Thiếu nhi chúng con yêu quí

Cha đố chúng con hôm nay là ngày lễ gì ?

– Thưa cha lễ kính các thánh Tử Đạo tại Việt nam.

– Rất chính xác! Chúng con giỏi.

– Thế tử đạo là làm sao chúng con.

– Thưa tử Đạo là chết vì Đạo.

– Thế Đạo đây là Đạo nào nhỉ ?

– Dạ thưa Đạo Chúa.

– Chúa nào ?

– Dạ thưa Chúa Giêsu.

A. Như vậy Tử Đạo là dám chết vì tin vào Chúa Giêsu và nhất định không từ bỏ niềm tin đó cho dù có phải chết, chết thật đau thương, chết thật anh hùng.

Cha nhớ trong ngày trong sắc phong 64 vị tử đạo Việt Nam lên hàng chân phước ngày 27.5.1900, Đức Thánh Cha Lêô XIII đã nói:”Đây là những chiến sĩ trung liệt và kiên cường không kém gì những chiến sĩ ngày xưa trong những thế kỷ khai nguyên của Giáo Hội

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ II trong bài giảng ngày lễ tôn phong 117 vị anh hùng tử đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh cũng phát biểu tương tự như thế. Ngài nói: “Từ năm 1533 tức là từ khi cuộc rao giảng Tin Mừng Kitô bắt đầu tại vùng Đông Nam Á, Giáo Hội Việt Nam trong suốt 3 thế kỷ đã phải chịu những cuộc bách hại liên tiếp nhau với một vai giai đoạn lắng dịu giống như các cuộc bách hại mà Giáo Hội tại Tây Phương đã chịu trong 3 thế kỷ đầu tiên. Đã có hàng ngàn tín hữu Kitô chịu tử đạo và rất nhiều người khác đã chết trong rừng núi, những vùng ma thiêng nước độc, nơi mà họ bị lưu đày tới”.

Thế chúng con có biết các thánh Tử Đạo Việt nam chịu chết vào thời gian nào trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta không ? Cha trả lời cho chúng con ngay.

+ Thời gian không xa chúng ta lắm. Các Ngài đã chịu chết ngay trên đất nước Việt nam này. Thời gian bắt đầu vào năm 1580 và chỉ kết thúc hoàn toàn vào năm 1888 có nghĩa là chỉ cách chúng ta hơn một thế kỷ kéo dài gần 3 thế kỷ. 3 thế kỷ ba thế hệ của cuộc sống làm người.

Cha hỏi tiếp: Chúng con có biết có bao nhiêu người đã chịu chết như vậy không ? Con số những người chịu ảnh hưởng của cuộc bách hại này không nhỏ: Lịch sử cho chúng ta thấy những người chịu ảnh hưởng của cuộc bách hại rất lớn.

* Có khoảng 400.000 người bị lưu đày, phát lưu và phân sáp.

* 130.000 người đã chết vì đạo trong số này đã có 117 vị được Giáo Hội chính thức tôn phong lên hàng hiển thánh vào ngày 19.6.1988 cách đây 12 năm.

Thế còn các hình khổ các thánh Tử Đạo Việt nam đã phải chịu là những hình khổ nào ?

Các ngài đã phải chịu mọi thứ cực hình mà người ta có thể nghĩ ra được

Thì dụ như bị gông cùm, bị xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói, bị voi giày, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng vv.Đó là những hình phạt tương đối nhẹ.

Bên cạnh đó còn có những hình khổ thật quyết liệt như bị trảm quyết – tức là bị chặt đầu- bị xử giảo – tức là bị thắt cổ -, hay bị thiêu sống.hoặc Vô cùng man rợ và hiểm độc như bị xử lăng trì – phân thây ra từng mảnh hay là xứ bá đao. Đây chúng con nghe câu chuyện về việc bị xử bá đao của Cha Cố Du:

Ngày 30-11-1835 họ chọn Thợ Đức làm pháp trường để xử Ngài.

Sáng sớm hôm đó, họ điệu ngài đến nơi hành hình. Bên một lò than đang cháy đỏ rực có 5 tên lính cầm 5 chiếc kìm sắt đã được nung đỏ.

Nghe lệnh, cùng một lúc cả 5 tên kẹp kìm nung đỏ vào mình ngài kéo ra những miếng thịt khét lẹt.

Họ vu cho ngài móc mắt trẻ con khi rửa tội. Làm điều ám muội khi cử hành lễ cưới và cho ăn thịt người khi rước lễ.

Sau đó họ tiếp tục gây thêm những thương tích nữa cho đến khi ngài bất tỉnh thì họ mới hành quyết.

Họ cột chân tay ngài vào cây cột. Hai bên lính cầm kìm chờ sẵn. Cha Du ngửa mặt lên trời cầu nguyện dâng mạng sống mình cho Chúa.

Sau hồi trống báo hiệu, hai tên lính cầm kìm kẹp vào ngực ngài kéo ra 2 miếng thịt nơi vú liệng xuống đất – một tên lính khác cầm dao xẻo thịt phía sau hông – rồi đến bắp đùi thì chúng lấy kìm kéo ra rồi lấy dao xẻo đứt từng miếng… làm cha rất đau đớn. Không được bao lâu thì ngài ngất đi, đầu rũ xuống và ngài về chầu Chúa lúc 17g ngày 30-11-1835

Cha chết rồi bọn lính chặt đầu ngài cho vào một chiếc thùng đầy vôi, cởi trói lật xác úp xuống rồi phân thây ra từng khúc bỏ tất cả vào thùng vôi. Đầu ngài họ đem treo 3 ngày ở giữa chợ rồi xay nát, bỏ chung với thùng vôi đựng xác ngài đoạn quăng cả xuống biển cho mất tích”

II. Bài học.

Bàn về cái chết của Gandhi một con người mà người dân Ấn độ lúc nào cũng kính trọng và coi ông như một vị thánh nhà văn hào Tagore đã viết: “Có lẽ thánh Gandhi không thành công, có lẽ thánh sẽ thất bại như Đức Thích Ca đã thất bại, như Đức Giêsu đã thất bại vì chưa hủy diệt được lòng ác độc của loài người. Nhưng loài người luôn phải nhớ tới thánh vì thánh đã đem đời mình ra để làm bài học cho muôn thế hệ mai sau”

1. Bài học thứ 1: Giá trị của niềm tin.

Đức tin là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa nhưng nhiều khi chúng ta không ý thức được giá trị của nó. Phải ở trong những hoàn cảnh Đức tin bị đe dọa con người mới thấy được Đức tin có một giá trị to lớn như thế nào.

Phaolô Mợi bị bắt bị đem ra xử.

Quan nói với Anh: “Anh đạp lên ảnh đi, tôi sẽ cho anh một nén bạc.

Phaolô Mợi không trả lời.

Quan nói tiếp: “ Vậy thì một nén vàng.”

+ Dạ bẩm quan chưa đủ.

– Vậy anh muốn bao nhiêu ?

+ Bẩm quan lớn, quan lớn muốn cho tôi quá khoá thì quan lớn phải cho tôi đủ vàng bạc để tôi mua được một Linh hồn khác! Vâng làm sao mà có đủ vàng bạc để mua được một linh hồn!

2. Bài học về lòng trung thành.

Trong một bài diễn văn Hitler đã tuyên bố một câu làm nức lòng các chiến sĩ của ông. Ông nói: “Thế giới này sẽ thuộc về những kẻ gan dạ”

Nietszche: “Lao công của các bạn là chiến đấu. Hòa bình của các bạn là chiến thắng

Victor Hugo: “Đồi Calvaire ở đầu đường và hào quang cũng xuất hiện ở đó”

Chính Chúa Giêsu cũng đã có lần tuyên bố: “Nước Trời phải dùng sức mạnh mà cướp lấy”

Còn Nguyên văn Lựu thì nói: “Đạo đã nhập vào xương vào tủy tôi, làm sao tôi có thể bỏ được “

Để trung thành với Chúa, các ngài đã vứt bỏ nhà cửa ruộng đất, bồng bế con cái cháu chắt chạy trốn lên nơi rừng sâu nước độc, sống cô quạnh hiểm nguy.

Để trung thành với Chúa, các ngài đã sống bập bềnh trên những con thuyền tạm bợ, lẩn lút dọc bờ sông ven biển, nhịn đói nhịn khát, bơ vơ không biết nương tựa vào đâu.

Để trung thành với Chúa, các ngài đã đành lòng chịu tịch thu gia sản, chịu cảnh phân sáp dã man, cha mẹ phải lìa xa con cái, vợ chồng không được sum họp với nhau, gia đình phải tan nát đau thương.

Để trung thành với Chúa, các ngài đã vui lòng chịu những hình khổ bạo tàn độc ác như bị cạo trọc đầu, bị kẹp các ngón tay cho ra máu, bị chặt đứt các ngón tay rồi bị thả về tàn tật, bị vấn dẻ vào đầu các ngón tay để bị đốt cháy, bị đánh bách trượng, bị xẻo bá đao, bị cắt hai tay, bị chặt chân chặt tay, bị chém đầu, bị thắt cổ, bị khắc chữ Tả Đạo vào má, bị voi chà, bị treo ngược vào cột để xé xác ra làm sáu mãnh, bị gươm đâm thâu hông, bị thả vào vạc dầu sôi, bị mang gông phơi nắng nhiều ngày, bị giam chết đói chết khát, v.v.

Sẽ không có vinh quang cho nhưng ai không chịu chiến đấu.

Sẽ chẳng có chiến thắng cho những ai không dám ra chiến trường.

Sẽ không có phần thưởng cho những ai không chịu hy sinh vì chính nghĩa Nước trời.

Kính thưa anh chị em

A. Dụ ngôn chúng ta vừa nghe là một trong những dụ ngôn quen thuộc trong Tin Mừng. Nếu chỉ nhìn dụ ngôn dưới con mắt của người Việt thì chúng ta thấy câu truyện xem ra có vẻ bày đặt, thiếu tự nhiên. Tuy nhiên nếu chúng ta đặt nó vào hoàn cảnh đất nước Do thái thì chúng ta sẽ thấy khác. Ở bên nước Do thái thì câu truyện này là một câu chuyện có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hôm nay cũng vẫn còn như vậy.

