đạo đức. Làm sao người ta có thể yêu mến Chúa khi chứng kiến những ích kỉ, nhỏ nhen và thiếu tình bác ái, huynh đệ nơi anh em không?

Qua gương của các vị Thánh tử đạo, chúng ta được mời gọi tử đạo mỗi ngày nếu dám từ bỏ cái tôi, từ bỏ những ý riêng của mình để sống theo ý Chúa và thực hành những lời dạy của Chúa.

Ngày hôm nay, cộng đoàn giáo xứ chúng ta cũng chúc mừng, và cũng cầu nguyện thật nhiều cho ca đoàn Hương Chiều đã chọn các Thánh tử đạo Việt Nam là bổn mạng cho gia đình của mình. Xin cho ca đoàn Hương Chiều luôn dõi theo gương sống động và tử vì đạo của các Thánh giúp cộng đoàn đến gần với Chúa qua lời ca tiếng hát.

Xin các Thánh tử đạo Việt Nam luôn chuyển cầu cùng Chúa cho mỗi người chúng ta hầu mai này chúng ta được đứng trong hàng ngũ các ngài mà ca tụng và tôn vinh danh Chúa.

Loading…