Tại vùng quê ở xứ Palestine thì đám cưới là một cơ hội rất trọng đại. Cả làng đi đưa đôi tân hôn về ngôi nhà mới của họ. Thường thì đôi tân hôn thích đi bằng con đường dài – càng dài càng tốt để họ có thể nhận được những lời chúc mừng vui vẻ của nhiều người. Và càng nhiều người chúc mừng thì càng vui, càng “hên”.

Hầu như mọi người trong làng từ sáu đến mười sáu tuổi đều tham dự. Họ đi theo tiếng trống cưới. Các Rabi còn cho phép mọi người gác lại việc học hỏi và nghiên cứu luật pháp để họ có giờ chia sẻ niềm vui với đôi tân hôn.

Đây là phong tục của người Do thái. Nó khác xa với phong tục của chúng ta.

Tiến sĩ Alexander Findlay có lần đi du lịch tại xứ Palestine về, đã kể lại những điều ông đã được chứng kiến ở xứ Palestina cho những người nghe ông như sau: “Khi chúng tôi đến gần cổng một thị xã Gallilê…tôi thấy mười cô gái được hướng dẫn bởi một đoàn thanh niên rất đông, vừa đi vừa vỗ tay và đánh đàn rất vui vẻ. Họ nhảy múa dọc theo con đường phía trước xe chúng tôi. Tôi hỏi họ:

– Các bạn đang làm gì vậy ?

Người hướng dẫn trả lời:

– Chúng tôi đang ra nhập bọn với cô dâu để chờ chàng rể đến.

Tôi hỏi người đó xem tôi có thể quan sát đám cưới này được không thì người đó lắc đầu và sau đó người đó cắt nghĩa:

– Không thể được vì đám cưới có thể là tối nay, tối mai hay có khi cả hai tuần lễ nữa, không ai biết chắc khi nào thì đám cưới cử hành.

Sau đó anh còn cho chúng tôi biết: một trong những niềm vui lớn nhất trong một đám cưới thuộc giới trung lưu ở miền Palestine này là làm sao bắt gặp nhà gái đang ngủ. Chính vì vậy mà chàng rể thường đến bất ngờ. Đôi khi vào lúc nửa đêm.

Rồi cũng theo tục lệ ở đây thì trước khi đến chàng rể phải cho một người đi phía trước để la lên: “Kìa chàng rể đang đến!”. Việc này có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên nhà gái phải luôn sẵn sàng để đón chàng rể khi anh đến.

Một chi tiết khác cũng khá quan trọng là không ai được phép ở ngoài đường lúc trời đã tối ngoại trừ khi họ có đèn cầm ở tay và khi chàng rể đã đến – cửa đã đóng lại thì những người đến trễ không được phép vào. Xét như thế thì dụ ngôn Chúa kể cũng không có gì là khác với thực tế là bao.

B. Bây giờ chúng ta tự hỏi Chúa muốn dạy gì khi đưa ra dụ ngôn này ?

Chúng ta có thể trả lời: Cũng giống như những dụ ngôn khác, dụ ngôn này cũng bao hàm nhiều ý nghĩa.

* Đối với người Do Thái lúc đó thì ý nghĩa đã quá rõ. Họ là dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Cả lịch sử của họ lý ra phải là một cuộc chuẩn bị sửa soạn cho việc đón nhận Đấng Cứu thế khi Ngài tới. Đáng lý ra thì phải là như thế. Nhưng họ đã không làm như vậy. Chính vì họ không chuẩn bị để đón tiếp Ngài cho nên họ đã bị bỏ ra ngoài. Đây là tấn thảm kịch về sự mất mát lớn lao mà người Do thái phải chịu. Chúa đã khôn khéo tế nhị cho họ thấy điều đó thế nhưng rồi mọi sự đâu cũng vào đó. Thật là xót xa cho Chúa và cũng xót xa cho cả dân tộc được Chúa yêu thương một cách đặc biệt này.

* Tuy nhiên câu chuyện không phải chỉ dừng lại ở đây. Nó còn mang nhiều ý nghĩa sâu xa hơn.

1. Trước hết là bài học về bổn phận hằng ngày của mỗi người. Bổn phận đó đòi hỏi chúng ta phải chu toàn qua từng giây từng phút của cuộc đời chứ không phải là dành mãi đến phút chót mới làm.

Một học sinh đến ngày thi mới chuẩn bị thì quá trễ.

Nếu một người không chuẩn bị sẵn sàng về khả năng và phẩm cách để làm một công việc nào đó sẽ được trao phó thì khi công tác cần đến, người đó sẽ không còn thời giờ để chuẩn bị nữa.

Đối với Chúa, cũng vậy, nếu không có sự chuẩn bị sẵn sàng để gặp Chúa thì khi Ngài đến chúng ta khó mà kịp trở tay và hậu quả lúc đó như thế nào thì ai cũng biết.

Người biết chuẩn bị là người khôn. Người không biết dự phòng là người dại. Hậu quả của hai thái độ đó như thế nào thì chắc là ai cũng hiểu

2. Đàng khác dụ ngôn cũng còn dạy chúng ta một chân lý nữa: Có những điều chúng ta không thể vay mượn được. Những cô trinh nữ dại khi khám phá ra đèn của mình hết dầu rồi mới đi cầu cứu thì lúc đó mới thấy được cả một thực tế phũ phàng.

Người ta chẳng có thể nào mà đi mượn được mối giây liên hệ với Chúa nếu chính họ không tự làm ra mối giây liên hệ đó.

Chúng ta cũng không thể vay mượn được nhân cách. Mỗi người phải có nhân cách riêng của mình.

Chúng ta không thể cứ sống nhờ mãi vào người khác. Đến một lúc nào đó thì chúng ta phải tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Đến lúc đó thì chúng ta không còn có thể cậy dựa vào bất cứ một ai hay bất cứ một quyền lực nào. Không có tiếng chuông báo tử nào nặng ký bằng tiếng chuông rung lên hai chữ “Quá muộn”.

3. Và cuối cùng là sự khôn ngoan của cuộc sống. Người sống khôn là người biết sống luôn sẵn sàng như cuộc sống chỉ là bây giờ, chỉ là hôm nay. “Các chị ra hàng mà mua thì hơn, e không đủ cho các em và các chị”

Ma quỉ rất sợ những con người như thế. Bởi vì phần thắng đã nằm ở trong tay họ.

Một ngày kia quỉ vương hỏi các quỉ cố vấn:

– Làm thế nào để những người trên trần thế sa đọa và thua mình ?

Các cố vấn đề nghị là nên phỉnh gạt người ta là không có Thiên Chúa hoặc không có sự trừng phạt gì ở đời này và đời sau. Quỉ vương suy nghĩ và chê các ý kiến đó là không hữu hiệu. Sau đó một hồi lâu, một quỉ nhỏ lại lên tiếng đề nghị: “Xin Ngài hãy nói với họ là ngày giờ còn rộng, còn dài, hãy thư thả rồi sẽ tính”

Vua quỉ vội đứng dậy vỗ tay khen hay:

– Đúng, mày nói đúng, chỉ có cách này mới làm cho con người an tâm mà xa thần thánh và không sợ trừng phạt. Bấy giờ ta sẽ mặc sức xúi dục chúng sa đọa theo ý của ta.

Các tôn giáo đã cống hiến cho chúng ta câu châm ngôn: “Hãy sống ngày hôm nay như ngày cuối cùng của đời mình để chúng ta trở về cõi thực, canh tân nếp sống.

Mẹ Têrêxa có lần đã phát biểu:

“Tôi dâng lễ này như là lễ đầu tiên, như là lễ cuối cùng và như là lễ độc nhất cuộc đời của tôi”

Nói một cách khác biết sống từng giây phút của hiện tại của đời mình một cách đầy đủ ý nghĩa – đó là cách chuẩn bị tốt nhất cho mọi tình huống có thể bất chợt xảy ra. Đó là cách giữ cho chiếc đèn đức tin của chúng ta lúc nào cũng có dầu và không bao giờ sợ bị tắt. Amen.

Chúng con yêu quí,

Cha đố chúng con dụ ngôn chúng ta vừa nghe có tên là dụ ngôn gì đó ?

– Thưa dụ ngôn mười cô trinh nữ.

– Rất chính xác. Chúng con giỏi. Bây giờ cha hỏi thêm, chúng con có thấy điều gì khác biệt giữa mười cô trinh nữ này không.

– Dạ thưa có.

– Khác biệt cái gì nào ?

– Thưa cha trong 10 cô thì có 5 cô khôn và 5 cô dại.

– Rất tốt. Nhưng làm sao mà biết được cô nào khôn, cô nào dại ?

– Thưa cha, Chúa bảo các cô khôn mang đèn và mang dầu theo. Còn các cô dại là những cô mang đèn mà không mang dầu theo.

– Chúng con giỏi quá. Chúng con trả lời rất đúng. Chính việc mangkhông mang dầu theo làm cho mười cô trinh nữ trở thành khác nhau, làm cho họ người được kể là khôn, người thì bị kể là dại.

Như vậy chúng con thấy tuỳ ở công việc của mỗi người mà người ta có thể thấy người này là khôn, người kia là dại.

Đọc trong Kinh thánh cha thấy rất rõ điều đó.

Cha kể cho chúng con một thí dụ vua Salomon là một vị vua mà kinh thánh bảo là khôn ngoan. Tại sao thế ? Thưa vì vua những việc vua làm, nhất là việc xứ án đã làm mọi người phải kính nể thán phục.

Đây là câu chuyện chính sách Các Vua kể: “Bấy giờ có hai người gái điếm vào chầu vua. Khi đứng trước mặt vua, thì một người nói:

– Ôi, thưa chúa thượng tôi, tôi và người đàn bà này cùng ở một nhà; và tôi sinh một đứa con, trong lúc chị này cùng ở đó với tôi. Tôi sinh được ba ngày, thì người đàn bà này cũng sinh. Chúng tôi ở chung với nhau; ngoài hai chúng tôi ra, không có ai khác trong nhà. Ðêm nọ, đứa con của chị này chết, vì chị đè lên nó. Giữa đêm chị thức dậy, và trong khi nữ tỳ của ngài vẫn ngủ, thì chị bế đứa con của tôi đang nằm cạnh tôi, và đặt trong lòng mình, còn đứa con đã chết của chị, chị đặt vào lòng tôi. Ðến sáng khi tôi thức dậy cho con bú, thì này đứa bé đã chết. Nhưng khi tôi nhìn kỹ nhờ ánh sáng ban ngày, thì hoá ra nó không phải là đứa con tôi đã sinh ra.”

Người đàn bà kia trả lời: “Không phải thế, vì con tôi còn sống, con chị mới là đứa chết.”

Nhưng người này lại nói: “Không phải, con chị mới là đứa chết, đứa sống là con tôi.” Và họ cãi nhau trước mặt vua.

Bấy giờ vua nói: “Chị này bảo: “Ðứa sống này là con tôi, con chị mới là đứa chết. Chị kia đáp lại: “Không phải thế, con chị mới là đứa chết, nhưng con tôi còn sống.”

Rồi vua ra lệnh:

– Ðưa cho ta chiếc gươm.

Người ta đưa tới trước mặt vua một chiếc gươm. Và vua quyết định: “Phân đứa trẻ còn sống ra làm hai, và cho mỗi người một nửa!”

Bấy giờ người mẹ của đứa trẻ còn sống, động lòng thương con mình, liền thưa với vua:

– Ôi! thưa chúa thượng tôi, xin ngài cho chị ấy đứa trẻ còn sống; còn giết chết nó, thì xin đừng!

Người kia nói:

– Chẳng phải con tôi, cũng chẳng phải con chị, cứ chia ra!

Bấy giờ vua lên tiếng nói:

– Trao đứa trẻ còn sống cho người nói trước, và đừng giết nó, chính nàng mới là mẹ nó.

Toàn thể Ít-ra-en nghe biết vụ án vua đã xử, đều kính sợ vua, vì thấy rằng Thiên Chúa đã phú bẩm cho vua một sự khôn ngoan lạ lùng để người xét xử.(1Vua 3,16-28)

Như vậy chúng con thấy đâu có ai thấy được sự khôn ngoan của Vua Salomon như thế nào đâu mà người ta chỉ thấy các việc vua làm mà biết được vua là người khôn ngoan.

Vậy thì nhìn vào bài dụ ngôn Chúa dạy hôm nay, chúng ta cũng thấy tương tự như thế. Nhờ vào việc mang hay không mang dầu theo mà những cô trinh nữ trở thành người khôn hay người dại.

2. Đến đây thì cha có thể hỏi chúng con: Chúa dùng dụ ngôn này để dạy chúng ta điều gì ? Chắc chắn Chúa không bảo chúng ta phải sống như những cô khôn ngoan nhưng qua câu chuyện những cô khôn ngoan Chúa muốn bảo chúng ta phải biết nhìn xa, biết dự phòng, như các cô ấy trong cuộc sống, làm sao cho cuộc sống của chúng ta được coi, được kể là khôn ngoan.

Nhưng biết nhìn xa trong cuộc sống là làm sao chúng con ? Chúng ta đâu có ai biết mọi việc chúng ta làm sẽ là khôn ngoan hay là dại đâu. Thiếu gì việc chúng ta không biết là dại hay là khôn. Thế thì làm sao mà chúng ta biết được một việc nào đó chúng ta là khôn thì chúng ta phải hỏi Chúa. Sách Gióp nói rất hay: “Chỉ một mình Đức Chúa Trời biết khôn ngoan ở đâu, vì Ngài nhìn thấu suốt các tầng trời và địa cầu. Chúa định hướng cho các luồng gió, và đặt biên giới cho các đại dương. Chúa ấn định luật lệ cho mưa sa xuống và vạch đường cho chớp nhoáng. Chúa biết đâu là sự khôn ngoan, và công bố cho mọi người sẵn lòng lắng nghe. Chúa xem xét nó kỹ càng và đặt nó trên căn bản vững vàng. Chúa phán bảo toàn thể nhân loại: Kính sợ Đức Chúa Trời là khôn ngoan thật, lìa bỏ gian ác mới là sáng suốt.” (Gióp 28,23-28)

Như vậy muốn biết được mình là người khôn ngoan hay không chúng ta hãy xem mình có biết hỏi Chúa hay không. Biết hỏi Chúa, biết kính sợ Chúa chúng ta sẽ tìm được sự khôn ngoan thật. Nhưng biết hỏi và kính sợ Chúa là như thế nào chúng con ? Đó là luôn biết sống và làm những gì Chúa muốn cho chúng ta làm. Những gì Chúa không muốn thì chúng ta tránh xa đừng có làm. Làm được như thế chúng ta sẽ được Chúa bảo là không ngoan. Và làm được như thế chắc chắn chúng ta sẽ đạt được những mong muốn tốt đẹp giống như 5 cô trinh nữ khôn ngoan trong dụ ngôn.

Chúng con hãy nghe câu chuyện này: Đang quỳ cầu nguyện trong nhà thờ, bà quý tộc Elisabeth bỗng nghe như tiếng Chúa nói thì thầm bên tai.

Con hãy xây nhà cho Ta cư ngụ. Xác tín đây là lời Chúa nói đặc biệt riêng cho mình, bà quý tộc Elisabeth mau mắn cho người xây một ngôi nhà nguyện riêng nơi khu đất rộng gần đó, nhưng rồi dù nhà nguyện đó được xây xong, bà Elisabeth vẫn còn nghe tiếng Chúa nói cùng một lời như vậy.

– Hãy xây nhà cho Ta cư ngụ mỗi lần bà cầu nguyện.

Nghĩ thầm rằng Chúa muốn bà xây một ngôi nhà nguyện lớn hơn, đẹp hơn cho xứng đáng với Ngài. Sự giàu có mà Chúa ban cho bà còn quá dư thừa để có thể xây một nhà nguyện lớn hơn. Thế là bà Elisabeth sang vùng bên cạnh tìm mua một miếng đất lớn hơn. Bà Elisabeth nghĩ thầm là lần này Chúa phải vui lòng lắm vì trong vùng không có một ngôi nhà thờ nào đẹp hơn, nhưng lạ thay, khi cầu nguyện bà vững còn nghe tiếng Chúa vang nài và khẩn thiết hơn nữa: “Con hãy xây nhà cho Ta cư ngụ”. Bà Elisabeth liền hỏi Chúa.

– Con đã xây cho Chúa ngôi nhà đẹp hơn lớn nhất vùng này rồi, tại sao Chúa muốn con xây nhà cho Chúa nữa ? Chúa muốn con xây nhà như thế nào đây ? Xây lên một Vương Cung Thánh Đường lớn nhất nước này chăng ? Tiếng Chúa thì thầm trả lời:

– Con hãy nhìn qua bên kia cửa sổ xem, con thấy gì ?

– Dạ, con thấy một gia đình đang nương tựa dưới bóng cây bên lề đường, và tiếng Chúa lại tiếp tục. Ta không muốn con xây cho riêng Ta một Vương Cung Thánh Đường. Con hãy xây nhà cho gia đình kia, đó là con xây nhà cho Ta. Amen.

Anh chị em thân mến,

Tuần trước chúng ta cùng nhau suy niệm về một vấn đề được coi là cốt lõi trong đạo của Chúa . Đó là vấn đề có liên quan đến giới luật yêu thương. Hôm nay Giáo hội muốn cho chúng ta suy gẫm tiếp về một trong những khía cạnh khác cũng có liên hệ đến vấn đề trên. Có thể nói đây là khía cạnh quan trọng nhất để giúp cho chúng ta dễ thực hiện giới luật yêu thương của Chúa. Đó là sự khiêm nhường, một nhân đức mà các nhà tu đức gọi là nhân đức nền tảng của đời sống thiêng liêng.

I. Như anh chị em đã biết khiêm nhường thì đối nghịch với kiêu ngạo. Mà Chúa thì không thích sự kiêu ngạo vì người kiêu ngạo thường không sống thực với lòng của mình.

– Người kiêu ngạo thường đánh giá mình theo cái mình có hơn là theo cái mà công đồng Vat gọi là cái mình là.

– Trong Tin Mừng chúng ta thấy Chúa hay đả kích những người Biệt phái và luật sĩ cũng chỉ vì họ sống như thế.

* Họ tưởng họ có được một mớ hiểu biết về luật pháp là họ đương nhiên trở thành Thầy dạy mọi người.

* Họ tưởng họ có cái quyền nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo là tất nhiên họ trở thành nhà mô phạm đối với mọi người.

* Họ tưởng họ có được một chỗ nhất trong đám tiệc, một chỗ cao trong hội đường là tự nhiên họ phải được mọi người nể vì và kính phục.

– Rõ ràng Chúa không bằng lòng với kiểu tự đánh giá mình như thế. Chúa có một cái nhìn khác về cuộc sống chứ không theo cái nhìn tầm thường như vậy.

* Đối với Chúa thì cuộc sống của những người biệt phái và luật sĩ chỉ là cuộc sống hình thức mà không có nội dung – có cái ở bên ngoài mà không có thực chất ở bên trong.

* Đã có rất nhiều lần Chúa quở trách họ một cách rất nặng lời. Thậm chí Chúa ví họ như những mồ mả bên ngoài sơn phết rất đẹp nhưng bên trong thì toàn là mùi xú uế.

– Đối với Chúa thì có phải nói có, không thì phải nói không. Và Chúa nhấn mạnh thêm: thêm điều đặt chuyện là do ma quỉ mà ra.

– Chúa thích cái gì là thật, là đúng.

Trong Tin Mừng Chúa đã nói: “Sự thật sẽ giải thoát anh em.” André Frossard thuộc viện hàn lâm Pháp là bạn thân của Đức thánh Cha Gioan Phaolô II có lần đã hỏi Ngài: “Thưa Đức Thánh Cha, nếu phải chọn lấy một lời duy nhất của Tin Mừng để công bố thì Đức Thánh Cha sẽ chọn lời nào ?” Không một chút trần trừ, không cần phải suy nghĩ, Đức Thánh Cha trả lời ngay: “Sự thật sẽ giải thoát anh em”. Sống theo sự thật là sống khiêm nhường. Thánh Têrêsa Avila đã quả quyết như thế.

2. Vậy thì sống khiêm nhường là sống như thế nào ?

– Thay vì đưa ra một ý kiến riêng tôi xin mượn cách trả lời của văn hào Dostoievsky. Theo ngôn ngữ của Dostoievsky thì sống theo sự thật là biết sống thực với căn tính của mình và góp phần vào việc xây dựng một mối quan hệ hoàn toàn mới đối với những người khác.

* Căn tính của tôi là gì ? – Chỉ là một thụ tạo không hơn không kém. Là một thụ tạo cho nên tôi phải lệ thuộc vào Thiên Chúa, phải đặt mình dưới uy quyền của Ngài. Trong Tin Mừng có lần Chúa kể một câu truyện về hai người lên đền thờ để cầu nguyện: Một người biệt phái và một người thu thuế. Người biệt phái cầu nguyện trong tư thế đứng thẳng, đứng giữa cung thánh và cầu nguyện bằng cách phô trương công đức trước Thiên Chúa. Thái độ như thế không phải là thái độ của người khiêm nhường. Ngược lại người thu thuế cảm thấy mình bất xứng trước Thiên Chúa cho nên anh ta đứng cúi đầu xuống đấm ngực ăn năn và cầu xin lòng thương xót của Chúa. Thái độ như thế là thái độ của một thụ tạo khi đối diện với Đấng tạo thành. Và đó là thái độ của kẻ khiêm nhường. Trong Tin Mừng chúng ta còn thấy một lần kia, sau khi được chứng kiến mẻ cá lạ, Phêrô một ngư phủ dầy dặn về nghề đánh bắt cá, đã quì sụy lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa với Người: “Lạy Ngài . xin tránh xa con vì con là một người tội lỗi.” Thái độ đó là thái độ của một thụ tạo và đó cũng là thái độ của người khiêm nhường.

* Và từ thái độ của một thụ tạo trước Thiên Chúa mà tôi phải đi tới một thái độ khác đó là tôi phải coi và đối xử với mọi người như anh em. Lý do tại sao thì Chúa đã cho biết trong Bài TM hôm nay: “Tất cả anh em đều là anh em với nhau”. Chúng ta là con của cùng một Thiên Chúa là Cha…và cùng là người được Chúa Giêsu cứu chuộc. Mọi thái độ có tính cách “cha-chú” đối với nhau đều không phải là thái độ của những người anh em và chắc là không phải là thái độ của những người biết sống khiêm nhường.

* Hơn thế nữa, nếu đọc kỹ bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy Chúa còn cổ võ một nếp sống có tính cách quyết liệt và cao hơn nữa: “Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ phải là người phục vụ”. Đây quả là một quan niệm thật mới và táo bạo thời đó . Giữa lúc các xã hội còn đang bị chi phối bởi chế độ quân chủ và đầu óc con người còn nặng chất phong kiến mà Chúa đã có một quan niệm như thế thì phải nói là rất cách mạng. Không những Chúa nói mà Chúa còn sống như thế: “Thầy đến không phải được phục vụ mà là để phục vụ”.

II. Ngày 22.10.1978, trước mặt đầy đủ các vị trong hồng y đoàn, có khoảng chừng 100 phái đoàn ngoại giao và có khoảng 70.000 tín hữu tụ tập lại ở công trường Thánh Phêrô để tham dự buổi lễ đăng quang của người kế vị đức Gioan Phaolô I trên ngôi giáo hoàng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tuyên bố sự khởi đầu triều đại Giáo hoàng của ngài bằng những lời rất cảm động sau đây: “Người kế vị mới của Phêrô trên tòa Roma này hôm nay xin được dâng lên Chúa Kitô một lời nguyện cầu thật chân thành, khiêm tốn và tin tưởng. Đó là xin cho có thể làm một nô bộc hay đúng hơn: làm nô bộc của các nô bộc của Người. Và rồi người ta đã thấy Ngài đã sống như thế.

Trước đó, một vị Giáo hoàng cũng lấy danh hiệu là Gioan Phaolô. Đức Gioan Phaolô thứ I. Ngài chỉ sống trong chức vụ Giáo hoàng của Ngài một thời gian rất ngắn ngủi: chỉ có 33 ngày. Nhưng cuộc sống của Ngài đã để lại nhiều ấn tượng thật tốt đẹp. Jean Villot vị thư ký riêng của Ngài đã nói về Đức Thánh Cha với những lời lẽ cảm động như thế này: “Bên cạnh Ngài, tôi đã được sống những kinh nghiệm đạo đức phong phú nhất cuộc đời của tôi”

Trở về trước đó một chút nữa, ngày 14-12-1975, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Giáo Hội Roma và Giáo hội chính thống Constantinopolis xóa bỏ sự khai trừ lẫn nhau có từ thế kỷ thứ 11 dẫn tới sự ly khai như Lịch sử đã cho chúng ta biết, một buổi lễ chính thức đã được cử hành long trọng trong nhà nguyện Sixtine nơi vẫn diễn ra các cuộc bầu cử Giáo hoàng. Tham dự buổi lễ hôm đó có 40 vị hồng y, toàn thể ngoại giao đoàn, các đại diện dòng tu nam nữ. Buổi lễ diễn ra trong một bầu khí thật đạo đức và thánh thiện. Vào gần cuối buổi lễ, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã làm cho mọi người tham dự phải sửng sốt. Ngài tiến lại gần Đức Tổng Giám Mục Mêliten, vị Giáo chủ chính thống giáo, Ngài quì xuống, vén áo và hôn chân vị Giáo chủ này. Mọi người đều ngỡ ngàng.

Phải chăng đây là một sự hạ mình quá đáng ? Làm như vậy có thế mất thể diện chăng ? – Không. Không phải là hạ mình, cũng không phải là mất thể diện, mà là thể hiện tinh thần của Bài TM hôm nay. “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Dostoievsky nói: “Nếu mọi người hiểu được điều ấy thì thế gian này sẽ trở thành Thiên đàng”. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa được nghe một bài Tin Mừng Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Chúa về các luật sĩ và biệt phái đồng thời ngay sau đó Chúa cũng ban cho họ những lời khuyên để họ biết sống thế nào cho xứng đáng là môn đệ của Chúa.

1. Trước hết với những người luật sĩ và biệt phái. Chúa nói:

a. Những người luật sĩ và biệt phái, “ngồi tòa Môisên”, nghĩa là nắm quyền giảng dạy, cho nên “những gì họ nói, các con hãy làm và tuân giữ”.Nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm”.

– Họ ra luật để cho người khác giữ, còn chính bản thân mình thì không giữ.

– Họ làm những việc đạo đức chỉ cốt cho người ta thấy mà khen.

Họ ham danh vọng: ngồi chỗ nhất, thích được chào nơi công cộng, thích được gọi là Rabbi.

Đó là những việc những người biệt phái và luật sĩ thích làm. Tại sao họ thích làm những việc như vậy chúng con ?

Thưa tại vì họ kiêu ngạo.

Chúa Giêsu khiển trách họ vì họ muốn tỏ ra mình là ta đây hơn mọi người. Họ nới rộng hộp kinh, nối dài tua áo, họ muốn những thứ đó phải nổi bật hơn mọi người… Nơi công cộng họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi là “rabbi”… Nghĩa là cái gì cũng phải hơn người.

Ngày xưa là như thế còn ngày nay ra sao ?

Nếu xét cho kỹ thì có lẽ hôm nay cũng chẳng thua gì ngày xưa. Cha Mark Link kể lại một câu chuyện có thật như thế này: “Một thiếu tá vừa được thuyên chuyển về chỉ huy một tiểu đoàn mới. Ông tìm cách “hù” cho binh lính cho họ nể sợ ông. Một hôm, một anh binh nhì gõ cửa xin vào phòng ông. Ông nói:

– Vào đi. Nhưng đứng chờ đấy vì tôi đang bận tiếp điện thoại.

Rồi ông cầm điện thoại nói:

– Chào Đại tướng, rất hân hạnh được nghe ngài. Ngài muốn gì ạ ?

Ông im lặng một hồi như đang lắng nghe, rồi nói tiếp:

– Vâng, thưa Đại tướng, tôi sẽ nói lại với Tổng thống về điều ấy.

Xong, ông đặt ống nghe xuống và nói với anh binh nhì:

– Xong rồi, bây giờ tới phiên anh. Anh có việc gì nào ?

Anh binh nhì đáp:

– Dạ tôi thừa lệnh trung sĩ đến đây để nối dây điện thoại cho ngài, thưa Thiếu tá!

Những chuyện giống như thế chẳng thiếu gì trong cuộc sống hôm nay.

Hãy coi chừng! Chúa Giêsu bảo chẳng có gì có thể che giấu mãi mãi mà không bị tỏ lộ ra. Những gì mà con người không thấy thì Thiên Chúa “thấy” hết. Con người có thể lừa bịp được người khác nhưng nhất định là không thể qua mặt được Thiên Chúa.

Chuyện kể rằng: Ngày kia, Nữ hoàng Shaba gởi đến vua Salomon hai bó hoa rất giống nhau, để thử xem sự khôn ngoan của ông tới đâu. Đó là một bó hoa thật và một bó hoa giả .

Nhà vua bèn mở cửa sổ, cho bầy ong bướm bay vào. Tức thì các chú ong và các nàng bướm liền sà ngay xuống những bông hoa thật.

Những bông hoa giả có sắc mà chẳng có hương, có bóng hình mà không có sự sống.

Những người luật sĩ và biệt phái mà Chúa nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay cũng chẳng khác gì những bông hoa giả như thế. Bên ngoài cũng đẹp đấy nhưng đẹp mấy thì đẹp cũng chỉ là những thứ đồ già mà thôi. Mà đồ giả thì làm sao mà ưa được.

2. Sau đó Chúa dặn dò các môn đệ của Ngài: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

Ai trong chúng ta mà lại chẳng muốn làm lớn. Nhưng làm lớn theo Chúa Giêsu là để phục vụ chứ không phải để sống theo kiểu ta đây như những người biệt phái và luật sĩ thuở xưa. Tấm gương của mẹ thánh Têrêsa Calcutta hãy còn đó. Chúng con thấy. Mẹ là người được cả thế giới này kính trọng. Thế giới kính trọng không phải mẹ giàu có sang trọng, không phải mẹ quí phái đẹp đẽ hơn người, nhưng vì mẹ biết sống theo lời Chúa dạy.

Trong một cuộc phỏng vấn, Mẹ đã thuật lại một sự kiện như sau: Ở Úc Châu có một người thổ dân Aborigines sống trong hoàn cảnh thật thảm thương. Ông ta đã khá cao niên rồi. Ông sống trong một túp lều xiêu vẹo. Khởi đầu câu chuyện tôi nói với ông:

– Để tôi dọn dẹp nhà và sửa soạn giường ngủ cho ông.

Ông ta trả lời một cách hững hờ:

– Tôi đã quen sống như vậy rồi.

– Nhưng ông sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp chứ .

Sau cùng ông ta bằng lòng để tôi dọn dẹp nhà cửa lại cho ông. Trong khi quét dọn tôi thấy một cái đèn cũ đẹp nhưng phủ đầy bụi bặm và bồ hóng. Tôi hỏi ông:

– Có bao giờ ông thắp đèn này chưa ? Ông ta trả lời một cách cộc lốc:

– Nhưng thắp đèn cho ai ? Có ai bước vào chân vào nhà này bao giờ đâu. Tôi sống ở đây đã từ lâu không hề trông thấy mặt người nào cả. Tôi hỏi ông:

– Nếu như các nữ tu đến thăm ông thường xuyên, ông có vui lòng thắp đèn lên không ?

– Dĩ nhiên rồi.

Từ ngày đó các nữ tu quyết định mỗi chiều sẽ ghé qua nhà ông. Từ đó ông ta bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ hơn. Ông còn sống thêm hai năm nữa. Trước khi chết ông nhờ các nữ tu nhắn tin cho tôi:

– Xin nhắn với Mẹ Têrêxa, bạn tôi rằng, ngọn đèn mà Mẹ đã thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng. Đó chỉ là một việc nhỏ mọn, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã thắp lên và vẫn còn tiếp tục chiếu sáng mãi.

Ước gì mỗi người chúng ta sẽ trở thành đèn sáng cho nhau.

Ước gì mỗi người chúng ta biết đối xử với nhau thật sự như anh em trong một nhà…nhà của Thiên Chúa.

* Chúa còn dặn dò thêm: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

Tôn mình lên là kiêu ngạo. Hạ mình xuống là khiêm nhường. Chúa muốn cho những môn đệ của Chúa sống khiêm nhường.

Thánh Phanxicô Salesiô, đột nhiên đau nặng và mất ngày 28 tháng 12 năm 1622. Ngày hôm trước tức là ngày 27 tháng 12, tuy cảm thấy mệt, ngài cũng ghé thăm nhà tập dòng Đức Mẹ Thăm Viếng. Mẹ Giám Đốc tập viện là nữ tu Blonay, có đưa ngài một mảnh giấy và nói:

“Các nữ tu và con thành khẩn xin Đức Cha vui lòng viết cho chúng con đôi dòng chữ, nhắc nhở chúng con tập luyện nhân đức”.

Cầm lấy trang giấy, thánh Phanxicô Saleriô viết ở đầu, giữa trang và cuối trang vỏn vẹn có chữ: khiêm nhường, khiêm nhường, khiêm nhường.

Thánh Clêmentê đi xin của bố thí để giúp đỡ một cô nhi viện. Gặp một người giàu đang thua bạc, cáu kỉnh nhổ ngay nước miếng vào mặt thánh nhân. Nhưng thánh Clêmentê bình tĩnh lấy khăn tay lau mặt và ôn tồn nói:

“Đây là quà ông tặng tôi, xin cảm ơn ông, còn quà cho cô nhi đâu ?”

Người kia cảm động vì đức khiêm nhượng của thánh nhân, và đã cho thánh nhân một số tiền lớn.

Ai cũng quý mến người khiêm nhường và hiền lành. Người khiêm nhường dễ chiếm được cảm tình những người xung quanh. Ngược lại, ai cũng ghét những người kiêu hãnh và có lối sống tịch thượng.

Trong trận phản công Đức, Bộ tham mưu đồng minh qua vùng Ardennes vào một buổi sáng mùa đông, tuyết phủ đầy đường, tới một khúc quanh, chính bộ tham mưu phải bỏ quân phục xuống thu gọn tuyết cho xe đi qua. Một quân nhân lùn, béo làm việc rất hăng. Bỗng người ta thấy một sĩ quan (sĩ quan chỉ huy miền đó) đi tới, dáng điệu trịch thượng và hỏi quân nhân có thân hình mập và lùn, đang hăng hái xúc tuyết:

– Các anh ở đâu đến và làm gì ở đây ?

Quân nhân này hỏi lại:

– Còn anh, anh là ai ? Anh đang ở đâu, khi những người này làm việc ?

Sĩ quan kia trả lời:

– Tôi hả, tôi ở trên xe, tôi là đại úy mà!

Quân nhân này nói:

– Còn tôi, tôi là thống tướng Model, tôi cần nói cho anh biết: từ nay anh không còn là sĩ quan nữa, anh bị giáng chức xuống làm binh nhì.

Chúng ta đã nghe bài Tin Mừng hôm nay rất nhiều lần và những gì Chúa nói chúng ta đã thuộc lòng ngay từ khi còn nhỏ.

1. Khi người ta hỏi Chúa xem giới răn nào là lớn nhất, thì câu trả lời của Chúa là hai giới răn và cả hai giới răn này đều đã có sẵn trong Cựu Ước. Chúa đã trưng dẫn cả hai và đặc biệt hơn là Chúa đã làm cho chúng có tầm quan trọng như nhau. Chính vì thế mà chúng ta không được tách riêng ra, như trong thực hành chúng ta thường làm như thế.

Một số người nghĩ rằng, nếu chúng ta có đủ đức tin thì cuộc sống chúng ta sẽ êm trôi suôn sẻ. Nghĩ như vậy thôi chứ thực tế không phải như vậy. Đức tin không che chắn cho chúng ta khỏi những va chạm đau thương của cuộc đời.

Vào thời các tu sĩ còn sống ở trong sa mạc, có một tu sĩ tên là Moses nổi tiếng là thánh thiện. Lễ Phục Sinh sắp đến nên các thầy họp nhau lại, bàn xem nên làm gì để chuẩn bị mừng lễ cho sốt sáng và đem lại nhiều ích lợi. Họ cùng quyết định sẽ ăn chay trọn vẹn Tuần Thánh. Để thực hiện quyết tâm này, mỗi thầy phải trở về nơi mình ở, và ở đó họ phải ăn chay và cầu nguyện.

Công việc lúc ban đầu diễn tiến rất tốt đẹp, nhưng, đến giữa tuần thì có hai thầy khách lang thang đến thăm thầy Moses. Nhận thấy rằng họ đang đói, thầy Moses nấu một chút rau cho họ ăn. Để cho họ đỡ ngại ngùng và cảm thấy thoải mái, thì chính thầy cũng ăn một ít.

Trong khi đó, thì các thầy khác thấy khói bốc lên từ chỗ ở của thầy Moses. Việc đó có nghĩa là thầy Moses đã đốt lửa để nấu ăn. Nói một cách khác, thầy đã vi phạm luật ăn chay và điều này đã làm cho họ bị dội. Chỉ trong nháy mắt cái nhìn của nhiều người đối với thầy Moises đã thay đổi hoàn toàn. Họ coi thầy như đã rơi từ đỉnh cao của sự thánh thiện xuống vực thẳm.

Nhận ra sự sự đánh giá trong mắt những người anh em, thầy Moises hỏi: “Tôi đã phạm tội gì khiến các thầy lại nhìn tôi như thế ?”

Họ trả lời: “Thầy đã vi phạm luật giữ chay.”

Thầy Moises bình tĩnh trả lời “Vâng! Đúng là tôi đã làm thế. Tôi đã vi phạm giới luật của con người trong việc chia sẻ của ăn với những người anh em của chúng ta. Nhưng tôi đã giữ giới răn của Thiên Chúa là chúng ta phải yêu thương nhau.”

Khi nghe nói như vậy, các thầy trở nên yên lặng và khôn ngoan rút lui một cách khiêm tốn.

Vâng! Có những người tuyên bố là mình yêu mến Thiên Chúa nhưng trong thực tế lại không quan tâm tới bổn phận yêu thương người khác. Những người như thế họ mới chỉ sống có một nửa của Tin Mừng.

Ngược lại, lại có những người đi đến thái cực đoan khác. Họ đã tỏ ra rất nhiệt tình để xây dựng một thế giới tốt đẹp nhưng chưa bao giờ họ nghĩ đến Thiên Chúa hoặc cầu nguyện với Người. Họ cũng chỉ là những người sống nửa phần của Tin Mừng.

Đức Kitô dạy chúng ta phải sống trọn vẹn cả Tin Mừng, nghĩa là vừa phải yêu mến Thiên Chúa và đồng thời cũng phải yêu người thân cận như chính mình. Người đã không nói rằng hai chuyện đó chỉ là một, nhưng muốn bảo rằng chúng ta không thể làm việc này mà bỏ việc kia, nghĩa là chỉ yêu mến Thiên Chúa mà lại không thương yêu anh em.

2. Đức Giêsu còn nói: “Anh em hãy yêu thương người thân cận như chính mình.”

Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận mình và bắt đầu yêu thương chính mình, chúng ta mới có thể bắt đầu yêu thương người khác như Thiên Chúa truyền dạy.

Đối với những người mà trong lòng còn chất đầy sự căm ghét và hận thù hận, thì dứt khoát là họ sẽ không có khả năng yêu thương người khác. Họ thường đổ lỗi và khiển trách người khác những điều mà họ không thích nơi chính mình. Rõ ràng người khác là đối tuợng để họ bộc lộ chính con người của họ.

Một cụ già đang ngồi trên băng ghế ở bìa làng thì có một người tới hỏi:

– Những người dân trong làng này như thế nào ?

Cụ già hỏi lại:

– Thế những người trong ngôi làng trước đây của ông ra sao ?

Người đó trả lời:

– Họ rất tốt, quảng đại, và và giả như cụ có đến đó mà gặp khó khăn thì họ sẽ làm cho cụ tất cả những gì cụ cần.

Cụ già nói:

– Vậy tôi nghĩ rằng ông cũng sẽ thấy có nhiều người như thế trong làng này.

Ít lâu sau đó, lại có một người khác cũng tới gặp cụ già và hỏi cùng một câu hỏi như trước:

– Những người dân trong làng này như thế nào ?

Và cụ già cũng hỏi lại một câu y như cụ đã hỏi người thứ nhất:

– Thế những người trong ngôi làng trước đây của ông ra sao ?

Người đó trả lời:

– Đó là một nơi kinh khủng. Thật sự là tôi rất mừng vì đã rời khỏi nơi đó. Người dân nơi đó keo kiệt, không tốt và nếu cụ đến đó mà gặp khó khăn thì chắc là cụ sẽ không gặp được ai nhấc một ngón tay để giúp cụ đâu.

Cụ già nhìn người khách là và hóm hỉnh trả lời:

– Tôi e rằng ông cũng sẽ gặp rất nhiều người như thế trong làng này.

Điểm chính yếu mà tác giả trong câu chuyện muốn chia sẻ với chúng ta là: “ Nếu chúng ta nhìn người khác không như họ lànhư chúng ta là thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều thảm họa cho cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta nhìn người khác bằng cái nhìn xấu thì đó là dấu hiệu cho thấy rằng chính chúng ta đang có rất nhiều bất ổn. Một người không có sự bình an nơi chính mình thì sẽ rất dễ dàng gây sự với những người chung quanh mình”.

Người ta kể một giai thoại về Mẹ Têrêsa Calcutta. Một lần kia trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Mẹ Têrêsa phải đối diện với một phỏng vấn viên không mấy thiện cảm đối với Giáo Hội Công giáo. Ông ta đặt cho mẹ Têrêsa câu hỏi:

– Bà yêu thương và phục vụ người nghèo, tốt lắm, thế còn bao nhiêu của cải của toà thánh Vatican và Giáo hội thì sao ?

Mẹ Têrêsa là một người thành thực đến độ thẳng thắn mà không phật lòng người đối diện. Mẹ nhìn thẳng vào mắt người phóng viên và nói với ông:

– Ông quả là người không được hạnh phúc, có một cái gì đó đang gặm nhấm tâm hồn ông, ông không có sự bình an trong tâm hồn.

Lời nói đơn xơ và thành thực của Mẹ Têrêsa như mũi tên phóng vào tim người đối diện khiến ông để lộ rõ sự bối rối trên khuôn mặt của ông. Không để mất cơ hội, Mẹ Têrêsa như người mẹ hiền ân cần lo lắng đã ôn tồn nói với ông:

– Tôi nghĩ rằng ông nên có đức tin.

Đến đây người phóng viên như cá cắn câu, ông thành thật hỏi:

– Tôi phải làm gì để có đức tin ?

Mẹ Têrêsa đáp:

– Ông hãy cầu nguyện và tôi cũng sẽ cầu nguyện cho ông. Ông hãy cố gắng mỉm cười với những người xung quanh ông, một nụ cười có thể đánh động người khác, một nụ cười có thể cho chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta.

Quả nếu chúng ta không yêu thương chính mình, chúng ta cũng không thể yêu thương người khác. Vậy trước hết, chúng ta phải yêu thương chính mình và phải yêu cho đúng đúng cách, bằng không thì chúng ta sẽ chẳng có đủ khả năng để yêu thương người khác như Chúa mong muốn.

Có người bảo rằng yêu mình là sai, thậm chí còn là một điều tội lỗi. Dĩ nhiên, có một hình thức tự ái không đúng. Chúng ta gọi nó là sự ích kỷ hoặc cố chấp. Nhưng có một hình thức yêu mình có ích lợi và nếu không có nó chúng ta không thể thật sự yêu thương người khác.

Chúng ta không thể bay mà không có cánh. Chúng ta không thể lớn lên mà không có gốc rễ. Chúng ta không thể sưởi ấm cho người khác nếu lò sưởi của chúng ta lạnh lẽo và trống rỗng. Chúng ta chỉ có thể yêu với mức độ tình yêu chúng ta có nơi chúng ta.

Thật là dễ dàng khi yêu một người nào đó mà họ dễ thương. Nhưng không dễ yêu một người nào đó khi họ có khuyết điểm một cách rõ ràng và hiển nhiên. Đó là một trắc nghiệm về tình yêu thật sự. Nơi nào không có tình yêu, hãy gieo rắc tình yêu và bạn sẽ được hưởng tình yêu. Nơi nào không có tình yêu, hãy đặt tình yêu, và bạn sẽ khám phá ra tình yêu.

Vâng đó là điều Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay. Amen.

Chúng con thân mến!

Lời Chúa chúng con vừa nghe nói về luật yêu thương.

Ai trong chúng con trong nhà có máy vi tính, chúng con giờ tay lên cho cha coi.

Chúng con sử dụng máy vi tính bao giờ chưa ?

Ai trong chúng con đã vào trang mạng Google giơ tay cho coi. Google là một trang mạng tuyệt vời. Chúng con thử vào trang mạng Google rồi chúng con thử đánh vào hộp tìm kiếm từ tình yêu xem nó cho kết quả như thế nào. Ngày hôm nay 22 tháng 10 năm 2017 cha vào thử trong vòng 0,51 giây máy cho cha kết quả khoảng từ tình yêu đã được sử dụng đến 55.700.000 lần. Tiếng Anh Love khoảng 7.970.000.000 lần. Nếu tìm kiếm thêm một chút thì cha thấy Vàng có khoảng 151.000.000 kết quả (Gold: khoảng 3.210.000.000 (1,03 giây), và tiền thì được khoảng 220.000.000 kết quả trong vòng 0,57 giây (money 2.750.000.000 kết quả (0,55 giây)

Như vậy thì cha thấy từ tình yêu đối với người Việt mình thì không bằng vàng và tiền. Nhưng với người ngoại quốc thì từ Love được nhiều người quan tâm hơn, con số lên đến 7.970.000.000 kết quả, nhiều hơn cả Gold và Money.

Tại sao lại có sự khác biệt như thế chúng con ?

Theo cha thì có lẽ những người Tây phương đã giàu có nên họ cần love hơn là Goldmoney. Còn người Việt chúng ta vì còn phải sống nghèo nên vẫn còn luẩn quẩn với những gì cụ thể nhất là tiền và vàng.

Hôm nay nhân có câu hỏi của một người Luật sĩ: “Thưa Thầy, trong các giới răn, giới răn nào là quan trọng nhất ?”(Mt 22,36), Chúa Giêsu đã trả lời ngay: “Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môisê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”(Mt 22,37-40).

Luật yêu thương của Chúa gồm hai vế: Thứ nhất là mến Chúa. Thứ hai là yêu người.

1. Trước hết là mến Chúa. Tại sao vậy ? Tại vì Thiên Chúa là Chúa của mọi loài. Ngài dựng nên và là Chúa yêu thương mọi loài. Thiên Chúa còn là chủ thể, là đấng duy nhất cao cả, không ai có thể sánh bằng. Ngài là nguồn mạch sự sống và là mục đích của muôn loài muôn vật. Vũ trụ chỉ tồn tại trong Ngài. Vì thế ta phải yêu mến Ngài trên hết mọi sự.

Nhưng thử hỏi làm sao mà biết được Chúa yêu thương ? Cha kể cho chúng con một thí dụ.

Chúng con hãy đặt tay lên ngực của chúng con xem, đặt và chỗ trái tim. Trái tim người bình thường đập 72 lần/phút tức 103.680 lần trong 1 ngày.

Mỗi lần tim đập, nó bơm được 0,143 lít máu đi khắp cơ thể, tức là một phút nó bơm được 10 lít máu, 1 giờ được 615 lít, 1 ngày được 14.725 lít máu.

Nếu trái tim không làm việc thì chúng con có sống được không ? Cha hỏi ai làm cho trái tim làm việc không ngừng nghỉ vậy ? Làm việc suốt cả ngày lẫn đêm không nghỉ ngơi một tí nào. Lạ thật! Ai làm vậy chúng con ?

Rồi chúng con đưa tay lên thử bịt mũi lại xem sao. Chúng con thấy gì ? Ồ! không được thở! Không được thở thì sao ?”Tịch” là chết chứ làm sao.

Bình thường chúng con thở 23.000 lần một ngày, hít vào khoảng 12.000 lít không khí, khoảng 2400 lít oxy. 12.000 lít không khí! Chúng con đã thấy cái thùng phuy bao giờ chưa ? Mỗi thùng phung chứa được 200 lít. Như vậy 12.000 lít là 60 thùng phuy không khí mỗi ngày. Cha hỏi chúng con ai cho mình không khí để mình thở vậy. 60 thùng phuy chứ đâu phải ít. Chúng con đã thấy mấy người kiệt sức người ta phải thờ bằng oxy chưa. Cha không biết giá mỗi bình oxy như vậy là bao nhiêu. Nếu mỗi ngày chúng con phải bỏ tiền ra mua 2400 lít tức là 12 thùng phuy oxy để thở thì chắc là không chịu nổi. Vậy cha thử hỏi ai cho chúng ta mỗi ngày 12.000 lít hay 60 thùng phuy không khí trong đó có 2400 lít oxy để thở vậy ? Gia đình chúng con đã bao giờ phải bỏ tiền ra mua không khí để thở chưa ? Không có không khí để thở, chỉ trong vòng 6-7 phút mình tiêu đời rồi! Ai cho vậy chúng con ?

– Chúa cho.

Chúa chẳng bắt chúng ta trả một xu nào!

Tại sao Chúa cho như thế ? Vì Chúa thương.

Chúng con hãy nghe thêm một câu chuyện nữa.

Chuyện kể rằng một hôm kia có chàng thanh niên vào rừng đốn củi. Đến trưa nhọc mệt, anh ta nằm nghỉ dưới gốc một cây đa cổ thụ, nhìn lên cành lá rườm rà, song quả đa nhỏ xíu. Anh nghĩ sao cây thì khổng lồ mà trái nó thì nhỏ xíu. Tôi mà là ông Trời, tôi cho nó mang trái lớn như trái bí và lá to như lá chuối, như thế mới cân xứng. Trong lúc đó thì thân cây bí yếu ớt mà phải mang trái lớn, cây thuốc không cứng rắn mà phải mang lá to như tấm phên. Quả ông Trời thiếu khôn ngoan! Hay là không có ông Trời, mọi vật đo ngẫu nhiên mà có chăng ?

Miên man nghĩ như vậy, anh thiếp ngủ lúc nào không hay. Đang lúc ngủ say, một cơn gió lớn thổi mạnh làm rớt xuống giữa sống mũi anh một quả đa. Anh giật mình thức giấc, vừa xuýt xoa vừa nghĩ:

– May quá! Phải chi trái đa lớn như trái bí thì kể như bữa nay ta tận số rồi! Hèn chi người ta nói: Trái dừa rớt bao giờ cũng tránh người!

Chúa còn yêu thương chúng ta bằng sự quan phòng của Người nữa’

Hãy biết cảm tạ Thiên Chúa và yêu thương Người luôn luôn.

2. Tiếp đến là yêu người. Chúa bảo: “Yêu người như chính mình”.

Ta nói yêu mến Thiên Chúa, điều đó khó mà biết được, nên Thiên Chúa đã ràng buộc điều răn mến Chúa vào điều răn yêu người. Yêu người là bằng chứng yêu mến Chúa. Như vậy mến Chúa yêu người chỉ là hai khía cạnh của cùng một giới răn.

Tình yêu đối với mọi người cho chúng ta thấy tình yêu đối của mình đối với Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta nhận được từ nơi Người: Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4,20-21).

Một vị vua không có con nối dõi ngai vàng, nên cho truyền rao khắp nước mời gọi những người đàn ông ưu tú đến để ngài chọn. Ngài đưa ra tiêu chuẩn là kẻ ấy phải có lòng “mến Chúa yêu người”.

Một thanh niên thấy mình có điều kiện nhưng khổ nỗi anh quá nghèo đến mức không có áo quần tươm tất, cũng chẳng có tiền mua sắm thức ăn để đi dự thi. Anh cầu xin Chúa giúp anh. Và sau đó anh đi ăn mày được quần áo và lương thực cần thiết.

Khi đến gần cung điện đức vua, anh mệt mỏi quá nên ngồi nghỉ. Ngay lúc đó anh trông thấy một ông lão ăn xin nghèo. Ông chìa tay xin anh:

– Tôi đói và lạnh quá! Xin cậu thương . . .

Anh nhìn ông lão, lòng vô cùng xúc động. Anh liền cởi chiếc áo lành lặn của anh đổi lấy tấm áo rách tả tơi của cụ, trao cho cụ phần lương thực dự trữ cho chuyến trở về của mình.

Và anh đi vào đền vua. Vừa đến trước mặt vua, anh cúi đầu sâu chào ngài. Khi ngước mắt lên, anh không thể tin nổi mắt anh. Anh thốt lên:

– Thế ra bệ hạ là lão ăn mày lúc nãy ?

– Đúng vậy.

Anh ta ngạc nhiên hỏi:

– Sao bệ hạ làm thế ?

– Vì trẫm muốn thử xem ngươi có thật lòng “mến Chúa yêu người” không.

Xin Chúa cho chúng ta biết sống luật yêu thương của Chúa để chúng ta được xứng đáng với tình yêu Chúa dành cho chúng ta mỗi ngày.

Chúng con hãy sống yêu thương như Chúa dạy, chúng con sẽ thấy mình hạnh phúc.

Hôm nay, ngày CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO, Hội Thánh muốn chúng ta suy nghĩ về việc đem Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu đến cho anh em lương dân, để cho họ cũng được trở nên môn đệ của Chúa như chúng ta.

Theo Công đồng Vaticanô II thì chúng ta không thể sống đẹp lòng Chúa nếu không thao thức làm cho anh chị em lương dân trở thành môn đệ của Người. Vậy, chúng ta hãy nhìn lại lịch sử xem việc truyền giáo đã được thực hiện như thế nào để rồi qua đó chúng ta sẽ thấy được bổn phận chúng ta phải làm gì.

1. Trước hết là thời các Tông đồ,

Ngay sau khi Chúa Giêsu về trời, các tông đồ đã cất bước lên đường đi rao giảng TM khắp nơi như lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi” (Mt 28,19-20). Sách Tông Đồ Công Vụ đã cho chúng ta thấy các tông đồ ngay lập tức đã lên đường đi rao giảng Đức Giêsu trong các hội đường. (Cv 9,20)

Lý do các tông đồ nêu ra là: “Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho muôn dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết.(Cv 10,42)

Trong thư gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô nói:”Quả vậy, Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng.(1Cr 1,17)

Vì ý thức việc rao giảng Tin Mừng quan trọng như vậy nên các tông đồ đã hăng hái đi rao giảng khắp mọi nơi.

Đầu tiên là cho những người Do thái: “Từ đó ông Saolô cùng với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại Giêrusalem. Các ngài mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa.(Cv 9,28)

Sau đó các ngài đã đi khắp nơi.

Phêrô Phaolô đã sang đến tận Roma.

Tục truyền Toma đã sang tới tận Ấn Độ.

“Ông Philipphê xuống một thành miền Samaria và rao giảng Đức Kitô cho dân cư ở đó.(Cv 8,5) Các ngài “Rao giảng lời Chúa tại Pécghê, rồi xuống Áttalia.(Cv 14,25) Các ông đi qua miền Phyghia và Galát, rao giảng lời Chúa ở Axia.(Cv 16,6)

Các ngài rao giảng rất mạnh dạn.(Cv 28,31) và sẵn sàng chịu mọi khổ nhục vì Chúa Kitô;

Sau thời các tông đồ Giáo Hội còn được chứng kiến thêm nhiều sứ giả khác tiếp tục công việc của các Ngài nhất là vào thời Trung Cổ. Từng đoàn, từng đoàn các nhà truyền giáo đã đi về phía Châu Mỹ. Một số đi về phía trời Đông. Một trong số những người này chúng ta phải đặc biệt nói đến một nhân vật mà Hội Thánh đã đặt làm bổn mạng các xứ Truyền Giáo. Người đó chính là Thánh Phanxicô Xaviê.

Tháng 4 năm 1541 ngài xuống tàu tại Lisbon và mãi 14 tháng sau mới đến được Goa bên Ấn Độ. Trong suốt 10 năm truyền giáo (1542-1552) ngài đã đi cả trăm ngàn cây số. Trong 7 năm đầu, ngài truyền giáo ở vùng Mũi Cormorin, sau đó ở Ceylan, Malaysia và từ đó đến Indonesia

Rồi trong vòng 2 năm (1549-1551) ngài đã thành lập một cộng đoàn tín hữu ở Nhật Bản; trước khi ra đi, ngài trao lại cho một Linh mục Bồ đào Nha; 20 năm sau, cộng đoàn này đã lên đến 30 ngàn người. Cuối cùng vì muốn vào Trung Hoa truyền đạo, ngài đã đến đảo Thượng Xuyên ngay cửa khẩu Quảng Châu, để chờ thuyền lén lút đưa ngài vào Trung quốc. Tiếc rằng tại đây ngài ngã bệnh và qua đời. Vài tuần lễ sau, người ta từ Goa đến tìm xác ngài, đem về Goa để chôn cất.

Chúng ta cũng không thể không nói tới những nhà truyền giáo đã đi về hướng Châu Phi. Một nhân vật mà chúng ta không thể quên đó là BÁC SĨ ALBERT SCHWEITZER

“Tôi đã bỏ địa vị Giáo sư tại Đại Học Strasbourg, bỏ công việc tìm tòi khảo cứu khoa học của tôi, bỏ thú tiêu khiển ưa thích nhất của tôi là chơi đàn phong cầm để ra đi hành nghề bác sĩ tại các vùng nhiệt đới Châu Phi.

Vào năm 1952, nhà truyền giáo và là bác sĩ Albert Schweitzer đã nhận được giải thưởng Nobel về hòa bình.

Phải nói rằng những cuộc truyền giáo đã đem lại những kết quả hết sức tốt đẹp.

2. Sau đó Giáo Hội được bổ sung bằng một hình thức truyền giáo khác âm thầm hơn, lặng lẽ hơn nhưng cũng hiệu quả không kém: Đó là truyền giáo bằng cầu nguyện và hy sinh. Đại diện cho hình thức truyền giáo này là thánh Têrêsa HDGS.

Dù chỉ là một nữ tu dòng kín, chị đã khát khao trở thành một vị truyền giáo đi tới hang cùng ngõ hẻm của trái đất bao la này! Nguyện ước này đã được bề trên chấp thuận với chương trình gửi chị qua dòng kín Sài Gòn, Việt Nam nhưng ý Chúa nhiệm mầu! Chị đã ngã bệnh lao phổi trầm trọng…. và giã từ cuộc sống này lúc vừa tròn 24 xuân xanh.

Trước giờ chết, chị đã nói như tạm biệt cộng đoàn: “Tôi không chết, tôi bước vào cõi sống”. Và như một vị tiên tri, chị nói với mẹ Bề Trên;” A! Con biết lắm, rồi cả thế giới sẽ yêu thương con”. Liền sau cuộc mai táng tại nghĩa trang của thị trấn, có một trận mưa hoa hồng ngay trên mộ của nữ tu trẻ tuổi này, vì chị đã hứa: “Tôi về trời, là để làm điều tốt cho thế gian”.

Tại Paris nhân ngày Đại hội giới trẻ thế giới lần thứ 12 (21-24.8) năm 1997, ngày bế mạc Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã loan báo: Giáo Hội sẽ tôn phong thánh Têrêsa lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh vào ngày Chúa nhật Truyền giáo 19.10.1997.

Như vậy qua việc đặt Têrêsa HDGS làm bổn mạng và phong Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh GH đã công khai thừa nhận việc hy sinh và đời sống cầu nguyện cũng có một giá trị truyền giáo không kèm gì việc ra đi truyền giáo như các tông đồ thuở xưa.

3. Việc truyền giáo hôm nay.

Ngày nay việc truyền giáo còn được làm phong phú hơn bằng một phương pháp mới: Truyền Giáo bằng chứng tá của cuộc sống.

Khi các nhà truyền giáo Công giáo hỏi ý kiến ông Gandhi về việc họ phải làm gì để các người theo đạo Hinđu chấp nhận bài giảng trên núi của Đức Giêsu. Ông Ganđhi trả lời: “Các ông hãy nghĩ về bí quyết của những bông hoa hồng. Mọi người đều yêu thích chúng, vì ngoài vẻ đẹp và màu sắc sặc sỡ, hoa còn tỏa ra mùi thơm thoang thoảng như diệu kỳ của nó. Vậy các ông hãy “tỏa hương thơm!”

Đức Thánh Cha Phao-lô VI đã thật chí lý khi nói rằng: “Con người thời đại chúng ta thích nghe các chứng nhân hơn là các bậc thầy, hoặc nếu có nghe các bậc thầy thì chính vì những vị thầy này là chứng nhân”

Người đại diện nổi bật nhất và cũng là mẫu mực nhất của việc truyền giáo bằng phương pháp này chính là mẹ thánh Têrêsa Calcutta.

Ngày nay, công việc của Dòng Bác Ái Truyền Giáo thì nhiều loại và được chia ra như sau:

Việc Tông Ðồ qua những lớp Giáo Lý, học hỏi Kinh Thánh, nhóm hoạt động Công Giáo, và thăm viếng bệnh nhân, người già và tù nhân.

Chăm Sóc Y Tế qua các nhà thương, bệnh viện người cùi, những em bị tật nguyền tâm lý và thể lý, những người hấp hối và tuyệt vọng, người bị bệnh AIDS và ho lao, những trung tâm suy dinh dưỡng và những bệnh xá lưu động.

Việc Giáo Dục qua các trường tiểu học trong các khu nhà nghèo, lớp dạy may cắt, lớp thương mại, lớp cho người tàn tật, lớp mẫu giáo ở làng, và những chương trình giữ trẻ.

Dịch Vụ Xã Hội qua chương trình an sinh và giáo dục trẻ em; giữ trẻ; nhà cho người vô gia cư, người nghiện rượu và thuốc sái; nhà cho những người mẹ không chồng; nơi tạm cư ban đêm; và trung tâm dạy điều hoà sinh sản.

Dịch Vụ Cứu Tế qua những trung tâm thực phẩm và quần áo…

Một nhà truyền giáo tại Ấn Độ, ông Gordon Marsuel đã xin một tín đồ Ấn độ giáo, đến sống bên cạnh để dạy ông học tiếng bản xứ. Nhưng tín đồ Ấn này từ chối, anh ta nói:

– Thưa Ngài, tôi không thể đến dạy tiếng bản xứ cho ngài, vì lẽ tôi không muốn trở thành Kitô hữu.

Nhà truyền giáo trả lời:

– Tôi muốn học tiếng bản xứ để có thể giao tiếp với những người chung quanh để hiểu biết họ hơn, chứ không nhằm bắt họ trở lại với đạo Chúa.

Nhưng người tín đồ Ấn giáo đáp lại:

– Thưa ngài, tôi biết vậy. Nhưng đối với tôi, tôi nhận thấy rằng: không một ai có thể sống bên cạnh ngài mà không bị ngài cảm hóa để tin vào Chúa. Tôi không thể dạy ngài vì tôi đã nghĩ, không thể nào sống bên cạnh ngài mà không trở thành Kitô hữu.

Chúng con thân mến,

Hôm nay là ngày Chúa nhật Truyền giáo.

Truyền giáo là gì chúng con ?

I. Chúng con vẫn nghe thấy người ta nói truyền thanh, truyền hình. Truyền thanh là truyền âm thanh. Cha nhớ lại ngày xửa ngày xưa khi cha còn nhỏ, nhỏ như chúng con cha và mấy đứa bạn của cha lấy hai cái ống lon sữa bò…lấy một miếng bong bóng heo bịt lại rồi xỏ giây vào hai đầu…rồi giăng ra….rồi nói với nhau.

Giờ thì chúng con thấy khác xưa rất nhiều….người ta không truyền bằng dây đay mà là bằng giây kim loại. Ở nhà chúng con ai có điện thoại giơ tay cha coi. Rất hay…. Điện thoại là truyền cái gì hả chúng con ? Truyền âm thanh. Rất trúng. Bây giờ còn hơn truyền thanh …truyền gì nữa chúng con ? Truyền hình….Rất trúng.

Lúc đầu cha nhớ …chỉ có hình trắng đen…..nhưng bây giờ thì hình mầu…đẹp “hết biết” luôn. Và trong tương lai không xa người ta còn muốn truyền cả mùi nữa…Thật là kỳ diệu.

Cha hỏi chúng con muốn truyền như thế thì trước hết người ta phải làm gì nào chúng con ?

Phải thu…..phải thu thanh, phải thu hình.

Thỉnh thoảng nghe đài chúng con thấy người ta bảo truyền thanh, truyền hình trực tiếp. Trực tiếp nghĩa là làm sao ? Nghĩa là thu một cái rồi phát ngay. Người nghe hay người xem có thể thấy ngay những gì đang diễn ra ở một nơi nào đó trên thế giới này. Ai cho cha một thí dụ xem nào.

Thí dụ cụ thể nhất là bóng đá hay thế vận hội vvv. Ở một nơi nào đó trên thế giới, các cầu thủ đang tranh tài ở trên sân cỏ, dù ở xa thật xa vậy mà đài truyền hình mang tất cả các hình ảnh thật sống động đó tới mình ngay làm cho mình có cảm tưởng là mình cũng đang có mặt để tham dự trận cầu đó vậy. Hay qúa phải không chúng con ?

II. Bây giờ cho nói về truyền giáo. Nếu có ai hỏi cha truyền giáo là gì thì cha có thề trả lời thật dễ hiểu như sau: Là đem Chúa đến cho người khác. Đem Chúa đến cho những người chưa biết Chúa.

Chúa Giêsu ngày xưa đã làm điều này trước tiên.

Thiên Chúa Cha là Đấng mà chẳng ai có thể biết được. Vậy mà Chúa Giêsu đã làm cho người ta biết được Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu làm hay lắm. Chúa vừa nói vừa làm. Chúa nói để người ta biết có một Thiên Chúa yêu thương con người. Rồi Chúa sống những lời Chúa dạy để qua cuộc sống của Chúa, người ta thấy được hình ảnh của Thiên Chúa Cha, một Thiên Chúa là tình yêu, luôn yêu thương hết mọi người.

Đây là một số thí dụ nhờ Chúa Giêsu mà người ta nhận ra được Thiên Chúa. Người ta thấy Thiên Chúa qua Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nói: “Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.(Ga 6,46)

Chúng con nhớ lại câu chuyện của Philipphê trong Tin Mừng Gioan Chương 14,8-11: Ông Philípphê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện. “Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha” ? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm”

Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.

Đó chúng con thấy, Chúa Giêsu làm cho người ta thấy Thiên Chúa Cha.

Hôm đó Chúa cùng đi với các môn đệ của Chúa trên một con thuyền. Bỗng nhiên sóng gió bão táp nổi lên. Chúa dẹp yêu sóng gió bão táp ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Chúa và nói: Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”(Mt 14,33)

Ông Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!” (Ga 1,49)

Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)

Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giêsu đều rất đỗi sợ hãi và nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.” (Mt 27,54)

Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!”(Mc 3,11) và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông ? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!”(Mc 5,7)

Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Chúa tắt thở trên Thánh Giá lạ lùng quá liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.” (Mc 15,39)

Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Kitô.(Lc 4,41)

Thấy Đức Giêsu, anh la lên, sấp mình dưới chân Người, và lớn tiếng nói rằng: “Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông ? Tôi xin ông đừng hành hạ tôi!” (Lc 8,28)

Mọi người liền nói: “Vậy ông là Con Thiên Chúa sao ?” Người đáp: “Đúng như các ông nói, chính tôi đây.”(Lc 22,70)

Nghe vậy, Đức Giêsu bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.” (Ga 11,27)

Bây giờ đến lượt chúng ta. Muốn đem Chúa đến cho người khác chúng ta phải làm gì ? Trước hết phải biết Chúa trước. Cũng giống như người ta muốn truyền thanh, truyền hình thì phải thu trước. Thu bằng cách nào chúng con ? Thưa bằng cách học về Chúa.

Không có thì không cho được. Muốn cho thì phải có.

Vậy phải biết Chúa trước đã.

Rồi thì phải làm gì tiếp theo ?

Có thể có nhiều cách nhưng cách tốt nhất và có thể mang lại nhiều kết quả nhất đó lá cách làm chứng. Làm chứng bằng chính đời sống tốt đẹp thánh thiện của mình. Cha kể cho chúng con câu chuyện này:

Linh mục NATARINÔ ROCHKY, một thừa sai người Italia làm việc truyền giáo lâu năm ở Nhật Bản, đặc biệt là Ngài làm Cha sở họ đạo Elsaye. Cách thủ đô Tôkyô khoảng 100 km. Ngài kể lại câu chuyện sau đây: “Có một giáo sư đại học trẻ tuổi người Nhật xin gặp tôi mỗi tuần 2 buổi tối để thảo luận về các vấn đề tôn giáo và Phúc Âm, mặc dù ông chưa phải là tín hữu Công giáo. Những thảo luận như vậy kéo dài hơn một năm trời. Vị giáo sư này trình bày cho tôi những nghi ngờ, thắc mắc về đạo, đồng thời ông cũng xin tôi giải thích thêm về Phúc Âm, về Giáo hội và về luân lý của đạo công giáo.

Sau hơn một năm, tôi cảm thấy vị giáo sư thông minh đó có vẻ sẵn sàng đón nhận Bí Tích Thánh Tẩy, nên tôi hỏi ông có muốn được rửa tội và gia nhập vào Hội thánh Công Giáo hay không. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông từ chối cách lịch sự. Và từ đó, tôi không thấy không lui tới với tôi nữa… Bẵng đi hơn 10 tháng, khi tôi hầu như đã quên đi vị giáo sư đó, thì một hôm. Ông trở lại gặp tôi và nói:

Thưa Cha, Cha đã thuyết phục được con. Bây giờ con sẵn sàng đón nhận Bí Tích Rửa tội và con cũng đã chuẩn bị cho vợ con cũng như hai đứa con của con.

Nghe đến đây, tôi rất ngạc nhiên. Tôi hỏi ông điều gì đã khiến ông thay đổi ý kiến như thế. Ông ta đáp:

– Trong những tháng qua, con đã âm thầm quan sát xem Cha đã sống như thế nào. Cha đã từng nói với con rằng Cha thường dâng thánh lễ một mình trong nhà thời mỗi ngày lúc 7 giờ sáng. Đó cũng là giờ con ra ga xe lửa để đến Tôkyô dạy học, vì thế con vẫn có dịp đi qua Nhà thờ của Cha. Con dừng lại một lát nhìn Cha qua cửa sổ, xem Cha làm gì trong đó. Bao giờ con cũng thấy Cha trong Nhà thờ và cầu nguyện thật sốt sắng. Ngoài ra, con cũng dò hỏi nhiều người về cách sống của Cha. Qua các cuộc điều tra đó, con thấy quả thật Cha đã tin và đã sống những điều Cha đã chia sẻ cho con về đạo. Xét về mặt kiến thức thì con đã xác tín về sự thật Tin Mừng, nhưng con muốn xem Cha có sống Tin Mừng thực sự hay không”.

Đúng là cha Cha Rochky đã làm cho ông giáo sư này thấy được Đạo qua cách sống cua cha. Không những cha đã truyền giáo bằng lời nói, giảng dạy, nhưng còn bằng cuộc sống thường ngày của cha nữa chúng con. Cha chúc chúng con cũng làm được như thế.